LÊ UYÊN PHƯƠNG, ÂM NHẠC TỪ THIÊN ĐƯỜNG - Nguyễn Xuân Hoàng
… Lần sau cùng tôi gặp Phương hình như vào tháng Chín
(hay tháng Mười?) 1998 tại một quán cà phê trên đường Bolsa, góc đường
Magnolia. Bởi vì tôi nhớ tháng Mười Một tôi chia tay Bolsa. Hôm đó anh đi với
Phạm Công Thiện vừa từ Úc qua. Phương hơi nhỏ con, tóc dài, đôi mắt như cười,
chiếc áo mặc ngoài màu sẫm và rộng so với khổ người anh (có vẻ như màu nâu là
màu Phương thích nhất, tôi nghĩ vậy vì lần nào gặp anh tôi cũng tưởng chừng như
mới ngày hôm qua, vì chiếc áo ấy không thay đổi.) Và lần này gặp lại anh tôi vẫn
nhìn thấy một khuôn mặt rạng rỡ yêu đời. Anh có một nụ cười rất tươi và giọng
nói ấm. Anh là người chỉ gặp một lần thôi cũng sẽ giữ mãi một kỷ niệm đầm ấm
tin cậy. Tôi quen anh thời còn là sinh viên ở Đại học Dalat, đâu khoảng năm 1960.
Đó là thời gian Lê Văn Lộc – với tên Phương sau này – đang viết những tình khúc
đầu tay của anh. Tôi chưa kịp thân anh thì ra trường. Trở về Sài Gòn, tôi bị cuốn
hút vào thế giới chữ nghĩa hơn là thế giới âm thanh. Có vẻ như âm nhạc không
tác động nhiều đến đời sống tình cảm tôi, nếu có, phải nói chính những lời từ
trong các ca khúc mới thực sự chinh phục tôi. Khi nhạc sĩ Cung Tiến giới thiệu
những tình khúc đầu tiên của Lê Uyên & Phương tôi chợt nhận ra người bạn của
những ngày ở Dalat lớn hơn những gì tôi nghĩ và biết về anh trước đó rất nhiều.
Lê Uyên & Phương, như Sony & Cher của âm nhạc
Mỹ, quả thật đã chinh phục cả một lớp tuổi chúng tôi. Âm nhạc của anh không chỉ
là những tình khúc lấy cái melody làm nền tảng, như một nhận xét của nhà báo Đỗ
Ngọc Yến. Cái melody lãng mạn trong những ca khúc của Phạm Duy hay cái melody
siêu hình trừu tượng trong tình ca Trịnh Công Sơn làm thành nét quyến rũ của
hai bậc thầy về những bài tình ca này quả có khác với tình khúc của Lê Uyên
Phương. Cái làm thành sức mạnh của âm nhạc Lê Uyên Phương chính là cái giai điệu
cực kỳ khêu gợi dục tính. Đó những lời than thở cả một tình yêu “gặp hôm nay mà
đã nhớ ngày mai”, không phải âm nhạc của mộng dưới hoa, của cầm tay nhau không
nói, khóc lóc mà làm chi, anh về đi em đi. Âm nhạc của Lê Uyên Phương là tiếng
kêu la chất ngất của thịt da, của loài thú sống với bản năng, của giống đực ngợi
ca giống cái, của một sự thực không thể chối cãi về giới tính. Âm nhạc của
Phương đã chinh phục tôi. Nghe Lê Uyên và Phương hát, tôi khám phá ra sự dịu
dàng trong văn chương và âm nhạc thật ra chỉ làm vui lòng các cô tiểu thư giả vờ
ngây thơ chứ không phải là thứ âm nhạc mà lẽ ra chúng ta phải hát cho nhau nghe
bằng tấm lòng chân thật của tình yêu. Thứ tình yêu kiểu Lưu Trọng Lư đã qua rồi.
Đã qua rồi tình yêu Tự Lực Văn Đoàn, đã qua luôn thứ tình yêu kiểu chàng và
nàng như Vacances Romaines với Audrey Hepburn và Gregory Peck,… Âm nhạc của Lê
Uyên Phương rất gần với truyện của D.H. Lawrence. Nó là cái phần vô thức trong
phân tâm học của Sigmund Freuud, là cái tận cùng kỳ thú trong Kiều của Nguyễn
Du. Tôi yêu âm nhạc của Lê Uyên Phương, tôi yêu tiếng hát của hai bạn, tiếng
hát khêu gợi làm sao, tiếng hát đi qua một trái tim nóng bỏng và đã thổi cái
hơi nóng tình yêu nồng nàn qua trái tim người nghe, bắt họ phải nhận ra rằng đó
mới là tình yêu đích thật.
Bao giờ cũng vậy, mỗi khi nghe nhạc Lê Uyên Phương tôi
đều nhìn thấy lại Dalat, một Dalat đã làm tôi trở thành một người khác với con
người thời niên thiếu của tôi. Và tôi nhận ra mình ngu ngốc và rụt rè biết bao
trước một Lê Uyên Phương chân thật và dũng cảm.
Sống cùng một bầu trời với anh tại nam California
trong hơn mười ba năm nhưng tôi và anh gặp nhau không nhiều. Tuy vậy mỗi lần gặp
nhau chúng tôi đều nhận ra người bạn ấy vẫn là người bạn của Dalat năm xưa:
sương mù, con dốc, nhà ga, và cái lạnh lẽo của những ngày mùa đông. Âm nhạc Lê
Uyên Phương trở thành những lời trối trăn của một cuộc tình trong thời chiến,
không cơ may nổi loạn, chỉ làm sao có thể sống sót cho qua những cơn thảm sát
ngu xuẩn của chiến tranh. Chia tay ngay trong giờ phút gặp gỡ của hiện tại này
vì ngày mai chắc gì chúng ta còn nhìn thấy nhau. Lê Uyên Phương hát cho một tuổi
trẻ bất lực trước cuộc sống không có ngày mai.
Nhưng cái gì làm thành âm nhạc Lê Uyên Phương? Trong một
bài tùy bút có tựa đề là Âm Nhạc Từ Thiên Đường, trong tập Không Có Mây Trên
Thành Phố Los Angeles, Lê Uyên Phương đã trả lời cho câu hỏi đó. Anh kể lại
trong thời tuổi nhỏ đã có ít nhất bốn lần âm nhạc đã đến với anh. Lần đầu tiên
vào một buổi chiều của Dalat, lúc anh mới khoảng tám, chín tuổi, cùng với người
anh họ tên Bửu Ân, ngồi trên một ngọn đồi thấp gần ngôi trường tiểu học nằm giữa
thị xã, trước mặt là con dốc dẫn xuống hồ Xuân Hương, xa là ngọn tháp nhọn của
Lycée Yersin … Cả hai ngồi đó nhìn xuống con dốc, vừa bứt những ngọn cỏ xanh, vừa
nói đủ chuyện trời trăng mây nước. Và đột nhiên anh phát giác ra cả hai ngưng bặt
từ lúc nào, và đang lắng nghe trong không gian tràn ngập những tiếng đàn vĩ cầm:
chồng lên nhau, quấn vào nhau, đuổi theo nhau như một dòng suối, những tiếng
đàn vĩ cầm đến từ chiếc loa phóng thanh của hội chợ, một đoạn valse của Johann
Strauss, rồi một dàn kèn đồng trỗi lên làm lung linh mọi thứ trong không gian.”
Lê Uyên Phương viết “Ôi! Hạnh phúc biết
bao, con người đã tạo nên được những âm thanh kỳ diệu như thế.” Và từ đó
anh bắt đầu nhận thức thế giới chng quanh qua cái “nghe” của những âm thanh của
buổi chiều hôm đó. Bài viết của anh cho tôi hình dung cái cảnh tượng cậu bé Lê
Văn Lộc mỗi buổi chiều thường ra cái mép của khoảng đất trống trên đường Hàm
Nghi, nhìn xuống thung lũng chỗ có rạp hát Ngọc Hiệp trên đường Phan Đình Phùng
để nghe vọng lại âm điệu của cái concerto en C majeur của Mozart viết cho dương
cầm được phát ra từ cái loa của rạp hát trước giờ chiếu phim…” Lần thứ hai, âm
nhạc đến với anh từ những bài thánh ca trong nhà thờ Tin Lành, và anh làm quen
với Mendelson, với Bach, với Schubert… Lần thứ ba, qua đài phát thanh Dalat,
chương trình âm nhạc Hoa Kỳ đã chinh phục anh với tiết điệu của nhạc Jazz. Điều
làm anh say mê là những tiết điệu nhịp nhàng của trái tim con người bên cạnh những
buông thả của hơi thở, của cảm xúc thể hiện qua tiếng kèn đồng nóng bỏng.” Sự vắng
bặt của lý trí trong nhạc Jazz đã mê hoặc anh. Và như thế Duke Ellington.
Bessie Smith, Louis Amstrong, Lil Hardin đã đến với anh, mang cho anh bài học lớn
lao về cái gọi là chất tươi của âm nhạc, là máu của âm nhạc. Tôi nghĩ rằng người
ta sẽ dễ thẩm thấu âm nhạc của Lê Uyên Phương hơn nếu được đọc những dòng chữ đầy
tính cách tự truyện của anh trong tùy bút Âm Nhạc Từ Thiên Đường:
“Tôi
biết rằng tôi đã thuộc vào một nơi nào đó rất chênh vênh giữa lý trí của con
người, linh hồn của Thượng Đế và hơi thở của tình yêu.”
Lộc đã ra đi. Lê Uyên Phương đã vẫy tay từ biệt chúng
ta. Nhưng Tình Khúc Cho Em, Vũng Lầy Của Chúng
Ta, vẫn còn ở lại, sẽ còn ở lại. Âm nhạc của Lộc không phải ai cũng hát được.
Có những ca khúc gần như anh chỉ viết cho hai người hát. Và hai người đó chính
là Lê Uyên và Phương. “Hãy ngồi xuống
đây. Hãy ngồi xuống đây… ” Khi những âm thanh ấy cất lên chỉ còn lại cái
khuôn mặt ngây dại của Lộc cúi xuống cây đàn thùng và cái dáng đứng cao gầy của
Lê Uyên nhìn xuống những ngón tay anh. Hãy ngồi xuống đây! Hãy ngồi xuống đây!
là những lời mời gọi của một tình yêu không còn ngây thơ nữa. Trái cấm đã ăn, cánh
tay đã ôm ấp và hai thân xác đã nhập vào nhau.
Âm nhạc của Lê Uyên Phương là giai điệu của chúng tôi.
Anh ra đi mang theo phần thứ hai của một tên tuổi đã đi vào trí nhớ mọi người.
Sẽ khó mà tìm được một Phương khác cho Lê Uyên trong khi trình bày những tình
khúc của Lộc. Tôi nghĩ như vậy.
Chỉ trong một thời gian ngắn, rất ngắn, chúng tôi đã
tiễn đưa Mai Thảo, rồi Nghiêu Đề, rồi Nguyên Sa. Trước đó là Bùi Giáng ở quê
nhà. Mới đây là Lê Đình Điểu ở Quận Cam. Và bây giờ là Lê Uyên Phương.
Rồi sau cùng mọi người cũng sẽ lần lượt rủ nhau ra đi
thôi.
Nguyễn Xuân Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ