Nếu như Phạm Duy có Bên Cầu Biên Giới khiến cho hàng triệu con tim khán thính giả phải
bồi hồi, say sưa theo giấc viễn mơ của một chàng trai trẻ, một giấc mơ đẹp
không biên giới, rất lãng mạn và tình tứ, rất bay bổng và đầy khát khao, được
viết năm một ngàn chín trăm bốn mươi bảy, khi Phạm Duy vừa tròn hai mươi sáu tuổi,
thì.
Thì, Nguyễn Văn Đông (1932-2018), vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, tức sau Phạm Duy mười năm, lúc Nguyễn Văn Đông vừa tròn hai mươi bốn tuổi, có Chiều Mưa Biên Giới.
Chiều
Mưa Biên Giới của Nguyễn Văn Đông là một trong những
sáng tác đầu tay của nhạc sĩ, và cũng là một trong những nhạc phẩm được khán
thính giả bốn phương yêu mến nhứt, là ca khúc hay nhứt, thành công nhứt của ông
và đem lại cho tác giả nhiều lời ngợi khen nhứt.
Chiều
Mưa Biên Giới, khi vừa mới ra đời, đã trở thành hiện tượng
đặc biệt vào thời điểm bấy giờ. Đặc biệt vì nhiều lẽ, vì ca khúc đã sớm vang lừng
tại Pháp và Châu Âu qua giọng ca Trần Văn Trạch, vì ca khúc đã bị cấm một thời
gian do lời của bài hát, nhưng bao trùm hơn cả, Chiều Mưa Biên Giới trở thành một hiện tượng đặc biệt là bởi vì
giai điệu và ca từ của tác phẩm, quá xuất sắc.
Bảy mươi năm đã trôi qua, vậy mà, chỉ cần một tình cờ,
đâu đó, giọng một ca sĩ xưa cất lên “chiều
mưa biên giới anh đi về đâu”, là ngay lập tức, tâm hồn người nghe bỗng bị
rúng động. Sự rúng động đó đến từ những âm thanh, giai điệu, lời ca thân
thương, quen thuộc, trìu mến, ấm áp và đầy an ủi. Sự rúng động còn đến từ một
trời kỷ niệm xưa của một miền Nam mến thương, thanh bình và yên ổn, chợt quay về.
Thường, cái gì không tìm lại được nữa, ngay cả khi, ta
có thật nhiều bạc tiền, ta có thật nhiều phương tiện, kỹ thuật hiện đại, thì
cái ấy sẽ trở nên quý giá vô ngần.
Bên Cầu Biên Giới, Chiều Mưa Biên Giới, Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông, và những ngày tháng cũ, sẽ không bao giờ quay trở lại, sẽ không bao giờ lập lại, nên những thứ ấy, vô vàn quý giá.
******
Thì, Nguyễn Văn Đông (1932-2018), vào năm một ngàn chín trăm năm mươi sáu, tức sau Phạm Duy mười năm, lúc Nguyễn Văn Đông vừa tròn hai mươi bốn tuổi, có Chiều Mưa Biên Giới.
Bên Cầu Biên Giới, Chiều Mưa Biên Giới, Phạm Duy, Nguyễn Văn Đông, và những ngày tháng cũ, sẽ không bao giờ quay trở lại, sẽ không bao giờ lập lại, nên những thứ ấy, vô vàn quý giá.
CHIỀU MƯA BIÊN GIỚI
1.
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Kìa rừng chiều âm u rét mướt
Chờ người về vui trong giá buốt, người về bơ vơ.
Nên, người thì ở đây mà lòng người thì rất bơ vơ!
2.
Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang
Trăng còn khuyết mấy hoa không tàn
Cờ về chiều tung bay phất phới
Gợi lòng này thương thương nhớ nhớ, bầu trời xanh lơ
Mây trôi, vốn đã không có phương nhứt định, nay, tác giả lại còn thả cho đám mây ấy trôi theo chiều hoang.
Hoang đây là hoang mang, hay hoang đây là hoang đàng, hoang đường? Hoang đây là hoang phế, hay hoang đây là hoang sơ, hoang vu? Nghĩa nào, cũng có lý. Thôi thì, chiều hoang là buổi chiều của tất cả những nghĩa ấy cộng lại vậy.
Và, tình anh cũng thế, cũng đi theo đám mây trôi chiều hoang ấy.
Trăng kia, còn lúc tròn lúc khuyết nữa là, huống hồ mây, huống hồ hoa. Mây nào rồi không tan. Hoa nào rồi không tàn. Chỉ riêng lá cờ về chiều tung bay phất phới. Khiến gợi cho lòng anh, khôn nguôi, niềm nhớ nhớ, thương thương.
Giữa bầu trời xanh lơ!
3.
Đêm đêm chiếc bóng bên trời
Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người
Xa xôi cánh chim tung trời
Một vùng mây nước, cho lòng ai thương nhớ ai
Cho thỏa lòng thương nhớ!
4.
Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay
Lưng trời nhớ sắc mây pha hồng
Đường rừng chiều cô đơn chiếc bóng
Người tìm về trong hơi áo ấm, gợi niềm xa xăm
Về đâu ư? Người thì ở đây, nhưng tình, nhưng lòng thì hướng về nơi gia đình, nơi có em, nơi mà tình thương, nơi mà trái tim, nơi mà nỗi nhớ của tác giả, ngày đêm gởi trao về.
Mưa tạnh, lưng trời mây pha hồng màu nhớ. Đường rừng chiều vẫn tiếp tục niềm cô đơn chiếc bóng. Và lòng người chiến sĩ, lại tìm về trong hơi áo ấm thân quen.
Gợi niềm xa xăm!
5.
Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường
Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi.
Biết làm sao bây giờ.
Ai biểu chi, ông trời bày ra thế cuộc. Ai biểu chi, con người cứ mãi hơn thua. Ai bày chi công hầu khanh tướng. Ai bày chi địa vị lợi danh.
Lòng trần còn nhiều tơ vương thì đường trần mưa bay gió cuốn, sẽ còn nhiều.
Anh ơi!
Chỉ mới hai mươi bốn tuổi, mà Nguyễn Văn Đông đã soạn được một tác phẩm có giai điệu tha thiết và đầy tình yêu thương hay đến như vậy, Chiều Mưa Biên Giới.
Chỉ mới hai mươi bốn tuổi, mà Nguyễn Văn Đông đã có thể viết được một nhạc phẩm đầy chất thơ: đêm đêm chiếc bóng bên trời / vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người. Khiến cho người nghe, phải liên tưởng ngay đến một hình ảnh kẻ ở người đi rất nỗi niềm thương nhớ, từng xuất hiện trong tuyệt phẩm của Nguyễn Du: vầng trăng ai xẻ làm đôi / nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
Người như Nguyễn Văn Đông, hiếm lắm, thời xưa thường gọi là văn võ song toàn.
Không chỉ văn võ song toàn, ông còn là người đa tài, ngoài tân nhạc, ông còn soạn nhạc và làm đạo diễn cho hơn năm mươi tuồng cải lương nổi tiếng như: Mắt em Là Bể Oan Cừu, Mưa Rừng, Nửa Đời Hương Phấn, Sân Khấu Về Khuya, và vô số những bản tân cổ giao duyên.
Phạm Hiền Mây
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/profile.php?id=100010179120456
*
Nguồn:
https://www.facebook.com/profile.php?id=100010179120456
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ