(TC) – xin phép được hỏi tên của bà?
(PN) – (cười) Tsering.
(Chamba) – Tsering có nghĩa là “sống lâu”.
(TC) – cô bé kia là con gái của bà?
(PN) – vâng (cười).
Cô bé có vẻ e thẹn, không dám nhìn chúng tôi.
(TC) – ngôi nhà này là của bà?
(PN) – vâng, của tôi... không, đúng ra là của gia đình chồng tôi.
(TC) – người đàn ông ngồi đằng kia là chồng bà?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ) vâng, anh ấy là chồng thứ ba của tôi.
Mọi người trong đoàn nhìn nhau, ngạc nhiên một cách thích thú.
(TC) – tại sao lại là “chồng thứ ba”?
(Chamba) – bởi vì bà ấy lấy cả ba anh em ruột, trong cùng một nhà.
Mọi người lại nhìn nhau.
(TC) – cả ba anh em đều là chồng của bà ấy?
(Chamba) – vâng.
(TC) – bà lập gia đình đã lâu chưa?
(PN) – (suy nghĩ)... tôi lấy ông anh cả cách đây 17 năm, lúc tôi 20 tuổi; Sau đó một năm tôi lấy người thứ nhì, em trai của anh ấy.
(TC) – còn người thứ ba?
(PN) – (quay nhìn người đàn ông trẻ ngồi đang ngồi phía bên kia sân và cười) anh ấy là em út, tôi lấy anh ấy cách đây 10 năm.
Người đàn ông mỉm cười, có vẻ lúng túng và xấu hổ; Anh ta đứng dậy và bỏ đi vào nhà.
(TC) – ông ấy nhiều tuổi hay ít tuổi hơn bà?
(PN) – anh ấy nhỏ hơn tôi 5 tuổi.
(TC) – còn hai người kia?
(PN) – ông anh cả lớn hơn tôi 3 tuổi, người em kế hơn tôi 1 tuổi.
(TC) – họ đâu cả rồi?
(PN) – cả hai đều đang làm việc ngoài đồng.
(Chamba) – những người ở vùng này phần lớn làm nghề nông và sống định canh định cư.
(TC) – khi nào họ mới về nhà?
(PN) – họ thường về nhà vào lúc chiều tối.
(TC) – tại sao ông chồng trẻ nhất của bà lại ở nhà?
Có tiếng ai đó nói đùa “tại vì anh ta được bà ấy cưng nhất cho nên không bắt phải làm lụng”, và mọi người ồ lên cười.
(PN) – hôm nay đến lượt anh ấy ở nhà. Ba anh em thay phiên nhau, mỗi người ở nhà một ngày để trông nom vợ con.
(TC) – bà có phải ra đồng để làm lụng không?
(PN) – có chứ, khi nào công việc nhiều và họ cần đến tôi thì cả bốn vợ chồng đều phải đi ra đồng làm việc. Nhưng bình thường thì tôi ở nhà vì tôi phải trông 2 đứa con còn nhỏ; Tôi cũng có rất nhiều việc nhà phải làm.
(TC) – bà có tất cả mấy đứa con?
(PN) – ba đứa. Con bé này lớn nhất, 14 tuổi (chỉ vào đứa con gái). Thằng nhỏ là em út của nó, mới 5 tuổi.
(TC) – còn một đứa nữa ở đâu?
(PN) – nó là đứa thứ hai, con trai, 8 tuổi, đi học chưa về.
[Ở Trung Quốc hiện nay, chính sách “một con” chỉ áp dụng đối với người Hán; Những dân tộc thiểu số, trong đó có người Tây Tạng, được quyền có nhiều con hơn]
(TC) – cô con gái lớn không đi học sao?
(PN) – hôm nay tôi bắt nó nghỉ học vì em nó bị bệnh, nó phải ở nhà trông em để tôi làm việc nhà.
(TC) – việc nhà của bà là gì?
(PN) – (cười) nhiều lắm; Nấu ăn, xay bột lúa mạch để làm bánh tsampa, vắt sữa trâu yack, đánh sữa làm bơ, đôi khi làm cả pho-mát.
(TC) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack?
(Chamba) – pho-mát làm bằng sữa trâu yack là một món ăn đắt tiền, thường để dành ăn với trà-bơ.
(TC) – ngon không?
(Chamba) – ngon hay không còn tùy người; Riêng tôi thì rất thích.
Người đàn bà nói gì đó với Chamba và đứa con gái; Cô gái nhỏ đi vào nhà bếp ở gần đấy.
(Chamba) – lát nữa đây bà ta muốn mời quý vị dùng thử món pho-mát Tây Tạng làm từ sữa trâu yack.
(TC) – trong ba người chồng của bà, bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười, có vẻ e thẹn)... người nào cũng tốt và cũng đều làm lụng giỏi.
(TC) – họ có bao giờ ghen với nhau không?
(PN) – không, ba anh em rất quý nhau; Đôi khi họ cũng có chuyện qua lại, xích mích giữa đàn ông ấy mà... nhưng ghen thì không.
(TC) – trong ba người, bà yêu ai nhất?
(PN) – (cười)...
(TC) – bà không muốn trả lời cũng được.
(PN) – người nào cũng thương vợ con. (Nhìn về phía căn phòng nơi người đàn ông trẻ vừa đi vào) ông chồng thứ ba của tôi rất tốt với tôi; Anh ấy thường ở nhà với tôi nhiều hơn.
(TC) – chúng tôi có thể vào thăm bên trong nhà không ạ?
(PN) – (vồn vã) vâng, được chứ, xin mời vào, mời vào...
(Chamba) – bà ấy mời quý vị ăn thử món pho-mát Tây Tạng, làm từ sữa trâu yack, và làm tại nhà.
Chúng tôi nhìn vào chiếc khay rồi lại nhìn nhau. Trong khay chất đầy vun lên những khoanh pho-mát nhỏ quăn queo màu trắng ngà, có vẻ hơi cứng như loại pho-mát gruyère của Pháp, trông rất hấp dẫn. Nhưng do tôi đã đến thăm Tây Tạng nhiều lần và đã có khá nhiều kinh nghiệm về “hương vị” của những sản phẩm làm từ sữa và thịt của loài trâu yack, nên tôi đành lắc đầu từ chối khéo, lấy cớ là bụng yếu, ăn vào sợ có chuyện. Một số người trong đoàn đưa tay nhón một miếng pho-mát để ăn thử.
(TC) – những ai ngủ trong phòng này?
(PN) – tôi và hai đứa con trai nhỏ.
(TC) – cô con gái của bà ngủ ở đâu?
(PN) – nó ngủ ở phòng bên cạnh.
(TC) – còn mấy ông chồng của bà?
(PN) – cũng vậy, họ ngủ ở phòng bên cạnh với con gái chúng tôi.
(TC) – cô bé ấy là con của ông nào?
(PN) – (cười)... tôi không biết nữa... nhưng chắc chắn nó không phải là con của người thứ ba.
(TC) – còn hai đứa con trai?
(PN) – (nói như phân trần) tôi cũng không biết... làm sao mà biết được?
Tôi quay sang Chamba: “hỏi những câu hỏi hơi tò mò vào đời tư của họ có sợ làm bà ấy phật lòng không?”, Chamba cười xuề xòa: “không sao đâu, quý vị cứ tự nhiên hỏi”.
(TC) – tôi nghĩ rằng bà ấy chắc phải biết đứa con nào là của ông chồng nào chứ?
Chamba và người đàn bà trao đổi qua lại với nhau, trong khi tôi nghe có một người trong đoàn cười khúc khích và bảo: “ăn chung ở lộn như vậy, nếu là tôi chắc tôi cũng chịu, làm thế nào mà biết đứa nào là con của ông nào!”
(Chamba) – bà ấy giải thích rằng bởi vì cả ba ông chồng đều sinh hoạt thân mật thường xuyên với bà nên khi có bầu bà không thể biết chắc người nào là cha của cái bầu ấy.
(TC) – ba đứa nhỏ xưng hô thế nào với ba ông chồng của bà?
(PN) – cả ba đứa con của tôi đều phải gọi ông thứ nhất là “cha”, bởi vì ông là anh cả trong ba anh em.
(TC) – thế hai ông em thì chúng gọi là gì?
(PN) – là “chú”, cho dù họ có là cha ruột của chúng đi nữa, bởi vì phong tục là như vậy; Nhưng thật ra chúng đều xem cả ba người là cha của chúng.
(Chamba) – và cả ba ông chồng đều xem chúng là con chung.
(Chamba) – ông ấy hỏi quý vị từ đâu đến, và ngạc nhiên là tại sao người Mỹ mà lại không phải là người da trắng.
(TC) – chắc ông ấy không biết là có cả người Mỹ gốc Tây Tạng!
Có lẽ cảm thấy không được thoải mái khi bị chúng tôi đổ dồn hết những cái nhìn hiếu kỳ vào mình, ông chồng trẻ của người đàn bà bỏ đi ra ngoài. Thằng bé con trai bà cũng chạy theo “chú” nó.
(TC) – tại sao bà lại lấy cả ba anh em? Ai quyết định điều ấy?
(PN) – anh em họ quyết định.
(TC) – bà có bị ép buộc không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) tôi cũng bằng lòng.
(Chamba) – phong tục không cưỡng bức người phụ nữ phải lấy nhiều chồng. Luật pháp của Trung Quốc cấm tình trạng đa thê hay đa phu, nhưng trên thực tế ở Tây Tạng không ai ngăn cản cả bốn người họ chung sống với nhau.
(TC) – tại sao cả ba anh em lại muốn lấy một mình bà?
(PN) – họ muốn bảo vệ điền sản và cả tài sản do cha mẹ để lại.
(Chamba) – họ không muốn phải chia nhỏ những thứ ấy ra. Giữ chung đất đai và tài sản thì dễ sinh lợi hơn.
(TC) – và cưới chung một bà vợ thì thú hơn! Tôi nói đùa, anh làm ơn đừng dịch lại. Nhưng ai làm chủ tài sản ấy?
(PN) – ông anh cả là người đứng tên đất đai và mọi thứ tài sản. Nhưng tất cả mọi thứ đều thuộc về tất cả mọi người.
(TC) – đất đai có thật sự thuộc về quý vị không?
(Chamba) – ruộng đất thừa kế từ ông bà cha mẹ thì người ta có quyền đứng tên, dù rằng trên nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu của Nhà Nước. Ở Tây Tạng người thì ít đất đai thì quá nhiều, cho nên sở hữu ruộng đất không quan trọng bằng khả năng khai thác chúng.
(TC) – tài sản của gia đình bà gồm có những gì?
(PN) – ngôi nhà này, những máy móc và vật dụng trong nhà và đàn gia súc.
(TC) – có tiền mặt không?
(PN) – (cười) có chứ.
(TC) – ai là người giữ tiền?
(PN) – ông chồng thứ nhất của tôi.
(TC) – bà có giữ tiền không?
(PN) – (cười)... cũng có... nhưng không nhiều.
(TC) – có bao giờ xẩy ra xích mích giữa ba anh em vì tài sản hay tiền bạc không?
(PN) – thỉnh thoảng cũng có xích mích, tôi không rõ là chuyện gì... nhưng nói chung ba ông chồng của tôi rất quý nhau, họ là anh em ruột thịt mà!
(TC) – bà có dành ưu tiên cho người nào được vào ngủ trong phòng của bà không?
(PN) – (đỏ mặt, cười) ai muốn vào với tôi cũng được, nhà của chung mà.
(TC) – họ có bao giờ xích mích vì dành nhau chuyện ấy không?
(PN) – không, lúc nào hai ông em cũng nhường nhịn ông anh cả.
(TC) – xin lỗi bà, có bao giờ mấy ông chồng dùng vũ lực với bà không?
(PN) – không, không bao giờ.
(TC) – bà yêu người nào nhất?
(PN) – (cười) người nào cũng đối xử tốt với tôi... ông thứ ba quý mến tôi nhiều nhất.
https://thovantranyenhoa.blogspot.com/2023/12/an-ba-tay-tang-mot-thu-vi-tran-chinh.html
CÁM ƠN TÁC GIẢ TRẦN CHÍNH!
Trả lờiXóaBÀI VIẾT THÚ VỊ!
CÁM ƠN CHỦ TRANG ĐÃ GIỚI THIỆU!