Bữa nay, coi lại 6 cuốn sách đã xuất bản, tôi đọc bài “Khi hắn đói” trong tập “TRỜI CAO ĐẤT THẤP, CHÚNG TA THÌ…”, Xuất bản 2015
(Sẽ in lại cuốn sách này, khi tìm được nguồn tài trợ)
Đọc “Khi hắn đói” tôi rưng hai hàng nước mắt!
Vậy hắn là ai?
(…)
Khi hắn được đưa đến đây (hình như nơi này là trại Tế Bần), bạn có tin không khi cánh cửa mở ra một làn hơi người nó đẩy hắn muốn bật trở lại, và hàng trăm con mắt với những khuôn mặt to hó nhìn hắn ái ngại!
Một bóng tối trùm xuống dù hắn đang mở to mắt để quan sát xung quanh. Tất cả ở trần…, trên cổ ai cũng có cái khăn mà sau này hắn cũng phải dùng đến chỉ để… lau mồ hôi! Ở đây nóng kinh khủng, nếu so nhiệt độ của những phòng tắm hơi ngày nay thì nó chỉ thấp hơn một chút, nói thế để biết nó nóng như thế nào! Cũng có thể ví như lò hơi ngạt, nếu không có lỗ thông gió.
Một người đàn ông lớn tuổi (có lẽ là trưởng buồng) chỉ hắn chỗ nằm và phát một chiếc chiếu, một chiếc chiếu khủng khiếp, hắn đoán có hằng trăm người đã nằm, nó được bao bọc bởi một lớp mồ hôi dày và nặng hơn chiếc chiếu bình thường, nên khó rách, nên tiết kiệm được ngân sách.
Chiếc túi nhẹ hều… gối đầu nằm, bên cạnh một người đàn ông trung niên, dáng cao, nước da trắng, không ốm lắm. Một đêm lạ chỗ không ngủ được, hắn làm quen với ông. Thấy hắn trằn trọc, ông lên tiếng trước (Nói nhỏ vừa đủ hai người nghe):
- Trước đây em có đọc sách của nhà văn nữ Lệ Hằng (LH) không?
- Dạ có
- Quyển gì?
- Lệ Hằng có rất nhiều tiểu thuyết, nhưng quyển sau cùng gây ấn tượng em…
- Bài Tango cuối cùng?
- Dạ phải
…
Ông khều hắn, hai người người ngồi dậy, ông nói, LH là… vợ anh. Sau này em được tự do, em về Long Khánh tìm đến chợ bán quần áo cũ, hỏi thăm nhà văn LH người ta sẽ chỉ cho, vợ anh đang bán quần áo cũ ở đó…
Mừng quá, trong hoàn cảnh này mà hắn gặp chồng của một nhà văn mà mình quý mến thì còn gì bằng !
Ông cho biết lý lịch trích ngang:
“ Anh làm trong ngành Quan Thuế, Sĩ quan, người Quảng Nam, vào đây hơn hai tuần…”
(…)
Một tuần lễ trôi qua… hắn thấy trong người có con gì cắn, ngứa, hắn xem lại quần áo thì ra… lúc ngúc những con rận! Nhìn thấy những con rận màu trắng xám, no máu bám vào chỗ kín, quần áo… hắn rùng mình nhớ lại… khoảng 1953 lúc còn ở trong rừng hắn đã thấy con rận. (Hắn là dân kháng chiến chống… nạnh, vì ngày ấy hắn còn nhỏ, chống nạnh xem người lớn chống Pháp và chờ cho máy bay Pháp bắn phá xong là hắn đi lượm vỏ đạn (túc đạn) về làm đồ chơi. Có lần hắn hỏi ba hắn, lâu rồi sao không thấy tụi nó đến bắn nữa để con lượm vỏ đạn? Ba hắn chửi hắn: mày thứ ăn… đồ… mày có biết những vỏ đạn mà mày đang chơi nó đã làm tan nát bao nhiêu nhà cửa, giết chết bao nhiêu người không? (may là lúc bấy giờ chưa có từ phản động, nếu có chắc ông sẽ chửi: Đồ phản động!). Và trong hoàn cảnh này hắn gặp lại nó, quả là trái đất tròn chạy trời không khỏi… rận?
Vì lâu quá rồi, hắn không còn nhớ tên ông, thôi xin phép gọi tên ông là chồng Lệ Hằng. Từ chỗ thân quen, hắn gọi ông bằng anh.
Hắn hỏi chồng LH, anh có bị con quái quỷ này không? Anh đưa chiếc áo của anh cho hắn (mắt anh lúc này tèm hem nhìn không rõ), hắn thấy nó bám đầy, hắn bảo anh đưa hết quần áo cho hắn để hắn giết nó, anh nhìn hắn như thầm cám ơn và nói, anh chỉ có một bộ này thôi.
- Chị không thăm nuôi anh à?
- Mất liên lạc. Mà nếu liên lạc được cũng không chắc đi thăm nuôi được, vì không có tiền. Ngoài ấy cũng đang khó khăn lắm! (ý anh nói ngoài Long Khánh)
- Khi nào có nước (nước ở đây rất hiếm, bữa có bữa không) hắn giặt đồ cho anh, anh tạm dùng đồ của hắn (Bữa nào có nước mỗi thằng tắm khoản… 5 lít là hạnh phúc lắm rồi!). Chưa thấy trên trái đất này nơi nào có cái vòi nước ngộ như ở đây:
- Vòi nước gắn sát tường, muốn có nước phải kê miệng vào hút. Hút được thì tắm, không hút được thì thôi! Hắn nghĩ, đày đọa con người như vậy, quả là phát xít!
Thiếu nước nên hắn bị ghẻ, một loại ghẻ mà trong đời hắn chưa bao giờ gặp: ban đầu là những mụt đỏ bằng đầu đũa ăn, nổi lên khắp mình mẩy… chỉ chừa cái miệng để hắn ăn, rồi sau đó mưng mủ khoét sâu vào thịt. Mấy thằng tù bày hắn lấy nước thuốc lào bôi vào, lấy kem đánh răng thoa lên, rát quá hắn cắn răng mà chịu. Ban đêm hắn ở truồng đi tới đi lui miệng thầm vái:
- Xin hãy cho tôi hết ghẻ, đổi tự do và hết ghẻ, tôi xin đổi lấy hết ghẻ!
Hắn nghĩ, tất cả cũng vì thiếu nước, con người khoẻ vì nước, khô vì nước, khổ vì nước, khát vì nước, khóc vì nước, mà chết cũng vì nước!
Nỗi khổ của hắn trong những ngày không có thăm nuôi là ghiền thuốc lá. Thấy hắn đi xin hút ké hoài, chồng LH nói với hắn:
- Thấy em đi xin thuốc hoài chẳng ra làm sao, em cứ đặt mình vào trường hợp tất cả ở đây không ai hút thuốc thì em làm sao? Thế là hắn quyết tâm “cai”, mỗi lần thấy ai hút thuốc là hắn lấy quần áo ra bắt rận, và hắn ghiền bắt rận hồi nào không hay. Giết rận cũng là để trả thù, vì nó hút máu mình!
Vào đây, điều đặc biệt là hắn thấy ai cũng có một cái ống điếu. Lạ, sang nhỉ! Ống điếu màu đen bóng, phải nói cực kỳ đẹp, tuy rằng lớn nhỏ khác nhau. Hắn quan sát và tự hỏi:
- Tại sao phải dùng ống điếu khi họ đang quấn thuốc rê và thuốc điếu?
Thì ra là đây:
- Hút gần hết, nóng tay không thể cầm hút cho đến hết, nên nhét tàn vào ống điếu hút tiếp… cho nên ở đây đố ai tìm được cái tàn thuốc? Một sáng kiến có thể nói là tuyệt vời với những ai ghiền thuốc lá.
Rồi hắn lân la tìm hiểu thêm về cái ống điếu. Lại một ngạc nhiên nữa:
-Họ lấy vỏ kem đánh răng làm thành khung, dùng bao ni-lông đốt chảy nhựa rồi nhểu lên (gọi là hoả tốc). Họ có thể dùng “hoả tốc” này nấu cơm trong cái lon ghi-gô mà cán bộ đứng gần cũng không phát hiện được. (Nội quy cấm nấu nướng trong buồng). Ở đây có quá nhiều nhân tài, họ làm được tất cả, chỉ trừ… máy bay! Ngoài ống điếu ra, hắn thấy ai cũng có cây kim để vá quần áo. (Trong buồng tuyệt đối cấm sắt thép, dù là cây kim). Hắn hỏi thăm một anh đang vá cái áo, hắn muốn có cây kim thì phải làm sao? Anh ta trả lời rằng, dễ thôi, đổi một tán đường, hắn nói chưa có thăm nuôi, nó bảo, thì cho nợ, ngủ đi, thức dậy sẽ có một cây.
Hắn nằm xuống giả bộ ngủ, nhưng hí mắt quan sát:
- Anh ta móc trong lai quần ra một đoạn thép (dây thép phơi đồ) anh mài nhọn dưới thềm xi-măng, phần lỗ anh lại mò trong lai quần lấy ra một lưỡi cưa ống thuốc chích, bẻ sợi dây phép cong một bên rồi… cưa, bẻ qua bên ngược lại… cưa tiếp, sẽ lủng một cái lỗ xỏ chỉ được! Dù hứa với anh, có thăm nuôi hắn đổi một tán đường, nhưng thấy anh tài quá, hắn cho anh thêm một tán nữa!
Hắn kể tiếp:
Mới vào còn sung sức, đêm nằm hắn mơ “bắn máy bay”. Những ngày tiếp theo là đói, “súng ống” không còn tác dụng nữa. Bo-bo ăn tiêu chuẩn làm sao đủ no. Ngày ấy tất cả đều đói chớ không riêng gì ở đây. Bo-bo là thuốc nhuận-trường, ăn bao nhiêu ị hết bấy nhiêu (Sao ngày nay người ta không dùng bo-bo chế thuốc nhuận trường nhỉ ?). Hắn không phải là nhà khoa học, nhà tâm lý, xã hội học, nhưng sống quá lâu với những cơn đói nên hắn nghiệm ra một điều là, khi người ta đói thì tất cả tính nết một con người hiện ra rất rõ…
Trở lại tiêu đề, KHI HẮN ĐÓI.
Khi đói, hắn thèm gì? Xin trả lời một cách ngắn gọn là: thèm… đường. (Trong trại CT có đường là có tất cả, như thuê đấm bóp, bắt trứng chí… Bắt trứng chí thì phải nhờ người khác thôi, không ai tự rạch tóc đầu mình mà bắt được, kể cả… Thiên tài, hay Tổng Thống! (Ở đây, chí và rận giống như hai vật nuôi trong người).
Bạn có biết hắn đã từng lượm những bao ni-long đựng đường bỏ sọt rác (những ngày thăm nuôi) đổ nước vào tráng qua tráng lại rồi uống cho đỡ thèm. Và một ngày ấy… hắn nhận được đồ thăm nuôi. Mừng, nhưng hắn xót lắm!
Vợ, một cô giáo hai con, sáng bán khoai, chiều đứng lớp, ăn sao cho đành! Vậy mà đêm đó hắn nằm không ngủ lén ăn hết 30 tán đường hột xoài (xấu quá, hắn lén ăn mà không cho chồng LH). Sáng ra cái miệng hắn nóng rát sưng vù. Chồng LH hỏi em bị bệnh gì mà sưng hết cả môi, để anh báo cáo cán bộ. Hắn nói, khỏi, em bị bịnh thèm ngọt!
- Ủa, thèm ngọt mà sưng cả môi mép, lạ quá, cái bệnh này anh chưa nghe thấy bao giờ ?
- Đói: thèm ngọt.
- No: thèm mỡ.
- Có mỡ có đường rồi: thèm muối.
- Có đường, muối, mỡ, thịt cá có rồi thì thèm gì nữa:
- Thèm… tự do!
(…)
Không biết vợ chồng nhà văn Lệ Hằng, bây giờ ở đâu? Ngoại quốc hay Long Khánh? Anh chị nào có biết, làm ơn cho tôi biết với!
Trần Hữu Ngư
(Trích trong tập Tùy bút “Trời cao đất thấp chúng ta thì…”
Sẽ tìm nguồn tài trợ để tái bản quyển sách này)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ