Trang

Thứ Năm, 16 tháng 11, 2023

TÔ LÂN, NHÀ THƠ “LƯỜI BIẾNG” NHẤT - Trần Văn Phúc



Nhà thơ Tô Lân cả đời chỉ viết 1 bài thơ, một bài thơ chỉ có đúng 2 câu, nhưng hậu thế phải lấy đó làm bài học thuộc lòng.
 
“Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt,
hướng dương hoa mộc dị vi xuân.”      
 
Trong lịch sử cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại, các nhà thơ là nhóm người được quan tâm nhiều nhất. Ngay cả hôm nay, cho đến ngàn vạn năm sau, đã và sẽ có những bài thơ được cất lên thành câu hát, có những ý thơ dạy cho con người hiện đại một số quy tắc ứng xử với thế giới xung quanh. Chẳng hạn như Lí Bạch, Đỗ Phủ, Lục Du và những nhà thơ khác.

Nhưng chỉ duy nhất một nhà thơ lưu truyền một bài thơ, trong bài thơ ấy chỉ có đúng hai câu, quả là điều kì lạ. Nhà thơ ấy là Tô Lân. Ông được mệnh danh là người viết thơ lười nhất trong lịch sử, chỉ có đúng một bài thơ trong cuộc đời.
 
“Gần mặt nước lâu đài được ngắm trăng,
gần mặt trời cây cỏ hoá mùa xuân.” 
   
Nhìn bề ngoài, câu thơ khi dịch nghĩa giống như văn xuôi ngắt xuống dòng, có gạch nối, tả văn tả cảnh về các hiện tượng thiên nhiên, nhưng thực ra nhà thơ đang phải đấu tranh nội tâm rất dữ dội.
 
Câu thơ quá nổi tiếng, được trích dẫn rất nhiều, trong khi mọi người hầu như chẳng biết gì về tác giả; đó là hiện tượng hi hữu trong lịch sử. Hai dòng thơ kinh điển nhiều người thuộc nằm lòng. Lâu đài ở gần mặt nước sẽ được ngắm ánh trăng đầu tiên, nhưng nếu gần mặt trời, thì hoa cỏ cũng trở nên đẹp rực rõ như đang giữa mùa xuân vậy.
 
Sinh thời, Tô Lân là một nhà thơ đời Bắc Tống, ông giữ chức quan tuần nhỏ ở quận Hàng Châu, giống như cán bộ thanh kiểm tra bây giờ. Tô Lân có tài năng văn chương. Nhưng ông lại rất kiệm lời, chẳng bao giờ phát ngôn và ông cũng không thích làm thơ, không có những câu nói sấm sét hay nổi bật.
 
Ông theo đuổi sự nghiệp chính trị.

Làm quan nhiều năm không được thăng chức, trong khi bạn bè xung quanh thi nhau dậy sóng, nhưng Tô Lân vẫn ngày đêm cần mẫn tuần tra. Điều đó không làm cho ông buồn. Quan trường không phải là điều Tô Lân ham muốn, mặc dù ông hiểu làm quan chức vụ càng cao thì càng có lợi cho dân.
 
Nhưng một ngày nọ, quan lớn Phạm Trọng Yêm đến Hàng Châu và bổ nhiệm một loạt quan chức, thì Tô Lân bỗng giật mình, ông nghĩ tại sao bản thân không thử tìm kiểm một cơ hội. Nếu được thăng chức, há chẳng phải quá tốt hay sao, ông sẽ có thêm nhiều cống hiến.
 
Phạm Trọng Yêm là một chính trị gia xuất sắc, nhà quân sự thiên tài, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà cải cách đột phá, nhà giáo dục nổi tiếng thời Bắc Tống. Nhưng sự nghiệp thơ văn của ông còn nổi tiếng hơn nhiều. Tác phẩm của ông không chỉ hay về ngôn từ và quan điểm nghệ thuật, mà còn chứa đựng những yếu tố thẩm mĩ, tư tưởng, triết lí cao cả vượt thời gian; thơ của ông đến nay vẫn được đưa vào sách giáo khoa. Ông cũng nổi tiếng là vị quan thanh liêm tài giỏi.
Cả đời làm quan Phạm Trọng Yêm không dính phải những chuyện tầm thường, cho dù ai đó có mắc sai lầm, chỉ cần sự tận tâm và cố gắng hết sức cùng với thực tài, thì ông vẫn cất nhắc.
 
Sau khi Phạm Trọng Yêm trở thành quan đầu tỉnh ở Hàng Châu, hầu hết các quan chức dân sự và quân sự đều được thăng chức, ngoại trừ Tô Lân. Lí do Tô Lân suốt ngày đi tuần. Chẳng mấy khi ông có mặt trước quan phủ, vì thế mà Phạm Trọng Yêm đã lãng quên, chứ không phải vì Tô Lân không có khả năng thăng tiến.
 
Nhìn thấy đồng nghiệp xung quanh ai cũng được lên chức, Tô Lân không tránh khỏi thất vọng, nhưng ông chẳng thể nói điều này với Phạm Trọng Yêm, bởi ông không đủ can đảm tự tiến cử bản thân, ông cũng không muốn dùng tình cảm để xin xỏ.
Cuối cùng ông tìm ra một cách: viết thơ!

Tô Lân đã cân nhắc rất kĩ, ông nghĩ rằng phải viết một bài thơ thật xuất sắc, vượt lên tất cả những bài thơ khác, gửi gắm tâm tư suy nghĩ vào trong đó, để Phạm Trọng Yêm hiểu ông đang nghĩ gì.
 
“Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt,
hướng dương hoa mộc dị vi xuân.”
 
Nghĩa là:
 
Cúi xuống gần mặt nước, toà lâu đài lộng lẫy sẽ được ngắm vẻ đẹp của ánh trăng đầu tiên. Hướng về vầng thái dương, hoa cỏ đơn sơ cũng trở nên tươi tốt, giống như mùa xuân vậy.
 
“Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt, hướng dương hoa mộc tảo phùng xuân”

2 câu sau của bức thư pháp trên là:
             
有意栽花花不發,       Hữu ý tài hoa hoa bất phát,               
無心插柳柳成陰.       Vô tâm tháp liễu liễu thành âm.
 
Có nghĩa:
                
Có ý trồng hoa, hoa chẳng phát,                
Không lòng cắm liễu, liễu xanh om!

Có thể nói, đây là tờ đơn xin thăng quan tiến chức ngắn nhất, độc đáo nhất, hay nhất và cũng hiệu quả nhất trong lịch sử nhân loại. Rất nhiều ẩn ý trong bài thơ này. Tô Lân muốn nói rằng, bao năm ông làm việc siêng năng và gần với người dân nên cảm thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó giống như toà lâu đài suốt ngày cúi xuống mặt nước thì cũng chỉ được ngắm ánh trăng ảo; trong khi cỏ cây tầm thường thôi nhưng chỉ cần được gần mặt trời thì lại được hưởng mùa xuân tươi tốt.
 
Phạm Trọng Yêm đã giật mình trước “lá đơn” ấy.
Ngay lập tức ông để ý đến Tô Lân, cảm thấy ngưỡng mộ nhân cách và trí tuệ của Tô Lân, cuối cùng ông hối hận khi đã cư xử lãng quên một tài năng như thế. Mong ước của Tô Lân được mãn nguyện. Phạm Trọng Yêm đã tiến cử Tô Lân với triều đình, vua Tống Nhân Tông đã sắp xếp để Tô Lân có một chức quan phù hợp với tài năng và đức độ; nhưng cũng thật kì lạ, cả ba lần được thăng chức thì Tô Lân đều từ chối, ông quay về Hàng Châu cần mẫn với chức quan tuần và được tất cả người dân yêu mến.
 
“Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt, hướng dương hoa mộc dị vi xuân.”

Bài thơ cũng thức tỉnh Phạm Trọng Yêm. Ông đã thốt lên một câu nói bất hủ: “Ninh minh nhi tử, bất mặc nhi sinh” – đó là tiền thân của câu nói “chết vinh còn hơn sống nhục”. Cuộc sống nếu chưa hài lòng, thà rằng từ bỏ, còn hơn là cứ giữ mãi sự im lặng và chịu đựng.

Có thể bài thơ còn hai câu nữa:
 
“Cổ văn thử ngữ do xưng tụng,
Kim kiến Giang Tây đệ nhất nhân.”
       
Nghĩa là:
 
Từ cổ xưa đã nghe nói tới điều này rồi,
Nhưng nay mới thấy ở Giang Tây xuất hiện người thực việc thực.
 
Hai câu này nhiều người cho rằng Tô Lân là bậc thầy tâng bốc. Nhưng đa số lại cho rằng, Tô Lân trách móc Phạm Trọng Yêm và khẳng định bản thân, rằng người khác đã được thăng chức hết rồi, trong khi Giang Tây chỉ có mình Tô Lân tài giỏi được xưng tụng như vậy mà lại bỏ quên.
 
Suy cho cùng, một người cơ hội sẽ không thể thành đạt trong sự nghiệp, mà phải thực sự có tài năng đủ nhận được sự đánh giá và công nhận của người đi trước. Tô Lân là người điển hình như vậy. Mặc dù ông chỉ giữ chức quan tuần bé nhỏ và không có tác phẩm nào khác để lại, nên chẳng được sử sách lưu tâm, nhưng với tài năng vượt trội của mình, ông dễ dàng viết được một “lá đơn” xin thăng chức mà ngàn năm sau vẫn phải truyền tụng, nhiều người thuộc nằm lòng.
 
Chỉ tiếc là Tô Lân quá lười làm thơ!
 
Cả sự nghiệp chỉ đúng hai câu thơ còn ghi chép lại, hai câu sau là dị bản, không tương xứng với hai câu đầu, nên có thể do hậu thế đã viết thêm. Nhưng chỉ bằng hai câu thơ nổi tiếng, Tô Lân được ngàn đời sau ghi nhận và ca ngợi là nhà thơ tài ba mà lười nhất.
 
Cũng chẳng sao, bởi như Hoàng đế Càn Long, nhà thơ nổi tiếng đời nhà Thanh, ông hì hụi viết đến 42 ngàn bài thơ rất dài trong suốt cuộc đời của mình, nhưng chưa bao giờ tạo dựng được tên tuổi như Tô Lân.
       
                                                                         Bác sĩ Trần Văn Phúc
*
Nguồn:
https://nguoinoitieng.vn/tieu-su/nha-tho-to-lan-nha-tho-luoi-bieng-nhat.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ