Hát
Ả đào. Tranh sơn dầu của Phạm Công Thành (2005)
Như mọi người đều biết, “Ả đào” vốn là lối hát thờ, và nó từ cửa đình vào cung đình, lại từ
cung đình trở về gia đình, và trở thành một thứ nhạc thính phòng quý phái tồn tại
suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Đây là lối hát, múa có nhạc do một tốp nữ
trình bày. Nhưng từ hậu Lê sang Nguyễn, không hiểu do những nguyên nhân đột biến
sáng tạo nào, mà nó được chuyển sang hình thức độc đáo như còn tồn tại tới ngày
nay.
Hát Ả đào, tất nhiên phải có đào hát với giọng hát khỏe,
trầm và sang. Nhạc đệm cho người hát gồm có chiếc đàn đáy, chiếc trống con, gọi
là trống chầu và cả chiếc phách, cũng gọi là cỗ phách do người hát điều khiển.
Chúng ta có nhiều nhạc cụ dân tộc, nhưng chỉ có cây
đàn đáy mới thích hợp với lối hát này. Thùng đàn nom như một cái hộp gỗ hình chữ
nhật không có mặt hậu (tức là không có đáy ). Giây đàn làm bằng những sợi tơ đậu
săn. Đặc biệt chiếc cần đàn cao vút tới hơn một mét. Do cấu trúc độc đáo nên nó
mới tạo được một thứ âm sắc đùng đục đầy chất suy tư sâu lắng lại đượm vẻ trang
nhã mà không khoa trương ầm ĩ.
Trong hát Ả đào, người đàn người hát giữ vai trò chủ
thể. Nhưng người cầm trống chầu lại có hai chức năng vừa là chủ thể, vừa là
khách thể. Trống chầu chỉ tạo được hai loại âm sắc “tom”, khi chiếc roi gõ lên
mặt trống, “chát” khi chiếc roi đập vào tang trống.
Người cầm trống chầu không có khả năng của nhạc công,
càng không có khả năng lĩnh xướng như đào hát. Song nó đòi hỏi năng khiếu thẩm
thơ, thẩm nhạc, thẩm âm với trình độ bậc thầy. Cho nên tiếng trống đôi khi dẫn
dắt cho cuộc chơi, nâng tiếng đàn, giọng hát và cả tiếng phách nhấn, ém, nhả hoặc
chấm câu cho đúng chỗ, đúng lúc. Đôi khi người cầm trống chầu lại thoát ra khỏi
cuộc chơi, mà nhập vào với đám thính giả khác, để phẩm bình, khen chê thật sành
điệu. Còn gõ phách do ca công, tức người hát điều khiển. Phách thật là đơn giản,
nó được chế từ một mảnh tre, to bằng nửa chiếc bao kính và hai chiếc dùi gõ nhỏ
như hai chiếc đũa.
Nghệ sĩ dù có giọng hát hay đến mấy mà không biết dóc
phách coi như không hội nhập được với cuộc chơi. Người biết sử dụng phách giỏi
phải tạo được ba âm sắc: rục, phách, chát. Thông thường, người nghe dễ nhận thấy
nhất là hai khổ “sòng” và “siết”, có thể nói đây là hai chủ đề chính của lề lối.
Khổ “sòng” biểu hiện cái đẹp khỏe khoắn hồn nhiên nhưng dứt khoát. Khổ “siết”
thể hiện tính lãng mạn, bay bổng.
Không hiểu ai đặt tên cho cái thanh tre kia là
“phách”. “Phách” theo nghĩa của từ Hán- Việt là cái tinh hoa nhất trong toàn thể
cái tinh thần cao khiết của con người. Quả thật, nghe tiếng dóc phách của các
nghệ sĩ bậc thầy như Quách Thị Hồ, ta thấy nó như có ma lực hút hồn ta vào cõi
nhạc. Vì vậy, trong hát Ả đào, các yếu tố như đàn, hát, trống, phách, lời thơ
không thể loại bỏ được yếu tố nào, nhưng phải xem phách là linh hồn của cả canh
hát.
Mỗi bản nhạc thường có khúc dạo đầu (prélude ). Hát Ả
đào cũng vậy, trước khi giọng hát cất lên, năm khổ phách cùng trống với đàn đan
quyện vào nhau như tiếng tơ, tiếng trúc và tiếng châu nẩy trên mâm ngọc, vừa
thiết tha, vừa sang quí biết chừng nào. Và nó được tái tạo nhiều lần trong toàn
bài.
Nói đến nghệ thuật hát Ả đào mà không nói đến nghệ thuật
soạn lời thơ là một khiếm khuyết. Những bài thơ do các danh sĩ bậc thầy cuối thế
kỷ 19 đầu thế kỷ 20 còn lưu lại cho ta thấy một mẫu mực điển hình về nghệ thuật
viết lời cho nhạc. Vì vậy, nhiều người viết lời ngày nay với tinh thần bình cũ
rượu mới đầy chất dung tục, đã góp phần đắc lực cho loại hình này gia tăng tốc
độ băng hoại.
Ngay các giọng hát cũng vậy, phải rèn luyện công phu từ
nhỏ mới giữ được “hơi trong” và buông được “hơi ngoài” trong nghệ thuật ém, nhấn,
nhả mà ta nghe thấp thoáng như gần như xa, như cao như thấp, như trong như đục,
như bấc như chì… phát ra từ nơi cuống họng người nghệ sĩ.
Ngày nay nhiều ca sĩ cải lương hoặc hát nhạc mới cứ rống
lên như bò cũng nhảy vào hát Ả đào, và họ gõ phách như gõ mõ, xem như một sự nhạo
báng hoàn chỉnh nhất của lối hát thính phòng sang quí này.
Nếu ai đó được dịp dự một canh hát do lão nghệ sĩ
Quách Thị Hồ hát, lão nghệ sĩ Phó Đình Kỳ đánh đàn và lão nhạc sĩ Nguyễn Xuân
Khoát đánh trống chầu thì người đó quả là hạnh phúc, và coi như đã được nghe một
khúc nhạc tiên.
Hoàng Quốc Hải
*
Nguồn:
http://trannhuong.net/tin-tuc-40882/nghe-thuat-hat-a-dao.vhtm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ