Trang

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

TRẬN THƯ HÙNG VÙNG HẠ - Bùi Trung



Ở một vùng quê xa lắc lơ cuối thập niên 70, cái tin võ sư Nguyễn Văn cùng gia đình hồi hương từ vùng đất Võ lâm Bình Định đã làm cho cả làng xóm xôn xao lại càng nôn nao hơn khi hay tin võ sư đã xin được phép mở lớp dạy võ Lâm cho đám thanh niên địa phương.
 
Học trò của thầy Nguyễn ưu tiên cho các thanh niên cơ quan, vóc dáng thầy bặm trợn, cơ bắp cuồn cuộn như hộ pháp thầy hay mời bạn bè thân quen hay các môn sinh đấu nhưng chẳng ai dám đấu với thầy dù chỉ là đấu tập.
 
Nghe nói thời trai trẻ thầy lưu lạc ra Bình Định xin thọ giáo ở một võ đường Võ Lâm Bắc phái. Được Sư phụ ưu ái gã con gái cũng là sư tỷ của thầy. Sau 30/4 /1975 thầy hồi hương vì nhớ quê hương, vợ con thầy cũng về theo, bà cũng đứng lớp dạy võ cùng chồng mình.
 
Môn sinh ngày càng đông... khai trương chừng hai năm đã hơn 100 người, các lò võ khác khi thi đấu với lò thầy Nguyễn đều được chấp đai. Vì vậy, môn sinh của thầy ngày càng ngông nghênh. Thầy cũng vậy, đi đến đâu ai ai cũng kính trọng dạ dạ vâng vâng nên thầy cũng ở trên "mây", dù đám đệ tử có ỷ thế hiếp người thầy Nguyễn vẫn hết lòng bênh vực bất kể học trò mình đúng hay sai.
 
Mùa lúa chín hàng năm các lao động từ miền trên đổ xuống miền hạ cắt lúa mướn, vì quen mặt nhau nên dù có cắt hay không các nhân công vẫn xin vô tạm trú nhà bà con trong xóm như người quen ruột thịt. (Năm 1978 vùng Long xuyên - Đồng Tháp ngập mạnh nên bà con đổ về miền hạ nhiều) Chỉ duy nhất chỉ có hai cha con chú "Hai Long Xuyên" là xin ở tạm ngoài cái chòi vịt gần ngã ba.
Ai hỏi thì chú Hai cười giả lả:
- Tui có tật ghiền thuốc rê nên không dám ở đậu nhà ai. Sợ cái khói thuốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe bà con.
Còn người con trai chú Hai tướng tá ốm nhom tánh hiền, tối ngày chẳng nói chuyện với ai câu nào.
Một đêm, đám đệ tử thầy Nguyễn đi nhậu về khuya tới cái chòi vịt thì mắc tiểu. Thế là các vòi rồng vô tư xả vô chòi, anh con trai bất bình vì hành động vô ý của đám võ sinh nên cằn nhằn mấy câu, một môn sinh hề hà nói:
- Ai biểu ra ngoài đồng ngủ ai biết đâu mà né, mà tụi tao là đệ tử Thầy Nguyễn đây.
Anh con trai cũng không vừa:
- Thầy Nguyễn là con mẹ gì mà muốn làm gì thì làm hả? Nửa đêm đái vô mặt người ta còn xưng danh võ sư võ sĩ.
 
Đám đệ tử thầy Nguyễn gầm gừ kéo đi không biết về học với sư phụ thế nào mà trời vừa sáng Thầy Nguyễn đã hầm hầm kéo tới, Thầy hậm hực:
- Trong hai cha con tối qua ai nói võ thầy Nguyễn như CC?
Không thèm cải chính anh con trai đáp mau:
- Tui nói nè. Thầy có biết đầu đuôi câu chuyện mần sao không? Thầy hỏi ngang như vậy ý thầy muốn gì?
Võ sư Nguyễn gằn giọng:
- Tôi muốn thách đấu với cha con cậu, người nào cũng được, vì đám chê bai võ nghệ của tôi.
Người cha cố giải thích nhưng vô hiệu.
Võ sư Nguyễn tuyên bố:
- Hai cha con Ông có hai cách. Một là đấu với tôi, hai là dọn đi khỏi xứ này ngay trong hôm nay.
Suy nghĩ thật lâu người cha nói:
- Thưa võ sư, cha con tôi nghèo khổ đi cắt lúa mướn kiếm ăn chứ đâu phải võ sư, võ sĩ gì đâu mà thượng đài tỷ võ tranh cao thấp. Nhưng thầy đã cương quyết nói vậy thì cha con tôi xin nhận lời. Đấu võ có thể thương vong nên tôi xin thầy chấp nhận điều kiện đề nghị của cha con tôi như sau:
Thứ nhất: Lúc đấu võ phải công khai cho bà con xem và có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, và đôi bên phải ký tên cam kết không khiếu nại hay khó dễ gì nếu có thương vong xãy ra.
Thứ hai: Đấu võ trên Tinh thần thượng võ, thắng hay thua phải lấy võ đức làm đầu, cam đoan không tư thù cá nhân.
Thứ ba: Phải có các võ sư có tên tuổi làm Tổ giám định trọng tài cho công bằng và khách quan. Được như vậy cha con tôi sẵn sàng đấu với Thầy.
Bà con hiếu kỳ đứng xem nghe nói vậy vỗ tay vang trời, tuy họ không biết cha con Hai Long Xuyên tướng tá ốm nhom kia có đấu lại lão Nguyễn võ sư hống hách ngang ngược hay không, nhưng lời nói mạch lạc, khúc chiết từng câu từng chữ của Chú hai nói như vậy thì hình như cha con họ cũng không phải dạng tầm thường. Còn phe của Nguyễn võ sư nghe vậy chẵng khác lửa đổ thêm dầu.
Sau khi đồng ý ký tên thời gian đấu là ba hôm nữa tại trước sân phơi lúa của Ông Hội Đồng. Võ đài nhanh chóng được dựng lên, bà con xa gần hay tin ùn ùn kéo đến chờ xem trận đấu có một không hai tại vùng quê hẻo lánh này. Ai ai cũng hiếu kỳ đến trước sân nhà võ sư Nguyễn nhìn thầy và đám đệ tử biểu diễn võ công Thiếu lâm mà ai cũng thầm lo cho hai cha con Hai Long Xuyên. Không biết cha con họ có võ nghệ gì không mà dám nhận lời đấu với Nguyễn võ sư?
Hai cha con chú hai được con trai của Ông Hội Đồng cho phép vô tập trong sân phơi lúa, hai cha con tuy đấu tập nhưng cũng nghe tiếng ịch đụi và thay vì sau mỗi buổi tập thoa tay chân bằng thuốc rượu như võ sư Nguyễn cha con họ chỉ thoa bằng chai rượu đế ngâm với muối cục loại đen thui.
Tới ngày đấu, bà con đến xem như đám cúng Đình. Quán xá lều trại dã chiến tạm bợ cất lên đầy mấy đám ruộng. Ban giám khảo gồm con trai Ông Hội Đồng, quan chức địa phương cùng các Võ sư tên tuổi quanh vùng được mời đến. Võ sư Nguyễn oai vệ trong bộ võ phục màu đen, hai bên áo thêu cặp rồng và thắt lưng cùng màu đỏ thật oai phong, còn chàng trai vẫn với bộ bà ba mốc cời bạc màu, anh chàng còn thắt lưng bằng một cọng dây chuối thật là bôi bác... nhưng chẳng sao, dân cắt lúa mướn thì làm gì có võ phục.
Theo lời đề nghị của Nguyễn võ sư mỗi hiệp đấu là năm phút? Tuy trái luật Nhưng hai cha con chú Hai vẫn làm thinh không tỏ thái độ gì, đám tai mắt của Nguyễn võ sư tuy bỏ công theo dõi mấy hôm nay cũng không biết cha con này tập võ theo môn phái nào để đối phó?
Lúc hai võ sỹ chào nhau bà con vỗ tay liên hồi ủng hộ, khi tiếng kẻng bắt đầu bà con ai cũng chờ một trận đấu long trời lỡ đất... Nhưng không ! Võ sư Nguyễn múa may thăm dò nhưng chàng trai chỉ thủ thế mà không có động thái gì cho biết là chàng ta sẽ ra đòn. Chỉ có đôi mắt sắc như dao nhìn theo mỗi chuyển động của Võ sư Nguyễn.
 
Hết hiệp 1, bà con la ó phản đối vì đôi bên chỉ vờn nhau mà không ra đòn thế nào. Hiệp 2 lại bắt đầu và Võ sư Nguyễn hình như cũng e dè và cũng chưa dám ra đòn nào, có lẽ ông chưa biết thằng nhỏ này nó thuộc môn phái nào và tới lúc này ông mới nhìn kỹ cơ bắp của đối thủ hình như hôm nay rất khác với mấy hôm trước? Ông bắt đầu lo vì hình như chàng trai nhìn thấu tâm cang của ông vậy, ông vừa chuyển động chưa kịp ra đòn thì cặp mắt của hắn chăm bẳm nhìn vào từng cử động của ông như thầm nói cho ông biết:
 - Tôi đã sẵn sàng đối phó rồi đó...
Nghĩ vậy nên ông cố kềm chế vì sợ trúng kế của thằng nhóc. Lại hết hiệp hai, bà con bắt đầu thấy rõ là Nguyễn võ sư không dám ra đòn trước có lẽ ông sợ? Còn bên kia thì nghe chàng trai thì thầm nói với cha mình:
- Hiệp này con sẽ hạ ổng nghe tía.
 
Tin đến tai của phe Nguyễn võ sư, Bà xã thầy Nguyễn đưa tay xin hoản trận đấu và có ý xin thay chồng đấu tiếp, nhưng người con trai không đồng ý và ban giám định trọng tài cũng không thuận. Thế là trận đấu được tiếp tục. Không thể thụ động hoài và bà con bên ngoài la ó om xòm nên võ sư Nguyễn chuẩn bị ra đòn hiểm. Đôi bàn tay của Ông xòe ra rồi khum lại, ông nghĩ sẽ dùng những thế hiểm trong Ưng trảo công, đôi tay ông vờn qua lượn lại trước mặt chàng trai trẻ. Nhưng chàng trai tuy nhỏ con nhưng những cú lách mình ưởn ẹo như con rắn, và khi võ sư Nguyễn vừa tạt một thế chém vào cổ chàng trai, anh lòn mình theo thế tấn Mại thiền sư cúi sát đầu né đòn và dùng ngón tay trỏ lẹ như một ánh chớp chọc vào nách của Nguyễn võ sư, trúng thế hiểm nên toàn thân võ sư bật lên "ứ" một tiếng và ngã ngang bất tỉnh. Tới tiếng đếm thứ 10, trọng tài vừa tuyên bố chàng trai thắng trận thì đám môn sinh nháo nhào nhảy lên võ đài đánh hội đồng cha con Hai Long Xuyên. Lúc các võ sư nhảy lên can thiệp thì đám đệ tử cũng bị hạ đo ván thêm mấy người nữa rồi.
Hai cha con được hộ tống vô tạm trú trong nhà Ông Hội đồng, đám đệ tử quá kích động nên vẫn còn vây kín bên ngoài chờ dịp trả thù cho thầy của mình.
Tối đó, người con trai ông Hội đồng mời hai cha con lên ông nói:
- Đây là số tiền công cắt lúa của cha con chú Hai, trong này tôi có gởi thêm chút đỉnh cho hai cha con chú làm lộ phí. Tôi nghe tin Nguyễn võ sư bị dính đòn nặng lắm. Cái ngón Nhất dương chỉ của cậu đã làm ông ấy trọng thương rất nặng, vì vậy tối nay tôi sẽ thu xếp cho hai người đi khỏi xứ này để tránh rủi ro. Còn chuyện hai người có thiệt là dân cắt lúa mướn hay tìm cách đi "vượt biên" thì tôi cũng không cần hỏi.  Chỉ khuyên cậu em là cái gì tha được cứ tha. Tuy Nguyễn võ sư có phần quá đáng trong cách ứng xử nhưng giá gì lúc ra đòn hiểm cậu nên nhẹ tay một chút sẽ hay hơn.
 
Sáng hôm sau tin từ nhà Hội Đồng đưa ra, hai cha con Hai Long xuyên đã bỏ đi tự lúc nào. Nguyễn võ sư cũng không chết chỉ bị liệt một bên. Sau đó vài tháng cái Bảng hiệu Võ Đường của thầy cũng gỡ xuống vì môn sinh không còn đến học. Mỗi lần tới mùa cắt lúa dân trong vùng gặp bà con từ vùng trên xuống họ hay hỏi thăm về tin hai cha con Lãng tử giang hồ nhưng chẳng có ai biết tông tích gì về họ.
 
Bà con đến bây giờ vẫn hay kể lại cho con cháu nghe về trận thư hùng của cha con người lãng tử, tuy chỉ là dân cắt lúa mướn kiếm cơm đã đánh thắng Võ sư Nguyễn Văn lẫy lừng vùng hạ./.                 
                                                                                           Bùi Trung
*
Lời tác giả:
Truyện chỉ là hư cấu viết theo lời kể của một người bạn. Nếu có sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên mong các bạn thông cảm. Nhiều người thắc mắc là tại sao sau 75 còn nhân vật Hội đồng? Xin thưa đâu phải ông Hội đồng nào cũng ác ôn đâu? Con ông Hội đồng ở đâu ai cũng kêu như vậy phải không các bạn? Còn chuyện đấu võ nếu lời kể có sai sót xin các cao nhân xí xóa bỏ qua rất cảm ơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ