Trang

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

NGƯỜI TÌNH (L'AMANT) SA ĐÉC… - Nguyễn Gia Việt


Cảnh trong phim người tình

Năm 1992 khi chiếu bộ phim “Người tình” (L'Amant) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud ở Việt Nam thiệt tình làm nhiều người Miền Nam choáng váng vì tình cảm sau những năm bao cấp vùi dập đã bị đánh thức.
Phim có hai nhân vật chánh, một cô gái trẻ người Pháp mặc cái áo đầm cũ và một “Người đàn ông Hoa kiều”.
Người đàn ông gốc Hoa đó đang từ Sa Đéc về Sài Gòn để thâu tiền nhà cho mướn, đang chung chuyến bắc Mỹ Thuận với cô gái và tiếng sét ái tình đã nổ ra.
Phim có nhân vật nam chánh là người Hoa ở Sa Đéc, vai do một diễn viên Hồng Kông đóng luôn và lấy nước mắt người Miền Nam suốt mấy chục năm ròng

Phim công chiếu ở Việt Nam bị cắt hết những cảnh làm tình rất đẹp của hai người. Chỉ sau này có dĩa, có mạng người Miền Nam mới coi được hết trọn bộ để lòng mình ngơ ngẫn cùng tình thương dạt dào cho trọn vẹn.
Và chỉ sau này, khi tra ra lịch sử, người ta mới rõ người tình “Hoa kiều” đó là ông Huỳnh Thủy Lê (1894 – 1990), con trai út điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận ở Sa Đéc.

Cảnh trong phim người tình

Khi nữ sĩ Marguerite Duras (1914 - 1996) viết “L'Amant” (Người tình) kể về mối tình sâu nặng trong đời bà ở Nam Kỳ hồi 1929 với một chàng trai người Sa Đéc gốc Hoa trước tiên là bà yêu ông nhiều lắm, sau nữa là bà có một tình yêu Nam Kỳ sâu đậm lắm.
Cuốn L’Amant (Người tình) in năm 1984 thì bà làm một cuốn nữa năm 1991 khi ông vừa qua đời là cuốn “L’Amant de la Chine du Nord” (Người tình Hoa Bắc) mà những lời đầu sách bà trân trọng ghi:
“Tôi được biết chàng đã qua đời. Ðó là vào tháng 5-1990, cách đây một năm. Tôi chưa bao giờ từng nghĩ đến sự ra đi của chàng. Người ta còn nói với tôi rằng chàng được an táng tại Sa Ðéc, rằng ngôi nhà màu xanh vẫn còn ở chỗ đó, nơi gia đình và con cái chàng cư ngụ. Chàng được người ta yêu mến ở Sa Ðéc vì lòng tốt, tánh giản dị và cũng bởi chàng rất mộ đạo vào lúc cuối đời”.

Ai cũng cảm nhận được bà nữ văn sĩ da trắng người Pháp bình dân này đã sanh ra ở Nam Kỳ, bà lớn lên với miếng đất, miếng gió, miếng nước và con người của xứ sở này.

Cảnh trong phim người tình

Chuyện bắt đầu năm 1929 trên chuyến bắc Mỹ Thuận qua sông Cửu Long mù mịt khói của dầu hôi. Cô gái trẻ người Pháp bình dân nhà nghèo với bộ đồ đã cũ phải đi xe đò từ Sa Đéc về Sài Gòn đang tựa người vào lan can nhìn sông nước, mây trời bâng quơ, xe đò năm đó chở cả người lẫn gà vịt và hàng bông, trái cây, tiếng người Miền Nam nói chuyện râm ran, í ới.

Bà kể:
“Thế đó, tôi mười lăm tuổi rưỡi. Trên chuyến bắc qua sông Cửu Long. Cái hình ảnh kéo dài suốt chuyến qua sông. Lúc đó chiếc bắc đang đi trên một nhánh của dòng Mekong, giữa Vĩnh Long và Sa Đéc, phía nam vùng châu thổ Nam Kỳ, vùng đất rộng lớn của bùn, lúa gạo và những loài chim.
Tôi xuống xe, đi về phía thành bắc và đứng ngắm dòng sông. Mẹ tôi luôn nói rằng tôi sẽ không bao giờ nhìn thấy một con sông nào đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như nơi đây. Sông Mê Kông và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự soi mòn của đại dương.
Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong khung cảnh của đất trời chùn thấp xuống”.

Cảnh trong phim người tình

Người ta phải có lòng với mảnh đất nào đó thì người ta mới nhớ, mới hoài niệm nó dai dẳng.
 
Này dòng sông phơi nắng
Kìa đồng ruộng lúa chín vàng
Và ngàn đời nhớ Việt Nam”
 
Ngay lúc đó chỉ nhìn nhau, từ tò mò tới chan hòa, chân thành và ấm áp, chia sẻ, mơn trớn nhau, một tiếng sét ái tình đã nổ ra giữa bà, một cô bé mười lăm tuổi rưỡi và một công tử Nam Kỳ gốc Hoa 32 tuổi nhà giàu nhứt nhì Sa Đéc trên chuyến bắc qua sông Mỹ Thuận.
Yêu đất, yêu sông và giờ là yêu người.
Thiệt là đẹp làm sao!

Cảnh trong phim người tình

Ta có thể gọi đó là run rủi duyên nợ theo kiểu Á Đông. Tất cả những cuộc gặp gỡ trong đời đều là nhân duyên, duyên mang người ta đến bên nhau, nợ khiến người ta vì nhau mà quyến luyến và da diết đời đời.
Duyên nợ là thứ có thể mang hai con người hoàn toàn xa lạ, tưởng như không có một chút tương đồng nào đến với nhau.
 
Trong phim tả cảnh chàng trai người Hoa nhìn cô gái Pháp, anh đã 32 tuổi rồi, anh hỏi chuyện cô, anh trò chuyện với cô, họ nhìn nhau mỉm cười rồi anh chạm tay anh vào tay nàng, anh cua nàng, họ thương nhau, hẹn nhau và gặp nhau ở Chợ Lớn.
Nhưng yêu nhau là vậy, thương nhau là vậy, nước mắt có thể trào ra khi nghĩ tới nhau, cả lòng dạ này có thể tràn trề tình yêu vì nhau, nhưng rốt cuộc lại không thể cùng nhau đi tiếp, không thể ở bên nhau đời đời kiếp kiếp ta gọi là chưa đủ duyên.
Rốt cuộc nàng phải về Pháp, chàng phải cưới vợ theo lịnh mẹ cha kiểu môn đăng hộ đối.
Khi chiếc tàu chở người tình Pháp rời xa Miền Nam thì chàng trở về Sa Ðéc cưới vợ, cô dâu là một người Gò Công cũng Việt gốc Hoa. Ngày rước dâu từ Gò Công về Sa Đéc cả đoàn cũng lót ngót lên bắc Mỹ Thuận qua sông làm lòng chàng nhớ người tình Pháp thêm se thắt.

                                        Cảnh trong phim người tình

Ít ai biết rằng ông Huỳnh Thủy Lê lấy bà vợ Gò Công Nguyễn Thị Mỹ sanh ra năm người con, cô con gái Huỳnh Thị Thủy Anh của ông là dâu của TT Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương.
 
Suốt đời chưa bao giờ bà Marguerite Duras nói tên người đàn ông đó là ai, bà chỉ giữ hình ảnh ông trong lòng tới khi bà có chồng có con, tới khi bà nghe tin ông vừa mất.
Nhiều năm sau khi đã có vợ con đùm đề ông Huỳnh Thủy Lê sang Pháp và ông đã gọi điện cho bà.

Bà Marguerite Duras kể lại:
“Nhiều năm sau chiến tranh, sau những cuộc hôn nhân, những đứa con, những cuộc ly dị, những sách vở, chàng đến Paris với vợ chàng.
Chàng gọi điện thoại cho nàng. Anh đây. Nàng nhận ra chàng ngay lập tức qua giọng nói.
Chàng nói, Anh chỉ muốn nghe giọng nói của em. Nàng nói, Chào anh, em đây. Chàng bị khích động, sợ hãi, như trước kia. Giọng nói chàng chợt run rẩy. Và cùng với sự run rẩy, đột ngột, nàng nghe trở lại tiếng nói của Trung Hoa.
Chàng đã biết là nàng đã bắt đầu viết sách, chàng nghe chuyện đó qua mẹ nàng khi chàng gặp lại bà ở Sài Sòn. Nghe tin về người anh kế của nàng, và chàng đau buồn cho nàng. Và chàng không biết phải nói gì nữa.
Rồi chàng nói với nàng. Nói với nàng rằng cũng giống như trước kia, chàng vẫn yêu thương nàng, chàng không thể ngừng yêu thương nàng cho được, không bao giờ chàng có thể ngừng yêu thương nàng, chàng yêu thương nàng cho đến chết”.
 
Adieu tristesse - Bonjour tristesse
Tu es inscrite dans les lignes du plafond
Tu es inscrite dans les yeux que j’aime
Tu n’es pas tout à fait la misère
 
(Buồn ơi, xin vẫy tay chào
Buồn hằn lên những vết đau trên trần
Buồn in trong mắt tình nhân
Buồn thôi chưa hẳn là lần khổ đau)
 
Trong đời con người ta có vài người tình làm nhớ mãi, nhớ hoài, ray rứt, da diết và thổn thức khi nhớ tới.
Người tình không phải là bạn tình, chẳng phải người yêu, song cái sự hiểu nhau, đồng cảm và thương nhau thiệt đậm sâu, để lại đời nhau những khoảnh khắc đẹp như giấc mơ.
Tình yêu bất tử.
Phải nói nhờ bộ phim “Người tình” đã làm người ta yêu sông nước Cửu Long hơn, nhớ về xứ Sa Đéc và một mối tình huyền thoại nhiều hơn.
Đoàn phim dựng đại cảnh, từ dựng chiếc bắc cổ Mỹ Thuận khói mù mịt, dựng lại một khu chợ lộn xộn kiểu Nam Kỳ xưa ở Chợ Lớn, một khu nhà kiểu Tàu Chợ Lớn, cảnh chàng mời nàng đi ăn nhà hàng và nàng cầm đũa bằng tay trái, những người dân Việt Hoa đang cộng cư chung sống trong xã hội Miền Nam, tất cả đẹp như mơ.

Cảnh trong phim người tình

Trong phim có nhiều cảnh làm tình dán nhãn 18+ nhưng hay, chân thực và nhiều cảm xúc. Đó là cảm xúc của tình yêu, của tiếng sét ái tình và sự đồng điệu khi cùng chung một phía.
Chàng trai Hoa kiều do diễn viên Lương Gia Huy đóng không có một miếng nào thể hiện người Việt, có thể nói Tàu rặt, Tàu 100% nhưng người Miền Nam xem vẫn khen, vẫn đau đớn cùng chàng, vẫn trong vẫn ngóng, vẫn mong mối tình của chàng và nàng bớt đi nhọc nhằn tiền kiếp.
Vì chàng thuộc tộc nào, gốc nào thì cũng dân Lục Tỉnh thôi.
Chẳng ai xét chủng tộc hay dân tộc trước một mối tình đẹp, khi mà mối tình đó đang đơm hoa kết trái trên đất Miền Nam đẹp như mơ.
Hoa hay Việt, Việt hay Pháp, tình yêu nó tới là mê mệt rồi, chẳng ai xét chủng tộc làm gì, cái hay của đất Nam Kỳ này là vậy! Nhờ sự cộng cư và chung sức mà Lục Tỉnh được hình thành và vững chãi qua tháng năm.
Chúng ta không có cái gì ràng buộc, không có một lời hứa, chẳng có gì làm tin, chúng ta chỉ có những xúc cảm của một con người.
Tình yêu như ẩm thực vậy đó, phải ăn hết món, nếm từng muỗng mới biết độ mặn, ngọt, chua, chát, cay, đắng của nó.
Nhưng con người sống có lý trí, cái gì cũng vừa vừa ở mức cân bằng thôi.
Người ta hay nói rằng, bắt đầu từ câu “Tôi sanh ra ở”“Tôi lớn lên tại...”
Suy cho cùng ai cũng yêu quê nhà mình bằng cách này hay cách khác, đó không phải là điều cần tranh nhau.
Chàng Hoa kiều đó là người Sa Đéc, đất Sa Đéc sanh ra và nuôi sống chàng.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Nữ sĩ Marguerite Duras cũng có một quê hương trong tâm hồn bà, nơi đó có một mối tình không thành của đời bà, nơi đó có một người đàn ông mà bà từng yêu, từng nằm dựa đầu vào cánh tay của người đó để nói những lời thủ thỉ mơn trớn vuốt ve yêu thương bất tận.
Đâu đó những Sa Đéc, Mỹ Thuận, Chợ Lớn, Sài Gòn và rộng hơn hết là cả một miền châu thổ sông nước Lục Tỉnh dạt dào tình thương giữa những con người luôn biết thương nhau.
Tình người, hơi đất, và đất Nam Kỳ đã sanh ra người Nam Kỳ như vậy đó!
“Người tình” là một bài học lớn nhứt về tình thương Nam Kỳ Lục Tỉnh được viết ra từ một nữ sĩ người Pháp
Quê hương là gì?
Quê hương là nơi có những người yêu thương của ta đang sống, có một người đàn bà chờ cửa ta hàng đêm, chờ đơi ta bên mâm cơm chiều.
Quê hương là nơi có một mối tình sâu đậm của đời ta.
 
                                                                                 Nguyễn Gia Việt
*
Nguồn:
https://zaitri.com/phim-kinh-dien-mien-tay-xua-nguoi-tinh-sa-dec-4028.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ