Tiếng Việt là một ngôn ngữ dễ viết và dễ đọc, hầu như
phát âm sao thì viết như vậy. Nhưng có chữ “y dài” và “i ngắn” tuy chỉ đọc là
“i” nhưng có chữ lại dùng “y dài”, chữ lại dùng “i ngắn”. Một số nhà ngôn ngữ học
và bộ giáo dục Việt Nam năm sau 1975 vì muốn chỉ dựa theo phát âm mà viết chính
tả, họ đưa ra chính sách chỉ dùng một thể “i” ngắn nếu phát âm “i” sẽ không
dùng mẫu tự “y” dài và làm ra những thay đổi cho vào từ điển. Tất nhiên, những
trường hợp ngoại lệ cũng được nhắc tới, ví dụ như là chữ “túy”, “thúy” thì không thể không dùng “y” nếu dùng “i ngắn”
sẽ thành chữ “túi”, “thúi” và những chữ như là “may” như trong may mắn, may áo,
không thể thiếu y dài.
Tôi nghĩ rằng đề nghị chỉ dùng “i” ngắn, khi phát âm
theo “i” ngắn là một đề nghị rất tệ. Chỉ lấy một thí dụ đơn giản đủ để làm rõ.
Như “y học” có ai viết thành “i học” không. Nhìn rất kỳ cục và chướng mắt với hầu
hết mọi người. Chỉ một điểm này đủ chứng minh là không nên dựa theo âm tiết của “i” mà quyết đinh viết y
dài hay i ngắn, Không nên loại bỏ dùng chữ “y” cho dù có đọc thành âm “i” .
Những nhà ngôn ngữ học cũng thấy là chữ “i học” (y học)
cũng không hợp nhãn, cho nên đi thêm một bước, đưa ra ngoại lệ là nếu chữ “y” đứng
một mình thì viết là “y” dài nếu là từ Hán Việt như trong cụm từ “y học”. Đã phải đưa ra ngoại lệ thì đủ chứng tỏ đề
nghị dùng “nhất thể i” là không đúng, không hay. Nhưng dể bàn luận thêm, hãy tạm
chấp nhận ngoại lệ này.
Không chỉ chữ “y” đứng riêng, mà có những chữ như “mỹ”
như trong “mỹ nhân” mà viết thành “mĩ nhân”, tôi thấy cũng không đẹp mắt, nếu
không nói là chướng mắt. Nói vui một chút, tôi hay khuyên nên viết “mỹ nhân” vì
có y dài, “chân dài” mới đẹp, còn như i ngắn, chân ngắn hay không có chân, thì
sao là người đẹp được.
Hay chữ “công ty. Những bảng hiệu của những công ty hầu
hết đều dùng y dài, thì mới trang trọng, còn dùng “i ngắn” như trong “công ti”
có vẻ cụt lũn, khôi hài làm sao ấy.
Hay chữ “yêu dấu”. Có ai muốn viết thành “iêu dấu”
không.
Hay chữ “ly nước”. Việt thành “li nước”, thấy không hợp
mắt tí nào.
Tới đây, với những thí dụ trên, hẳn đã đủ chứng tỏ nếu
chỉ dựa theo phát âm mà quyết định đánh vần là sai lầm. Và Bộ Giáo Dục VN đã
sai lầm khi đưa những từ i ngắn như “luân lí", “mĩ lệ” vào trong từ điển.
Khiến cho bây giờ một thứ tiếng dễ học như tiếng Việt lại bất nhất và cả hai lối
viết đều được nhiều người chấp nhận, tuy họ có thể không đồng ý trong lòng, vì
sách vở giáo khoa ở VN dạy như thế. Hầu
hết báo chí năm 2023, trên những trang mạng văn học, thời sự, trong nước và
ngoài nước đều dùng y dài cho những chữ như “luân lý, kỹ thuật, tuổi tý...” Đủ
chứng tỏ quần chúng, những nhà văn, thơ đều không chấp nhận chỉ dùng i ngắn,
...
Đây cũng không phải là thói quen dùng từ y dài như một
vài nhà ngôn ngữ học, học giả nói... Mà là vấn đề mỹ thuật, đẹp mắt. Người Việt
rất thích thư pháp và chữ đẹp nên đã chế ra không biết bao nhiêu là kiểu chữ
fonts cho máy điện tử so với các nước khác và biết bao nhiêu người chơi thư
pháp.
Những nhà ngôn ngữ học tuy có lòng tốt, nhưng lại nhất
ý cô hành, chỉ tham khảo trong giới của họ mà không hỏi ý kiến của quần chúng,
và những nhà thơ, nhà văn, và thư pháp gia.
Không có thư pháp gia nào thích viết “chân thiện mĩ” cả,
họ sẽ viết “chân thiện mỹ”.
Nhà thơ là người yêu thích văn chương, chữ nghĩa và
sáng tạo chữ nghĩa. Bao nhiêu bạn thơ của tôi, và những nhà thơ mà tôi quen biết,
ai cũng viết y dài cho những từ như “đạo lý”, “y học”, “mỹ nhân”, “kỳ hoa dị thảo”,
... và nhiều người đều thấy viết i ngắn cho một số chữ nhìn không đẹp mắt chút
nào...
Và bây giờ, lại có thêm những đề nghị dùng y dài cho
những từ hán việt, như “đạo lý, y học, mỹ tửu” và dùng i ngắn cho những từ Nôm/Việt
thông thường. Thí dụ như tuổi tý, nhưng
lại là bé tí, ... Tôi thấy đề nghị này
cũng rất tốt cho nhiều trường hợp, nhưng cũng xin nêu ra một vài trường hợp đặc
biệt, hay ngoại lệ.
- Như chữ “thi sĩ, bác sĩ”, hay là “thi sỹ, bác sỹ”.
Trước hết, tôi xin đưa ra quan điểm cả hai đều dúng.
Thời xưa thì hay viết là “thi sỹ”. Nhưng theo trào lưu hiện giờ, thì hầu như ai
cũng viết là “thi sĩ, bác sĩ”. Tuy là từ Hán Việt, sao lại nhiều nhà thơ, văn đều
viết thành “sĩ”. Vì sao? Tôi nghĩ là như vầy: chữ sĩ như trong “sĩ nông công
thương” hay bài thơ “kẻ sĩ” của cụ Nguyễn Công Trứ, là chữ nghe đã rất oai rồi.
Mà còn viết thành y dài thì có vẻ quá oai đi. Cho nên tôi nghĩ nhiều nhà thơ,
nhạc sĩ, ca sĩ, ... hay dùng “i” ngắn, cho chữ “sĩ”.
Các cụ ta ngày xưa, cũng đã phối hợp thẩm mỹ vào trong
ngôn ngữ. Cho nên không ai viết là “kỳ dỵ” mà chỉ viết là “kỳ dị”. Cho dù chữ
“dị” như trong “kỳ hoa dị thảo” là tiếng Hán-Việt.
Xin đưa ra một số chữ mà tôi nghĩ nên y dài, hay là i
ngắn mà tôi thấy có ít nhiều người viết không “đúng”. Với tôi thì tôi không chấp
nhận viết “đạo lí” thay vì "đạo lý” nếu cho in vào trong sách của tôi, tuy
rằng tôi sẽ không nói là viết “đạo lí” là sai, vì không có sách luật lệ văn phạm,
ngữ vựng được chấp nhận như tiếng Anh. Còn một số từ điển bên Việt Nam nếu chỉ
ghi “đạo lí”, mà không cho cụm từ “đạo lý” vào thì đó chỉ là quan điểm của một
ít người dùng quyền hành phổ biến, đặt ra, tôi và vô số quần chúng khác đều
không chấp nhận.
Sau đây, xin đưa ra một số từ mà tôi nghĩ nên viết y
dài hay i ngắn, và một số trường hợp viết sai.
- quý mến, chứ không phải quí mến. Âm chính là
“úy", chứ không phải là “úi”. Cho nên, phải viết là quý mến mới đúng. Để cho rõ thêm, thí dụ chữ “túy” (say) thì viết
“y” dài, nếu viết i ngắn thì thành chữ “túi” còn gì.
- công lý, tâm lý, đạo lý, y học, mỹ lệ, tuổi tý, hy
sinh, y thuật, công ty, ly nước, kỹ thuật, kỳ nữ, thế kỷ, ...
- kỳ dị, dị nhân, bé tí, tí hon, kĩ càng, phung phí, ủy
mị, si tình, chi li, ... (những cụm từ
liệt kê mà nếu viết thành y dài, tôi nghĩ là sai.)
Quan điểm của tôi là vậy, xin chia sẻ với bạn đọc. Cảm
ơn quý vị đã bỏ thời gian đọc bài viết khá dài này. Hy vọng có chút hữu ích với
một số bạn đọc.
(Đặc san Lâm Viên)
Vương Thanh 08/27/2023
*
Nguồn:
http://www.dslamvien.com/2023/08/ban-luan-ve-y-dai-i-ngan.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ