Trang

Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

VỚI PHAN NI TẤN, VẬN NƯỚC NỔI TRÔI VÀ GIÒNG NHẠC ĐẤU TRANH “HƯNG CA”, MỘT THUỞ MANG ĐÀN ĐI MỞ LỐI - Hoàng Lan Chi



Lời Giới Thiệu:

Phan Ni Tấn, một người đa tài với những bài thơ, nhạc phẩm nặng tình quê hương. Bài hát nổi tiếng là “Phải Lòng Con Gái Bến Tre” và bài “Bài Ca Học Trò”, một bài hát xưa từ trước 75 mà rất nhiều người không biết Tấn là tác giả. Đã rất nhiều người viết về Tấn. Mỗi bài nhận xét là một vẻ, một bông hoa về văn, thơ, nhạc của Tấn.
 
Tôi quen Phan Ni Tấn dịp nào thì không nhớ. Chỉ biết có thời Tấn đưa tên tôi vào một web do Tấn lập, mục “các người viết phụ nữ” hay đại loại gì đó. Mở ngoặc, tôi không phải là “người viết” chuyên nghiệp. Tôi yêu khoa học kỹ thuật và tôi cũng từ đó tốt nghiệp. Văn chương với tôi là son phấn và tôi nhẩy lò cò vào vài lãnh vực cho vui: văn, thơ, phỏng vấn, viết nhận xét. Nổi trội nhất là… thời sự cộng đồng và sau này thời sự Mỹ! Tuy vậy, nhiều độc giả ưa thích mục phỏng vấn vì theo họ, những câu tôi hỏi là hay. Họ cũng thích những bài nhận xét của tôi cho văn, thơ, nhạc vì họ cho rằng tôi nhận xét tinh tế và không quá “nịnh”. Đóng ngoặc. Giải thích thế cho vụ Tấn xếp tôi vào mục “người phụ nữ viết”.

Đọng trong trí nhớ tôi là bản nhạc “Giọt Thánh Thót Mừng” của Tấn. Tôi không hề yêu “Phải lòng con gái Bến Tre” (có lẽ vì tôi ghét vc nên cái gì dính líu đến VC, dù chỉ gián tiếp cũng làm tôi khó chịu) mà tôi thích “Giọt thánh thót” vì nó thánh thót thật. Tôi cũng chỉ xúc động khi đọc thơ có chút hơi hướng đấu tranh. Vì thế, một lần đọc được bài thơ Nhớ Huế, tôi viết và quên không lưu. Khi Tấn giới thiệu lại ở Facebook, cảm xúc lại về nguyên vẹn và... tôi lại tính viết comment. Ai dè xem hết mới biết Tấn giới thiệu lại bài thơ đó và cả bài nhận xét năm xưa của tôi!

Chính vì nhiều người đã viết, chính vì cá nhân Tấn và tôi đều thích “thơ nhạc đấu tranh” nên trong bài “trò chuyện” này, tôi chỉ hỏi Tấn về những gì liên quan đến “đấu tranh”. Cũng xin phép, lần đầu tiên trong bài phỏng vấn này, tôi dùng “bạn hiền” mà không “Ông” như các bài phỏng vấn trước đây.

🌺 🌺 🌺🌺
 
Hoàng Lan Chi:
Xin chào bạn hiền. Bạn hiền và tôi đều ở tuổi lá úa. Đã nhiều người hỏi và viết về văn, thơ, nhạc của bạn hiền. Riêng tôi, xin được trò chuyện về những tài năng ấy của bạn hiền nhưng trong lãnh vực “đấu tranh”. Lý do: được biết tự sâu thẳm, bạn hiền đau đáu tình yêu nước nên thơ văn cũng đầy ắp đấu tranh. Cho hỏi: Bạn hiền có những suy nghĩ gì ở thuở trung học rồi đại học về cuộc chiến Nam Bắc từ 1954-1975? Với bạn hiền, đó là cuộc chiến vô nghĩa hay là gì? Có phải vì cảm thấy “bất lực” nên Bạn hiền bắt đầu thích rồi sáng tác du ca, coi như một hình thức nói lên “suy nghĩ của tuổi trẻ” trước chiến tranh? Bạn hiền tham gia du ca khi nào và đã gia nhập du ca ra sao khi còn là sinh viên?

Phan Ni Tấn:
Cuộc chiến Nam Bắc từ 1954 tới cuối tháng Tư 1975 có thể nói là một cuộc chiến tranh tương tàn. Tôi nói "tương tàn" vì rõ ràng quân và dân giữa hai miền Nam Bắc đều có cùng một dòng máu Lạc Hồng. Tuy nhiên, miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo bước đầu đã là một bước sai lầm đưa đất nước lâm vào cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm khiến cho dân quân cả hai miền Nam Bắc đều vong mạng. Cuối cùng, sau 50 năm cái gọi là "thống nhất đất nước" Hồ Chí Minh và Cộng sản Việt Nam đã đưa đất nước càng ngày càng lệ thuộc vào Tàu Cộng. Một hành động "bán dân hại nước" như vậy thì quá rõ ràng là một cuộc chiến hoàn toàn vô nghĩa.

Tôi nhận thức được thảm cảnh của cuộc chiến tranh Nam Bắc nên khi Phong Trào Du Ca Việt Nam do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và Ban Trầm Ca thành lập năm 1966 tại Sài Gòn tôi đã có mặt. Mục đích và tôn chỉ của Phong trào Du ca Việt Nam là một đoàn thể hoạt động văn hóa-văn nghệ phục vụ cộng đồng, với tôn chỉ dùng tiếng hát của cộng đồng để đưa con người (thanh niên, sinh viên, học sinh) xích lại gần nhau, hướng về tương lai tươi sáng của quê hương.

Hoàng Lan Chi:
Bạn hiền có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất với Vua Du Ca Nguyễn Đức Quang? Khi mới viết nhạc đấu tranh, bạn hiền có bị ảnh hưởng bởi lời hoặc melody trong nhạc Nguyễn Đức Quang?

Phan Ni Tấn:
Đã là thành viên Du Ca thì ít nhiều gì cũng có những kỷ niệm với con chim đầu đàn là nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang. Tuy nhiên với tôi, kỷ niệm với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang ở trong nước đã đành, nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất với Vua Du Ca Nguyễn Đức Quang là ở ngoài nước. Đó là buổi ra mắt sách và trình diễn nhạc của tôi vào mùa hè năm 2005 tại Quận Cam, với nhiều văn nghệ sĩ trước 75 tham gia, trong đó có ca sĩ Hương Lan và nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang. Trong buổi ra mắt đó, Vua Du Ca Nguyễn Đức Quang được mời lên phát biểu cảm tưởng, nhắc lại những lần cùng chúng tôi từ trên cao nguyên xuống Sài Gòn đi tác động phong trào, cuối cùng Vua Du Ca hát chung một ca khúc Du Ca của tôi.
Tôi sáng tác nhạc năm 1964 trước hai năm Phong Trào Du Ca thành lập nên nhạc tôi không ảnh hưởng bất cứ một nhạc sĩ nào kể cả lời hoặc melody của nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang. Nhạc đấu tranh của tôi có "những bước tới" mạnh mẽ hơn, cổ động lòng yêu nước trước những bạo lực, cường quyền.

Hoàng Lan Chi:
Qua điều bạn hiền tâm sự (Tuy nhiên, miền Bắc do Hồ Chí Minh lãnh đạo bước đầu đã là một bước sai lầm đưa đất nước lâm vào cuộc chiến tranh kéo dài suốt 30 năm khiến cho dân quân cả hai miền Nam Bắc đều vong mạng. Ngưng trích), tôi tò mò, bạn hiền đã về VN chưa kể từ ngày vượt biên?

Phan Ni Tấn:
Tôi vượt biên từ cuối năm 1979 đến nay đã 45 năm trời tôi chưa về, cũng không từng nghĩ mình sẽ về Việt Nam. Lý do dễ hiểu là, trong lần phỏng vấn tôi, ông Triều Hoa Đại cho tôi biết:
"Thế ông đã đọc báo công an (CSVN) viết về ông chưa, họ nói ông “phỉ báng đất nước” và có “tư tưởng phản quốc”đấy ông ạ. Nói có sách, mách có chứng vậy, ông cho phép tôi trích lại bài báo ấy một tý nhé:
Trích báo Công An “Nguy hiểm hơn, nhiều bài hát còn tiêm nhiễm cả tư tưởng phản quốc cho thế hệ những em bé sinh ra ở hải ngoại, để chúng hiểu lệch lạc, sai lầm về quê hương. Bài Ca Học Trò của Phan Ni Tấn diễn tả chút suy tư của một thanh niên mới lớn lúc thời chiến tranh năm 1975 đầy u ám và phỉ báng đất nước” Có phải thật lòng ông muốn “phỉ báng đất nước” hay không? Ngưng trích
Mới đây, anh bạn văn Lê Hữu ở vùng Tây Bắc Hoa Kỳ có e-mail không bỏ dấu cho tôi (nguyên văn), anh hùng hồn tuyên bố: “Bo PDuy ve nuoc thi duoc, chu PNT thi... het duong ve, vi ban nhac cuc kỵ... phan dong”. Ngưng trích

Hoàng Lan Chi:
Được biết bạn hiền đã sinh hoạt rất mạnh trong giai đoạn đầu của phong trào Hưng Ca Việt Nam tại hải ngoại. Bạn đã giữ vai Phó Chủ tịch Nội vụ, bên cạnh Chủ tịch phong trào là nhà văn Hà Thúc Sinh. Phan Ni Tấn đã cùng các bạn Khúc Lan, Nguyệt Ánh, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Hữu Nghĩa... đi và hát rất nhiều nơi trên thế giới. Xin bạn hiền kể cho nghe giai đoạn này. Có những kỷ niệm nào đáng nhớ. Có những khuôn mặt du ca nào mà bạn hiền trân trọng đến tận bây giờ? Có những nhạc phẩm du ca nào của bạn hiền được ưa thích khi đó? Và vì sao Du Ca lại bị “chựng” lại rồi “chìm”?

Phan Ni Tấn:
Hưng Ca là một tổ chức tập hợpnhững văn nghệ sĩ đấu tranh với chủ trương dùng nhạc đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, phục hưng những gì đã mất cho quê hương Việt Nam. Phong Trào Hưng Ca Việt Nam được khởi xướng tại Washington DC, Hoa Kỳ và chính thức thành lập vào tháng Tư năm 1985 sau kỳ Đại Hội Nhạc Đấu Tranh tại San Jose, Bắc California. Thành phần nồng cốt lúc ban đàu gồm Hà Thúc Sinh (Trưởng Phong trào), Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Khúc Lan, Tuấn Minh-Tuyết Mai, Trần Lãng Minh, Phan Ni Tấn. Từ đó, Anh em Hưng Ca ra sức sáng tác và phổ biến tiếng hát lời ca đến những nơi có người Việt tỵ nạn, cổ động lòng yêu nước, giữ vững niềm tin trong tình yêu quê hương đất nước Việt Nam.

Về Phong Trào Du Ca Việt Nam thì tôi công nhận những năm gần đây Du Ca tuy bị "chựng" nhưng không "chìm". Bằng cớ là ở Nam và Bắc Cali có Đoàn Du Ca Nam California và Đoàn Du Ca Bắc California, cả hai Đoàn Du Ca này hằng năm vẫn sinh hoạt đều đặn, vẫn cất cao tiếng hát Du Ca vào những ngày truyền thống Du Ca, thực hiện chương trình tưởng niệm 30/4, tham gia các công tác xã hội, trại hè, gây quỹ giúp Thương phế binh, mừng Tết v.v… Trong Phong Trào Du Ca Việt Nam có hai khuôn mặt mà tôi từng trân trọng là anh cả Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ và con chim đầu đàn Du Ca Nguyễn Đức Quang. Những ngày tháng sinh hoạt Du Ca thật sôi nổi tại Trụ sở của Phong trào được đặt tại số 114 Sương Nguyệt Anh, đó chính là tư gia của anh chị Hoàng Ngọc Tuệ. Mãi đến mùa xuân 2019 trong lúc sinh hoạt với Đoàn Du Ca Nam Cali tại Phòng sinh hoạt báo Người Việt tôi mới gặp lại anh Hoàng Ngọc Tuệ. Khi anh đến bắt tay tôi nói tôi là Hoàng Ngọc Tuệ làm tôi thật sự xúc động. Cách biệt suốt 53 năm anh Hoàng Ngọc Tuệ đã già đi rất nhiều. Mới đây nghe tin anh mất, anh em Du Ca ai mà không ngậm ngùi. Nguyễn Đức Quang, Hoàng Ngọc Tuệ và còn ai nữa ra đi nhưng vẫn để lại trong lòng anh em Du Ca một niềm kính trọng khôn nguôi.

Hoàng Lan Chi:
Tôi có thể tưởng tượng về những ngày ấy khi các bạn đứng với nhau dựng lên Hưng Ca với bầu nhiệt huyết vẫn còn sục sôi trong tâm khảm và hăng say đem giọng hát đi cổ vũ cho lòng yêu nước ở người tị nạn. Nhân bạn hiền nhắc đến những người của Một thuở mang đàn đi mở lối(1) (Hà Thúc Sinh, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng, Châu Đình An, Huỳnh Công Ánh, Khúc Lan, Tuấn Minh-Tuyết Mai, Trần Lãng Minh), xin bạn hiền vui lòng cho ít nhận xét ngắn về mỗi người ấy và cái gì nổi bật nhất ở họ về tiếng hát đấu tranh mà bạn hiền còn nhớ mãi?

Phan Ni Tấn:
Nhận xét về mỗi người thì, dù ngắn, vẫn dông dài lắm lắm. Tóm lại cái nổi bật nhất ở họ (những anh em Hưng Ca thuở phôi thai thôi; còn sau này tôi không còn là thành viên Hưng Ca nên tôi chẳng biết gì hết) là họ vẫn nung nấu chung bầu nhiệt huyết bằng cách mang tiếng hát đấu tranh của mình sáng tác đến với những đất nước có người Việt tỵ nạn để cùng nhau dựng lại niềm tin yêu.

Hoàng Lan Chi:
Đã có mở lối ở xứ người nhưng tôi lại muốn “dõi mắt trông về cố lý” vì muốn được nhìn cậu học trò Phan Ni Tấn của Buôn Mê Thuột trong “Du Ca Lòng Mẹ”. Tôi cũng muốn trông vời về thuở Du Ca Nha Trang khi bạn hiền đã là người lính.

Phan Ni Tấn:
Chao ơi! Sao lại biết (tôi đâu có nói với ai) một thời tôi sinh hoạt với Đoàn Du Ca Nha Trang khi tôi ở lính? Năm 1972 tôi đổi về Ban Mê Thuột sinh hoạt với Đoàn Du Ca Lòng Mẹ, đến năm 1973 tôi lại đổi về Cam Ranh Bay, cuối tuần tôi ra Nha Trang sinh hoạt với anh em Du Ca Nha Trang cho đến ngày mất nước tôi đi tù Cộng Sản coi như hết. Nhưng ngót 50 năm sau nghĩ lại tôi thấy mắc cười. Du Ca toàn áo nâu lại lọt vô chiếc áo nhà binh thì thật là trật quẻ. Có điều, anh em Du Ca đều biết anh lính kia từng là thành viên Du Ca nên ai cũng hoan hỉ đứng chung một sân khấu, hát chung một khúc hát du ca hùng hồn.

Hoàng Lan Chi:
Thế còn giai đoạn với Du ca Về Nguồn ở Toronto?

Phan Ni Tấn:
Đó là năm 1980- 81, tôi và vài anh em đứng ra thành lập Toán Du Ca Về Nguồn tại Toronto thường xuyên sinh hoạt vào mỗi cuối tuần. Đến năm 1981 Du Ca Về Nguồn “đem chuông đi đánh" Montreal, từ đó anh em văn nghệ Montreal mới lập ra Toán Du Ca Đồng Vọng.

Hoàng Lan Chi:
Bạn hiền có một bản nhạc đã khiến vài người bạn lính cùng ở tù CS sau 75 ưa thích và có thời trong nước cũng ưa. Nội dung ghét cả Mỹ và CS. Tôi không ngạc nhiên vì có vẻ như thời ấy, với tuổi sinh viên mười tám đôi mươi thì vài người đã bị mê hoặc bởi hình ảnh phản chiến của TCS với những bài hát đại loại “trăm năm, ngàn năm, da vàng..”. Bị mê hoặc và trong vô thức đã sáng tác gần như “theo trào lưu”. Tôi muốn nói tới “Bài Ca Học Trò”. Một người bạn của tôi - người rất trung trinh với tổ quốc - người rất son sắt với quốc gia - đã không vui về bạn hiền vì những câu thơ “không thuộc nổi bài sử địa, công dân”. Hôm nay, tôi muốn được nghe bạn hiền giải thích?
Trích:
“Kính thưa thầy đây bài thuộc lòng của con. Tổ quốc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến. Một trăm năm Pháp thuộc. Hai mươi năm đọa đầy. Làm sao con thuộc được truyện kiều Nguyễn Du. Những bài thơ Mùa Thu Nguyễn Khuyến. Những bài Công Dân, Sử Địa. Nhưng bài học con ngại ngùng không dám đọc to trên hè phố hay những vùng ngoại ô xa”. Ngưng trích

Phan Ni Tấn:
Đây là bài thơ Kính Thưa Thầy của tôi ký bút hiệu N.D được đăng trong tờ Văn của nhà văn Mai Thảo trước khi nó chuyển thành nhạc phẩm Bài Ca Học Trò. Thuở ấy, thuở đứa học trò đi học có lúc băng mìn qua vùng giao tranh học trò bỗng cảm thấy sợ hãi mà phát tiết ra bài thơ. Sự sợ hãi đã làm cho đứa học trò nhận thức được chiến tranh làm cho quê hương điêu tàn, làm cho dân tình ly tán, vong thân, làm cho những người lính vì nước hy sinh thì còn tâm trí đâu để đứa học trò chuyên tâm học hành, nói chi là học thuộc truyện Kiều Nguyễn Du, hoặc những bài thơ Nguyễn Khuyến và cả những bài học Công Dân, Sử địa; những bài học hữu ích đó, làm nên người đó có những lần chìm trong lửa đạn khiến cho đứa học trò, dù có cố gắng học nhưng lại không dám dọc to như thuở thanh bình.

Hoàng Lan Chi:
Cảm ơn bạn hiền đã giải thích. Còn một điều tôi cũng muốn làm sáng tỏ: vì sao bạn hiền có tác phẩm in trong nước?

Phan Ni Tấn:
Tôi đâu có tác phẩm nào in trong nước sau ngày mất nước đâu nà?! Tôi nói những tác phẩm của tôi in trong (và ngoài nước) có nghĩa là in từ trước 1975 mà thôi.

Hoàng Lan Chi:
Thôi chúng ta đổi đề tài. Tôi rất yêu những câu thơ, cũng có “mùi hương tranh đấu” trong bài thơ của bạn hiền:

Một đời anh chắc chẳng bao giờ tìm ra nỗi Huế
Bởi sinh ra chân anh đã có những con đường
Những con đường không kịp nở những đóa hướng dương
Chở súng đạn ra ngoài mặt trận
Sau chiến tranh những trận đánh đều trở nên luộm thuộm
Người ta cất các chiến cụ và những cuộn băng trong các viện bảo tàng
Anh trở về ước mơ tàn tạ dưới chân
Ngó ra Huế chút Huế cũng đành hanh xa vắng...
 
Thú thật tôi yêu làm sao những câu thơ “Một đời anh chắc chẳng bao giờ tìm ra nỗi Huế, Bởi sinh ra chân anh đã có những con đường, Những con đường không kịp nở những đóa hướng dương, Chở súng đạn ra ngoài mặt trận” vì vừa bi vừa hùng trong đó. Nhưng tôi yêu hơn câu trả lời sau đây của bạn hiền cho Hồ Đình Nghiêm “Mô Phật! Không có chiều nào mà tôi không ra đứng ngõ sau. Quá nhiều người thấy Việt Nam bây giờ "hoành tráng"; riêng tôi thì "nó: đất nước và con người" xác xơ như cái xơ mướp. Đó là phản cảm của tôi, một người xa quê hương ngót 41 năm ròng”. Vâng, câu trả lời này và cả cái “ không về VN đã 41 năm” của bạn hiền chắc hẳn cũng làm dịu lòng người bạn trung trinh-sắt son với tổ quốc - của tôi.

Phan Ni Tấn:
Tôi là lính chiến nên thơ tôi cũng mang tâm trạng lính chiến như tôi. Tôi thương quê ngoại Huế của tôi nên khi Huế chìm trong lửa đạn thì câu thơ của tôi cũng theo tôi "chở súng đạn ra ngoài mặt trận". Lính chiến mà.
Còn điều này. Thật tình mà nói, dân tỵ nạn mình từng sống chết trên đường vượt rừng, vượt biển may mắn đến được bến bờ tự do thì một sớm một chiều không biết sao họ lại quên mất thân phận người mất nước, nhất là những người lính từng sống chết trong những trại tù "cải tạo" từ Nam ra Bắc khi qua đây rồi họ vẫn thản nhiên lên tàu bay về quê hương đã mất mà ai cũng mượn cớ về thăm gia đình, thăm quê hương, xứ sở… của mình.


Hoàng Lan Chi:
“Bậu” của bạn hiền, người phụ nữ có đôi mắt dịu dàng, có nụ cười thật tươi đã từng than thở bạn hiền bỏ nàng côi cút nhiều năm để rong ruổi khắp nẻo “Cờ Hoa” với anh em Hưng Ca. Cho hỏi lý do nào đã khiến bạn hiền dừng bước giang hồ để tung cánh chim tìm về tổ ấm với “bậu” ấy?

Phan Ni Tấn:
Xách đờn đi hát riết rồi về ngoảnh lại tôi vẫn thấy "đất nước mình càng ngày càng sa lầy trong nỗi bất an" không kể anh em Hưng Ca (thuở ban đầu), kẻ mất người còn, vì đời sống, vì gia đình, họ lần lượt sinh hoạt ở mặt nào khác. Từ đó, năm tháng lặng lẽ trôi qua, riêng cá nhân tôi cảm nhận mình có phần mệt mỏi vì tuổi tác và cảm thấy ấm áp hơn khi ở nhà với "bậu", một em bậu hiền lành, cũng "trên đầu già đến rồi".

Hoàng Lan Chi:
Cảm ơn bạn hiền, về những câu chuyện kể về du ca. Tôi biết cái sự nghiệp thi văn nhạc của bạn hiền mới có nhiều điều hấp dẫn nhưng như đã viết, rất nhiều người viết-rất hay-và đầy đủ rồi. Trước khi tạm biệt, xin hỏi một câu ngoài đề, riêng tư: bút hiệu ND là vì sao? và người mà bạn hiền yêu đầu tiên? Đương nhiên người phụ nữ đôn hậu có nụ cười tươi chính là “tình yêu trọn đời và tình cuối” của bạn hiền rồi. Cái lý do không thể đưa bản nhạc vì TT Thuý Nga không đáp ứng, là điều kiện gì? Ước vọng bây giờ là gì?
Chúc bạn hiền và “bậu” của bạn hiền, con trai duy nhất của bạn hiền sức khoẻ, may mắn và thành công trong mọi việc.

Phan Ni Tấn:
Thuở học trò tôi viết ra bài thơ Kính Thưa Thầy không hiểu sao tôi cảm thấy lo ngại cho bản thân mình có thể gặp bất trắc nào đó nên tôi ký tên N.D, một địa danh vô danh trên cao nguyên miền Thượng; địa danh này sau chiến tranh đã thay danh đổi tánh mà tôi không còn có dịp trở lại lần nào. Cũng giống như đoàn quân tiến vào một ngôi làng nhỏ, không tên lùng địch, diệt địch xong rồi rút đi không bao giờ còn trở lại. Về sau vào lính có một thời tôi mới ký tên thật của mình kèm theo sau chữ N.D trong ngoặc đơn để… làm kỷ niệm. Nay thì chỉ ký tên thật cho mỗi tác phẩm của mình mà thôi.

Nói tới mối tình đầu của tôi đến nay nghĩ lại tôi vẫn cười hoài. Đó là mối tình con nít với một cô xì-chảy gốc Hải Nàm mà thấy hầu như mối tình đầu nào cũng dở dang, cũng đi đến nơi chia lìa, mạnh đường ai nấy đi, không còn ai gặp lại ai. Ấy vậy mà riêng tôi, sau hơn 75 năm chia biệt, cách đây chừng ba bốn năm, tôi gặp lại cô xì-chảy của tôi ở trên màn hình điện thoại của chú em tôi. Tội nghiệp, trông cô không khác chi xưa nhiều lắm nhưng thời gian nhuộm tóc cô bạc trắng thấy thương. Cô sớm góa chồng vẫn sống một mình ở Mỹ.

Chuyện TT Thúy Nga không đáp ứng điều tôi muốn đã qua lâu lắm rồi, tôi mạn phép không muốn nhắc tới nữa. Tôi đã quen sống giản dị, không thích bon chen nên không hề để bụng những gì vui hay buồn đến với mình. Hãy để cho nó qua đi, đừng bịn rịn nắm níu. Nghe.
Ước vọng bây giờ là gì hả? Nói thật nghe. Là tôi không có ước vọng chi to tát hết, chỉ mong cho gia đình mình được bình yên là tốt rồi. Tôi cũng cảm ơn lời chúc tốt đẹp của bạn hiền đến với gia đình tôi. Và, hôm nay, ngày sau, mãi mãi bạn hiền cũng vậy.
 
                                                    Hoàng Lan Chi thực hiện 7/2024

PHỤ LỤC


(1)  Mượn câu thơ của Quang Dũng, Hoàng Lan Chi viết “Một thuở mang đàn đi mở lối” để ám chỉ phong trào Hưng Ca thuở ban đầu với giòng nhạc đấu tranh sục sôi máu người tị nạn. Người hải ngoại “thế hệ Một” ít quên được hình ảnh Việt Dzũng - Nguyệt Ánh ngày đó đã chinh phục trái tim hàng vạn người Việt xa xứ như thế nào

Tiểu Sử:

Phan Ni Tấn sinh 1946 tại Ban Mê Thuột. Cha là người nghệ sĩ chuyên sử dụng violon, từng là khách mời trình tấu những bản cổ nhạc cho đoàn Út Bạch Lan, Thành Được. Năm 1960, học trung học Ban Mê Thuột một tháng bốn ngày rồi tiếp tục học ở Sài Gòn. Vào Đại học Khoa Học, Quốc gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ rồi nhập ngũ trường Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức. Tù từ 75 tới cuối năm 1979 vượt biên đến trại tỵ nạn Laem Sing, Thái Lan và cư trú tại thành phố Toronto, tỉnh bang Ontario của Canada.

*
Nguồn:
https://chungtoimuontudo2.wordpress.com/2024/07/14/hlc-voi-phan-ni-tan-van-nuoc-noi-troi-va-giong-nhac-dau-tranh-h-ung-ca-mot-thuo-mang-dan-di-mo-loi-july-14-2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ