Ký
họa chân dung nhà văn Trần Huy Quang của họa sĩ Ngô Xuân Khôi
Trần Huy Quang sớm bộc lộ năng khiếu văn chương. Năm 25 tuổi (1968), truyện ngắn đầu tay của anh được in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội như một "cú hích" quan trọng, có sức động viên rất lớn đối với người bắt đầu cầm bút. Hơn nửa thế kỷ cầm bút (có lúc sóng gió), Trần Huy Quang vẫn lặng lẽ, đam mê, dấn thân để rồi định hình một phong cách, góp mặt vào đội ngũ những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam.
Là nhà văn, nhà báo, anh đã kết hợp rất khéo, nhuần nhuyễn, hài hòa để tạo nên phong cách riêng cho thể loại phóng sự xã hội. Thể loại phóng sự điều tra của anh đầy chất văn học. Chính sự "cộng hưởng" giữa tư liệu báo chí với văn chương; phóng sự và thể ký văn học đã tạo nên sức hấp dẫn riêng.
Các bài ký “Câu chuyện về ông vua lốp, Lời khai của một bị can...” đã từng gây xôn xao dư luận bởi chính sự dũng cảm, nhập cuộc, dấn thân để phát hiện, tiếp cận vấn đề mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. “Câu chuyện về ông vua lốp” (báo Văn nghệ - 1986) đã tạo nên một cơn địa chấn xôn xao dư luận. Còn “Lời khai của bị can” là về là "sự lệch pha giữa cơ chế và cuộc sống, chính sách và thực tế, mà nó là thân phận của một người lao động, một người thợ".
Chúng
tôi xin đăng lại phóng sự “Lời khai của một bị can” về ông Vua Lốp Nguyễn Văn
Chấn (1926–2013), người đã gây dựng nên một tài sản lớn từ hai bàn tay trắng,
nhưng đã phải chịu nhiều oan trái, tù tội một cách phi lý. Cuộc đời Vua Lốp là
một trong bằng chứng “sống” cho sự bất công của nền pháp luật XHCN Việt Nam và
sự ngu dốt, nghi kỵ, hẹp hòi của những cá nhân, cơ quan phụ trách điều tra, thực
thi pháp luật ở Việt Nam.
*
Tôi bán rau cần được bảy đồng. Để cho vợ tôi ba đồng,
tôi cầm bốn đồng, vừa đủ tiền mua một cái vé xe đi Hà Nội. Biết rằng ba đồng vợ
tôi với một đứa con chỉ sống được một tuần, trong khi nhà không còn gì. Nhưng
cô ấy là người tháo vát có thể sống tạm. Còn bây giờ mọi thứ đang ở phía trước:
cơm ăn, hy vọng và tuyệt vọng. Đất kinh kỳ, tôi không quen ai, không nghề không
tiền. Biết thế mà tôi đâu có sợ.
Tôi cứ lang thang từ phố này đến phố khác, tôi không sợ
lạc, bởi vì chưa có định hướng, cứ đi, đến đâu thì đến. Thoả thích ngắm xem các
cửa hàng, cửa hiệu. Hàng cắt tóc. Hàng gò hàn. Hàng phở. Hiệu thuốc lào. Hàng
hương. Đồ điện. Cứ đi và nhìn ngắm, thèm khát. Khi thích thì đứng lại hàng tiếng.
Đến chợ Hàng Da. Có năm bảy cửa hiệu làm dép lốp. Mới hoà bình, sau kháng chiến
chống Pháp, dép lốp Bình Trị Thiên đang thịnh.
Ngày bé, tôi cũng đã mấy năm làm dép thuê ở Thanh Hoá.
Tôi ngồi lại ngắm cảnh thợ bóc lốp. Mỗi hiệu, một anh thợ hoặc hai, bóc lốp, cắt
đế, đóng quai. Chủ, khi có khách, mới ra bán, bán lẻ hoặc bán buôn. Các bà chủ
khoảng độ ba mươi, bốn mươi, đầu còn chít khăn nhiễu, áo dài gấm, sang mà lạnh
lùng. Có hiệu thật sang, quầy dép lốp bên ngoài, bên trong là xập gụ, tủ chứa,
xa lông mặt đá: dưới cái màu ong ong của đèn dài, trông thâm nghiêm và sờ sợ. Có
nhà giản dị hơn, bà chủ hiệu cũng chỉ áo cộc, búi tóc, guốc mộc.
Tôi nấn ná, rồi bắt chuyện một anh thợ. Anh thợ thật
tài hoa, dao đưa mềm mại và đẹp như múa, lớp nào ra lớp ấy, bóng nhẵn. Cắt đế,
dao đi ngọt lịm, liền mạch, gọt như gọt dưa. Tôi hỏi chuyện lung tung, nhưng mắt
dán chặt vào lưỡi dao, phải nhớ như đóng đinh vào đầu cái đường dao anh thợ
múa, để mai kia tôi có thể xin vào làm thuê cho một hiệu nào đó.
Có một người đàn ông, chắc là chủ hiệu, săm sói nhìn
tôi, đứng một lúc, đi ra khỏi nhà, rồi về. Bàn tay vỗ vào tay tôi:
- Anh vào đây.
Tôi hơi hoảng.
- Vào đây uống nước. Anh ta nói, ánh mắt khuyến khích
hơn.
Tôi muốn vào nhưng lại sờ sợ. Chủ nhà chỉ cỡ tuổi tôi.
Cái vai, cái ngực, cái tay hơi thô. Là dân quê, dân ruộng hơn là người thị
thành. Những chi tiết bề ngoài ấy làm cho tôi bớt ngại. Chủ và khách nói chuyện,
chủ yếu là ông ta hỏi mà không trả lời. Tôi thật thà nói tình cảnh của tôi lúc
này. Đã lâu mà anh ta vẫn chưa muốn chấm dứt câu chuyện. Và tôi, vì thế, cũng
chưa phải đi và cũng không muốn đi. Cái nhìn của anh ta, khi hỏi chuyện, tôi biết
đó là người có tình, có lòng thương người. Hết ấm nước anh ta đứng dậy, tôi
cũng đành phải đứng dậy, đã đến lúc phải đi. Tôi định cất tiếng chào thì cái
tay anh ta bất ngờ choàng lấy vai tôi:
- Nói thật, Anh ta nói khi thấy tôi ngơ ngác, bây giờ
thì anh không đi đâu được đâu. Tối rồi. Ở đây ăn cơm với tôi, cơm gia đình. Tôi
có cái gác xép bỏ không, anh cứ ngủ ở đấy. Mai đi xin việc rồi về đây ăn cơm, đừng
ngại.
Tôi nhìn người chủ nhà mà không hiểu. Nhưng đó là thật.
Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy tôi như người chết đuối,
mà anh ấy là người vớt lên. Tôi mãi mãi nhớ ơn anh ấy. Tôi đang ngần ngại, tuy
cùng đường nhưng cũng còn biết tự trọng. Người chủ nhà hình như hiểu tôi nên cứ
lôi tôi vào dùng cơm. Tôi ở nhà anh ấy mấy năm rồi mới mua được nhà. Đối với
tôi, anh ấy lúc đầu là chủ, sau là bạn, bạn chí cốt từ bấy đến nay, ba chục
năm. Nay anh ấy đã có cháu nội, cháu ngoại, hiện ở Sinh Từ.
Sáng hôm sau, chủ nhà giới thiệu mấy chỗ cho tôi có thể
xin được việc và cũng lại dặn tôi như hôm qua, cứ về chỗ anh mà ăn cơm, đừng ngại,
lúc khó khăn mới phải thế.
Tôi đến mấy chỗ do anh chủ nhà giới thiệu. Toàn những
cửa hàng xuyềnh xoàng. Đến đâu tôi cũng ngại ngùng, e dè.
- Ông có thuê người làm không? Tôi hỏi.
- Có. Anh có biết làm không?
- Có.
- Làm thử coi.
Chủ nhà dẫn tôi vào sân sau, chỉ cho tôi đống lốp ô tô
cũ. Tôi cầm lấy dao, lúc đầu thì hăng hái, sau lo sợ. Đã vã mồ hôi ra, nhưng cứ
loay hoay mà không bóc nổi. Tôi rất nhớ cách thức bóc của các anh thợ mà tôi đã
xem, nhưng vẫn chịu. Thì ra nhìn, nhớ mới chỉ là lý thuyết. Chủ nhà có người dễ
tính thấy thế chỉ cười, bảo tôi đi, không thuê thợ chưa biết làm. Thế là nhà đầu
tiên trượt. Nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư, cũng trượt, họ không nhận, nhưng qua bốn
nhà ấy là được bốn lần tập dượt, tôi rút được kinh nghiệm. Đến nhà thứ năm, tôi
đã làm gần được, nhưng có điều trông rất nham nhở, xấu xí. Ông chủ giao việc đã
đi đâu, còn bà chủ trông hàng, làm việc vặt, khi trông thấy đám cao su nham nhở,
kêu lên trời, bảo đi ngay đi không thì ông ấy về bắt đền đấy! Tôi tái mét mặt
vì xấu hổ và thất vọng.
Cũng trưa rồi, và đói, tôi không đi hỏi việc nữa, trở
về ăn cơm chịu nhà anh chủ nhà. Thấy cái thần sắc tôi, có lẽ anh ấy đoán hiểu
nên không đả động đến chuyện công việc. Ai ngờ con người dáng vẻ thô kệch mà
tính tình lại tế nhị ra trò, cám ơn anh. Cơm xong, tôi lại đi ngay.
Qua các nhà buổi sáng, tôi không dám nhìn vào. Qua nhà
thứ năm tôi còn thấy khổ sở hơn, vừa xấu hổ vừa sợ bắt đền. Tôi ngó lơ sang bên
kia đường và bước thật nhanh. Thế mà chỉ mới được một đoạn đã có tiếng gọi: “Anh gì ơi, này…” lại gọi nữa, đích thị
là tiếng bà chủ hồi sáng. Nhất định tôi không quay lại, như không nghe thấy.
Bây giờ thì không có gì mà đền cho bà đâu, nhưng khoan cho ít lâu, khi tôi kiếm
được việc, tôi sẽ đến và đền. Nhất định tôi không để ai phải nghĩ xấu về tôi.
- Này, anh thợ lốp, quay lại đã…
Lần này thì tôi không thể không quay lại vì chị ta đuổi
gần đến.
- Nhà tôi thuê đấy, anh quay lại đi! Chị ta nói thêm.
Vào đây.
Anh chồng thấy “tội phạm” chỉ vào đống lốp hỏng, bảo:
- Mấy cái hỏng bỏ đấy, làm cái khác. Có hỏng mới thành
nghề được, ai giỏi ngay được đâu!
Tôi cố nén lắm mới khỏi để rơi mấy giọt nước mắt biết
ơn. Một thời sao có nhiều người tốt đến thế, và vì có nhiều người tốt nên mới
làm nên một thời tốt đẹp.
Tôi lành nghề làm dép lốp ở đó. Bây giờ chúng tôi vẫn
đi lại với nhau rất thân tình, vẫn như những ngày hàn vi. Một ngày sống, mọi mối
quan hệ với nhau đều thấm đẫm tình người, đâu dễ quên được? Sau này trong một lần
vui chuyện, ông chủ nhận tôi vào làm hồi đó có nói khi anh về nghe vợ bảo “Cái anh chàng nhận là thợ mà không biết làm
gì cả”. Anh bảo: “Hay nó giả vờ để
thó cái gì rồi?” Vợ chồng cuống cuồng lên soài lại của nả. Mất cái bút “Pac ke” rồi, không còn ở túi áo vét nữa.
Vợ chồng chạy bổ ra đường đuổi theo, nhưng không bắt được kẻ trộm. Trở vào,
chính anh chợt nhớ ra cái bút bỏ trong ngăn kéo. Hối hận vì đã nghĩ xấu cho một
người vô tội mà vợ chồng anh thuê tôi làm, sòng phẳng ra thì anh không thuê thợ
như tôi.
Được sáu tháng tôi có một ít tiền, trả tiền cơm một nửa,
một nửa chịu, tôi về quê. Làng đang vụ giáp hạt, đói lắm. Tôi biếu bà con nội
ngoại không sót ai, người một đồng, người vài đồng, rồi dắt díu vợ con ra ờ nhờ
cái gác xép ấy của Hàng Da.
Năm ấy là năm 1958.
Rồi đến lúc hết thời dép lốp, người ta chạy theo “pa sô”, “tông”, nhựa, gỗ, “adidas”.
Nhựa thịnh hành nhất. Dép lốp thoái vị, nhựa lên ngôi. Hàng họ cứ ế dần và đến
lúc phải bỏ nghề. Làm gì để sống? Một hôm thằng con tôi đi học về mếu máo: “Bố ơi, bố mua cho con cái bút khác chứ cái
bút đang dùng vỡ cổ rồi, mực chảy nhòe nhoẹt cả tay”. Tôi đi khắp các cửa
hàng mậu dịch quốc doanh không nơi nào có, hoặc có thì bán phân phối. Tôi đành
phải bỏ ra sáu đồng mua cho cháu một cái “Trường
Sơn” mà giá phân phối chỉ có ba đồng. Tôi căm ghét cái ba đồng ngoài giá mậu
dịch ấy. Vì tôi yêu đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi hơn cả bản thân tôi, hơn cả
cuộc đời tôi. Tờ giấy bạc vào tay tôi thì khó tuột ra, vì tay tôi nhiều chai,
ráp, và dâm dấp mồ hôi.
Tôi cầm cái vật nhỏ nhoi mà phải mua đắt thêm ba đồng
kia, tháo tung ra. Nó là cái quái gì, chỉ có bảy bộ phận đơn giản, ba loại chất
liệu mà chẳng phải trên trời cao hay dưới đất sâu, hay bên Tàu bên Tây nhập vào
mới có, nó vương vãi đầy ngõ chợ. Mình không làm được chẳng qua là mình chưa chịu
làm. Ý nghĩ đó tự nhiên kích thích tôi, làm tôi quay cuồng, người ngợm ngứa
ngáy giống như tôi vừa nhiễm phải một chất kích thích nào đó. Ngay buổi trưa,
tôi tuyên bố cho cả nhà biết là kể từ chiều nay tôi sẽ không làm bất cứ một việc
gì khác, mẹ con chúng bay tự xoay xở lấy công việc, được đồng nào ăn đồng nấy.
Còn tao làm gì mặc tao, cấm đứa nào hỏi. Cả nhà lo lắng đến nỗi có đứa làm rơi
cả bát cơm. Nhưng thây kệ, “quyết nghị”
đã ban bố rồi, không được thay đổi.
Và chiều hôm đó tôi đã đạp xe lượn khắp xó xỉnh các
khu lao động, thấy các đồ nhựa hỏng vứt lay lắt không thiếu. Ngày ấy chưa ai
mua đến cái mà ngày nay người ta giành giựt nhau gọi là nhựa phế phẩm, nên chưa
ai đi gom nhặt. Đó là nguyên liệu, xong một khâu. Khuôn mẫu đặt thợ cơ khí là
xong ngay, không bàn gì nhiều. Các chi tiết kim loại đi gia công cũng đơn giản.
Cái khó là sản xuất thử. Pha chế nhựa rất khó. Phải qua hàng trăm công thức.
Cái thì mềm, cái thì giòn. Cuối cùng cầm trong tay cái bút hoàn chỉnh do mình
làm ra thật sung sướng như mình chết rồi được sống lại. Cả đêm không ngủ được.
Sáng cầm đơn và tá bút máy lên phòng thủ công nghiệp quận xin đăng ký sản xuất.
Sáng hôm ấy không hiểu sao, đi đứng như trên mây trên gió, hai lần suýt ô tô
cán, ba lần định đâm vào xe người khác. Phòng thủ công vắng ngắt, những cái
khoá nằm lù lù, to như cục gạch, nó cứ im ỉm, lạnh lùng trước mặt tôi đến gần
hai tiếng đồng hồ mới có người tra chìa khoá cho nó. Hoá ra bây giờ mới đến giờ
làm việc, lúc tôi ra đi có lẽ chưa đến năm giờ.
Tôi được mời vào phòng. Và nghe tôi đề đạt nguyện vọng,
ai cũng tròn mắt ngạc nhiên, có chị há hốc mồm nhìn tôi từ đầu chí chân xem có
là người bình thường hay không. Vâng, tôi rất bình thường, chỉ có điều tôi muốn
được phép sản xuất bút nghiêm chỉnh. Mười hai cái bút đem theo, tôi xin được
trình làng. Chúng cùng một lúc được bơm mực và thi nhau chạy trên mười hai tờ
giấy. Xong việc viết thử đến phần giải phẫu. Phần này hơi lâu nhưng rồi cũng
xong. Kết luận đầu tiên bằng miệng nhưng cũng đáng mừng: Bút máy kiểu “Trường Sơn” của ông Nguyễn Văn Chẩn
không “mác” đạt yêu cầu sử dụng.
Tuy nhiên, để có kết luận chính thức, thì phải qua một
thời gian sử dụng đã, ít nhất là ba tháng. Họ bảo tôi.
- Còn đăng ký sản xuất? Tôi hỏi.
- Để xem sản phẩm có dùng được không rồi mới nói đến
đăng ký. Nhưng ông là cá thể hay hợp tác xã?
- Thủ công gia đình.
- Tức là cá thể. Nói trước để ông khỏi phải chờ: chưa
có lệnh cấp đăng ký kinh doanh cho cá thể.
Thế là sự lao tâm khổ trí gần một năm trời ném xuống
sông. Thôi đành cứ chờ đợi… Cũng may, sau khi dùng thử thấy được, người ta cho
đăng ký sản xuất. Đang làm ăn được, mỗi ngày ra hai trăm chiếc không đủ bán cho
khách, thì bất ngờ các ông ở phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà, kiểm
tra đăng ký sản xuất. Tôi trình giấy tờ đủ, nhưng họ vẫn tịch thu toàn bộ công
cụ, nguyện liệu, sản phẩm, thuê xe đưa về quận Hoàn Kiếm. Tôi khiếu nại, vì sao
tôi ở quận Ba Đình mà Hoàn Kiếm lại bắt! Hoàn Kiếm thấy bí, bèn thương lượng với
quận Ba Đình, nhưng Ba Đình, nghe đâu không làm. Thế là Hoàn Kiếm lại xe các thứ
trả lại.
Sản xuất ra hàng hoá, bỏ sức lao động ra mà làm, kiếm
việc cho con cháu làm, chứ đâu phải buôn lậu, tàng trữ của trộm cắp gì đâu, mà
sao họ làm khó dễ đến như thế? Làm mà cũng khó, hình như không ai muốn cho mình
làm. Sản xuất ra của cải, bằng các phế liệu rõ ràng ra đó, thế mà cũng gần như
phạm tội.
Sau vụ phòng tài chính Hoàn Kiếm làm cái việc vô
nguyên tắc ấy rồi, tôi tưởng sẽ được làm ăn yên ổn, được thảnh thơi mà nghiên cứu
và cải tiến kỹ thuật để hàng hoá cho tốt. Ai ngờ đó chỉ là một khúc dạo đầu
thôi, một cái đường viền. Sau này tôi còn phải trải qua những bận gian lao, tù
tội gấp trăm ngàn lần như thế. Sau này tôi nghĩ lại mới thấy sợ. Những tai hoạ
cứ liên tiếp, cứ dắt đẩy nhau, trước tiền đồ cho sau, tất cả như có thiên định.
Năm ấy là năm tuổi, tôi có hạn. Đầu năm tài chính Hoàn
Kiếm khám nhà, thu mười trả hai, chả nghĩ đến đòi. Cuối năm Ba Đình lại khám
nhà, bắt người. Tịch thu mô tơ, khuôn mẫu, mấy tạ dép đứt, mấy cân phu gia và
hàng ngàn chi tiết bút. Vụ án được khởi tố. Toà án Hà nội xử 30 tháng tù vì tội
tàng trữ, đầu cơ, sản xuất trái phép, vân vân …
Tôi chống án nhưng không được xử phúc phẩm. Ngồi “Hỏa Lò” mười tám tháng, ở trại Yên Bái
mười hai tháng, thân tù tội cũng qua được ba mươi tháng. Nghĩ mà sợ. Tôi đâu phải
là người phản nước hại dân, tôi chỉ làm ra của cải cho mọi người tiêu dùng một
cách chính đáng. Ra tù, tôi vẫn ấm ức, thấy mình oan uổng. Tôi kêu oan, được
Toà án tối cao xử phúc phẩm ngày 25-5-1972, án số 22 xử Nguyễn Văn Chẩn phạm tội
đầu cơ. Phạt: cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Tôi thưa toà rằng như vậy tôi
bị tù oan, hai năm rưỡi tôi chống án, tại sao toà không xét? Ông chánh án trả lời
tôi giữa phiên toà là người ta quên. Như vậy tôi chỉ đáng cảnh cáo mà ngồi tù
ba mươi tháng!
Tôi ra tù không có nghề nghiệp gì làm. Đào ngó sen
bán, một thời. Làm thuê ở Công ty vệ sinh, mấy tháng. Nối săm xe đạp thuê ở
Công ty xe đạp. Đành quay lại với nghề dép lốp, có cải tiến tí chút nên dép bán
được. Lốp xe hơi cũ không còn dư dật và dễ kiếm như thời trước, cách đây trên
chục năm. Có những chiếc lốp mòn vẹt, lớp cao su bong ra. Không ai mua, tôi mua
về nghĩ cách dán lại. Dán thì phải có nhựa tốt, do vậy mà tôi ngẫu nhiên có một
nghề mới: sản xuất nhựa vá săm. Lúc đầu thì làm nhựa để mà dán những cái đế dép
bị bong như trên đã nói. Nhựa bình thường không ăn thua gì, đi vài tháng bong.
Tôi cứ mầy mò pha chế nhiều cách, cuối cùng được một loại nhựa “cực kỳ”. Dán đế dép còn chắc thì vá săm
xe đạp, xe máy có thể nói là vĩnh cửu. Sáng dậy, mở cửa ra đã thấy khách xếp
hàng chai lọ đầy cả vỉa hè. Nhà tôi rót nhựa vào từng chai, khách trở lại lấy,
tính tiền. Khách đông nghịt, khách ở tỉnh xa lấy từng can.
Sự thịnh vượng ấy kéo dài chỉ được hai năm. Đầu năm
1974, Công an Ba đình lại đến khám nhà bắt người. Hàng họ, nhà cửa tan tác. Tôi
bị giam ở quận công an. Một hôm có người đàn ông to béo, mặc áo va rơi vào
phòng giam bảo tôi: “Tôi ở trên Bộ Nội vụ, tôi muốn gặp anh”. Người ta cho tôi
ra và dẫn lên gác hai. Anh ta bảo: “Tôi đề
nghị anh cho tôi biết công thức nhựa vá săm của anh”. Tôi đọc cho anh ta
ghi. Tất nhiên, đó là công thức một loại nhựa bình thường, không phải là nhựa đặc
biệt. Có lẽ vì thế mà số phận tôi không thay đổi.
Tôi đệ đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát tối cao và sau
ba tháng giam thì được tha. Trong bản QUYẾT ĐỊNH THA, TẠM THA in ti pô, công an
giao cho tôi, lúc đầu họ xoá chữ tha ở giữa. Tôi hỏi vì sao tôi chỉ được tạm
tha, anh công an lại xóa tiếp chữ tạm cạnh đó, cuối cùng còn bản QUYẾT ĐỊNH
(cách một quãng) THA. Bản quyết định tha đề ngày 30-3-1974, không có số, do ông
Nguyễn Khắc Linh ký, mục Can tội để trống. Đáng lý phải ghi “Không có tội”, nhưng còn ba tháng tù. Nếu
ghi tội gì cũng không được, vì tôi không có tội. Nên bỏ trống.
Năm mươi tuổi. Hai lần ngồi tù. Ra tù lần này, tôi
không cảm thấy xấu hổ. Dạn dày rồi. Trải qua nhiều nhục nhã, bất công. Quen cả
với sự khinh bỉ, hằn học của những người có quyền. Và cũng đủ tỉnh táo để nhìn
nhận nhân tình thế thái, cũng sẵn sàng để đón nhận những bất công mới. Gần ba
năm tù mà vô tội! Oan uổng ấy qua rồi, nhưng may con người, còn sống và sống
thì còn phải làm ăn. Cái đau của nỗi oan lâu cũng qua; nhưng có những định kiến,
ác cảm với những người có của không ai cho qua, mà cứ tăng dần.
Tôi nói sẵn sàng chờ đến những bất công mới, không
ngoa đâu. Một thời chúng ta rất căm ghét những người giàu, dù họ giàu có bằng
lao động thật sự. Làm ăn phát đạt, nhưng chỉ được phát đạt đến một giới hạn nào
đó thôi, quả là sinh sự. Giàu thì phải có giới hạn, một giới hạn nghiêm ngặt,
nhưng nghèo khổ thì không có giới hạn, được phép xuống tận cùng. Ai đâu có biết
rằng dân nghèo thì làm sao nước mạnh được?
Lần bắt giam thứ hai đơn giản lắm: thằng Chẩn làm ăn
trúng thế này chắc phải có gian lận. Và tống giam nó thì không khó, nó là phần
tử có tiền án tiền sự, dù bị oan đấy, nhưng hồ sơ vẫn “đã hai lần vào tù, có tiền án, tiền sự”.
Sau hai lần tù oan, tôi định không làm gì nữa. Mở hàng
nước, “đổi” tem phiếu hoặc “chỉ trỏ” nhì nhằng. Hoặc rong chơi. Ở đời
rong chơi ăn bám là kẻ giá áo, túi cơm lại thường được coi là thanh liêm, trong
sạch. Còn làm ăn cật lực, ngày mười lăm, mười sáu tiếng lại bị phê là làm giàu,
kẻ ghen ăn ghét ở vu oan, lại trở thành người có tội. Tôi vốn keo kiệt, tham
lam, con mượn cái xe đạp cũng hẹn giờ: kỹ thuật không hở cho một ai, kể cả con
cái, bỏ đồng tiền ra khỏi hầu bao cảm thấy mệt nhọc và khổ sở lắm. Nhưng đó
không phải là yếu tố cấu thành tội phạm.
Một hôm tôi gặp lại người bạn cũ chữa xe đạp ở phố
Nguyễn Thái Học. Chúng tôi nói chuyện làm ăn, ông ta khuyên tôi nên đi chữa xe
đạp. Tôi thấy được và mua ngay cái khuôn hấp lốp chín. Đến lúc ấy mới biết mình
mua phải khuôn tiết diện bé, rất khó làm. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách lót thêm
một vòng đậm. Không ngờ được cái khuôn vạn năng. Hấp và vá lốp được, thì có lẽ
làm hẳn một chiếc lốp mới cũng được. Nhựa dán của tôi tuyệt vời. Nhựa sống ở
bãi thải của các Nhà máy cao su rất nhiều. Còn tanh và vải.
Tôi xin nói lại: Tôi làm nghề cao su từ hồi còn nhỏ, từng
mổ xẻ nhiều loại lốp ô tô, cấu tạo nó như thế nào tôi biết. Và đó là sự gợi ý
có tính chất quyết định nhất: tanh và mành bóc từ lốp ô tô. Nhưng khi làm phải
hỏng tới vài chục chiếc lốp mới tìm ra được cách bóc thành từng tấm mảnh như
bây giờ ta thấy. Chiếc đầu tiên tôi để mép gấp ra bên ngoài, vì như thế dễ làm.
Chiếc lốp ấy ra đời cũng đẹp lắm, tôi nhờ một ông xích lô lắp vào đi hộ. Bơm thật
căng. Không ngờ ông ấy đi được đến Kiêm Liên thì mành bật ra, tanh ra tanh, lốp
ra lốp, ông xích lô cầm một nhúm, ném toẹt vào nhà. Tôi không buồn, ngược lại,
rất vui nữa là đằng khác. Vì tôi biết nó hỏng cái gì! Như vậy gấp mép ra không
được mà phải gấp vào, đúng là phải gấp vào.
Làm ra chiếc lốp không khó, nhưng đạt đến độ bền như lốp
“Quyết Thắng” của tôi thời tám mươi,
tám mốt đó thì tôi phải qua năm năm tìm kiếm pha chế. Cái nhà mười mét vuông ở
phố Nguyễn Thái Học chật quá, năm bảy lăm tôi mua một mảnh đất trong làng Ngọc
Hà, năm bảy sáu xin giấy phép, năm bảy bảy làm một ngôi nhà bốn gian, lợp ngói,
tường con kiến. Ở đây pha chế tìm kiếm thật yên tĩnh.
Năm tám mốt, tám hai, tám ba, những năm lốp tôi bán rất
chạy, khách cứ đùa tôi là “vua lốp”.
Mỗi năm xuất hai ngàn đôi cho nhà nước.
Sau khi được tặng huy chương đồng tại triển lãm Giảng
Võ, báo chí động viên. Tiếng tăm, theo sau nó là tai hoạ, chữ tài liền với chữ
tai. Giữa năm tám ba, tai hoạ ập xuống. Lại khám nhà. Lại niêm phong. Tôi bị bắt
phải thao diễn kỹ thuật trong ba ngày trước hàng chục quan sát viên trong nghề.
Không đưa ra bí quyết nghề nghiệp thì lốp không được như lốp đã bán, người ta kết
tội là không phải dùng phế liệu mà dùng cao su chính phẩm, vật tư Nhà nước quản
lý, để sản xuất. Sẽ rũ tù. Muốn khỏi tội thì phải tung bí quyết nghề nghiệp ra.
Tôi chọn cách thứ hai và cũng là cách trung thực nhất. Thế là những bí quyết phải
tung ra giữa bàn dân thiên hạ, và ai đã lợi dụng dịp này để móc kỹ thuật, tôi
biết cả.
Ngày 8-7-1983, lục soát kê biên tài sản. Ngày
25-7-1983 khởi tố vụ án và bắt giam Chẩn. Ngày 27-8-1983 xử lý hành chính đặc
biệt thu nhà, tài sản, công cụ, nguyên liệu, bằng một quyết định ông Nguyễn
Đông ký sẵn. Vợ chồng con cái tôi tay không ra khỏi nhà. Tôi có tội xin được trừng
trị bằng pháp luật. Nhưng một cô dân dù có tội gì thì họ cũng có thể chịu nổi
hai hình phạt thi hành cùng một lúc được. Treo cổ thì thôi chém đầu, chứ chém đầu
thì không còn cổ để treo.
Tôi lại không mệt mỏi gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ
quan pháp luật và chính quyền. Tôi được phúc tra và xem xét lại. Viện Kiểm sát
tối cao yêu cầu Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra Nguyễn Văn Chẩn. Nhưng
cơ sở Công an Hà Nội ra quyết định miễn tố. Miễn tố là có tội nhưng miễn cho.
Ai cũng biết chỉ có Viện Kiểm sát mới có quyền ra quyết định miễn tố hay chỉ điều
tra. Nhưng Sở Công an cứ ra. Tại sao lại làm thế, chả nhẽ Sở Công an Hà Nội
không biết luật định tổ chức? Có lẽ Sở Công an mới trả lời được. Cuối cùng Viện
Kiểm sát tối cao phải ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà
Nội và ra quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận tôi vô tội và yêu cầu Hà Nội
trả lại tài sản để tôi sản xuất. Thế nhưng bên dưới vẫn “im lặng một cách đáng sợ”.
Rồi tôi nhận được thư trả lời của ông Phương Minh Nam
đề ngày 16-12-1986 nói rằng việc Hà Nội thu nhà của ông bà là đúng đắn và từ
nay không có cơ quan nào giải quyết đơn khiếu tố của ông bà nữa. Lại một cái
tên được ký tên và đóng dấu sẵn. Thế là tôi hết quyền khiếu tố, không biết như
thế có đúng luật khiếu tố không?
Năm nay tôi lên sáu mươi, tuổi Dần. Bính Dần. Bính biến
vi tù, tử vi nói vậy. Nhà tôi ngoài cái bàn thờ tổ tiên có thêm một bàn thờ nữa
để thờ Công lý và Pháp luật. Mồng một, ngày rằm tháng nào tôi cũng cúng: Lạy
Thánh, lạy Thần, xin Thánh thần phù hộ độ trì cho các ông quận, ông thành, ông
công an, tài chính khỏe mạnh, sáng láng để làm việc cho đúng pháp luật, đừng bắt
oan người dân vô tội; xin pháp luật soi sáng mọi nhà, trừng trị kẻ nhân danh
cái thiện mà làm cái ác.
Tôi tuy tính có keo kiệt, cầm đồng tiền đổ mồ hôi tay
nhưng cũng là người lao động cật lực. Nghĩ lại đời tôi nhiều gian truân quá, có
lẽ do tôi ương ngạnh. Có người khuyên tôi “chạy”,
nhưng tôi không, cương quyết không, tôi không sai, việc gì phải “chạy”. Vừa tin ở Công lý, cũng vừa tiếc
tiền, cả hai đều có trong tôi, mỗi bên một nửa. Có một bà quen biết, vừa được
Z.30 trả nhà, mắng tôi mà tôi thấy không giận được: “Phải chi bác phải hơn em, bác sản xuất, em buôn bán, bác nhà nhỏ, em
nhà to, nhưng bác là người keo kiệt (bác đừng giận); bác cậy bác phải, bác đi đằng
trước, em hơi trái em biết cái thân em phải lụy đường nào …”
Tôi đang là bị can của một vụ án, vụ Z.30. Đây là lời
khai của bị can. Hôm nay bị can mới được nói về số phận của “cái kiến”. Ai cho phép “cái kiến” quyền được nói? Tôi xin quỳ
xuống đất và xin được vái hai cái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí…
Trần Huy Quang
P/S: Nhà văn Trần Huy Quang đã nhận Giải thưởng báo
chí Hội nhà báo Việt Nam (1987) với bài ký “Lời
khai của một bị can”.
*
Nguồn:
Bài copy từ trang EE Emprunt Empreinte của anh
Phannguyen Psg. Khac Binh Nguyen. Chuyển tiếp Nguyễn Phú Hải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ