Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2024

VỀ TRƯƠNG VÔ KỴ VÀ “CÔ GÁI ĐỒ LONG” CỦA KIM DUNG – Hoài Nguyễn



Có lẽ nhiều người từng say mê những bộ trường thiên võ hiệp của nhà văn Hong Kong Kim Dung (1924-2018) đều đã đọc qua bộ ba tiểu thuyết “Xạ điêu tam bộ khúc I,II,III” có liên quan về kết cấu nhân vật, lịch sử Trung Hoa và có thể cũng từng yêu quý những nhân vật trong những quyển tiểu thuyết này - Đó là bộ “Anh hùng xạ điêu” (Bộ I - 1957); “Thần điêu đại hiệp” (Bộ II -1958); “Cô gái Đồ Long” (Bộ III - 1962).

Thời còn học Trung học Đệ Nhất cấp, ba tôi thường đặt báo tháng và tôi hay đọc ké báo của ba chủ yếu những truyện võ hiệp của Kim Dung đăng thành nhiều kỳ (Feuilleton) để "câu độc giả"! Sở dĩ báo chí thời ấy phải đăng thành nhiều kỳ vì các nhật báo phát hành tại Hương Cảng (Hong Kong) chuyển đến Sài Gòn bằng máy bay hằng ngày, trong đó có những truyện võ hiệp của nhà văn Kim Dung đăng. Các dịch giả miền Nam thời ấy như Hàn Giang Nhạn, Tiền Phong Từ Khánh Phụng, Phan Cảnh Trung, Điền Trung Tử... liền dịch (chùa) ngay sang Việt ngữ và đăng (chùa) hầu hết ở các nhật báo.
 
Vì là tiểu thuyết võ hiệp mới lạ nên rất thu hút với độc giả người Việt thời ấy (kể cả bây giờ) nên các báo bán rất chạy, phát hành số nào là hết ngay số đó.
Khi một truyện viết theo kiểu "Feuilleton" vừa xong thì cũng là lúc nhà xuất bản cho phát hành luôn toàn bộ quyển tiểu thuyết này dưới dạng sách in, và những người không theo dõi thường xuyên trên nhật báo có thể mua nguyên bộ, hoặc thuê tại các tiệm cho thuê truyện để đọc.
 
Lúc đó tôi có thằng bạn thân cùng lớp có ba là Giáo sư dạy Anh - Pháp văn rất mê truyện võ hiệp của Kim Dung nên tủ sách của ông không thiếu bộ nào... Và tôi có "nguồn truyện võ hiệp" để đọc từ đó...
Và một trong những bộ tiểu thuyết võ hiệp mà tôi muốn đề cập trong bài viết này chính là “Cô gái Đồ Long” với nguyên tác là “Ỷ Thiên Đồ Long ký”.
 
Bối cảnh tiểu thuyết lấy vào cuối thời nhà Nguyên, 80 năm sau sự kiện trên đỉnh Hoa Sơn trong Thần điêu đại hiệp, lúc này nhà Nguyên đang bị suy yếu bởi các cuộc khởi nghĩa và vì sự xa hoa lãng phí của triều đình. Truyện xoay quanh Trương Vô Kỵ và mối tình phức tạp với 4 cô gái, bên cạnh đó là những âm mưu thủ đoạn đẫm máu trên giang hồ nhằm chiếm đoạt 2 món báu vật là Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, với lời đồn nếu tìm được bí mật trong đao kiếm sẽ hiệu triệu được thiên hạ làm nên "nghiệp đế vương". Truyện kết thúc với sự sụp đổ của nhà Nguyên, người Mông Cổ phải rút về thảo nguyên phía bắc cùng với sự thành lập của nhà Minh bởi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
Câu chuyện xoay quanh truyền thuyết về Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm là hai báu vật trong võ lâm, nếu ai nắm được cả hai thứ đó sẽ hiệu triệu được thiên hạ:
 
“Võ lâm chí tôn
Bảo đao Đồ Long
Hiệu lệnh thiên hạ
Mạc cảm bất tòng
Ỷ Thiên bất xuất
Thùy dữ tranh phong”
 
Ngược dòng lịch sử Trung Hoa, cuối thời nhà Tống, quân Mông Cổ phía bắc rất hùng mạnh có ý đồ thôn tính vùng đất Trung Nguyên của Trung Hoa.
Năm xưa khi quân Mông Cổ vây đánh thành Tương Dương (Trong Thần điêu đại hiệp), Hoàng Dung thấy thế quân Mông Cổ quá mạnh biết rằng không thể giữ được thành, vì không muốn võ công và binh pháp của Quách Tĩnh bị thất truyền, lại mong muốn sau này hậu thế có thể dùng những công phu tuyệt luân đó đánh đuổi quân xâm lược nên đã rèn hai món bảo vật là Ỷ Thiên kiếm và Đồ Long đao rồi đem "bí kíp" giấu vào trong đó. Ỷ Thiên kiếm giấu bí kíp Cửu Âm chân kinh. Trong Đồ Long đao giấu bộ Vũ Mục di thư. Kiếm sắc bén vô cùng không vũ khí nào so bì được. Vì thế giang hồ có câu “Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong”. Cây kiếm Ỷ Thiên về sau được lưu giữ  bởi Quách Tương, con gái của Quách Tĩnh, người sáng lập ra phái Nga Mi và truyền nhiều đời cho chưởng môn của giáo phái. Còn Đồ Long đao, sau khi quân Mông Cổ phá được thành Tương Dương thì cả nhà Quách Tĩnh đều tự sát nên rơi vào tay quân Mông Cổ. Du Đại Nham, đệ tử thứ ba của Trương Tam Phong phái Võ Đang, trên bước đường giang hồ hành hiệp, do cứu người hoạn nạn mà tình cờ có được Đồ Long đao. Ngay sau đó, Du Đại Nham bị Ân Tố Tố, con gái của Ân Thiên Chính - giáo chủ Thiên Ưng giáo, phóng ngân châm đả thương và chiếm đoạt Đồ Long đao. Sau khi bị Triệu Mẫn (tên trong bản đầu là Triệu Minh, sau Kim Dung sửa tên thành Triệu Mẫn ở những lần chỉnh sửa) cướp, Ỷ Thiên kiếm lại bị Chu Chỉ Nhược dùng mưu mẹo lấy lại và khám phá ra bí mật của kiếm để từ đó luyện Cửu Âm Bạch Cốt Trảo. Trong bản sửa đổi mới nhất, Kim Dung đã sửa lại trong đao và kiếm không chứa các bản viết tay mà chứa 2 miếng sắt, lý do là khi đao kiếm chém vào nhau làm tóe lửa sẽ thiêu hủy bí kíp. Hai miếng sắt trong bản mới có vẽ bản đồ chỉ đường đến Đào Hoa đảo, nơi cất giấu bản viết tay Cửu Âm chân kinh và Vũ Mục di thư.
 
Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, rồng (long) được xem là biểu tượng thiêng liêng tượng trưng cho Hoàng đế, thế nên Đồ Long đao mang mục đích là giết Hoàng đế. Hoàng đế ở đây chỉ triều đình Nguyên Mông nói chung và Nguyên Huệ Tông nói riêng. Xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, có nhiều Đế Vương đã bị quyền lực làm tha hóa thành bạo chúa gây tai họa cho đất nước. Việc được làm Hoàng đế theo quan niệm thời xưa là do người đó được nhận thiên mệnh, nên kiếm Ỷ Thiên có ý nghĩa dựa vào mệnh trời mà chọn người có thiên mệnh.
 
Dựa theo bí mật trong Đồ Long đao là Vũ Mục di thư và Ỷ Thiên kiếm là Cửu Âm chân kinh, người đời có thể hiểu ý nguyện của Quách Tĩnh và Hoàng Dung khi xưa: ai khám phá ra bí mật trong đao Đồ Long sẽ học được binh pháp vô địch, có được sức mạnh hiệu triệu quần chúng cùng đứng dậy đánh đuổi người Mông Cổ, khôi phục giang sơn cho người Hán. Tuy nhiên, nếu như người đó bị biến chất, tham quyền cố vị, trở thành bạo chúa gây tai họa, thì sẽ có người học được võ công tuyệt thế trong bảo kiếm Ỷ Thiên, mang nhiệm vụ trừ khử bạo chúa để thay thế bằng người tài đức.
 
Truyện võ hiệp của Kim Dung nói chung là hư cấu phần nhiều các nhân vật, tuy nhiên vẫn có những nhân vật lịch sử trong từng bộ truyện của ông. Trong “Cô gái Đồ Long”, đó là những nhân vật có thật như Chu Nguyên Chương (người sáng lập ra triều đại nhà Minh), Thường Ngộ Xuân, Trần Hữu Lượng, Vương Bảo Bảo (anh trai Triệu Mẫn)...
 
Trương Vô Kỵ là nhân vật chính trong truyện, được xem là có nội tâm phức tạp hơn so với Quách Tĩnh và Dương Quá, điều này làm cho nhân vật trở nên thực tế hơn.
Trương Vô Kỵ là con trai của Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố được hạ sinh trên “Băng Hỏa đảo” khi hai người cùng lưu lạc với Kim Mao Sư vương Tạ Tốn. Trương Vô Kỵ là tên đặt theo tên của con trai Tạ Tốn đã bị giết trước đây là Tạ Vô Kỵ - nên Trương Vô Kỵ nhận Tạ Tốn làm nghĩa phụ. Trương Thúy Sơn bái Tạ Tốn là anh kết nghĩa. Lúc này Đồ Long đao vẫn còn trong tay của Ân Tố Tố.
 
Đến năm Trương Vô Kỵ lên mười tuổi, Tạ Tốn ở lại Băng Hỏa đảo để tránh ân oán giang hồ, Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố đóng bè đưa Trương Vô Kỵ về Trung Nguyên. Về lại quê xưa, hai vợ chồng mới biết rằng mười năm qua các phái đánh nhau triền miên vì sự mất tích của hai người cùng Tạ Tốn và đao Đồ Long. Trên đường về núi Võ Đang, Trương Vô Kỵ bị một kẻ lạ mặt bắt cóc và Trương Vô Kỵ trúng phải hàn độc của Huyền Minh thần chưởng. Cũng tại núi Võ Đang, Trương Thúy Sơn bị các đại môn phái ở Trung Nguyên làm khó dễ vì là anh em kết nghĩa với Tạ Tốn và biết Tạ Tốn đang ở đâu. Vì không thể nói ra tung tích của Tạ Tốn nên Trương Thúy Sơn rút kiếm tự vẫn, Ân Tố Tố cũng tự tử chết theo chồng.
 
Cha mẹ mất, Trương Vô Kỵ bắt đầu cuộc đời lưu lạc trên chốn võ lâm giang hồ và cũng từ đây, Trương Vô Kỵ lại vô tình học được mốt số bí kíp võ công do các cao thủ truyền lại. Đây cũng chính là "motif" cốt lõi trong hầu hết các tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung.
Trương Vô Kỵ thuở nhỏ được mẹ dạy dỗ theo cách rất tự do, nên từ bé đã là một người đầy mưu mô, tinh ranh. Khi phiêu bạt giang hồ, quen với nhiều cao nhân võ học, Vô Kỵ mới dần trở nên hiền lành thật thà và tốt bụng hơn.
 
Trương Vô Kỵ đã may mắn học được Cửu Dương Thần Công và Càn Khôn Đại Na Di. Ngoài ra còn học đượcThái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm của Trương Tam Phong, võ công ghi trên Thánh Hỏa Lệnh của Ba Tư, trở thành một trong những nhân vật võ công cao cường bậc nhất trong truyện.
Trương Vô Kỵ theo thời gian đã lưu lạc giang hồ và với võ công của mình đã chinh phục giới võ lâm, rồi như một cơ duyên, Trương Vô Kỵ lần lượt gặp một số mỹ nhân cũng hành hiệp trên chốn giang hồ với những mục tiêu riêng của họ.
Tại đỉnh núi Quang Minh, Trương Vô Kỵ đánh bại nhiều cao thủ võ lâm của sáu phái, trong đó có cả Không Tính đại sư của phái Thiếu Lâm, vợ chồng Hà Thái Xung - Ban Thục Nhàn của phái Côn Lôn, Diệt Tuyệt sư thái của phái Nga Mi, ngũ lão của phái Không Động, Tiên Vu Thông của phái Hoa Sơn.
 
Chu Chỉ Nhược, lúc này đã nhận ra Trương Vô Kỵ, có mách vài chiêu khi Vô Kỵ đấu kiếm, nhưng sau vì nghe lời sư phụ đã dùng Ỷ Thiên kiếm đâm Vô Kỵ một phát chí mạng.
Sau đó, Vô Kỵ được tôn vinh lên làm giáo chủ thứ 34 của Minh Giáo, kế vị giáo chủ đời 33 là Dương Đỉnh Thiên. Trương Vô Kỵ đã giúp cho Minh Giáo từ một giáo phái được coi là "ma giáo" trong mắt mọi người trở thành thủ lĩnh một phe trong cuộc kháng chiến lật đổ nhà Nguyên đồng thời đưa Trương Vô Kỵ trở thành một người anh hùng kiệt xuất trong mắt hào kiệt giang hồ qua các trận chiến như Quang Minh đỉnh, giải cứu lục đại môn phái tại Vạn An tự, phá âm mưu “Tiên trừ Thiếu Lâm, hậu diệt Võ Đang” của Triều đình nhà Nguyên.
 
Sau khi lên ngôi giáo chủ Minh Giáo, Vô Kỵ dẫn một đoàn giáo đồ với ý định đi hoang đảo đón Tạ Tốn về. Khi xuống núi, anh gặp Ân Lê Đình, đệ tử thứ sáu của Trương Tam Phong, bị thương nặng bởi một loại chưởng thuộc phái Thiếu Lâm. Sau đó anh gặp Triệu Mẫn con gái của Nhữ Dương Vương - một Quận chúa Mông Cổ ăn mặc giả trai trên người có đeo thanh Ỷ Thiên kiếm. Triệu Mẫn mời Vô Kỵ và đoàn người đi cùng đến thăm Lục Liễu sơn trang, thiết đãi nồng hậu. Sau đó Triệu Mẫn để lại thanh Ỷ Thiên kiếm vào trong. Mọi người tò mò, rút thanh kiếm ra thì hóa ra đó là một thanh kiếm gỗ thơm ngát và sau đó khi ra khỏi sơn trang tất cả đều cảm thấy choáng váng vì trúng độc. Vô Kỵ quay lại sơn trang, xin Triệu Mẫn thuốc giải độc. Triệu Mẫn lừa Vô Kỵ rơi vào hầm tối, anh hết cách nên đành cù vào gan bàn chân Triệu Mẫn để thoát khỏi hầm, đem thuốc giải độc về cứu quần hùng Minh Giáo.
 
Trong mối quan hệ giữa Trương Vô Kỵ và quần hùng chốn võ lâm nhìn chung khá phức tạp và không phân biệt rõ ràng "bạn - thù", nhất là mối quan hệ giữa anh với các nữ hiệp. Giữa Trương Vô Kỵ với những cô gái trên giang hồ này đan xen giữa tình yêu và hận thù, sư yêu thương và căm giận. Giữa Trương Vô Kỵ và họ có nhiều phen tỉ thí võ công sinh tử với nhau nhưng sau đó lại ra tay cứu nhau, giải độc thoát chết...
 
Cuộc đời của Trương Vô Kỵ trải qua nhiều trăm đắng ngàn cay, từ nhỏ đã phải chứng kiến cái chết của cả cha và mẹ, sau đó lại bị trúng Huyền Minh thần chưởng của Huyền Minh nhị lão tưởng như chết đi sống lại. Được Thái cực tôn sư Trương Tam Phong tìm mọi cách cứu chữa nhưng không thể nào giải hết được chất độc trong người.
Trương Vô Kỵ được Thường Ngộ Xuân (một nhân vật có thật đã phò tá Chu Nguyên Chương xây dựng nên triều nhà Minh) dẫn đến Hồ Điệp cốc để gặp "Thần y" Hồ Thanh Ngưu nhờ chữa hàn độc trong người. Sau đó Trương Vô Kỵ với bản tính thông minh đã lĩnh hội toàn bộ y thuật của Hồ Thanh Ngưu và trở thành một lang trung giỏi. Vốn tính hiền lành thật thà ngu ngơ do sống nhiều năm ở hoang đảo nên Trương Vô Kỵ bị cha con Chu Trường Linh lừa gạt. Họ Chu đã dùng tình cảm cha con của Trương Vô Kỵ cùng với sắc đẹp của con gái Chu Cửu Chân để dụ Vô Kỵ nói ra tung tích của Tạ Tốn. Rất may là Trương Vô Kỵ đã tình cờ phát hiện ra âm mưu thâm độc này và bỏ trốn rồi bị đuổi tới vực thẳm và rơi xuống cùng Chu Trường Linh. Vô Kỵ đã may mắn bò vào được một sơn cốc thông qua một cái hang mà Chu Trường Linh không thể qua được vì người quá to. Tại đây Trương Vô Kỵ đã vô tình luyện được Cửu Dương chân kinh lấy được trong bụng con bạch hầu và hàn độc của Huyền Minh thần chưởng cũng tiêu tan.
 
 
Trương Vô Kỵ đã gặp 4 người con gái cùng yêu anh sâu đậm. Đó là Ân Ly (Thù Nhi), Tiểu Chiêu, Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn.
- Mối tình với Ân Ly
Ân Ly hay còn gọi là Thù Nhi, là con gái của Ân Dã Vương, cháu nội của Bạch Mi Ưng Vương, em họ của Trương Vô Kỵ. Tuy là một cô gái xấu xí vì luyện Thiên Thù Vạn Độc Thủ nhưng Ân Ly rất yêu Vô Kỵ. Cô nguyện chỉ yêu một mình Vô Kỵ, nhưng là một Trương Vô Kỵ trong giấc mộng tình của riêng mình.
Ân Ly từng là một cô gái có khuôn mặt xinh xắn, nhưng cha cô Ân Dã Vương là người đa thê thiếp, mẹ cô tuy là vợ cả nhưng không sinh được con trai, lại luyện môn Thiên Thù Vạn Độc Thủ khiến cho dung nhan bị ảnh hưởng nên không được cha cô đoái hoài tới. Khi cô mới bảy, tám tuổi đã ra tay giết chết mẹ kế để đòi lại công bằng cho mẹ mình. Bị hai người anh trai truy đuổi, mẹ cô vì cứu cô mà mất mạng, Ân Ly phiêu bạt giang hồ, may được Kim Hoa bà bà cứu thoát và nhận làm đồ đệ.
Trong một lần cùng bà bà đi đến Hồ Điệp cốc, Ân Ly đã gặp Trương Vô Kỵ lúc đó đang trị thương Huyền Minh thần chưởng ở đây. Cô vì có ý tốt muốn Trương Vô Kỵ theo bà bà về đảo Linh Xà nhưng không được anh chấp thuận, hai bên xô xát, cô bị Trương Vô Kỵ cắn một vệt trên mu bàn tay chảy máu ròng ròng. Chính cái cắn ấy đã vẽ nên một ngã rẽ trong cuộc đời cô, trói buộc cô vào bóng hình Trương Vô Kỵ. Cô tương tư cái bóng hình ấy từ đấy, ngày mong đêm nhớ, không lúc nào nguôi. Cô đi khắp nơi, tìm khắp chốn, những mong sẽ được gặp lại cái bóng hình mà cô tự gọi là "gã tình lang bội bạc" ấy, chỉ để hỏi Vô Kỵ một câu, rằng anh có thích cô không!
Khi đã lớn lên, Ân Ly gặp lại Trương Vô Kỵ, thế nhưng khi hai người gặp lại, cả hai không nhận ra nhau. Trương Vô Kỵ lúc ấy lấy tên Tăng A Ngưu đã vì sự cảm thông và thương cảm mà nhận lời lấy cô làm vợ. Cô hãnh diện lắm, vì cô thấy rằng trên đời này còn có người yêu thương, bảo vệ cô, cô muốn cho cái "gã tình lang bội bạc" (Trương Vô Kỵ) kia sáng mắt ra rằng y đã sai lầm khi dám đánh cô, mắng cô, cắn cô, hắt hủi cô. Thế nhưng trong khi Tăng A Ngưu chỉ là tình cảm thương hại với cô mà trái tim lại luôn hướng về Chu Chỉ Nhược thì cô cũng chỉ một lòng một dạ với bóng hình trong quá khứ. Tăng A Ngưu chỉ là cái cớ để cô nhớ thêm về Trương Vô Kỵ.
Đến khi nghe tin Trương Vô Kỵ đã chết vì rơi xuống hẻm núi, cô đau lòng đến như muốn chết đi để cùng được bầu bạn với anh chàng. Thế nhưng cô còn phải báo đền công ơn của bà bà, nên đã hẹn đến khi bà bà trăm tuổi cô sẽ gieo mình xuống vực sâu núi tuyết bầu bạn với Vô Kỵ!
Khi Kim Hoa bà bà và Tạ Tốn trở mặt đánh nhau, cô đã nhất quyết không chịu giúp bà bà thi hành gian kế với Tạ Tốn bởi vì ông là nghĩa phụ của Trương Vô Kỵ. Cô đã phản bội bà bà, người mà cô chịu ơn cứu mạng, dưỡng dục. Cô bị trọng thương, hôn mê cùng với Trương Vô Kỵ và 3 mỹ nhân khác phiêu bạt trên con thuyền giữa biển khơi và hoang đảo.
Cô có một vết sẹo lớn trên mặt nên bị coi là xấu xí so với các cô gái khác, tính cách cũng không dịu dàng, thục nữ mà lại có phần cộc cằn, thô lỗ. Nhưng Ân Ly lại là người rất cá tính, yêu ghét rõ ràng, hết lòng với Trương Vô Kỵ. Cô cũng là người đầu tiên được Vô Kỵ thừa nhận và hứa sẽ lấy làm vợ.
Chu Chỉ Nhược biết được bí mật của Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, trong đao và kiếm có dấu một bộ bí kíp võ công cái thế. Sau khi ăn cắp được đao và kiếm, Chu Chỉ Nhược bị Ân Ly phát hiện, với lòng dạ độc ác, Chu Chỉ Nhược đã giết Ân Ly để diệt khẩu rồi đổ tội cho Triệu Mẫn. Khi nghe tin Ân Ly bị giết chết, Trương Vô Kỵ đã lập một bài vị là "Ái thê Thù Nhi Ân Ly chi mộ, Trương Vô Kỵ cẩn lập", có thể thấy rõ được sự thương tiếc của Trương Vô Kỵ đối với Ân Ly.
Thế nhưng số phận đã không nỡ cướp đi một con người có tình có nghĩa, cô đã thoát chết sau cú ra tay của Chu Chỉ Nhược, trở về Trung Nguyên, Ân Ly gặp lại Trương Vô Kỵ và biết được Trương Vô Kỵ là Tăng A Ngưu và Tăng A Ngưu chính là Trương Vô Kỵ, nhưng cô gạt bỏ đi Trương Vô Kỵ hiện tại, một người yêu thương cô, sẵn sàng lấy cô làm vợ để đi tìm cho mình tên Vô Kỵ đang tâm đã đánh, đã cắn cô thuở nào tại Hồ Điệp cốc. Bất chợt cô làm cho tất cả mọi người ngỡ ra rằng trong lòng cô chỉ mang hình bóng của một tên Trương Vô Kỵ hung dữ kia thôi, chính vết cắn của hắn đã in hằn một vết thẹo trên tay cô đồng thời cũng khắc một dấu ấn không thể phai trong trái tim bé nhỏ của cô gái Ân Ly này.
Cũng từ lần chết hụt ấy mà cô đã hiểu ra được lòng mình, hiểu được cái chân tình cảm của mình, và hiểu được sự trớ trêu của số phận. Cô đã nhận ra mình chỉ yêu thương gã Trương Vô Kỵ thiếu niên anh tuấn nhưng hung hãn ngày nào, còn anh chàng Tăng A Ngưu thì cô hoàn toàn không có tình cảm yêu thương.
 
- Mối tình với Tiểu Chiêu
Tiểu Chiêu có hai dòng máu giữa Ba Tư và Hán, là con gái Kim Hoa Bà Bà và Hàn Thiên Diệp. Cô rất dịu dàng, thương yêu Vô Kỵ thầm lặng, không ghen tuông, không giận anh bao giờ. Cô nàng khá xinh đẹp, đảm đang, tính tình có phần trẻ con dễ thương.
Trong truyện, Trương Vô Kỵ nhờ có Tiểu Chiêu dịch chữ Ba Tư trên Thánh Hỏa Lệnh nên đã học thêm được nhiều loại võ công kỳ ảo trên đó, nhờ vậy mới giúp Trương Vô Kỵ thắng được các sứ giả Minh Giáo Ba Tư.
Thánh Hỏa Lệnh Thần Công là bí kíp nội công thượng thừa được khắc trên Thánh Hỏa Lệnh - bảo vật của Minh Giáo.
Minh Giáo là giáo phái thờ thần lửa, giáo chúng Minh Giáo đời đời tôn thờ Thánh Hỏa Lệnh, ai có được Thánh Hỏa Lệnh sẽ được phong làm giáo chủ.
Thế nhưng, Trương Vô Kỵ không hay biết một phần võ công học trên Thánh Hỏa Lệnh đã khiến anh đi vào tà đạo. Do vậy có người còn gọi Minh Giáo là Ma Giáo... Cao thủ làm ra Thánh Hỏa Lệnh vốn là một sát thủ đến từ Hoắc Sơn, giết người không chớp mắt. Một ma đầu như vậy sao có thể sáng tạo được môn võ công quang minh chính đại? Do vậy, đây chính là sai lầm đầu tiên của Trương Vô Kỵ - học sai một loại võ công.
Sau này, khi Tiểu Chiêu lên làm Tổng đàn chủ Minh Giáo Ba Tư, đã phái ba vị bảo thụ vương đến Trung Nguyên, tặng cho Trương Vô Kỵ 6 tấm Thánh Hỏa Lệnh. Để bày tỏ sự cảm kích, Trương Vộ Kỵ đã đem toàn bộ tâm pháp của Càn Khôn Đại Na Di truyền lại cho ba vị bảo thụ vương này, để xem như trả lại những thứ vốn dĩ thuộc về Minh Giáo Ba Tư cho bọn họ.
Nếu như Tiểu Chiêu không quay về Ba Tư làm giáo chủ Minh Giáo Ba Tư để thay tội thất tiết cho mẹ mình, có lẽ mối tình này đã có kết thúc hoàn hảo.
 
- Mối tình với Chu Chỉ Nhược
Chu Chỉ Nhược - chưởng môn nhân xinh đẹp của phái Nga Mi có một mối tình đẹp với Trương Vô Kỵ, tuy nhiên trong mối tình đó lại đầy rẫy sự ghen tuông và hiểm độc. Trương Vô Kỵ gặp Chu Chỉ Nhược khi cô mới mười tuổi, họ có thể coi là thanh mai trúc mã của nhau. Lúc này Trương Vô Kỵ đang chịu nỗi đau mất cha mẹ, lại trúng Huyền Minh thần chưởng. Dù mới mười tuổi song Chu Chỉ Nhược luôn ân cần chăm sóc Vô Kỵ, cô từng bón cháo cho anh ở bờ sông Hán Thủy, lau nước mắt cho Vô Kỵ khi anh chàng khóc mếu, lo sợ mình sẽ chẳng còn sống được bao lâu. Sự xuất hiện của Chu Chỉ Nhược ở giai đoạn này như ánh nắng ban mai giúp Trương Vô Kỵ không còn âu lo, chán nản.
Sau đó, Thường Ngộ Xuân đưa Trương Vô Kỵ đến Hồ Điệp cốc để nhờ sư bá là Điệp cốc tiên y Hồ Thanh Ngưu chữa trị, đổi lại Trương Tam Phong mang Chu Chỉ Nhược về núi Võ Đang. Lúc chia tay bên bờ sông Hán Thủy, Chu Chỉ Nhược đã lấy khăn tay lau nước mắt cho Trương Vô Kỵ và tặng luôn chiếc khăn thêu này cho anh chàng.
Chu Chỉ Nhược theo Trương Tam Phong về núi Võ Đang nhưng phái Võ Đang không thu nhận nữ giới nên đành đưa lên núi Nga Mi và được Diệt Tuyệt sư thái đồng ý thu nhận làm đệ tử và truyền dạy võ công. Chu Chỉ Nhược hiền lành dễ bảo nên được Diệt Tuyệt sư thái yêu mến.
Diệt Tuyệt sư thái trước khi chết đã truyền chức chưởng môn cho Chu Chỉ Nhược, nói rõ bí mật trong Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm cho Chu Chỉ Nhược, bắt cô thề độc sẽ không bao giờ lấy Trương Vô Kỵ làm chồng và phải lấy được hai bảo vật này để luyện thành võ công thượng thừa nhằm tiêu diệt Minh giáo. Chu Chỉ Nhược chính là “Cô gái Đồ Long” trong bộ tiểu thuyết này của Kim Dung.
Chu Chỉ Nhược rất yêu Trương Vô Kỵ, tuy nhiên vì quá say đắm anh, Chu Chỉ Nhược ích kỷ không muốn cô gái nào thân thiết với Trương Vô Kỵ. Trên Linh Xà đảo, vì lời thề với sư phụ Diệt Tuyệt sư thái, Chu Chỉ Nhược đã lừa Vô Kỵ và Tạ Tốn để đoạt Đồ Long đao, ra tay hạ sát Ân Ly, bỏ trôi và đổ tội cho Triệu Mẫn - Quận chúa con của Nhữ Dương Vương, Trương Vô Kỵ nghi oan Triệu Mẫn và đính ước với Chu Chỉ Nhược. Tuy nhiên, Triệu Mẫn đã xuất hiện phá ngày đám cưới của cô và Trương Vô Kỵ, bắt Vô Kỵ theo mình đi cứu Tạ Tốn, Chu Chỉ Nhược đã gây thương tích cho Triệu Mẫn làm Quận chúa suýt mất mạng. Chính vì sự ích kỷ trong tình yêu và luyện sai bí kíp Cửu Âm chân kinh cấp tốc đã khiến Chu Chỉ Nhược dần trượt dài vào tà đạo. May mắn là cuối cùng đã được Vô Kỵ dùng Cửu Dương chân kinh hóa giải, Ân Ly cũng không chết, Tạ Tốn bình an vô sự, Đồ Long đao về tay Vô Kỵ khiến cho mọi ám ảnh, dày vò tội lỗi trong cô cũng đã hết. Chu Chỉ Nhược giảng hòa với Triệu Mẫn, Ân Ly và Trương Vô Kỵ.
Trương Vô Kỵ rồi dần nhận ra rằng mình yêu Triệu Mẫn nhất và đã cùng với Triệu Mẫn sống trọn đời. Tuy nhiên, dù có được trái tim Trương Vô Kỵ, hai người vẫn không được phép bái đường thành thân vì lời hứa với Chu Chỉ Nhược.
 
- Mối tình với Triệu Mẫn
Một trong những bước ngoặt của cuộc đời Trương Vô Kỵ là gặp Triệu Mẫn người Mông Cổ, Quận chúa con của Nhữ Dương Vương, có sắc đẹp nhưng cũng rất si tình, kiêu hãnh, thông minh tài trí, mưu mẹo hơn người, được cha hết mực nuông chiều, mời nhiều cao thủ võ lâm về dạy võ công cho cô, lại cho phép cô tự do đi lại trên giang hồ. Trong số các thuộc hạ của Triệu Mẫn có các nhân vật võ công rất cao cường như Huyền Minh Nhị Lão, A Nhất, A Nhị, A Tam...
Chính vì thế mà Triệu Mẫn rất độc ác, bắt nhốt các bản giáo, rồi còn suýt nữa rạch cả khuôn mặt xinh đẹp của Chu Chỉ Nhược nếu không có Trương Vô Kỵ cứu. Triệu Mẫn cũng thực hiện được nhiều ý đồ như khuất phục Lục đại môn phái đang chống phá người Mông Cổ, thống nhất Trung Nguyên và giới giang hồ…
Nhân vật Triệu Mẫn trong tiểu thuyết được Kim Dung cảm hứng và xây dựng từ một mỹ nhân có thật trong lịch sử - Đó là Quan Âm Nô (Vương thị), em gái của Khoách Khuếch Thiếp Mộc Nhi hay Khố Khố Đặc Mục Nhĩ (Tên Hán là Vương Bảo Bảo), tướng lĩnh cuối đời nhà Nguyên, trụ cột của triều đình Bắc Nguyên.
Vương Bảo Bảo không chỉ là "đệ nhất hổ tướng" của nhà Nguyên, mà còn là kỳ phùng địch thủ đáng gờm nhất của Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) - Hoàng đế khai quốc của vương triều Nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù đã từng bại trận trong cuộc chiến với Vương Bảo Bảo, nhưng Chu Nguyên Chương vẫn không hề ôm hận mà còn đánh giá rất cao vị tướng này, vì vậy rất muốn thu phục ông về dưới trướng của mình.
Mặc cho Chu Nguyên Chương đã nhiều lần dụ hàng, Vương Bảo Bảo vẫn không chịu, còn giết cả sứ giả. Theo Minh Thực Lục, Chu Nguyên Chương đã bảy lần viết thư rất thống thiết, hai lần sai người tâm phúc của Vương Bảo Bảo đã về hàng sang chiêu dụ nhưng không lay chuyển được tâm ý của vị tướng tài ba này.
Trong “Cô gái Đồ Long”, tuy là oan gia, Trương Vô Kỵ (tộc Hán) và Triệu Mẫn (tộc Mông Cổ) ở hai thế đối nghịch nhau nhưng tình yêu của họ ngày càng sâu đậm dù trải qua bao nhiêu khó khăn sóng gió. Sau khi gặp và phải lòng Trương Vô Kỵ, Triệu Mẫn từ bỏ thân phận cao quý, bị cha xua đuổi, đất nước từ chối. Ngay cả Vô Kỵ cũng không chấp nhận những điều cô làm trước đây. Tuy thế, Triệu Mẫn không hối hận mà vẫn luôn yêu hết lòng và giúp đỡ Vô Kỵ mọi lúc, mọi nơi.
 
Trong lịch sử của nhà Minh ghi chép thì Vương thị (tức Triệu Mẫn trong tiểu thuyết Kim Dung) bị ép buộc trong một cuộc "hôn nhân chính trị" với con trai của Chu Nguyên Chương lúc này đã là Hoàng đế triều đại nhà Minh có có kết cục bi thảm chứ không như Quận chúa Triệu Mẫn có cuộc sống hạnh phúc viên mãn với người mình yêu là Trương Vô Kỵ.
 
Dù được cả bốn cô gái yêu say đắm, nhưng đến cuối cùng Trương Vô Kỵ chỉ có tình yêu thật lòng với Quận chúa Triệu Mẫn, chẳng qua Trương Vô Kỵ quá nhu nhược, không phân biệt được giữa tình cảm dành cho Triệu Mẫn với Chu Chỉ Nhược, Ân Ly (Thù Nhi) và Tiểu Chiêu. Triệu Mẫn đã hy sinh rất nhiều cho Trương Vô Kỵ, luôn ở bên cạnh Trương Vô Kỵ khi anh gặp khó khăn, đau khổ. Cuối cùng, Trương Vô Kỵ không thể phủ nhận mình yêu cô gái này. Chuyện tình của họ rất lãng mạn, nhưng cũng rắc rối không ít. Cả hai quyết định rửa tay gác kiếm, rút khỏi giang hồ, truyền lại chức giáo chủ Minh Giáo cho Dương Tiêu rồi cùng Triệu Mẫn về thảo nguyên Mông Cổ chung sống. Trước hôm lên đường, Chỉ Nhược xuất hiện, yêu cầu Vô Kỵ không được bái đường thành thân với Triệu Mẫn mà chỉ được chung sống với cô ta. Trương Vô Kỵ đồng ý khi Chu Chỉ Nhược nói “Các người cứ việc làm vợ chồng, sinh con, qua tám năm mười năm, chàng trong lòng chỉ nhớ đến muội, không quên được muội, thế là đủ rồi”, rồi lại rời đi.
Trương Vô Kỵ đã gặp được 4 người con gái cùng dành tình yêu sâu đậm cho mình là Ân Ly (Thù Nhi), Tiểu Chiêu, Chu Chỉ Nhược và Triệu Mẫn. Trong 4 người này, Trương Vô Kỵ nhận thấy Triệu Mẫn khác biệt hoàn toàn với những người còn lại. Triệu Mẫn quỷ kế đa đoan khiến anh bị dắt mũi, chứ không phải dạng nhất mực phục tùng đi theo Vô Kỵ như những người còn lại. Thế nhưng chính sự khác biệt này lại khiến cho cô trở nên đặc biệt.
 
Triệu Mẫn là người xinh đẹp, thông minh và sâu sắc nhưng cũng rất si tình. Cuối cùng Trương Vô Kỵ cũng hiểu ra được Triệu Mẫn là người mình yêu thực sự và đã cùng với cô sống trọn đời và anh và hứa mỗi ngày sẽ ngồi kẻ lông mày cho Triệu Mẫn!
Tuy nhiên, dù có được trái tim Trương Vô Kỵ, hai người vẫn không được phép bái đường thành thân vì lời hứa với Chu Chỉ Nhược. Triệu Mẫn không có được "danh phận thê tử" như Ân Ly, cũng không được có "lễ thành hôn" (dù bất thành do cô ta phá đám) như Chu Chỉ Nhược.
Trong bộ “Cô gái Đồ Long” này, chúng ta có thể thấy mặc dù là một cao thủ võ lâm, có nhiều cơ hội để tranh giành thiên hạ, đạt mục tiêu của đời người là "Danh - Lợi", quyền lực... nhưng Trương Vô Kỵ thiếu tính quyết đoán như Kiều Phong, Dương Quá... bản tính hay do dự, dễ động lòng với người đẹp nên cuối cùng cam chịu cuộc sống qui ẩn bình dị bên cạnh người yêu mình là Triệu Mẫn nhưng trong lòng vẫn luôn chất chứa những hình bóng khác...
 
Bộ tiểu thuyết “Cô gái Đồ Long” cũng kết thúc khi Vô Kỵ tìm lại được mảnh ghép của Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm cùng với miếng huyền thiết trong bảo đao và bảo kiếm đem chúng rèn lại như cũ. Sau đó Vô Kỵ được quần hùng thiên hạ tôn làm Võ Lâm Chí Tôn. Các giáo đồ Minh Giáo khuyên Vô Kỵ lên ngôi vua, lãnh đạo giáo chúng đánh đuổi quân Nguyên, kiến lập triều đại mới. Theo Thánh Hỏa lệnh Tam Đại lệnh, trong đó lệnh thứ nhất là không được làm quan, làm vua, do đó Vô Kỵ từ chối và mong toàn bộ giáo đồ Minh Giáo tuân theo. Mặc dù có võ công cao cường và là một người chính trực khẳng khái, có thể truyền cảm hứng cho người khác, song Trương Vô Kỵ không hề có những tố chất cần thiết của một nhà lãnh đạo là lòng ham muốn mãnh liệt với quyền lực và tâm kế để duy trì quyền lực.  
 
Sau đó, dã tâm của Chu Nguyên Chương ngày càng lớn, hắn muốn lấy chức giáo chủ nhưng không thành do các giáo đồ chỉ phục tùng và ủng hộ Trương Vô Kỵ, tuy nhiên hắn đã âm mưu giết hại người trong giáo phái, tiêu biểu là cái chết oan của Hàn Lâm Nhi, Liêu Vĩnh Trung. Trương Vô Kỵ canh cánh trong lòng vì lo bị ám hại, bản tính hiền lành không màng danh lợi, tự thấy mình không đủ tài năng xử lý được đại sự và không trừng trị được Chu Nguyên Chương, anh đã bị Chu Nguyên Chương lừa nên từ chức giáo chủ Minh Giáo và bỏ đi cùng Triệu Mẫn, khiến quyền lực của quân khởi nghĩa chống Nguyên dần rơi vào tay Chu Nguyên Chương, làm bước đệm cho Chu Nguyên Chương giành lấy thiên hạ.
 
Trong “Cô gái Đồ Long” có thể hình dung ra số phận Minh Giáo như sau: Dương Tiêu tuổi già nên không tranh giành quyền lực lại được với Chu Nguyên Chương. Chu Nguyên Chương sau đó thống lĩnh Minh Giáo và vận dụng binh pháp trong Vũ Mục di thư đánh đuổi người Mông Cổ, lập ra nhà Minh, trở thành Hồng Vũ Hoàng đế, tức vua Minh Thái Tổ (chữ "Minh" chỉ Minh Giáo vì Minh Giáo là lực lượng nòng cốt của Thái Tổ). Minh Thái Tổ lên ngôi, liền tàn sát công thần. Thường Ngộ Xuân vốn được Hồ Thanh Ngưu tiên đoán sẽ sống không qua tuổi 40, quả nhiên sau bị bệnh mất sớm nên may mắn không bị thanh trừng, còn Từ Đạt và vô số mưu thần tướng lĩnh thì không thoát khỏi sự sát hại của Chu Nguyên Chương. Minh Giáo bị triều đình nhà Minh nghi kỵ và truy bắt, các đời giáo chủ sau Dương Tiêu lại không có năng lực nên Minh Giáo dần duy thoái, và rất có thể sau này đã đổi tên trở thành Nhật Nguyệt thần giáo (một giáo phái xuất hiện trong Tiếu ngạo giang hồ, diễn ra khoảng 100 - 200 năm sau thời Ỷ Thiên Đồ Long ký).
 
Nhà văn Kim Dung đã viết 14 bộ trường thiên tiểu thuyết võ hiệp và những ai nghiên cứu kỹ dù là tiểu thuyết hư cấu, đều dễ nhận thấy những yếu tố lịch sử, chính trị trong những tác phẩm của ông.
Theo các tư liệu báo chí mà tôi đọc được thì bộ “Cô gái Đồ Long” này đã được nhà văn Kim Dung chỉnh sửa ba lần thì ông mới vừa ý. Bản sửa lần thứ ba bộ “Cô gái Đồ Long” của Kim Dung được đánh giá là hay nhất.
Những lần sửa đổi được Kim Dung chú ý vào tên nhân vật, tính cách hay những biến cố đến với từng nhân vật cho tới kết truyện dành cho nhân vật chính.
Các chuyển thể từ bộ tiểu thuyết võ hiệp này thành phim truyền hình và điện hành hầu hết dựa vào lần chỉnh sửa thứ hai.
Ngoài những nhân vật chính mang tính hư cấu với võ công vô cùng thâm hậu, có cơ duyên học được bí kíp võ công thượng thừa để hành hiệp trượng nghĩa trên chốn võ lâm giang hồ thì bên cạnh cũng có những nhân vật lịch sử dưới ngòi bút của ông biến thành nhân vật phụ và phản diện.
Cái cốt lõi trong những tác phẩm của Kim Dung luôn mang hai yếu tố "chính - tà", "thiện - ác" , "chân - ngụy"... mà nguyên nhân ngàn đời là tranh quyền đoạt lợi, muốn thâu tóm thiên hạ, độc chiếm quyền lực...
 
Trong những truyện của Kim Dung, ông viết thường lấy bối cảnh lịch sử gần như liên tục của đất nước Trung Hoa nhưng người đọc lại rất dễ liên tưởng những gì đang gì đang diễn ra ở đất nước Trung Quốc thời hiện tại mà chốn quan trường cũng hệt như chốn võ lâm với nhiều âm mưu thủ đoạn giống như những chiêu thức biến hóa trong chốn võ lâm giang hồ!
 
Kim Dung viết bộ “Cô gái Đồ Long - Ỷ Thiên Đồ Long ký” này bắt đầu vào năm 1962 là thời kỳ thế giới căng thẳng trong cuộc Chiến tranh Lạnh (1947-1991) giữa hai khối Thế giới Tự do do Hoa Kỳ đứng đầu và Thế giới Cộng sản do Liên Xô lãnh đạo, trong đó có những cuộc Chiến tranh Nóng diễn ra ở Triều Tiên (1950-1953), Chiến tranh Đông Dương (1946-1954), Chiến tranh Pháp và Algérie (1954-1962), Khủng hoảng tên lửa Cu Ba (1962), Chiến tranh Việt Nam (1954-1975)... nên tôi chợt có suy nghĩ và cho rằng Kim Dung muốn mượn bối cảnh quốc tế thời bấy giờ, những nhân vật lịch sử để gửi gắm vào truyện của mình với một "thông điệp" mang tính xây dựng và hòa bình khi cho hai nhân vật chính là Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn "hòa hợp", "hòa giải" ... mặc dù là "dị tộc" và có những mục tiêu lý tưởng khác nhau khi muốn nắm giữ hai báu vật là Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm để "hiệu triệu thiên hạ" nhằm độc bá võ lâm...
Tuy nhiên vì tình yêu, cả hai đã phá bỏ ranh giới thù hận, dị biệt nên đã vượt qua những rào cản này, sống chung yên bình và hạnh phúc đến hết đời!
 
Đó chính là sự thành công của nhà văn Hong Kong Kim Dung, được cả thế giới đón nhận và khó lòng tìm được ngòi bút sắc sảo từ khi ông qua đời đến nay...
                                                                                      Hoài Nguyễn 
                                                                                        07/02/2024
 
* Bài viết có tham khảo từ Wikipedia và một số nguồn tư liệu khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ