Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2023

CHỮ TRUNG – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


      
TRUNG là Ở GIỮA, Ở BÊN TRONG. Như Trung Tâm 中心 là ở ngay chính giữa và Tâm Trung 心中 là ở ngay trong lòng. TRUNG là chữ viết được hình thành theo phép Chỉ Sự với diễn tiến của chữ viết như sau:
 
     Giáp Cốt Văn    Kim Văn        Đại triện        Tiểu Triện     Lệ Thư
 
Ta thấy:   
        
Giáp Cốt Văn và Kim Văn là một hình chữ nhật và một hình tròn được sổ một gạch đứng chia đôi để chỉ vị trí ở giữa; nên TRUNG có nghĩa gốc là ở ngay chính giữa do cách Chỉ Sự nầy. Đến Đại Triện thêm 2 vạch trên tiêu biểu cho phần thượng và 2 vạch dưới tiêu biểu cho phần hạ  để càng làm nổi bật phần TRUNG là ở giữa hơn. Nhưng đến Tiểu Triện thì lại được lượt bỏ đi cho khỏi rườm rà và kịp đến phần Lệ Thư thì diễn tiến đã giống như chữ viết hiện nay: TRUNG là GIỮA.
Cho nên...     
TRUNG là điểm HÒA của bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, là TRUNG ƯƠNG 中央, là TRUNG TÂM 中心, là Điểm chia đều của Trên Dưới, Phải Trái và Bốn Phương.


Ngày xưa khi khoa học Địa Lý chưa được phát triển, thì dân tộc Hán cho mảnh đất của mình ở là bình nguyên trung tâm, nên mới gọi là Đất TRUNG NGUYÊN 中原, và so với bốn phương những bộ tộc khác chưa được khai hóa thì Hán Tộc là bộ tộc tinh hoa nhất, nên mới gọi là đất TRUNG HOA 中華. Qua biết bao thăng trầm lịch sử xuyên suốt hơn năm ngàn năm, mãi đến Cách Mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên tiên sinh 孫中山先生 thành công, tên nước mới được đặt là TRUNG HOA DÂN QUỐC 中華民國.
     
Như trên đã nói TRUNG là ở bên trong, như TÂM TRUNG 心中 là Ở Trong lòng; PHÒNG TRUNG 房中 là Ở Trong Phòng, XA TRUNG 車中 là Ở Trong Xe...Cả nghĩa bóng "TRONG ÂM THẦM" gọi là ÁM TRUNG 暗中 là Len Lén. GIA TRUNG 家中 là Trong Nhà, mà cũng có nghĩa là Trong Gia Đình nữa.
      TRUNG còn chỉ việc gì đó bị bỏ dở nữa chừng, như TRUNG ĐOẠN 中斷, TRUNG CHỈ 中止 là Đình chỉ giữa chừng, là Ngưng ngang.
      TRUNG còn chỉ việc gì đó đang được tiến hành, như DƯỢC TẠI NGHIÊN CỨU TRUNG 藥在研究中 là "Thuốc còn đang nghiên cứu"; TẠI ĐIỀU TRA TRUNG 在調查中 là Còn đang điều tra...
      TRUNG là thành phần không trên cũng không dưới; Không phải cũng không trái, Không giỏi cũng không dở, không đẹp cũng không xấu... Ta có từ tiêu biểu là:
      TRUNG BÌNH 中平 : BÌNH là Bằng, nên Trung Bình là Mức bằng của phần giữa, không hơn không kém, không tốt không xấu, không cao không thấp...
      TRUNG còn có nghĩa là môi giới, như TRUNG GIAN NHÂN 中間人 là Người Trung Gian, Người đứng giữa, là Người môi giới.
      TRUNG là một nửa, như TRUNG ĐỒ 中途 là Nửa Đường. TRUNG DẠ 中夜 là Nửa Đêm.
      TRUNG là ở bên dưới, như ÂM PHỦ TRUNG 陰府中 là Ở dưới Âm Phủ; THỦY TRUNG 水中 là Ở dưới nước; ĐỊA TRUNG 地中 là Ở dưới đất, mà cũng có nghĩa là ở trong đất nữa; Ta có từ ĐỊA TRUNG HẢI 地中海 là Cái biển ở trong đất liền.
 
       
TRUNG là ở trên, như KHÔNG TRUNG 空中 là Trên Không, Trên Trời; SƠN TRUNG 山中 là Trong núi, Trên Núi. Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
             
山中也有千年樹, Sơn trung dã hữu thiên niên thọ,                
世上難逢百歲人。 Thế thượng nan phùng bá tuế nhân. 
 
Có nghĩa:
            
Trên núi còn có cây sống đến cả ngàn năm, chớ...           
Trên đời nầy rất khó mà gặp được người sống đến một trăm tuổi.
   
Câu nói nầy bị "phá sản" hoàn toàn trong xã hội ngày nay ! Nạn phá rừng tràn lan, muốn kiếm cây sống đến một trăm năm còn khó, nói gì đến ngàn năm. Còn con người, thì ôi thôi, Y học, khoa học tiến bộ, nhan nhản khắp mọi nơi trên trái đất ở đâu cũng có người sống trên một trăm tuổi cả!
     
TRUNG còn là những gì thuộc về TRUNG QUỐC 中國, như TRUNG VĂN 中文 là Tiếng Trung Quốc; TRUNG DƯỢC 中藥 là Thuốc Bắc, Thuốc Trung Quốc; TRUNG CỘNG 中共 là Cộng Sản Trung Quốc...       
TRUNG LẬP 中立  là Đứng giữa, chỉ những nước theo Chủ nghĩa Trung Lập hay Chính Sách Trung Lập là một vị thế chính sách ngoại giao khi một quốc gia có ý định giữ vai trò trung lập trong các cuộc chiến tranh trong tương lai... Tiêu biểu như Áo, Thụy Điển và Phần Lan của Châu Âu trong thời gian qua.
    
TRUNG còn có nghĩa là Trong Lúc... Như DU LỊCH TRUNG 遊歷中 là "Trong lúc đi du lịch"; ẨM TỬU TRUNG 飲酒中 là "Trong lúc đang uống rượu, đang nhậu". Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
               
酒中不語真君子,TỬU TRUNG bất ngữ chơn quân tử,            
財上分明大丈夫.   Tài thượng phân minh đại trượng phu.
 
Có nghĩa:
            
- Nhậu chẳng nói năng, quân tử thật!            
- Tiền tài rõ rệt đấng trượng phu.              
      
Thường thì rượu vào lời ra, dân nhậu rất hào phóng cứ uống vào là phóng miệng nói tràn; Những thứ bình thường không dám nói, không dám hứa, hễ có rượu vô thì bất chấp tất cả, nên có lắm chuyện tốt nhờ có rượu mà thực hiện được, nhưng thường thì chỉ do rượu nói chớ sức người làm không nổi. Nên, những người quân tử chân chính khi uống rượu không dám nói nhiều. Còn kẻ đại trượng phu thì quang minh chính đại, nhất là về mặt tiền bạc, dù cho một cắc một xu cũng phải phân minh rõ rệt đàng hoàng!
 
            
      
Điểm qua một số từ ngữ có chữ TRUNG từ xưa đến nay. Ta có:
       
- TRUNG DUNG 中庸 là một trong TỨ THƯ 四書. Ba quyển còn lại là ĐẠI HỌC 大學, LUẬN NGỮ 論語, MẠNH TỬ 孟子. TRUNG DUNG do Tử Tư 子思 là học trò của Tăng Tử (cháu nội của Khổng Tử) dựa trên cơ sở của Kinh Lễ soạn ra. Mục đích là giữ cho ý nghĩ và việc làm luôn luôn ở mức trung hòa, không thái quá, không bất cập và phải cố gắng ở đời theo nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, cho thành người quân tử...     
- TRUNG ĐẠI PHU 中大夫 : Chức quan có từ thời Chiến Quốc, Tần Hán... ở giữa Thượng Đại Phu và Hạ Đại Phu.      
- TRUNG TƯỚNG 中將 : Chức quan trong quân đội hiện nay, dưới Thống Tướng Đại Tướng (Thượng Tướng) và trên Thiếu Tướng Chuẩn Tướng.      
- TRUNG TÁ 中校 : Sĩ quan cao cấp, dưới Đại Tá và trên Thiếu Tá.
- TRUNG ÚY 中尉 : Sĩ quan dưới Đại Úy (Thượng Úy) và trên Thiếu Úy Chuẩn Úy.
- TRUNG SĨ 中士 : Hạ sĩ quan dưới Thượng Sĩ và trên Hạ Sĩ. 
- TRUNG CẤP 中級 : Ở giữa Cao Cấp và Sơ Cấp.
- TRUNG HỌC 中學 : Là Cấp học ở giữa Đại Học và Tiểu Học.
- TRUNG VỆ 中衛 : Là Cầu thủ bảo vệ giữa sân trước Hậu Vệ và sau Tiền Vệ trong môn Túc cầu (Bóng đá). 
- TRUNG TUYẾN 中線 : Là Đường thẳng được kẻ để chia đôi trong Hình học.
- TRUNG ĐÔNG 中東 : Tiếng Anh là Middle East, chữ Ả Rập là الشرق الأوسط, chữ Hebrew là המזרח התיכון, chữ Ba Tư là خاورمیانه. TRUNG ĐÔNG là phần lãnh thổ chỉ bộ phận khu vực trung tâm của 3 Châu Lục : Á, Âu và Phi; từ phía đông và phía nam Địa Trung Hải đến sát ven bờ vịnh Ba Tư, bao gồm phần lớn Tây Á (trừ khu vực Ngoại Kavkaz) và Ai Cập thuộc châu Phi. Gồm 17 nước, có diện tích khoảng 7,2 triệu kilômét vuông, dân số khoảng 371 triệu.
 
 
- TRUNG QUÂN 中軍 là nơi Chủ Soái, và các tướng quân trong quân đội họp hành làm việc, bàn kế hoạch quân cơ. Như trong Truyện Kiều, khi Hồ Tôn Hiến đưa thư chiêu dụ Từ Hải đầu hàng, cụ Nguyễn Du đã viết:
                   
Tin đưa vào giữa TRUNG QUÂN,              
Từ Công riêng hãy mười phân hồ đồ.
      
- QUÂN TRUNG 軍中 là ở trong quân đội, chỉ chung lực lượng trong quân đội, như khi Từ Hải cho giàn giá quân đội lập công đường cho Thúy Kiều báo ân báo oán thì cụ Nguyễn Du cũng đã viết những câu để phô trương lực lượng quân đội như sau:
                
QUÂN TRUNG gươm lớn giáo dài,               
Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi.                    
Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,               
Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.
 
 
Nếu theo phép Hội Ý trong "CHỮ NHO... DỄ HỌC", ta thêm bộ TÂM vào bên dưới của chữ TRUNG là ta sẽ có một chữ TRUNG mới, theo diễn tiến chữ viết như sau:
 
       
Giáp Cốt Văn       Đại Triện       Tiểu Triện         Lệ Thư         Khải Thư
 
Ta thấy:
      
Chữ TRUNG là ở giữa, ở trong, thêm bộ TÂM là Lòng vào bên dưới; kể về Âm thì là Hài Thanh, vì vẫn đọc là TRUNG; kể theo nghĩa thì là Hội Ý, vì TRUNG nầy có bộ TÂM nên có nghĩa là Hết lòng, là TRUNG THÀNH 忠誠, là làm hết bổn phận mà không có gì làm lay chuyển được.
      
Ta có các từ TRUNG thường gặp như:

   - TRUNG TÂM 忠心 là Lòng trung thành.
   - TRUNG THỰC 忠實 là Trung hậu thật thà.
   - TRUNG HẬU 忠厚 là Trung thành khoan hậu.
   - TRUNG NGHĨA 忠義 là lòng Trung can nghĩa đãm.
   - TRUNG TRINH 忠貞 là tấm lòng Trung trinh tiết liệt.
             
Phép tu thân của kẻ sĩ ngày xưa ngoài TRUNG ra còn phải có HIẾU nữa. Đó là hai thứ đức hạnh không thể thiếu của các Nho sinh sĩ tử ngày xưa, như cụ Nguyễn Công Trứ đã nói trong bài "Chức Phận Kẻ Trượng Phu" là:
               
Có TRUNG HIẾU mới đứng trong trời đất,               
Không công danh thà nát với cỏ cây!
             
Không phải riêng gì Nguyễn Công Trứ, nàng Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi muốn khuyên Từ Hải quy thuận triều đình cũng đã suy luận rằng:
                     
Trên vì nước, dưới vì nhà,               
Một là đắc HIẾU, hai là đắc TRUNG!
 
 ... có ngờ đâu rằng bị Hồ Tôn Hiến gạt cho một cú thê thảm, làm cho Từ Hải phải chết trận và bản thân Thúy Kiều cũng bị Hồ ép gã cho Thổ quan để đến nỗi phải nhảy xuống sông Tiền Đường mà tự trầm...
 

Chữ TRUNG ngày xưa là TRUNG QUÂN ÁI QUỐC 忠君愛, có nghĩa: Yêu nước là phải TRUNG với vua và phải hết lòng vì nước. Như thành ngữ TẬN TRUNG BÁO QUỐC 盡忠報國 là "Phải hết lòng hết dạ báo đáp cho nước nhà, cho Tổ quốc. Theo Tống sử...
      
NHẠC PHI 岳飛(1103-1141tự là Bằng Cử 鵬舉, người ở đất Thang Âm Tương Châu (thuộc tỉnh Hà Nam hiện nay) là một anh hùng dân tộc đời Tống. Lúc 19 tuổi đã đầu quân kháng Liêu, nhưng vì cha mất nên phải về quê thủ tang. Năm 1126, quân Kim lại xâm lấn trung nguyên, ông lại một lần nữa đầu quân gia nhập quân đội để kháng Kim. Tương truyền là trước khi lên đường, bà mẹ là Dao Thị 姚氏 đã dùng kim may xâm lên trên mình ông 4 chữ "TẬN TRUNG BÁO QUỐC 盡忠報國", ý bà mẹ là muốn cho ông luôn luôn phải hết lòng vì nước, thậm chí phải hy sinh thân mình mà không được phản bội lại quốc gia dân tộc. Qủa nhiên ông đã trở thành một danh tướng của thời Nam Tống. Ông lại là một Tướng quân văn võ song toàn, nổi tiếng với bài từ "Mãn Giang Hồng 滿江紅" nêu lên sự trung thành và lòng dũng cảm, ý chí và tinh thần đấu tranh bất khất của người chiến sĩ quyết lòng bảo vệ giang san Tổ quốc. Năm 1133 Nhạc Phi liên tiếp lập được nhiều chiến công hiển hách, vua Tống Cao Tông đã tự tay viết bốn chữ "TINH TRUNG NHẠC PHI 精忠岳飛" và Hoàng hậu lại thêu 4 chữ đó lên trên cờ để ban thưởng cho ông, vì thế mà người đời sau xem trọng lời nói của vua ban mới kháo nhau là bà mẹ của ông đã xâm bốn chữ "TINH TRUNG BÁO QUỐC 精忠報國" lên lưng của ông. Nhưng theo Tống sử, Hà Chú Truyện《宋史·何鑄傳》thì trên lưng  của Nhạc Phi đã lờ mờ có sẵn bốn chữ TẬN TRUNG BÁO QUỐC 盡忠報國 rồi, trước đêm lên đường nhập ngũ, bà mẹ mới dùng kim thêu dưới ánh đèn dầu xâm lại cho rõ 4 chữ trên như một lời nhắn nhủ nhắc nhở con luôn luôn phải Tận Trung để Báo Quốc mà thôi. Cũng có thuyết cho rằng : Bốn chữ đó là do Nhạc Phi lệnh cho bộ tướng của mình là Trương Hiến 張憲 xâm lên lưng cho mình. Nhưng...
      
TẬN TRUNG 盡忠 hay TINH TRUNG 精忠 gì đều có nghĩa là hết lòng hết dạ, một mực trung thành với non sông đất nước cả. Nhưng theo "Tập Quán Ngôn Ngữ" khi muốn nói là "Tôi sẽ hết lòng trung thành với nước nhà" thì sẽ nói là : Tôi sẽ TẬN TRUNG 盡忠 để BÁO QUỐC; còn TINH TRUNG 精忠 BÁO QUỐC là chỉ để cho người khác khen mình là "Hết Lòng Vì Nước" mà thôi !
 
 
Nhắc đến danh tướng Nhạc Phi, thì không thể không nhắc đến "VÕ MỤC DI THƯ 武穆遺書" còn có tên là "PHÁ KIM YẾU QUYẾT 破金要訣". Đây là quyển binh pháp kỳ thư do Nhạc Phi biên soạn, theo hư cấu trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, quyển sách nầy được vợ chồng Quách Tĩnh và Hoàng Dung dấu trong Đồ Long Đao và Ỷ Thiên Kiếm được các phe phái trong võ lâm tranh chấp trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龍記" gây nên sóng gió một thời. Gần đây quyển "VÕ MỤC DI THƯ" được xuất bản bày bán khắp nơi, nhưng khó mà chứng thực được rằng quyển sách nầy do tự tay Nhạc Phi biên soạn, vì trong đó còn có phần nói về võ thuật chứ không chuyên về binh thư; Vả lại theo chính sử thì không có nhắc đến quyển sách nầy, cả về lịch sử của các loại sách binh thư cũng không có nhắc đến, nên quyển binh thư nầy chắc chỉ là sản phẩm do các con cháu của Nhạc Phi gom góp lại những kinh nghiệm điều binh khiển tướng của Nhạc Phi lúc đương thời, trong đó có cả pho NHẠC GIA QUYỀN 岳家拳 là Quyền pháp của nhà họ Nhạc và phần còn lại là...  hư cấu của Kim Dung mà thôi.
 

Trong xã hội ngày nay, bản chất đạo đức con người cần nhất là TRUNG HẬU THẬT THÀ; là lòng ngay thẳng và thành thật, không dối trá, không gian xảo, có sao nói vậy.
        
TRUNG THỰC 忠實 còn có nghĩa là:"Hết lòng hết dạ lo cho công việc của mình mà không dám chểnh mảng đơn sai". Con người có TRUNG THỰC thì mới thể hiện được sự TRUNG THÀNH của mình đối với công việc hay đối với một đối tượng nào đó.
 
TRUNG còn có nghĩa là Thẳng Thắn không khách sáo, như trong thành ngữ TRUNG NGÔN NGHỊCH NHĨ là "Lời nói thẳng nghe ngược tai". Ý là : Lời nói thẳng thắn trung thực nghe chỏi cái lổ tai, nghe không êm ái chút nào cả. Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:
                
忠言逆耳利于行,   TRUNG NGÔN NGHỊCH NHĨ lợi vu hành,  
药苦口利于病.   Lương dược khổ khẩu lợi vu bệnh.

Có nghĩa:
        
- Lời nói thắng thắn nghe rất chỏi tai nhưng có lợi lúc thi hành nó;
- Thuốc hay thường rất đắng miệng nhưng lại có lợi cho bệnh tật.
 
Câu nói nêu trên có 2 xuất xứ như sau:
     
1. Từ chương "Lưu Hầu Thế Gia, trong sách Sử Ký ·留侯世家" như sau: 
          
Năm 207 Trước Công Nguyên, Bái Công Lưu Bang dẫn mười vạn quân công phá Nghiêu Quan, đánh bại tướng Tần thủ Quan Trung ở Lam Điền, rồi dẫn nghĩa quân tiến thẳng vào thành Hàm Dương một cách thuận lợi và trước hơn các đạo quân khác. Bái Công bị thu hút ngay bởi sự hào hoa tráng lệ trong cung nhà Tần, nên định ở nán lại để sống xa hoa cho thỏa thích. Tướng Phàn Khoái mà cũng là anh em cột chèo với Lưu Bang khuyên ông ta không nghe. Trương Lương biết chuyện vào cung dùng lời lẽ cứng rắn phân tích lợi hại cho Lưu Bang biết :"...sở dĩ Tần bị bại là do chỉ biết ăn chơi sa đọa, do đó nghĩa quân của Chúa công mới đánh thắng để vào được nơi đây; nay Chúa công cũng muốn bị bại theo vua Tần hay sao mà lại muốn sống cuộc sống xa hoa hủ bại nầy? Lời của thần khuyên tuy khó nghe, nhưng "Trung ngôn nghịch nhĩ lợi vu hành", cũng như "Lương dược khổ khẩu lợi vu bệnh" vậy ! Mong Chúa công soi xét mà nên nghe lời khuyên của Phàn Khoái!". Bái Công thấy các tướng đều khuyên răn, nên đành phải lưu luyến bịn rịn mà kéo quân rời khỏi cung nhà Tần để trở về đóng nơi Bá Thượng và ra lệnh cho quân sĩ không được quấy nhiễu dân lành.
     
2. Theo sách "Khổng Tử Gia Ngữ 孔子家語 do Vương Túc nước Ngụy thời Tam Quốc biên soạn, và quyển "Nho Gia Giả Ngôn 儒家者言" là quyển sách được bồi táng chôn theo Trung Sơn Hoài Vương Lưu Tu ở cuối đời Tây Hán. Hai quyển sách trên đều có ghi câu nói trên.
 

Lời nói a dua xiểm nịnh nghe mới êm tai, chớ lời nói thẳng thừng thì luôn luôn nghe chỏi cái lổ tai lắm. TRUNG NGÔN thì tự nhiên sẽ NGHỊCH NHĨ mà ! Ông bà ta cũng chẳng đã thường  dạy  là: "Thuốc đắng thì dã tật, Lời thật thì mất lòng" hay sao !? Mong rằng tất cả con cháu luôn luôn phải nhớ rằng:
                     
道吾好者是吾賊,      Đạo ngô hảo giả thị ngô tặc,                      
道吾惡者是吾師。    Đạo ngô ác giả thị ngô sư.
 
Có nghĩa:       
- Cái người luôn luôn nói ta tốt ta giỏi là giặc của ta (là người xấu đó !); còn...        
- Cái người luôn luôn nói ta xấu ta dở thì người đó chính là thầy của ta đó!
      
Mong rằng tất cả đều phải nên châm chước cẩn trọng!
 
                                                                               杜紹德
                                                                        ĐỖ CHIÊU ĐỨC
    

1 nhận xét:

  1. CÁM ƠN CHỦ TRANG GIỚI THIỆU!
    CÁM ƠN BÁC ĐỖ CHIÊU ĐỨC ĐÃ CÓ BÀI VIẾT THÚ VỊ VỀ CHỮ "TRUNG"!

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ