Trang

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

HƯ CẤU TRONG VÕ HIỆP KIM DUNG (6) – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức

                      Chiêu thức Võ công thông qua Thư Pháp
 
                                                      Võ Công Thư Pháp                                                                  
Một đặc điểm nữa của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung mà những tác giả khác không có là: Ông đã đưa nghệ thuật và kỹ thuật thư pháp vào trong các thế võ công trong các truyện của ông một cách lý thú và hấp dẫn. Đây cũng là một sáng tạo độc đáo của riêng ông vừa đặc sắc vừa lôi cuốn đầy sức quyến rủ mà ta sẽ lần lượt tìm hiểu sau đây.
      
Theo thứ tự thời gian của các truyện được đăng tải và phát hành, ta có các truyện có các pha Võ Công bằng Thư Pháp như sau:
 
 - Thần Điêu Hiệp Lữ 神雕侠. Trong Hồi thứ 12: "Anh Hùng Đại Yến" và Hồi thứ 13 : "Võ Lâm Minh Chủ". Chu Tử Liễu đã dùng "Nhất Dương Thư Chỉ" 一陽書指" đại chiến với Vương Tử của Mông Cổ là Hoắc Đô.
- Ỷ Thiên Đồ Long Ký 倚天屠龙记. Chương thứ tư và Chương thứ sáu "Tự tác Táng Loạn ý bàng hoàng" Tổ sư Trương Tam Phong  đã căn cứ vào "Táng Loạn Thiếp" 丧乱帖" sáng chế ra "Võ công Ỷ Thiên Đồ Long thư pháp" 倚天屠龍書法武功 và Trương Thúy Sơn đã nổi tiếng về môn Võ Công Thư Pháp nầy.
- Hiệp Khách Hành 侠客行. Chương thứ 20 là bài thơ "Hiệp Khách Hành" của Lý Bạch. Trong thư pháp ẩn tàng bí kíp võ công và qua Khoa Đẩu văn trong Thái Huyền Kinh là hình những con nòng nọc dùng đả thông kinh mạch.
- Tiếu Ngạo Giang Hồ 笑傲江湖. Chương thứ 19 "Đánh Đố". Lệnh Hồ Xung đã đại chiến Võ công Thư Pháp của Thốc Bút Ông, một trong Giang Nam Tứ Hữu, Độc Cô Cửu Kiếm đã làm cho Võ Công Thư Pháp không thi thố được.
 
Kỹ thuật viết thư pháp bằng bút lông là các nét : Sổ, ngang, chấm, phết, phẩy, móc, đá... tùy theo chữ ít nét nhiều nét và tùy theo kiểu chữ : Triện, Khải, Thảo, Lệ, Hành... Còn võ công thì tùy theo binh khí mà : Đâm, Chém, Chặt, Đập, Đánh... và Chiêu thức thì : Quyền, Cước, Chỉ, Chưởng, đấm, đá... Phải biết phối hợp một cách hợp lý giữa chiêu thức võ công và các thể thư pháp để hình thành những động tác chung giữa đánh và viết, giữa võ công và thư pháp. Như trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" Trương Tam Phong đã đem 24 chữ "Võ lâm chí tôn, Bảo đao đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tùng, Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong"  武林至尊,宝刀屠龙。号令天下,莫敢不从。倚天不出,谁与争锋 . Trương Tam Phong đã viết 24 chữ đó trong khoảng không như viết một bức thư pháp, đồng thời đó cũng là một pho võ công gồm có 215 chiêu thức, vì 24 chữ nêu trên gồm có tất cả 215 nét bút. Trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ" thì Thốc Bút Ông đã sử dụng Thi thiệp của Bùi Tướng Quân: "Bùi Tướng quân ! Đại quân chế lục hợp, Mãnh tướng thanh cửu cai, chiến mã nhược long hổ, đằng lăng hà tráng tai!"裴将军!大君制六合,猛将清九垓。战马若龙虎,腾陵何壮哉!gồm có 205 nét bút vừa đâm vừa điểm vừa phạt ngang. Còn trong "Thần Điêu Hiệp Lữ" thì Chu Tử Liễu là đệ tử của Đoàn Nam Đế nên sử dụng "Nhất Dương Thư Chỉ" 一陽書指", vận dụng Nhất Dương Chỉ thần công vào cây bút để viết theo thể Khải Thư của Phòng Huyền Linh 书《房玄龄碑》, Thảo thư của Thảo thánh Trương Húc张旭草书《自言帖》、cả Lệ Thư và Đại Triện 书和大篆 nữa. Nói chung...
 
Võ công Thư pháp là: Dùng bút làm vũ khí, ngọn bút chỉa lên khoảng không trước mặt vạch ngang kẻ dọc, phết, phẩy, đá, móc... nhưng điểm đến cuối cùng luôn luôn là những tử huyệt của đối phương. Nhưng nếu cứ toàn dùng bút để điểm huyệt thì Võ Công Thư Pháp sẽ rất đơn điệu, dễ nhàm chán. nên Kim Dung đã cho Ngũ Hiệp Trương Thúy Sơn 張翠山 là Ngân Câu Thiết Hoạch 銀鉤鐵劃 dùng móc bạc và bút sắt để thực hiện "Võ Công Thư Pháp" khi trong đêm ở Long Môn Tiêu Cục để chiến đấu với 4 tăng nhân của Thiếu Lâm Tự như sau:
 
Trong đêm tối chợt lóe lên một đóm sáng, thấy 4 tăng nhân tay đều lăm lăm binh khí; Trương Thúy Sơn bèn bước xéo qua trái, nghiêng về hướng tây, tay phải cầm thiết hoạch vạch một nét từ trái qua phải như đang viết chữ Nhất, nghe đánh chát một tiếng, huyệt Thái dương của một tăng nhân đã trúng đòn; cùng lúc tay trái của chàng lưỡi Ngân câu từ phía trên góc phải quét xuôi xuống hướng trái đánh vào hông của một tăng nhân khác; đó là hai nét đầu, một ngang một phẩy của chữ BẤT . Sau đó chàng bèn vạch thẳng một nét đứng của ngân câu đánh về phía tăng nhân trước mặt, tay phải chỉa thẳng thiết hoạch điểm tới một tăng nhân khác, là nét cuối của chữ Bất. Chát, chát, huỵt, huỵt, chàng ta vừa viết xong bốn nét của chữ BẤT thì bốn tăng nhân của Thiếu Lâm Tự cũng vừa bị hạ gục.
 
Ngân Câu Thiết Hoạch Trương Thúy Sơn
       
Chiêu số của Võ Công Thư Pháp phần nhiều là chuyên về điểm huyệt, nên khi miêu tả cũng chỉ có vài động tác chính chuyên về điểm huyệt mà thôi; Để tránh cho độc giả đở nhàm chán, Kim Dung đã khéo léo dùng nhiều biện pháp vừa hư vừa thực hay thực hư lẫn lộn qua quan sát và đàm thoại của những người chung quanh.
 
5 dạng thư pháp của chữ BẤT : Triện, Khải, Lệ, Hành, Thảo    
 
Ví dụ như trong Thần Điêu Hiệp Lữ, khi tả Chu Tử Liễu đại chiến Vương Tử Mông Cổ Hoắc Đô, Kim Dung đã kết hợp trận đấu với sự quan sát và đàm thoại giữa mẹ con Hoàng Dung và Quách Phù như sau:
     
... Đây là một sáng chế độc đáo của Chu Tử Liễu kết hợp giữa Thư pháp và Nhất Dương Chỉ công. Nếu kẻ địch không biết gì về thư pháp thì cũng rất khó mà chống đở, vì trong võ có văn và trong văn có võ. Người xem chỉ thấy ngòi bút vạch ngang sổ dọc trong khoảng không, đâu biết rằng trong Thư pháp có Điểm huyệt và muốn Điểm huyệt phải dựa vào Thư Pháp. Quách Tĩnh không biết gì về Thư pháp nên thấy rất lạ, còn Hoàng Dung thì văn võ song toàn nên cất tiếng khen hay. Quách Phù ngồi bên hỏi mẹ: "Chu Bá bá dùng bút vạch ngang kẻ dọc là đang bày trò chơi gì thế ?. Hoàng Dung đang chăm chú vào trận đấu thuận miệng trả lời: "Phòng Huyền Linh Bi 房玄龄碑!". Quách Phù ngạc nhiên hỏi lại: "Phòng Huyền Linh Bi là cái gì vậy mẹ?" Hoàng Dung đang mãi mê theo dõi trận đấu nên không trả lời. Thì ra, "Phòng Huyền Linh Bi 房玄龄碑" là Cái bia chữ của Phòng Huyền Linh, ông là Thừa Tướng và là nhà thư pháp nổi tiếng về Khải Thư của đời Đường; Bia chữ như là tiên nữ tán hoa, nét chữ ả nả diụ dàng nhưng vững chắc, ngọn bút thế cho ngón tay để thi triển phép Nhất Dương Chỉ một cách thuần thục và tinh xảo. Cũng may là Hoắc Đô khi học chữ Hán đã có biết qua Phòng Huyền Linh Bi nầy nên cũng cẩn trọng từng chiêu một để ứng phó một cách hiệu quả. Bỗng Chu Tử Liễu biến chiêu, dựng thẳng ngọn bút, như đang cầm rìu, chầm chậm đập tới từng nhát từng nhát một như đang đục đẽo vật gì vậy. Quách Phù trông thấy vội kêu lên: "Mẹ, Chu Bá bá đang khắc chữ phải không ?". Hoàng Dung cười nói: "Con gái mẹ cũng không ngu lắm! Chỉ pháp nầy của Bá bá là Thach Cổ Văn 石鼓文 trong "Bao Tà Đạo Thạch khắc 褒斜道石刻" đó. Con thử nhìn xem Bá bá đang khắc chữ gì đó?". Quách Phù nhìn theo tay và bút của Chu Tử Liễu thấy mỗi chữ ông đều vòng tới vòng lui như trong một vòng tròn mà nhìn không ra chữ gì cả! Hoàng Dung cười mà bảo rằng: "Đó là chữ Đại Triện đó, chả trách con không hiểu, ngay cả mẹ cũng chỉ biết lỏm bỏm thôi !". Quách Phù vỗ tay cười nói: "Cái gã Mông Cổ kia chắc cũng "bí xà lù", mẹ xem gã ta quýnh quáng tới trán đổ mồ hôi hột kìa !". Hoắc Đô vì không biết thư pháp của Đại Triện nên không biết phải chống đỡ ra sao.
     
Kim Dung đã rất khéo léo lái cho một trận tỉ võ thành ra tỉ văn vô cùng lý thú... Trong lúc đang quýnh quáng, cây quạt trên tay Hoắc Đô đã bị Chu Tử Liễu viết lên một chữ. Hoắc Đô nhìn chữ trong quạt hỏi: "Là chữ VÕNG phải không?" . Chu Tử Liễu cười đáp: "Không phải ! Đó là chữ NHĨ !" Đáp xong, rất nhanh tay thò bút viết thêm một chữ nữa trên quạt. Hoắc Đô xem xong lại hỏi: "Chữ NGUYỆT chứ gì !?". Chu Tử Liễu lại cười: "Sai rồi ! Đó là chữ NÃI ". Hoắc Đô hoang mang xoay ngang cây quạt để tránh ngọn bút của Chu Tử Liễu. Nào ngờ Chu Tử Liễu vung chưởng trái đánh thẳng tới rất mạnh, Hoắc Đô vội vàng đưa chưởng lên chống lại, Chu Tử Liễu thừa cơ lách mình tiến lên tay phải viết thêm hai chữ nữa thật nhanh lên quạt của Hoắc Đô, trong lúc gấp gút không kịp viết chữ Đại Triện mà lại viết thành 2 chữ Thảo. Hoắc Đô đọc được bèn kêu lên: "MAN DI 蛮夷!". Chu Tử Liễu cười ha hả đáp: "Không sai, đúng là NHĨ NÃI MAN DI 爾乃蠻夷!". Có nghĩa: Ngươi là giống Man Di !. Quần Hùng căm hận Mông Cổ xâm lấn Trung Nguyên, sát hại dân lành, nên nghe Chu Tử Liễu mắng Hoắc Đô là Man Di đều vỗ tay ca ngợi.
(MAN DI 蠻夷 là Mọi Rợ: Chỉ những bộ tộc chưa khai hóa. Ta hay mắng những người không nói lý lẽ, hành động một cách dã man là : "Đồ Man Di Mọi Rợ !").
 
Trở lại với trận đấu...
      
Hoắc Đô bị Võ Công Thư pháp với Khải Thảo Lệ Triện  楷,草,隸,篆   kết hợp với Nhất Dương Thư Chỉ 一陽書指 đánh cho tơi bời, khó bề chống đỡ; nghe tiếng hoan hô ca ngợi Chu Tử Liễu của quần hùng, lại càng làm cho hắn ta hoảng loạn hơn. Thấy Chu Tử Liễu múa bút viết liền ba chữ trên khoảng không cũng không còn hứng thú xem là viết chữ gì, chỉ xòe quạt múa một vòng trước mặt để che chở các yếu điểm trước ngực. Nào ngờ bút trên không chỉ là hư chiêu, cán bút bên dưới mới là thực chiêu điểm thẳng vào đầu gối của Hoắc Đô. Chợt thấy đầu gối tê rần muốn qụy xuống, sợ phải qùy trước mặt đối thủ sẽ rất mất thể diện, Hoắc Đô vội vận công đẩy mạnh một luồn nội lực xuống chân định đả thông huyệt đạo xong sẽ nhảy khỏi vòng đấu để nhận thua. Nhưng ngọn bút của Chu Tử Liễu nhanh như điện chớp lại điểm sang chân kia, ngọn bút thay cho Nhất Dương Chỉ tấn công tới tấp. Hoắc Đô cảm thấy hai đầu gối tê rần rồi qùy ngay xuống trước mặt Chu Tử Liễu, mặt mày thất sắc trông rất thảm hại...

Hoắc Đô với chiếc quạt có bốn chữ : Nhĩ Nãi Man Di
 
Kim Dung đã tạo nên một bầu không khí mới trong thế giới võ thuật với các chiêu thức võ công đẹp mắt như những nét bút rồng bay phượng múa của thư pháp được thể hiện bởi các hiệp sĩ có bề ngoài như một văn nhân nho nhã, như Chu Tử Liễu xuất thân là một Trạng Nguyên, như Ngũ Hiệp Trương Thúy Sơn của phái Võ Đang có dáng dấp như một thư sinh.
     
Trong "Ỷ Thiên Đồ Long Ký" Trương Tam Phong chân nhân đau lòng vì chứng kiến người đồ đệ yêu dấu của mình là Tam Hiệp Dư Đại Nham, bị kẻ gian hãm hại đến đứt hết gân cốt tứ chi, suốt đời sẽ thành kẻ phế nhân. Trong lúc tâm lý đang bị dao động, vừa thương tâm vừa phẫn nộ, nên trong đêm vắng ngoài sân đình ông đã khoa chân múa tay để phát tiết những ẩn ức trong lòng, vô tình lại múa theo bức thư pháp Táng Loạn (là Tang tóc và rối loạn) trong Táng Loạn Thiếp 喪亂帖 của Vương Hi Chi, rồi trong một lúc hứng chí ông đã viết nên câu thiệu được truyền tụng trong giang hồ đã hại cho đồ đệ của mình phải tàn phế là: "Võ lâm chí tôn, bảo đao Đồ Long, hiệu lệnh thiên hạ, mạc cảm bất tùng, Ỷ Thiên bất xuất, thùy dữ tranh phong? "武林至尊,寶刀屠龍。號令天下,莫敢不從。倚天不出,誰與争鋒 "Ngũ Hiệp là Trương Thúy Sơn 張翠山 vô tình chứng kiến hết từ đầu đến cuối pho Võ Công Thư Pháp Ỷ THIÊN ĐỒ LONG CÔNG 倚天屠龍功 nầy. Sau đó Trương Tam Phong lại giải thích cặn kẽ về 24 chữ gồm 215 nét bút và các biến chiêu cho Trương Thúy Sơn nắm bắt và thầy trò đã rất tâm đắc với pho võ công nầy.
 
Trong một lần chạm trán với Kim Mao Sư Vương 金毛獅王 ở Vương Bàn Sơn, Trương Thúy Sơn 張翠山 đã nhờ vào pho võ công độc đáo nầy mà thoát chết. Ta hãy xem Kim Dung tả chàng thư sinh hiệp khách nầy biểu diễn Ỷ Thiên Đồ Long Công một cách rất ngoạn mục và thi vị như thế nào...
 
... Trương Thúy Sơn sử dụng tuyệt chiêu khinh công Thê Vân Túng 梯雲縱, vọt lên như đứng trên chiếc thang mây, chân phải đạp vào một phiến đá nhô ra, đẩy thân mình vọt cao lên hơn hai trượng nữa, cây Phán quan Bút trên tay nhắm vào mặt đá , sột sột soạt soạt đã viết được chữ VÕ . Vừa viết xong một chữ thì thân mình cũng vừa muốn rớt xuống, chàng ta bèn giương Ngân câu của tay trái ra nhào lộn một vòng, móc câu đã móc được vào một kẽ đá, giữ lại được sức nặng của cơ thể, bèn nhanh tay vạch thêm một chữ LÂM nữa. Hai chữ VÕ LÂM 武林 được viết một cách bay bướm đẹp mắt như được khắc vào trên vách đá. Kế đến chữ CHÍ rồi chữ TÔN . Càng viết càng nhanh, bay lên bay xuống trên vách đá trước mặt, tiếng sột sột soạt soạt vang lên khi lớn khi nhỏ, khi nhặt khi khoan, bột đá bay tứ tung theo các nét bút như long xà chuyển động, như phượng múa rồng bay. Trong khoảnh khắc 24 chữ đã viết gần xong. Khi những nét cuối cùng của chữ PHONG vừa viết xong, thì Trương Thúy Sơn hai tay dùng ngân câu và thiết hoạch đẩy mạnh vào vách đá cho thân mình bay bỗng lên cao, rồi lộn một vòng thật đẹp rớt xuống mặt đất một cách nhẹ nhàng đứng bên cạnh Ân Tố Tố...
 
Quả là một màn biểu diễn Võ công Thư pháp tuyệt vời!
 

Trong Tiếu Ngạo Giang Hồ 笑傲江湖 thì Võ Công Thư Pháp được Kim Dung nhìn với cái nhìn của Đạo Hạnh, của tu tâm dưỡng tánh. Bất luận là Kiếm Pháp hay Thư Pháp gì đều có khuyết điểm, đều có phần sơ hở của nó, nên người luyện tập cần phải có tâm tính cởi mở phóng khoáng như Lệnh Hồ Xung 令狐沖 và Thốc Bút Ông 禿筆翁 trong truyện. Lệnh Hồ Xung thì học được Độc Cô Cửu Kiếm và ngộ được cái lý: Dĩ vô chiêu thắng hữu chiêu 以無招勝有招 với khái niệm là: Hễ có kiếm chiêu thì cũng sẽ có điểm sơ hở, chỉ cần bình tĩnh nhìn ra được điểm sơ hở đó mà đánh vào thì sẽ chế thắng ngay. Còn Thốc Bút Ông thì tính tình phóng khoáng không nổi nóng khi bị cản trở, không giận cá chém thớt mà phát huy võ công thư pháp một cách nghệ thuật đầy vẻ đam mê của một nhà thư pháp. Ta xem trận đấu sức giữa hai người sau đây:
 
... Thốc Bút Ông rất tự hào về Võ Công Thư Pháp của mình, nghe Lệnh Hồ Xung không hiểu gì về thư pháp, ông hơi thất vọng, bèn giảng cho Lệnh Hồ Xung nghe về một số thư pháp và chiêu thức. Lệnh Hồ Xung thì nghĩ rằng dù cho ông có hảo ý giải thích ra sao thì ta cũng không biết gì về thi từ và thư pháp cả. Thốc Bút Ông đưa ngọn bút lên hướng về má trái của Lệnh Hồ Xung điểm liền ba điểm, đó là ba chấm đầu tiên trong chữ BÙI , nhưng đó chỉ là hư chiêu, ngọn bút chợt cất cao lên định vạch một vạch thẳng xuống. Lệnh Hồ Xung chỉa mũi kiếm về phía trước đâm vào vai phải của Thốc Bút Ông, Bút Ông bất đắc dĩ phải đưa ngang cán bút về đở, thì kiếm của Lệnh Hồ Xung cũng đã rút về. Hai bên đều sử dụng hư chiêu, nhưng như thế thì chiêu thứ nhất trong BÙI TƯỚNG QUÂN THI của Thốc Bút Ông chỉ mới xuất được có nửa chiêu mà thôi; Bút đưa về cản thì chỉ cản vào khoảng không, Ông bèn xuất chiêu thứ hai. Lệnh Hồ Xung không đợi ông xuất hết chiêu, vội vàng trở mũi kiếm đâm vào chỗ hiểm, Bút Ông lại quay bút trở về đở, nhưng Lệnh Hồ Xung lại rút kiếm trở về. Vậy là chiêu thứ hai của Thốc Bút Ông cũng chỉ mới xuất ra được có một nửa. Vừa mới xuất thủ, Thốc Bút Ông đã bị đối thủ cản mất hai chiêu, bộ bút pháp rất đắc ý của ông không thể thi thố được, trong lòng cảm thấy bực bội như đang viết chữ mà có đứa bé tinh nghịch cứ đến kéo tay kéo khủy không thể viết cho xong một chữ được. Phần Lệnh Hồ Sung thì không cần biết là đối thủ sử dụng bút pháp tinh diệu ra sao cả, chỉ cần thấy đối phương cất bút lên là cứ nhắm ngay phần còn sơ hở mà đâm tới, tấn công ngay phần yếu điểm để lộ ra. Thốc Bút Ông luôn miệng kêu la, vì bất luận là biến chiêu xoay sở cở nào thì cũng chỉ sử dụng được có nửa chiêu, làm như thế nào cũng không thể xuất hết một chiêu cho hoàn chỉnh được. Thốc Bút Ông đã chăm chú để hết tinh thần và sức lực cho trận đấu nầy bằng các chiêu thức bút pháp đắc ý, nhưng cứ bị cụt hứng, bị chặn ngang, nên trong lòng bực bội làm cho nội lực đảo lộn trong cơ thể, huyệt Đan Điền nóng lên một cách vô cùng khó chịu, ông kêu lên: "Không đấu nữa, không đấu nữa !". Ông ta nhảy lùi về sau, xách bình rượu Bồ đào vủa Đan Khâu Sinh lên đổ một vũng trên bàn đá, rồi cầm cây bút lớn chấm vào rượu nhắm vào bức tường trắng trước mặt hưu bút viết lia viết lịa, viết một thôi một hồi, xong buông viết thở phào nhẹ nhõm. Trên tường hiện ra 23 chữ của bài BÙI TƯỚNG QUÂN THI 裴將軍詩 như rồng bay phượng múa, nhất là chữ NHƯ như muốn xé tường để bay ra ngoài. Thốc Bút Ông cười lên ha hả, nghiêng đầu ngắm nhìn những nét bút bay bổng in trên tường đỏ như... rượu Bồ đào, rất đắc ý nói với Lệnh Hồ Sung rằng: "Đã thiệt ! Đã thiệt ! Đây có thể là tác phẩm viết đẹp nhất trong đời của ta đó ! Toàn nhờ vào lão đệ đã cản ngược cản xuôi, khiến cho ta ấm ức đầy cả bụng, bút ý dâng tràn mà không thi thố được, nên mới bung ra được tác phẩm tuyệt vời như thế nầy đây! Kiếm pháp của lão đệ quả nhiên kiệt xuất, còn thư pháp của ta cũng tuyệt vời không kém chút nào cả!".
 
Đây quả thật là một pha biểu diễn về Kiếm pháp và Thư pháp không tiền khoáng hậu cả về mặt chất lượng và tính phóng khoáng tuyệt vời của nhân vật mà Kim Dung đã lồng vào trong tác phẩm võ hiệp của mình một cách lý thú và tài tình
 

Cuối cùng là...
HIỆP KHÁCH HÀNH 侠客行. Trên Hiệp Khách Đảo có 24 thạch động, mỗi thạch động là một câu thơ trong bài thơ Cổ phong "Hiệp Khách Hành" của Thi Hiệp LÝ BẠCH 詩俠李白, cộng thêm các đồ hình và chú thích thần bí bao gồm các bí kíp khẩu quyết võ công tinh thâm ảo diệu từ xưa đến nay. Long Mộc hai đảo chủ phái hai sứ giả Thưởng Thiện Phạt Ác chuyên mời các Chưởng môn nhân hay Bang chủ của các bang hội đến để cùng nghiên cứu võ công. Vì võ công quá thâm diệu và lôi cuốn, nên khi chưa nghiên cứu xong, không ai chịu rời đảo để trở về cả. Võ công càng cao, kiến thức càng rộng thì lại càng dễ dàng chìm đắm trong những ảo giác không có lối thoát... nhất là thể chữ Khoa Đẩu của Thái Huyền Kinh càng làm cho người ta huyễn hoặc và mê mẫn tâm thần hơn. Nhưng đối với Cẩu Tạp Chủng Thạch Phá Thiên "dốt đặc cán nai" thì những Thư pháp đó không phải là chữ mà là các đồ án vẽ về các thế võ công, là côn quyền kiếm kích, là phép hít thở để luyện nội công... ta hãy xem Kim Dung viết về Thạch Phá Thiên:
 
 ... Nhìn lên vách thạch thất, ngoài hình vẽ ra thì thấy chi chít những chữ và chữ, nhưng trong muôn ngàn chữ đó có những nét như là một thanh kiếm, rồi hai ba thanh kiếm, nhìn tiếp thì có đến hai ba chục thanh kiếm, dài dài ngắn ngắn, hoặc thẳng đứng hoặc nằm ngang, có mũi chỉa xuống có mũi cất lên như muốn bay lên không. Thạch Phá Thiên cứ từng cây từng cây một mà xem tới. Khi xem đến cây thứ mười hai, bỗng nhiên huyệt "Cự Cốt" chợt nóng lên, một làn chân khí phát sinh như muốn cử động, xem đến cây thứ mười ba, thì làn chân khí đó thuận theo kinh mạch đến huyệt "Ngũ Lý", tiếp đến cây thứ mười bốn thì đã đến huyệt "Khúc Trì". Làn chân khí nóng càng lúc càng mạnh đưa từ Đan Điền lên. Thạch Phá Thiên lấy làm lạ nghĩ rằng: "Hay là chất độc của Cháo Lạp Bát đã phát tác !" Tuy có hơi sợ nhưng vẫn xem tiếp các đồ hình của các thanh kiếm, thì thấy làn chân khí nóng từ từ phát tán ra khắp châu thân, bèn xem lại từ cây kiếm thứ nhất cho đến cây kiếm thứ 24, thì thấy nội lực cũng từ huyệt "Nghinh Hương" vận hành một vòng đến huyệt "Thương Dương". Khó nhất là đồ họa cuối cùng của Thái Huyền Kinh với hình của những con nòng nọc trong Khoa Đẩu Văn cũng là cách vận hành nội lực đưa chân khí chu du thông thoáng qua khắp cơ thể để vận dụng một cách tùy nghi và tiện lợi cho sử dụng trong mọi lúc mọi nơi mà thôi. Còn những chú thích là những câu nói cao siêu hàm chứa nhiều ẩn ý của các môn võ công thượng thừa ảo diệu, nên càng vùi đầu vào để nghiền ngẫm thì lại càng dễ bị mê hoặc và càng không tìm ra lối thoát. Thạch Phá Thiên vì không biết chữ nên chỉ kết hợp những đường nét trên các bức vẽ qua trang phục, diện mạo, binh khí... Các đường nét đó trong âm thầm lặng lẽ đã có những kết nối hệ thống lại với nhau, và Thạch Phá Thiên là người duy nhất đã lãnh hội được những tuyệt kỹ được truyền đạt một cách ngấm ngầm đó.
 

Cuộc sống đẹp đang mỗi ngày được sáng tạo và tô điểm thêm để có được những cảm giác tươi mới hơn. Ta thấy trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung đầy đủ cả Cầm Kỳ Thư Họa, Thi Văn Ca Vũ, Sĩ Nông Công Thương, Ngư Tiều Canh Độc... đều được ông đưa vào hòa lẫn với võ công một cách rất khéo léo, nhất là Thư Pháp nghề của nhà văn đã được Võ hóa một cách tài tình lý thú. Trong văn có võ và trong võ có văn. Phải là người "VĂN VÕ SONG TOÀN" như Kim Dung mới có được những sáng tác để đời trong những thập niên 50, 60, 70 của Thế kỷ trước khi internet chưa được phát minh và thịnh hành.
    
Hẹn bài viết tới!
 
                                                                                 杜紹德
                                                                          ĐỖ CHIÊU ĐỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ