RỪNG DẦU TÂN LÝ
Nay còn sót lại một cụm rừng nguyên sinh khoảng trên ba hecta loại cây dầu lông ở gần khu Mã Thánh, thuộc làng Tân Lý (Tân Bình- La Gi). Những cây cổ thụ loại dầu lông có đến tuổi trên trăm năm, chứng nhân sự biến thiên của một vùng đất đang chuyển dần đến ngưỡng cửa đô thị hóa. Dầu lông còn gọi là dầu rái, dầu bao, chò lông…có cây cao đến 40 mét, tán rộng và đường kính khoảng 80cm. Còn có loại cây dầu cát, lá nhỏ hơn dầu lông, mặt lá mịn trơn, thích hợp trên vùng đất cát. Người dân địa phương Tân Hải, Tân Thiện trước đây sống nghề khai thác dầu bằng cách khoét ở phần gốc của thân cây làm miệng lấy nhựa dầu để bán cho ngư dân đóng thuyền, phủ lên vật dụng tre mây. Cách quản lý ngày xưa bằng sự tự giác của người dân trong vùng, miệng dầu của ai nấy lấy, dù trong rừng vắng mà không trộm cắp của nhau. Có khi phải dùng vỏ cây tràm đốt lên để kích thích nhựa chảy ra nhiều hơn. Dầu lông là nguồn nguyên liệu đặc biệt và không thể thiếu của một thời chưa tiếp xúc với những điều kiện khoa học hiện đại.
Dầu lông trộn với vỏ tràm, bó thành cây dài đến một mét làm đuốc thắp sáng. Dầu lông là một loại keo chống thấm đặc biệt, bảo vệ chất gỗ, tre rất bền bĩ được ngư dân dùng xảm ghe thuyền, trét thúng chai theo kinh nghiệm nhiều đời. Những hợp chất công nghệ sau này vẫn chưa làm mất đi sự tin cậy của ngư dân địa phương trong sử dụng bảo quản ghe thuyền. Nước dầu lông dẻo trong ngần tựa mật ong và khi được trộn với bột chai rừng sẽ tạo thành vỏ bọc chống thấm, chống rỉ sét cho ghe thuyền không thua gì lớp composit hay loại sơn công nghiệp ngày nay. Chỗ khe ghép ván gỗ hay lỗ niêm mộng tán đóng ghe thuyền cũng phải cần đến dầu lông. Hình ảnh cây dầu lông với thân cây xù xì, mang nếp nhăn nheo của thời gian đã thấm đậm trong đời sống ngư dân La Gi. Bởi đây là một loại sản vật rừng truyền thống và tính sáng tạo từ tiềm năng thiên nhiên phong phú của địa phương.
CÂY ME TÂY TUỔI ĐẦU BÌNH TUY
Đây là một cổ thụ được trồng cùng lúc xây dựng Tòa hành chánh thuộc khu vực tỉnh lỵ Bình Tuy vào năm 1958, nay là trụ sở Ủy ban nhân dân thị xã La Gi. Như vậy, đến nay đã gần 60 năm. Cây có tên Me Tây còn gọi là muồng ngũ, cây còng, thuộc họ đậu (Fabaceae) gốc từ châu Mỹ. Loại cây này thường được trồng ở không gian rộng vì có tán lớn, sum suê bóng mát, hoa li ti vàng đỏ.
Trong qui hoạch đô thị dưới chế độ cũ, khu vực này trước đây nguyên là rừng già rậm rạp có các địa danh lịch sử Láng Đá, Láng Cát, Bưng Cần Câu…được chọn làm khu hành chánh tỉnh mới thành lập. Các con đường chính lấy giống Me Tây làm chủ đạo trên thiết kế cảnh quan công viên, dinh thự được bố trí song song với 2 trục đường dọc công viên Nguyễn Huệ ngày nay tạo nên những mảng xanh hài hòa, thông thoáng. Nhưng hiện nay chỉ còn lẻ loi một cổ thụ Me Tây này để người ta liên tưởng đến “bóng câu” thời gian và có thể nhẫm tính về chặng đường phát triển kinh tế xã hội đã tạo nên diện mạo mới của La Gi ngày nay.
PHAN CHÍNH
Có lẽ nên bảo tồn các giống cây dầu lông, cây me tây ở trên chăng?
Trả lờiXóaDVD sang thăm nhà, thưởng thức bài đăng hay, chúc PĐ cuối tuần an lành! :)
http://nhanvanblog.com/upload/20455/fck/l%C3%A0m%20m%E1%BB%99t%20%C4%91%C3%B3a%20sen%20xanh%20tr%C6%B0%E1%BB%9Bc%20Ph%E1%BA%ADt.gif
Trả lờiXóaNhà thờ Tân Lý 1958. Ảnh My Le
http://lagitravel.com/wp-content/uploads/2017/08/nha-tho-tan-ly-1956.jpg