Trang

Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

PHIẾM VỀ CHỮ LẠC – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


Nhất Diệp Tri Thu 一葉知秋
                               
LẠC là Vui, LẠC là Liên Lạc 聯絡, LẠC là con Lạc Đà 駱駝... Trong bài viết nầy ta chỉ đề cập đến LẠC là Rơi, là Rụng, là Rớt... Theo "Chữ Nho... Dễ Học" thì chữ LẠC thuộc dạng Hài Thanh, có diễn tiến chữ viết như sau :
 
          Đại Triện        Tiểu Triện              Lệ Thư               Khải Thư
 
Ta thấy:
           
Qua Đại Triện Tiểu Triện đều có bộ dạng của chữ Thảo bên trên, đến chữ Lệ chữ Khải thì đã hình thành bộ Thảo như chữ viết hiện nay; phần bên dưới là diễn tiến của chữ Lạc dùng để chỉ Âm Đọc, còn phần trên bộ Thảo là Hoa Cỏ dùng để chỉ Ý Nghĩa. Nên nghĩa gốc của  chữ LẠC là chỉ "Sự Rơi, Rụng của Cây Cỏ Lá Hoa".
Như 2 câu cổ thi sau đây:
                          
梧桐一葉落,    Ngô đồng nhất diệp lạc,                          
天下共知秋。    Thiên hạ cộng tri thu.
 
Có nghĩa:
              
- Một lá ngô đồng rơi rụng,              
- Thiên hạ đều biết thu sang!
 
      
Từ đó hình thành thành ngữ NHẤT DIỆP TRI THU 一葉知秋 : Chỉ cần một chiếc lá thôi thì đã biết mùa thu đã đến rồi. Trong truyện Kiều để diễn tả mùa thu đã đến từ lâu, cụ Nguyễn Du đã cho đến vài chiếc lá ngô đồng rơi rụng, khi tả đoạn Thúc Sinh về nhà thăm Hoạn Thư:
                        
Thú quê thuần hức vén mùi,                   
Giếng vàng đã rụng Một Vài Lá Ngô.
      
LẠC DIỆP 落葉 là Lá rơi. LÁ RƠI lại làm cho ta nhớ đến 2 câu thơ bất hủ của nhà thơ Giả Đảo trong bài Ức Giang Thượng Ngô Xử Sĩ 憶江上吳處士 :
                           
秋風吹渭水,      Thu phong xuy Vị Thủy,                               
落葉滿長安。      LẠC DIỆP mãn Trường An.
 
Có nghĩa:
                            
Gió thu sông Vị sóng vây,                   
Lá thu theo gió rụng đầy Trường An!
        
"Lạc diệp mãn Trường An" gợi lên hình ảnh trời thu ngút ngàn với lá vàng rơi rụng phủ kín cả thành Trường An. Quả là một cảnh thu gợi hình và nên thơ vô hạn! Trong Đào Hoa Nguyên Ký của Đào Tiềm đời Tấn thì gọi hoa rụng đầy trời là LẠC ANH TÂN PHÂN 落英繽紛 khi ông lạc vào cảnh Đào Nguyên:
                           
芳草鮮美,     Phương thảo tiên mỹ,                            
落英繽紛.     Lạc anh tân phân!
 
Có nghĩa:
                       
Cỏ non thơm ngát đâu đây,               
Hoa đào theo gió rụng đầy khắp nơi!
 
      
Thành ngữ LẠC ANH TÂN PHÂN 落英繽紛"Hoa rụng tơi bời" lại làm cho ta nhớ đến LẠC ANH CHƯỞNG PHÁP 落英掌法 của Đào Hoa Đảo Chủ Hoàng Dược Sư trong truyện Anh Hùng Xạ  Điêu của Kim Dung, ông đã sáng tác chưởng pháp HOA RỤNG nầy dạy cho con gái Hoàng Dung để phòng thân, vì khi múa lên thì như có muôn ngàn đóa hoa rơi chung quanh để bảo vệ thân mình, nên mới đặt tên là LẠC ANH 落英 (Hoa Rụng) chưởng pháp.
       
ANH là tinh anh của cây cỏ, nên cũng có nghĩa là Hoa. LẠC ANH tức là LẠC HOA 落花. Trong văn học cổ ta hay gặp nhóm từ Lạc Hoa Lưu Thủy 落花流水 là Hoa rụng nước chảy, nhưng ta thường nói thành "Nước chảy hoa trôi" như trong câu nói: Lạc hoa hữu ý, Lưu thủy vô tình 落花有意,流水无情。Là Hoa rơi có ý mà nước chảy vô tình; thường dùng để chỉ "Muốn người ta người ta không muốn, Xách cây dù đi xuống đi lên" mà nào ai có thấu hiểu cho đâu !
        
LẠC HOA là Hoa rụng, nên Mùa Hoa Rụng được gọi là LẠC HOA THỜI TIẾT 落花時節, thường dùng để chỉ khoảng thời gian cuối xuân đầu hạ, như 2 câu thơ trong bài "Giang Nam phùng Lý Quy Niên 江南逢李龜年" của Thi thánh Đỗ Phủ :
                    
正是江南好風景,  Chính thị giang nam hảo phong cảnh,        
落花時節又逢君。  LẠC HOA THỜI TIẾT hựu phùng quân.
 
Có nghĩa:
                    
Đúng lúc Giang nam phong cảnh đẹp,                    
Đang mùa hoa rụng lại tương phùng.
      
Giống như Lá rơi, hoa rơi, mưa rơi là LẠC VŨ 落雨, Tuyết rơi là LẠC TUYẾT 落雪, Lệ rơi là LẠC LỆ 落淚... Nhưng LẠC THỦY không phải là Nước rơi, mà là Rơi xuống nước. Ta có thành ngữ LẠC THỦY CẨU 落水狗 là Con chó té xuống nước, chỉ những kẻ xấu xa bị báo ứng trông nhếch nhác thảm hại như con chó bị té xuống nước vậy ! Nhưng THỦY LẠC 水落 lại có nghĩa là nước rút xuống, lấy ý một câu trong bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Đông Pha là THUỶ LẠC THẠCH XUẤT 水落石出. Có nghĩa Khi nước rút xuống thì đá sẽ bày ra. Thành ngữ nầy dùng để chỉ việc gì đó đã được rõ ràng minh bạch, không còn gì nghi ngờ hay khuất lấp nữa.
        
Ta lại có từ LẠC NHẬT 落日 là Mặt trời lặn, là Nắng đã xế chiều, như trong 2 câu thơ của Thi tiên Lý Bạch trong bài Tống Hữu Nhân như sau:
                          
浮雲遊子意,      Phù vân du tử ý,                          
落日故人情。   Lạc nhật cố nhân tình!
 
Có nghĩa:
                  
Ý người du tử mây trôi nổi,                  
Tình cố nhân kia tựa nắng chi
 
Người du tử ra đi như đám mây trôi nổi khắp bốn phương trời vô định, còn tình của kẻ cố nhân thì quyến luyến tựa ánh nắng chiều bám víu mãi không thôi. Quả là tình ý thiết tha sâu đậm biết bao nhiêu!  Còn trăng lặn thì đã có 2 câu thơ nổi tiếng trong bài Phong Kiều Dạ Bạc 楓橋夜泊 của Trương Kế 張繼 đời Đường là:
                       
月落烏啼霜滿天,      NGUYỆT LẠC ô đề sương mãn thiên,         
江楓漁火對愁眠.      Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.
 
Có nghĩa:
                      
Trăng lặn quạ kêu sương đầy trời,                      
Hàng phong sầu đối lửa chài phơi.
       
LẠC là rơi là rớt cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như "Đôi mắt em như 2 vì sao Lạc" là lời nói "xạo" để lấy lòng người đẹp. LẠC ĐỀ 落題 là "Rớt" khỏi đề tài của người ta đưa ra hay yêu cầu. Đi thi mà LẠC ĐỀ 落題 sẽ đưa đến LẠC ĐỆ 落第. Lạc Đệ là rớt khỏi các bậc thang mà người ta xếp hạng, nên LẠC ĐỆ 落第 là Thi rớt, như LẠC ĐỆ TRẠNG NGUYÊN 落第狀元, LẠC ĐỆ TÚ TÀI 落第秀才... Thi Rớt còn có một thành ngữ rất hay, rất lý thú là DANH LẠC TÔN SƠN 名落孫山, theo như tích sau đây:
     
Vào đời nhà Tống có thư sinh tài tử, tên là Tôn Sơn 孫山 tính tình vui vẻ lại thích nói đùa, nên mọi người đều gọi anh ta là "Hoạt kê Tài tử 滑稽才子". Có một bận, anh ta cùng với con trai nhà hàng xóm ra tỉnh thành ứng thi Cử Nhân. Khi bảng vàng được trương ra, anh ta thấy tên mình đậu ở cuối bảng, nhưng lại không thấy tên của con người hàng xóm. Khi về đến thôn làng, người hàng xóm đón anh ta lại để hỏi thăm xem con của mình có đậu được Cử Nhân hay không. Với tính hài hước cố hữu, hơn nữa lại sợ làm đau lòng người hàng xóm, anh ta bèn đáp rằng : “Giải Nguyên tận xứ thị Tôn Sơn, Hiền lang cánh tại Tôn Sơn ngoại 解元盡處是孫山,賢郎更在孫山外!. Có nghĩa: Người đậu Giải Nguyên (cách gọi tôn xưng đối với người đậu Cử Nhân) cuối cùng là Tôn Sơn tôi đây, còn tên con của bà thì ở phía ngoài tên Tôn Sơn của tôi nữa! Tôi là người đậu cuối bảng rồi, con của bà ở phía sau tên của tôi nữa là nó đã "rớt mất tiêu" rồi! Câu nói vừa khôi hài vừa an ủi, tên con của bà đứng sát tên của tôi là khoa tới nó sẽ đậu đó.
       
Từ đó về sau, người ta gọi người thi rớt là DANH LẠC TÔN SƠN, hay người thi rớt tự nói cho đỡ ngượng là: "Kỳ thi này, tôi đã DANH LẠC TÔN SƠN 名落孫山 rồi!
                          
Đi theo không kịp người khác, bị rớt lại phía sau thì gọi là LẠC HẬU 落後, không cập nhật, theo không kịp người khác về các mặt văn hóa, xã hội, tư tưởng... đều gọi là LẠC HẬU. Còn thất sở thân sơ lang thang đây đó thì gọi là LƯU LẠC 流落, nhất là sau 1975, người Việt Nam ta Lưu Lạc khắp nơi trên thế giới, gọi là LƯU LẠC THA PHƯƠNG 流落他方 lang thang nơi dị quốc. Còn LIÊU LẠC 寥落 là Cô Liêu Hoang Lạc 孤寥荒落, là thưa thớt, vắng vẻ, quạnh quẽ, như bài thơ Hành Cung 行宮 của Nguyên Chẩn 元稹 đời Đường:
                          
寥落古行宮,    LIÊU LẠC cổ hành cung,                          
宮花寂寞紅。    Cung hoa tịch mịch hồng.                        
白頭宮女在,    Bạch đầu cung nữ tại,                          
閒坐說玄宗。    Nhàn tọa thuyết Huyền Tông.
 
Có nghĩa:
                        
Vắng vẻ hành cung xưa,                        
Cung hoa đỏ lưa thưa.                        
Tóc trắng người cung nữ,                        
Kể chuyện Huyền Tông xưa!     
 

LƯU LẠC 流落 là cuộc sống nổi trôi, lang thang rày đây mai đó, nhưng LẠC PHÁCH 落魄 (còn được đọc là LẠC THÁC) lại là cuộc sống phóng túng điểm chút hào hùng của những người thích tự do tự tại với thói sống giang hồ, nên ta lại có thành ngữ LẠC PHÁCH GIANG HỒ 落魄江湖 để chỉ những kẻ ăn chơi bạt mạng bất cần đời, không hại ai nhưng cũng chẳng giúp ích gì cho xã hội, như bài thơ Khiển Hoài 遣懷 phóng túng của nhà thơ Đỗ Mục 杜牧 trong buổi Tàn Đường sau đây:
            
 落魄江湖載酒行,Lạc phách giang hồ tải tửu hành,              
楚腰纖細掌中輕。 Sở yêu tiêm tế chưởng trung khinh.           
十年一覺揚州夢, Thập niên nhất giác Dương Châu mộng,      
贏得青樓薄幸名。 Doanh đắc thanh lâu bạc hãnh danh!
 
Có nghĩa:
               
Bầu rượu giang hồ khắp lữ trình,               
Eo thon mình nhẹ khéo là xinh.               
Mười năm tỉnh giấc Dương Châu ấy,               
Nổi tiếng lầu xanh kẻ bạc tình!
 

Câu cuối của bài thơ đã được cụ Nguyễn Du mượn lời để nói về anh chàng Sở Khanh trong Truyện Kiều là ...
                      
Bạc tình nổi tiếng lầu xanh,              
(Một tay chôn biết mấy cành phù dung!)     
     
LẠC NHẠN TRẦM NGƯ 落雁沉魚 là Chim sa cá lặn, chỉ 2 người đẹp Vương Chiêu Quân và Tây Thi gái đất Việt. Vương Chiêu Quân đẹp đến nổi khi đi ra cửa ải Nhạn Môn Quan chim nhạn trông thấy nàng đều sa cả xuống bãi cát không bay lên nổi; Từ tích nầy lại hình thành một thành ngữ khác là BÌNH SA LẠC NHẠN 平沙落雁 là tên một khúc cổ cầm có từ đời Đường do Trần Tử Ngang biên soạn, qua các đời Tống, Nguyên, mãi đến đời Minh 1634 mới  được  sưu tập lại trên 50 bài bản phổ biến đến hiện nay. 

Nhưng ...      

Thành ngữ mà Hoa Việt gì đều thông dụng cả, đó chính là LẠC DIỆP QUY CĂN 落葉歸根 mà ta thường nói thành "Lá rụng về cội".  Còn làm việc hay xử lý sự việc đâu ra đó hẵn hoi, đầy đủ tình lý đàng hoàng thì gọi là QUANG MINH LỖI LẠC 光明磊落.     
LẠC còn là một đơn vị hành chánh, như THÔN LẠC 村落 là Xóm Làng. BỘ LẠC 部落 là một bộ tộc của đồng bào thiểu số. VIỆN LẠC 院落 hay ĐÌNH LẠC 庭落 là chỉ Một góc sân trong nhà.
        
LẠC còn là tên của một khúc hát dân gian, như LIÊN HOA LẠC 蓮花落 là tên của một khúc hát của Cái bang ở miền bắc Trung Hoa. Đọc truyện võ hiệp của Kim Dung sẽ thấy đám đệ tử của Bắc Cái Hồng Thất Công khi lập Đả Cẩu Trận sẽ hát khúc Liên Hoa Lạc nầy để cùng tiến cùng lui cùng công cùng thủ.
                    
Hồng Thất Công và Kiều Phong: Bang chủ Cái Bang
      
Trong bài "Vọng Lư Sơn Bộc Bố" (Ngắm thác nước Lư Sơn) của Thi Tiên Lý Bạch có 2 câu cuối rất hay như sau:
                     
飛流直下三千尺, Phi lưu trực há tam thiên xích,                    
疑是銀河落九天     Nghi thị Ngân Hà LẠC cửu thiên.
 
Có nghĩa:
                     
Bay thẳng từ cao ba ngàn thước,                     
Cứ ngỡ Ngân Hà rớt khỏi mây!
      
Với thủ pháp nghệ thuật điêu luyện, Thi Tiên Lý Bạch đã đã tả lại vẻ hùng vĩ tráng lệ của con thác Lư Sơn như từ trên chín từng mây đổ xuống qua sương khói của đỉnh Hương Lư sầm sập trút thẳng xuống như dãy Ngân Hà nghiêng đổ. Lời thơ mạnh mẽ với các từ như "Phi lưu trực há: Chảy như bay đổ thẳng xuống!", "Ngân Hà LẠC cửu thiên: là Ngân Hà RƠI từ trên chín từng trời rơi xuống!"

       
LẠC BÚT 落筆 là đặt ngòi bút chạm vào giấy để viết hay vẽ; còn LẠC KHOẢN 落款 là đặt ngòi bút xuống chỗ nào đó trên giấy hoặc trên tranh để ghi chú, đề từ hay ký tên vào đó. Còn LẠC THÀNH 落成 là Khánh thànhn nên LẠC THÀNH ĐIỂN LỄ 落成典禮 là Lễ Khánh Thành (công trình nào đó).
Còn...
       
LẠC TỈNH 落井 là Té giếng, ta lại có thành ngữ LẠC TỈNH HÁ THẠCH 落井下石 để chỉ lòng dạ của những kẻ ác gian; Thấy người ta đã té xuống giếng rồi còn ném theo một tảng đá nữa "cho mầy chết luôn!".
 

Cuối cùng ta có thành ngữ:       
    
- Nhân Đầu Lạc Địa 人頭落地 là Đầu người rơi xuống đất, ý chỉ bị chết chém.
 
   ... và một thành ngữ nữa trái ngược với thành chữ trên là:
    
- Oa Oa Lạc Địa 呱呱落地 là em bé mới được sanh ra đầu rớt trước xuống đất nên cất tiếng khóc oa oa...
 
Còn rất nhiều rất nhiều những từ ngữ thành ngữ có chữ LẠC trong ngôn ngữ cuộc sống, như LẠC ĐỊA KHAI HOA 落地開花 là Rớt xuống đất bèn nở hoa, là lời nói khéo khi ta làm rớt bể cái ly cái chén gì đó, nói cho vui cho đỡ ngượng... Từ chữ NHO (Hán Việt) chữ LẠC đã bị NÔM HÓA đi vào cuộc sống thường ngày của dân ta với rất nhiều từ ngữ, như...

Người Hoa gọi là LẠC HOA SANH 落花生, người miền Bắc của ta gọi tắt thành một chữ LẠC, trong khi người miền Nam gọi là ĐẬU PHỌNG; nên LẠC RANG là ĐẬU PHỌNG RANG.
      
Cái gì đó RƠI, RỚT ra ngoài cái lẽ thường tình thì đều được gọi là LẠC. Như ca rớt nhịp, thì gọi là LẠC NHỊP; Ca sai giọng thì là LẠC GIỌNG; Đàn không ăn dây thì gọi là LẠC PHÍM, như lời của bài hát Đường Lên Sơn Cước của nhạc sĩ Lê Bình:
             
... Dây tơ LẠC PHÍM, chim ngưng cánh bay           
Quê hương khuất bóng sông dài                
Xanh xanh mặt nước còn in bóng dừa?               
Tìm đâu thấy con đò xưa...
      
Làm thơ không theo đúng đề thì là LẠC ĐỀ, không đúng vần thì gọi là LẠC VẬN; Con chim tìm không được bầy để về thì gọi là LẠC BẦY; lìa khỏi đàn thì gọi là LẠC ĐÀN. Như Thúy Kiều bán mình chuộc cha, một thân một mình rời khỏi gia đình để đi theo Mã Giám Sinh, thì gọi là LẠC LOÀI, cô đã tiếc rẻ khi phải thất thân với Mã Giám Sinh:                      
 
Biết thân đến bước LẠC LOÀI,              
Nhụy đào thà bẻ cho người tình chung.
                     
Không biết đường về nhà, hay không biết đường nào để về nhà, thì gọi là LẠC ĐƯỜNG; nhưng đi sai đường lối của tổ chức, hội đoàn hay con đường đúng đắn phải đi cũng gọi là LẠC ĐƯỜNG, như khi Thúy Kiều kể lể với cái anh chàng Sở Khanh để nhờ cứu giúp:
                                       
Rằng: “Tôi bèo bọt chút thân,                
LẠC ĐƯỜNG mang lấy nợ nần yến anh.                        
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,                
Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau!”
 
      
TRỤY LẠC 墜落 hay ĐỌA LẠC 墮落 gì Đều chỉ cuộc sống bị Rơi khỏi cái tiêu chuẩn, cái chuẩn mực bình thường, là đời sống sa đọa thấp hèn của những con người Lầm Đường LẠC lối. Trong đời sống của cái xã hội đầy xa hoa đầy cám dỗ trước mắt, con người rất dễ bị LẠC. Mong rằng tất cả chúng ta đều phải nên cẩn trọng, để được LẠC bước đến Thiên đàng, đừng để phải LẠC đường vào Địa ngục sẽ muôn kiếp chẳng được siêu sinh!
         
Mong lắm thay!
                                                                                                 
                                            杜紹         
                                                                                   Đỗ Chiêu Đức

2 nhận xét:

  1. Bài viết của bác Đỗ Chiêu Đức thật hay, đọc rất thú vị! Bàn thêm về chữ LẠC, mấy hôm nay đọc truyện kiếm hiệp loại mới trên mạng tôi thấy mấy từ ngồ ngộ như VẪN LẠC, ĐẠO LỮ
    Chẳng hạn:
    - Cuối cùng, bậc kiêu hùng kia rồi cũng “vẫn lạc”
    - Ta muốn cô là “đạo lữ” của ta
    Ban đầu, tôi nghĩ “vẫn lạc” là vẫn bị rớt tức là chết. Thử tra từ điển Hán Việt mới biết:
    VẪN LẠC 隕落: Chết, qua đời.
    VẪN 隕 (âm khác là VIÊN)
    Rơi, rớt. Mất đi. Chết.
    LẠC 落 Rụng. Rơi xuống.
    Vì chưa rõ lắm về từ ĐẠO LỮ, tôi mới tra từ điển để hiểu thêm
    ĐẠO LỮ 导侣: Bạn đường, 'bạn đời' thường dùng trong các tác phẩm kiếm tiên hiệp (Song Tu Đạo Lữ)
    Đạo lữ có nghĩa là bạn đường cùng ăn cùng ở chung.
    道: Đạo: Đường (đi), lối (đi), con đường
    LỮ 侣: bạn bè
    Bạn, cùng đi cùng ở làm quen với mình gọi là lữ.
    Tình lữ 情侶: bạn tình.
    “Tiên lữ đồng chu vãn cánh di” 仙侶同舟晚更移 (Thu hứng 秋興) Bạn tiên cùng thuyền, chiều đi chơi. (Đỗ Phủ 杜甫)

    Trả lờiXóa
  2. Bác Đỗ Chiêu Đức trả lời tôi trên email:

    Cám ơn đã chia sẻ !
    Về từ
    VẪN LẠC 隕落 : Vẫn 隕 nầy đồng nghĩa với 殞, có bộ Đãi歹 là CHẾT một bên.
    Nên
    Vẫn Lạc 隕落 vốn có nghĩa là : Những vật thể từ trên trời rơi xuống, tức là chỉ : Những vì sao lạc, sao xẹt, sao rụng. Và cũng vì thế mà từ VẪN LẠC chỉ dùng để chỉ những người NỔI TIẾNG hay Có Danh Vọng chết đi như những vì sao đã lìa ngôi vậy.
    Từ nầy chỉ có người Hoa là thông dụng, còn người Việt ta rất ít dùng tới. Còn từ...
    ĐẠO LỮ 道侣 : Thường để chỉ "Những người bạn cùng tu tiên theo Đạo giáo", chớ không phải là "Bạn Đường" đâu. Người bầu bạn với ta trên đường đời, trong cuộc sống, kể cả nam nữ, đều được gọi là BẠN LỮ 伴侶. Tương tự, ta có :
    仙侶。TIÊN LỮ : Bạn cùng tu tiên với nhau.
    愛侣。ÁI LỮ : Người yêu
    情侣。TÌNH LỮ : Người Tình...
    ...
    Thân mến,
    Đỗ Chiêu Đức
    * 导 nầy là từ giản thể của 導
    導 Đạo nầy là Chỉ Đạo, là Hướng dẫn.

    Trả lờiXóa

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ