Trang

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

TẠI SAO GỌI LÀ TẾT NGUYÊN ĐÁN? – Nguyễn Lân Dũng



Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam được tính vào đầu năm Âm lịch, thường có nhiều tên gọi khác nhau, như: Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết ta, Tết cổ truyền.
Theo phiên âm Hán - Việt thì "Tết" theo chữ Hán là tiết, "nguyên" là sự khởi đầu và "đán" là buổi sáng sớm. Do đó, theo âm Hán Việt là Tết Nguyên đán.
 
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng Giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết.
 
Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.
 
Đến thời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về tháng Tết nữa.
 
Đến đời Đông Phương Sóc (khoảng 161 TCN-93 TCN), ông cho rằng ngày tạo thiên lập địa có thêm giống gà, ngày thứ hai có thêm chó, ngày thứ ba có thêm lợn, ngày thứ tư sinh dê, ngày thứ năm sinh trâu, ngày thứ sáu sinh ngựa, ngày thứ bảy sinh loài người và ngày thứ tám mới sinh ra ngũ cốc. Vì thế, ngày Tết thường được kể từ ngày mồng một cho đến hết ngày mồng bảy.
 
Hiện nay có khoảng 20 nước và vùng lãnh thổ ăn Tết Nguyên đán.

             

Phần lớn thông tin cho rằng Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và du nhập vào Việt Nam vào thời điểm 1.000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên theo như truyện cổ tích lịch sử Việt Nam - truyện "Bánh chưng bánh dày" - thì người Việt Nam đã có dịp lễ này từ đời vua Hùng, nghĩa là trước 1.000 năm Bắc thuộc.
 
Khổng Tử có viết rằng: "Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn người Man, họ nhảy múa như điên, uống rượu và ăn chơi vào những ngày đó", từ đó cũng có thể suy luận rằng Tết Nguyên đán là bắt nguồn từ Việt Nam.
 
 
Tuy có nhiều tranh cãi xoay quanh nguồn gốc của Tết Nguyên đán là bắt nguồn từ Việt Nam hay Trung Quốc nhưng có thể thấy được Tết Nguyên đán ở mỗi nước đều có những nét đặc trưng riêng và đây là dịp lễ quan trọng của người dân mỗi nước.
 

Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa…
 
Theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh.
 
Tết Nguyên Đán xưa là dịp để người nông dân bày tỏ lòng thành kính đến các vị thần linh như thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời,... và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
 
Bên cạnh đó, đây còn được coi là ngày "làm mới", ngày để mọi người có thể hy vọng vào một năm mới an lành, sung túc, thuận lợi trong cả năm và gác lại mọi điều không may mắn trong năm cũ. Do vậy, vào dịp Tết, nhà nào cũng tất bật dọn dẹp, sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cho thật đẹp.
 
Đây cũng là dịp đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.
 
                                                                        GS Nguyễn Lân Dũng
 
Nguồn:
https://nld.com.vn/ban-doc/tai-sao-goi-la-tet-nguyen-dan-20230123071232382.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ