Trang

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

OẢN LÀ GÌ ? – La Thụy sưu tầm và biên tập



Tương truyền, khi vua Lê Trung Tông mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Ông cũng không nói năng gì mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”. Rồi Trạng lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ làm bề tôi của các vua Lê thì tốt hơn.
Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.

Vậy OẢN là gì ?
 
OẢN là xôi hay bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt, dùng để cúng...
Tra tìm từ OẢN trong tiếng Nôm, tôi thấy có oản (xôi) 𥺹 (là xôi nén vào khuôn) và cả oản (chuối)  (có lẽ là oản xôi cúng chung với chuối hoặc chuối ăn kèm oản xôi, không thấy tự điển cắt nghĩa)

Ở miền Bắc trước đây, các chùa thường cúng OẢN XÔI, nhiều gia đình thường làm oản xôi để cúng gia tiên trong giỗ chạp. 

Có người nêu cảm giác thú vị khi ăn oản: “Cắn miếng oản, dẻo đến tận chân răng, nếp không chỉ thơm mà còn ngọt, cái vị ngọt thoang thoảng không bị sộc như đường, không bị gắt như mật. Oản ăn với chuối, chỉ thấy ngọt thơm sao mà quý, mà ít quá.”
 
Hình oản xôi 𥺹


Ở miền Trung như vùng Trị Thiên chúng tôi ở trước năm 1975, dù có đọc câu chuyện Trạng Trình nói với sứ giả Chúa Trịnh: “giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, chúng tôi cũng không hình dung được OẢN là phẩm vật gì khi dâng cúng chùa.

Một người bạn vừa cho chúng tôi biết: “Ở miền Bắc trước đây vẫn còn tồn tại oản xôi đơn giản trên mâm cúng. Từ miền Trung vào thì chỉ dâng cúng bánh in các loại. Nhưng bây giờ mình thấy các mâm cúng đã dâng cúng OẢN XÔI đủ màu rất đẹp: cẩm, đỏ ...”

Bạn ấy cũng gửi một số hình đến chúng tôi.



Bánh oản hiện nay còn gọi là bánh cộ, một số nơi gọi là bánh in, là món bánh được làm từ các loại bột dùng để đưa ra cúng Phật, cúng tổ tiên ông bà trong những dịp lễ Tết, giỗ…

Loại bánh in bọc giấy gương thì ở miền Nam trước 1975 khá phổ biến, nhưng BÁNH OẢN có hình nón cụt thì mới chỉ có sau này thôi.


Bánh oản cũng có rất nhiều chủng loại: bánh oản bột nếp, bánh oản bột huỳnh tinh, bánh oản bột đậu xanh, bánh oản bột đậu quyên, bánh oản bột đậu ván, bánh oản hạt sen trần… Bột sau khi làm chín được in và tạo hình bằng các khuôn và thường có hoa văn chữ Thọ, chữ Lễ, chữ Phúc, hay hình hoa sen và trái đào tiên…Đặc trưng của bánh oản là thường được gói bằng giấy gương ngũ sắc nên một số miền còn gọi món bánh này là bánh ngũ sắc.
 
Hình oản bánh in ngũ sắc

Như vậy, ta có thể nói:
OẢN là phẩm vật dâng cúng ở chùa, hoặc trong lễ gia tiên. Oản phổ biến ở miền Bắc. Ban đầu, oản là xôi nếp trắng được đồ từ nếp cái hoa vàng và nén vào khuôn hình nón cụt.


Dần theo thời gian, oản được làm bằng bột bánh in (bột nếp, bột huỳnh tinh, bột đậu xanh, bột đậu quyên, bột đậu ván...) được nén vào khuôn hình nón cụt và gói bằng giấy gương ngũ sắc.

Hiện nay, oản vẫn là xôi nén trong khuôn nhưng được đồ từ nếp cẩm nên có màu sắc và được đóng trong những loại khuôn có hình dạng khác nhau.
Oản không còn là phẩm vật dâng cúng chỉ có riêng ở miền Bắc, mà đã thâm nhập vào miền Trung và miền Nam nữa trong lễ vật dâng cúng.
                                                            
                                                              La Thụy sưu tầm và biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ