Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

NỘI CHIẾN LÊ MẠC DƯỚI THỜI MẠC PHÚC NGUYÊN (1546-1561) - Hồ Bạch Thảo



Thời Phúc Nguyên sau khi dẹp tan nội loạn Mạc Chánh Trung, phe Mạc chia rẽ, quyền thần Lê Bá Ly mang quân theo nhà Lê. Kế đó danh tướng Trịnh Kiểm mấy lần xua quân ra Bắc, tướng Mạc Kính Điển cũng mang quân vào đánh Thanh Hóa. Trong lúc hai hổ đang tranh hùng, thì Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa, ngấm ngầm mài nanh dũa vuốt, trở thành hổ thứ ba trong tương lai.
 
Ngày mồng 8 tháng 5 năm Quảng Hoà năm thứ 6 [5/6/1546], Mạc Phúc Hải chết, lập con trưởng là Phúc Nguyên lên làm vua. Phúc Nguyên giữ ngôi 16 năm, lần lượt dùng 3 niên hiệu: Vĩnh Định, Cảnh Lịch, Quang Bảo, lấy năm sau [1547] là năm Vĩnh Định thứ nhất.
 
Lúc này Phúc Nguyên còn nhỏ tuổi, chưa biết định đoạt, bao nhiêu công việc lớn nhỏ đều ủy cả vào chú ruột là Khiêm Vương Kính Điển phân xử.
 
Khi Mạc Phúc Hải chết, viên tướng Tứ dương Hầu Phạm Tử Nghi bàn rằng:
 
“Hiện trong nước đương lúc nhiều nạn, nên lập vua lớn tuổi. Con Vua Đăng Dung là Hằng Vương Chánh Trung đã nhiều phen cầm quân, và thường thắng trận. Vậy xin dựng lên nối ngôi”.

Nhưng các vương họ Mạc, và đại thần là bọn Kính Điển, Nguyễn Kính đều không theo, bàn định dựng Phúc Nguyên lên ngôi. Bởi thế Tử Nghi không toại nguyện, bèn ngầm theo chí hướng khác, bí mất tụ họp các tướng dưới quyền, rồi cùng nổi loạn. Phúc Nguyên phải rời kinh thành qua sông, chạy về hướng đông vào ban đêm, bọn Kính Điển, Nguyễn Kính và Trần Phỉ xuất quân đón cứu Phúc Nguyên. Tử Nghi bèn đem Chánh Trung chiếm cứ Hoa Dương [huyện Hưng Hà, Thái Bình],[1] rồi tiếm xưng tôn hiệu, lập triều đình, các bầy tôi văn võ nhiều người theo. Phúc Nguyên sai Kính Điển và Nguyễn Kính phát binh đánh Tử Nghi, nhưng Tử Nghi vốn là một kiện tướng, lại thêm quân sĩ đều gắng sức, bởi thế Kính Điển đánh mấy trận đều bị thua. Tử Nghi đưa tờ bố cáo cho các trấn, kể tội phản nghịch của Nguyễn Kính, và tuyên bố sẽ đánh thẳng vào Đông Kinh.
 
Mạc Kính Điển họp binh đánh Tử Nghi, hẹn với Phụng quốc công Lê Bá Ly giúp sức. Kinh Điển và Bá Ly hợp các đạo quân, cả thủy bộ đều tiến, đánh phá quân của Chính Trung ở Ngự thiên. Tử Nghi đem Văn Minh, Chánh Trung, rút chạy, chiếm cứ Yên Quảng [Quảng Ninh]. Mạc Phúc Nguyên bèn trở về Đông Kinh. Lúc này, xứ Hải Dương bị nạn binh hỏa luôn luôn, rất nhiều người phải lưu vong.
 
Mùa xuân năm Vĩnh Định thứ 1 [1547], tức Lê Trang Tông Nguyên Hoà năm thứ 15, Minh Gia Tĩnh năm thứ 26, nhà Mạc mở khoa thi Hội, cho Dương Phúc Tư, Phạm Du, Nguyễn Tế đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Kính Chỉ 8 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Vũ Hiệu 19 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Sau khi Mạc Chánh Trung thất thế, bèn cùng Mạc Văn Minh đem gia quyến chừng hơn trăm người chạy sang Khâm Châu, vào cửa quân Lưỡng Quảng tố cáo, kể hết tội trạng Nguyễn Kính chuyên quyền, ruồng đuổi các vị cựu thần quốc thích. Đề đốc quân vụ Trương Nhạc bèn tâu về triều Minh, xin cứu trợ cho bọn Chánh Trung, vua nhà Minh bèn ra lệnh quan phủ Thiều Châu và Thiệu Khánh thu xếp cho bọn Chánh Trung cư ngụ tại xứ Thanh Viễn [Quảng Đông], chiếu theo cấp bậc hàng năm cấp phát gạo.
 
Sử Trung Quốc xác nhận bọn Mạc Chánh Trung chạy sang châu Khâm và được nhà Minh cấp dưỡng, tuy nhiên những chi tiết như Nguyễn Kính làm loạn, muốn lập người rể là Mạc Kính Dữ không thấy đề cập trong sử nước ta:
 
Ngày 7 tháng 12 năm Gia Tĩnh thứ 26 [17/1/1548]. Trước đó vào tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 25 Mạc Phúc Hải bị bệnh chết, con Hoằng Dực [Mạc Phúc Nguyên] mới 5 tuổi, bọn Tuyên phủ đồng tri Đặng Văn Trị, Nguyễn Như Quế nhận lời trối, phụ tá Hoằng Dực trông coi dân, cùng đến triều cáo ai, xin phong. Nhưng Di mục Nguyễn Kính làm loạn, muốn lập người rể là Mạc Kính Dữ, rồi bọn Văn Trị không chế ngự được, con thứ của Mạc Đăng Dung là Chính Trung lại được lập chiếm 2 phủ Hải Dương và Hải Đông. Chính Trung lại bị Nguyễn Kính đánh bại, cùng người trong họ là bọn Mạc Văn Minh chạy sang châu Khâm, theo lệ Đầu mục ở xa đến đầu hàng, xin cấp lương và giúp đỡ. Đề đốc Lưỡng Quảng Quân vụ Thị lang Trương Nhạc đem việc này tâu lên, sai đưa xuống bộ Binh, Thượng thư Vương Dĩ Kỳ tâu:
 
 ‘Nên tạm cấp dưỡng cho bọn Chính Trung, an trí trong nội địa, sai quan trấn thủ tra khám sự tình đất này có yên ổn hay không và sắc ấn trước đây ban nay ai giữ hãy tâu đầy đủ.’
 
Thiên tử chấp thuận, mệnh các quan Đề đốc, Trấn, Tuần khám gấp rồi tâu lên rõ ràng.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 225.
 
Năm Cảnh Lịch thứ 1 [1548], tức Lê Trang Tông Nguyên Hoà năm thứ 16, Minh Gia Tĩnh năm thứ 27, Mạc Phúc Nguyên đổi niên hiệu Vĩnh Định thành Cảnh Lịch năm thứ nhất.
 
Vào năm này, Đại Việt Thông Sử chép sự kiện quân Phạm Tử Nghi từ Yên Quảng sang Quảng Đông cướp phá như sau:
 
“Sau khi Tử Nghi đã chạy, giữ xứ Yên Quảng, y lại vào địa phận nước Tàu, khua dụ các dân Man ở ven biển nổi loạn cướp phá, làm tao nhiễu Khâm châu và tỉnh Quảng Đông, nhà Minh không chịu nổi, bèn truyền thư cho Phúc Nguyên rằng:
 
‘Nhà ngươi vô lễ! Dung túng cho đảng nghịch cướp phá nơi biên thùy thượng quốc, ngươi phải đem quân dẹp ngay. Nếu không thì đại quân sẽ đến hỏi tội ngươi.’
 
Phúc Nguyên nhận thư trên, xiết đổi sợ hãi, bèn sai Kính Điển dẫn quân đến An Quảng đánh Tử Nghi. Kính Điển mật sai tên tiểu tốt dụ bắt được Tử Nghi, đem chém, rồi đưa thủ cấp tới tỉnh Quảng Đông.”
Đại Việt Thông Sử, Lê Quí Đôn, Liệt Truyện – Nghịch Thần Truyện, tờ 53b.
 
Qua văn bản nêu trên, Thông Sử không chép rõ thời gian Phạm Tử Nghi mang quân sang cướp phá tỉnh Quảng Đông, và thời gian y bị bắt. Riêng Minh Thực Lục xác nhận Phạm Tử Nghi mang quân vào cướp phá vùng biển hai châu Khâm, Liêm vào ngày 14 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 28 [10/5/1549], rồi bị quân Mạc giết sau đó. Nên đến ngày 23 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 29 [1/11/1550], vua nhà Minh ra lệnh tưởng thưởng Mạc Phúc Nguyên vì có công bắt được bọn phản tặc Phạm Tử Nghi:
 
Ngày 14 tháng 4 năm Gia Tĩnh thứ 28 [10/5/1549]. Trước đây An Nam Đô thống sứ Mạc Phúc Hải bị bệnh mất, con là Hoằng Dực còn nhỏ tuổi, Nguyễn Kính mưu lập người rể là Mạc Kính Điển,[2] Phạm Tử Nghi mưu lập phe mình là Mạc Chính Trung, các phe chém giết lẫn nhau. Chính Trung bị thua, mang đồng đảng hơn một trăm người xin qui phụ, chiếu ban cho dung nạp và mệnh các quan khám hỏi xem ai là đáng lập. Nay Tử Nghi mang tàn binh theo Biển Đông vào, nói dối rằng Hoằng Dực đã chết, nay đem Chính Trung về để tôn lập. Rồi mang quân cướp phá hai châu Khâm, Liêm, bắt Chỉ huy Tôn Chính, giết Bách hộ Hứa Trấn, cả miền lãnh hải giao động. Tuần Án Quảng Đông Ngự sử Hoàng Như Quế tâu lên, các quan cho rằng việc Chính Trung mang đồ đảng đến qui phụ đã thu xếp xong, việc Tử Nghi vượt biển đến, làm việc ác, nên xét kỹ tình tội để quyết định nên đánh hay chiêu phủ, còn việc tranh lập xin giao Phủ thần khám rồi sẽ bàn riêng. Thiên tử chấp nhận và trách nặng nề các quan Tổng trấn lệnh tiểu trừ ngay để yên ổn biên giới, nếu như lười nhác làm tổn thất sẽ bị trị tội không tha.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 226.
 
Ngày 23 tháng 9 năm Gia Tĩnh thứ 29 [1/11/1550]. Mệnh Đề Đốc Lưỡng Quảng Thị lang Âu Dương Tất Tiến tưởng thưởng người đáng được thế tập là Đô thống Mạc Hoằng Dực [Mạc Phúc Nguyên], công bắt được bọn phản tặc Phạm Tử Nghi.”
 Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 227.
 
Vào tháng 4 [8/5-5/6/1548] Mạc Phúc Nguyên phong Trần Phỉ chức Binh bộ Thượng thư Đô ngự sử, lại gia phong cho Trần Phỉ Tri quán cục, tham dự triều chính, sau thăng tước Lai quận công. Phong Phạm Quỳnh tước Vinh quận công, phong con trai Quỳnh là Dao tước Phú xuyên hầu. Phạm Quỳnh nguyên quán ở làng Đặng Xá, huyện Thanh Lâm [huyện Nam Sách, Hải Dương], đến ngụ cư tại thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt, nhà nghèo làm nghề bán trà. Khi Mạc Kính Điển lên 2 tuổi, thường đau ốm quặt quẹo luôn, muốn tìm người vú nuôi, Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú sữa nuôi Kính Điển. Đến đây, Kính Điển giữ chính quyền, nghĩ tới nghĩa bảo dưỡng của vợ Quỳnh, cho nên trọng dụng cả hai cha con Phạm Quỳnh: Sai Phạm Quỳnh giữ quyền tiết chế đông đạo, cho Phạm Dao trấn thủ xứ Sơn Nam, rồi thăng đến tước Văn quận công.
 
Mùa thu, Phúc Nguyên sai bầy tôi, bọn Lê Quang Bí sang nhà Minh, dâng cống thường niên.
 
Phía nhà Lê vào ngày 29 tháng Giêng [9/3/1548], vua Trang Tông mất, Thái tử Huyên lên ngôi, miếu hiệu là Trung Tông, lấy năm sau làm năm Thuận Bình thứ nhất. Vua Trung Tông là con trưởng của Trang Tông, ở ngôi 8 năm, hưởng dương 22 tuổi.
 
Năm Cảnh Lịch thứ 2 [1549], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ nhất, Minh Gia Tĩnh năm thứ 28, Mạc Chính Trung đã chạy vào Trung Quốc, tố cáo tội trạng Nguyễn Kính chuyên quyền, bức hiếp đuổi bọn Chính Trung, nên nhà Minh ngờ Phúc Nguyên không phải là dòng dõi Đăng Dung, bèn truyền văn thư tra khám. Lúc này là thời kỳ Kính Điển vừa dẹp dư đảng của Tử Nghi xong, các xứ Hải Dương và Sơn Nam được tạm yên. Kính Điển bèn hộ vệ Phúc Nguyên đến Trấn nam quan, xưng tên Phúc Nguyên là Hoằng Dực, làm tờ cam kết không giả dối, xin được tập phong chức Đô thống sứ. Lại sai bọn Lê Bá Ly đi theo cùng, và làm tờ văn biện bạch rõ rệt, xin chiếu theo lệ trước, tâu đạt lên triều đình, cho Phúc Nguyên được tập phong. Quan chức Lưỡng Quảng bằng lòng nhận.
 
Các quan lại nhà Minh thuộc tỉnh Quảng Tây lúc bấy giờ cũng được lệnh miễn vào triều, để lo tổ chức việc tra khám:
 
Ngày 8 tháng 9 năm Gia Tĩnh Thứ 28 [28/9/1549]. Vì đang được ủy nhiệm khám An Nam, cùng điều binh đánh Ngạn Lê tại Nhai Châu. Chiếu dụ các chánh quan tại các phủ Thái Bình,[3] Nam Ninh,[4] Ngô Châu, Tư Châu thuộc tỉnh Quảng Tây được miễn vào triều.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 227.
 
Vào giờ Tỵ [9-11 giờ sáng] ngày 11 tháng 4 [7/5/1549], tại các phủ Nam Sách [Hải Dương], Lý Nhân [Hà Nam], Khoái Châu [Hưng Yên] và Trường Yên [Ninh Bình], trời bỗng tối sầm, rồi mưa đá đổ xuống sầm sập. Có hạt mưa to bằng hòn đạn, có hạt to bằng cái hột gà, cũng có hạt to bằng cái đấu hoặc hộc đá, làm hư hại lúa ngoài đồng, cây dâu trong vườn, phá hoại nhà ở, chết chim ngoài đồng, người và súc vật bị thương rất nhiều.
 
Mùa thu, họ Mạc lấy tướng Đông đạo (không rõ tên) làm Thiệu quốc công, tướng Bắc đạo Mạc Đình Khoa làm Gia quốc công, tướng Tây đạo Nguyễn Kính làm thái uý Tây quốc công, Nguyễn Khải Khang làm thái uý Đoan quốc công, đều cho vào họ Mạc, tướng Nam đạo Lê Bá Ly làm Thái tể Phụng quốc công, cùng các thuộc hạ đều được phong để mưu giữ đất đai bờ cõi.
 
Bá Ly là một vị lão tướng trọng thần, chuyên giữ binh quyền, tham dự triều chính ai cũng tôn phục. Sau khi đánh phá Phạm Tử Nghi, uy danh càng thêm lừng lẫy. Con trai là Phổ quận công Khắc Thận, lấy trưởng công chúa Cẩm Hương, lại giữ quyền tiết chế lộ Sơn Nam, và giữ việc trong phủ, con rể là Văn phái hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Cẩm y, con trai thứ là Thuần lương hầu cũng quản đốc đội cấm binh. Thân gia là Thư quận công Thiến, chức Thượng thư Bộ lại, Đổng giang hầu Bùi Trụ chức Tán lý quân vụ. Thân đảng kết liên, khí thế rực rỡ, bao nhiêu hùng binh các trấn đều nắm trong tay, bao nhiêu bầy tôi văn võ đều ra từ cửa. Phạm Quỳnh và Phạm Dao, nguyên trước xuất thân trong hàng đầy tớ nhà Bá Ly, bây giờ được hiển đạt, lại đem lòng oán ghen, muốn tính sự hãm hại Bá Ly.
 
Năm Cảnh Lịch thứ 3 [1550], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ 2, Minh Gia Tĩnh năm thứ 29, họ Mạc mở khoa thi Hội. Cho Trần Văn Bảo, Trần Văn, Nguyễn Minh Dương 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Lê Khâm 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Thừa Hưu 18 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Sứ thần nhà Mạc đến biên giới Quảng Tây xin phong tước cho Mạc Phúc Nguyên và nạp cống, nhưng triều đình nhà Minh lấy cớ chưa nhận được kết quả hội khám, nên chưa chập nhận:
 
Ngày 20 tháng 2 năm Gia Tĩnh thứ 29 [8/3/1550]Quan ty sở tại biên giới cho biết con cố An Nam Đô thống sứ Mạc Phúc Hải là Hoằng Dực xin được phong tước và nạp cống như lệ cũ. Bộ Lễ tâu rằng:
 
‘Hoằng Dực đáng được thế tập hay không, chưa có kết quả hội khám rõ ràng, chờ báo đến mới có thể hứa được.’
 
Thiên tử chấp thuận.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 227.
 
Năm Cảnh Lịch thứ 4 [1551], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ 3, Minh Gia Tĩnh năm thứ 30, lúc này con trai Thái tể Lê Bá Ly là Khắc Thận trấn thủ xứ Sơn Nam, đóng đồn ở Văn Sàng. Thận đương tuổi thanh niên, chỉ ham chơi bời ca hát, ít khi làm việc, lại cất nhà cửa lộng lẫy, sắm kiệu son, lộng vàng. Phạm Quỳnh và Phạm Dao bèn gièm với Mạc Kính Điển, bảo Khắc Thận có mưu phản nghịch. Kính Điển ngạc nhiên bảo rằng:
 
“Quốc gia trông cậy vào Tướng phụ [Lê Bá Ly] như quả núi cao, các ông không nên nói những lời như vậy”.
 
Phạm Quỳnh, Phạm Dao lại đem ý trên gièm pha với Phúc Nguyên.
 
Ngày 12 tháng 2 [18/3/1551], Phạm Quỳnh, Phạm Dao tự ý sai quân vây Bá Ly ở trại Giang Mai vào lúc nửa đêm. Đến lúc gà gáy sáng, người đầy tớ nhà Bá Lý ra ngoài, thấy có quân vây, vội trở vào báo, Bá Ly bèn thu thập người nhà và các quân sĩ, đóng cửa cố thủ, để chờ con em đến cứu viện. Một lát, Vạn an hầu, Văn phái hầu và Tả vệ hầu, mỗi người mang 3.000 cấm binh tới hộ vệ, giao chiến ác liệt với quân Quỳnh, Dao. Quỳnh, Dao thua chạy, Vạn an hầu bèn đem quân đón Bá Ly về đóng tại Thịnh Liệt, rồi Khắc Thận cũng từ đồn Văn Sàng tới hội.
 
Bá Ly cùng tộc thuộc bèn dẫn quân chiếm giữ cửa quan Châu Tước, kinh thành cực kỳ náo loạn. Phúc Nguyên thấy thế bức bách, hoảng sợ, bỏ thành chạy qua sông, đến Bồ Đề [Gia Lâm, Bắc Ninh], rồi sai sứ thần dụ Bá Ly bãi binh, Bá Ly không nghe, bảo phải bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến đây sẽ bãi binh. Phúc Nguyên bèn sai tướng Vạn đôn hầu, Anh duệ hầu, Phù long hầu và Văn giáp hầu, hợp binh tiến đánh Bá Ly. Bá Ly chia quân chống cự, cố thủ, rồi sai tướng dưới trướng đem thư cầu cứu Thụy quốc công Nguyễn Khải Khang. Thụy quốc công nhận lời, liền sai gia thần Đông khang hầu dẫn quân giúp Bá Ly, Bá Ly bèn đánh Phúc Nguyên, quân Phúc Nguyên thua chạy, Bá Ly bèn tiến quân đến Cấu Hà, rồi lạy vọng sang, đưa lời rằng:
 
“Cha con hạ thần thực không dám mưu tính sự gì, chẳng qua chỉ vì kẻ gian thần bức bách, ghép hạ thần là phản nghịch, chúng định hãm hại, cho nên hạ thần phải dùng binh tự vệ. Xin bệ hạ bắt cha con Quỳnh, Dao, giải đến để úy dụ ba quân, hạ thần xin bãi binh ngay”.
 
Phúc Nguyên không nghe lời yêu cầu, Bá Ly nổi giận, mắng nhiếc Phúc Nguyên, rồi trở về kinh thành bảo các Tướng rằng:
 
“Ta có chút tài mọn, nguyên thờ Quang Thiệu Hoàng đế, nhân bất đắc dĩ bèn làm bầy tôi họ Mạc, chính tay dựng 4 đời vua [Mạc], hao phí biết bao tâm lực. Nay gặp hôn quân, không biết minh đoán, chỉ nghe lời kẻ gièm pha, khiến cho bao nhiêu nghĩa biển tình non, đều thành băng tang ngói trút! Sự thế đã như vậy, thôi lại còn nói gì. Ta nghe vua Lê, chính vị ở xứ Thanh Hoa, có Thái sư họ Trịnh là một vị anh hùng tài lược, chuyên y tá phò, ra quân có danh, bốn phương quy phụ. Đó thực là vị chúa trung hưng vậy. Nay ta muốn dẫn quân quy thuận, tiễu trừ giặc nghịch tán trợ triều Lê, dựng nên nghiệp lớn, để rửa tội lỗi trước, mà cũng không mất sự giàu sang. Các ông nghĩ thế nào?”
 
Tất cả các tướng đồng thanh thưa:
 
“Kính theo tôn mệnh!”.
 
Bá Ly được các tướng đồng ý, rất là mừng rỡ, rồi sai nội thần Văn ấp hầu cùng với Tán Lý Đông giang hầu Bùi Trụ, đem văn thư đến hành điện Ngạc Khê xin hàng, kèm theo bức họa địa hình tiến dâng. Vua Lê nhận rồi ban tờ sắc khen ngợi Bá Ly.
 
Tháng 2 [7/3-5/4/1551], Bá Ly xuất 14.000 quân các đạo Tây Nam cùng với Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện và con trai là Khắc Đôn, Khắc Thận tới bái kiến nơi hành doanh Vua Lê đóng tại sách Vạn Lại. Hoàng đế xiết đổi mừng rỡ, úy lạo và nhận cho hàng, thăng Bá Ly chức Thái tể tước Diễn quốc công. Lúc này, Bá Ly đã 70 tuổi, một vị kỳ lão trọng thần, bầy tôi trong triều ai cũng tôn kính. Khi vào yết kiến Thái sư Lương quốc công Trịnh Kiểm, Bá Ly giữ hết lễ, rất cung kính. Thái sư tiếp đãi cũng rất kính cẩn và tận lễ.
 
Sau khi Lê Bá Ly quy thuận, nhiều mưu thần mãnh tướng ùa theo. Cháu rể Bá Ly là Khổng Lý và Đặng Huấn, người xã Lương Xá, huyện Chương Đức, cũng theo vào bái yết Thái sư ở cửa quân, Thái sư đều hậu đãi. Tướng Tây đạo Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang, khi trước sai tướng đem quân giúp Bá Ly, nay cũng mang 3.000 quân dưới trướng quy thuận, tới yết Hoàng đế ở hành điện Vạn Lại. Hoàng đế úy lạo ban thưởng, cho giữ chức tước cũ. Khi Khải Khang tới bái yết Thái sư, Thái sư kính nể tước vị cao, nên tiếp đãi rất nồng hậu. Từ đây, thanh thế quân nhà vua rất lừng lẫy. Mạc Phúc Nguyên thấy vậy, lấy làm lo sợ, đem binh quyền ủy cho Kính Điển, để tính kế bảo vệ kinh đô và các xứ miền Đông.
 
Tháng 4 [6/5-3/6/1551], vua Lê cho là Phúc Nguyên hiện bị bầy tôi lìa bỏ, bèn bàn nên thừa lúc địch suy, xuất quân tiến đánh, liền ban tờ chiếu điều động các tướng đánh Phúc Nguyên: Sai Phụng quốc công Lê Bá Ly xuất đường Sơn Nam, Đoan quốc công Nguyễn Khải Khang xuất đường Sơn Tây, Gia quốc công Vũ Văn Mật[5] tại Tuyên Quang xuống, hội đồng tại Đông Kinh. Bá Ly làm tờ quốc thư bằng chữ Nôm để chiêu dụ các tướng nhà Mạc.
 
Tháng 5 [4/6-3/7/1551], Thái sư Trịnh Kiểm xuất quân tự Hưng Hóa qua đò sông Thao đến An Lạc, cùng với Vân Mật tiến đóng tại núi, rồi đánh phá quân Kính Điển, thẳng tới Xuân Canh, thắng luôn mấy trận nữa. Bá Ly, Khải Khang và Văn Mật chia làm ba đường tiến đánh, cũng đều phá được các tướng khác của họ Mạc. Thế quân Lê rất mạnh, Phúc Nguyên sợ hãi, đang đêm bỏ kinh đô chạy tới Kim Thành [Hải Dương], chỉ lưu Kính Điển ở lại làm tướng Đô đốc, chống giữ bờ Bắc sông Bồ Đề. Quân vua Lê bèn khôi phục Đông kinh, sĩ dân hào kiệt nối tiếp qui phụ. Thái sư cùng các Tướng hội cả ở kinh sư, mở đại yến khao thưởng. Lúc này quân thắng trận liên tục, một dãy núi phía Tây Nam và các phủ Thường Ứng, Lý Quốc và Quảng Oai [Sơn Tây] đều thuộc bên nhà Lê. Về bên Mạc chỉ có 2 đạo Đông Bắc, bắt dân các làng lệ thuộc vào các doanh trại, từ sông Bồ Đề trở lên phía Bắc, cho đắp lũy đất, đặt thuyền chiến, quân thủy quân bộ đóng xen kẽ nhau, phòng thủ rất nghiêm nhặt!
 
Bọn Bá Ly và Nguyễn Khải Khang tính rằng: Hiện Phúc Nguyên đã chạy lên Kim Thành, thì khí thế đã xuống lắm, dù có lưu quân phòng thủ, cũng không đáng làm lo ngại cho ta. Nếu bây giờ đón Hoàng thượng tiến ngự tại kinh thành, thì nhân tâm rất hưởng ứng, hào kiệt sẽ đều qui phụ, nhân giữ trung châu mà hiệu lệnh bốn phương, để quét hết bọn giặc tàn, thì công khôi phục sẽ có thể tính từng ngày. Bèn sai người tâu báo thắng trận và dâng tờ biểu đón Hoàng đế ra ngự Đông Kinh.
 
Thái sư thì cho rằng: Hiện đảng giặc hãy còn khá nhiều, chúng có thể kêu viện binh các nơi đến đông đảo, quân ta vào sâu nơi trọng địa, nếu chúng đón đánh chặn ngang, thì dù có lấy được Đông Kinh cũng khó lòng giữ nổi. Vả chăng lúc này nhân tâm cũng chưa hướng hết về mình, chi bằng hãy giữ vững nơi căn bản đã, chưa nên khinh động.
 
Bởi thế Thái sư không ký tên vào tờ biểu trên. Khi Hoàng thượng xem tờ biểu của các tướng không thấy tên ký của Thái sư, ngài biết ngay Thái sư tất có ý kiến khác, bèn hạ tờ chiếu cho các tướng kéo quân về. Trước khi quân nhà Lê lui binh, Phúc Nguyên đã sai tướng Khánh quốc công dẫn thủy quân tự Đông Nam ngược dòng tiến lên, đóng sẵn tại núi Công, định đánh ngang vào hậu quân nhà Lê. Nhưng Thái sư hồi binh tiến đánh, phá tan rồi cùng bọn Bá Ly trở về Thanh Hóa, Văn Mật thì trở về Tuyên Quang. Sau khi quân nhà Lê đã lui binh, Phúc Nguyên lại chiếm Đông Kinh. Kính Điển sai bộ binh đóng đồn tại Yên Mô [Ninh Bình], thủy binh đóng đồn ở cửa Thần Phù [Ninh Bình], các xứ Sơn Nam, Sơn Tây lại thuộc về họ Mạc.
 
Về phía nhà Minh, sau thủ tục hội khám lâu dài, vào năm nay phong Mạc Hoằng Dực, tức Phúc Nguyên, chức An Nam Đô thống sứ:
 
Ngày 16 tháng 3 năm Gia Tĩnh thứ 30 [21/4/1551]. Mệnh con trai cố An Nam Đô thống sứ Mạc Phúc Hải là Hoằng Dực thế tập chức của cha. Trước kia Mạc Phúc Hải chết, con trai là Hoằng Dực đáng được lập. Lúc bấy giờ người trong họ là bọn Mạc Chính Trung nhân Dực còn nhỏ, muốn thừa cơ đoạt chức, mà bọn quan là Phạm Tử Nghi lại hùa giúp. Nhờ viên quan Lê Bá Ly mang binh ủng hộ, Hoằng Dực mới khỏi chết. Chính Trung kế cùng lực kiệt xin lưu vong tại Trung Quốc, được chiếu chỉ cho tạm an sáp. Tử Nghi cũng ngầm đến tá túc tại các xứ như Vĩnh An, lâu rồi lại xâm nhiễu nội địa, đặt lời gây loạn.
 
Riêng Hoằng Dực dâng biểu nạp cống, lại bắt được bọn Tử Nghi, đặt đầu lâu vào hộp để dâng công, lại xin đưa Chính Trung trở về nước để vẹn toàn sự hòa mục. Lúc này triều đình mới biết Hoằng Dực an toàn, bèn sai quan Phủ Trấn tại Lưỡng Quảng khám lại rồi tâu lên. Nay Đề đốc Thị lang Dụng Diên tra rõ Hoằng Dực thứ bực, rõ ràng đáng chuẩn cho thừa tập, các phương vật nguyên cống đợi sau khi chấp thuận cho thế tập sẽ tiến dâng. Tên giặc Phạm Tử Nghi đã bị Hoằng Dực bắt rồi đem hiến, chứng tỏ cung kính cần mẫn, xin tưởng thưởng thêm, nhưng việc xin đưa Chính Trung về An Nam, thì e rằng Hoằng Dực mới nối chức, quyền chưa định, có thể sinh mối tranh giành khác, nên vẫn tiếp tục an sáp tại đây, đợi Hoằng Dực thừa tập một vài năm rồi cho trở về.
 
Bộ Binh đồng ý sự phân xử, phúc tấu như lời bàn. Thiên tử bèn ra sắc mệnh Hoằng Dực thế tập chức Đô thống sứ, giữ gìn sắc ấn, kỳ dư đều chấp nhận như trên.Về việc Tuần phủ Ngự sử Tiêu Thế Diên trình công lao của các quan trong việc Tử Nghi bị bắt, bộ Binh cũng phúc tấu xin ban thưởng. Thiên tử phán:
 
‘Phạm Tử Nghi là tên giặc ở bước đường cùng tại An Nam, phá phách lãnh thổ ta, các quan không kịp thời tiễu trừ, lại phải điều thêm quan quân, lao phí không ít. Tuy đã bị bắt, có thể chấp nhận thưởng, nhưng rồi do Hoằng Dực gói đầu đem hiến. Làm sao có thể bàn công cho đúng, không để sự ra ân quá lạm.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 229.
 
Năm Cảnh Lịch thứ 6 [1553], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ 5, Minh Gia Tĩnh năm thứ 32, nhà Mạc mở khoa thi Hội, cho Nguyễn Lượng Thái, Hoàng Tuân, Trần Vĩnh Tuy đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Nghĩa Lập 5 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Công Tộc 12 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Phía nhà Lê, vua dời hành tại đến xã Yên Trường, thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay.
 
Năm Quang Bảo thứ 1[1554], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ 6, Minh Gia Tĩnh năm thứ 33, Mạc Phúc Nguyên đổi niên hiệu Cảnh Lịch thành Quang Bảo năm thứ nhất.
 
Phía nhà Lê, Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm dời hành dinh đến Biện Thượng, tức làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Lúc này khí thế quân sĩ đang lên, bèn sai các tướng kinh lược Hóa châu, Đàm Bá và Hoàng Bôi, chiếm cứ đầu nguồn, đánh dẹp quân cố thủ. Quan quân bình định các huyện, các thổ hào và các quan lại do nhà Mạc bổ nhiệm đều hàng phục. Hương dương bá Nguyễn Đức Trung qui thuận. Bèn tăng quân đánh gấp, phá tan quân chống cự, giết chết Phạm Bôi, bình định cả hai xứ Thuận [Bình Trị Thiên], Quảng [Quảng Nam]. Tham Tướng Phạm Khắc Khoan lại xuất quân chống cự, cũng bị thua và chết trận. Sau khi bình định hai xứ này, Thái sư dùng các hào mục và sinh viên trong xứ, bổ nhiệm vào các chức vụ, nên địa phương này được yên.
 
Nhà Vua mở chế khoa,[6] chọn kẻ sĩ. Cho bọn Đinh Bạt Tuy 5 người đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, bọn Chu Quang Trứ 8 người đỗ Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân. Ngày mồng một tháng 10 [26/10/1554], cho Kim ngô vệ chưởng vệ sự Quảng quận công Phạm Đốc làm Thái bảo.
 
Tháng 8 năm Quang Bảo thứ 2 [17/8-15/9/1555], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ 7, Minh Gia Tĩnh năm thứ 34, Mạc Kính Điển mang đại quân thủy bộ vào đánh phá Thanh Hóa, bị Thái sư Trịnh Kiểm điều động phục kích tại những địa điểm quan trọng dọc sông từ các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định xuôi phía nam đến huyện Đông Sơn, khiến quân Mạc thua to, bị giết mấy vạn, Kính Điển phải thu tàn quân trở về kinh sư:
 
“Tháng 8, họ Mạc sai Khiêm Vương Mạc Kính Điển đem quân vào cướp Thanh Hoá, lấy Thọ quận công (không rõ tên) tiết chế quân Nam đạo, đem hơn 100 chiếc thuyền làm tiên phong, tiến đến cửa biển Thần Phù [Ninh Bình] đóng dinh. Hôm sau, Kính Điển đem quân đến hội ở sông Đại Lại [sông Lèn, huyện Yên Định, Thanh Hóa],[7] sai Thọ quận công đốc suất quân bản bộ đi trước, đóng dinh ở núi Kim Sơn.
 
Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm đại hội các tướng bàn rằng:
 
“Giặc cậy đông khinh ta, ta dùng kế mai phục đợi chúng, thế nào cũng bắt được.”
 
 Bèn sai người dặn trước dân chúng hai bờ sông không được kinh động, ai nấy cứ vững yên như cũ. Lại sai trung quan là Thái uý Hùng quốc công Đình Công đốc suất bọn hàng tướng Lê Bá Ly, Nguyễn Khải Khang, Nguyễn Thiến, Lê Khắc Thận cùng binh tướng bản bộ mai phục sẵn ở phía nam sông, trên từ núi Yên Định [huyện Yên Định], dưới đến núi Quân Yên [huyện Yên Định]. Thái sư Trịnh Kiểm đích thân đốc suất đại quân mai phục ở phía bắc sông, trên từ núi Bạch Thạch [huyện Đông Sơn], dưới đến núi Kim Sơn, lại chọn 50 con voi phục ở chân núi Kim Sơn. Lại sai Quảng quận công Phạm Đốc đem thuỷ quân và chỉ huy bọn hàng tướng Nguyễn Quyện đem hơn 10 chiếc thuyền chiến chiếm cứ mạn thượng lưu từ sông Hữu Chấp [huyệnVĩnh Lộc] đến sông Kim Bôi [huyện Vĩnh Lộc], đi đi lại lại làm thế ỷ dốc. Hôm sau, giờ Tỵ [9-11 giờ sáng], thuyền giặc qua Kim Sơn, đến chợ Ông Cung [làng Bồng Thượng, huyện Vĩnh Lộc]. Trong chiến thuyền, nghe tiếng đàn sáo ca hát, như vào chỗ không người. Gần trưa, nghe một tiếng súng nổ ở núi Quân Sơn, dọc hai bờ sông liên tiếp có bảy tiếng súng đáp lại. Thái sư Trịnh Kiểm tung quân đánh lớn, voi ở hạ lưu đã qua sông. Binh thuyền của bọn Phạm Đốc, Nguyễn Quyện đã thuận dòng mà xuống. Binh tượng hai bên bờ hăng hái tranh nhau tiến lên trước. Quân giặc quay ngược giáo, vứt bỏ áo giáp, chiến thuyền, nhảy xuống sông trốn chạy. Thọ quận công tự liệu không thể thoát được, nhảy xuống sông trốn, bị Triều quận công Vũ Sư Thước bắt sống. Quân Mạc bị bắt rất nhiều. Trói Thọ quận công trên lưng voi đem nộp ở cửa dinh cùng với mấy chục viên tướng giặc lớn nhỏ đã bắt được. Quân giặc chết nhiều, xác nghẽn cả sông, nước sông đỏ lòm. Thu được khí giới nhiều không kể xiết. Mấy vạn quân giặc chết gần hết. Kính Điển sợ vỡ mật, thu nhặt tàn quân quay về Kinh sư. Thái sư dâng biểu báo tin thắng trận, vua sai chém hết vài chục tên tướng giặc như bọn Thọ quận công ở núi Đồng Lộc.”
Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 16, trang 11 b.
 
Năm Quang Bảo năm thứ 3 [1556], tức Lê Trung Tông Thuận Bình năm thứ 8, Minh Gia Tĩnh năm thứ 35, nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho Phạm Trấn, Đỗ Uông và Nguyễn Nghiêu Tá đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Viết Mậu 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Nhân An 7 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Phía nhà Lê, vào ngày 24 tháng Giêng [5/3/1556], vua Trung Tông băng, không có con nối dõi. Thái sư Lượng quốc công Trịnh Kiểm bàn với các đại thần rằng: Nước không thể một ngày không có vua. Liền sai người đi tìm con cháu họ Lê để lập, tìm được cháu bốn đời của Lam quốc công Lê Trừ [anh thứ hai Vua Lê Thái Tổ] là Lê Duy Bang ở hương Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, đón về lập làm vua, lấy năm sau làm năm Thiên Hựu thứ nhất, tôn xưng miếu hiệu là Anh Tông.
 
Mùa xuân năm Quang Bảo năm thứ 4 [1557], tức Lê Anh Tông năm Thiên Hựu thứ nhất, Minh Gia Tĩnh năm thứ 36, nhà Mạc lấy Khiêm Vương Kính Điển kiêm chức Tông nhân lệnh.
 
Tháng 7 [26/7-23/8/1557], Mạc Kính Điển đem quân xâm phạm Thanh Hóa, đến cửa Thần Phù [Ninh Bình] và vùng Tống Sơn [huyện Hà Trung, Thanh Hóa], Nga Sơn [Thanh Hóa], đốt phá cầu phao. Thái sư Trịnh Kiểm sai Thanh quận công giữ Nga Sơn, Thuỵ quận công Hà Thọ Tường giữ Tống Sơn, quân Mạc không tiến lên được. Thái sư đích thân chỉ huy binh tượng, ngầm tiến đến chân núi Yên Mô [Ninh Bình] thẳng tới cửa biển, gặp giặc, tung quân ra đánh, lại đánh úp phía sau, trên dưới đánh kẹp vào. Thái sư sai người huyện Hoằng Hoá là Vũ Lăng hầu lao thuyền xông vào đánh, gặp thuyền Mạc Kính Điển, Vũ Lăng hầu tung người nhảy qua, vung gươm chém người cầm dù đứt làm hai đoạn rớt xuống sông. Kính Điển trở tay không kịp, nhảy xuống sông trốn thoát. Quân Mạc đại bại, bỏ thuyền chạy trốn vào núi rừng.
 
Kính Điển chỉ thoát được thân, vào hang núi ẩn náu 3 ngày, đói quá, ban đêm thấy cây chuối trôi qua cửa hang, liền ôm chuối trôi theo dòng để tìm đường về. Vài ngày sau, đến sông Yên Mô [huyện Yên Mô, Ninh Bình], gặp người đánh cá ở xã Trà Tu [huyện Yên Mô, Ninh Bình] cứu thoát. Đến khi về, Kính Điển xin cho người ấy làm Phù Nghĩa hầu.
 
Khi Kính Điển vào đánh Thanh Hoá thì Mạc Phúc Nguyên sai bọn Phạm Quỳnh, Phạm Dao vào đánh Nghệ An. Tháng 8 [24/8-22/9/1557], Trịnh Kiểm phá tan quân của Mạc Kính Điển, tước lấy chiến thuyền, giả làm quân Mạc kéo vào đánh quân Phạm Quỳnh, Phạm Dao ở Nghệ An. Bọn Quỳnh, Dao không đề phòng, bị đại bại, bèn trốn về kinh.
 
Năm này, hàng tướng Mạc là Lê Bá Ly, Nguyễn Thiến chết. Con của Thiến là bọn Nguyễn Quyện, Nguyễn Phủ lại trốn về với họ Mạc. Họ Mạc phong Quyện làm Văn Phái hầu, Phủ làm Phù Hưng hầu, đem con gái tôn thất gả cho.
 
Tháng 9 [23/9-21/10/1457], Thái sư Trịnh Kiểm đem 5 vạn quân thuỷ bộ đánh ra miền giữa Sơn Nam. Đến sông Phụng Xí [Nam Định] bắc cầu phao qua sông, phá tan quân Mạc, bắt sống tướng Mạc là Khánh quốc công trên thuyền, quân Mạc tan vỡ. Thái sư Trịnh Kiểm để Khánh quốc công trên voi, sai đi theo quân để hiến kế. Sau Khánh quốc công mưu phản, việc tiết lộ, bị giết. Quan quân đánh dẹp huyện Giao Thuỷ ở mạn dưới Sơn Nam. Thái sư tự mình chỉ huy bộ binh, sai bọn Phạm Đốc chỉ huy thuỷ quân, lấy Vũ Lăng hầu làm Tiền Thuỷ đội, tung quân đánh lớn.
 
Họ Mạc sai Nguyễn Quyện chống giữ ở sông Giao Thủy [Nam Định]. Quyện và Vũ Lăng hầu đánh nhau to. Vũ Lăng hầu rướn mình nhảy sang mui thuyền của Quyện trước. Quyện cầm gươm chém, Vũ Lăng hầu nhảy xuống sông lặn đi. Quyện vội nhảy sang thuyền của Vũ Lăng hầu, chém được đầu của người cầm dù rồi hô lớn:
 
“Đầu Vũ Lăng hầu đây, lũ chúng mày địch sao nổi ta”.
 
Các quân nghe nói thế, không kịp ngoảnh lại nhìn, nhảy cả xuống sông. Toàn quân tan vỡ, bỏ thuyền nhảy lên bờ tháo chạy. Quân Mạc thừa thắng đuổi đánh, dân các huyện đều hưởng ứng theo, Thái sư ra lệnh rút quân gấp. Họ Mạc sai tướng đem quân chặn lối về, quân sĩ phần lớn bị hại, chiến tướng bị giết đến vài chục viên; thuyền bè, khí giới phải vứt bỏ hết, sĩ tốt chạy thoát được còn độ một nửa.
 
Tháng 10 [22/10-20/11/1557], Thái sư đem quân về Thanh Hóa, sai các tướng chăm sóc quân lính, chế tạo chiến khí, tuyển tráng đinh, biên chế vào quân ngũ cho đủ số quân để mưu đánh lần sau. Lúc này mưa to kéo dài hàng tháng không tạnh, Thanh Hoa, Nghệ An đồng lúa phần lớn bị ngập nước, mùa màng bị mất, do vậy vua xuống chiếu đổi năm sau thành năm Chính Trị thứ nhất.
 
Năm Quang Bảo thứ 5 [1558], tức Lê Anh Tông Chính Trị năm thứ nhất, Minh Gia Tĩnh năm thứ 37, phía nhà Lê, Thái sư Trịnh Kiểm đích thân đốc suất đại quân ra miền giữa trấn Sơn Nam, lừa đánh bất ngờ, bắt sống tướng Mạc là Anh Nhuệ hầu đưa về hành tại Yên Trường [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa], sai đem chém. Lập trường thi Hương ở xã Đa Lộc, huyện Yên Định, Thanh Hóa.
 
Tháng 9 [11/10-9/11/1558], sau khi chiếm được Sơn Nam, Thái sư trở về Thanh Hóa, để hàng tướng Nguyễn Khải Khang ở lại trấn thủ, chiêu tập dân chúng. Sau đó nhà Mạc dùng mưu sai người địa phương trá hàng để dụ, Khải Khang phản bội quay về, phía Mạc dùng xe xé xác Khang.
 
Tháng 10 [10/11-9/12/1558], Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu xin đưa con thứ của Chiêu huân tĩnh công Nguyễn Kim là Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hoá [Bình Trị Thiên] để đề phòng nhà Mạc. Lúc này nhà Lê tuy đã lấy được đất Thuận Hoá, nhưng nhiều người ở đó vẫn vượt biển đi theo họ Mạc, hoặc đưa quân Mạc đến phá phía sau của quân nhà Lê.
 
Ngoài ra sau khi Nguyễn Kim chết, binh quyền về tay Trịnh Kiểm. Hai người con trai của Nguyễn Kim thì một người là Lãng quận công Nguyễn Uông đã bị Trịnh Kiểm mưu sát, riêng Đoan quận công Nguyễn Hoàng lo cho số phận của mình. Bấy giờ Quận công nghe tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm, người làng Trung Am, xứ Hải Dương, đỗ Trạng nguyên triều Mạc, làm đến chức Thái bảo về trí sĩ, giỏi nghề thuật số, nên ngầm sai người tới hỏi. Bỉnh Khiêm nhìn núi non bộ trước sân ngâm lớn rằng: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” [nghĩa là: Một dải núi ngang có thể dung thân muôn đời được]. Sứ giả đem câu ấy về thuật lại. Quận công Nguyễn Hoàng hiểu ý, bèn nhờ chị ruột Ngọc Bảo là vợ Trịnh Kiểm, xin cho vào trấn thủ Thuận Hoá. Trịnh Kiểm cũng muốn trừ bỏ mối lo bên cạnh mình, nên đồng ý cho đi. Nguyễn Hoàng đem quân thủ hạ của mình vào Thuận Hoá, đóng dinh ở gò Phù Sa, xã Ái Tử [huyện Triệu Phong, Quảng Trị]. Mọi việc của xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hàng năm đến kỳ hạn thì thu nộp.
 
Mùa xuân năm Quang Bảo năm thứ 6 [1559], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 2, Minh Gia Tĩnh năm thứ 38, nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho Đặng Thì Thố đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Đạt Thiệu 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Thầm 14 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân. Bấy giờ quân Mạc bị thua luôn, Phúc Nguyên hoang mang lo sợ, bỏ thành Thăng Long, dời ra ở ngoài cửa Nam.
 
Tháng 3 [8/4-6/5/1559], nhà Lê sai quan đạc chi bộ Hộ Văn Toàn tử Lê Trọng Nguyên đi khám đo ruộng đất công và tư ở Thanh Hóa, Nghệ An, để định ngạch thuế. Tháng 8 [2/9-30/9/1559] ở Thanh Hóa, Nghệ An, nước lũ tràn ngập, đê điều, đường sá bị vỡ, trôi mất vài trăm nhà. Trong thành Tây Đô bị ngập, kho tàng phần nhiều ngập nước, nhân dân đói kém.
 
Tháng 9 [1/10-29/10/1559], Thái sư bảo cử viên tướng cùng họ là Phong quận công Trịnh Quang trông coi ngự bình, Phù quận công Lê Chủng làm Tổng trấn đạo Thanh Hóa, trấn giữ binh dân, bọn Triều quận công Vũ Sư Thước, An quận công Lại Thế Khanh cùng đem tinh binh trấn giữ cửa biển để phòng chống giặc. Thái sư chỉ huy hơn 6 vạn đại quân, nói phao là 12 vạn, đích thân đi đánh miền bắc để mưu việc khôi phục. Đại quân từ Thiên Quan [huyện Nho Quan, Ninh Bình] ra miền thượng lộ Sơn Tây. Quân đi đến đâu, không mảy may xâm phạm của dân, nên dân chúng đều thuận lòng tuân phục, mọi người tranh nhau đem rượu thịt lúa gạo cấp cho quân. Khi đến Tuyên Quang, Hưng Hoá, tướng Tây đạo là Quận công Đặng Định đem quân đến họp bàn tiến quân, vượt sông Thao đánh chiếm các xứ Thái Nguyên, Lạng Sơn, Kinh Bắc. Viên tướng biên thùy Gia quận công cũng quy thuận triều đình, nguyện xin cấp quân đánh giặc. Lại sai Đặng Định trấn giữ An Tây [Hưng Hóa] và Vũ Văn Mật trấn giữ Đại Đồng [Yên Bái] củng cố cõi phiên trấn cùng mở đường từ Thiên Quan nối liền với Hưng Hoá, Tuyên Quang, thông đến Kinh Bắc để vận tải lương thực cung cấp cho quân.
 
Tháng 10 [30/10-28/11/1559], Thái sư Trịnh Kiểm thống lĩnh binh tướng đi đánh dẹp các xứ Kinh Bắc, đóng dinh ở phủ Thuận An [Bắc Ninh], cầm cự với quân Mạc, sau lại dời đến đóng ở núi Tiên Du [huyện Tiên Du, Bắc Ninh]. Tháng 11 [29/11-28/12/1559], Thái sư chia quân đi đánh các phủ Khoái Châu [Hưng Yên], Hồng Châu [Hải Dương] các huyện Siêu Loại [Bắc Ninh], Văn Giang [Hưng Yên], quân đến các nơi đều chiến thắng. Tháng 12 [29/12/1559-26/1/1560], Thái sư lại chia quân tiến đánh các phủ Khoái Châu, Hồng Châu, Nam Sách [Hải Dương] quân Mạc nghe tin đều bỏ chạy.
 
Tháng Giêng năm Quang Bảo năm thứ 7 [27/1-25/2/1560], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 3, Minh Gia Tĩnh năm thứ 39, Thái sư Trịnh Kiểm sai các tướng đem quân đi đánh phá các phủ Hồng Châu, Khoái Châu, Tiên Hưng [các huyện Hưng Hà, Đông Hưng, tỉnh Thái Bình], đánh đâu được đấy. Năm này được mùa lớn, hạ lệnh cho dân địa phương đã quy thuận ở các huyện thuộc trấn Kinh Bắc nộp lúa để cung cấp cho quân lính.
 
Tháng 2 [26/2-26/3/1560], Mạc Phúc Nguyên sai tướng đem quân giữ thành Thăng Long, bên ngoài đóng đồn một dải dọc sông về phía tây, trên từ ngã ba Bạch Hạc, dưới đến Nam Xang [Phủ Lý, Hà Nam], dinh trại liền nhau, thuyền ghe san sát, ban ngày thì phất cờ dóng trống báo nhau, ban đêm thì đốt lửa làm hiệu cho nhau để chống giữ. Thái sư Trịnh Kiểm chia quân cho các tướng đi đánh các huyện Đông Triều [Quảng Ninh], Giáp Sơn [Kinh Môn, Hải Dương], Chí Linh, An Dương [Hải Phòng] ở miền đông, đều lấy được cả. Nhà Mạc cho tạm dời đô ra ở huyện Thanh Đàm [Thanh Trì, Hà Nội].
 
Tháng 3 [27/3-24/4/1560], Thái sư Trịnh Kiểm sai bọn Vinh quận công Hoàng Đình Ái đem quân trấn giữ Lạng Sơn. Vị quận công Lê Khắc Thận trấn giữ Thái Nguyên, Gia quận công Vũ Văn Mật trấn giữ Tuyên Quang. Quân đóng liền nhau để cứu viện cho nhau, ngày đêm tiến công các phủ huyện Phú Bình [Thái Nguyên], Văn Lan [Lạng Sơn]. Lại sai Định quận công trấn giữ Hưng Hoá, chiêu tập vỗ yên cư dân các châu cùng tư cấp binh lương. Từ Thiên Quan đến Kinh Bắc đường liền không dứt.
 
Tháng 4 [25/4-24/5/1560], Thái sư Trịnh Kiểm đóng quân ở phía nam núi Lãm Sơn [Quế Võ, Bắc Ninh]. Bấy giờ, quan quân cầm cự nhau với tướng Mạc liền năm không dứt, Thái sư Trịnh Kiểm lại chia quân đi đánh phá các vùng Thanh Miện, Gia Phúc [huyện Gia Lộc, Hải Dương], Hồng Châu, Khoái Châu, do vậy uy danh chấn động.
 
Tháng 3 năm Quang Bảo năm thứ 8 [16/3-13/4/1561], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 4, Minh Gia Tĩnh năm thứ 40, nhà Mạc sai tướng điều quân đến Kinh Bắc chống nhau với Thái sư Trịnh Kiểm, trong khi đó ngầm sai Mạc Kính Điển đem quân vào đánh Thanh Hóa, đến tận cửa biển. Bấy giờ, các tướng trấn giữ là Triều quận công Vũ Sư Thước và An quận công Lại Thế Khanh đều bỏ dinh trại rút về, Phù quận công Lê Chủng thì quân vỡ, tháo chạy, đem quân chạy vào sách Vạn Lại, cửa Yên Trường [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa]. Gia thuộc của Thái sư và vợ con của các tướng chạy vào sách Thuỷ Đả để lánh nạn. Thế giặc hung hăng, dân chúng phần nhiều phải lưu tán. Tháng 9 [9/10-6/11], quân Mạc đánh vào cửa Yên Trường, đến sách Vạn Lại, sắp lấy được kho công. Bọn Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh hợp sức cố đánh, tung quân mai phục đánh thắng liền mấy trận, chém được hơn trăm thủ cấp giặc. Quân Mạc tan vỡ tháo chạy. Quan quân thừa thắng đuổi theo, Mạc Kính Điển phải rút quân về Kinh.
 
Thái sư Trịnh Kiểm liền đem quân về Thanh Hoa, lạy chào vua ở hành tại Yên Trường, cáo thắng trận xong, đóng quân ở Cao Mật, phía nam thành Tây Đô, thưởng công đánh giặc.
 
Tháng 12 [5/1-3/2/1562], nhà Mạc sai Thái bảo Nguyễn Phú Xuân và Lại bộ Tả thị lang Giáp Trưng dẫn quân đánh Lạng Sơn. Lúc này, tướng nhà Lê giữ thành Lạng Sơn là Hoàng Đình Ái đã theo đường núi trở về Thanh Hóa trước rồi, viên tướng do Đình Ái lưu lại giữ thành bị thua trận, tan vỡ. Nguyễn Phú Xuân bèn chiếm cứ thành, rồi đưa thư sang nhà Minh, lĩnh người đi sứ trở về nước. Quan nhà Minh hỏi:
“Quân chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi, là quân họ Mạc hay quân họ Lê ?”
 
Giáp Trưng phúc đáp:
“Quân chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi là quân giặc.”
 
Cũng trong tháng Chạp này, Mạc Phúc Nguyên chết, con là Mậu Hợp lên ngôi, đổi niên hiệu là Thuần Phúc.
 
                                                                                      Hồ Bạch Thảo
.........................
 
[1] Hoa Dương: tên xã, sau đổi là xã Trác Dương, huyện Hưng Hà, Thái Bình.
[2] Chi tiết này khác với sử Việt, theo Cương Mục, Mạc Kính Điển là danh tướng, em ruột Phúc Hải, phò Mạc Phúc Nguyên lập nhiều chiến công (Cương Mục tập 2, trang 128).
[3] Phủ Thái Bình đời Minh vị trí tại sông Tả Giang, gần biên giới Việt Nam, Bằng Tường, Long Châu nằm trong phủ này.
[4] Nam Ninh: hiện nay Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vị trí cách ngả ba các sông Tả Giang, Hữu Giang khoảng trên 10 km.
[5] Vũ Văn Mật: là em Vũ Văn Uyên, người xã Ba Động, huyện Gia Phúc, nay là huyện Gia Lộc tỉnh Hải Hưng. Khi họ Mạc cướp ngôi nhà Lê thì Vũ Văn Uyên cát cứ vùng Tuyên Quang chống lại nhà Mạc. Văn Uyên chết, Vũ Văn Mật nối nghiệp anh, được vua Lê phong tước Gia quốc công.
[6] Chế Khoa: theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn thì lệ thi cử thời Lê như sau: Những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu là khoa thi Hương, những năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất là khoa thi Hội. Nhưng có khi nhà vua có bài chế ban xuống cho mở khoa thi đặc biệt không theo lệ trên thì gọi là chế khoa. Phép thi chế khoa cũng giống khoa thi Hội.
[7] Sông Đại Lại: tức sông Lèn, một nhánh của sông Mã ở Thanh Hoá.

*
Nguồn:
https://nghiencuuquocte.org/2024/06/22/noi-chien-le-mac-duoi-thoi-mac-phuc-nguyen-1546-1561/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ