Trang

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

TẢN MẠN VỀ RƯỢU NHO (6) - Nguyên Lạc


 

VII. CÁCH THỬ NẾM VÀ THƯỞNG THỨC RƯỢU VANG
 
1.   Thử nếm rượu vang

Một khi bạn đã biết uống và thưởng thức rượu vang thì tức là bạn đã có một bước tiến đến quá trình thử nếm rượu vang. Thử nếm rượu trước hết là phân tích những cảm giác bạn nhận được khi nếm rượu vang, rồi sau đó là sự diễn đạt những cảm xúc đó bằng những từ ngữ cụ thể, chính xác và thích hợp. Thử nếm rượu vang, hay nói khác đi, là phân giải những cảm quan cho phép bạn đánh giá chất lượng của rượu vang và tìm ra những nhược điểm, nếu có. Thử nếm rượu vang được chia ra làm 3 giai đoạn, nhờ 3 giác quan chính: mắt, mũi và miệng.

    1.1 Quan sát bằng mắt
Rượu trong hay đục, áo rượu (robe du vin) có rực rỡ hay xỉn tối, màu sắc áo đậm hay nhạt, đường rua của áo rượu có màu gì? Đối với rượu vang nổ hay rượu champagne, cần quan sát xem bọt rượu có nhiều không, có mịn không?

1.2. Ngửi bằng mũi
Giai đoạn này rất quan trọng:
– Bước đầu, bạn ngửi rượu bất động trong ly. Sau đó, bạn lắc ly cho rượu trong ly tiếp xúc nhiều hơn với khí oxy và phát huy được hết hương vị của nó. Dí mũi gần vào ly, hít mạnh để cảm nhận những hương vị đó. Nếu cần, bạn có thể lặp đi lặp lại động tác này.
– Tiếp đó là giai đoạn đánh giá sự đậm đặc hay nhạt nhẽo của hương vị, chất lượng hương vị và xuất xứ của hương vị đó. Nói chung các hương vị có trong rượu được chia thành các nhóm mùi:
. Mùi quả: chuối, cam, chanh, bưởi, ổi, táo, đào, lê, anh đào, chanh leo, dứa, xoài, dâu tây, nho đen…
. Mùi hoa: hoa hồng, hoa lan, hoa đào gai, hoa đoạn, hoa violette…
. Mùi cỏ, mùi rêu: cỏ mới cắt, ớt xanh, rong rêu, rơm rạ ướt…
. Mùi hóa chất: dấm chua, rượu hả hơi, rượu cồn mạnh…
. Mùi gia vị: hạt tiêu, ớt bột, cà-ri, hồi, quế, va-ni…
. Mùi da thú: da thuộc, lông thú khô hoặc ướt, mùi xạ hương, mùi chồn cáo…
. Mùi các chất rang, chất cháy: cà phê, caramen cháy, chocolates, bánh mì nướng…
. Mùi nhựa cây: thông, tùng, trắc…
 
1.3. Nếm bằng miệng
Đây là giai đoạn cuối, cho phép xác định chính xác hương vị rượu và sự hài hòa giữa 3 yếu tố cấu thành của rượu vang: chất chua (acidité), chất ngọt – chất béo (moelleux) và chất chát (tanin). Giai đoạn nếm bằng miệng lại chia ra thành 3 giai đoạn nhỏ:
-Bắt đầu nếm: cho phép bạn cảm nhận các vị ngọt, mặn, chua, chát, cũng như các cảm giác đắng, cay hay độ cồn cao.
-Nếm.
-Sau nếm: phân tích hương vị xem có hài hòa hay khó chịu và thời gian hương vị đọng lại ở trong miệng (hậu vị)
 
...............

Mời đọc những dòng chữ lý thú sau đây của “đại tửu sĩ Lão Ngoan Đồng, người tôi đã nhắc đến ở phần viết trước”
[…
Chiêm ngưỡng dung nhan

Quan sát một người đàn ông bình thường trong bàn tiệc. Hầu như người nào cũng vậy, tay cầm ly rượu đưa lên, bao giờ đôi mắt cũng nhìn vào trước khi uống. Người uống nước ngọt cũng có thể nhìn vào ly trước khi uống, nhưng một là nhìn mà không suy nghĩ gì cả, hai là do thói quen, nhìn để “make sure” không có con gián, con ruồi nào chết đuối trong ly nước của mình!
Dân uống rượu trái lại, nhìn là để cặp mắt chiêm ngưỡng “dung nhan” của rượu – có thể là mầu đỏ tím bắt mắt của rượu chát, màu đỏ nâu đậm đà của cỏ-nhắc, màu vàng rực rỡ của rượu bia…, kể cả màu rượu thuốc huyền bí cũng có nét quyến rũ đặt biệt của nó.
Sau khi nhìn mới đưa ly rượu lên môi. Trước khi uống vào miệng, dù chỉ trong nửa giây đồng hồ ngắn ngủi, mũi đã ngửi được mùi thơm, môi đã làm một màn tiếp xúc giao hữu. Sau đó, mắt nhắm lại – nhắm lim dim thôi chứ không phải nhắm chặt (chỉ có kẻ bị ép uống rượu mới nhắm chặt) – để không còn bị chi phối bởi khung cảnh trước mặt, như thế vị giác mới có thể thi hành chức năng một cách trung thực để rồi tường trình lên não bộ.
Uống xong, mở mắt ra, khà một cái thú vị, đầu óc lâng lâng, tâm hồn sảng khoái, cảm thấy tự tin gấp bội phần. Ôi, còn gì đẹp cho bằng ngọn cờ tung bay trước gió!
 
Để tận hưởng “sắc, hương, vị” của vang
– Về SẮC: muốn thưởng thức trọn vẹn “sắc” của rượu vang (hay cognac: sẽ tìm hiểu ở phần II- NL), bắt buộc phải uống bằng ly pha-lê (crystal). Không thể lập luận “đàng nào cũng uống vào bụng, ly nào mà chẳng giống nhau!”; bởi vì cũng giống như một người đàn bà đẹp và hấp dẫn, khi vào phòng ngủ mặc một cái áo lụa mỏng “lồ lộ một tòa thiên nhiên” để đức lang quân (hay tình nhân) nhìn ngắm thì chắc chắn chàng sẽ thích thú hơn là mặc một bộ pyjama bằng nỉ rộng thùng thình! Cũng thế, ly pha-lê sẽ khiến sắc rượu trở nên óng ánh, hấp dẫn bội phần.
– Về HƯƠNG: phải uống cognac bằng ly bầu (goblet) chân ngắn, bụng ly phình ra, miệng ly túm lại. Rượu chỉ rót 1/3 ly, sau đó từ từ xoay ly theo một góc nghiêng hoặc lắc nhè nhẹ cho rượu sánh lên thành ly để toàn bộ hương thơm có cơ hội bốc lên. Tuy nhiên, khi đưa ly lên để thưởng thức hương rượu, không được kê sát lỗ mũi và hít mạnh vì như thế mùi nồng sẽ át mùi thơm, mà chỉ nên để ly ở phía dưới mũi khoảng 5 cm và đưa qua đưa lại cho hương thoảng lên.
–Về VỊ: sau khi đã ngắm sắc, ngửi hương mới tới thưởng vị. Cũng giống như trong nghệ thuật yêu đương, không nên thưởng vị cognac một cách bộp chộp, hấp tấp.
Trước hết, phải “thử” để biết “em” ra làm sao cái đã: đưa ly rượu lên nhắp một cái, vừa đủ để thấm môi, ướt lưỡi, nuốt xong khẽ chép miệng một cái như đánh giá, rồi đưa ly lên ngắm rượu một lần nữa, sau đó mới uống một ngụm vừa phải, ngậm trong miệng một chút rồi từ từ dùng lưỡi quay quanh để đưa rượu tới từng kẽ răng, sau cùng ực một cái thật nhanh, thật mạnh: hương rượu sẽ hừng hực bốc lên mũi, vừa nồng vừa thơm, đó chính là lúc “đã” nhất!…]
(Tản mạn về nghệ thuật uống rượu – Lão Ngoan Đồng)
 
2. Thưởng thức rượu vang
 
2.1. Body wine
 
Mời các bạn đọc trích đoạn lý thú sau đây của Lê Văn: Nhà báo Lê Văn là Trưởng ban Việt Ngữ của đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) suốt 38 năm từ năm 1964 cho tới khi ông về hưu vào năm 2002. Ông đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều và đặc biệt tỏ ra rất nặng lòng với các loại rượu vang, nhất là vang của Pháp nơi nổi tiếng đã trồng và sản xuất hàng trăm loại rượu vang ngon nhất thế giới.
Năm 2003 ông đã cho ra mắt cuốn sách có tên “Rượu vang, món quà của Thượng đế” để chia sẻ những kinh nghiệm của ông về loại nước có cồn đặc sắc này.

[… Khi uống rượu vang là chúng ta thưởng thức bằng tất cả giác quan mà tạo hóa ban cho con người.
– Trước hết chúng ta dùng mắt nhìn để thưởng thức màu của rượu vang, cái đó tiếng Pháp người ta gọi “La robe du vin”, tức áo khoác ngoài của rượu vang, tức là màu sắc của nó, rượu trắng hay đỏ gì cũng thế. Rượu trắng thì có màu từ trắng trong gần như nước lã nó đi dần dần lên tới màu vàng nhạt, màu rơm rồi gần như vàng đậm giống như hổ phách.
Đó là một loạt về màu sắc mà khi chúng ta cầm cái ly rượu lên nhìn màu sắc của rượu thì lúc đó chúng ta thưởng thức bằng mắt,
– Kế đó phần quan trọng là thưởng thức bằng mũi. Chúng ta đưa ly gần mũi của mình để thưởng thức mùi của rượu vang. Mùi của nó rất thơm, rất đặc sắc. Mỗi loại nho nó cho một mùi vị riêng, thành ra khi làm ra rượu thì người ta thấy rằng rượu vang nó có rất nhiểu mùi khác nhau. Nó giống như một bó hoa: Có khi nó là bó hoa hồng, có khi là bó hoa nhài, rồi có khi là bó hoa huệ… mỗi một loại hoa cho ta một mùi hương; và rượu vang cũng thế, mỗi loại vang trắng nó khác, đỏ nó khác, nó cho ta từng mùi hương đặc biệt ta thưởng thức, mùi hương đó tiếng Pháp người ta gọi là Bouquet, tức là một bó hoa. Đó là khứu giác giúp ta thưởng thức mùi thơm của vang.
– Rồi tới phiên nếm rượu có lẽ là khâu quan trọng nhất. Có cách gì ông chỉ cho biết những vị nào cần có và vị nào không nên có để có một loại vang ngon?
Chúng ta dùng lưỡi tức giác quan quan trọng nhất, là vị giác để nếm rượu thì chừng đó chúng ta mới biết loại rượu nào cũng phải có ba vị hài hòa với nhau. Ba vị cơ bản của nó là vị chua, không có vị chua không được. Vị ngọt, nó phải có vị ngọt đi vào miệng thì nó mới balance out (cân bằng) thì nó mới dung hòa với nhau và cuối cùng là vị chát. Vị chát là xương sống giữ cho rượu vang được lâu, khiến cho người uống vào cảm thấy thú vị nhất là khi ăn những loại thịt có vị béo.
Món uống mang trong nó cả một triết lý?
Đó là ba thứ mà khi người ta cầm ly rượu vang lên người ta tìm cách nhìn ngắm, rồi ngửi nó để thưởng thức mùi hương và nểm để biết vị của nó. Khi anh thấy người ta cầm ly rượu vang người ta xoay xoay, khoắn khoắn là để cho cái oxygen ở trong không khí nó hòa lẫn vào rượu, khi rượu được oxygen tan vào đó thì nó oxýt hóa và tỏa hương thơm của nó lên. Nếu không lắc lắc thì oxygen không vào được và không bốc mùi thơm lên được.
— Đôi khi tôi thấy ở nhà hàng khi chúng ta kêu một chai vang thì họ lại rót ra một cái bình thủy tinh nhỏ rồi từ đó họ phục vụ cho khách mà giới uống vang gọi là decane. Ông giải thích giùm khi decane như thế thì mục đích là gì?
-Decane tức là mở một chai rượu vang ra xong rồi lại phải rót vào một cái bình khác. Trong khi rót như vậy thì dòng rượu vang từ chai chảy xuống bình nó tiếp xúc với không khí nhiều hơn vì chiếc bình có mặt thoáng nhiều hơn, khiến rượu dễ bị oxýt hóa, tức là để oxygen nó vào bên trong chất rượu và nó tỏa mùi thơm ra.
Khi người ta cầm ly lắc cho rượu dính vao thành ly thì người ta, thứ nhất nhìn cái màu và thứ hai, người ta nhìn cái chân của rượu vang. Tiếng Anh nó kêu là legs of the wine. Đó là dòng rượu nó chảy dài xuống bên thành ly những vệt chạy dài giống như những cẳng, chân để lại trên thành ly. Chân càng nhiều bao nhiêu thì rượu càng đậm bấy nhiêu tức alcohol của nó là chất cồn bên trong rượu nó càng cao hơn. Thí dụ như rượu vang nó để 12 độ thì chân của nó ít mà 14 hay 14 độ rưỡi thì chân nó nhiều hơn. Đấy là cái mà chúng ta có thể nhìn thấy trên nhãn hiệu của mỗi chai rượu vang mức độ alcohol là bao nhiêu. Cái đó nó cho mình biết vị đậm hay nhạt của rượu vang ấy và cái đó người ta gọi là body tức là thân thể của rượu vang. Thế nên khi chúng ta nhìn thấy legs of the wine, trong khi tiếng Pháp dùng chữ larme, tức nước mắt, giống như dòng nước mắt chảy xuống, đó là lý do tại sao người ta cầm lắc lắc ly rượu. Người sành rượu chỉ nhìn sự đậm đặc của nước mắt (“giọt lệ rượu”) này có thể đoán được độ cồn của nó. Những điều này chúng ta cần và nên biết để thưởng thức rượu vang…]
 (Trích đoạn từ bài phỏng vấn Lê Văn:”Rượu Vang, Món Quà Của Thượng Đế”)
 
......................
 
Về Chân rượu (legs of the wine hay wine legs)/Lệ rượu (wine tears)
– “Chân rượu” có ý nghĩa gì?:
Nếu bạn lắc rượu vang trong ly rồi đặt xuống khoảng vài giây, bạn sẽ thấy một hiện tượng ki lạ. Những giọt rượu như thách thức trọng lực. Đầu tiên, dòng chất lỏng trào lên thành ly, và sau đó nhỏ giọt trở lại thành những dòng đọng lại trên thành ly.
Đó chính là “chân rượu” (wine legs) hay “nước mắt rượu” (wine tears) vang. Không phải lúc nào cũng cần lắc rượu thì chúng mới xuất hiện, bạn chỉ cần rót một chai rượu vang đậm đà vào ly là đủ để thấy “chân rượu”.
– Vậy, chính xác thì “chân rượu” là gì? Chúng có chỉ ra bất cứ điều gì về mùi vị hay chất lượng của rượu vang không?:
Các nhà khoa học đã cố gắng trả lời câu hỏi này trong nhiều thế kỷ. Năm 1855, nhà vật lý người Scotland – James Thomson là người đầu tiên mô tả chính xác hiện tượng này, có lẽ đã dựa trên nhiều năm quan sát những chiếc ly Port (một loại rượu vang ngọt) sau bữa ăn tối của ông.
Là một chuyên gia về động lực học chất lỏng, nghiên cứu định tính của Thomson về hành vi của nước và cồn trong ly tập trung vào vai trò của sức căng bề mặt và sự thay đổi của nó đối với hai chất lỏng khác nhau, gây ra chuyển động.
Các nghiên cứu sau này cho thấy, một yếu tố khác góp phần tác động tới “chân” rượu là do độ dốc của bề mặt tiếp xúc.
– Vậy “chân rượu” cho bạn biết điều gì?:
Sự nổi bật của “chân rượu” trong ly thường chỉ ra rằng: rượu có nồng độ cồn và lượng đường cao hơn, do đó có kết cấu phong phú hơn và đậm đà hơn. Đó là lí do tại sao “chân rượu” thường nổi bật ở các loại vang cường hóa hoặc vang ngọt như Sauternes, Ice Wine…
Chúng ta cũng biết rằng có thể giảm bớt chân rượu bằng cách làm lạnh đồ uống.
Nhưng đừng tin bất kì ai khi họ nói với bạn rằng chân rượu phản ánh chất lượng rượu. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào thực sự chứng minh được điều đó. Vì vậy chúng ta vẫn sẽ phải nếm thử rượu để đưa ra nhận định của riêng mình.
2.2. Rượu vang ngon
Chai rượu vang ngon trước hết phải có màu sắc tươi thắm, trong sáng và hấp dẫn, nó phải gợi cho ta cái cảm giác thích thú, như khi ta ngắm nhìn một viên ngọc đẹp, hay một cánh hoa tươi, và từ đó, ta sẽ cảm thấy thèm được uống. Nếu không được ngắm nhìn màu rượu, mức độ thích thú của ta sẽ bị giảm đi một phần rất lớn. Thử tưởng tượng ta đang ngồi trong mọt tiệm ăn, người hầu bàn rót ly rượu, ta vừa cầm lên chưa kịp thấy gì hết thì bỗng nhiên đèn tắt vì mất điện. Trong bóng tối lờ mờ đó, ta vẫn có thể đưa ly rượu lên mũi để ngửi mùi thơm, nhắp ngụm rượu vào miệng để cảm nhận vị đậm, nhưng không được ngắm nhìn màu rượu thì sự thú vị có thể chỉ còn được một nửa.
Khi ngắm nhìn màu rượu, hãy để ý xem màu rượu đậm hay nhạt, trong hay đục, ta có thể nhận thấy những khác biệt về cường độ màu sắc, từ chỗ gần như trong vắt đến chỗ thật thẫm. Màu sắc trong rượu cho ta biết phần nào về tình trạng và tính chất của rượu:
– Màu mà vẩn đục thì thường là rượu đã bị hư, vì không khí lọt vào làm cho nó biến thành giấm.
– Rượu trắng mà ngả sang màu vàng xỉn thì có nguy cơ là nó đã bị oxýt hóa, không còn tính chất tươi mát nữa.
– Rượu đỏ để lâu năm thì màu đỏ thường bị lợt đi và nhuốm một chút vàng như màu gạch, nhưng nếu vẫn còn vẻ trong sáng thì có thể còn tốt nguyên.
Ly rượu vang vừa rót ra chúng ta nhìn ngắm cái màu rượu sóng sánh trong ly. Dù đó là màu đỏ đậm của rượu Cabernet Sauvignon, màu đỏ tươi của rượu Pinot Noir, màu ngà phơn phớt của rượu Chardonnay, hay màu vàng như mật ong của rượu Sauternes, ta đều yêu mến vẻ long lanh, nét óng ả của nó. Màu rượu quyến rũ làm ta muốn uống ngay vào miệng.
Người ta thường ví von: “Rượu vang ngon như một cô gái đẹp” nên khi thưởng thức phải biết nâng niu. Rượu cũng có đời sống như người đẹp: Khi rượu đạt đến độ tuyệt đỉnh cũng như một phụ nữ đạt đến độ chín của tài và sắc.
2.3. Xúc giác và thính giác
 
Ngoài 3 giác quan chính thị giác, khứu giác và vị giác trên giúp ta ngắm nhìn màu sắc, phân tích hương thơm, và cảm nhận mùi vị của rượu vang, còn 2 giác quan “xúc giác” và “thính giác”, tuy chỉ đóng vai phụ, nhưng cũng góp phần làm tăng thêm những cảm tưởng khoan khoái cho ta khi nếm rượu.
– Rượu vang tuy là một chất lỏng, nhưng khi tiếp xúc với miệng lưỡi ta thì những hợp chất và mùi vị tiềm tàng trong rượu cho ta cái cảm tưởng là nó “thô cứng” hay “trơn mềm”.
– Tuy ta không nghe được rượu vang, nhưng ly uống rượu là một thành phần thiết yếu cho việc cảm nhận cái ngon của rượu. Thử tưởng tượng, nếu ta mở chai rượu quý như Château Margeaux mà lại rót vào mấy cái ly giấy vẫn dùng để uống Coke thì còn gì là rượu nữa! Nó đòi hỏi ít nhất phải là những chiếc ly thủy tinh trong sáng chân dài. Và nếu được ly pha-lê trong vắt, mỏng manh, thanh tú thì nhất. Khi ta nâng những chiếc ly pha-lê để cụng nhẹ vào nhau trong một cử chỉ chúc mừng, ta sẽ nghe được những âm thanh thánh thót như tiếng chuông vàng, thú vị biết bao.
2.4. Chọn ly uống rượu vang phù hợp:
 
Như đã nói ở trên:
“Về SẮC: muốn thưởng thức trọn vẹn “sắc” của rượu vang (hay cognac: sẽ tìm hiểu ở phần II- NL), bắt buộc phải uống bằng ly pha-lê (crystal). Không thể lập luận “đàng nào cũng uống vào bụng, ly nào mà chẳng giống nhau!”; bởi vì cũng giống như một người đàn bà đẹp và hấp dẫn, khi vào phòng ngủ mặc một cái áo lụa mỏng “lồ lộ một tòa thiên nhiên” để đức lang quân (hay tình nhân) nhìn ngắm thì chắc chắn chàng sẽ thích thú hơn là mặc một bộ pyjama bằng nỉ rộng thùng thình! Cũng thế, ly pha-lê sẽ khiến sắc rượu trở nên óng ánh, hấp dẫn bội phần”.
 
Sau đây là các loại ly phổ biến dùng cho rượu vang:
 
(Hình: 6 loại ly uống rượu vang phổ biến)
 
– Ly vang sủi tăm (Flute Glass): đây là loại ly uống rượu vang sủi bọt, champagne. Dáng ly thon dài là sự lựa chọn thích hợp nhất cho loại vang này – để bảo quản những bong bóng khí lấp lánh chạy thành dòng trong thành ly rượu.
– Ly uống rượu vang trắng (White Wine Glass): ly có bầu nhỏ, ly vang này giúp duy trì nhiệt độ của vang trắng được ướp lạnh, làm nổi bật hương vị của hoa và cam quýt trong rượu vang.
– Ly uống rượu vang Aroma Collector (Ly Burgundy): Ly này còn được biết đến với cái tên “Ly Burgundy”, loại ly này làm nên điều kỳ diệu với các loại rượu vang đỏ có vị nhẹ như Pinot Noir, nhưng cũng là một lựa chọn tuyệt vời cho Chardonnay được ủ trong thùng gỗ sồi và rượu vang hồng. Đây là loại ly thể hiện rất tốt hương thơm của rượu vang khi thưởng thức. Chúng không phù hợp cho các dòng rượu vang trắng, rượu vang khô, rượu vang sủi bọt.
– Ly uống rượu vang phổ thông (Standard): Đây là loại ly được sử dụng nhiều nhất, thông dụng nhất. Chúng phù hợp với bất kỳ loại rượu nào dù là vang trắng hay vang đỏ.
– Ly rượu ngoại cỡ (Ly Bordeaux): Ly này loại ly mà bạn nhất định phải có khi thưởng thức những loại rượu vang đỏ sang trọng nhất. Với loại ly uống rượu vang này, thiết kế miệng ly rộng sẽ giúp cho lượng tanin trong rượu được giảm bớt, làm cho vị thêm phần mượt mà hơn trong hương vị. Ly uống rượu ngoại cỡ này vô cùng tuyệt vời cho rượu vang đỏ đậm với lượng tanin cao.
– Ly rượu tráng miệng (Ly dessert): Ly rượu tráng miệng được làm thủ công để có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với các loại ly uống rượu vang khác Lý do loại ly nhỏ bé này dùng để uống rượu vang tráng miệng là bởi nhiều loại vang tráng miệng hàng đầu thế giới có nồng độ cồn đặc biệt cao.
 
 
(Hình dáng các loại ly uống rượu vang)
 
2.5. Cách cầm ly uống rượu vang đúng:
Ly uống rượu vang gồm bầu ly (thân ly), chân ly và đế ly. Sở dĩ ly rượu vang có chân ly (cũng giống như cốc bia có quai cầm) để tay bạn không chạm trực tiếp vào phần thân ly!
Hãy cùng nhau tìm hiểu cách cầm ly rượu vang đúng cách, giúp bạn trông sang trọng và lịch lãm hơn trong mắt người đối diện.
Nói đúng ra thì không có cách sai và đúng khi cầm ly uống rượu vang, nhưng có cách cầm được chấp thuận là sang đẹp, và cách cầm khác thì bị xem là thô lỗ, thiếu sự tinh tế.
Nhận xét chung là bạn nên cầm ly rượu vang ở phần chân ly và đế ly, tránh cầm vào phần bầu ly. Lý do vì chạm bàn tay vào bầu ly sẽ làm nóng phần rượu bên trong, giảm vị ngon của rượu. Rượu vang đỏ thường được dùng ở nhiệt độ 15–20ºC. Vang trắng thì sẽ ngon hơn khi để lạnh từ 7–12ºC. Cả hai nhiệt độ này đều thấp hơn thân nhiệt của chúng ta.
Ngoài ra, việc cầm bầu ly rượu vang để lại những dấu vân tay, khiến vẻ ngoài của ly rượu kém sang trọng. Cầm ly rượu vang ở đế ly sẽ giúp tránh để lộ những vết vân tay, đặc biệt tại bữa tiệc finger food với các thức ăn cầm tay giàu dầu mỡ.
Bốn cách cầm ly rượu vang có chân đúng cách, lịch thiệp theo Harper’s Bazaar:
 
cách cầm ly rượu vang 1
 
1. Thum & forefinger: Cầm phần dưới của chân ly giữa ngón cái với hai ngón: trỏ và giữa. Gấp hai ngón: đeo nhẫn và ngón út vào lòng bàn tay, hay đặt chúng lên đế ly nhẹ nhàng.
 
cách cầm ly rượu vang 2

2. Pinch at stem: Dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm chân ly – bạn thậm chí có thể móc ngón trỏ quanh chân ly. Cuộn các ngón khác vào lòng bàn tay.

cách cầm ly rượu vang 3
 
3. Pinch at base: Dùng ngón cái và ngón trỏ để cầm chân ly, ngay phần giao điểm với đế. Các ngón khác đỡ dưới đế ly.

cách cầm ly rượu vang 4
 
4. Lever with thumb: Dùng bốn ngón: trỏ, giữa, đeo nhẫn và út để đỡ bên dưới đế ly. Dùng ngón cái – bên trên – để kẹp đế ly lại với 4 ngón nằm dưới.
 
Hãy cầm một cách thanh thoát. Đừng bóp quá mạnh, vì những ly rượu vang thanh mảnh có thể bị gãy chân ly do lực tay của bạn!
Bạn hãy chọn cách cầm ly rượu vang tạo cảm giác thoải mái nhất cho mình. Sau đó tập làm quen tại nhà, để tạo phản xạ tự nhiên cho bàn tay. Khi đến buổi tiệc, bạn sẽ không cần phải chú ý với việc cầm ly rượu vang đúng cách nếu nó đã trở thành một thói quen được rèn luyện.
Ngoài ra, việc cầm ly rượu vang cũng có thể thay đổi tùy vào loại ly. Ly uống vang sủi và vang trắng thường nhỏ hơn khi so với ly uống vang đỏ. Ly chuyên dụng cho rượu Bordeaux nhỏ hơn khi so với ly cho Burgundy/Bourgogne. Tất nhiên, ly càng to, càng nhiều rượu, càng nặng. Do đó bạn sẽ cần linh hoạt thay đổi cách cầm ly uống rượu vang, tránh khiến ly bị mất thăng bằng, làm đổ rượu hay tệ hơn là rơi bể.
...........................

Decant/ Decanter là gì?

Động từ decant trong tiếng Anh có nghĩa gốc là lọc cặn, và trong rượu vang còn có thêm nghĩa làm cho “rượu thở”.
Decanter được hiểu là một bình chứa rượu vang (còn gọi cách khác là bình thở) được gia công bằng thủy tinh trong hoặc pha lê. Decanter sẽ giúp rượu vang được “thở” trước khi rót ra ly uống, giúp rượu vang được tiếp xúc với không khí nhiều hơn; nó được thiết kế với nhiều hình dạng khác nhau, với các chất liệu đa dạng, nhưng truyền thống nhất vẫn là từ thủy tinh hoặc pha lê. Dung tích của chúng thường tương đương với một chai rượu chuẩn (0,75 lít).
 
(Decanter)
 
Nếu bạn chỉ mở nút và để nguyên rượu trong chai thì rượu sẽ không thể “thở” hết được do cổ chai quá nhỏ. Vậy nên nếu muốn cho rượu thở đúng mức thì cách tốt nhất là rót rượu vào bình thở, bởi bình có mặt thoáng khá rộng phía trong, giúp rượu được tiếp xúc với không khí nhiều nhất. Sau khi vang đã “thở” đủ, đúng thời gian bạn mới nên rót ra ly để sử dụng.
Sau khi đã chiết rượu vào bình thở rượu vang, bạn cần lắc nhẹ nhàng và đều tay để không khí được tràn vào bình. Tiếp đến, bạn để cho vang được thở từ 30 – 60 phút tùy theo từng loại rượu trước khi thưởng thức.
Tại sao người ta thường đổ rượu từ chai sang Decanter (Bình đựng rượu) trước khi uống? Đây không phải là hành động đơn thuần chỉ chuyển rượu từ chai sang bình hay chỉ là việc làm kiểu cách mang tính hình thức, phô trương trên bàn tiệc. Thực sự, làm cho rượu thở (decanting) là việc rất quan trọng khi thưởng thức rượu vang.
Trong suốt lịch sử rượu vang, những người lưu giữ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phục vụ rượu. Họ đổ đầy rượu vang từ các thùng ủ rượu sang “amphoras – một loại vò có hai quai bằng gốm” để có thể dể dàng phục vụ rượu vang trong các bữa tiệc hay các buổi cúng tế. Người La Mã cổ đại đã đi tiên phong trong việc sử dụng thủy tinh để làm ra decanter. Sau sự sụp đổ của Đế quốc La Mã Phương Tây, sản xuất thủy tinh trở nên khan hiếm khiến phần lớn các bình chứa được làm từ kim loại như đồng, bạc, vàng, hoặc bằng đất nung. Người Venice đã giới thiệu lại những chiếc bình decanter bằng thủy tinh trong thời kỳ Phục Hưng và đi tiên phong trong việc thiết kế ra những chiếc bình có một thân hình rộng với cổ dài thon, để tăng bề mặt tiếp xúc của rượu, cho phép nó phản ứng với không khí dể dàng hơn. Vào những năm 1730, các nhà sản xuất dercanter của Anh đã thiết kế thêm nắp đậy để hạn chế tiếp xúc với không khí. Kể từ đó đến nay đã có rất nhiều thiết kế đa dạng về kiểu dáng cũng như cách thức sử dụng của decanter khác hơn rất nhiều so với thiết kế cơ bản ban đầu.
Người ta thường thực hiện việc rót rươu vang từ chai sang bình decanter ngay trước khi thưởng thức. Có 2 lý do chính để decant một chai rượu:
– Đối với rượu còn trẻ, thường dưới 10 năm, bạn cần cho rượu thở để tận hưởng rượu được trọn vẹn. Khi rượu còn trẻ, (đặc biệt rượu vang đỏ, trong một số trường hợp có cả rượu trắng) độ acid rất cao, độ cồn nồng và độ chát còn hăng gắt. Khi đó rượu rất cần oxy kích động để làm cho dịu lại, đồng thời các hương thơm khác của rượu được dậy mùi hơn, nhờ vậy bạn sẽ ngửi các hương thơm của rượu một cách hài hòa và vị rượu sẽ cân bằng trong vòm miệng.
– Đối với rượu lâu năm, từ 10-15 năm (chỉ có rượu vang đỏ và một số loại có cặn). Cặn rượu từ vỏ nho bị đóng ván lại, cho thấy rượu có độ phức tạp. Cặn rượu chủ yếu là phần dư từ vỏ nho đóng ván lại sau quá trình lên men, nó giúp mang lại độ phức hợp của rượu vang. Khi rượu được trữ lâu năm, cặn rượu sẽ dần lắng lại dưới đáy chai. Vì chúng ta không muốn uống rượu chung với cặn, nên cần phải tách rượu ra khỏi cặn trước khi uống bằng cách sử dụng decanter, ta thường gọi việc này là Decanting hoặc Carafing. Tuy nhiên trong sản xuất rượu vang hiện đại, nhu cầu khử trùng cho mục đích này đã được giảm đáng kể, vì nhiều loại rượu vang đã không còn tạo ra lượng trầm tích đáng kể khi chúng phát triển thêm trong chai.
Ngoài ra việc sử dụng decanter trong rượu vang nhất là rượu vang đỏ còn tạo nên một vẻ đẹp có tính thẩm mỹ rất cao, làm tăng sự hấp dẫn của rượu vang đối với người thưởng thúc khi nhìn thấy những dòng chảy sắc màu tinh tế lưu chuyển trong decanter, vì thế nó rất được ưu chuộng trong quá trình thưởng thức rượu vang.- (Wineplaza)
 
(Còn tiếp nhiều kỳ)
 
                                                                                         Nguyên Lạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ