Trang

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

CÔNG TRẠNG TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT: TA ĐÃ LÃNG QUÊN ? - Dũng Phan


Lê Văn Duyệt 黎文悅

Sáng 16-9-2020, lễ giỗ lần thứ 188 của đức Tả quân Lê Văn Duyệt được tổ chức trang trọng tại di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (Q. Bình Thạnh, TPHCM). Dịp này, đoạn đường Đinh Tiên Hoàng cạnh lăng cũng được đổi lại mang tên Lê Văn Duyệt.
Vậy Lê Văn Duyệt là ai?
*
Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về người giỏi nhất dưới trướng của vua Gia Long: tả quân Lê Văn Duyệt. Về cái cách ông đã xây dựng một vùng đất, cho người dân sống trong hạnh phúc, an lành. Lịch sử thời bình, cần những bài học về những con người như thế này.
Ông đã bị lãng quên, sự lãng quên của sử sách dành cho ông khiến những người có tâm với lịch sử phải đau lòng. Lê Văn Duyệt, hãy nhớ tên vị tả quân này. Bởi 3 thế kỷ trước, vào buổi đầu sơ khai của lịch sử vùng đất Nam Kỳ. Ngài đã một tay gây dựng cơ đồ, tạo nên nền tảng giàu mạnh cho vùng đất phía Nam đất nước ngày nay, với Gia Định – SaiGon là trung tâm.

***
Ta sẽ bắt đầu bằng một câu chuyện:
Năm 1807, Lê Văn Duyệt nhận lệnh vua đi dẹp loạn Mọi Vách Đá. Thay vì thẳng tay đàn áp quân khởi nghĩa, tả quân Lê Văn Duyệt ra lệnh chém đầu chưởng cơ Lê Quốc Huy, tên đại thần tham nhũng, tàn ác, nguyên nhân chính khiến người dân bất mãn với triều đình và hình thành nên cuộc khởi nghĩa.
Tôi tin rằng khi kể câu chuyện này, rất ít người được nghe. Lê Văn Duyệt đã làm một việc mà trước giờ không ai làm. Hành động xuất phát từ lòng thương dân và sự căm ghét những kẻ tham nhũng, tàn hại dân. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra, triều đình đưa quân đến dẹp. Nhưng chưa bao giờ nghĩ ngược lại: nếu dân không bị đàn áp, bị bóc lột, thì dân khởi nghĩa làm cái gì? Hành động của Lê Văn Duyệt lập tức có đáp án: chỉ một năm sau khi chém Lê Quốc Huy, Mọi Vách Đá tự động tan rã.
Năm 1819, khi đi thị sát hai tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An. Hai vùng đất nổi tiếng nhiều nhân tài nhưng cũng lắm kiêu binh. Lê Văn Duyệt thẳng tay trừng trị những kẻ tham quan ô lại ở trong vùng, vỗ yên dân chúng. Mọi ý đồ nổi loạn chấm dứt.

Kẻ thù không bao giờ là dân. Kẻ thù là những con sâu đục khoét bên trong.
Vào cái giai đoạn mà nhà Nguyễn có một sự đề phòng nhất định cho Cơ Đốc Giáo cũng như “bế quan tỏa cảng” thì ở Gia Định – Chợ Lớn điều này không hề xảy ra. Lê Văn Duyệt đã tạo nên một vùng đất trong mơ với bàn tay giang rộng đón mời tất cả, không phân biệt nghèo hèn, tôn giáo, sắc tộc. Khi 2 giáo mục bị Minh Mạng bắt giữ, chính Lê Văn Duyệt đến tận nơi xin thả người. Chợ Lớn chính nhờ nền tảng của ông mà phát triển đến tận ngày nay. Các dân tộc Hoa, Việt, Ấn, Miến Điện, Chiêm Thành, Vạn Tượng ... đều đoàn kết và yêu thương nhau. Nếu nhà Nguyễn “bế quan tỏa cảng” thì Gia Định lại mở rộng cửa cho thuyền vào, Lê Văn Duyệt đã nói “Cái nhà đóng cửa cài then thì sao gió vào được. Gió không vào được thì sao người khỏe được.”

Ông khuyến nông, trọng thương biến vùng đất trở nên giàu có vô cùng, và được cai quản bằng sự thượng tôn pháp luật.
Con kênh Vĩnh Tế được xây dựng, nói theo ngôn ngữ hiện đại của dân xây dựng: nếu Thoại Ngọc Hầu là chỉ huy trưởng, thì Lê Văn Duyệt là trưởng ban quản lý dự án của công trình. Bằng một cái tầm của một bậc vĩ nhân đã xây nên con kênh quan trọng nhất thời phong kiến Việt Nam không chỉ trên lĩnh vực quân sự mà cả kinh tế.
Chứng kiến những điều ấy, cụ Phan Thanh Giản đã nói “Gia Định thật có phúc khi có được một tổng trấn như đại quan.”

Những gì tả quân Lê Văn Duyệt làm đôi khi ngược hẳn với chính sách ở Phú Xuân – Huế. Nhưng ông vẫn làm bởi sau lưng của ông là dân, vì dân mà ông làm, chứ không phải vì cá nhân nào cả. Ông làm cho người dân được no đủ. Với ông, thế là đủ. Nhưng sau này ông mất đi, Minh Mạng đã phủ nhận ông. Con trai nuôi của ông là Lê Văn Khôi đã vì đè nén mà đứng khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa bị chìm trong bể máu (chúng tôi sẽ có 1 bài dành cho chuyện này sau).
Tả quân sẵn sàng khoan dung với giặc nếu kẻ thù có lòng hối cải, nhưng nếu chống lại thì ông thẳng tay trừng trị cực kỳ tàn bạo. Ông đặt thượng tôn pháp luật lên hàng đầu. Kẻ ăn năn thì tiếp nhận, kẻ ngoan cố thì lãnh đòn.

Chân dung vua Minh Mạng (1791 - 1841) - Tranh John Crawfurd 1828

Năm 1822, một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu đã đến Gia Định. Sau này trong hồi ký của mình, Crawfurd đã viết những dòng sau về Gia Định thế kỷ 19.
“Tôi bất ngờ thấy rằng nó (thành Gia Định) không thua gì kinh đô nước Xiêm. Tôi có cảm giác rằng đây là một vùng đất lý tưởng.
Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có, người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp nếu chúng ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với kẻ không quy phục triều đình. Chưa ở đâu, kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây. Một vị quan nhỏ ra đường ghẹo gái cũng bị cách chức lưu đày, một đứa con vô lễ chửi mẹ mà tổng trấn biết được, ngài phạt cực nặng”.

Đối lập với Bắc Kỳ và Trung Kỳ đang vất vả. Gia Định thành ngày đó là thiên đường của người Việt.
Nhưng vì sao ông bị phủ nhận? Vì ông bị vua Minh Mạng thanh trừng? Hay vì ông là người theo phò Nguyễn Ánh, đánh Tây Sơn?
Chúng ta luôn nói về chống tham nhũng. 200 năm trước, tả quân sau khi chém đầu Huỳnh Công Lý – cha vợ nhà vua vì tham nhũng (đừng tưởng Việt Nam không có Bao Công nhé). Ngài đã dâng tấu cho Minh Mạng, nội dung bản tấu như sau: “Chống tham nhũng như chống mối, phải chống từ nóc chống xuống. Đám quan tham nhũng như bầy mối. Mối càng to, đục khoét càng dữ. Không diệt trừ tận gốc thì nhà sập. Lúc ấy bệ hạ và quần thần muốn đỡ cũng đỡ không nổi đâu”

Tiếng lòng ấy 200 năm sau vẫn còn nguyên giá trị !
Tôi xin kết bài này bằng một câu trong báo An Ninh Thế Giới, số 3, tháng 3-2008: “Lịch sử phức tạp có thể mang định kiến, chủ quan và sai lầm. Nhưng lòng dân thì luôn sáng suốt và giản dị, ai thương dân, đó là người yêu nước. Những con người như thế vẫn luôn được dân xem như những bậc anh hùng. Đền thờ ông được dựng nhiều nơi.”
 
P/S:
Nếu có dịp, ghé qua Bình Thạnh, bạn sẽ được nghe về cái tên “Lăng Ông Bà Chiểu”. Đấy chính là lăng của tả quân Lê Văn Duyệt. Rất đẹp và sừng sững còn mãi với thời gian. Và mình cho các bạn ở TPHCM thêm một kiến thức lịch sử nữa: đường Cách Mạng Tháng 8 trước 1975 là đường Lê Văn Duyệt.
 
                                                                                    Dũng Phan
                                                                               30 tháng 9 2020
*
Nguồn:
https://spiderum.com/bai-dang/Ta-Quan-Le-Van-Duyet-Ta-Da-Lang-Quen-Ai-rm7


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ