Việc ông Phạm Công Thiện phê phán kịch liệt GS. Nguyễn
Văn Trung và thái độ im lặng khó hiểu của GS. Nguyễn Văn Trung được coi như một
“nghi án” trong đời sống văn chương triết học của Sài Gòn trước 1975. Chúng tôi
xin đưa bài viết của GS. Nguyễn Văn Trung đăng trên trang Thông Luận năm 2007 để làm rõ một vấn đề có liên quan,
và cũng là “trả hết cho đời” những thị phi về những con người có ảnh hưởng lớn
trong đời sống trí thức Sài Gòn trước đây, hiện họ đều cùng không còn trên “cõi
người ta” nữa...
Bài
viết về Phạm Công Thiện là bài số 4 trong một loạt 7 bài viết dưới chủ đề “Nhìn
Lại Những Chặng Đường Đã Qua” mà Gs Nguyễn Văn Trung viết từ năm 2003 ở
Montréal và San Jose, sau được Thông Luận đưa lên năm 2007.
Giáo
sư Nguyễn Văn Trung
ÔNG PHẠM CÔNG THIỆN Giáo sư Nguyễn Văn Trung
Tôi nhìn lại “Những
chặng đường đã qua” trong tinh thần cố gắng nhận ra trách nhiệm về phân
minh những gì tôi đã viết, đã làm là đúng hay sai, đã gây hiểu lầm, phiền lòng,
xúc phạm đến người khác hay đến những niềm tin xác tín của họ bất kể là thế
nào. Trong ý hướng đó, tôi cũng nhận ra trách nhiệm của mình về những gì tôi đã
không làm, những vụ đáng lẽ phải làm vì trực tiếp liên hệ đến tôi và trong tầm
tay, khả năng của tôi. Tôi xin nói một trường hợp thôi, trường hợp Phạm Công
Thiện.
Sau đảo chánh 01/11/1963, ông Phạm Công Thiện xuất bản
cuốn Hố thẳm tư tưởng, dành một
chương phê phán luận án tiến sĩ của tôi với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng,
mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi vụ “ông Phạm Công Thiện phê phán ông Nguyễn Văn
Trung”, chờ đợi tôi lên tiếng đối đáp; nhưng cho đến nay tôi vẫn giữ im lặng,
không có một lời nói công khai nào.
Thực ra ngay sau khi sách ông Thiện ra ít lâu, tôi có
viết “Thư ngỏ gửi ông Phạm Công Thiện”,
chỉ nhằm mục đích nhắc tác giả về sự thay đổi thái độ 180 độ của ông Phạm Công
Thiện đối với tôi, trước và sau đảo chính, và yêu cầu ông Thiện giải thích sự
thay đổi đó. Trong “Thư ngỏ” dài 12
trang này, tôi không đả động gì tới nội dung bài của ông Thiện, không có ý
tranh luận hay thanh minh gì, mà chỉ đòi ông Thiện cho dư luận hiểu tại sao trước
63, qua các thư gửi cho tôi, ông Thiện đưa tôi lên tận mây xanh, ca tụng tôi
không những là nhà triết gia số một về triết Tây phương mà cả triết Đông
phương. Nhưng sau 75, ông dìm tôi xuống bùn đen và đạp cho tôi chết ngộp trong
vũng bùn đen đó. Tuy nhiên trong thư ngỏ tôi cũng bày tỏ thái độ của tôi về tư
cách người cầm bút sáng tác nói chung. Tôi chấp nhận và có thể hoan nghênh thái
độ phản kháng, phủ nhận của người cầm bút đặc biệt như một thi sĩ, và vì đã tự
coi mình là “thiên tài nhất không phải chỉ
ở Việt Nam mà cả thế giới” dĩ nhiên có quyền khinh chê, mạt sát mọi người.
Trong sách, ông Thiện đã phủ nhận tất cả các triết
gia: “Ngay đến Heraclite, Parmenide và
Empédocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm
của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà
ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta”. Ông coi những nghệ sĩ như Goethe
Dante như những thằng hề ngu xuẩn. Ông muốn mửa màu đen trên những người làm
văn nghệ ở Paris. Còn về J.P. Sartre và S. de Beauvoir, “nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”...
Về Thiền tông “Tao đã gửi Thiền tông vào
một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy
học, thời gian tao học ở Hoa kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học
mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn,
ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ
hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê su hiện ra đứng
giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao. Tao là học
trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và
cũng không để ai làm thầy tao. Còn các Văn Sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của
các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự
lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức “mười lăm xu”, ái quốc nhân đạo
“ba mươi lăm xu”, triết lý tôn giáo ‘bốn mươi lăm xu’ ”.
Nếu những đại triết gia, văn hào, thánh hiền còn bị
ông coi là những tên ngu xuẩn, và tác phẩm của họ đáng vứt vào cầu tiêu thì tôi
bị ông kết án là “tượng trưng cho sự nô lệ,
nông cạn phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay” có gì lạ. Trong thư
ngỏ, tôi nói với ông Thiện tôi không hề cảm thấy bị xúc phạm về thái độ mạt sát
khinh bỉ của ông, và hơn nữa chấp nhận thái độ phản kháng phủ nhận triệt để của
ông với điều kiện: qua đời sống, ông cho thấy ông đã vươn tới một thái độ tâm
linh siêu nhiên vượt khỏi mọi giới hạn ngôn từ, khen chê, xưng tụng hay chửi thề.
Bày tỏ sự bất nhã, bất kính ngay cả với Phật Chúa chính vì để cho thấy khả năng
phản bội của ngôn từ. Xưng tụng tôn thờ mà thực ra là xúc phạm, và nói lời phạm
thượng, xúc phạm lại bày tỏ sự tôn kính thực sự.
Tôi thật thắc mắc đời sống cụ thể của ông Phạm Công
Thiện không cho thấy tỏa ra một vẻ đạo hạnh nào của nguời tu trì thánh thiện.
Ngược lại, tôi thấy ông đã có những lựa chọn trong đời sống cụ thể hoàn toàn
trái ngược với những gì ông nói hay viết ra. Ông nói khinh bỉ nghề dạy học làm
thầy người khác, nhưng lại vào tá túc tại Đại Học Vạn Hạnh, mặc áo cà sa mang
pháp danh “Đại đức Thích Nguyên Tánh”
khỏi phải đi lính như những người khác, cùng tuổi không bằng cấp. Tóm lại, tôi
sẽ trọng ông nếu ông chửi đời, chửi người khác và sống lang thang như Bùi
Giáng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) sau nhiều lần thi trượt dự bị văn khoa
không phải vì anh kém mà chỉ vì anh không tuân theo những luật lệ của trường
thi, nên anh sống lang thang làm thơ phẫn nộ, cấm sinh viên giáo sư văn khoa đọc
tác phẩm của anh. Trong trang cuối cùng, tôi thấy ông ghi chú rằng “Hố thẳm tư tưởng” ra đời để đánh dấu
ngày tôi chấm dứt mọi liên lạc tình cảm với Bùi Giáng và Nhất Hạnh. Không còn
gì để nói nữa. Sự đoạn tuyệt này thật xác đáng, vì ông Phạm Công Thiện bây giờ
không giống Nhất Hạnh, ở nơi vị thượng toạ này, con người thi sĩ không chửi vào
mặt con người tu trì. Cũng không giống Bùi Giáng vẫn sống vất vưởng phù hợp với
thái độ bây giờ qua thơ văn của mình.
Tôi gửi thư ngỏ kèm những bức thư ông Phạm Công Thiện
gửi cho tôi về tòa soạn báo Đại Học (Huế), nhờ Lê Ngộ Châu chuyển, thay vì tôi
có thể đăng công khai. Mấy bữa sau, tôi và ông Thiện gặp nhau ở tòa báo Bách Khoa
với sự chứng kiến của anh Lê Ngộ Châu. Trong bữa gặp gỡ đó, ông Thiện thú nhận
với tôi đại ý như sau: “Tôi viết bài phê
bình anh để thỏa mãn những uất ức bất mãn của giới Phật giáo coi anh là tiêu biểu
cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Công giáo nói riêng. Tôi xin hứa với
anh sẽ bỏ bài đó trong lần tái bản sách sắp tới.” Ông Phạm Công Thiện đã giữ lời hứa.
Đáng lẽ tôi phải đề nghị ông Phạm Công Thiện và chúng
tôi đồng ý lên tiếng chung, một cách công khai, đăng trên báo về quyết định kể trên.
Tôi đã không làm việc đó vì coi như mọi sự đã dàn xếp xong. Nhưng sau đó nhiều
người trong giới cầm bút, nhất là trong giới Phật giáo vẫn trích dẫn, những phê
phán đả kích của ông Phạm Công Thiện trong các bài viết của họ. Tôi cũng đọc
qua cho biết nhưng không bận tâm nên cũng không liên lạc với ông Thiện yêu cầu
làm việc lên tiếng chung.
Chỉ kể một vài người mượn ông Phạm Công Thiện để công
kích tôi. Cung Tích Biền viết thế này: “Ông
Nguyễn Văn Trung chỉ là một trí thức phá sản? Ông không có gì để phá sản. Ông
chỉ là kẻ bịp và là một du đãng văn nghệ. Kẻ bịp kia như thế nào thì đã có ông
Phạm Công Thiện làm cáo trạng từ lâu rồi.” (Tuần báo Khởi Hành số 150,
1972). Chu Tử, qua bút hiệu Kha Trấn Ác, viết “Người hùng Nguyễn Văn Trung” trong tuần báo Đời số 11 phát hành
ngày 27 11 1969, nhắc lại tập san Sử Địa trích lời phê bình của ông Phạm Công
Thiện đối với ông Nguyễn Văn Trung như sau: “Đối
với tôi Nguyễn Văn Trung tượng trưng cho sự nông cạn, nô lệ, phá sản của giới
trí thức Việt Nam hiện nay. Tên ấy gợi lên sự học vấn lừng khừng suy tư thiếu
máu, cóp nhặt thiếu thông minh, kiêu ngạo, ngu xuẩn, lưu manh, nguy hiểm. Tôi
đã tàn bạo khi viết những giòng trên. Phải tàn bạo. Không thể nhẹ nhàng, không
thể cảm thông, trao đổi với hạng người trên...” Cái gì mà cay cú dữ dằn thế!
Riêng Đầu Gối chỉ tiếp xúc với ông Trung có một lần, không hiểu rõ con người thực
của Nguyễn Văn Trung ra sao, Đầu Gối chỉ có cảm nghĩ dưới đây về trường hợp
Nguyễn Văn Trung… Ý của Chu Tử sau đó là tôi có thể là gì cũng được miễn là đừng
làm tay sai nằm vùng cho cộng sản thế thôi...
Trong bài “Mười
năm sinh hoạt văn hóa Phật giáo tại Việt Nam” (1963 - 1973) Trần Quang Phúc
trong tạp chí Hải Triều Âm 1973:
“Ngoài
các hoạt động của báo Đại Học, những tác phẩm của Nguyễn Văn Trung gây chấn động
cho giới Phật giáo thời đó nhiều nhất. Không kể những bài trong quyển Nhận Định,
riêng quyển Biện chứng giải thoát trong Phật giáo của ông quả thực là một quả
bom nổ, không khí rầm rộ không kém bài phê bình của ông Phạm Công Thiện về quyển
La conception boudhique du Devenir sau này. Bạn tôi đi du học đã gần bảy năm mà
nghĩ đến Phật giáo thời đó vẫn viết thơ về bắt tôi chạy tìm cho được quyển La
conception boudhique du Devenir của Nguyễn Văn Trung, thì đủ biết tầm mức của
nó gây ấn tượng sâu đậm như thế nào”…
Sau Ngày sinh của
Rắn, Hố thẳm tư tưởng xuất hiện lại càng gây chấn động dữ vì bài phê bình
Nguyễn Văn Trung. Một số Phật tử thỏa mãn, họ có ý nói là trả lại những lộng
hành của Nguyễn Văn Trung đối với Phật giáo trước kia. Một số người khác chỉ đồng
ý một nửa vì phê bình quá nặng tay.
Lần tái bản Hố
thẳm tư tuởng sau này, Phạm Công Thiện tự ý bỏ bài phê bình đó. Sau gần 30
năm, nhìn lại vụ này trong “Những chặng
đường đã qua”, tôi nhắc đến bữa gặp gỡ giữa chúng tôi, có mặt anh Lê Ngộ
Châu, còn sống ở Sài gòn, để người đọc, nhất là trong giới Phật giáo, hiểu cho
rằng không phải tự ý ông Phạm Công Thiện bỏ bài phê bình đó. Trong tinh thần
tôn trọng tinh thần trung thực, tôi vẫn còn giữ nguyên những thư ông Thiện gửi
cho tôi với tư cách chủ trương biên tập tạp chí Đại Học (Huế). Những thư này được
lưu giữ trong hồ sơ của tạp chí, mục liên lạc với độc giả. Và người viết lịch sử
văn học Việt Nam có thể tham khảo hồ sơ này còn được lưu trữ ở Thư viện Đại Học
Huế. Nhưng mục đích chính nhắc tới vụ này là để kể lại lúc đó tôi đã nghĩ gì về
“hiện tượng Phạm Công Thiện”, và bây
giờ tự xét xem tôi có trách nhiệm gì về phần tôi đã để xảy ra hiện tượng Phạm
Công Thiện.
Tôi nhớ rõ vì có ghi lại, hồi đó tôi đến gặp T.T.
Thích Minh Châu, Viện Trưởng viện Đại học Vạn Hạnh để trình bày những thắc mắc
của tôi liên quan đến bài viết của ông Phạm Công Thiện. Thượng Toạ cho biết
chính Thượng Toạ là người đã đưa ông Thiện đang ở Paris làm beatnik, để tóc
dài, cạo trọc đầu, khoác áo cà sa về Sài Gòn và cho ông dạy tại Vạn Hạnh. Thượng
Toạ là người bao dung tỏ ra tôn trọng tuyệt đối tự do của người khác. Qua câu
chuyện trao đổi, Thượng Toạ chỉ muốn tôi thông cảm với một hiện tượng như là “kết quả oan trái của thời cuộc loạn ly suốt
hai mươi năm nay mà những thế hệ trẻ đã phải chịu đựng vì họ là nạn nhân”.
Tôi cảm kích thái độ độ lượng của T.T. Viện trưởng và sẵn sàng thông cảm với hiện
tượng Phạm Công Thiện mà dư luận giới cầm bút thời đó có người gọi là một quái
thai, một đứa con hoang của văn học, và chịu đựng trong yên lặng.
Những người cầm bút lúc ấy, đặc biệt những người mang
danh Phật giáo, không có được tinh thần của T.T. Viện trưởng, vẫn tiếp tục khai
thác, lợi dụng bài phê bình của Phạm Công Thiện, bày tỏ một thái độ thỏa mãn hả
hê, như ông Trần Quang Phúc đã cho biết. Còn thái độ im lặng của tôi thì được
những người sử dụng bài của Phạm Công Thiện coi như một thú nhận tội lỗi không
thể chối cãi của kẻ bị cáo. Cũng trong thời gian đó, tôi nhận được thư của anh
Tạ Trọng Hiệp, người bạn thân từ Paris đưa tin về Phạm công Thiện:
“Đầu
mùa hè năm ngoái, tôi có gặp Thiện hai lần ở nhà Ái, một lần ăn cơm chung với vợ
chồng Ái, một lần gặp nhanh vì hôm đó anh ta mặc áo nhà sư tiếp phái viên của
báo Pháp. Nói chuyện thì thấy anh ta chẳng điên tí nào cả, rất nhã nhặn và vui
vẻ bình thường như mọi người cùng lớp tuổi với chúng mình. Nhưng đó, riêng đối
xử với tôi thì có lẽ vì tôi hoạt động ở một địa hạt không ăn vào cái mà Thiện
nhận là địa hạt của Thiện, nên chẳng có gì đụng chạm. Gặp nhau cũng đã lâu rồi,
tôi không nhớ là đã nói với nhau những gì, nhưng đến một lúc tôi lái câu chuyện
qua văn học và sinh hoạt trí thức ở Sàigòn, kể nhẹ đến tên Trung thì thấy ngay
anh ta đổ quạu. Có thể hiểu thái độ của Thiện cũng như thái độ của Bùi Giáng...
một phần là do sự ghen trí thức chăng? Một khi mình sẵn có vocation làm anh cả
(Maitre à penser) tưởng dễ thành công (vì trong tình trạng mù lòa của cái ao Việt
Nam, một anh chột mắt cũng dễ thành công, thành danh không khó nhọc lắm), lại gặp
phải một chướng ngại trí thức như Trung, có tài lý luận còn hơn anh ta nhiều, học
vấn lại có căn để trong đại học chứ không phải là thứ chắp vá autodidacte, thì
còn gì đáng ức cho bằng? Cho nên cũng giận lây cái đại học chính qui mà mình
không lọt vào được và rất hoan nghênh cái đại học khác đã mở cửa cho mình vào,
có gì là lạ? Lại có thêm yếu tố chính trị xen vào làm rối thêm bầu khí! Trung
là trí thức nhưng Công giáo, vậy muốn hạ Trung cũng cần dựa vào lực lượng nào
khác đang có sức chống lại khối Công giáo.
Tôi
nghĩ rằng đây cũng là một con đẻ điển hình của cái ao tù luộm thuộm Việt Nam;
thời thế là vậy hẳn phải tạo ra những anh hùng như vậy. Trong xã hội ở cấp rất
cao thiếu gì những anh lưu manh như vậy”.
Lối nhìn người của anh Hiệp, về nội dung cũng không
khác lối nhìn của T.T. Thích Minh Châu, vì sự ghen ghét bực bội cá nhân cũng bắt
nguồn từ tình trạng loạn ly trong đó có những người được may mắn ăn học và những
người không có cái may mắn đó. Duy có điều từ nhận xét khách quan của người
ngoài đời, không thấy toát ra lòng bao dung độ lượng của người tu trì. Tuy
nhiên thư của anh Hiệp cho tôi cảm nhận thêm phải thông cảm hơn số phận của những
người cùng thời không được may mắn, mà nguyên nhân may hay không may đều do thời
cuộc loạn ly.
Ý nghĩ của tôi từ đó đến nay dừng lại ở điểm đổ lỗi
cho thời cuộc mà không tự hỏi trong trường hợp cụ thể: Phạm Công Thiện có liên
hệ với tôi, tôi có trách nhiệm gì gây ra việc ông thay đổi thái độ trở thành
người phản kháng chửi tôi, chửi đời, chửi người thực tình và dữ dội như vậy.
Bây giờ đọc lại bài phê bình của ông Thiện, những bức thư ông gửi cho tôi, tôi
mới nhận ra, quả thực, tôi có trách nhiệm nào đó. Các thư ông viết cho thấy rõ
ông mong mỏi có chỗ đứng trong giới nghiên cứu giảng dạy đại học, mà tôi lúc đó
hoàn toàn có khả năng đáp lại mong muốn chính đáng của ông. Chẳng hạn đăng bài
biên khảo trên tạp chí Đại Học, ra sách ông viết trong nhà xuất bản Đại học, mời
ông làm giảng viên Đại học Huế, diễn thuyết ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang trong
khuôn khổ lịch trình sinh hoạt văn hóa Đại học Huế, và sau cùng vận động cho
ông đi du học, không phải vì ông là người Công giáo như tôi đã làm cho vài người
khác. Tóm lại ông đã gõ cửa tôi, có lẽ sau khi đã thử gõ nhiều nơi khác, nhưng
tôi đã không mở cửa cho ông, và vì thế tôi đã đẩy ông vào tình trạng thất vọng,
bất mãn.
(…)
Nguyễn Văn Trung
© Thông Luận 2007
Nguồn:
http://www.viet-studies.info/NguyenVanTrung_OngPhamCongThien.htm
Gs Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930, tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; còn có bút hiệu là Phan Mai và Hoàng Thái Linh. Xuất thân trường Dòng Puginier và chủng viện Hoàng Nguyên trước khi chuyển qua học Chu Văn An, Hà Nội. Từ 1950 đến 1955 ông được gửi đi du học Âu châu, ban đầu ở Pháp rồi qua Bỉ, đậu cử nhân triết học Đại học Louvain, Bỉ. Năm 1955 về Sài Gòn dạy trường trung học Chu Văn An, và sau đó là Đại học Huế.
Trả lờiXóaNăm 1961 ông trở lại Bỉ, trình luận án tiến sĩ về Phật Học cũng tại Đại học Louvain với đề tài: “La Conception Bouddhique du devenir, Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda.”
Về nước ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).
Sau 1975, không được trở lại giảng dạy, ông chỉ có thể làm công việc nghiên cứu văn học và triết học tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. HCM, với một chuyển hướng quan trọng, ông tập trung vào nghiên cứu văn hoá miền châu thổ Sông Cửu Long với thành quả là bộ sách “Lục Châu Học”, ông cũng có công phát hiện cuốn sách quốc ngữ đầu tiên: “Thầy Lazaro Phiền” của Nguyễn Trọng Quản, do cơ sở J. Linage Saigon xuất bản năm 1887, tiến tới phủ nhận tác phẩm “Tố Tâm” xuất bản năm 1925 ở ngoài Bắc bấy lâu vẫn được xem là áng văn quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
Mười tám năm sau 75, từ cuối 1993 Nguyễn Văn Trung đã cùng với gia đình rời Việt Nam, sang đoàn tụ với người con trai lớn Nguyễn Quốc Bảo là boat people đang định cư tại Montréal, Canada. Và sau đó, Nguyễn Văn Trung vẫn có những chuyến về thăm Việt Nam, sang Mỹ và Pháp.
TÁC PHẨM
Trả lờiXóaNguyễn Văn Trung có một sự nghiệp trước tác phong phú và đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực: từ sách giáo khoa, tới sách nghiên cứu triết học, văn học, văn hoá xã hội.
Tác phẩm đã xuất bản trước 1975
Sách giáo khoa: Triết học tổng quát (Vĩnh Bảo, 1957). Luận lý học (tủ sách Á Châu, 1957). Đạo đức học (tủ sách Á Châu, 1957). Luận triết học tập I (Nxb Nam Sơn). Phương pháp làm luận triết học (Nxb Nam Sơn).
Tiểu luận: Nhận định I (Nxb Nguyễn Du, 1958). Nhận định II (Nxb Đại Học, 1959). Nhận định III (Nxb Nam Sơn, 1963). Nhận định IV ( Nxb Nam Sơn, 1966). Nhận định V (Nxb Nam Sơn, 1969). Nhận định VI (Nxb Nam Sơn, 1972).
Lý luận văn học: Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Cơ sở xuất bản Tự Do, 1962). Lược khảo văn học tập I: những vấn đề tổng quát (Nxb Nam Sơn, 1963). Lược khảo văn học II: ngôn ngữ văn chương và kịch (Nxb Nam Sơn, 1965). Lược khảo văn học III: nghiên cứu và phê bình văn học (Nxb Nam, Sơn 1968).
Văn học và chính trị: Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại (Nxb Nam Sơn, 1963). Chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nxb Nam Sơn, 1974). Trường hợp Phạm Quỳnh (Nxb Nam Sơn, 1974). Chủ đích Nam Phong (Nxb Trí Đăng, 1975). Vụ án truyện Kiều (tập hợp những bài viết trong vụ tranh luận về truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh năm 1924, Sài Gòn 1965).
Triết học: Ca tụng thân xác (Nxb Nam Sơn, 1967). Hành trình trí thức của Karl Marx (Nxb Nam Sơn, 1969). Đưa vào triết học (Nxb Nam Sơn, 1970). Góp phần phê phán giáo dục và đại học (Nxb Trình Bầy, 1967). Ngôn ngữ và thân xác (Nxb Trình Bầy, 1968). La conception bouddhique du devenir, luận án tiến sĩ (Imprimerie Xã Hội, Việt Nam, 1962). Danh từ triết học (cùng với LM Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần Văn Tuyên, LM Xuân Corpet (Nxb Đại Học Huế, 1958).
Tôn giáo: Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (Nxb Đại học Huế, 1958). Người công giáo trước thời đại (nhiều tác giả) (Đạo và Đời, 1961). Lương tâm công giáo và công bằng xã hội (Nxb Nam Sơn, 1963).
Tác phẩm đã xuất bản sau 1975
Trả lờiXóaCâu đố Việt Nam (nxb TP. HCM, 1986). Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Đại học Sư phạm TP. HCM, 1987; Nxb Hội Nhà Văn). Về sách báo của tác giả công giáo thế kỷ XVII- XIX (nhiều tác giả, Nxb TP. HCM, 1993). Chủ đích Nam Phong (1975), Trương Vĩnh Ký – nhà văn hóa (1993), Hồ sơ Lục châu học: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới (2015).