Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

ĐẠI VIỆT DƯỚI THỜI LÊ THÁNH TÔNG - Hồ Bạch Thảo



Tháng 3 năm Hồng Đức thứ 3 [8/4-7/5/1472] (Minh Thành Hóa thứ 8), cho các thư lại đỗ thi Hương, được thực thụ chức quan. Mở kỳ thi Hội, lấy đậu 26 người; qui định đề tài trong 4 kỳ thi:
 
“Tháng 3, hạ lệnh rằng, lại viên các nha môn nếu thi đỗ khoa thi hương thì được bổ lên chính quan…
 
 Thi hội chọn sĩ nhân trong nước. Lấy đỗ bọn Lê Tuấn Ngạn 26 người. Phép thi:
 
 Kỳ thứ nhất ra 8 đề về Tứ Thư [Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học, Trung Dung], người thi tự chọn lấy 4 đề, làm 4 bài văn, Luận Ngữ 4 đề, Mạnh Tử 4 đề. Ngũ Kinh [Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân Thu]: mỗi kinh 3 đề, người thi tự chọn 1 đề mà làm. Duy kinh Xuân Thu thì 2 đế gộp làm 1 mà làm.
 
 Kỳ thứ hai thi chế, chiếu, biểu; mổi loại 3 đề.
 
 Kỳ thứ ba, thơ, phú, mỗi loại 2 đề; phú dùng thể Lý Bạch.
 
 Kỳ thứ tư, 1 bài văn sách, hỏi về chỗ dị đồng trong nghĩa lý của kinh truyện, điều hay dở trong chính sự của các đời.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 72a.
 
Ngày mồng 7 tháng 4 [14/5/1472], thi Đình; Vua đích thân ra đề thi. Ban hạng cao thấp 26 người đã đậu thi Hội; 3 người trúng Tiến sĩ đệ nhất giáp, 7 Tiến sĩ đệ nhị giáp, 16 Tiến sĩ đệ tam giáp. Các tân khoa chiếu theo thứ hạng; khởi đầu được ban tước cao thấp khác nhau:
 
“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, vua ngự ra hiên, tự mình ra đề văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Vua sai Thái bảo Binh bộ thượng thư kiêm thái tử thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy và Thông chương đại phu tả xuân phường tả thứ tử kiêm Lại bộ thượng thư Trần Xác làm 2 viên đề hiệu; 2 viên (không chép tên) làm giám thí; bọn Đinh Thúc Thông, Quách Đình Bảo 5 viên làm độc quyển.
 
Cho bọn Vũ Kiệt, Nguyễn Toàn An, Vương Khắc Thuật đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ; bọn Vũ Đức Khang 7 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân; bọn Chử Phong 16 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Định lệ tư cách của tiến sĩ: Đệ nhất giáp, người đỗ thứ nhất cho chánh lục phẩm, 8 tư [bậc]; người đỗ thứ nhì cho tòng lục phẩm, 7 tư; người đỗ thứ ba cho chánh thất phẩm, 6 tư, đều được ban chữ “Tiến sĩ cập đệ”. Đệ nhị giáp, cho tòng thất phẩm 5 tư; được ban chữ “Tiến sĩ xuất thân”. Đệ tam giáp cho chánh bát phẩm, 5 tư; được ban chữ “Đồng tiến sĩ xuất thân”. Nếu vào Hàn lâm viện thì được gia 1 cấp; nếu bổ làm Giám sát ngự sử hay Tri huyện thì giữ nguyên phẩm cũ mà bổ.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 72b.
 
Bấy giờ có những vụ tranh chấp đất đai giữa Long Châu tỉnh Quảng Tây và châu Hạ Tư Lang Cao Bằng. Vào tháng 5, nhà Minh ra lệnh cho tỉnh Quảng Tây thông báo cho nước ta, yêu cầu khám định biên giới:
 
Ngày 22 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 8 [ 28/6/1472]. Mệnh ty Bố chánh Quảng Tây thông cáo cho An Nam khám định biên giới. Trước đó dân châu Thượng Hạ Đống, thuộc phủ Thái Bình nói rằng người châu Thái Nguyên dựng bảng mốc chiếm ruộng tại thôn Cương Lũng Ủy thuộc châu Thượng Đống; nay đã dẹp bảng trả lại ruộng. Cư dân Long Châu [huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây] tiếp giáp với châu Hạ Tư Lang [Cao Bằng] thuộc An Nam bởi ngọn núi làm biên giới. Phía nam ngọn Thạch Lĩnh thuộc Long Châu, phía bắc ngọn Thổ Lĩnh thuộc Hạ Tư Lang. Nay người An Nam lập bảng mốc vây chiếm ruộng thuộc 2 thôn Na Nùng, Lăng Kỳ; cùng ruộng của 3 thôn Khiếu Ma, Ích, Yếm. Tuần vũ Đô Ngự sử Hàn Ung trình lên, cùng tâu thêm Long Châu và Hạ Tư Lang đều cố chấp, không gặp nhau để cùng khám xét, nên chung cuộc không có một kết luận rõ ràng. Do đó nên bộ Binh phúc tấu:
 
 “Nên ra lệnh cho Bố chánh Quảng Tây thông tư cho Quốc vương An Nam lấy nghĩa lớn gìn giữ cương thổ cũ, không được phép xâm vượt. Lệnh sai người cùng với Tam Ty Quảng Tây khám lại đất, thiết lập cột mốc biên giới rõ ràng, để vĩnh viễn tuân thủ.”
 
Vì vậy nên ban chiếu mệnh này. (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 87).
 
Vào cuối tháng 5, Sứ thần Chiêm Thành đến triều Minh cáo cấp việc Quốc vương Trà Toàn bị An Nam đánh bắt, nên em là Bàn La Trà Duyệt tạm quyền coi việc nước. Vào tháng sau, Vua nhà Minh chuẩn bị sai bọn Hữu Cấp sự trung bộ Công Trần Lăng ban sắc phong cho Trà Duyệt làm Quốc vương. Vào tháng 9, Chiêm Thành lại sai Sứ thần Lạc Sa Lộng đến triều cống sản vật địa phương; được ban yến tiệc cùng y phục:
 
“Ngày 21 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 8 [ 27/6/1472]. Nước Chiêm Thành sai Sứ thần Lạc Sa đến cáo cấp rằng:
 
“Nước chúng tôi tiếp giáp với An Nam, mấy lần bị nước này xâm đoạt. Mới đây sai người đến đòi tê giác, ngà voi, đồ vật quí; lại đòi hỏi phải phụng sự người An Nam đưa đến, nghi lễ giống như phụng sự Sứ thần Thiên triều. Nước chúng tôi nghĩ rằng đã cùng An Nam nhận lịch Chính Sóc của Hoàng triều, nên không chịu khuất tuân theo, vì lý do đó nên An Nam gây hấn.
 
Vào tháng 2 năm Thành Hóa thứ 7 [20/2-21/3/1471], quân An Nam đến đánh phá kinh thành, bắt Quốc vương Bàn La Trà Toàn cùng gia thuộc hơn 50 người, tịch thu ấn quí, phá hủy nhà cửa, cướp giết quân dân nam nữ nhiều không kể xiết. Nay em của Vương là Bàn La Trà Duyệt tạm thời coi việc nước, cúi xin được phân xử.”
 
Tờ tâu giao xuống dưới, Thượng thư bộ Binh Bạch Khuê tâu rằng:
 
Vào năm Thành Hóa thứ 7, nhân An Nam tâu rằng ‘Chiêm Thành vượt biên giới xâm lăng, cần ngăn cản sự tàn ngược’. Bọn thần đã tâu rằng Hạo [Lê Thánh Tông] có âm mưu thôn tính Chiêm Thành, nên dương ngôn bị tấn công; rồi mấy lần đánh phá Chiêm Thành, lại bắt vua nước này. Nếu không có cách gì xử trí, thì mất lòng qui phụ của Chiêm Thành, lại dung dưỡng kẻ ngang ngạnh. Nên sai quan mang sắc dụ bắt phải trả lại ấn tín, Quốc vương cùng gia quyến bị bắt, để khỏi xẩy ra tai họa.’
 
Chỉ dụ phán:
 
“Bất tất phải sai quan đi, đợi Sứ thần An Nam đến sẽ trao sắc dụ.” (Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 86).
 
Ngày 22 tháng 6 năm Thành Hóa thứ 8 [ 27/7/1472]. Phong cho Bàn La Trà Duyệt, em cố Quốc vương Bàn La Trà Toàn, kế tập chức Quốc vương Chiêm Thành. Bàn La Trà Toàn đã bị An Nam bắt, ấn tín của triều đình ban cho cũng bị lấy mất, người em là Bàn La Trà Duyệt tạm thời trông coi việc nước, tâu xin phong tước, cùng cấp ấn. Bộ Lễ tâu xin chiếu theo lệ đời Chính Thống [1436-1449] sai quan đến phong cho Thế tử Ma Ha Bí Cai, để làm vẻ vang cho lời xin. Chấp nhận; bèn sai Hữu Cấp sự trung bộ Công Trần Lăng, Hành nhân Lý San thuộc ty Hành nhân đến phong.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 87).
 
“Ngày 5 tháng 9 năm Thành hóa thứ 8 [ 6/10/1472]. Nước Chiêm Thành sai Sứ thần Lạc Sa Lộng đến triều cống sản vật địa phương. Ban yến tiệc cùng y phục các loại lụa thải, đoạn có sai biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 89).
 
Hai tháng trước, xảy ra vụ tranh chấp biên giới giữa Long Châu tỉnh Quảng Tây và châu Hạ Tư Lang Cao Bằng; chưa giải quyết xong. Tháng 7 này, nhà Minh cho điều tra việc An Nam tố cáo Thổ quan Sầm Tổ Đức tại phủ Trấn An cùng dân châu Khâm vượt biên giới quấy phá. Sau khi điều tra tâu lên, phía nhà Minh công nhận vụ Sầm Tổ Đức cho người vượt biên giới đã xảy ra, phủ nhận việc người châu Khâm vượt biên quấy phá. Riêng sứ bộ Bùi Viết Lượng vào ngày 21 tháng 9 năm ngoái [4/10/1471], sang triều Minh nạp cống; Minh Thực Lục xác nhận tháng 9 năm nay đến nơi, được dự yến và ban y phục:
 
Ngày 25 tháng 7 năm Thành Hóa thứ 8 [29/8/1472]. Bộ Binh tâu:
 
‘Trước đây Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu rằng Thổ quan Sầm Tổ Đức tại phủ Trấn An cùng dân châu Khâm vượt biên giới quấy phá. Bộ Binh cho rằng An Nam thường tranh đoạt đất đai tại huyện Bằng Tường,[1] Quảng Tây, và dung túng người Di lấy trộm ngọc trai , nên tạo ra lời tấu man để toại mưu gian. Bèn hạ chiếu cho bọn Tuần vũ Lưỡng Quảng khám sự thực.’
 
 Đến nay nhận được lời tâu rằng:
 
 ‘Nhân tranh chấp về việc nối chức, Sầm Tổ Đức mang ấn đến trú tại động Trấn An. Người trong động là Sầm Vọng ăn cắp được ấn; sự việc phát giác bèn chạy trốn sang động Thông Nông, châu Thái Nguyên, An Nam. Tổ Đức sai người đuổi theo, nhưng không bắt được, lại bị người Giao đuổi trở về. Riêng người châu Khâm[2] chưa từng vượt biên cảnh xâm nhiễu. Chờ lúc Sứ giả đến, nên dụ Vương nước này lo giữ gìn biên cảnh an dân, không được dung nạp người vượt biên giới.’
 
Thiên tử chấp thuận.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 88).
 
Ngày 6 tháng 9 năm Thành Hóa thứ 8 [7/10/1472]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Bùi Viết Lương đến triều cống sản vật địa phương. Ban yến tiệc cùng y phục các lọai lụa thải, đoạn có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 89).
 
Tháng 10 [1/11-29/11/1472], định hệ thống đo đạc ruộng đất, mẫu, sào, thước. Cho người Chiêm Thành sống riêng; quan chức và dân chúng không được chứa chấp. Tháng 11 [30/11-29/12/1472], ban điều lệnh đi đánh giặc miền núi:
 
“Đặt mức sào, thước. Hạ lệnh rằng ruộng đất mỗi mẫu 10 sào, mỗi sào 16 thước 5 tấc. Cấm quan viên và dân chúng không được lén lút chứa giấu người Chiêm Thành.
 
Tháng 11, ban hành 19 điều lệnh đi đánh người Man.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 12, trang 74a.
 
Tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 4 [28/1-26/2/1473] (Minh Thành Hóa năm thứ 9), Vua thân hành cày ruộng tịch điền. Qui định cấm rượu chè bừa bãi; vợ chồng không được vô cớ ruồng bỏ, cưới hỏi cần hợp nghi lễ:
 
“Vua thân hành cày tịch điền và đốc suất các quan cày. Cử hành lễ Giao.
 
Cấm tửu sắc. Ra sắc chỉ cho quan viên và trăm họ rằng:
 
 ‘Kể từ nay, trong nhà không làm cỗ thết khách thì không được chè chén, người vợ không phạm tội thì không được ruồng bỏ. Kẻ nào dám rượu chè bừa bãi, gia đạo không nghiêm, kẻ nào không có mối lái mà dám vụng trộm tư thông thì phải trị tội”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 1a.
 
Tháng 2 [ 27/2-27/3/1473] Vua trở về Thanh Hóa, ngược dòng sông Mã bái yết nhà thờ bên nội, bên ngoại:
 
“Tháng 2, vua ngự về Tây Kinh bái yết lăng miếu. Vua đi thuyền nhẹ, ngược dòng sông Lỗi [sông Mã] bái yết Nguyên miếu ở thành Tây Đô. Sau đó, đến từ đường Thuần Mậu ở bên bờ sông (Từ đường này ở hương ấp của cha sinh ra thánh mẫu hoàng thái hậu Ngô thị [Ngọc Dao] và mẹ là Đinh thị).” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 1a.
 
Sát hạch các ngành nghề chuyên môn, như giáo chức, thầy thuốc:
 
Tháng 6 [25/6-24/7/1473] Thi giáo chức. Phép thi: Kỳ thứ nhất, Tứ thư mỗi sách một đề: ngũ Kinh mỗi kinh một đề. Kỳ thứ hai, một đề phú, thể Lý Bạch. Kỳ thứ ba, chế, chiếu, biểu, mỗi thể loại một đề…
 
Mùa thu, tháng 7 [25/7-23/8/1473], thi y, đề gồm 4 môn.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 2a.
 
Ngày 22 tháng 4 năm Hồng Đức thứ 5 [7/5/1474] (Minh Thành Hóa năm thứ 10), Ban sắc chỉ cho những người bị tội lưu đày, được nhập ngũ vào các vệ đồn trú tại vùng đất mới chiếm từ Chiêm Thành:
 
“Mùa hạ, tháng 4, ngày 22, ra sắc chỉ rằng: Tù nhân bị tội lưu, ở châu gần thì sung làm quân vệ Thăng Hoa [Quảng Nam], ở châu ngoài thì sung làm quân vệ Tư Nghĩa [Quảng Ngãi], ở châu xa thì sung làm quân vệ Hoài Nhân [Bình Định], những kẻ được tha tội chết cũng sung làm quân vệ Hoài Nhân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 4a.
 
Ngày 16 tháng 6 [29/6/1474], ra sắc lệnh khuyến khích các bậc trung nghĩa bằng cách tìm một người cháu, hoặc người trong họ, giao cho chức quan tượng trưng, để lo việc cúng tế:
 
“Trung thần nghĩa sĩ như Lê Phụ Trần [danh tướng thời Vua Trần Thái Tông], Trần Khát Chân [3] triều trước, Đào Biểu [4] triều này; quan phụ trách và quan phủ huyện tìm lấy một người cháu nội, hay cháu gọi bằng chú bác của các vị đó, xét thực tâu lên sẽ trao cho một chức nhàn tản. Nếu không có cháu thì mới cho một người thân thuộc được miễn quân dịch và thuế khóa để coi việc thờ cúng.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 4b.
 
Bấy giờ tại vùng biên giới phía bắc, người Trung Quốc thường sang cướp phá; triều đình ta chủ trương phản ứng mạnh, đuổi đến tận gốc. Xứ Lôi Châu thuộc Vân Nam mang quân cướp bóc tại Tuyên Quang, phía ta huy động hàng vạn quân, vượt biên đánh phá, khiến Vua Hiến Tông nhà Minh phải đích thân gửi chiếu thư phản đối. Tại châu Bằng Tường, Quảng Tây; bọn Sơn Man sang cướp dọc biên giới Lạng Sơn; Vua ban qui định chinh man 10 điều, sai quân đi đánh:
 
Ngày 5 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 10 [ 15/9/1474]. Sắc dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo chớ coi thường điều động quân địa phương làm kinh nhiễu nơi biên cảnh. Lúc bấy giờ các quan trấn thủ tại Vân Nam tâu Lôi Châu thuộc phủ Quảng Nam [5] tiếp giáp với các xứ Tuyên Quang của An Nam. Nay xưng rằng một số quân dân tụ tập cướp bóc, An Nam điều quân 10.000 người vượt biên giới tấn công và quấy nhiễu các trại biên giới, làm nhân dân kinh sợ tán loạn.
 
Thiên tử bèn xuống chiếu rằng:
 
‘Nay được quan Trấn thủ và Tổng binh tâu rằng người châu Bảo Lạc, vệ Tuyên Quang xưng rằng bọn quân dân Hoàng Chương Mã náo động, rồi điều binh truy bắt vượt quá biên giới hai phủ Quảng Nam, Trấn An; nhân đó đánh cướp trại biên giới, kinh hãi nhân dân chạy tán loạn, đã sai quan phủ dụ trở về. Trẫm cho rằng quân gian cướp bóc, pháp luật không dung được; nhưng vượt biên giới làm điều trái ngược lý, cũng đáng răn. Nay các quan Trấn thủ, Tổng binh Lưỡng Quảng, Vân Nam, cùng Đốc đồng Tam ty mỗi người có bổn phận giữ biên cảnh không để sai lầm. Nếu gặp bọn giặc này, bắt đến biên giới đưa cho nước ngươi, không được dung thứ che dấu. Vương hãy thể theo ý Trẫm, càng răn đe các châu vệ Bảo Lạc, Tuyên Quang bắt gấp bọn giặc này làm yên địa phương, không được điều động lính Di vượt biên giới, xâm nhiễu làm kinh sợ nhân dân; để sinh dân hai bên được an cư, không còn hậu hoạn. Vương hãy khâm thừa chỉ dụ, không để quên nhãng.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 91.
 
Tháng 9 [11/10-9/11/1474], mùa thu. Mộ quân đi đánh Sơn Man. Trước đây, Sơn Man ở châu Bằng Tường nhà Minh lấn cướp dọc biên giới Lạng Sơn, nhà vua định mệnh “chinh man” gồm 10 điều, sai quân đi đánh, đuổi ra ngoài quan ải. Đến đây, Sơn Man lại quấy rối nơi biên cảnh, nhà vua cho chiêu mộ quân và dân, người nào tình nguyện tùng chinh, thì tháng 10 sẽ xuất phát.” Cương Mục, Chính Biên, Quyển 23.
 
Tháng 10 [10/11-8/12/1474], triều đình ta cử 2 sứ bộ sang nhà Minh. Sứ bộ Lê Hoằng Dục đảm trách triều cống; Nghiên Nhân Thọ trình bày việc nước Chiêm Thành nội loạn đến tan rã. Riêng phía nhà Minh, vào tháng Chạp sai sứ giả đến Chiêm Thành mang sắc phong cho Bàn La Trà Duyệt. Khi đến cảng Tân Châu, Bình Định; hay tin nước này bị An Nam chiếm. Tiếp tục hải hành theo phía nam, thì được biết Bàn La Trà Duyệt đã bị An Nam bắt:
 
“Mùa đông, tháng 10, sai sứ sang nhà Minh. Bọn Lê Hoằng Dục, Nguyễn Đôn Phục, Ngô Lôi nộp cống hằng năm; bọn Nghiên Nhân Thọ, Nguyễn Đình Mỹ tâu việc Chiêm Thành tan vỡ, quấy nhiễu biên giới.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 5b.
 
“Ngày 14 tháng 12 năm Thành Hóa thứ 10 [ 21/1/1475]. Công khoa Cấp sự trung Trần Tuấn đi sứ Chiêm Thành không vào được, bèn nạp trở lại những thứ đã mang đi như chiếu sắc, ấn mạ vàng bạc, các vật như lụa, đoạn.
 
 Bọn Tuấn đi sứ Chiêm Thành để phong cho Quốc vương Bàn La Trà Duyệt, khi hàng hải đến cảng Tân Châu [Bình Định], Chiêm Thành; quân phòng thủ từ chối không cho vào, người Thông dịch cho biết đất này đã bị An Nam chiếm, còn Quốc vương Chiêm Thành tỵ nạn tại Linh Sơn. Khi đến Linh Sơn thì được biết cả nhà Bàn La Trà Duyệt bị An Nam bắt và đất Chiêm Thành bị đổi tên thành châu Giao Nam. Bọn Tuấn không dám ghé vào; nhưng thuyền chở hàng hóa tư, cùng nhiều thương nhân, nên giả lấy cớ bị gió bão rồi hàng hải tiếp đến Mãn Thứ Gia[6] buôn bán, lại dụ Vương nước này sai sứ đến triều cống. Đến nay trở về tâu đầy đủ việc An Nam chiếm cứ Chiêm Thành, cùng việc Quốc vương Mãn Thứ Gia cung cấp thức ăn và các nhu yếu phẩm khác, đối đãi lễ nghi rất đầy đủ.
 
Sự việc được đưa xuống cơ quan hữu trách, bộ Lễ tâu nên đợi Sứ thần Mãn Thứ Gia nhập cống, lúc trở về giáng sắc khen thưởng Vương nước này. Bộ Binh cũng tâu nước An Nam cậy mạnh, thôn tính nước được triều đình phong tước, sự việc quan hệ thật không nhỏ, nên giao cho các Công Khanh bàn luận một cách rộng rãi. Lúc đó bọn Anh quốc công Trương Mậu tâu rằng An Nam cường bạo vốn nên hài tội thảo phạt; nhưng Đế vương đối với Di địch lấy bất trị để trị; nay chưa biết được nguyên do Chiêm Thành diệt vong, không nên khinh động. Chờ năm sau vào kỳ An Nam triều cống, đợi Bồi thần đến, sai Thông dịch đem việc này ra hỏi, mới bắt đầu khu xử. Lại lưu ý thêm Vân Nam, Quảng Tây, cùng Quỳnh, Liêm, Quảng Đông tiếp giáp với đất này nên ra lệnh cho các quan Trấn thủ, Tổng binh đôn đốc thuộc cấp cố thủ để đề phòng xâm lấn.
 
Thiên tử đều chấp thuận”. Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 92.
 
Tháng giêng năm Hồng Đức thứ 6 (6/2-6/3/1475) (Minh Thành Hóa năm thứ 11), Trấn thủ thái giám Tiền Năng sai Chỉ huy sứ Quách Cảnh từ Vân Nam, theo đường sông Thao đến nước ta, được triều đình đón tiếp, trao đổi thơ xướng họa. Sau đó triều đình ta cho áp giải tù binh người Long Châu, Quảng Tây, trở về nước qua đường Vân Nam. Việc này chứng tỏ triều đình ta bất bình với nhà cầm quyền Quảng Tây về vấn đề biên giới, nên không muốn hợp tác. Tuy nhiên triều Minh, chiếu theo truyền thống, coi Quảng Tây là con đường ngoại giao duy nhất qua lại giữa hai nước, nên từ chối:
 
“Mùa xuân, tháng Giêng, nhà Minh sai Kim ngô vệ chỉ huy sứ Quách Cảnh sang đuổi bắt những kẻ chạy trốn. Cảnh đi đường sông Thao đến. Khi Cảnh về, vua sai Thái phó Kỳ quận công Lê Niệm, Lại bộ thượng thư Hoàng Nhân Thiêm, Binh bộ thượng thư Đào Tuấn, Hàn lâm viện thị độc kiêm Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Hàn lâm viện thị thư Vũ Kiệt và Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên làm thơ. Vua viết bài tự để tiễn Cảnh. Bài tự đề là Thiên Nam đông chủ Đạo Am tự.”[7] Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 5b.
 
Ngày 10 tháng 5 năm Thành Hóa thứ 11 [ 13/6/1475]. Sắc dụ bọn quan Tổng binh Vân Nam Kiềm quốc công Mộc Tông gửi văn thư hiểu dụ Quốc vương An Nam Lê Hạo. Trước đó Trấn thủ Thái giám Tiền Năng lệnh Chỉ huy Quách Cảnh mang sắc đến An Nam, không do đường cũ Quảng Tây, mà đi từ Vân Nam. Rồi nước này lại sai Bồi thần Hà Tuyên mang sớ cùng lấy danh nghĩa giải tống phạm nhân đến biên giới, rồi mượn đường Vân Nam tới kinh đô, đòi hỏi 600 tên phu. Chúng gửi văn thư cho Tổng binh Mộc Tông, rồi Tông lại đưa văn thư trình lên.
 
Sự việc đưa xuống dưới xét, bộ Binh bàn rằng:
 
‘Từ thời tổ tông đến nay chưa cho phép người Giao dùng đường Vân Nam đi cống, nay muốn giải tù phạm theo đường đó, theo lễ không chấp nhận được. Xin bọn Tông gửi văn thư hiểu dụ nước này rằng tù nhân giải đến, vốn thổ dân người Long Châu, thuộc hạt Quảng Tây. Vậy nên giải đến Quảng Tây giam giữ, để tâu xin trừng trị; không cần phải mượn đường, huy động dân chúng, giải theo đường dài đến kinh đô. Vẫn ra lệnh Tông luyện binh giữ vững bờ cõi, để đề phòng chuyện bất trắc xẩy ra.’
 
Thiên tử chấp nhận. Con đường triều cống tại An Nam vốn từ Quảng Tây. Nay Tiền Năng giao thiệp với An Nam, họ muốn đi từ Vân Nam để tránh mối oán tự Long Châu.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 94.
 
Theo lệ thi Hội dưới triều Lê, cứ 3 năm mở một khoa; vào năm Hồng Đức thứ 3 [1472], lấy đậu 26 Tiến sĩ. Tháng 3 năm nay [6/4-4/5/1475] mở thi Hội lấy trúng cách 43 người. Ngày 11 tháng 5 [14/6/1475] vào thi Đình, lấy 3 Tiến sĩ đệ nhất giáp; 13 Tiến sĩ đệ nhị giáp, và 27 Tiến sĩ đệ tam giáp:
 
“Tháng 3, tổ chức thi hội cho các cử nhân trong nước. Bấy giờ, có 3200 người dự thi. Lấy đỗ bọn Cao Quýnh 43 người. Phép thi khoa ấy:
 
 Kỳ thứ nhất, về Tứ Thư: Luận Ngữ 3 đề, Mạnh Tử 4 đề, Trung Dung 1 đề, cộng là 8 đề. Người thi tự chọn 4 đề mà làm, không được thiếu. Về Ngũ Kinh, mỗi kinh 3 đề, riêng Xuân Thu 2 đề.
 
Kỳ thứ hai, thơ và phú mỗi loại một bài. Thơ dùng thể Đường luật, phú dùng thể Lý Bạch.
 
Kỳ thứ ba, chiếu, chế, biểu mỗi thể loại một bài.
 
Kỳ thứ tư, sách vấn, đầu đề văn sách hỏi về ý nghĩa dị đồng của kinh, sử và nội dung về thao lược của tướng soái.
 
 Mùa hạ, tháng 5, ngày 11, vua ngự điện Kính Thiên, thân ra đề văn sách, hỏi về đạo vua tôi ngày xưa. Sai Quang tiến trấn quốc thượng tướng quân phò mã đô úy Đông quân đô đốc phủ tả đô đốc Đoan Vũ bá Trịnh Công Lộ và Lại bộ thượng thư Hoàng Nhân Thiêm làm đề điệu; Thái tử thiếu bảo Ngự sử đài đô ngự sử Trần Phong và Bình khoa đô cấp sự trung Phí Bá Khang làm giám thí; Hàn lâm viện thị độc kiêm Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo làm độc quyển.
 
Ban cho ba người: Vũ Tuấn Chiêu, Ông Nghĩa Đạt, Cao Quýnh đỗ tiến sĩ cập cập đệ, bọn Phạm Xán 13 người đỗ tiến sĩ xuất thân, bọn Đỗ Vinh 27 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 6a.
 
Tháng 10 năm ngoái [10/11-8/12/1474], triều đình ta cử sứ bộ Lê Hoằng Dục sang nhà Minh triều cống. Tháng 8 năm nay tới nơi, được ban yến, thưởng y phục; cùng nhận quà gồm các loại lụa, gấm, đoạn do Vua Minh gửi cho Vua nước ta. Vào cuối tháng 8, trước khi Hoằng Dục trở về nước, Vua nhà Minh lại gửi cho Vua ta sắc dụ về vấn đề Chiêm Thành. Lời lẽ trong sắc cũng không có thái độ quá quyết liệt, nói rằng hai phía trình bày tương phản nhau, không thể xác quyết sự phải trái; chỉ yêu cầu nhà Vua trả lại người và đất cho Chiêm Thành:
 
Ngày 21 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 11 [20/9/1475]. Quốc vương An Nam Lê Hạo sai bọn Bồi thần Lê Hoằng Dục đến dâng biểu và triều cống các vật như vàng, bạc, khí mãnh. Ban yến cùng áo dệt kim, lụa, đọan có sai biệt. Lại dùng lụa, đoạn, gấm có hoa văn giao cho bọn Hoằng Dục mang về ban cho Vương nước này.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 95.
 
Ngày 25 tháng 8 năm Thành Hóa thứ 11 [24/9/1475]. Quốc vương An Nam Lê Hạo tâu:
 
“Năm trước nhân Quốc vương Chiêm Thành Bàn La Trà Toàn xâm phạm đạo Hóa Châu, bị người em là Bàn La Trà Toại giết. Toại tự lập lên làm vua, sắp xin cầu phong; lại bị con Bàn La Trà Duyệt là Trà Chất Đài Lai giết, từ đó nước trong nước này loạn lạc nỗi lên, không có một ngày yên ỗn. Việc đó không phải là lỗi của nước thần. Nay tuân theo chỉ dụ của Thiên tử dẹp binh đao, hòa mục với lân bang; số người nước này bị bắt gồm 740 trai gái đều cho trở về nước.”
 
Đưa lời tâu xuống dưới, bộ Binh trình rằng:
 
“Lời của Hạo sơ lược, không nói đến việc xâm chiếm Chiêm Thành; so với lời tâu của bọn Hữu Cấp sự trung Trần Tuấn thì không giống nhau; thực tình hoặc gian trá không quyết được.”
 
Thiên tử nhân Bồi thần Lê Hoằng Dục về nước bèn ban sắc dụ Hạo rằng:
 
“Trước đây nhân Bàn La Trà Duyệt tâu rằng Vương nước này là Bàn La Trà Toàn bị nước ngươi bắt, Chiêm Thành hiện nay không có chủ, nên đến xin phong tước. Trẫm thể theo đức hiếu sinh của trời đất, chấp nhận lời trần tình, sai sứ đến phong. Đến lúc sứ trở về tâu rằng đất nước Chiêm Thành quả bị nước ngươi chiếm đọat, đổi thành châu ấp. Trẫm nghi nhưng chưa tin, nay được ngươi tâu rõ ràng rằng Chiêm Thành dùng binh gây oán, xâm nhiễu biên cảnh lân bang, đến nỗi bản thân chết, nước bị phá; tất cả đều tự gây ra. Sự việc chưa rõ ràng, nhưng lý có thể như vậy; huống lời và ý của Vương khẩn khoản, chắc không phải dùng lời lẽ để che dấu lỗi lầm. Nhưng Chiêm Thành là nước truyền từ lâu đời, trước kia há không có một lực lượng nào mạnh có sức thôn tính nước này, nhưng sử sách chưa từng nghe, vậy bài học được mất có thể thấy được. Nay nếu nước này thình lình bị tiêu diệt, không những trái với chiếu chỉ của triều đình; mà lại còn e bị các nước Phiên tại hải ngoại sinh nghi sợ, rồi gây sự tranh dành, như vậy đối với Vương có lợi ư!
 
Sắc đến Vương nên sửa đổi, cho người trong họ vua Chiêm cùng dân chúng trở về, khôi phục đất đai, để cho không tuyệt nòi giống. Làm được vậy thì việc nối dòng bị đứt, kính trời thờ nước lớn của Vương vẹn cả hai đường. Vương hãy gắng cho được.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 95.
 
Tháng 2 năm Hồng Đức thứ 7 [1476] (Minh Thành Hóa năm thứ 12), Vua trở về Lam Kinh. Đến cửa biển Linh Trường; tức Lạch Trường, thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa; nhân chiêm ngưỡng hang núi kỳ vĩ, bèn cảm hứng làm một bài tự và thơ Đường luật:
 
“Ngày 16 [11/3/1476, Catalog of Lunar Eclipses ghi 10/03/1476, có lẽ vì chệch múi giờ, nên chậm 1 ngày], nguyệt thực toàn phần. Vua ngự về Lam Kinh.
 
Ngày 22 [17/3/1476], vua xuất phát từ Tây Kinh, đi thuyền nhẹ ra cửa Linh Trường, làm thơ Linh Trường hải khẩu và bài tự. Bài tự viết:
 
‘Nhìn non ngắm nước là để ngụ cái thú của người thân, bậc trí. Bên bờ biển, toàn là dãy núi xanh cao vút, những ngọn núi dựng đứng ở cửa biển, hình dáng lại càng lạ hơn. Cái hang dưới chân núi, ăn sâu mãi vào trong, thăm thẳm khôn lường, tương truyền đó là miệng một con rồng. Bên ngoài miệng rồng lại có tảng đá, có hình thể rất lạ, tương truyền đó là mũi rồng. Ở dưới mũi rồng, lại có một tảng đá rất tròn, rất đẹp, tương truyền đó là hạt châu dưới hàm con rồng. Đá lớn nhô ra lõm vào nhiều vẻ, chổ dày chổ thưa, nhiều không kể xiết, tương truyền đó là bộ râu rồng.’
 
Vua bỏ thuyền lên bờ, đi bộ đến đầu núi, bỗng nảy hứng thơ bèn viết 56 chữ [thơ Đường luật, 8 câu, 7 chữ] để ghi lại.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 8a.
 
Ngày 16 tháng 6 [6/7/1476], xuống chiếu bắt Cung Vương Khắc Xương, vì Khắc Xương ngầm mưu việc đại nghịch. Đến ngày mồng 6, tháng 8 [24/8/1476], Khắc Xương ốm chết:
 
 “Cung vương, con thứ ba của Lê Thái Tông, và là thứ huynh nhà vua. Vương tính tình nhã nhặn, đạm bạc, đồ mặc và đồ dùng đều sẻn nhặt, có tiết độ, giữ mình kính cẩn như học trò. Năm Đại Bảo thứ 2 (1441), bắt đầu được phong là Tân Bình vương, đến lúc Nghi Dân cướp ngôi, đổi phong là Cung vương. Cuối năm Diên Ninh (1454-1459), sau khi đã truất ngôi Nghi Dân, đại thần là bọn Lê Lăng muốn rước về lập làm vua, nhưng Cung vương cố ý từ chối, đại thần bèn rước lập nhà vua. Nhà vua nghe được việc này, có ý không bằng lòng. Sau khi Lê Lăng đã bị giết, nhà vua đối với Cung vương vẫn đem lòng ngờ ghét. Đến nay, có người tố cáo Cung vương mưu làm việc phản nghịch, nhà vua hạ chiếu bắt để trị tội, Cung vương vì lo sợ rồi chết.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 23.
 
Ngày 16 tháng 8 [3/9/1476] có nguyệt thực toàn phần.
 
Năm ngoái nhà Minh lập Hoàng thái tử, bèn cử sứ bộ sang Triều Tiên và nước ta báo tin. Vào tháng 7 năm nay, Sứ thần đem sắc thư đến nước ta; kèm với những vật đưa tặng. Tháng 10, triều đình cử 3 sứ bộ sang triều Minh; thứ nhất mừng lập Hoàng thái tử; thứ hai, tạ ơn ban vóc lụa; thứ ba, trần tình về việc Chiêm Thành:
 
Ngày 26 tháng 11 năm Thành Hóa thứ 11 [23/12/1475]. Do việc sách lập Hoàng Thái tử, sai Lang trung bộ Hộ Kỳ Thuận, Lang trung bộ Lễ Nhạc Chương làm Chánh sứ; Tả ty phó Trương Cần, Hành nhân Trương Đình Cương thuộc ty Hành nhân làm Phó sứ mang chiếu thư đến Triều Tiên, An Nam tuyên bố việc này. Ban cho các Vương, cùng Phi lụa thải, đoạn; gấm hoa văn, có phân biệt.” Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 96.
 
Mùa thu, tháng 7, ngày 27[16/8/1476], nhà Minh sai chánh sứ Lễ bộ lang trung Nhạc Chương, phó sứ Hành nhân Trương Đình Cương mang sắc thư sang báo việc lập Hoàng thái tử và ban vóc lụa…
 
 Mùa đông, tháng 10, ngày [15/11/1476], sai sứ sang nhà Minh: Bùi Sơn, Vương Khắc Thuật, Chử Phong mừng lập Hoàng thái tử; Lê Tiến, Ông Nghĩa Đạt tạ ơn ban vóc lụa. Nguyễn Tế tâu việc địa phương Chiêm Thành.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 13, trang 9b.

*
GHI CHÚ:

[1] Bằng Tường: Nay thuộc huyện Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, sát ải Nam Quan.
[2] Châu Khâm: Thuộc tỉnh Quảng Tây, vị trí giáp với tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam.
[3] Trần Khát Chân: Người làng Khả Lãng, huyện Vĩnh Lộc, làm đại tướng quân thời Trần Thuận Tông, bị Hồ Quý Ly giết, xem Trần Thiếu đế, năm Kiến Tân thứ 2 [1399].
[4] Đào Biểu: làm chức Nội nhân thị hậu phó chưởng, chết theo Nhân Tông trong loạn Nghi Dân [1459].
[5] Quảng Nam: Hiện nay còn huyện Quảng Nam, thuộc Văn Sơn Tráng Tộc Miêu Tộc Tự trị Khu, tỉnh Vân Nam; gần biên giới Việt Nam.
[6] Mãn Thứ Gia: tức Melaka, một tiểu bang của nước Mã Lai.
[7] Thiên Nam động chủ và Đạo Am đều là tên hiệu của Vua Lê Thánh Tông Lê Thánh Tông.
 
                                                                               Hồ Bạch Thảo
*
Nguồn:
https://nghiencuuquocte.org/2023/10/21/dai-viet-duoi-thoi-vua-le-thanh-tong-p6/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ