Trang

Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

BỨC TRANH ĐẸP NHẤT CỦA HỘI HỌA VIỆT HIỆN ĐẠI – Ma Nat

 

Tôi đã ngẫm nghĩ, cân nhắc rất nhiều khi có thể nói ra điều này về bức tranh gò đồng mới của họa sĩ Phạm Xuân Trường mà không sợ mang tiếng là chủ quan hay nói lấy được: Đây quả là bức tranh đẹp nhất của nền hội họa VN hiện đại!
 
Ngắm bức tranh lần đầu xuất hiện trên một trang Fb, thoạt tiên, cảm xúc của tôi là sững sờ tựa bị điện giật, bởi bao cảm nghĩ của riêng tôi hòa trộn với cảm nghĩ xã hội suốt một tháng trời qua về đối tượng miêu tả như được tác giả thâu tóm lại và dồn cả vào bức tranh… Sau đó thấy trên một trang Fb khác, bức tranh này được chụp lại toàn vẹn không bị cắt cúp, tôi đã chăm chú quan sát và bắt đầu tự lý giải: điều gì đã tác động tới mình sâu và mạnh đến thế, từ bức tranh?

Rõ ràng vẫn là phong cách quen thuộc của họa sĩ Phạm Xuân Trường trên chất liệu đồng với phương thức gò đồng chân dung văn nghệ sĩ mà cách đây không lâu đã gây sóng dư luận Khen - Chê của công chúng cả trong nghề lẫn ngoài nghề, ở nhiều giới, nhiều tầng lớp xã hội… Nhưng bức tranh gò đồng này lại mang dáng vẻ của một bức sơn khắc với đường nét khắc khổ, cương quyết, với chất liệu vàng thật và nâu sơn ta cổ truyền thường gặp ở một số danh họa VN chuyên về sơn mài hay trên tượng Phật các thế kỷ trước. Và làm nền cho “chất liệu” sơn ta thể hiện nhân vật chính của tranh - nhân vật được bàn luận nhiều nhất thời gian qua - lại là bút pháp & màu sắc của màu nước, của sơn dầu phương Tây với những nét mờ nhòe run rẩy, diễn tả vùng tối tăm hỗn độn như vực sâu - nơi vị hành giả bước ra, đi tới vùng sáng mơ hồ bất định; chút ánh sáng màu hồng nhạt tượng trưng cho niềm tin mà hành giả lấy đó làm động lực cho mình để vượt thoát hố tối tăm như níu kéo đằng sau mà không rõ có thể vượt qua được không… Điểm sáng duy nhất ở mảng tối đó là một bông hoa và một cành lá như mọc cheo leo trên vực thẳm đương cổ vũ cho bàn chân đặc tả, và như được phản chiếu ánh vàng từ thân hình và y phấn tảo của người khất sĩ-du tăng theo hạnh Đầu-đà. Có thể nói, hòa sắc của bức tranh giữa màu vàng đất với màu nâu và màu xám không thể chê được chút nào, và hòa sắc ấy đã làm tôn thêm rất nhiều cho bố cục tác phẩm, một bố cục đã đạt tới yêu cầu của nhà triết học nhà văn Pháp D. Diderot “phải đơn giản rõ ràng… không có hình nào vô ích, không được có chi tiết nào thừa”, bởi theo Diderot: “sẽ là một bố cục hỏng nếu như nó khó hiểu đối với một người có lương tri đơn thuần” 
(“Từ mỹ học đến các loại hình nghệ thuật”, Nxb Tri thức, Phùng Văn Tửu dịch).

Tác phẩm mới này của người họa sĩ xuất thân từ thợ cơ khí bậc cao thể hiện về một nhân vật hoàn toàn “tay trắng” và tự nguyện dứt bỏ mọi mối quan hệ xã hội cho Niềm tin Tôn giáo của riêng mình nhưng lại tạo ra một sự kiện Tôn giáo tầm thế kỷ đánh động lương tri của hàng triệu người… Tôi lại nhớ đến một chân lý nghệ thuật do nhà kiến trúc sư của công trình "Bách khoa toàn thư" đồ sộ Diderot từng đúc kết có thể dành cho tất cả các nghệ sĩ trên thế gian này: “Cái Thật, cái Tốt và cái Đẹp rất khăng khít với nhau” (Sđd).

Tôi chỉ có một băn khoăn nhỏ: giá như không có dòng chữ dưới tranh : “Nhà sư Thích Minh Tuệ” thì bức tranh sẽ hoàn hảo, bởi những gì được gò được vẽ trên tranh đã nói tất cả rồi, dòng tên tranh có thể sẽ phá đi ít nhiều sự hoàn chỉnh của bố cục chung…
Cám ơn họa sĩ Phạm Xuân Trường!
 
                                                                                                  Ma Nat
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/nguyen.anhtuan.716970/posts/pfbid034ZEEaAmxxBEkN8kouuV3Y7CfcHcvm926wDMxEdFe8NEzGFLwUNkmkPWVauiUv6qYl

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ