Trang

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2024

RAU TẦN, RAU TẢO CÓ PHẢI LÀ ĐỒ CÚNG TẾ NGÀY XƯA Ở TRUNG HOA KHÔNG? La Thụy sưu tầm và biên tập


                                        Một loại rau Tần: 
Rau bợ nước

Tôi chia sẻ STT “Nguồn gốc hai chữ ‘tảo tần’ của trang face “Chiết tự chữ Hán” vào trang face của tôi. Nội dung phần đầu của STT đó như sau:
 
  “ ‘Tảo tần’là một từ để chỉ đức tính đảm đang, chịu thương chịu khó, thường là của phụ nữ. Nhưng nguồn gốc của từ này là như thế nào?
‘Tảo tần’, chữ Hán viết là 藻蘋, trong đó:
     - TẢO  là rong rêu, chỉ chung các thứ cỏ mọc ở dưới nước. Như “hải tảo” 海藻 là rong biển.
     - TẦN  còn đọc với âm "bình", có lẽ TẦN là một loại rau lục bình nổi trên mặt nước, ta thường gọi là bèo.
 Như vậy, ‘tảo tần’ là rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Do đó người vì đạo hiếu với tổ tiên mà lặn lội đi tìm rau tảo rau tần là người đảm đang, đáng khen ngợi.....”
 
Khi tôi chia sẻ bài này lên trang face của tôi, nhiều bạn vào ghi còm, khen chê và thắc mắc đủ cả. Đặc biệt có một bạn ghi còm như sau:

“Đúng là lươn lẹo suy luận cách ngờ nghệch khi tần, tảo là những thứ rau cỏ mọc hoang kém giá trị mà dám bảo đem về thờ cúng !”.
 
Tôi trả lời bạn ấy:

“Những rau cỏ mọc hoang trong thiên nhiên đâu phải là những thứ kém giá trị, có khi là thảo dược quý hiếm có giá trị rất cao như: đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi... mà người ta săn lùng đỏ mắt và đang cố gắng đem về trồng trong vườn nhưng sản phẩm thu hoạch do người trồng có phẩm chất không bằng sản vật trong thiên nhiên.
TẢO và TẦN mà người phụ nữ Trung Hoa xưa vất vả tìm kiếm và thu hái để cúng tế, hẳn là loại TẢO và TẦN đặc biệt có ý nghĩa và giá trị cao chứ đâu phải thứ tảo và tần vô giá trị, bạ đâu vơ nấy...”
 
Hôm nay, tôi viết bài này, tìm từ thư tịch cổ nói về việc người phụ nữ Trung Hoa thuở xưa hái rau Tảo, rau Tần đem về cúng tế. Việc khác nữa, tra cứu các loại rau Tần, rau Tảo đó có giá trị không!
 
1/ Phụ nữ Trung Hoa thuở xưa hái rau Tảo, rau Tần để cúng tế:

Trong cuốn “Hán Việt từ điển giản yếu”, học giả Đào Duy Anh đã giảng từ “tảo tần” như sau: “rau tảo với rau tần là thứ rau làm đồ tế [tức đồ cúng]. Kinh Thi có câu: Thái tần thái tảo là việc chuyên trách của người chủ-phụ [tức người đàn bà làm chủ trong nhà]”.
Trong thư viện.net có đăng ba bài thơ THÁI TẦN được cho là của Khổng Tử trong Kinh Thi ca ngợi người “vợ hiền dâu thảo”, chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên được Chu Hy chú giải. Xin nêu ra:

采蘋 1
 
于以采蘋?
南澗之濱。
于以采藻?
于彼行潦。
 
THÁI TẦN 1
 
Vu dĩ thái tần,
Nam giản chi tân.
Vu dĩ thái tảo,
Vu bỉ hành lão.
 
Dịch nghĩa
 
HÁI RAU TẦN 1
 
Thì để hái rau tần,
Ở bờ khe núi nam.
Thì để hái rong tảo
Ở chỗ nước mưa chảy cuốn nơi ngòi rãnh kia.
 
Chú giải của Chu Hy:
 
Chương này thuộc phú.
tần: rau lục bình nổi trên mặt nước, người Giang Đông gọi là bèo.
tân: bờ nước.
tảo: rong tụ, tảo ở đáy nước, cọng như ngọn cây thoa, lá như cỏ bồng.
hành lão: cái rãnh nước mưa chảy cuốn đi.
 
Nước ở phía nam chịu sự giáo hoá của Văn Vương, vợ của quan đại phu năng đi việc cúng tế, người nhà của nàng mới kể lại việc ấy mà khen tặng.
 
Người ta cho rằng, thành ngữ “buôn tảo bán tần” có xuất xứ từ bài thơ “Thái Tần1” (采蘋1) của Khổng Tử
 
采蘋 2
 
于以盛之?
維筐及筥。
于以湘之?
锜及釜。
 
THÁI TẦN 2
 
Vu dĩ thỉnh chi,
Duy khuông cập cử.
Vu dĩ tương chi,
Duy kỹ cập phủ.
 
Dịch nghĩa
 
Thì để đựng vào,
Ở trong cái giỏ vuông và cái giỏ tròn.
Thì để luộc nấu,
Ở trong cái nồi đồng ba chân hay nồi không chân.
 
Chú giải của Chu Hy:
 
Chương này thuộc phú.
khuông: cái giỏ vuông.
cử: cái giỏ tròn.
tương: nấu luộc sơ để gài làm dưa.
kỹ: cái nồi đồng có ba chân (giống như cái vạc nhỏ).
phủ: cái nồi đồng không cho chân.
Bấy nhiêu điều ấy đủ nhận thấy sự tuần tự thông thường và ý nghiêm kính chỉnh tề.
 
采蘋 3 
 
于以奠之?
宗室牖下。
誰其尸之?
有齊季女。
 
THÁI TẦN 3
 
Vu dĩ điện chi,
Tông thất dũ hộ (hạ).
Thuỳ kỳ thi chi ?
Hữu trai quý nữ.
 
Dịch nghĩa
 
Thì để đặt xuống
Ở dưới cửa sổ của nhà tông miếu.
Ai làm chủ cuộc tế lễ này ?
Có cô thiếu nữ kính cẩn.
 
Chú giải của Chu Hy:
 
Chương này thuộc phú.
 
điện: đặt để xuống.
tông thất: tông miếu, quan đại phu và quan sĩ tế ở tông miếu.
dũ hạ: góc tây nam trong nhà gọi là áo, tế ở dưới cửa sổ ở góc tây nam trong nhà.
thi: chủ.
trai: đáng kính cẩn.
quý nữ: thiếu nữ.
 
Trong lễ cúng tế, người chủ phụ đứng cúng tế, dâng lên những dĩa đựng dưa. Người chủ phụ (vợ chính) ấy trẻ trung lại kính cẩn thì càng thấy tính chất đẹp đẽ mà sự giáo hoá đã đến từ xa vậy
.
*
Tản Đà dịch gộp cả ba chương thiên Thái tần.
 
Đi hái rau tần
Ở gần bến khe
Đị hái rau tảo
Ở ngòi bên kia
Đựng vào những cái giỏ tre
Cái âu cái chã, ấy về nộm dưa
Dâng lên dưới cửa nhà thờ
Có cô bé nhỏ bây giờ đứng coi
Là người thành kính hơn ai.

*
Như vậy, các bài thơ THÁI TẦN trong Kinh Thi và chú giải của Chu Hy kể lại việc phụ nữ Trung Hoa thuở xưa hái rau Tần, rau Tảo về làm dưa, xào nấu ở trong cái nồi đồng ba chân hay nồi không chân. Trong lễ cúng tế, người chủ phụ đứng cúng tế, dâng lên những dĩa đựng dưa.     
Việc chế biến thức ăn, người phụ nữ Trung Hoa có thể để rau Tần, rau Tảo riêng biệt như một dược liệu, họ có thể pha trộn với thịt gia súc, gia cầm qua xào nấu hoặc làm món nộm (món gỏi) rau Tần, rau Tảo đặc biệt. Trong lễ vật cúng tế có thể có rau Tần, rau Tảo do phụ nữ hái lượm và thịt cầm thú do người đàn ông săn bắt...

*
Nhà thơ Hàn Dũ cũng nhắc đến rau Tần, rau Tảo và việc tế cúng trong bài thơ TƯƠNG TRUNG 湘中 trong dịp ông ghé sông Tương cùng sông Mịch La, cảm khái về nhà thơ Khuất Nguyên:
Mịch La là con sông nhỏ nhập vào sông Tương trước khi chảy vào hồ Động Đình. Xưa, Khuất Nguyên, người nước Sở cuối thời Chiến Quốc, là người yêu nước nhưng bị gian thần hãm hại đày đi Trường Sa. Trên đường đi, ông phẫn chí viết ra nhiều bài từ nổi tiếng còn lưu truyền tới nay. Khi qua sông Mịch La, ông nhảy xuống tự vẫn.
 
湘中
猿愁魚踊水翻波,
自古流傳是汨羅。
蘋藻滿盤無處奠,
空聞漁父扣舷歌。
          韓愈
 
TƯƠNG TRUNG

Viên sầu ngư dũng thuỷ phiên ba,
Tự cổ lưu truyền thị Mịch La.
Tần tảo mãn bàn vô xứ điện,
Không văn ngư phủ khấu huyền ca.
                                      HÀN DŨ
 
Dịch nghĩa
 
TRONG VÙNG SÔNG TƯƠNG
 
Vượn hú buồn, cá quẫy, sóng xô nhấp nhô,
Từ xưa đã lưu truyền về sông Mịch La này.
Nơi đây có nhiều rau Tần và rong Tảo mà không có nơi thờ ông,
Chỉ nghe tiếng ông chài gõ vào mạn thuyền mà hát.
                                                                                  HÀN DŨ.
 
Xét các từ ngữ liên quan trong bài thơ trên, ta thấy:

VÔ XỨ ĐIỆN 無處奠 : Không có nơi để tiến cúng
 VÔ : Không, không có
 XỨ: Xứ, nơi, chỗ
 ĐIỆN
Tiến cúng.
Bày đồ tế — Sắp đặt, bày biện
 
Rau Tần và rau Tảo là đồ cúng mọc đầy dẫy ra đó, thế mà Điện thờ (chỗ thờ cúng) Khuất Nguyên trên sông Mịch La này không có (thời điểm Hàn Dũ làm bài thơ TƯƠNG TRUNG 湘中)
 
TẦN TẢO ĐỂ TIẾN CÚNG LÀ LOẠI RAU CỎ CÓ GIÁ TRỊ KHÔNG ?
 
Khổng Tử đã viết: “hái rau tần, ở bờ khe núi nam. Hái rong tảo
ở chỗ nước mưa chảy cuốn nơi ngòi rãnh”. Vậy tẩn, tảo là loại rau cỏ mọc hoang dưới nước hoặc bên bờ.
 
Tìm hiểu qua từ điển:
 
 TẦN (Âm Hán Việt: bình, tần)
 
- Từ điển Thiều Chửu
Cỏ tần. Lá nó bốn cái chập làm một hình như chữ điền  nên lại gọi là điền tự thảo 田字草. Còn có tên là tứ diệp thái 四葉菜.
 
Trong bài viết “Ý nghĩa của từ ‘Tần tảo’ theo Tự điển Phật học” có những dòng như sau:

CỎ TẦN được cho rằng thuộc khoa Cỏ Chữ Điền [田字草, Điền Tự Thảo], lá nó bốn cái chấp làm thành hình chữ Điền [], là loại cỏ sống dưới nước lâu năm; là tên gọi của loài Cỏ Bồng, sống bềnh bồng trên mặt nước và cỏ Tảo (rong biển, tên gọi chung các thứ cỏ mọc dưới nước); đều là tên loại cỏ nước. Người xưa thường hái loại cỏ này để làm vật cúng tế, từ đó nó có nghĩa là vật phẩm cúng tế hay sự cúng tế.



Cỏ bồng

Về CỎ BỒNG thì một trang mạng cho biết:
 
Cây bồng mọc dưới nước, thân mềm, thẳng đứng, có bông là lúc cây bắt đầu già. Người miền Tây Nam bộ thường hái khi bồng bồng chưa ra bông, lúc ấy thân non vừa đủ ăn. Khi ăn, người ta bỏ hết lá và gốc, chỉ giữ lại thân nên nhìn thoáng qua, bồng bồng trông rất giống rau muống

https://danviet.vn/loai-co-co-ten-bong-bong-khong-can-trong-ma-moc-dai-len-nhu-nam-dan-mien-tay-hai-ve-an-khen-ngon-nuc-no-20211126143446381.htm

Nhà thơ Trần Huyền Trân có 2 câu thơ:
 
“Mưa bay trắng lá rau tần
Thuyền ai bốc khói xa dần bến mưa...”
 
Rau tần chưa hẳn đã là rau muống, nhưng Trần Huyền Trân vẫn dùng chữ đó để chỉ rau muống, loài rau mọc đầy dưới dòng sông mà mỗi sớm chiều người phụ nữ tần tảo bơi thuyền nhỏ ra hái để nuôi nấng chồng con.

 TẦN

- Từ điển Thiều Chửu

Cỏ tần. Lá nó bốn cái chập làm một hình như chữ điền  nên lại gọi là điền tự thảo 田字草. Còn có tên là tứ diệp thái 四葉菜

*
- Từ điển Trần Văn Chánh

Cây tần, rau bợ nước (Marsilia quadrifolia). Cg. 田字草 [tián zì căo]
 
Rau bợ hay Rau bợ nước, cỏ bợ, cỏ chữ điền (danh pháp hai phần: Marsilea quadrifolia L) là loài cây thuộc họ Rau bợ (Marsileaceae), đó là rau dại mọc khắp nơi, tập trung nhiều ở ao, rãnh, mương, hồ và đầm lầy.
Rau bợ là cây thảo thuộc loại cỏ bán thủy sinh, rất giống loài me đất, thân rễ mảnh bò ngang mặt bùn, có thân bò dưới đất, mảnh, chia thành nhiều mấu, mỗi mấu mang rễ và 2 lá có cuống dài. Lá có 4 thuỳ chéo chữ thập. Bào tử quả là cơ quan mang bào tử, mọc 2-3 cái một ở gốc các cuống lá, các bào tử quả này có lông dày. Mùa sinh sản tháng 5-6. Rau bợ ăn bùi, ngọt như rau ngót, có vị hơi chua của me, tanh giống diếp cá
 
Rau bợ nước

Rau bợ tuy là rau dại nhưng giá trị dinh dưỡng cao và là một dược liệu quý. Dân một số địa phương ở miền Bắc Việt Nam thu hái rau bợ quanh năm để làm rau sống, nấu canh ăn hằng ngày hoặc phơi khô dùng như trà thuốc có tác dụng giải nhiệt cơ thể, trị ngứa, rôm sảy mùa hè. Trong 100 g rau bợ có 4,6% protid, 1,6% glucid, 0,72% caroten vitamin C và cyclolaudenol, rau bợ có vai trò rất lớn trong phòng và trị bệnh đồng thời là nguồn nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon như rau bợ nấu với cá rô đồng.

https://vi.wikipedia.org/wiki/Rau_b%E1%BB%A3#:~:text=Rau%20b%E1%BB%A3%20hay%20Rau%20b%E1%BB%A3,m%C6%B0%C6%A1ng%2C%20h%E1%BB%93%20v%C3%A0%20%C4%91%E1%BA%A7m%20l%E1%BA%A7y.

Như vậy loại rau Tần (rau bợ) này được người Việt Nam nấu với cá rô đồng. Không rõ người phụ nữ Trung Hoa thời xưa dùng loại rau Tần này nấu chung với thực phẩm nào khác?

*
Vì TẦN có âm đọc khác là “bình” có nghĩa là bèo, nhưng tôi nghĩ bèo tấm hay lục bình không có giá trị cao để ngưởi phụ nữ Trung Hoa xưa ngâm mình lâu dưới nước để hái, vớt về cúng tế.
 
Tra từ điển về chữ “bình”, ta thấy

 BÌNH (còn đọc là Tần)

- Từ điển Thiều Chửu
Cỏ bình, một loài thanh hao trắng.
 
Cây thanh hao (còn gọi là cây rễ) không quá cao mà chỉ ngang ngang cây lúa, chừng 0,5 - 1m. Lá cây nhỏ như cây kim, dài chưa đến 1cm, mọc thành từng cành xếp tròn quanh cành cây. Cành có màu nâu sậm, cành càng to, càng già, màu càng sậm hơn, những cành non thì có màu vàng, chỉ hơi ngả màu nâu.
 
Cây thanh hao có hoa trắng li ti. Cả cây có mùi thơm rất dễ chịu, được dung làm dược liệu. Từ xưa, thân và cành khô được bó làm chổi quét. Sau thu hoạch, mỗi kilogam được bán với giá 30.000 đồng, đã đem đến cho những người nông dân trồng thanh hao trắng nơi đây nguồn thu nhập ổn định.
 
Thanh hao hoa trắng

Hằng năm, vào tháng 12 dương lịch là vụ thu hoạch. Đó cũng là lúc cánh đồng hoa rễ này ở độ đẹp nhất. Một cánh đồng thanh hao bạt ngàn, xanh mướt, kết hợp với những bông hoa trắng li ti của cây làm nên một cảnh sắc hết sức thanh bình và yên tĩnh. Chính sự bình dị, vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát, cùng với không gian đẹp nên rất nhiều người thích đến đây để được tận hưởng không khí yên bình và hương thơm của loài cây rễ thanh hao.
Thanh hao hoa trắng là một loại dược liệu, được thu hoạch duy nhất một lần trong năm vào dịp tháng 12 Dương lịch. Do thân cây cứng, nên người ta phải đeo găng tay bảo hộ, cầm liềm cắt từng cây, chứ không thể cắt cả bó như lúa.

http://baotnvn.vn/tin-tuc/Phong-su/15578/Mua-thanh-hao

Thanh hao hoa vàng là cây dược liệu thân thảo, sống hàng năm, hoa màu vàng ở đầu ngọn nở vào mùa thu, lá cây vò ra có mùi thơm đặc biệt.
 

Thanh hao hoa vàng

Cây sống lâu năm. Mọc hoang thành từng đám ở vùng đồi núi ven suối, ven sông. Cao từ 1,5-2m. Lá xẻ lông chim 2 lần, thành phiến hẹp, phủ lông mềm, có mùi thơm. Cụm hoa hình cầu hợp thành một chùy kép. Hoa màu vàng nhạt, mỗi cụm hoa gồm 6 hoa: Giữa là hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái. Hoa chỉ có kích thước 0,5-1mm. Quả bế hình trứng, dài 1mm. Mặt vỏ có tuyến chứa tinh dầu.

https://nhathuoclongchau.com.vn/thanh-phan/thanh-cao

 Một loại cỏ Tần (cỏ bình) khác là “rau thanh hao” còn được gọi là “rau thì là bốn mùa”

Rau thanh hao (rau thì là bốn mùa):
Rau thì là 4 mùa hay còn được gọi là thìa là, có tên nước ngoài là Anethum graveolens. Đây là một loài cây lấy lá làm gia vị và lấy hạt làm thuốc được sử dụng rất phổ biến ở châu Á và vùng Địa Trung Hải. Thì là 4 mùa chứa nhiều Vitamin C và chất xơ.

Rau thanh hao (thì là 4 mùa)

*
 BÌNH (còn đọc là Tần)
Từ điển Nguyễn Quốc Hùng
Tên một loại rau, tương tự rau hao.
 
Rau hao, một loại cây dại tự nhiên, mọc ở khắp nơi trong vườn nhà và vườn hoang. Với chiều cao như gang tay, mảnh mai và mướt mát hơn bất kỳ loại cây nào khác, rau hao mang đến một màu xanh tươi mới. Khi vò nát một ngọn, bạn sẽ cảm nhận được hương thơm đặc trưng của quế và ớt quả, nhẹ nhàng và lạ mắt.

Ngày xưa, rau hao mọc rất nhiều. Điều này đã khiến nó trở thành một phần gắn bó với cuộc sống của người dân quê tôi. Trong đám rau xanh tươi, luôn có những ngọn rau hao xinh xắn. Tôi và những đứa trẻ khác thường đi quanh vườn và hái một nắm rau rồi đem về cho mẹ nấu canh. Trong tiếng nồi canh hòa quyện với hương vị của quê hương, rau hao vẫn giữ nguyên hương thơm và vị ngọt tự nhiên.
Nấu canh bầu với rau hao cũng là một truyền thống đặc biệt. Khi kết hợp với các loài hàu, nghêu hay bí, bầu, bắp cải… món canh trở nên đặc sắc hơn bao giờ hết. Mùi thơm của rau hao, hương ngọt của hàu, nghêu kết hợp với đậm đà của bầu và bắp cải, tạo nên một hương vị đầy hấp dẫn và ấm áp.

Cây rau hao nấu canh bí bầu

https://detuoivinhloc.net/rau-hao-nau-canh-bau.html

Như vậy loại rau Tần (rau hao) này được người Việt Nam nấu canh bầu kết hợp với các loài hàu, nghêu hay bí, bầu, bắp cải…
Không biết người phụ nữ Trung Hoa chế biến xào nấu như thế nào?
 
Việt Nam có một loại rau Tần còn gọi cây húng chanh là một trong những vị thuốc dân gian được sử dụng phổ biến để điều trị các chứng bệnh như ho, cảm cúm, sốt.

Rau tần (húng chanh)
 
 TẢO
 
- Từ điển Thiều Chửu
 Rong, rau bể, tên gọi tất cả các thứ cỏ mọc ở dưới nước.
 Rong là một thứ cỏ mọc dưới nước có văn vẻ đẹp, cổ nhân dùng để trang sức mũ áo cho đẹp, cho nên cái gì dùng làm văn sức đều gọi là tảo. Như từ tảo 詞藻 lời đẹp, cũng viết là 辭藻. Lấy lời tốt đẹp mà khen lao người gọi là tảo sức 藻飾. Bình luận nhân vật gọi là phẩm tảo 品藻 hay tảo giám 藻鑑.
Từ ghép
hải tảo 海藻 • tảo tần 藻蘋 • tần tảo 蘋藻

*
Ngày nay, chúng ta biết nhiều loại TẢO có giá trị
Tìm hiểu về các loại TẢO: Trên mạng có nhiều loại tảo, tôi chỉ nêu vài loại tảo có ích lợi. Phụ nữ Trung Hoa thời cổ chọn hái loại TẢO có ích lợi, có giá trị nào về để chế biến để cúng tế, chưa tìm hiểu được...
 
TẢO ĐỎ

Tảo đỏ là những sinh vật quang tự dưỡng thuộc ngành Rhodophyta. Phần lớn các loài rong đều thuộc nhóm này. Các thành viên trong ngành có đặc điểm chung là màu đỏ tươi hoặc tía. Màu sắc của chúng là do các hạt sắc tố phycobilin tạo thành. Phycobilin là sắc tố đặc trưng cho tảo đỏ và vi khuẩn lam. Người ta cho rằng lục lạp của tảo đỏ có nguồn gốc từ vi khuẩn lam cộng sinh với tảo mà thành.
Hiện nay đã phân loại được gần 4.000 loài tảo đỏ, phần lớn sống ở biển, chỉ có một số ít sống ở nước ngọt.

Tảo đỏ

-  Agar hoặc agar-agar, là một chất giống như thạch, làm từ tảo đỏ.
Agar là một hỗn hợp của hai thành phần: agarose polysaccharide mạch thẳng, và một hỗn hợp không đồng nhất của các phân tử nhỏ hơn gọi là agaropectin. Nó tạo thành cấu trúc hỗ trợ trong thành tế bào của một số loài tảo, và được giải phóng khi đun sôi. Những tảo được gọi là agarophytes, và thuộc về phylum Rhodophyta (tảo đỏ).
Agar đã được sử dụng như một thành phần trong các món tráng miệng ở khắp châu Á, và cũng là chất nền vững chắc để chứa môi trường nuôi cấy cho công việc vi sinh. Agar có thể được sử dụng như một chất nhuận tràng, một chất ức chế sự thèm ăn, một chất thay thế gelatin cho người ăn chay, một chất làm đặc cho Xúp, trong bảo quản trái cây, kem lạnh và các món tráng miệng khác, như một chất làm trong trong sản xuất bia, giấy và vải định cỡ.
 
TẢO NÂU

Tảo nâu là nguyên liệu khá phổ biến trong nhiều món ăn. Tuy vậy, không phải ai cũng biết tác dụng của tảo nâu đối với sức khỏe và sắc đẹp. Đây là loại tảo mọc ở các đại dương, bạn cũng có thể thấy các mảng tảo màu xanh-nâu và nhầy nhụa trôi dạt vào bãi biển. Vậy tảo nâu có tác dụng gì đối với sức khỏe?

Tảo nâu

Tảo nâu là gì? Thành phần dinh dưỡng của tảo nâu
Theo One Green Planet, hiện có khoảng 1500 loài tảo nâu khác nhau được biết đến, đều là sinh vật biển ở đại dương. Đặc điểm thường thấy là tảo nâu không có rễ, thân hoặc hoa, các phiến trông giống như chiếc lá. Màu nâu đặc trưng của tảo nâu hình thành do sắc tố của fucoxanthin cùng chất diệp lục.
 
TẢO XANH ULVACEAE

Tảo xanh trong họ Ulvaceae

Ulva intestinalis là một loại tảo xanh trong họ Ulvaceae, được biết đến với tên gọi thông thường là rau diếp biển, rong biển mồi xanh, rong ruột, và tảo bẹ cỏ. Cho đến khi chúng được phân loại lại bằng công trình di truyền hoàn thành vào đầu những năm 2000, các thành viên hình ống của chi rau diếp biển Ulva được xếp vào chi Enteromorpha.
                                                                              (Theo Wikipedia)
*
Nói tóm lại, “tảo tần” là rau tảo và rau tần. Người xưa dùng rau tảo và rau tần để dâng lên cúng tổ tiên. Hái rau tảo và rau tần là việc chuyên trách của người phụ nữ xưa. Rau tần thường mọc hoang dại bên bờ suối, còn tảo thì sinh trưởng trong lòng suối, trong lòng biển như các loại rong, cả hai đều không dễ mà hái được. Vì đạo hiếu với tổ tiên mà người phụ nữ Trung Hoa thuở xưa lặn lội đi tìm rau Tảo rau Tần và ngâm mình trong nước nhiều giờ chăm chỉ hái rau Tần, rau Tảo về làm cỗ cúng tổ tiên là người đảm đang, đáng khen ngợi.
 
Từ phong tục cổ về thờ cúng, “tảo tần” trở thành từ chỉ chung sự đảm đang, rồi theo thời gian nghiêng về nét nghĩa chịu thương chịu khó, lo toan việc nhà... đức tính siêng năng, hay lam hay làm trong cảnh sống khó khăn của người phụ nữ.
 
                                                            La Thụy sưu tầm và biên tập
*
Tham khảo:
- Các bài thơ “Thái Tần” chữ Hán trong trang thi viện.net
- Tự điển Hán Việt về từ ngữ “Tần Tảo”.
 Các loại “cỏ Tần”, cỏ Bồng, cỏ Bình, thanh hao, rau hao... trên mạng
- Wikipedia về các loại tảo
- Từ điển Phật học về từ ngữ “tần tảo”
- Trang face “Chiết tự chữ Hán”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ