Phạm
Duy là con bướm đa tình, khi đã 'tạm' mỏi cánh, con bướm này chọn nơi dừng
chân: lập gia đình với một người con gái tài sắc- CS Thái Hằng. Nhưng nàng lại
đang mang một nỗi buồn u uất, chưa hề tỏ bày cùng ai…
Quen biết với gia đình Thăng Long từ dạo còn tản cư ở
Chợ Đại-Cống Thần (Hà Đông, 1947), rồi cùng nhau về Liên khu VI ở Chợ Neo
(Thanh Hóa, đầu năm 1949), lúc nào Phạm Duy cũng thấy vương vất trong đôi mắt của
Thái Hằng một nỗi buồn...
Thái Thanh cùng Hoài Trung (trái) và Hoài Bắc trong ban Hợp ca Thăng Long
Có lẽ chính vì thế mà những “cây si” tầm cỡ như: thi
sĩ Huyền Kiêu, thi sĩ Đinh Hùng, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhạc sĩ Ngọc Bích (ở Chợ
Đại), thêm Đoàn Phú Tứ, Bửu Tiến, Bửu Kỉnh (ở Thanh Hóa)… cũng không lay động
được con tim của nàng. Thái Hằng rất kín tiếng, ít khi tâm sự với ai. Chỉ đến
sau này, khi giữa nàng và Phạm Duy đã trở nên thân thiết thì nàng mới thổ lộ nỗi
niềm sâu kín ấy:
Vào năm 1945, Thái Hằng đính hôn với một sinh viên trường
Luật tên là Trần Văn Nhung. Nhung là một thanh niên yêu nước nhưng có khuynh hướng
thân Nhật. Vào đầu thập niên 40, cũng như rất nhiều thanh niên khác, anh tin rằng
Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp.
Cảm tình của anh đối với Nhật Bản khiến cho anh được tặng
một học bổng để đi du học nhưng anh chưa kịp đi thì xẩy ra vụ Nhật đảo chính
ngày 9/3/1945. Trước giờ đảo chính, một sĩ quan Nhật hỏi một nhóm sinh viên Hà
Nội do họ triệu tập xem có ai muốn xung phong cùng đi với lính Nhật vào hạ
thành Hà Nội? Họ sẽ được dành cho vinh dự là tự tay giật lá cờ tam tài của Pháp
xuống.
Mọi người còn đang do dự thì Trần Văn Nhung và một
sinh viên đứng lên nhận lời. Hai sinh viên này đi tiên phong trong đám lính Nhật
và bị bắn chết ngay trên bờ tường thành Cửa Bắc trong phút đầu tiên của vụ đảo
chính. Ngày 11 tháng 3 năm 1945, một buổi lễ truy điệu những người đã hi sinh
cho nền 'thịnh vượng chung của Đại Đông Á' được tổ chức rất long trọng tại Nhà
Hát Lớn Hà Nội. Thái Hằng đầu chít khăn trắng tới dự lễ truy điệu này.
Cái chết của vị hôn phu đã ảnh hưởng rất lớn đến Thái
Hằng. Từ ngày đó trở đi, Thái Hằng đắm đuối trong nỗi niềm riêng. Trong suốt một
năm lúc chưa đi tản cư, tuần nào nàng cũng mang hoa tới đặt trên mộ Nhung và ngồi
khóc…
Đi theo gia đình ra vùng kháng chiến, nàng vẫn mang theo
tấm ảnh và tập nhật ký của người đã chết, trong đó Nhung có những câu nói vừa gở
vừa thiêng như: “Nếu anh chết thì em phải
lấy chồng và cố tìm ra một người nào như anh nhé”.
Khi ra sống ở
Chợ Đại và Chợ Neo, trong hai năm liền, Thái Hằng vẫn chưa nguôi được nỗi buồn.
Suốt ba năm dài, coi như để tang cho người tình, nàng đóng chặt tâm hồn, sống với
một nỗi buồn không che dấu. Một hôm, cha mẹ nàng đã tìm cách đốt tấm ảnh và tập
nhật ký của Nhung đi.
Biết được tâm sự của Thái Hằng, Phạm Duy tuy thực tâm
nể phục thái độ anh hùng của Trần Văn Nhung cũng như sự chung tình của Thái Hằng
nhưng vẫn cố làm cho nàng khuây khỏa và dần dần thay thế được hình ảnh của người
hùng đã khuất trong trái tim nàng ca sĩ.
Sau sáu tháng quen biết, Phạm Duy chính thức hỏi Thái
Hằng làm vợ. Ông bà Thăng Long có chút lưỡng lự nhưng lúc đó có hai người rất
uy tín là tướng Nguyễn Sơn và nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh nói giúp vào, lại nữa
con trai lớn của ông bà là Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) cũng nhiệt tình ủng hộ
nên cuối cùng ông bà Thăng Long cũng ưng thuận.
Sau khi chọn được ngày tốt, bà Thăng Long ra cái chợ
ngay trước quán phở của mình mua một nải chuối, một buồng cau, một gói trà để
tiến hành “lễ hỏi”. Phạm Duy kể lại rằng: “Bên
nhà trai không có ai ngoài tôi ra, đành phải nhờ người em của điêu khắc gia Lê
Thị Kim là Bạch Bích tới bưng hộ khay trầu. Hôm đó, từ trong Quán Thăng Long đi
ra tôi còn là một kẻ độc thân rồi tức khắc từ ngoài cửa đi vào, sau khi ra đứng
lễ ông bà ông vải xong, từ nay trở đi tôi trở thành người chồng chưa cưới của
Phạm Thị Thái Hằng. Một cái lễ hỏi nhẹ tênh, so với sự nặng nhọc và kiên trì của
sáu tháng khổ công vận động của tôi…”.
Tuy nhiên vì cũng muốn tỏ ra anh hùng trong mắt hiền
thê nên Phạm Duy tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên trong 6 tháng, vừa
biểu diễn phục vụ vừa sáng tác (những ca khúc nổi tiếng Bà mẹ Gio Linh, Bao giờ lấy được đồn Tây - sau sửa lại là Quê nghèo, được Phạm Duy sáng tác trong
thời gian này)…
6 tháng sau, khi Phạm Duy từ chiền trường trở về, lễ
cưới của đôi vợ chồng quê này mới được cử hành dưới sự chủ hôn của Tướng Nguyễn
Sơn. Lễ hỏi giản dị như thế nào thì lễ cưới cũng đơn sơ như thế. Áo cưới của cô
dâu là chiếc áo dài mầu xanh thẫm mang theo từ ngày xa Hà Nội, bây giờ mới có dịp
dùng đến. Chỉ có chiếc quần vải trắng vừa mới may xong.
Hằng ngày Thái Hằng đi dép Nhật hiệu 'con hổ' thì hôm nay cô dâu xỏ đôi guốc
mới toanh. Chú rể mặc bộ đồ quân phục bằng kaki Mỹ, đội mũ ca lô bằng dạ mầu
xanh, chân đi giầy cao cổ…chẳng khác chi hình ảnh cô dâu chú rể trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan: “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới.
Tôi mặc đồ quân nhân. Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân...”
Phạm Duy kể lại: “Tướng
Nguyễn Sơn, chính trị ủy viên Nguyễn Kiện, văn sĩ Nguyễn Đức Quỳnh, nhiếp ảnh
gia Nguyễn Giao (ông thân sinh của ca sĩ Thúy Nga, vợ của Hoàng Thi Thơ), kỹ sư
Nguyễn Dực con của nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh và là bạn đồng học của tôi trong
trường Kỹ Nghệ Thực Hành cùng với dăm ba người nữa... đó là những vị khách quý
đã từ nơi xa hay nơi gần, leo lên xe đạp từ sáng sớm để phóng tới Chợ Neo dự lễ
cưới của chúng tôi…”
Lễ cưới khởi sự lúc nào không biết. Mẹ vợ ra khấn vái
trước bàn thờ vừa mới được dựng lên. Rồi tới phiên chú rể lên gối xuống gối, cô
dâu ngồi xụp xuống đất, làm lễ gia tiên. Khấn vái ông bà ông vải xong, chúng
tôi xin ra lễ sống cha mẹ vợ theo phong tục Việt Nam, nhưng ông bố vợ xua tay: 'Thôi. Đời sống mới mà. Không phải lạy Ba Mợ
nữa.'
Sau khi đã làm xong bổn phận với người chết là tổ tiên
và với người sống là cha mẹ rồi, bây giờ tới thủ tục hành chính. Nhân viên ủy
ban hành chính của xã được mời tới để làm giấy giá thú. Trước mặt mọi người, cô
dâu chú rể cúi xuống mặt bàn còn thơm mùi phở, ký giấy hợp hôn, tay cô dâu run
run. Bây giờ mới lòi ra tên cô dâu là Phạm Thị Quang Thái. Không phải chỉ có Phạm
Thị Thái….
Hai mâm cơm thịnh soạn hơn ngày thường đã được bầy ra
trên hai cái bàn ở trong quán. Gần hai chục người đã ngồi vào bàn ăn. Ông bố vợ
đứng lên mời mọi người cầm đũa, sau khi đã cám ơn quý khách. Tướng Nguyễn Sơn đứng
lên nói vài câu chúc mừng. Giản dị đến độ không có được một cái nhẫn cưới để tặng
cô dâu, nhưng tôi có thể nói ngay ra đây là kể từ hôm nay cho tới 40 năm sau,
chưa bao giờ đôi vợ chồng này to tiếng với nhau một lần.
Ăn xong bữa 'tiệc' cưới, trước khi quý khách ra về,
chúng tôi ra trước cửa Quán Thăng Long đứng xếp hàng cho anh Giao chụp một bức ảnh
kỷ niệm. Riêng cô dâu và chú rể còn có thêm một bức ảnh chụp riêng, hai người nắm
tay nhau đứng ở trong vườn chuối bên cạnh quán. Bức ảnh chụp mọi người trong
đám cưới, khi chúng tôi về thành, ông bố vợ đã cắt bỏ hình tướng Nguyễn Sơn vì
sợ lính Tây khám mà thấy ảnh ông tướng Tư Lệnh thì nguy hiểm lắm…
Đám cưới vừa cử hành xong thì đã thấy ông bố vợ vào
trong làng mua lại một cái ghế dài để ghép vào giường của cô dâu cho hai người
nằm, không quên nói câu nói nằm trong phong tục Việt Nam: ‘Ba giải chiếu cho các con, để vợ chồng con sinh năm đẻ mười như Ba Mợ
nghe'. Thế là từ đêm nay trở đi, tôi không phải kê hai cái bàn ăn làm nơi
ngủ nữa rồi”.
Cưới vợ được 4 tuần thì Phạm Duy được điều về Việt Bắc.
Phạm Duy phải đưa vợ mới cưới cùng đi. Khoảng đường từ Thanh Hóa lên Việt Bắc
hơn 800 cây số phải…đi bộ, nhưng mới đi được nửa đường thì Phạm Duy phát hiện vợ
mình có thai. Lỡ rồi, đi luôn…
Đúng một tháng sau, họ đặt chân lên đất Thái Nguyên.
Liên lạc viên dẫn tới Yên Giã, một khu rừng nằm gần ranh giới hai tỉnh Thái
Nguyên và Bắc Kạn. Ở chung quanh đây không có một gia đình thường dân nào cả.
Khu thung lũng rộng lớn và có núi bao quanh này là An toàn khu (ATK) của tất cả
các cán bộ làm việc trong các cơ quan khác nhau của Trung ương. Mỗi gia đình
cán bộ đều được cơ quan của mình phát cho một mảnh đất rồi có người tới phụ
giúp để dựng lên một cái nhà bằng nứa.
Yên Giã là nơi dành riêng cho các gia đình văn nghệ
sĩ. Lúc này họ đều trở thành hội viên của các Hội Nhà Văn, Hội Hoạ Sĩ, Hội Nhạc
Sĩ, Hội Sân Khấu cả rồi…Vợ chồng Phạm Duy là thượng khách của Nguyễn Xuân
Khoát, Chủ Tịch Hội Nhạc Sĩ Kháng Chiến. Họ được cất cho một mái nhà tranh vách
nứa nằm không xa nhà của vợ chồng Văn Cao là mấy.
Phạm Duy viết trong hồi ký: “Tưởng như là căn nhà bên suối đang nằm ở trong bài một hát bỗng nhảy
ra đây. Đây cũng là cái tổ ấm đầu tiên trong đời tôi, của một gia đình có đôi vợ
chồng son và đứa hài nhi nằm trong bụng mẹ. Nhà có tới ba phòng, phòng ngủ có
cái giường nứa, phòng bếp có cái bếp nứa, phòng tắm có tấm phên cũng bằng nứa.
Thiếu
phòng vệ sinh, nhưng chúng tôi có cả một khu rừng ở đằng sau nhà rồi. Căn nhà nứa
này, tuy có phòng tắm đó nhưng có bao giờ chúng tôi chịu tắm ở trong nhà đâu?
Ai chịu khó vác nước từ suối lên đây? Bà Phạm Duy đi tắm suối là kéo bà Văn Cao
đi cùng. Đi mua thực phẩm hơi xa cho nên cứ cách dăm ba ngày là các bà rủ nhau
cùng đi chợ.
Gạo
ở đây là gạo kháng chiến, khi ăn mà không nhằn miếng cơm cho kỹ là dám sứt răng
vì những hòn sạn. Cũng mua được thịt để ăn nhưng kho xong nồi thịt, chỉ cần một
đêm là thịt kho trở thành thịt đông ngay. Bởi vì ở trong vùng rừng núi này, mỗi
khi đêm xuống thì dù là mùa Hạ, trời cũng trở lạnh như trong mùa Đông…”.
Ở Yên Giã, Phạm Duy gặp lại hầu hết các bạn bè văn nghệ
cũ như vợ chồng Văn Cao, vợ chồng Văn Chung, các nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Đình
Phúc, Xuân Tiên, Xuân Lôi, Lê Văn Vũ Bắc Tiến, Thế Lữ, Võ Đức Diên, Đoàn Phú Tứ,
Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu... và cả người bạn thân Hoàng Cầm.
Đặc biệt là gặp lại anh bạn cùng học trường Mỹ Thuật khi xưa: Mai Văn Hiến. Hoạ
sĩ Mai Văn Hiến rất chiều chuộng Thái Hằng, anh thường tìm hái trong rừng những
quả chua như me, sấu, là những thứ mà người đang có thai rất thèm ăn.
Những ngày ở ATK đã ghi đậm dấu ấn trong hồi ức Phạm
Duy, ông viết: “Đời sống ở Yên Giã quá đẹp.
Bõ công chúng tôi đã rời bỏ một nơi 'an ninh thịnh vượng' là Thanh Hoá để lên
đây ở…”
Hà Đình Nguyên
Nguồn:
https://tintuc.vn/pham-duy-noi-buon-u-uan-va-dam-cuoi-cua-thai-hang-post107405
Phạm Duy và Thái Hằng
https://tintuc.vn/pham-duy-noi-buon-u-uan-va-dam-cuoi-cua-thai-hang-post107405
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ