Dịch
giả Hà Mai Anh
Nên biết, có những tác phẩm mà bản dịch đã thể hiện rất tốt văn phong lẫn nội dung gốc, nên chính chúng cũng được nổi danh và lưu truyền qua nhiều thập niên. Điển hình như Thủy Hử, người ta phải nói đến bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải, hoặc The Godfather thì phải do Ngọc Thứ Lang chuyển ngữ, thế thì Les Grands Coeurs của Edmondo De Amicis, là phải qua bản dịch của Hà Mai Anh.
“… Những câu chuyện ở học đường và trong gia đình, về các thầy giáo, cô giáo và bè bạn của An Di, những mẩu chuyện vui buồn trong thành phố cổ xưa này đã được kể lại bằng một văn phong giản dị và trong sáng, thấm đẫm tình người. Đó chính là quyển truyện đầu tiên bằng tiếng Việt tôi được đọc, đã cho tôi nhiều bài học về lòng thương người, phương cách cư xử chung thủy với bè bạn, và hiếu kính với mẹ cha. Từ ngày theo trung học ở Hà Nội, và sau này là bậc đại học ở Pháp hay ở Mỹ, tôi đều phải tự mình mua sách vở giấy bút nhưng bao giờ khai trường, vào những hiệu sách và đi quanh quẩn giữa những chồng vở thơm mùi giấy mới, tôi lại nhớ đến thời thơ ấu đó. Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh đã xâm nhập vào tiềm thức của tôi…”.
“… Thầy Hà Mai Anh là vị thầy thứ tư của đời tôi, thầy đã dạy tôi năm lớp Nhì tiểu học, khi tôi 12 tuổi. Sau khi vào Nam, việc học của tôi bị gián đoạn khoảng hơn một năm vì bố mẹ và anh em tôi cùng ông nội phải theo gia đình nhà chủ lên Đà Lạt làm rẫy, lập trang trại. Mãi đến 1955, gia đình tôi mới trở về Sài Gòn. Vì thấy tuổi tôi đã lớn, ba tôi xin ngang cho tôi vào lớp Tư trường tiểu học Chí Hòa. Nhờ đó tôi đã có một may mắn đầu tiên trong đời, năm 1967 khi lên lớp Nhì, vào được lớp của thầy Hà Mai Anh. Thầy đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến hướng đi suốt cuộc đời tôi. Lương tâm tôi không bị ray rứt, xấu hổ với những tháng năm học hành và làm việc của mình, phần lớn nhờ vào những bài học đạo đức cũng như lời khuyên nhủ thấm nhuần từ vị thầy kính yêu. Với những bài học Sử, thầy dẫn tôi vào những cảm giác ngất ngây, đầy hào khí qua những chiến công vĩ đại của các vị anh hùng quê hương. Tất cả những dư âm oai hùng của Tổ quốc nghìn năm đó đã được thầy êm ả đưa vào tâm tư non nớt của hơn 50 đứa học trò lớp Nhì từ hơn 40 năm về trước, chẳng bao giờ tôi quên. Tôi còn nhớ rất rõ, trong một giờ Đức Dục vào buổi sáng, thầy dạy chúng tôi về bài học thương người tàn tật, nghèo khổ và già lão. Thầy đọc cho chúng tôi nghe một chuyện về lòng nhân đạo, rồi thầy kể chuyện vua Lý Thánh Tông (1054-1072) lấy áo ngự bào đắp cho một người ăn mày trên đường đi tuần vào một ngày mùa Đông lạnh giá...”.
Thứ Tư, ngày 25 tháng Mười Một
Sáng nay, cô giáo Đan Cát Tiên lại chơi, cha tôi nhận thấy tôi đã nói một câu vô lễ với mẹ tôi. Vì thế, cha tôi răn tôi bằng lá thư sau đây, đọc rất cảm động:
“Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. An Di ơi! Lần sau không được thế nữa! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải bỏ con thì lại sụt sùi. Con ơi! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không nên tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống. Con ơi! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là con mất mẹ con.
Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, vì dù lớn đến mức nào, khỏe đến mực nào, con vẫn thấy mình chỉ là một đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào dày xéo lên chữ Hiếu là kẻ khốn nạn. Quân cướp của nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng là còn một điểm thành thực trong tâm; con người dù sang trọng tuyệt thế, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.
An Di ơi! Con xin lỗi mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xóa sạch vết vô ơn trên trán con. Con ơi! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là niềm hy vọng quí báu nhất đời cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!
Cha con”
(1) Sau 1975, Tâm Hồn Cao Thượng của dịch giả Hà Mai Anh vẫn được tái bản rất nhiều lần tại Việt Nam, nhưng chưa lần nào thực hiện đúng nguyên tác. Lời NXB Thanh Niên: “Chúng tôi cũng có thay đổi, sửa chữa một vài chi tiết của bản dịch này cho phù hợp với tình hình hiện nay…”.
TRINH ANH KHOI
Tác phẩm "Les Grands Coeurs" của Edmondo De Amicis còn được nhà giáo Cao Văn Thái phỏng dịch thành DƯỚI MÁI HỌC ĐƯỜNG
Trả lờiXóahttps://sachvuii.com/wp-content/uploads/2024/07/duoi-mai-hoc-duong.jpg