Trang

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

CHẾ ĐỘ TỔNG TRẤN TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU THỜI NGUYỄN - Huy Vũ


Ảnh: Tranh vẽ vua Minh Mạng và một quan đại thần. Ông quan mở miệng hơi to, liên tưởng tới cảnh “nhạc phụ” Lê Chất đang chất vấn “hiền tế” về vụ Lê Duy Thanh.

Sau khi tiêu diệt Tây Sơn năm 1802, một trong số những việc làm đầu tiên của vua Gia Long là tổ chức lại bộ máy hành chính cho nước Việt Nam thống nhất. Một mô hình đặc biệt được đưa ra, với Bắc Thành trông coi 11 trấn phía bắc ở phía Bắc và Gia Định thành quản lý 4 trấn phía nam (từ 1810 thêm trấn thứ 5 là Hà Tiên).
Tại sao lại có sự phân chia này và nó có ý nghĩa như thế nào đối với triều đại mới thành lập? Tôi đánh giá khá cao chính sách này của vua Gia Long và nó thể hiện Ngài là một nhà chính trị vô cùng khôn ngoan và sắc sảo.

Trong 30 năm từ 1802 đến 1832, hai chức Tổng trấn hai thành Bắc và Gia Định được lập ra như trung gian giao tiếp giữa triều đình Huế với các trấn. Bên cạnh Tổng trấn lập ra Phó tổng trấn, có khi gọi Hiệp tổng trấn, với nhiệm vụ giúp đỡ, hay cũng có thể là giám sát tùy theo hoàn cảnh.

Trong bối cảnh nước Việt Nam vừa thống nhất sau hơn 200 năm phân liệt, chủ nghĩa vùng miền, địa phương vẫn còn dư âm rất mạnh; phong tục tập quán của hai xứ Bắc Nam đã khác nhau rất nhiều, không thể ngày một ngày hai mà dung hợp nổi. Đặc biệt là Bắc Hà, nơi mà các tư tưởng hoài cổ, nhớ về họ Lê, họ Trịnh vẫn tiềm tàng trong ý thức của người dân. Đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chưa thể áp dụng ngay chế độ trung ương tập quyền một cách triệt để. Điều này được thể hiện qua lời của chính vua Gia Long khi bổ nhiệm người bạn thân Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc thành năm 1802: “Đất Bắc Hà vừa dẹp yên, dân vật đều mới, mà thành Thăng Long lại là nơi cốt yếu của Bắc Hà, cần có trọng thần trấn giữ mới được”. Thực tế thì Nguyễn Văn Thành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trong 8 năm ông ở trấn (1802 - 1810), đã thi hành các chính sách giảm thuế điền, thuế thân, gia cố đê sông Nhị Hà, tu bổ Quốc tử giám. Sử nhà Nguyễn ghi nhận: “Các việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án, đều được tiện nghi làm việc, sau mấy năm mà đất Bắc Hà được yên trị.”
 
Còn về Gia Định thành, có thể có người thắc mắc Gia Định là đất khởi nghiệp của nhà Nguyễn, tại sao không trực tiếp quản lý mà còn chia ra làm gì? Điều này phải kể đến địa thế chính trị ở khu vực, khi nước Xiêm La đang đà cường thịnh, sẽ là mối uy hiếp không nhỏ cho tham vọng xác lập bá quyền ở Cao Miên và Hà Tiên của vua Gia Long, mà Hoàng đế ở tận Huế khó lòng để mắt đến mọi thứ ở xa được. Sự phối hợp nhịp nhàng của thành thần Gia Định và triều đình đã dẫn đến các thành công về đối ngoại: Hà Tiên chính thức sáp nhập vào Gia Định thành năm 1810 (trước đó xứ này vẫn bán độc lập và triều cống song phương cho cả Việt - Xiêm). Tiếp theo, Chân Lạp nhận bảo hộ của Việt Nam vào năm 1813. Có thể nói trong những năm 181x, uy thế của Việt Nam đã lấn át ngược lại Xiêm La, đất nước mà trước khi lên ngôi Nguyễn Ánh từng phải hạ mình xưng thần, mượn quân…

Chức Tổng trấn thực tế chưa đạt được tới mức phong kiến phân quyền kiểu vua 2 vua 3 ở Xiêm La hay anh em Tây Sơn; bởi vì tuy họ có quyền hạn lớn nhưng không thể qua mắt được triều đình Huế để có những hành động vượt quá mức cho phép. Một hệ thống giám sát và kềm kẹp Tổng trấn được thiết lập với các chức Hiệp tổng trấn và 3 cơ quan gọi là Tam tào (Hộ, Binh, Hình) gồm toàn bộ nhân sự do triều đình bổ nhiệm. Điều này khiến chế độ ở hai thành có thể xếp vào dạng tản quyền, một loại hình phong kiến tập quyền nhưng có phần nới lỏng đối với địa phương.
 
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đại Doãn, việc thiết lập tổng trấn lưỡng thành còn có một ý nghĩa thứ hai, đó là tỏ ra ân cần với các khai quốc công thần. Chắc hẳn đến thời đại đó, người ta cũng không lạ gì cái nguyên lý điểu tận cung tàn - một sự thật nghiệt ngã đối với công thần qua nhiều triều đại. Vua Gia Long thì muốn chứng tỏ mình không phải là người bạc bẽo, ông ta vẫn sẵn sàng chung hưởng giang sơn với các huynh đệ ngày trước. Bởi vì lẽ đó, vị trí Tổng trấn luôn nằm trong tay những nhân vật kỳ cựu như Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Trương Tấn Bửu …
 
Về quyền tự quyết của Tổng trấn, tuy chưa tìm thấy văn bản quy định rõ ràng, nhưng thực tế các viên Tổng trấn đã không ít lần chơi trò “tiền trảm hậu tấu” với Hoàng đế. Bản thân Nguyễn Văn Thành khi ở Bắc đã đem con gái mình gả cho tông tử cựu triều là Lê Duy Hoán (chưa rõ điều này có sự cho phép của Gia Long hay không). Sau này dù Thành về Huế, nhưng sự kiện Lê Duy Hoán tạo phản năm 1817 góp phần không nhỏ vào kết cục bi đát của người làm nhạc phụ. Năm 1819, Lê Chất - Tổng trấn Bắc thành bị vua Gia Long quở phạt vì tự ý xử quan phủ Nghĩa Hưng là Thái Đình Tư tội đồ. Bản cáo trạng sau khi mất của Lê Văn Duyệt và Lê Chất về sau cũng nêu ra khoản nói hai ông này chuyên quyền, tự ý làm việc sinh sát không theo triều đình.
 
Sau khi vua Gia Long mất, thì vua Minh Mạng - một thái tử dòng thứ xuất lên nối ngôi. Lúc này chế độ Tổng trấn dần biểu hộ mặt trái của nó. Đối diện với Tân vương trẻ tuổi là hai viên Tổng trấn già dặn mà còn là bạn thân của nhau, tức Lê Văn Duyệt cùng Lê Chất. Đỉnh điểm của mâu thuẫn giữa hoàng quyền và “Tổng trấn quyền” là vụ án Lê Duy Thanh. Năm 1821, đúng dịp vua Minh Mạng ngự giá ra Bắc thành để nhận sắc phong của nhà Thanh thì phát ra cái án Nhiếp trấn Sơn Nam thượng Lê Duy Thanh ăn của đút lót, vua cho quan Bắc Thành tra bàn, Duy Thanh sợ Lê Chất giết mình nên vào gặp vua xin giao việc ấy cho nha khác tra xét, để khỏi bị quan Bắc Thành xử nặng. Lê Chất bèn hặc tâu Thanh ngạo mạn vô lễ ở trên triều đình, xin nên chém đầu, để nghiêm kỷ cương. vua Minh Mạng đã hòa giải rồi sai Lê Chất cùng Hình tào hội tra, cuối cùng kết án Thanh vào tội tử hình. Án ấy chưa dâng lên thì vua Minh Mạng xuống một đạo chỉ dụ khác, chỉ cách chức của Duy Thanh và phân phối ra Quảng Bình. Việc này khiến Lê Chất vô cùng căm phẫn. Ba năm sau, năm 1824, Lê Văn Duyệt và Lê Chất dâng sớ xin từ chức Tổng trấn. Vua bảo rằng: “Hai thành là chỗ trọng trấn ở miền Nam miền Bắc, trẫm đương nhờ cậy các khanh, sao lại nói ra lời ấy?”. Hai người quỳ khóc mãi không thôi. Vua hỏi hai ba lần. Chất nói: “Bệ hạ bảo thần chết thần không dám tránh, chứ việc Bắc thành thần không thể làm được”. Vua bảo rằng: “Phải chăng có việc gì khó lắm sao?” Chất nói: “Không phải vì việc gì khó, thần làm được hay không là ở bệ hạ thôi”. Vua ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nói thế?” Chất nói: “Trước kia cái án Lê Duy Thanh tham tang thần cùng Hình tào xét hỏi, tội Thanh đáng giết, kịp đến khi bắt giao triều đình xét, lại được giảm nhẹ, ấy là phép không đủ tin với dân, nên thần không thể làm việc thành được”
                                             [Đại Nam Thực lục tập 10, tr 333-335].
Việc hai tổng trấn liên danh từ chức cùng một lúc chứng tỏ cho sự lấn át của thế lực công thần với vị hoàng đế thuộc thế hệ sau, và khi thành thần hai xứ đồng tâm hiệp lực có thể tạo nên sức ép không nhỏ đối với hoàng quyền. Tới đây ta có thể hiểu vì sao vua Minh Mạng không thích hai ông này tới chết cũng không buông rồi.
 
Chế độ Tổng trấn kết thúc vào năm 1832 bằng cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng (bỏ trấn lập tỉnh). Dư âm sau đó chính là cuộc nổi dậy ở thành Phiên An kéo dài trong 3 năm (1833 - 1835) giữa phe triều đình và thế lực cũ của Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Hoàng quyền chuyên chế của họ Nguyễn kể từ đó mới đạt đến đỉnh cao.
 
Trong 30 năm tồn tại, chế độ Tổng trấn có điểm tích cực trong giai đoạn đầu khi người nắm quyền ở Huế còn là vua Gia Long, khi mà các vị Tổng trấn xuất sắc như Nguyễn Văn Thành hay Lê Văn Duyệt là những cánh tay nối dài của trung ương và góp phần vào việc ổn định đất nước sau nhiều năm binh lửa. Nhưng càng về lâu dài, mầm mống phân quyền càng có cơ hội xuất hiện chính là điểm hạn chế quyền hành dưới sự cai trị của vua Minh Mạng.

 *
Nguồn: Huy Vũ, Hội những người thích tìm hiểu lịch sử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ