Trang

Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

TRƯỜNG CA HÒN VỌNG PHU CỦA NHẠC SĨ LÊ THƯƠNG – Phạm Hiền Mây



Sinh năm một ngàn chín trăm mười bốn tại Hà Nội và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi sáu tại Sài Gòn, Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất thời kỳ tiền chiến của tân nhạc Việt Nam.
Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương vốn là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Suốt hai mươi năm (1954-1975), ông làm ở trung tâm học liệu Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.
Ông từng là giáo sư dạy Sử Địa tại một số trường tư, dạy tiếng Pháp tại Pétrus Ký và trường Quốc Gia Âm Nhạc - Kịch Nghệ vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước.
Ông đã sáng tác từ thời còn ở ngoài miền Bắc. Nhạc ông tự viết lời cũng có mà phổ từ thơ cũng nhiều. Trước khi viết trường ca Hòn Vọng Phu, ông từng viết những truyện ca và thậm chí, cả nhạc hài hước rất độc đáo. Những bản này được nghệ sĩ Trần Văn Trạch trình diễn nhiều lần vào thập niên bốn mươi của thế kỷ hai mươi.
Quả là đa tài.
Không chỉ thế, ông còn đặt lời cho những bản nhạc ngắn của nước ngoài: Lào, Mỹ, Nhật Bản, Pháp.
Có một thời gian, ông cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan phụ trách ban nhạc Măng Non cho trẻ em, phát thanh các truyện cổ tích, khúc dân ca, bài ca nhi đồng. Cùng với Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương được xem như những nhạc sĩ mở đầu của dòng nhạc dành cho thiếu nhi, với những bản nổi tiếng, học sinh thời ấy không ai là không biết: Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Ông Ninh Ông Nang.
 
Ngoài sáng tác nhạc, Lê Thương còn từng gia nhập vào ban kịch của Thế Lữ thập niên ba mươi; từng trong nhóm Đồng Vọng cùng Hoàng Quý, Tô Vũ; từng trong ban kịch Sầm Giang của Trần Văn Trạch; từng sáng tác ca khúc cho nhiều kịch bản và viết nhạc phim cho hãng phim Mỹ Vân, thế kỷ trước.
Ông để lại cho cuộc đời hơn bốn mươi sáng tác và hoàn toàn không sinh hoạt văn nghệ nữa kể từ năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm của thế kỷ hai mươi.
Dưới đây là lời của ba ca khúc: Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Ông Ninh Ông Nang. Tôi chép lại, và hy vọng, lúc đọc nó, các bạn sẽ nhớ được giai điệu của bài hát rồi hát theo để bồi hồi tưởng nhớ lại một trời thơ bé.

**
1. Học Sinh Hành Khúc
Học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau. Học sinh xây đời niên thiếu trên bao công lao. Lúc khắp quốc dân, tranh đấu, hy sinh cho nền độc lập. Học sinh nề chi tuổi xanh trong lúc phấn đấu. Đem hết can tràng của người Việt Nam tiến lên!
Học sinh là mầm sống của ngày mai. Nung đúc tâm hồn để nối chí lớn. Theo các thanh niên sống vì giống nòi. Liều thân vì nước, vì dân mà thôi.
Học sinh là người mới của Việt Nam. Đã thoát ra một thời xưa tối ám. Đem sức thanh tân chống mọi suy tàn. Học sinh làm sáng đời dân Việt Nam.
Học sinh vào đời chiến thủ ngày nay. Nung đúc can tràng để bền ý chí. Trong lúc nước Nam ước mộ anh tài. Học sinh bền chí lập công từ đây.
 
2. Thằng Cuội
Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già. Ôm một mối mơ. Lặng im ta nói Cuội nghe. Ở cung trăng mãi làm chi. Bóng trăng trắng ngà. Có cây đa to. Có thằng Cuội già. Ôm một mối mơ.
Gió không có nhà. Gió bay muôn phương. Biền biệt chẳng ngừng. Trên trời nước ta. Lặng nghe trăng gió bảo nhau. Chị kia quê quán ở đâu. Gió không có nhà. Gió bay muôn phương. Biền biệt chẳng ngừng. Trên trời nước ta.
Có con dế mèn. Suốt trong đêm khuya. Hát xẩm không tiền. Nên nghèo xác xơ. Đền công cho dế nỉ non. Trời cho sao chiếu ngàn muôn. Có con dế mèn. Suốt trong đêm khuya. Hát xẩm không tiền. Nên nghèo xác xơ.
Sáng rơi xuống đồi. Sáng leo lên cây. Sáng mỏi chân rồi. Sáng ngồi xuống đây. Cùng trông ánh sáng cười vui. Chị em ta hãy đùa chơi. Sáng rơi xuống đồi. Sáng leo lên cây. Sáng mỏi chân rồi. Sáng ngồi xuống đây.
Các em thích cười. Muốn lên cung trăng. Cứ hỏi ông Trời. Cho mượn cái thang. Mười lăm tháng tám trời cho. Một ông trăng sáng thật to. Các em thích cười. Muốn lên cung trăng. Cứ hỏi ông Trời cho mượn cái thang
 
3. Ông Ninh Ông Nang
Ông Nỉnh ông Ninh. Ông ra đầu đình. Ông gặp ông Nảng ông Nang. Ông Nảng ông Nang. Ông ra đầu làng. Ông gặp ông Nỉnh ông Ninh.
Nang Ninh đầu đình. Và Ninh Nang đầu làng. Và Nang Ninh đầu đình. Và Ninh Nang đầu làng. Và Nang Ninh làng đình Nang Ninh. Và Nang Ninh làng đình Nang Ninh đầu đình Ninh.
En Thở em Thơ. Em qua hàng dừa. Em gặp em Hải em Hai. Em Hải em Hai. Em qua vườn xoài. Em gặp em Thở em Thơ. Thơ Hai vườn xoài. Và Hai Thơ vườn dừa. Và Thơ Hai vườn xoài. Và Hai Thơ vườn dừa. Và Hai Thơ vườn xoài Hai Thơ. Và Hai Thơ vườn dừa Hai Thơ vườn xoài Thơ.
Cô Chiểu cô Chiêu. Cô qua cầu kiều. Cô gặp cô Thỏa cô Thoa. Cô Thỏa cô Thoa. Cô qua vườn cà. Cô gặp cô Chiểu cô Chiêu. Thoa Chiêu cầu kiều. Và Chiêu Thoa vườn cà. Rồi Thoa Chiêu cầu kiều. Rồi Chiêu Thoa vườn cà. Cả Chiêu Thoa cầu kiều Chiêu Thoa. Cả Thoa Chiêu vườn cà Chiêu Thoa cà vườn Thoa.
 
******
 
TRƯỜNG CA HÒN VỌNG PHU

Lê là họ mẹ của ông. Thương là tên con sông kỷ niệm, nơi ông thường về nghỉ hè cùng bạn ở Đồng Đăng, Lạng Sơn. Chính nơi đây, nơi có hòn đá Tô Thị và câu chuyện của người vợ đợi chồng, mà hóa đá, đã ăn sâu vào tâm hồn ông, khiến ông phải bắt tay viết thành bản trường ca bất hủ của đời mình - Trường Ca Hòn Vọng Phu.
Ngoài hình ảnh những ngọn núi vọng phu, trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương còn được lấy cảm hứng từ tác phẩm Chinh Phụ Ngâm viết bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn, ra đời vào thế kỷ XVIII, được Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm và nhiều người khác, dịch sang chữ Nôm.
Quả là rất khó cho những người yêu âm nhạc xếp hạng, trường ca nào là hay nhứt, trường ca nào hay nhì, bởi vì, trường ca nào cũng đặc sắc, nhiều công phu, khiến tổn hao không biết bao nhiêu là tâm huyết, sức lực và thời gian của nhạc sĩ.
Tuy nhiên, với riêng tôi, tôi yêu thích trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương hơn hết cả. Trường ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương và trường ca Con Đường Cái Quan của Phạm Duy, tôi biết hát chỉ một, hai bài, và không mấy thuộc lời. Riêng trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương thì khác.
Khác ở chỗ, tôi thuộc vanh vách cả ba bản, không sai một chữ, hát cũng vậy, cả ba bản, không sai một nốt.
Vì sao ư? Vì hay quá chừng là hay, cảm động nữa, quá chừng là cảm động, cả ba bài, một, hai, ba - Hòn Vọng Phu.
Ba bài này, ca sĩ đều có thể hát riêng lẻ từng bài. Mà nếu hợp ca hay hợp xướng, một lèo, ba bài luôn, thì lại càng hay nữa.

******
 
HÒN VỌNG PHU I - RA ĐI

Vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi tư, loạn ly đang tràn lan khắp nước, khi ấy, ông đang ở Mỹ Tho, ngẫm thấy mình có khác gì đâu một chinh phu, ông bắt tay vào viết ca khúc Hòn Vọng Phu I.
Hòn Vọng Phu I, được Lê Thương lấy cảm hứng từ ngọn núi vọng phu ở Phú Yên, khi ông đang trên đường từ bắc vào nam. Ông tâm sự: Núi vọng phu ở Phú Yên nằm tại một vùng thâm u, man rợ nhưng lại là ngọn núi đá đẹp nhứt, khi tôi nhìn từ phía ngoài biển vào, khiến lòng tôi, ngay lập tức cảm mến. Quang cảnh thiên nhiên nơi đây đã ám ảnh tâm hồn tôi, đã thôi thúc tôi viết nên Hòn Vọng Phu I.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhạc sĩ Lê Thương đã trả lời: Xin thú thật là tôi còn chịu ảnh hưởng sâu xa trong Chinh Phụ Ngâm. Cụ thể là, trống tràng thành lung lay bóng nguyệt, của Chinh Phụ Ngâm được tôi chuyển sang trong Hòn Vọng Phu I là, lệnh vua hành quân trống kêu dồn.
Ông nói tiếp, một câu khác, trong Chinh Phụ Ngâm, tới Man Khê bàn sự Phục Ba, thì trong Hòn Vọng Phu I, tôi biến nó thành, bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng.

**
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn. Quan với quân lên đường, đoàn ngựa xe cuối cùng, vừa đi theo lối sông. Phía cách quan sa trường, quan với quân lên đường, hàng cờ theo trống dồn, ngoài sườn non cuối thôn. Phất phơ ngậm ngùi bay.
 
Như trong Chinh Phụ Ngâm, ngay từ đầu ca khúc, chúng ta thấy có lời hiệu triệu, kêu gọi của vua, sau đó là hình ảnh của một đoàn hùng binh lên đường.
Câu cuối “phất phơ ngậm ngùi bay” là câu diễn tả tâm trạng của người vợ, khi đoàn quân đang dần khuất xa. Phút chốc đã tít ngoài sườn núi cuối thôn, hàng cờ bay phất phơ mất hút.
Và nàng thấy ngậm ngùi.

**
Qua Thiên San kìa ai tiễn rượu vừa tàn. Vui ca xang rồi đi tiễn binh ngoài ngàn. Người đi ngoài vạn lý quang san. Người đứng chờ trong bóng cô đơn. Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng. Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng. Người không rời khỏi kiếp gian nan. Người biến thành tượng đá ôm con.
 
Trong Hòn Vọng Phu I có “Thiên San”, có “tiễn rượu”, tương ứng với ba câu trong Chinh Phụ Ngâm: lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi / dạ chàng xa tìm cõi Thiên San / múa gươm rượu tiễn chưa tàn.
“Xang” trong “vui ca xang”, có thể là xang trong ngũ cung, hò xự xang xê cống, là thanh âm cao, thể hiện sự tự nguyện, vui vẻ, hân hoan. “Xang” cũng có thể là nâng tay, vung tay, đánh tay theo nhịp đi, thể hiện sự hăng hái và quyết tâm của người ra trận. 
“Man Khê” cũng lấy trong Chinh Phụ Ngâm, là câu: tới Man Khê, bàn sự Phục Ba. Thực ra, nhắc Man Khê nghĩa là nhắc đến chiến tích của Mã Viện bên Tàu. Mà Mã Viện thì chính là kẻ thù của dân tộc ta. Mã Viện đã xâm lược Giao Chỉ và ép Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở dòng Hát Giang.
“Tiêu Tương”, trong Chinh Phụ Ngâm, nằm ở bốn câu: chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại / bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang / khói Tiêu Tương cách Hàm Dương / cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Với những điển tích được lấy từ Chinh Phụ Ngâm, nhạc sĩ Lê Thương muốn nhấn mạnh, chinh nhân thời nay, có khác gì chinh nhân thời xưa đâu, đều ra đi, vì nước quên mình.
Hai câu cuối: người không rời khỏi kiếp gian nan / người biến thành tượng đá ôm con, cũng là hai câu nói về người vợ chốn quê nhà. Chàng ra chiến trận, nàng ở nhà cũng cứ kiếp gian nan ấy mà chờ mà đợi, thủy chung. Chờ mãi, chờ mãi, trong gió, trong sương, trong mưa, trong nắng, trong bốn mùa đi qua, hết năm này lại đến năm khác, và nàng biến thành tượng đá ôm con từ hồi nào cũng chẳng biết.

**
Ngựa phi ngoài xa hí vang trời, chiêng trống khua trăm hồi, ngần ngại trên núi đồi, rồi vọng ra khắp nơi. Phía cách quan xa vời, chiêng trống khua trăm hồi, ngần ngại trên núi đồi, rồi dậy vang khắp nơi. Thắm bao niềm chia phôi.
 
“Chiêng trống khua trăm hồi / ngần ngại trên núi đồi / rồi vọng ra khắp nơi”, được điệp, được lặp lại, như chiến sự đang diễn ra ác liệt, chưa hề có dấu hiệu ngừng. Khắp nơi, khắp mọi nơi trên quê hương, giờ đây đã thắm biết bao là niềm chia phôi.

**
Vui ra đi rồi không ước hẹn ngày về. Ai quên ghi vào gan đã bao nguyện thề. Nhìn chân trời xanh biếc bao la. Người mong chờ vẫn nhớ nơi xa. Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về. Bao nhiêu phen thời gian xóa phai lời thề. Người tung hoành bên núi xa xăm. Người mong chồng còn đứng muôn năm.
 
Người lên đường đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ non sông bờ cõi, người vui. Dẫu có nhớ, thì cũng chỉ là cái nhớ một thoáng. Người ở lại ngày ngóng đêm trông, chưa kể nỗi lo sợ của mũi tên hòn đạn vô tình, người buồn. Dẫu có vui, thì cũng chỉ là cái vui ngậm ngùi, chàng vì nợ nước.
Xa nhau, giờ đây không còn tính ngày. Xa nhau, giờ đây phải tính tháng tính năm. Chờ, nhớ, mong, ba trạng thái ấy làm tổn hao biết bao nhiêu là tinh thần và thanh xuân của người vợ đương thì.
Ôi chiến tranh, người tung hoành bên núi xa xăm.
Ôi chiến tranh, người mong chồng còn đứng muôn năm.
 
******

HÒN VỌNG PHU II - AI XUÔI VẠN LÝ

Hòn Vọng Phu II, được ông viết vào năm một ngàn chín trăm bốn mươi sáu.
Hòn Vọng Phu II, còn một lời nữa, nhưng ít ca sĩ hát đủ, dù lời rất, rất hay.
Tiết tấu, giai điệu lúc này, đã không còn những rộn ràng, những hân hoan, những rầm rập bước chân, những vang lừng ngựa hí, những lộng gió cờ bay, mà thay vào đó là những thê lương, những mỏi mòn, sương buông, gió lạnh.
Giai điệu trầm xuống hẳn, như tưởng tiếc, như khóc than, thê thiết, mênh mang.

**
Người vọng phu trong lúc gió mưa. Bế con đã hoài công để đứng chờ. Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về. Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ. Có đám cây trên đồi, sống trong, trong mơ hồ. Ngày nào tròn trăng, lại nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ. Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bây giờ, đã thành đoàn cổ thụ già. Mà, chờ người đi mất từ ngàn xưa. Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?
 
Giai điệu và lời nhạc lúc này như lời kể chuyện. nàng thành đá rồi, nhưng ước mơ của nàng vẫn còn quanh quất, trong đám lá của hàng cây trên đồi, trong những đêm trăng tròn trăng khuyết, trong tiếng hát ngày nào vang vọng buổi tiễn đưa.
Ngày chàng đi, cỏ cây mới nhú. Bây giờ, chúng đã xếp hàng thành đoàn cổ thụ. Năm tháng ư? Nghĩa lý gì. Nàng đợi chàng, vợ đợi chồng, phải tính bằng thế kỷ, ngàn xưa. Thế mà vẫn đau đáu, một câu hỏi trong mắt, một câu hỏi trên môi, về chưa?
Về hay chưa?

**
Có ai xuôi vạn lý nhắn đôi câu giúp nàng, lấy cây hương thật quý, thắp lên thương tiếc chàng. Thôi, đứng đợi làm chi, thời gian có hứa mấy khi, sẽ đem đến trả đúng kỳ, những người mang mệnh biệt ly.
Về hay chưa? Không ai biết cả. Chốn núi rừng đổ xuôi, chỉ là những lời nhắn, không địa chỉ đến, không cả biết gởi từ đâu, rằng, còn thương còn nhớ, thì thắp vậy, nén hương.
Nhắn rằng, chúng mình, kiếp này, trót mang mệnh biệt ly, nên lời hứa, có bao giờ được trả đúng kỳ hạn đâu mà chờ mà đợi.

**
Trời chuyển mưa trong tiết tháng ba. Suốt năm, nước nguồn tuôn đổ xuống bà. Hình hài người bế con nước chảy chan hòa, thấm vào đến tận tâm hồn đứa con. Nên, núi non thương tình, kéo nhau đi thăm nàng, nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước Nam. Dâng, lá hoa suối nguồn với muôn chim vô vàn, bầy cảnh nam bắc đầy cỏ hoa, như cố khuyên nàng, trở về, chớ đừng để xuân tàn. Nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo xa, lan tới tận khơi ngàn, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?
 
Tháng ba, thường là tháng chưa mưa, vậy mà suốt một năm, nước không ngừng tuôn xuống. Phải chăng, vì cảm động trước lòng son sắt của bà, mà ông trời, ổng cũng phải tuôn lệ khóc theo?
Lệ chan hòa khắp nơi. Lệ thấm vào hồn đứa con thơ. Lệ thấm vào núi non, sông nước.
Phải nói là lòng tôi khâm phục lắm luôn, những Văn Cao, những Phạm Duy, những Lê Thương và rất, rất nhiều những nhạc sĩ khác nữa, khi viết lời cho nhạc.
Trí tưởng họ giàu có, tâm hồn họ bao la, ngôn ngữ họ vô cùng, như bài này chẳng hạn. Lê Thương đã giải thích, dãy Trường Sơn ngày nay là do núi non hồi xưa xếp hàng đi thăm bà mà thành. Và các đảo như Hoàng Sa, Trường Sa nữa, được hình thành là bởi thương bà, mà xếp hàng ra tới biển lớn, hỏi thăm bể khơi, xem người về hay chưa.
Về hay chưa!

**
Chín con long thật lớn, muốn đem tin tới nàng. Núi ngăn không được xuống, chúng kêu ca dưới ngàn. Ta cố đợi nghìn năm, rồi nghìn năm nữa khác sẽ qua, đến khi núi lở sông mòn. Mới mong tới Hòn Vọng Phu.
 
Chín con long thật lớn chính là dòng sông Cửu Long. Thương nàng, nó cũng khóc kêu dưới ngàn. Thôi thì đành đợi vậy, ngàn năm này chưa được thì thêm ngàn năm nữa. Núi rồi lở, sông rồi mòn, lúc ấy, tin tức, may ra, sẽ tới được Hòn Vọng Phu.
 
******

HÒN VỌNG PHU III - NGƯỜI CHINH PHU VỀ

Đến năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám, ông hoàn tất bài Hòn Vọng Phu III. 
Hòn Vọng Phu III, cũng giống như Hòn Vọng Phu II, là còn một lời nữa, Nhưng phần thì, các ca sĩ, ít ai hát đủ lời, phần nữa, nếu tôi viết ra thì bài hôm nay sẽ rất dài, nên tôi đành phải bỏ bớt.

**
Nơi phía Nam, giữa núi mờ, ai bế con, mãi đứng chờ, như nước non, xưa đến giờ?
Hình ảnh vọng phu, cứ hoài nơi phía Nam, cứ hoài nơi núi mờ. Ai đang bế con, mãi đứng chờ, mà như nước non Việt Nam tự thuở ngàn xưa, cho đến giờ, vẫn đợi?
 
Giọng hát thê thiết, chứa đựng tủi buồn, chứa đựng đớn đau, quặn xé hoài nỗi niềm ngóng trông, quặn xé hoài nỗi biệt ly của người cô phụ.

**
Đường chiều mịt mù, cát bay tỏa, bước ngựa phi. Đường trường, nếp tàn y, hùng cường, vẫn còn bay, trong gió. Bóng từ xa, sắp dần qua. Bóng chàng, chập chùng, vượt núi non cũ, với hành lương, độ đường, chiếc hùng gươm, danh tướng, dưới tà uy, đếm nhịp đi, vó ngựa phi.
 
Kết thúc mỗi ngữ, mỗi câu, đều là vần bằng. Nhịp ca rượt đuổi, không dừng, không ngừng, cứ nối tiếp nhau, thăm thẳm, vợi vời.
“Đường chiều” rồi “đường trường” rồi “độ đường”, cứ lặp đi lặp lại, dường như vô tận. Con đường chiến chinh của người chiến binh mịt mùng bởi cát bay, chập chùng bởi núi non, thôi thúc bởi nhịp đi, không chùng lòng bởi vó ngựa phi.
Nếp tàn y mà vẫn hùng cường. Bóng dần qua mà vẫn danh tướng. Lãng mạn mà vẫn vô cùng dũng mãnh.
Lê Thương quả là quá tài!

**
Dấn bước tang bồng giữa nơi núi rừng, bên nợ tình thâm, bên nợ giang san, bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan, đón đưa bóng chàng.
 
Nguyễn Công Trứ cũng từng phải thốt lên: đã mang tiếng ở trong trời đất / phải có danh gì với núi sông. Cho nên, cái mộng tang bồng, cái chí làm trai, nó đeo đuổi người chinh phu ghê gớm. Chưa lập nên công trạng thì làm sao mà nghĩ chuyện quay về.
Một bên là tình cảm vợ chồng, cha con, thân thuộc, một bên là gánh nợ giang sơn. Một bên lòng ai oán, một bên dạ đa đoan.
Bên đón, bên đưa, núi rừng hút bóng!

**
Đường về nước, chập chùng xa, nhiều đồi núi cheo leo, cây với rừng rườm rà. Đường Vạn Xuyên, đường Cổ Lũy, duyên núi sông vẫn như thắm hòa.
 
Người chinh phu, rong ruổi đường trường, biết bao là tháng, biết bao là năm, đi qua không biết bao nhiêu thành trì, vượt qua không biết bao nhiêu núi non, sông biển; thì ngày về, cũng bấy nhiêu thiên lý, quan san, vạn dặm.
Nhưng người và núi sông, vẫn mãi mãi một mối tình thắm thiết, như chưa khi nào cách ngăn. Và chinh phu với chinh phụ, cũng vậy, vẫn mãi mãi một mối tình thủy chung, chẳng gì có thể chia uyên, rẽ thúy.

**
Đò Vạn Lý, đò Ải Quan, đò rừng lá, nước trong, bao cá lội từng đàn. Thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, bao tháng năm dấu chưa xóa nhòa.
 
Vạn Lý là muôn dặm, rất dài. Ải Quan là cửa ải, chỗ qua lại chật hẹp, hiểm trở, giữa hai nước, thường có binh lính trấn giữ. Những Vạn Lý ấy, những Ải Quan ấy, là rừng xanh, là nước trong, là cá lội từng đàn, là non sông gấm vóc.
Thành Cổ Loa là kinh đô của nhà nước Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên và của nhà nước phong kiến dưới thời Ngô Quyền vào thế kỷ X, tại Đông Anh, Hà Nội. Đền Vạn Kiếp thuộc Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột. Những thành lũy, những đền thờ, từ bắc vào nam, còn ghi bao chiến tích, còn in bao dấu giày ông cha, từng ra đi, bảo vệ Tổ Quốc, bảo vệ biên cương, bảo vệ lãnh thổ, khỏi gót giày xâm lược của ngoại bang.
Tất cả những tươi đẹp ấy, tất cả những hào hùng ấy, vẫn còn đây.
Vẫn còn nguyên!
**

Tiếng núi non lưu luyến tấc lòng, bao nghìn năm. Tiếng gió cồn như tiếng trống dồn, buổi khuya vắng. Từ bóng cây ngôi mộ bên đường, từ mái tranh bên đình trong làng, nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống. Bao mối thương vang động trong lòng.
 
Vì nước non, người ra đi. Trong tiếng trống dồn thôi thúc là những cơn gió làm buốt lạnh tâm can. Bao nỗi niềm, bao phân vân, bao ngậm ngùi, bao buồn lo trong buổi phân ly, làm sao kể xiết.
Kìa là bóng cây đầu làng che mát, kìa là ngôi mộ bên đường, vô danh, nào biết đã mấy trăm năm, kìa là mái tranh nghèo bên suối, kìa là ngôi đình hai mùa mưa nắng ngập thềm rêu.
Tất cả những thứ ấy, không gì diệt được, bởi chúng được nuôi dưỡng âm thầm bằng nguồn sử xanh anh hùng, bất khuất, được nuôi sống bằng biết bao hy sinh âm thầm của những người ngã xuống lẫn những người phải đợi phải chờ trong bất tận, thiên thu.

**
Đồi lan, đồi quế rắc kho hương nồng. Rừng sao đua đòi rừng trắc, lo che ánh lửa vầng dương tiếp đưa bóng chàng. Đường cao, đường thấp khắp khe chân chàng. Nhìn qua con đường mòn cũ, quanh co mấy buổi tà dương mới mong tới làng.
 
Đường chinh chiến đã xa. Đường quay về cũng vợi vời không kém. Thôi thì nhờ đồi lan, đồi quế rắc hương cho chàng mau nhận ra nẻo xưa. Nhờ rừng sao, rừng trắc, che nắng che mưa, để tiếp đưa chàng mau nhận ra lối cũ. Đường cao rồi đường thấp dần, chỉ cần thêm vài buổi tà dương nữa thôi, là về đến nhà mình rồi, cuối xóm.

**
Nhớ cố hương xao xuyến tấc lòng, mau dồn chân. Vết bước đi trên phím đá mòn, còn in dấu. Từ bóng cây ngôi mộ bên đường, từ mái tranh bến đình trong làng, nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống. Bao mối thương vang dậy trong lòng
 
Hòn Vọng Phu!
Lòng nhớ quê xưa đã quá chừng xao xuyến. Dấu ngựa ngày nao vẫn in đá lối mòn. Kìa là bóng cây đầu làng che mát, kìa là ngôi mộ bên đường, vô danh, nào biết đã mấy trăm năm, kìa là mái tranh nghèo bên suối, kìa là đình làng hai mùa mưa nắng ngập thềm rêu.
Tất cả những thứ ấy, không gì diệt được, bởi chúng được nuôi dưỡng âm thầm bằng nguồn sử xanh anh hùng, bất khuất, được nuôi sống bằng biết bao hy sinh âm thầm của những người ngã xuống. Cả những người phải đợi phải chờ trong bất tận, thiên thu. Và kìa, chàng đã gặp nàng.
Hòn Vọng Phu!

******
Trong hồi ký của mình, Phạm Duy tấm tắc: Dùng âm nhạc để mà kể chuyện thì có lẽ ở Việt Nam, không ai có tài hơn nhạc sĩ Lê Thương.
Nhạc sĩ Văn Cao thì bồi hồi: Có lẽ người làm cho tôi kích động nhất để đi làm âm nhạc thì đó là anh Lê Thương. Những dòng nhạc của anh ấy đem lại hơi thở của một giai điệu Việt Nam.
Còn tôi, đã bao nhiêu lần rồi, tôi cũng không biết nữa, mỗi lần nghe trường ca Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương, là mỗi lần nỗi xúc động vô bờ, dường vẹn nguyên, dường chưa từng hao hụt, lại ập đến:
 
người không rời khỏi kiếp gian nan
người biến thành
tượng đá
ôm con!
 
                                                                            Phạm Hiền Mây
                                                                         Sài Gòn 07.03.2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ