Trang

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

ĐỌC "ĐOẢN THƠ ZULU DC" (BÀI 2) - CHÂU THẠCH


ZuLu DC và Châu Thạch
                                
ĐÔI LỜI PHI LỘ:
 
Đây chỉ là những suy nghĩ bắt chợt khi đọc đoản thơ của ZULU DC và viết đăng ngay. Mong quý vị xem bài viết như những phát ngôn bên bàn trà, có đúng có sai nhưng để thư giản cùng nhau là chính     
                                                                                          Châu Thạch
 
5- VÌ AI
 
Môi thì môi xinh mộng mơ
Hoa thì hoa tím của chờ đợi mong
Sen anh không biết ai trồng
Môi em không biết tô hồng vì ai!
 
Tạo hoá ban cho đời nhiều loại hoa với màu sắc và ý nghĩa khác nhau, trong đó hoa sen tím tượng trưng sự chân thành, đằm thắm nhất. Hoa sen tím còn là biểu tượng cho các giáo phái huyền bí, nó bộc lộ cho sự tỉnh ngộ và sự thật qua bốn cánh hoa sen tím mà Đức Phật đã dạy.

Nhà thơ ZuLu Dc ví môi em xinh như đoá sen tím vừa mộng mơ vừa như chờ đợi. Chờ đợi gì? chắc là nhà thơ muốn nói chờ đợi những nụ hôn. Nhà thơ không biết ai trồng sen có nghĩa là em còn xa lạ hay em chỉ là người vừa tao ngộ đã làm cho “Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung/ bày vội vã vào trong hồn mở cửa”.
 
Yêu ngay là đặc tính của những anh chàng thi sĩ, yêu đơn phương cũng là đặc tính của những chàng thi si, bởi người thi sĩ yêu cái đẹp mà cái đẹp thường cao quá, ở chỗ họ với tay không tới. Với người nữ nầy nhà thơ ZuLu DC yêu ngay và yêu đơn phương vì câu thơ “Môi em không biết tô hồng vì ai” cho ta hiểu như vậy.
 
Bài thơ 4 câu “Vì Ai” như là lời trêu đùa thiếu nữ nào đó mà chàng trai đa tình mới gặp, nó cũng giống như câu ca dao mà chàng trai nọ hỏi người tát nước ban đêm “Cô kia tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi!” nên nó ý vị và dễ gây cảm tình cho mọi cô gái cũng như cho mọi tâm hồn có chút lãng mạn.
 
6- BẾP LỬA
 
Mai mốt về thế nào ta cũng ghé
Sài Gòn lạ, Sài Gòn rất quen
Xin hút ấm bàn tay bên bếp lửa
Nhóm cuộc đời thành tình nghĩa anh em.
 
Bài thơ hẹn một ngày về Gài Gòn. “Sài Gòn lạ” là Sài Gòn bây giờ, sau bao nhiêu năm xa cách, cảnh vật và con người đều khác xưa. “Sài Gòn rất quen” là Sài Gòn trong trí nhớ, với vô vàn kỷ niệm yêu thương. Sàì Gòn là đất miền Nam, khí hậu luôn luôn ấm áp, chẳng khi nào lạnh đến nỗi nhà thơ phải “Xin hút ấm bàn tay bên bếp lửa”. Vây thì, cái lạnh nầy là cái lạnh từ trong con tim tác giả, bởi thấy không còn “tình nghĩa anh em”. Chuyện Sài Gòn xưa và nay thì nói ngàn trang không hết, chỉ biết là trong bài thơ nầy, nhà thơ ZuLu DC lại muốn như Trịnh Công Sơn “Nối vòng Tay Lớn”. Chỉ sợ “Tình nghĩa anh em” đời nầy chưa nối được, để hậu sinh thì ngôn ngữ khác nhau trở thành xa lạ không cần chi phải nối nữa!
 
7- VÔ ÂM
 
Khi uống cà phê một mình
Là uống cả tội tình trăm năm
Tội tình từng giọt vô âm
Sao như sóng vỗ ì ầm quanh ta
 
Người ta thường nhớ người tình khi uống cà phê một mình, chỉ có ZuLu DC là “Khi uống cà phê một mình/Là uống cả tội tình trăm năm” nghe như cường điệu. Đúng vậy, nó cường điệu vì văn thơ không nói như thế, nhưng nó là sự thật mà văn thơ chưa nói, nên người nói ra là người được khen thưởng.
 
Nhà thơ ZuLu DC có một bài thơ viết về Động Đền, là một dinh điền, nơi định cư tạm bợ để tránh cái đói mà ông cũng phải rời đi, trong bài thơ đó có hai câu thơ “Đớn đau như thể dòng nước mắt/Buồn như lịch sử trút cơn mưa”. Chỉ hai câu thơ nầy thôi ta cũng có thể hiểu được tâm sự tác giả như hàng triệu chàng trai của một thời, phải bất đắc dĩ xa quê hương, họ đều có mặc cảm tội lỗi vì phải chịu trôi theo dòng lịch sử.
 
Ngày xưa Thuý Kiều ngồi một mình trên lầu Ngưng Bích, nàng nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, nỗi buồn cứ dâng lên, hình dung nỗi buồn xoắn tròn như chiếc đinh ốc, cho đến đỉnh điểm thì nàng bất tỉnh nghe “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Ngày nay, ZuLu DC ngồi uống cà phê một mình, nỗi buồn vì cảm thấy mình tội lỗi cũng dâng lên chẳng khác chi Thuý Kiều ngày xưa, nên giống như Thuý Kiều ngày xưa, nhà thơ nghe “Như sóng vỗ ì ầm quanh ta”. Xưa và nay thì tiếng sóng vỗ ì ầm đều là “Vô Âm” vì nó tự phát trong lòng.
 
 
Bài thơ có từng giọt cà phê vô âm nhưng nó như từng tảng băng dội vào lòng người cô đơ. Bài thơ có tiếng ì ầm vây quanh là tiếng sóng vô âm của sầu bi, nhớ thương và ân hận.
 
8- HỎI THĂM
 
Trước khi là bóng tối
Trời đất như rạng đông
Trước khi làm đám cưới
Em có nhớ anh không?
 
Trước khi làm đám cưới là trước buổi bình minh của một đời vợ chồng, vậy mà tác giả đem ví với hoàng hôn, tức là giờ phút trước khi bóng tối trùm cả thế gian.
 
Có thể nói để cười vui, thì nhà thơ quan niệm hôn nhân là tận số, là đêm đã đến trong đời. Thật ra bình minh cho ta một ngày mới đầy hy vọng, nhưng hoàng hôn cho ta những lo âu bởi đêm dài lắm mộng. Vì lẽ ấy, nhà thơ dùng hoang hôn để thể hiện tâm trạng bồn chồn của chàng trai trước khi làm đám cưới.
 
Có lẽ với câu hỏi “Trước khi làm đám cưới/ Em có nhớ anh không?” sẽ làm cô gái ngẫn ngơ khó trả lời. Nhớ ư? Đâu có thì giờ để nhớ trước những bận bịu, những lo toan để chuẩn bị vu quy. Không nhớ ư? Làm sao không nhớ anh được khi anh đang ngự trong con tim em, trong tâm hồn em.
 
Thật ra, “Hỏi Thăm” là câu hỏi ngộ nghỉnh khó trả lời, chàng trai hỏi chỉ cốt để bày tỏ sự yêu thương, thân mật, quan tâm đến người vợ sắp cưới của mình. Như thế, bài thơ cũng như câu hỏi, tưởng như là tưng tửng nhưng nó không khác chi một ánh mắt âu yếm, một nụ hôn nhẹ, một bàn nay vuốt má hay một bông hoa đồng nội trao cho nàng
                                                  
                                                                                       Châu Thạch
 
(Bài viết xin dừng lại ở đoản thơ thứ 8 nầy. Sẽ còn viết tiếp cho đến khi hết trên 50 đoản thơ củả ZuLu DC. Mời đọc tiếp ở những bài sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ