Trang

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

TỔNG THỐNG MỸ BILL CLINTON “LẨY KIỀU” – Phạm Đức Nhì


Nhà bình thơ Phạm Đức Nhì
 
 
Hai Câu Kiều Với Nhiều Gởi Gắm
 
Tại buổi chiêu đãi (tối 17 tháng 11 năm 2000) do Chủ tịch nước Trần Đức Lương chủ trì, Tổng thống Bill Clinton khẳng định niềm tin, niềm vui, mong muốn của Hoa Kỳ:
 
“Khi chúng ta mở rộng cánh cửa, chúng ta không chỉ tiếp nhận những tư tưởng mới. Chúng ta còn giới thiệu được với bên ngoài tài năng và tính sáng tạo cùng tiềm năng của dân tộc.
 
 Chỉ sau một ngày ở thăm đất nước các bạn, tôi tin tưởng chắc chắn rằng sẽ không có gì có thể ngăn cản người dân Việt Nam giành lấy cơ hội nhận biết tiềm năng tràn đầy của mình. Nhân dân Hoa Kỳ vui mừng vì đã đến lúc chúng ta có thể trở thành đối tác”.
 
Và (Tổng Thống) (1) Bill Clinton đã “Lẩy Kiều”:
 
“Sen tàn Cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân”
 
Ông Bill Clinton đã mượn quy luật vận động tất yếu của tự nhiên để khẳng định sự phát triển tất yếu quan hệ Mỹ – Việt: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng mà cả hai nước đều có trách nhiệm xây dựng.
 
Sen tàn là đã hết mùa Hạ, chuyển sang mùa Thu hoa cúc nở; hết mùa Thu chuyển sang mùa Đông với đặc điểm sầu dài ngày ngắn và kết thúc mùa Đông u ám là đến mùa Xuân tươi sáng… Liên hệ với quan hệ Mỹ – Việt, hết chiến tranh thì lại hòa bình, hết đối đầu lại làm bạn với nhau
(“Lẩy Kiều” Cùng Tổng Thống Mỹ, Tạp Chí Việt Mỹ, PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị)
 
https://vietmy.net.vn/quan-he-viet-my/nhip-cau-viet-my/lay-kieu-cung-tong-thong-my-488655
 
Rất Dễ Hiểu Lầm
 
Nếu ai đó đọc hai câu
 
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, Đông đà sang Xuân
 
mà lờ đi hoặc hiểu không đúng nhóm chữ “Sầu dài ngày ngắn” như ngài PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị thì rất dễ lầm đó là “quy luật vận động tất yếu của tự nhiên” và sẽ vỗ đùi khoái chí cho rằng: Đúng là quan hệ Mỹ - Việt đã giã từ mùa Đông u ám để bước qua mùa Xuân tươi sáng – “hết chiến tranh lại hòa bình. hết đối đầu lại làm bạn với nhau”.
 
Nhưng có phải đúng như thế không?
 
Mời Độc Giả Đọc Cả Đoạn Thơ
 
Lâm Truy (2) từ thuở uyên bay,
Buồng không, thương kẻ tháng ngày chiếc thân
Mày ai, trăng mới in ngần
Phấn thừa, hương cũ, bội phần xót xa
Sen tàn, cúc lại nở hoa
Sầu dài, ngày ngắn, đông đà sang xuân
Tìm đâu cho thấy cố nhân?
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương
                                      (Câu 1791-1798)
 
Trước hết xin mượn lời học giả Lê Văn Hòe “giải thích nguồn cơn” để độc giả tiếp cận hai câu thơ một cách dễ dàng hơn.
(Tôi trích nguyên văn lời chú giải của học giả Lê Văn Hòe)
 
Từ thuở Uyên bay: Từ thuở “uyên ương” bay mỗi con một ngả - ý nói từ thuở Thúc Sinh mất Kiều.
Uyên tức là “uyên ương”, là một giống chim về loại vịt, ăn dưới nước, bao giờ con trống con mái cũng đi thành đôi, người ta mượn để ví vợ chồng.
 
Thương kẻ tháng ngày chiếc thân: Thương Thúc Sinh tháng ngày một mình trong buồng vắng.
Đây là tác giả tỏ ý thương thay.
 
Nhớ Kiều, Thúc Sinh nhìn vầng trăng mới (tức trăng đầu tháng lưỡi liềm), chàng tưởng như thấy nét lông mày của ai. Ai đây trỏ Kiều. Nhìn trăng lưỡi liềm mà tưởng lông mày người yêu, tấm lòng Thúc Sinh thương nhớ người yêu kể đã thắm thiết nồng nhiệt.
 
Xem đến chỗ phấn hương Kiều dùng ngày xưa để lại, Thúc Sinh càng thương xót bội phần vì chàng yên trí rằng Kiều đã chết trong đám cháy.
 
Hết mùa hạ sang mùa thu
Hết mùa đông sang mùa xuân.
Mối sầu thì cứ dài dặc mãi mà ngày giờ thì như ngắn cứ lần lần qua đi.
Hai câu này tả thời gian một năm qua đi chóng vánh để diễn cái ý “ngày ngắn” đồng thời cũng để diễn cái nghĩa “sầu dài” vì trải hết bốn mùa mà sầu vẫn chưa hết cho.
 
Cố nhân là người bạn cũ, người thân yêu cũ, Thúc Sinh gọi Kiều là cố nhân.
 
Thúc Sinh đành lấy thuyết số mệnh để tự an ủi cho lòng khuây dần nỗi nhớ thương Kiều (chàng đổ cho Kiều chếi như vậy là tại số)        (Truyện Kiều Chú Giải, Lê Văn Hòe, trang 439-440)
 
http://tusachtiengviet.com/images/file/jF7X5p0d1AgQAEMI/truyen-kieu-chu-giai.pdf
 
Như vậy, hai câu
 
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân
 
nằm giữa một đoạn thơ diễn tả một tình cảnh đau buồn đến mức tột cùng thê thảm, nhưng Tổng Thống Bill Clinton không biết, không hiểu, đã nghe lời “xúi dại” của một người “hiểu Kiều chưa tới”, đưa chúng vào một bài diễn văn ngoại giao quan trọng.
 
Hậu quả là thay vì “mượn quy luật vận động tất yếu của tự nhiên để khẳng định sự phát triển tất yếu quan hệ Mỹ – Việt: Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tươi sáng mà cả hai nước đều có trách nhiệm xây dựng” ngài Tổng Thống Mỹ đã gởi lầm một thông điệp hoàn toàn trái ngược; mối quan hệ Mỹ - Việt trong thời điểm ấy, nếu hiểu đúng ý hai câu Kiều trên - chỉ là một đoạn đường đen tối mịt mù, không có cả chút ánh sáng le lói cuối đường hầm.
 
Tổng Thống Bill Clinton không những đã phạm một “sai lầm ngoại giao” quan trọng mà – qua việc trích dẫn hai câu Kiều - còn vô tình xúc phạm đến dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam nữa.
 
 
Đặt Hai Câu Thơ Vào Một Bức Tranh Lớn Hơn
 
Dưới đây là bức tranh lớn hơn, sắp đặt những cảnh đời và tình tiết nối kết nhau để cuối cùng dẫn đến tâm trạng buồn sầu não nuột của Thúc Sinh.
 
Thúc Sinh chuộc Kiều khỏi lầu xanh
Thúc Ông không chịu, kiện ra cửa quan
Kiều bị đánh đòn nặng tay nhưng quyết theo Thúc Sinh chứ không trở lại lầu xanh
Nhờ biết thi phú nên được quan thương tình khuyên Thúc Ông kết hợp cho hai người
Thúc Sinh sắp xếp chỗ ở cho nàng tại Lâm Truy gần nhà Thúc Ông
Mặn nồng được một thời gian
Kiều tiễn Thúc Sinh về thăm nhà
Tỉ tê khuyên Thúc Sinh thuyết phục vợ cho mình về làm lẽ
 
Nhưng vợ Thúc Sinh là Hoạn Thư biết trước
Bàn với mẹ một âm mưu thâm độc
Khi Thúc Sinh trở lại Lâm Truy
Hoạn Thư cho Khuyển Ưng đi tắt đường thủy đến Lâm Truy bỏ thuốc mê cho Kiều, vứt một xác người vô chủ vào nhà rồi nổi lửa đốt nhà.
Bọn tay chân của Hoạn Thư trước tiên đem Kiều về nhà của mẹ Hoạn Thư đánh đập tàn nhẫn, o ép vào khuôn phép, sau đó đưa Kiều đến nhà Hoạn Thư làm con hầu để bắt đầu chuỗi ngày bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần.
 
Thúc Sinh đến Lâm Truy, tưởng Kiều đã chết, vô cùng thương xót. Hai câu “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân” xuất hiện trong bối cảnh đó.
 
Vậy Thúc Sinh là ai? Là anh nhà giầu trốn vợ tằng tịu với gái điếm ở lầu xanh. Giờ đang đứng trước “tổ ấm của một mối tình”, thật ra chỉ là một cái “nhà chứa nhỏ” - tưởng rằng xác cô gái điếm mà mình chết mê, chết mệt, đã trộn lẫn trong đống tro tàn -  mà lòng bùi ngùi thương cảm.
 
Và Kiều là ai? Lúc đó là một cô gái điếm, chuyên dùng “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” để quyến rũ khách làng chơi.
 
Đem mối quan hệ giữaThúc Sinh và Kiều ở thời điểm ấy để bóng gió nói đến mối bang giao Mỹ - Việt thì thật là quá tệ. Mỹ xấu ê mặt mà Việt Nam cũng tê tái lòng.
 
Kết Luận
 
Chỉ xét về khía cạnh văn chương, Ban Tham Mưu soạn diễn văn cho Tổng Thống Bill Clinton đã hiểu sai nghĩa hai câu Kiều của Nguyễn Du, làm lệch hướng thông điệp hữu nghị mà ông chủ Tòa Bạch Ốc muốn gởi đến dân tộc Việt Nam.
 
Tôi, một kẻ yêu thơ văn, nhân đọc những lời “tung hô có cánh” về bài diễn văn có “lẩy Kiều” của Tổng Thống Bill Clinton cảm thấy ngứa ngáy tay chân nên viết vài hàng để bảo vệ cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều.
 
 Xin đón nhận mọi phê bình góp ý của bạn đọc.
 
                                                                            Phạm Đức Nhì
                                                                      nhidpham@gmail.com
 
CHÚ THÍCH:
 
1/ Hai chữ (Tổng Thống) là của PĐN thêm vào. Viết “trống không” như thế không được lịch sự lắm.
2/ Có bản viết Lâm Tri hoặc Lâm Chuy.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ