Trang

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2024

NGƯỜI MIỀN NAM CHƯNG TRÁI CÂY NGÀY TẾT - Nguyễn Gia Việt




Người Miền Nam mà nói “chưng mâm ngũ quả” nghe kỳ cục
Một bạn hỏi rằng, “ngũ quả” là cách của Miền Bắc trăm phần trăm, vì chữ “quả”. Bạn nói nếu trúng Nam Kỳ phải kêu là “chưng trái cây”
 
1. Người Miền Nam không có “quả”, kêu “trái” hết

Ca dao Nam Kỳ thì có câu:
 
“Đưa em cho tới Đông Hồ
Em trả trái mít, em bù trái thơm”
 
Nam Kỳ kêu “trái”, Bắc Kỳ kêu “quả”. Người Miền Bắc kêu bưởi, đào, táo, cam, quýt... đều là “quả” hết. Chữ QUẢ là chữ Hán Việt, quả là trái cây
 
“Đôi ta ăn một quả cau
Cùng mặc áo vá nhuộm nâu một hàng
Bao giờ cho gạo bén sàng
Cho trăng bén gió, cho nàng bén anh”

Nhưng người Miền Nam lại không kêu quả, mà kêu là “trái”. Chữ “trái” là chữ bổn địa Miền Nam
 
“Nghe vẻ nghe ve, nghe vè trái cây
Dây ở trên mây là trái đậu rồng,
Có vợ có chồng là trái đu đủ,
Chặt ra nhiều mủ là trái mít ướt
Hình tựa gà xước, vốn thiệt trái thơm
Cái đầu chơm bơm, thiệt là bắp nấu
Hình thù xâu xấu, trái cà dái dê
Ngứa mà gãi mê là trái mắt mèo
Khoanh tay lo nghèo là trái bần ổi
Sông sâu chẳng lội là trái mãng cầu”
 
Người Bắc đọc “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” thì Nam Kỳ dạy“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”.
Sơn Nam trong “Cá tính của Miền Nam” viết về “Đào mương lên liếp” của Miệt Vườn. Miệt Vườn là văn minh Miền Nam, là nơi trồng nhiều trái cây
Cây ổi thì cho ra trái ổi và trái bưởi,... Trái cam, trái nho, trái lựu, trái bòn bon, trái dâu, trái măng cụt, trái cà chua, trái dưa leo, trái nhãn... đều là trái hết.

Hãy đọc những câu ca dao của người Nam Kỳ

“Đói lòng ăn trái ổi non
Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa xưa”
 
Và:

“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng nhồi biết tấp vào đâu?”
 
Nam Kỳ là xứ sở của vườn trái cây, của những vựa trái cây, chành trái cây...
Bài vè “Bậu lỡ thời” so sánh con gái quá lứa như trái cây chín rục:
 
“Bậu lỡ thời như trái chín cây
Trái chín cây người ta làm mứt
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông không ai thèm ngó”
 
Miền Nam có quả, nhưng là “quả phụ” tức đàn bà góa chồng còn kêu là “cô phụ”, “sương phụ”. Ngoài ra còn có “nhơn quả”, “công quả” trong nhà Phật
Trong thể thao môn túc cầu hay còn kêu là môn “đá banh”, các cầu thủ giành nhau “trái banh”


2. Chưng trái cây Miền Nam
 
Tết thấy nhiều bạn viết “trưng bông”, “trưng trái cây”
Nếu bạn là người Nam Kỳ viết “trưng bông” là sai. Người Bắc hay viết “trưng diện” và ‘trưng ngũ quả”
Nam Kỳ phải là chưng bông và chưng trái cây
Chưng trái cây xuất xứ từ chữ “chưng diện”
Hồ Biểu Chánh viết vầy: “Còn cô Hai Phục thì cô chưng diện theo cái phẩm “hoa khôi sắc đẹp”
 
- Bàn thờ Nam Kỳ mình sao ta?
 
Nhà Nam Kỳ có cái tủ thờ ở giữa, hai bên mé chái tả hữu là hai bộ ván (bộ ngựa), giữa nhà là cái bàn dài có chừng 10 cái ghế dựa, khách tới nhà thường được gia chủ mời ngủ ở hai bộ ngựa này
Người Lục Tỉnh chưng trên tủ thờ có bộ tam sự gồm hai chưn đèn, cái đỉnh trầm vuông trái đào, cái lư hương (vùa hương), bên trái là cái bình bông, bên phải là bàn thang chưng trái cây, giữa ngay cái vùa hương là ba chung nước, để cái đèn hột vịt nhỏ xíu hoặc sau này có thêm cây đèn điện màu đỏ để suốt ngày đêm
 
Người Miền Nam khác Miền Bắc là chưng trái cây trên cái chò cây cao cao, trên cái chò là dĩa lớn kêu là dĩa bàn thang hay dĩa chưng trái cây
 

Người Bắc kêu là “dĩa quả tử”, trên bàn thờ người Bắc chỉ có dĩa trái cây mà không có cái chò
 
- Nghệ thuật chưng trái cây Miền Nam

Nhà giàu, nhà quý tộc:
Trái cây Nam Kỳ mình nhiều không kể hết nên ông bà mình có nghệ thuật chưng trái cây, kêu chính xác là “Chưng nghi ở Nam Kỳ”
Nam Kỳ mình hồi xưa ở những nhà điền chủ, quý tộc không có chưng trái cây trên bàn thờ bình thường, họ xếp trái cây thành hình tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng trên cái dĩa bàn thang lớn
Đó là chưng nghi, kêu là tạo hình mâm quả
Đám cưới nhà giàu có mâm chưng nghi, họ sẽ lấy những thứ trái cây như bưởi, khóm, dừa, xoài, nhãn, ớt, đậu đũa, đậu que, cà tím, đậu bắp hòa cùng đinh lăng, nha đam, mạch môn, lưỡi cọp ... mà tạo thành hình rồng phụng
Thí dụ mâm đám cưới tên là mâm “Loan phụng hòa minh” có hình con rồng quấn quít bên con phụng thì ớt hiểm, ớt sừng trâu đỏ chót thành móng rồng, lá thiên tuế kết thành hình đuôi rồng, trái muối đỏ xỏ kẽm xen kẽ với bông vẹt làm đuôi phụng, trái đậu bún làm miệng rồng, đậu bắp làm mặt phụng, vỏ trái cám, trái cóc kèn làm vảy rồng, trái mận làm mắt rồng…
Bàn thờ chưng mâm quả lớn này cũng phải rộng, lớn mới đủ, kết hợp với hai cặp chưn đèn và cái lư hương cũng lớn.
 
Với trung lưu và bình dân:
Tết nhứt, các gia đình Miền Nam ngày xưa chứng rất nhiều loại trái cây và xếp lên trên dĩa bàn thang. Hồi xưa chưng tuỳ thích, tức là có gì chưng nấy, ba loại cũng được, chục loại cũng xong
Có nhà chưng hai thứ là bưởi và quyét. Có nhà chưng bưởi và mãng cầu. Có nhà chưng chuối sứ và trái bưởi trên bàn thờ cũng xong.
Thuật ngữ “Mâm ngũ quả” rõ ràng không phải của người Miền Nam xưa
 
3. Tại sao Miền Nam lại có “mâm ngũ quả”?

Chữ “quả” chỉ trái không phải của Miền Nam. Người Miền Nam rất tự do không gò bó trong chưng trái cây thì làm sao có “chưng mâm ngũ quả” trong năm thứ?
Trong truyện Hồ Biểu Chánh không thấy dòng nào “mâm ngũ  quả”. Và đương nhiên đọc Trương Vĩnh Ký cũng không thấy nói
Sao mờ thấy vì dân Lục Tỉnh Nam Kỳ tánh tự do chưng bao nhiêu trái là tuỳ thích, tuỳ hoàn cảnh, không bó buộc
Nhưng đọc Hồ Trường An thấy viết rằng:“chưng ngũ huê ngũ quả”
Có thể hiểu, chưng “ngũ quả” có lẽ ảnh hưởng từ người Bắc di cư vào trong Miền Nam. Nhưng từ trước 1975 không ảnh hưởng nhiều lắm trong Miền Nam vì người Miền Nam vẫn có gì chưng nấy.
Người Miền Bắc thích áp đặt này nọ, trong chưng trái cây cũng vậy. Thí dụ trái Phật thủ như bàn tay Đức Phật nhưng chưng thôi, không ăn được
Con số 5 là tượng trưng cho “ngũ hành” kim - mộc - thủy - hỏa - thổ là năm thứ tạo ra thế gian.

Mâm ngũ quả ở Bắc Kỳ phải có chuối và bưởi là không thể thiếu vì nó tượng trưng cho âm-dương. Ngoài ra còn có thứ không thể thiếu là trái sung hoặc trái mây, rồi thêm trái “quất” (tắc)
Cái chữ “mâm ngũ quả” xuất hiện rầm rộ ở Miền Nam sau 1975 sau khi “giải phóng Miền Nam”, khi mà truyền thông, tuyên truyền là do người Miền Bắc nắm hết.
Trên báo người ta đọc được những bài về “Nghệ thuật trưng ngũ quả Miền Nam”
Chưng ngũ quả của người Nam Kỳ theo truyền thông thường là: Mãng cầu Xiêm. – Sung. – Dừa. – Đu đủ. – Xoài. ngụ ý “cầu sung túc vừa đủ xài”.
                                 
                    

Kinh tế bao cấp, cuộc sống khó khăn, vượt biên, đi kinh tế mới, đánh tư sản đói rách nên làm người ta mơ về bàn thờ ngày Tết kêu là “mâm ngủ quả” kiểu “Cầu Dừa Đủ Xoài Sung” hay “Cầu Vú Dừa Đủ Sung”
Trái sung là trái vô dụng trong các loại trái cây Miền Nam vì không ăn được. Xóm làng Nam Kỳ sung chín rục đỏ đất không ai dòm. Trước 1975 không ai chưng trên bàn thờ trái sung, chưng cho ông bà quở à? Sau 1975 nghèo quá, đói quá, mơ quá nên bắt chước người Bắc lôi trái sung lên bàn thờ luôn.
Thiệt ra chưng hơn 5 loại hoặc ít hơn 5 loại trái cây cũng được.
 
4. Trái chuối trong văn hoá chưng trái cây của người Nam Kỳ

Ngày xưa, trước 1975 người Miền Nam chưng trái cây luông tuồng, tự do. Nhà có bụi chuối sứ, chuối cau cứ ra chặt đem chưng lên dĩa bàn thang
Chuối cúng ở Miền Bắc phải là chuối già lớn trái và cong vút lên. Còn Nam Kỳ thì không cúng chuối già vì nó giống cái kia. Nam Kỳ chưng chuối sứ và chuối cau thôi. Ngày thường, đám giỗ, đám cưới Nam Kỳ hồi xưa chưng chuối thoải mái.
Nhưng cũng sau 1975, sau những năm đói khát bao cấp, người Miền Nam bắt đầu“sợ phong long”
Tết người Nam Kỳ không cúng chuối vì sợ chúi nhủi, chúi lúi
Dân Miền Nam Tết chưng chuối sẽ bị phản ứng liền, nhứt là những nhà làm ăn, nhà thượng lưu, đó là quy tắc hình thành theo năm tháng. Ông bà mình từ từ loại chuối ra khỏi cái dĩa bàn thang ngày Tết và đám cưới, chuối chỉ còn trong đám ma, đám giỗ và chưng ngày thường.

Từ trước do ảnh hưởng người Tàu, Tết và đám cưới người Miền Nam cũng kiêng chưng bông trắng. Bông huệ trắng được xem là bông đám ma. Tết Nam Kỳ kiêng cử từ đó.
Xin khẳng định chữ “kiêng cử”, “kiêng kị” không phải là mê tín dị đoan, phạm trù mê tín dị đoan nó qua cái nghĩa sùng kiểu thần thánh và u mê, đôi khi lạc hậu và có hậu quả, kiêng kị thì chẳng hậu quả chi hết
 
"Có thờ có thiêng
Có kiêng có lành"
 
Ngày Tết người Nam Kỳ kiêng kị chưng bông trắng, mặc đồ đen. Nếu Tết mặc áo dài trắng mà màu trắng là màu tang tóc và màu đen cũng tốc tang, người Tàu cũng kiêng hai màu này.
Nam Kỳ chưng bông vạn thọ và bông mai, bông cúc vàng, mặc áo dài xanh, vàng, đỏ, xanh đậm và có hoa văn.
Cái đỏ lòm đáng yêu của người Nam Kỳ ngày Tết là dưa hấu, dưa hấu ngon ngọt và đỏ xẻ ra cát mịn nguyên trái, màu đỏ của quê nhà làm người ta yêu thương xứ sở.
 
Cây chưng ngày Tết, Bắc Kỳ chưng tắc vì nó là cây quất, quất Tết sướng quíu. Tàu thích chưng tắc vì nó vàng vàng tròn tròn giống vàng, rồi 稷子 tắc tử có nghĩa hạt kê là sung túc. Nhưng người Nam Kỳ lại có "Tắc tử" có nghĩa là "Thì chết" trong câu “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử” (Đau bụng uống nhân sâm thì chết)

Nhưng Nam Kỳ cũng không quan niệm hết về cây tắc
Bắc Kỳ kêu cây tắc là cây quất, Trung Kỳ kêu cây tắc là cây quật, vùng Sài Gòn xung quanh tới Mỹ Tho kêu cây tắc, xuống miệt dưới Miền Tây né kêu là cây hạnh.
Nam Kỳ kiêng chưng cam trên bàn thờ vì nó cam phận, chỉ chưng quýt chưng bưởi. Nhưng nghĩ vầy, cam là trái nuôi người bịnh, Tết nhứt thấy trái cam là nghĩ tới cái cảnh lê lết ở bịnh viện nên kiêng nó chăng?
Tết Nam Kỳ có một món nhà nào cũng có, đi chung thịt kho hột vịt, đó là nồi khổ qua nhồi cá thát lát hầm. Vì sao nó tên khổ qua thì không ai biết, nhưng làm nồi khổ qua xả xui là tâm lý dân Nam Kỳ ta ngày Tết.
Mà ngẫm cũng rất khoa học, ăn đồ Tết rất nóng táo bón - nổi ghèn muốn chết, ăn khổ qua vô cho mát, dù nó có vị đắng nhưng đâu ai nói nó đắng nghét cuộc đời đâu.
Tết Nam Kỳ không ăn vịt, có người nói vịt lẹp bẹp chậm, cũng có thể, nhưng thịt vịt có tính hàn, khó tiêu, có lẽ kiêng bị Tào Tháo rượt chăng? Mùng 3 Nam Kỳ cúng gà rồi...
 
                                                                                 Nguyễn Gia Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ