Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

BÁC SĨ ĐỖ HỒNG NGỌC: MỘT GÓC NHÌN TỪ THI CA – Đỗ Trường



Thời gian gần đây, tôi được đọc khá nhiều văn thơ do các bác sĩ, kỹ sư viết. Với lời văn, câu thơ giản dị cùng sự tưởng tượng, tư duy logic cho tôi nhiều điều bất ngờ. Và mối quan hệ, tính logic ấy đã làm nên chân dung, tính đặc trưng riêng biệt cho mỗi nhà văn. Nếu nói, toán học gói ghém cái cụ thể nhất, thì văn thơ Toàn Phong mở cái trừu tượng của không gian vũ trụ Nguyễn Xuân Vinh. Và Đỗ Hồng Ngọc cũng vậy, thi ca là chìa khóa mở ra con đường dẫn ông đến y khoa, đến với nơi cửa thiền. Do vậy, đi sâu vào đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy sự nghiệp, và thi ca Đỗ Hồng Ngọc không chỉ cứu chữa thể xác con người, mà còn vá lại những linh hồn rách nát.
 
Thật vậy, tiến sĩ y khoa Đỗ Hồng Ngọc là người đa tài. Với trên sáu chục tác phẩm từ thơ ca, văn xuôi truyện ngắn, cho đến sách y khoa và Phật học, có thể nói Đỗ Hồng Ngọc đi sâu vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Ở lãnh vực nào hình ảnh, chân dung ông cũng lừng lững cả. Tuy nhiên, trong (khuôn khổ) bài viết này, tôi chỉ đủ khả năng viết về khía cạnh thi ca Đỗ Hồng Ngọc mà thôi.
 
Đỗ Hồng Ngọc sinh năm 1940 tại Lagi, Bình Thuận. Ông đến với thi ca rất sớm. Khi còn là học sinh, hay sinh viên trường Đại học y khoa, ông đã có thơ đăng hầu hết trên các trang báo Văn học Saigon thời đó, với bút danh Đỗ Nghê. Đỗ Hồng Ngọc tốt nghiệp tiến sĩ y khoa năm 1969, rồi làm việc tại Bệnh viện nhi Saigon, và giảng dạy đại học cho đến ngày hưu trí. Hiện ông đang sống, và viết tại Saigon.
 
Sở trường Đỗ Hồng Ngọc là thơ tự do, ngắn và cô đọng. Tính triết lý làm giàu cho nhận thức, đưa đến những liên tưởng, với sự tưởng tượng phong phú là nghệ thuật đặc sắc của thi ca Đỗ Hồng Ngọc:
 
“Đất động ta cũng động/ Sóng thần ta cũng sóng/ Giật mình chợt nhớ ra/ Vốn xưa ta là đất”
                                             (Đất).
 
*Tình yêu- với sự chiêm nghiệm, kiến thức tâm lý và triết học.
 
Do những đặc điểm nghệ thuật trên, cho nên thơ Đỗ Hồng Ngọc dường như đã chín trước tuổi. Và Thư cho bé sơ sinh là một bài thơ điển hình như vậy của ông. Bài thơ viết năm 1965, khi ông còn đang là sinh viên thực tập ở Bệnh viện Từ Dũ. Đây là bài thơ có ý tưởng, hình ảnh rất mới, lạ của Đỗ Hồng Ngọc. Vì vậy, đọc Thư cho bé sơ sinh, ta không chỉ thấy được tình yêu, sự đồng cảm: “Khi anh cắt rốn cho em/ Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé/ Vì từ nay em đã phải cô đơn/ Em đã phải xa Địa Đàng Lòng Mẹ.” mà còn thấy như một lời nhắn nhủ đến thế hệ sau, hay cảnh tỉnh cho chính mình về thân phận con người trước xã hội nhập nhèm trắng đen (của chiến tranh) điên loạn, được thông qua những từ ngữ, hình ảnh ẩn dụ:

“Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thật
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen.
---
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ dao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…”
 
Và ngay từ ngày đầu cầm bút Đỗ Hồng Ngọc có những câu thơ tình với hình ảnh rất đẹp và e lệ. Đọc ở đâu đó rất lâu rồi, dường như cả cái tựa cũng đã quên, song câu thơ ấy vẫn còn đọng trong tôi: “Em đi cúi mặt thẹn trong tóc/ Cát trắng hôn tròn bước bước em”. Và những bước chân mềm ấy vội quay đi, để hồn người hoang vắng, cằn khô: “Những bước chân mềm trên cát thơm/ Em đi sa mạc rợn trong hồn/ Buổi chiều lên đọng hai vành mắt/ Màu áo hôm nào làm sao quên”. Sự cô đơn, hoang vắng đó đưa Đỗ Hồng Ngọc trở về con đường cũ. Quen thuộc là thế, nhưng hồn người đã lạnh băng và khép kín, để nhà thơ đứng ở đâu, vị trái nào cũng cảm thấy thiếu vắng, và vô nghĩa. Với tâm trạng như vậy, đã cho Đỗ Hồng Ngọc cảm hứng viết nên: “Giữa hoàng hôn xưa”, một bài thơ có những hình ảnh so sánh về cái giá trị tình yêu thật sâu sắc, lạ và bất ngờ: “Ta về lối cũ/ Nghe lòng lạnh băng/ Thiếu em hoàng hậu/ Ngai vàng như không”.
 
Nếu ta đã đọc Du Tử Lê, hay Nguyễn Tất Nhiên, người yêu, người tình trong thơ, với những tên tuổi thực, cụ thể (như Thụy, như Duyên), thì thơ tình Đỗ Hồng Ngọc dường như có tính trừu tượng, nặng về tâm trí hơn. Ở đó, Đỗ Hồng Ngọc đi sâu vào tâm lý tình yêu, tâm lý con người. Có một điều rất thú vị, bài Thơ Tình của Đỗ Hồng Ngọc chỉ là những câu nói, mang tính liệt kê, chưa có sự mặn nồng, hay hồn vía gì của thơ ca thi phú cả: “Anh đọc bài thơ tình/ Em ngồi nghe lặng thinh/ Anh đọc thêm bài nữa/ Em vẫn ngồi lặng thinh”. Vậy mà, Đỗ Hồng Ngọc chỉ khái quát bằng câu kết với diễn biến tâm lý, đã đẩy tình cảm, tình yêu lên cung bậc mới. Và nó trở thành bài thơ thật tròn trịa, gây bất ngờ cho người đọc: “Anh thôi không đọc nữa/ Em chồm lên hôn anh/ Như đổ dầu vào lửa...”. Với đặc điểm (thi pháp mạch kỵ lộ) này, ta đã bắt gặp trong thơ Nguyên Sa, điển hình là bài: Năm Ngón Tay.
 
Cùng với Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười của Trần Trung Đạo, Bông Hồng Cho Mẹ của Đỗ Hồng Ngọc là bài thơ viết về mẹ cho tôi nhiều cảm xúc khi đọc. Vẫn thủ pháp mạch kỵ lộ mang mang hồn vía Đường thi, Bông Hồng Cho Mẹ đã đưa đến sự bất ngờ, cùng tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng cho người đọc, bởi câu thơ kết. Và có thể nói, Bông Hồng Cho Mẹ là một trong những bài thơ toàn bích nhất về mảng đề tài này của Đỗ Hồng Ngọc. Nó đã góp phần ghim tên tuổi ông trên Văn đàn Việt. Có được như vậy, bởi ngoài cái tứ thơ độc đáo, Đỗ Hồng Ngọc còn giúp ta thấu được cuộc sống, sinh tử của con người nằm trong cái quy luật của tự nhiên:
 
“Con cài bông hoa trắng
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…”
 
Nỗi buồn nhớ thương quê luôn thường trực trong con người Đỗ Hồng Ngọc. Một kỷ niệm nhỏ cũng làm cho ông ray rứt. Vì vậy, tuổi thơ đã đi qua nơi binh đao khói lửa vẫn ám ảnh, còn vương trên ngòi bút thi nhân: “Mảnh đất thân cha nắng sáng đan vườn/ Nghe da thịt đã bao lần thối rữa”. Khổ đau là thế, song với Đỗ Hồng Ngọc chỉ ở nơi quê nhà mới thực sự có mùa xuân. Và gió mùa chợt đến, để Đỗ Hồng Ngọc gói hồn quê vào đó, viết nên Gió Bấc. Bài thơ như một phép so sánh (không gian, và thời gian) để thi nhân bộc lộ tâm trạng của mình. Vâng! Có lẽ tâm trạng ấy, không phải riêng nhà thơ, mà của chung những kẻ xa quê, xa tổ quốc như chúng tôi: “Đi giữa Sài Gòn/ Phố nhà cao ngất/ Hoa nở rực vàng/ Mà không thấy Tết/ Một sáng về quê/ Chợt nghe gió Bấc/ Ơ hay Xuân về/ Vỡ òa ngực biếc!”.
 
Tôi không rõ, Đỗ Hồng Ngọc viết bài thơ Quê Nhà vào thời gian, và hoàn cảnh nào? Song có thể nói, đây là một bài thơ hay viết về tình yêu quê hương mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Ở đó, Đỗ Hồng Ngọc đã đan tình yêu con người vào tình yêu quê hương với những hình ảnh, lời thơ rất đẹp và gợi cảm: “Núi mờ trong mây trắng/ Em mờ trong dáng hoa..” Do vậy, đọc Quê Nhà, ngoài nỗi nhớ, buồn thương, ta còn thấy tâm trạng dằn vặt của thi nhân chìm trong những câu hỏi (tu từ) hay tự vấn đầy tiếc nuối. Thành thật mà nói, tôi mới chỉ được đọc tập: Thơ Ngắn Đỗ Nghê do nhà thơ Luân Hoán từ Canada tặng, và một số bài thơ khác của Đỗ Hồng Ngọc ở đâu đó trên internet. Song, nếu được phép tuyển chọn (trong khuôn khổ những gì đã đọc), với tôi Quê Nhà là bài thơ hay, và tôi cho nhiều cảm xúc nhất:
 
“…Biển xanh lùa sóng bạc
Cát vàng hoàng hôn xưa…
Tiếc em về chốn cũ
Tình vương đến bao giờ?
Tiếc đời phơ tóc bạc
Thương mãi núi mây xa.
Nụ mai vàng trước ngõ
Góc phố bờ quạnh hiu
Con đường xưa đứng đợi
Ta làm chi đời ta?
Thương em còn thương mãi
nắng vàng thơm quê nhà!”
 
Có thể nói, tình yêu là mảng quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tạo của Đỗ Hồng Ngọc. Cũng chính nó, ngay từ những ngày đầu đã đã đưa Đỗ Nghê (Đỗ Hồng Ngọc) đến với làng văn, và làm nên tên tuổi ông. Và trên sáu mươi năm qua, tình yêu sự giản dị thấm đẫm trang thơ Đỗ Hồng Ngọc, vì vậy nó đọng lại rất sâu sắc trong lòng của mọi tầng lớp người đọc.
 
*Hồn thơ thế sự, xã hội.
 
Khi đọc và nghiên cứu, ta có thể thấy cái tư tưởng Đỗ Hồng Ngọc qua thi ca thật rõ ràng. Và cái tư tưởng ấy của Đỗ Hồng Ngọc khá giống với hồn vía tư tưởng văn thơ Lữ Quỳnh. Dù sống ở chế độ Cộng Hòa, hay Cộng Sản nhà thơ đều chĩa bút về phía chính quyền. Tuy nhẹ nhàng, song cũng không hề khoan nhượng. Có thể nói, đối lập với chính quyền là điều quan trọng bậc nhất đối với một người cầm bút. Kể cả xã hội tự do, phát triển như Âu-Mỹ cũng rất cần những thi sĩ, nhà văn như vậy. Bởi, nó không chỉ nhằm vạch ra những yếu khuyết của chính quyền, thúc đẩy xã hội phát triển hơn, mà còn là thước đo nhân cách của một thi sĩ, nhà văn.
 
Thật vậy, không chỉ có sự đồng cảm, hay cảm phục tinh thần một nữ sinh bị bắn chết, khi đang biểu tình: “Có cần gì một con đường mang tên em/ Một công trường hay một hoa viên/ Vì tên em đã lồng khung tuổi trẻ/ Vì tên em không còn là một tên riêng”, mà lời thơ Đỗ Hồng Ngọc còn thật chua xót cho thân phận tuổi trẻ, buộc phải lao vào cuộc chiến tàn khốc trước 1975, và chọc thẳng cái ung nhọt xã hội lúc đó: “ngủ đi con ngủ đi con/ ngày mai rồi khôn lớn/ cầm súng với cầm gươm/ ngủ đi con ngủ đi con/ ngày mai rồi khôn lớn/ giết bạn bè anh em/ ngủ cho ngon ngủ cho ngon/ ngày mai rồi khôn lớn/ bán nước mà làm quan”. Và đó là Lời Ru, dù mang tính thời sự, song lời thơ Đỗ Hồng Ngọc vẫn nhẹ nhàng, sâu sắc. Đọc nó thoạt tưởng là một lời ru chăng? Nhưng dường như không phải vậy. Đó là lời thức tỉnh cho mình, cho người của Đỗ Hồng Ngọc trước nỗi đau, bất hạnh của quê hương. Quả thực đã lâu lắm rồi, tôi mới được đọc bài thơ thế sự hay đến vậy. Bài thơ ra đời trước đây khoảng sáu chục năm, nhưng đọc vẫn thấy mới, tính thời sự vẫn còn nguyên giá trị đối với tất cả những kẻ cùng chế độ độc tài, độc tôn:
 
“ngủ cho quên ngủ cho quên
còn tương lai dĩ vãng?
– này mười ngón tay đan:
ngủ cho ngoan ngủ cho ngoan
còn quê hương xứ sở?
– này nụ hôn rất tròn
ngủ đi cưng ngủ đi cưng
kề tai đây anh bảo
“coi như mình chẳng có quê hương”
 
Đọc bài thơ Rùng Mình của Đỗ Hồng Ngọc làm tôi liên tưởng đến: Trò Chuyện Với Thiên Thần của nhà văn Trương Văn Dân. Một cuốn tiểu thuyết đi sâu vào sự tàn phá thiên nhiên, môi trường cùng những lời dự báo và cảnh cáo, mà tôi mới được đọc trong thời gian gần đây.
 
Có lẽ, rùng mình trước những cơn sóng thần, động đất (JPN), hay những trận lũ quét kinh hoàng ở miền Trung Cao Nguyên và miền núi phía Bắc Việt Nam, buộc Đỗ Hồng Ngọc phải viết Rùng Mình (vào năm 2011). Ở đó, nhà thơ đã chỉ ra, sự phá vỡ mối quan hệ thiên nhiên và con người để nói lên nỗi đớn đau tuyệt vọng. Một loạt những câu hỏi, không lời giải đáp, nhưng người đọc vẫn thấy được hình ảnh, những Boxit Tây Nguyên, những sân golf, thủy điện, những công trường khai thác, tàn phá rừng vô tội vạ của những kẻ trọc phú có sự bảo kê hợp pháp. Đọc Rùng Mình của Đỗ Hồng Ngọc làm tôi nhớ đến câu nói thật xót xa của một gã người Đức trước đây thường xuyên sang Việt Nam: Người Việt đã phá tan Đalat, beton hóa Phú Quốc, Sapa, rồi đang ao hóa Hạ Long…
 
Vâng, đó thực sự là nỗi đau, và đáng tủi hổ. Và rất tiếc tôi không đủ khả năng dịch Rùng Mình thành một bài thơ tiếng Đức. Song nhất định tôi sẽ dịch nghĩa cho gã bạn người Đức này:
 
“những ngọn núi cứ triền miên đổ sập?
vì sao những dòng sông nghẽn tắt?
vì sao những mũi đao cứ ngày đêm xoáy sâu vào lòng đất?
Vì sao chim rừng cá biển không chốn nương thân
Vì sao cổ thụ mầm xanh bị tận diệt…
Ta nương tựa vào nhau.
Nay có vẻ đã không còn cần nhau nữa!
Đất rùng mình phận đất…
Người rùng mình phận người…”
 
Dù thế sự, nhưng ngòi bút, lời thơ Đỗ Hồng Ngọc không hề lên gân, đao to búa lớn. Đọc nó đôi khi tưởng chừng là những lời thơ tự sự, trữ tình, nhưng rất nóng bỏng, rát và đau. Đó cũng là tài năng, chí khí của thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Và chính nó, buộc tôi phải cầm bút viết về ông.
 
*Thi ca - con đường đến với Phật Pháp.
 
Dường như, từ nỗi đau cơ thể đến nỗi đau tâm lý đã đưa Đỗ Hồng Ngọc đến với Thiền, khoa học Phật giáo. Và ở đó đã mở cho Đỗ Hồng Ngọc một lối thoát. Từ bế tắc đến nhận thức mới, quả thực là chông gai, với Đỗ Hồng Ngọc thi ca mới là con đường dẫn ông qua lối thoát đó: “Trước mộ con còn ướt/ Ba nói với bạn ba rằng/ Từ nay hãy yêu con mình cách khác/ Đừng như ba/ Giấu kín trong lòng/ Bởi tình yêu/ Có bao giờ cho đủ/ Có đâu sợ dư thừa/ Như ba đã sai lầm bao nhiêu”. (Tình Yêu). Và từ đó, Đỗ Hồng Ngọc không chỉ đi sâu nghiền ngẫm Tâm Kinh để chữa bệnh cho mình, cho người, mà như còn trộn triết lý nhân sinh vào với thi ca, hòng vá lại những linh hồn rách nát. Và Thở, một bài thơ lục bát điển hình như vậy của Đỗ Hồng Ngọc. Từ triết lý giản đơn, với những điều bình dị, Đỗ Hồng Ngọc cho người đọc cảm được một khung trời tự nhiên rộng mở rất lạ, song rất gần gũi:
 
“Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau...!”
 
Có thể nói, Đỗ Hồng Ngọc có sự quan sát tỉ mỉ, và giàu trí tưởng tượng. Bởi vậy, một hiện tượng của thiên nhiên bất chợt bắt gặp ở đâu đó, cũng cho ông liên tưởng đến quy luật của tự nhiên, con người và cuộc sống rất độc đáo: “Còn cây trơ lại với cành/ Với linh hồn lá ngập ngừng trút qua” (Đông Boston). Và trái tim nhạy cảm của thi nhân cho ta thấy, cái quy luật đối nghịch trong mối quan hệ hoặc tương quan đến tâm trạng của con người:
 
“Khi nhìn nhau xa lạ
Là rất đỗi thân quen
Khi nói năng vô nghĩa
Là thác reo trong hồn.”
                (Không Tên)
 
Và sự tĩnh lặng của Hội An đã cho Đỗ Hồng Ngọc cảm xúc để viết: Hội An Sớm, một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt mang mang hồn vía cổ thi. Ở đó, nhà thơ mượn động (tiếng chổi, gà gáy) để tả cái tĩnh, cái u tịch của Hội An. Thủ pháp nghệ thuật này ta bắt gặp khi tả tĩnh ở Thu Điếu của Nguyễn Khuyến: “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Hoặc ta bắt gặp trong thơ về Lai Châu của Trần Mạnh Hảo, hay Hộ Chiếu Buồn của Thế Dũng…Có thể nói, Hội An Sớm là tuyệt bút của Đỗ Hồng Ngọc. Đọc nó, tưởng chừng như ta đang đứng trước bức tranh nổi, có tĩnh trong động vậy:
 
“Hội An còn ngái ngủ
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương.”
 
Lòng nhân bản, là một trong những đặc điểm làm nên thi ca Đỗ Hồng Ngọc. Là một bác sĩ, Đỗ Hồng Ngọc không chỉ cứu người, mà luôn có cái nhìn cảm thông. Trong Một Nhà Dưỡng Lão, một bài thơ buồn về mỗi mảnh đời gắn với từng câu chuyện, song cùng chung số phận ở nơi đây, được Đỗ Hồng Ngọc viết vào năm 1993. Đọc nó, tưởng như nhà thơ chỉ có tả (ghi nhận) chứ không hề có tình (cảm nhận) ở đó. Nhưng dừng lại vài giây, ta chợt nhận ra: Nếu chỉ thấy tả: Trong Một Nhà Dưỡng Lão, thì quả thực ta mới chỉ thấy được cái vỏ. Cái (tình) sự cảm thông, với tấm lòng nhân bản mới là cái lõi của hồn thơ Đỗ Hồng Ngọc gửi đến người đọc. Và cái lõi ấy dường như được toát ra từ nhịp điệu, tính nhạc trong từng câu thơ, mà ta chỉ có thể cảm, chứ không thể viết ra được:
 
“Họ ngồi đó/ Bên nhau/ Đàn ông/ Đàn bà/…Có người/ Trên chiếc xe lăn/ Chạy vòng vòng/Có người/ Trên chiếc xe lăn/ Bất động/…Họ ngồi đó/ Không nói năng/ Không nghe ngóng/ Gục đầu/ Ngửa cổ/ Móm sọm/ Nhăn nheo/ Ngoài kia/ Tuyết bay/ Trắng xóa/ Ngoài kia/ Dòng sông/ Mênh mông Mênh mông…”
 
Có thể nói, cuộc sống và sự nghiệp sáng tạo của Đỗ Hồng Ngọc rất sinh động, và phong phú. Do vậy, viết về ông, quả thực sự khó khăn, cần phải có tài liệu (tác phẩm) và thời gian đọc và nghiên cứu. Tôi thuộc thế hệ em út, con cháu có khoảng cách rất xa, và chưa một lần được gặp gỡ Đỗ Hồng Ngọc. Và bài viết gồm ba phần về chân dung, đặc điểm thi ca này, như một sự giãi bày, hay cảm xúc tự nhiên, bất chợt của tôi về Đỗ Hồng Ngọc mà thôi. Cho nên, có thể chưa hẳn đã đúng. Tuy nhiên, với tôi nó như một tiếng nói nhỏ, góp phần làm sáng tỏ thêm chân dung nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc vậy.
 
                                                                   Leipzig ngày 14-3-2023
                                                                              Đỗ Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ