Trang

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

NĂM MÃO NÓI CHUYỆN MÈO – Nguyễn Châu


Giáo sư Nguyễn Châu (tác giả bài viết)

MÃO là “chi” thứ tư trong thập nhị Ðịa Chi (tức 12 nhánh hoặc dòng thuộc đất). QUÝ là “can” thứ mười trong thập Thiên Can (tức là 10 khu vực thuộc trời).

Năm nay là Quý Mão - Dương lịch: 2023                                  
 
Năm Mão thuộc ÂM - Hành Mộc - Sắc Xanh -Quẽ Chấn - Hướng Chính Đông
 

Về VẬN KHÍ: Quý thuộc Âm - Thủy - Hỏa vận bất cập - Mộc quá vượng --> Thổ suy yếu --> Kim bất túc, Thủy thừa thế vươn lên tạo ra Hàn khí. Nơi con người vì hỏa bất cập nên âm tà thịnh khiến cho tâm khí tổn thương sinh ra các chứng đau tại gân lưng, vai, mắt mờ, ngực bụng nặng nề, đau quanh sườn và thắt lưng. Các bệnh thời khí như ỉa chảy, bụng đầy, biếng ăn, cơ co rút, cử động khó khăn... (Phương Trị liệu: Bổ Âm Trục Hàn).
 
Về THIÊN NHIÊN: Hỏa bất cập--> cây cối, vạn vật chỉ tươi tốt ở phần thân dưới, phần trên thì yếu ớt/dương suy. Thủy mạnh, Hỏa phục thù --> Khí u uất, mưa to, bão và lũ lớn...
 
Về THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI: Dịch họa - nhân họa/ chiến tranh/ thiếu lương thực/ Kinh tế khủng hoảng.
 
Tuổi QUÝ MÃO: mạng Kim (Kim Bạch Kim). Kim được tôi luyện thành vật dụng quý giá.
Người tuổi Quý Mão, mạng KIM, tuổi MỘC tương khắc, bản thân có khó khăn về sức khỏe. Người thông minh, khôn khéo, có linh tánh (biết trước những việc sắp xảy ra khi linh cảm, nghi ngại). Tâm trí thường nhiều lo toan tính toán nên bất an. Trung niên phát đạt, thành công, tuổi già sung túc. Duyên tình nhiều trắc trở nhưng cuối cùng gia đình yên ấm.  Quý Mão nữ mạng tốt hơn nam mạng.
 
Về năm Mão, Tử Vi Trung Hoa lấy hình tượng Con Thỏ, Việt Nam thì lấy hình tượng Con Mèo. Do đó có sự băn khoăn tự hỏi là Thỏ hay Mèo. Tại sao có sự khác nhau này.
 
MÈO hay THỎ
 
Trong mười hai CHI của Tử Vi Đông Phương, CHI thứ Tư sách Trung Hoa ghi là MAO, sách Việt Nam cũng gọi là MÃO (tuổi Mão, năm Mão, giờ Mão).
Chữ "Mao" người Trung Hoa dùng để chỉ khoảng thời gian bắt đầu của một ngày làm việc (tương đương với giờ Tây phương là từ 5 giờ sáng đến 7 giờ sáng. Theo lệ trong triều đình, các quan chức bắt đầu làm việc từ giờ Mão. Chữ Mão này không có "bà con xa gần" gì với chữ MIÊU là con mèo cả.
 

Sách "Chinese Astrology- Early Chinese Occultism" của Paul Carus (NXB OPEN COURT in lần thứ 2 -1989-La Salle, Illinois) viết: mao - a period of time - Plants breaking through the soil - biểu tượng Opening a gate - hành Mộc - Hare (Con thỏ rừng). Sđd-trg 51.
 
Sách "THE COMPLETE BOOK OF CHINESE HOROSCOPES" tác giả LORI REID (BARNES & NOBLE BOOKS -NY 1997) trang 19, khi nhận định tổng quát về đặc trưng của các "con vật tượng trưng cho năm MAO, đã viết:

"Thỏ: những con vật-ưa yên bình (hoặc Thỏ rừng, hoặc Mèo như đôi khi chúng thường được gọi), nhìn chung người tuổi thỏ thích tránh xa các cuộc tranh cãi, lý luận, thậm chí giả mù, giả điếc trước hoàn cảnh. Nhẹ nhàng, hiền lành, dễ bị xúc động thậm chí đa cảm, người tuổi thỏ cũng trở nên hoàn toàn ích kỷ khi theo đuổi thú vui của bản thân, mặc dầu không có chủ tâm làm tổn thương kẻ khác trong quá trình đó."

["Rabbit: Peace-Loving rabbits (or Hares, or Cats as they are sometimes called) generally like to keep out of arguments, even if at times it means turning blind eyes and deaf ears to the situation. Gentle. emotional. and even sentimental. Rabbits can also be quite selfish in the poursuit of their own pleasure, although they woold not deliberately hurt anyone else in the process..."]
 
Sách Tử Vi Việt Nam, tuổi MÃO được biểu tượng bằng con MÈO. Đây là điều mà nhiều câu hỏi đã đuợc đặt ra. Cho đến nay chưa có tài liệu nào nói về việc đổi biểu tượng "THỎ" thành "MÈO" trong Tử Vi Đông phương Việt Nam, tác giả Tử Vi đầu tiên nào đã đã chuyển đổi Thỏ thành Mèo và bắt đầu từ năm nào? Chưa tìm được tài liệu khả tín.
 
Đối với người Việt, Mèo là một con vật nuôi trong nhà, lúc đầu "nói là" để bắt chuột, nhưng sau trở thành một "thú cưng" dễ thương nhất trong nhà. Qua nhận định trên đây của LORI REID về đặc trưng của Thỏ, người ta thấy Thỏ và Mèo có một số điểm tương đồng: mèo hiền lành và có tính ich kỷ, lo trau chuốt cho bản thân, theo đuổi thú vui riêng của mình không quan tâm đến kẻ khác...
 
Trong truyền thuyết Trung Hoa, Thỏ [Thố tử] là một cư dân trên Nguyệt Cầu. Thỏ còn được tượng trưng cho tuổi thọ, thường gọi là Ngọc Thố (Thỏ Ngọc - Jade-Hare). Có lẽ vì đó mà Trung Hoa biểu tượng tuổi "Mao" bằng con Thỏ. Chữ "Mão" Việt Nam có nguồn từ chữ "Mao" trong Tử Vi của Trung Hoa. Nhưng "Mao" không có nghĩa là "con mèo" hay "thỏ".
 
Tuy nhiên, "vị thầy tiền bối" Tử Vi Việt Nam đã lấy con Mèo làm biểu tượng cho tuổi Mão xem ra cũng khá tinh tế.
Mèo là một động vật tương tự với Cọp nhưng về bản tính và sinh hoạt lại vô cùng khác nhau. Về thân thể có thế nói Mèo là cực tiểu (quá nhỏ bé) so với Cọp (cực đại) - tương tự như cặp "Tý - Sửu": chuột là cự tiểu so với Trâu (to hơn hàng ngàn lần).
Phải chăng "vị thầy Tử Vi Việt đầu tiên" này đã rập theo cặp Tý-Sửu" để tạo nên cặp "Dần-Mão" rất kỳ thú và đầy ý nghĩa. Mèo nhỏ bé, vẻ hiền lành, dịu dàng uyển chuyển, lười biếng, tham ăn, thích ngủ...trong lúc Cọp to lớn, oai vệ và hung dữ, năng động.
 
Ngoài ra, không hiểu là vì ngẫu nhiên hay do "trời định"... mà người sinh năm Mão có bản chất gần với tính khí và thói quen của con Mèo nuôi trong nhà. Cho nên Mèo tượng hình cho tuổi Mão trong tử vi Việt Nam xứng hợp hơn hình tượng Thỏ trong tử vi Trung Hoa.
 
Thỏ cũng hiến lành, dịu dàng, dễ thương và nhanh nhẹn, nhưng Thỏ thường ít khi được nuôi như thú cưng trong nhà người Việt, người Hoa. Đối với người Việt, Thỏ là biểu tượng của nhát gan, ham chơi... Người nhát gan bị gọi là gan thỏ hay "Thỏ đế" (Vua Thỏ)! Ca dao về sự ham chơi của Thỏ:
 
"Như con thỏ nọ đứng đầu non
Khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng"...
 
Người Việt còn gán cho thỏ thói nói dối gọi là "thỏ láo". [Chưa tìm thấy bằng chứng nào!]
 
Tóm lại, Mèo hay Thỏ tượng hình cho tuổi "Mao" trong tử vi phương Đông không có sự khác biệt trầm trọng mà chỉ là do truyền thống văn hóa.
 
Người Trung Hoa xem Thỏ là biểu tượng của May Mắn, An Bình và Phúc Thọ. Trái lại, người Việt xưa rất sợ sự kiện "Mèo bỗng nhiên tới nhà mình" vì tục truyền "Mèo tới nhà thì khó, chó tới nhà thì sang". Thế nhưng có người tin rằng "nhau mèo đẻ" đem lại may mắn về tài lộc và người được mèo "tự tha nhau sau khi đẻ đến cho" là số may, số hên.
 
MÈO TRONG ĐỜI SỐNG LOÀI NGƯỜI
 
Mèo và chó là hai con vật được nuôi và được sống chung dưới cùng một mái nhà với người.
Trong xã hội Việt Nam, mèo xem như được nuông chiều hơn chó mặc dầu chủ nhà thường thừa nhận là chó có nhiều công lao và trung thành hơn mèo.
Mèo đã đi vào cuộc sống con người trong các lãnh vực văn chương, tín ngưỡng, biểu tượng vân vân. Mèo được sống chung trong nhà với người, nhưng Mèo không có mặt trong cuộc “tranh công của lục súc”.
Trong tác phẩm “Lục Súc Tranh Công” (Khuyết danh) chỉ có Trâu, Chó, Ngựa, Dê, Gà và Heo. Tại sao cùng là vật nuôi trong nhà mà Mèo không được liệt vào hàng “Súc”?
 
Để hiểu vấn đề  "Tại sao cùng là vật nuôi trong nhà mà Mèo không được liệt vào hàng “Súc”, cần tìm xem chữ “súc” nghĩa là gì?
 
Từ Ðiển Hán Việt của Thiều Chửu định nghĩa: Súc là “Giống muông nuôi trong nhà. Như: ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn, gọi là lục súc”...(trang 406 sđd). Ðịnh nghĩa này không soi sáng được gì mà còn tạo thêm hiểu lầm, vì mèo cũng được nuôi trong nhà!

Trong phần mở đầu của “Lục Súc Tranh Công” tác giả đã viết:
 
“Trời hóa sinh muôn vật
Ðất dong dưỡng mọi loài
Giống nào là giống chẳng tài;
Người đâu dễ không người nhờ vật.
Long chức quản bổ thiên, dục nhật
Lân quyền tư giúp thánh, phò thần
Quy thông hay thành bại, kiết hung
Phụng lảu biết thạnh suy, bỉ thái.
Trong trời đất ba ngàn thế giái
Ðều xưng rằng tứ vật chí linh
Nhẫn đến loài lục súc hi sinh
Trời cho xuống hộ người dương thế.”
 
Căn cứ vào câu “Nhẫn đến loài lục súc hi sinh” người ta thấy rằng sở dĩ Mèo không liệt vào danh sách Lục Súc là vì mèo không phải là con vật nuôi để ăn thịt.
Sáu con vật kia đều có thể dùng thịt để ăn khi cần, cho nên mới nói “lục súc hi sinh” trong đó có ba con thường dùng trong việc tế lễ, cúng kiếng gọi là “tam sanh” gồm heo, gà, dê. Tam sanh có nghĩa là ba con vật phải hi sinh để cho người tế thánh thần. “Lục súc hi sinh” thường gọi tắt là “súc sinh” tức vật nuôi để làm việc và ăn thịt. Từ “Súc sinh” trở thành từ ngữ hàm ý miệt thị, nguyền rủa con người, hóa kiếp kẻ khác trong hiện tiền thành con vật: “Ðồ súc sinh!”.
 
MÈO TRONG VĂN CHƯƠNG
 
Văn chương bình dân và văn chương bác học đều có một số đề tài liên quan đến Mèo.
 
1/ Trong Ca Dao: có khá nhiều câu rất dí dỏm:
 
 Nói về xích mích giữa chó với mèo:
 
- Con mèo trèo lên cây vông,
Con chó đứng dưới ngó mông con mèo
Mèo rằng: “Sao chó chẳng theo?
Lên đây mèo sẽ dạy leo cho mà!”
(Mèo hay bị chó rượt, tìm cách trả đũa)
 
-“Mèo nằm bồ lúa vĩnh râu
Thấy con chuột chạy ngóc đầu kêu ngao...”
 
Nói bóng gió về nỗi oan tình thường xảy ra trong đời:
 
- “Con mèo đập bể nồi rang
Con chó chạy lại phải mang lấy đòn.”
 
Những câu hát vui, chuyên chở một sự đương nhiên:
 
- “Con mèo, con mẻo, con meo
Muốn ăn thịt chuột, phải leo xà nhà.”
 
hoặc nói về nếp sống hằng ngày của mèo:
 
- “Con mèo nằm bếp ro ro (+co ro?)
Ít ăn, nên mới ít lo, ít làm...”
 
Về tính nết của mèo:
 
-”Mèo nằm bồ lúa vĩnh râu
Thấy con chuột chạy ngóc đầu kêu ngao...”
 
- “Tuổi Mẹo là con mèo ngao
Hay quấu hay cào, ăn vụng quá tinh”
 
hoặc mỉa mai:
 
“Mèo nào mèo lại ăn than
Bởi chưng có mỡ đổ tràn lên trên”
 
Về thói đời:
 
“Mèo tha miếng thịt xôn xao,
Kễnh (Cọp) tha con lợn thì nào thấy chi!”

(Ý nói kẻ có quyền thế, sức mạnh làm sai không ai dám lên tiếng)

 2/ THƠ NGỤ NGÔN: MÈO VÀ CHUỘT
 
Kẻ mạnh kia vốn vô tình,
Kẻ hiền dù lạy chí thành nào tha!
Chuyện Mèo với Chuột còn ca
Lời tuy giản dị thế mà ý sâu:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm: "Chú chuột đi đâu vắng nhà?"
"Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo."
Chuột thờ mèo đã đủ điều
Mà ra mèo vẫn đi theo dòm hành.
Chuột về có biết sự tình
Chớ tin tốt lễ mà mình dễ van.
(Nguồn: Việt Nam Văn Học Toàn Thư -Hoàng Trọng Miên)
 
Trong thơ Ngụ Ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine), Mèo được nhắc tới 11 lần. La Fontaine đã có các bài như Mèo và Con Chuột già (Le Chat et un vieux rat); Cái gói, con mèo và chuột con (Le cochet, le Chat et le Souriceau); Mèo và Chuột (Le Chat et Le Rat); Mèo, Chồn nhọn mũi BeletteCon thỏ nhỏ (Le Chat, La Belette Et Le Petit Lapin). Nội dung của các bài ngụ ngôn này đều nói đến sự khôn ngoan, nhiều mưu kế của mèo nhằm hại chuột, nhưng không phải lúc nào chuột và các loài khác cũng bị mắc mưu... do đó mèo không được cứu giúp khi lâm nạn.
 
Xin trích một bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine.
 
LE CHAT ET UN VIEUX RAT
 
J’ai lu chez un conteur de Fables,
Qu’un second Rodilard, l’Alexandre des Chats,
L’Attila, le fléau des Rats,
Rendait ces derniers misérables:
J’ai lu, dis-je, en certain Auteur,
Que ce Chat exterminateur,
Vrai Cerbère, était craint une lieue à la ronde :
Il voulait de Souris dépeupler tout le monde.
Les planches qu’on suspend sur un léger appui,
La mort aux Rats, les Souricières,
N’étaient que jeux au prix de lui.
Comme il voit que dans leurs tanières
Les Souris étaient prisonnières,
Qu’elles n’osaient sortir, qu’il avait beau chercher,
Le galant fait le mort, et du haut d’un plancher
Se pend la tête en bas : la bête scélérate
A de certains cordons se tenait par la patte.
Le peuple des Souris croit que c’est châtiment,
Qu’il a fait un larcin de rôt ou de fromage,
Egratigné quelqu’un, causé quelque dommage,
Enfin qu’on a pendu le mauvais garnement.
Toutes, dis-je, unanimement
Se promettent de rire à son enterrement,
Mettent le nez à l’air, montrent un peu la tête,
Puis rentrent dans leurs nids à rats,
Puis ressortant font quatre pas,
Puis enfin se mettent en quête.
Mais voici bien une autre fête :
Le pendu ressuscite ; et sur ses pieds tombant,
Attrape les plus paresseuses.
« Nous en savons plus d’un, dit-il en les gobant :
C’est tour de vieille guerre ; et vos cavernes creuses
Ne vous sauveront pas, je vous en avertis :
Vous viendrez toutes au logis.  »
Il prophétisait vrai : notre maître Mitis
Pour la seconde fois les trompe et les affine,
Blanchit sa robe et s’enfarine,
Et de la sorte déguisé,
Se niche et se blottit dans une huche ouverte.
Ce fut à lui bien avisé :
La gent trotte-menu s’en vient chercher sa perte.
Un Rat, sans plus, s’abstient d’aller flairer autour :
C’était un vieux routier, il savait plus d’un tour ;
Même il avait perdu sa queue à la bataille.
« Ce bloc enfariné ne me dit rien qui vaille,
S’écria-t-il de loin au Général des Chats.
Je soupçonne dessous encor quelque machine.
Rien ne te sert d’être farine ;
Car, quand tu serais sac, je n’approcherais pas.
C’était bien dit à lui ; j’approuve sa prudence :
Il était expérimenté,
Et savait que la méfiance
Est mère de la sûreté.
                                             Jean de La Fontaine
 
Lược dịch:
 
Tôi đã đọc tại nhà một người kể chuyện ngụ ngôn
Mà mèo Rodilard thứ hai, thơ viết về những con Mèo.
Thần Attila sát thủ, gánh nặng của những con cuột
Đã làm cho những con chuột khốn cùng...
Tôi đã đọc một tác giả nào đó
Đã viết rằng con mèo này là tay tận diệt
Một kẻ gác cổng hống hách gây khiếp sợ trong vòng một dặm
Hắn ta muốn xóa sạch loài Chuột trên thế giới.
Những tấm ván mà người ta gác trên những trụ tựa mỏng manh.
Việc tiêu diệt Chuột lớn, Chuột nhắt
Chỉ là trò chơi theo sở thích của hắn ta.
Như hắn nhìn thấy dưới những tàn lá
Lũ Chuột đã bị cầm tù
Chúng không dám đi ra, hắn đã tim kiếm vô ích...
Tên giảo hoạt gây chết chóc, từ trên cao một tấm ván
Đang cúi đầu xuống dưới thấp. Con thú vật gian ác
Có những sợi dây nhỏ giữ chân
Lũ Chuột cho đó là hình phạt
Khi nó ăn cắp một miếng thịt quay hoặc phờ-rô-ma
Đã cào xước một kẻ nào đó hoặc gây một số thiệt hại.
Cuối cùng người ta đã treo tên vô lại xâu xa...
Tất cả, theo tôi hoàn toàn nhất trí
Với việc cứ cười khi chôn cất nó
Ngữa mũi lên không, đưa cao đầu lên một chút.
Rồi bước vào trong những cái ổ chuột
Sau đó lùi lại bốn bước
Sau cùng bắt đầu lùng sục...
Đúng đây là một bữa tiệc khác.
Tên bị treo chết đi sống lại và rơi xuống dưới chân
Bắt lấy những tên lười biếng nhất
"Chúng ta đang có khá nhiều, vừa nói hắn vừa chộp lấy chúng."
Đây là cái vòng của cuộc chiến xưa
Các hang hầm bị đào xới lên,
"Các vị sẽ không được cứu, tôi đã cảnh báo điều nay.
Các vị hãy trỏ về ổ"
Thầy Mitis của chúng ta đã tiên tri đúng
Về lần lừa đảo thứ hai và tập luyện.
Hãy nhuốm cho áo thành trắng bằng bột
Một cách đánh lạc hướng.
Hãy chạy trốn và núp vào một cái hòm đang mở.
Cuộc chạy trốn này đã từng được cảnh báo.
Loài chuột nhắt sẽ trở lại để tìm sự mất mát
Một con Chuột, không có gì hơn, kiêng cử không dám ra ngoài nghe ngóng:
Đó là một con Chuột già từng trãi, hắn biết nhiều sau một chuyến đi
Mặc dù đã bị mất cái đuôi trong một trận chiến
"Cái khối bột bao bọc đó không nghĩa lý gì với tôi cả, kệ sao cũng được
Hắn kêu lên từ xa với Đại tướng của loài Mèo
Tôi nghi ngờ còn có một máy móc nào ở bên dưới
Không có gì cho mày khi đã thành bột,
Bởi vì, khi mày là cái bao thì tao sẽ không đến gần.
Đó là những gì đáng nói với nó; tôi chấp nhận sự thận trọng của nó
Hắn đã già kinh nghiệm
Và hiểu rằng sự nghi ngờ, dè dặt
Là mẹ của sự an toàn.
                                                                      Nguyễn Châu
 
3/ TRONG NGÔN NGỮ:
 
Hình tượng “mèo” đã xuất hiện trong ngôn ngữ loài người có lẽ vì mèo sống gần gũi với người nhiều hơn các vật khác. Trong các thành ngữ người ta đã nhân cách hóa mèo để qua mèo nói về những hành vi cử chỉ của con người. Chẳng hạn:
-“mèo khen mèo dài đuôi” ám chỉ những người khoe khoang khoác lác về bản thân mình;
- “mèo nào cắn mĩu nào” ý nói chưa biết ai sẽ thiệt hại trong một cuộc tranh chấp;
- “như mèo thấy mỡ” chỉ sự hân hoan, thèm thuồng biểu lộ rõ rệt nơi một người khi thấy cái mình ham thích, hoặc đối tượng mình ao ước;
- “để mỡ trước miệng mèo”: đặt, để trước mắt cái mà con người ham muốn, khao khát để làm cho người ta khó kiềm chế ham muốn, khát khao. Thành ngữ này còn có nghĩa sơ suất, vô ý gợi lòng tham muốn của người khác.
- chuyện “mèo mỡ” chỉ sự ham thích tình dục ngoài hôn nhân...;
- “trò mèo chuột” chỉ cuộc đuổi bắt, trốn tìm... trong đó có sự thiếu sòng phẳng...thái độ “ỡm-ờ”...
- “Như mèo giấu cứt” chỉ hành động giữ kín chuyện riêng tư.
 
Thành ngữ này phát xuất từ truyền thuyết “Mèo và Cọp” sau đây:
 
Theo truyền thuyết dân gian Việt Nam, Cọp xưng với Mèo là "cô" -"dì", Mèo gọi Cọp là "cháu". Chuyện kể rằng thời xa xưa, trong rừng cọp và mèo sống với nhau hòa thuận. Mèo dạy cho cọp "võ nghệ" leo trèo. Cọp kính nể mèo như thầy võ nghệ. Bản tính mèo yếu ớt, lười biếng, ngủ cả ngày lại tham ăn thịt, mỡ. Trong lúc cọp mạnh mẽ, siêng năng, linh hoạt. Cọp bắt được một heo rừng, đem vể để dành ăn dần. Lúc cọp đi vắng, mèo ở nhà lục thịt mỡ ra ăn gần hết. Găp lúc săn mồi khó khăn, đói, cọp về nhà lấy thịt heo ra ăn thì thấy mèo đã "xơi" hết các miếng ngon...Cọp tức giận và mắng mèo... cho mèo không xứng với chức cô. Mèo không nhịn. Hai bên xô xát và thù ghét bắt đầu...
Sau đó, mèo bày mưu hại cọp bằng cách làm lành, khen cọp tài năng và dụ cọp thi tài leo cây. Trước đó, mèo đã dạy cọp leo cây, nhưng không dạy hết "ngón nghề" cho nên khi thi leo lên cao rồi... cọp không biết cách nào để xuống đất lại. Kết quả cọp bị té dẹp mũi. Từ đó cọp thù mèo và đe rằng gặp mèo là đánh, không tha thứ gì kể cả cứt mèo....
“Cô gì mà cô, cô rô cô rứt,
Cháu bắt được cô, không tha cả cứt”
 Đây là lý do khiến mèo phải chôn phân của mình sau khi bài tiết, phải "dấu cứt" thật kỹ để cọp không tìm ra. Trong tiếng Việt thành ngữ "dấu như mèo dấu cứt" chỉ sự che dấu chuyện tư riêng cá nhân một cách kỹ lưỡng.
 
Sau vụ xung đột này, mèo bỏ rừng về thành thị trốn trong nhà của người, ban ngày ngủ, đêm mới ra ngoài hoạt động...
 
- “Mèo già hóa cáo”: chỉ người nhờ từng trải mà trở nên khôn ranh, nhiều mưu mô.
- "Mèo mù vớ cá rán": chỉ sự may mắn tình cờ
- "Chuột khóc mèo": chỉ tình cảm giả dối, bề ngoài
- "Chó treo, mèo đậy": cách cất giữ thực phẩm tránh bị chó mèo ăn vụng
- "Chó chết, mèo le lưỡi" chỉ một cuộc tranh đấu không có người toàn thắng.
-  "Mèo mả gà đồng"
 
Trong truyện Kiều có câu:

“Con này chẳng phải thiện nhân
Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng
Ra tuồng mèo mả gà đồng...” (cc 1729-1731)
 
“Mèo mả gà đồng” ám chỉ những mèo hoang, lang thang trong nghĩa địa, sống quanh các mồ mả, gà rừng sống ở ngoài đồng, ý chỉ những người không có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, con gái, đàn bà bất chính...
 
Sách Trung Hoa, Tiểu thuyết có câu: “Bất ái gia kê nhi ái dã lộ, thí bất ái thê nhi ái kỹ”: không yêu gà nhà mà yêu cò đồng ví như không yêu vợ lại đi yêu đĩ (gái giang hồ). chữ Hán "Lộ" là con cò, "dã lộ" dịch ra là "gà đồng"
- "Có mèo": là từ ngữ ám chỉ một người đàn ông có vợ mà còn có thầm lén tình ái với một phụ nữ khác.
-"O mèo": là từ ngữ mà người Nam Kỳ dùng để chỉ hành động của người đàn ông đi tán gái, ve vãn để "kiếm tình cảm". O ở đây có nghĩa là chăm sóc, ưu ái như "O bế", cưng chiều để gây cảm tình. Có người cho rằng chữ "O" này bắt nguồn từ chữ "Ưu" trong Hán văn
- "Nam thực như hổ, nữ thực như miêu" Ý nói phái nam ăn nhanh như cọp ăn, phái nữ ăn mèo ăn chậm rãi, nhẹ nhàng như mèo ăn.
- "Ðem chuông đi buộc cổ mèo" trong bài Ngụ ngôn của Lafontaine nhan đề “Hội Ðồng Chuột”: ý nói bàn luận, lý thuyết, ý kiến hay nhưng khi thực hiện thì không ai dám xung phong đảm nhiệm.
- "Tuyệt cú mèo": đây là câu được một số người dùng để khen ngợi một cái gì đó "quá hay"; quá đẹp, quá ngon... Thành ngữ này bắt nguồn từ lời phê dành cho những câu thơ hay gọi là "tuyệt cú". "Cú" đây có nghĩa là "câu". Trong loài vật có con "Cú mèo", nên người ta ghép vào cho vui. Trong văn học chính thống không có thành ngữ này.
 
4/ TRONG SẤM TRẠNG TRÌNH:
 
“Chuột sa chĩnh gạo nằm chơi
Trâu cày ngóc lại chào đời bước ra
Hùm gầm khắp nẻo gần xa
Mèo kêu rộn tiếng quỷ ma tơi bời
Rồng bay năm vẻ sáng ngời
Rắn qua sửa soạn hết đời sa tăng
Ngựa lồng quỷ mới nhăn răng....”
 
Câu sấm trên đây, thiền sư Ðại Lãng đã phiếm luận như sau:

“Năm Tý (2020) là năm kinh tế dồi dào, chuột rơi vào gạo tức là no ấm, sung túc.
Năm Sửu (2021) trâu cày lại bước ra chào đời chỉ sự vất vả lam lũ của năm mà kinh tế thế giới bị trì trệ vì dịch bệnh COVID-19, có nguy cơ suy thoái toàn cầu!
Năm Dần (2022) “Hùm gầm khắp nẻo gần xa” vì những con cọp kinh tế Á châu đang bị vây trong vòng khủng hoảng trầm trọng của kinh tế tài chánh, đang lớn tiếng kêu cứu một cách khẩn thiết... các nước trên thế giới viện trợ. Riêng tại rừng chính trị Việt Nam, những con hùm một thời làm chủ sơn lâm đang bị thanh trừng... đang gầm rú đòi phá hủy cơ chế xã hội chủ nghĩa đã và đang gây tàn hại đất nước, núi rừng, sông, biển... Đảng cộng sản Việt Nam bị giảm uy tín vì hàng loạt cán bộ cao cấp, hàng loạt lãnh đạo bị vào tù, bị kỷ luật, bị khai trừ vì tham ô, móc ngoặc hàng tỷ đồng gây thiệt hại cho đất nước...Từ Y tế, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài Chánh đến Giáo dục Đại Học, Tiểu Học... cán bộ thoái hóa biến chất không thể kể xiết..."Bức xúc", bất mãn đang âm ỉ trong quần chúng nhân dân...
Năm 2023 “Mèo kêu rộn tiếng quỷ ma tơi bời” ý nói năm Quý Mão này với các phong trào chống đối nổ ra khắp nơi, CS Việt Nam sẽ phải đối phó với những cao thủ chính trị cùng với áp lực đòi nhân quyền, đòi Dân Chủ từ quốc nội đến hải ngoại... và Hoa Kỳ muốn Việt Nam dân chủ hóa để tiến mạnh hơn trên trường quốc tế. Nhân quyền Quốc tế lại đưa CSVN vào danh sách các nước đàn áp tôn giáo nghiêm trọng, điểm nhân quyền quá thấp...
Suốt năm con mèo 2023, CS Việt Nam vô cùng bối rối vì các cuộc chống đối ngấm ngầm của trí thức tại quốc nội.
Theo Ðại Lãng thiền sư thì tuy Sấm Trạng Trình áp dụng để đoán thời cuộc “tam bách niên tiền và tam bách niên hậu” nhưng vì lịch sử có những chu kỳ tái diễn, nên những câu sấm này chắc có thể đúng một lần nữa. Quý vị có tin không? Nếu có hãy cầu anh linh tiền nhân hộ trì. Không tin thì đọc cho vui.
 
5/ MÈO TRONG CHUYỆN TRẠNG QUỲNH
                 
Chuyện: “Ðánh Cắp Mèo Của Vua”

“Vua Lê có một con mèo rất quý. Vua cho làm một cái xích bằng vàng để buộc mèo. Hằng ngày mèo vua thường ăn toàn cao lương mỹ vị.
Một hôm vào cung vua, nhân lúc vắng người, Quỳnh liền ôm con mèo ấy về nhà. Quỳnh bỏ cái xích bằng vàng đi, thay bằng một sợi dây chuối. Ðến bữa ăn, Quỳnh đặt trước con mèo, một bên là bát cơm rau muối, một bên là bát thịt cá. Hễ con mèo bước đến bát thịt cá là Quỳnh cầm roi vụt. Ngày nào cũng thế, bữa nào cũng thế, mèo đói quá đành phải ăn bát cơm rau muối. Ðược rèn luyện như thế chừng mươi hôm, thì khi mèo đứng trước hai bát cơm rau muối và thịt cá, con mèo cứ cơm rau muối mà ăn.
Một hôm, vua Lê cho gọi Quỳnh vào cung và phán rằng:
- “Ta nghe nói nhà ngươi có con mèo giống như con mèo của ta đã mất, vậy ngươi mang con mèo đó vào cho ta xem thử có phải mèo của ta không?”
Quỳnh về mang mèo vào cho vua xem. Vua nhận ra đó là con mèo mà vua đã mất. Quỳnh tâu rằng:
- “Tâu bệ hạ, nếu bệ hạ muốn biết con mèo là của bệ hạ hay của hạ thần, xin bệ hạ cho thử. Mèo của hạ thần là mèo của nhà nghèo, nó chỉ quen ăn cơm rau, cơm muối. Mèo của bệ hạ là mèo của nơi tôn quý, quen ăn cao lương mỹ vị. Bệ hạ cho đặt trước con mèo này một bát cơm rau muối và một bát cơm thịt cá, nếu mèo ăn bát thịt cá thì đó là mèo của bệ hạ, trái lại nó ăn bát cơm rau muối, thì đó là mèo của thần”.
Vua Lê nghe lời, cho để hai bát thức ăn như thế ở trước con mèo. Quả nhiên con mèo chỉ ăn bát cơm rau. Quỳnh cười chỉ vào mèo, nói:
- “Tâu bệ hạ, đó là mèo của nhà nghèo."
Thế là vua đành phải để Quỳnh ôm con mèo quý về nhà.”
               (theo Việt Nam Văn Học Toàn Thư - Hoàng Trọng Miên)
 
Các nhà phân tích cho rằng câu chuyện trên đây mượn cớ con mèo để nói lên ý thức phản kháng đối với chế độ quân chủ, nói lên sự tranh chấp đấu trí của hai lớp người trong xã hội. Thật ra, không phải chỉ có khía cạnh xã hội được bao hàm trong câu chuyện này. Nó còn một khía cạnh khoa học nữa. Ðó là kinh nghiệm về “hành động theo phản xạ có điều kiện” (réflexe conditionné) như trong thí nghiệm sinh vật học của nhà khoa học người Nga, thế kỷ 19, ông Pavlov. Pavlov đã thí nghiệm với con chó: cứ mỗi lần cho ăn, đánh một tiếng chuông, sau nhiều ngày, phản ứng của chó khi ăn liên kết với tiếng chuông. Do đó, sau này, mỗi lần nghe tiếng chuông là dịch vị trong miệng và dạ dày chó tiết ra, dù không có đồ ăn trước mặt. Trường hợp con mèo mà Trạng Quỳnh luyện tập cũng vậy: việc bước tới bát cá cơm liên kết với sự đau đớn do roi vụt, cho nên cứ nghe tiếng roi vụt là phải tránh xa bát cơm có cá thịt. Như thế là vào thế kỷ thứ 18, trạng Quỳnh của Việt Nam đã có kinh nghiệm về “phản xạ có điều kiện” để áp dụng mà huấn luyện con mèo của vua thành mèo nhà nghèo. Chỉ tiếc là sự kiện này vẫn nằm trong tri thức thường nghiệm (connaissance empirique), không có công trình hay sáng kiến để biến nó thành khoa học thực nghiệm (expérimentale) như tại Âu Mỹ!
 
6/ MÈO TRONG LỊCH SỬ TRUNG HOA.
 
Vào triều đại nhà Tống có vụ án "Ly miêu hoán Thái tử"- Dùng mèo tráo đổi Thái tử. Đây là câu chuyện ghi lại những thủ đoạn tàn độc tại Hậu cung Tống triểu. Chuyện kể rằng: Lưu Hoàng Hậu và Lý Thần Phi của vua Chân Tông đều mang long thai. Đến khi sinh, Lưu Hoàng Hậu sinh được một công chúa nhưng bị yểu mệnh, trong khi đó Lý Thần Phi sinh được một hoàng tử. Sợ Lý Thần Phi được Vua sủng ái vì sinh hoàng tử, Lưu thị cùng Nội giám Quách Hòe hợp mưu lấy một con mèo chết để tráo đổi hoàng tử sơ sinh... rồi tâu với Chân Tông rằng Lý phi sinh ra yêu nghiệt...Vua đày Lý Thần Phi vào lãnh cung... một thời gian sau bị đuổi ra khỏi cung, sống lưu lạc trong dân gian. Tống Nhân Tông Triệu Hằng kế vị Chân Tông, nhân vụ án Quốc Cựu Bàng Dục (Cậu của Vua) tham nhũng hàng cứu trợ nạn nhân thiên tai, trong quá trình điều tra, Bao Chuẩn (tức Bao Thanh Thiên) tình cờ khám phá ra nỗi oan khuất của Lý Thần Phi năm xưa... Bao Chuẩn đã phá được vụ án này và đưa Lý Thần phi hồi cung. Câu chuyện rất ly kỳ được dựng thành tuồng hát bộ tại Việt Nam và quay thành phim truyện.
 
MÈO MÀ KHÔNG PHẢI MÈO!
 
1/ - Người Mèo: là một trong các sắc dân thiểu số tại vùng thượng du miền Bắc Việt Nam từ biên giới Trung Quốc xuống gần lưu vực phía bắc sông Gianh, như: Nùng, Thổ, Mán, Lô Lô, Mèo, Khả, Lư, Phủ-nội, Thái, Mường...
Theo Trần Trúc Lâm, Người Mèo thuộc Miêu Tộc tức sắc tộc H'mong. Ước tính có khoảng hơn 6 triệu người, đa số sống ở Trung Hoa. Một thiểu số di dân đến Việt Nam, Lào, Thái và Miến Điện. Đã có khá nhiều sách, báo phương Tây, đặc biệt là Mỹ viết và khảo cứu về sắc tộc H'mong. Hiện có khoảng 80 ngàn người H'mong định cư tại Hoa Kỳ. Các nghiên cứu Dân Tộc Học đã cho thấy sắc tộc H'mong có một lịch sử hùng tráng và lâu đời, nhưng họ đã bị suy vong... trở thành một thiểu số sống tại các vùng núi non theo cách tự trị... ngoài vòng kiểm soát cùa chính quyền. Miêu tộc bị các chính quyền Trung Hoa phân biệt đối xử và tìm cách sát hại... nên phải di cư xuống phía Nam...
 
2/ Mèo Vạc: là địa danh một huyện miền núi thuộc tỉnh Hà Giang, Việt Nam, giáp giới với Trung Hoa ở phía Đông và Bắc, phía Nam giáp huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp huyện Đồng Văn và Yên Minh. Mèo Vạc có diện tích khoảng 574,18 km2 với dân số hơn 86 nghìn (năm 2019).
 
3/ Mèo Hai Chân!
Người Việt miền Nam dùng từ "Mèo" để chỉ "tình nhân nữ" với ý đùa vui hoặc thiếu trân trọng. Từ Điển Phương Ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái ghi "Mèo là tình nhân gái". Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của Huỳnh Công Tín cũng giảng "Mèo là tình nhân gái".
 
Người đàn ông Việt nói chung, người miền Nam nói riêng, thường đồng hóa một người đàn bà biết điểm trang làm cho bản thân trở nên hấp dẫn, cữ chỉ dịu dàng, quyến rũ, mời gọi với con mèo... vì mèo dịu dàng, ẻo lả...thích được vuốt ve, âu yếm... Đây là loài "mèo hai chân" có sức thu hút, hấp dẫn kỳ diệu đối với những người đàn ông khao khát yêu đương, những kẻ hiếu sắc...
 
"Mèo" còn ám chỉ một phụ nữ có sức quyến rũ về thể xác, tâm tính dịu dàng, cởi mở, bằng lòng ăn ở, ân ái không chính thức, vô điều kiện xã hội... với một người đàn ông...
Về mặt tâm lý, có thể tìm hiểu nguyên nhân tại sao người phụ nữ dịu dàng, quyến rũ được đồng hóa với mèo.
 
a/ Về cử chỉ và cung cách: “Cô Mèo” thường dịu dàng, ngoan ngoãn, thuần phục... như dáng điệu con mèo khi được vuốt ve, âu yếm... mắt nhìn “tình tứ” xuyên suốt, tiếng kêu nhỏ nũng nịu, rên rỉ, khi được vuốt ve, thân hình mềm ra... đây là những yếu tố tâm lý có khả năng lôi cuốn lòng ái dục nơi nam giới... nhất là những người đầy “anh hùng tính”, ưa chiều chuộng...
 
b/ Tính cách hấp dẫn của sự vụng trộm, thầm lén và sự đuổi bắt (mèo-chuột), “mèo” là đối tượng, tuy có thể chiếm hữu, nhưng vẫn không thể sở hữu vô điều kiện như vợ ở nhà được, cho nên vẫn phải cần sự chinh phục... Vợ thì khó mất, vì người vợ chỉ bỏ chồng khi đã cố gắng hết sức mà vô phương cứu chữa. Trái lại, “mèo” thay “kép”, “đổi chủ” là chuyện có thể xẩy ra chỉ trong giây phút và rất nhanh chóng, nhẹ nhàng, vì chẳng có gì ràng buộc! Ðây chính là tác động ma quái khiến cho nhiều người đàn ông bị hóa kiếp biến thành con chuột thú vị và tội nghiệp trước móng vuốt nhung êm của loại mèo hai chân này...
 
Ðây là loài mèo không bắt chuột nhưng lại thường gây đổ vỡ cho bao nhiêu gia đình... chẳng may gặp người chồng ưa mèo-mỡ.
 
4/Cú Mèo: là loài chim ăn đêm, thân to, có đôi mắt tròn rực sáng trong bóng đêm như mắt mèo. Cú mèo thường hoạt động về đêm, ban ngày ngủ ở các lùm cây rậm rạp. Cú mèo bị người Việt coi là biểu tượng của xui xẻo, ma quái (Cú kêu, ma bắt) trong lúc phương Tây xem cú là biểu tượng của sự thông minh (vì mắt sáng nhìn xuyên bóng đêm). Cú mèo không thể bay xa vì thị giác có giới hạn.
 
5/ Nấm Mèo hay nấm tai mèo tức mộc nhĩ đen. Tên khoa học Auricularia auricula-judae /Wood Ear Mushroom. Gọi là nấm mèo vì hình dạng giống tai con mèo. Có hai loại nấm mèo: đen và trắng. Nấm mèo là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bổ huyết, làm hạ cholesterol...
 
6/ CAT mà không phải Mèo!
 
Trong tiếng Anh có rất nhiều tiếng ghép với chữ “cat” như: Cat-block (dây kéo neo tàu thủy); Cat-burglar (trộm leo tường); Cat-eyed; Cat-fish; Cat-harpings (thừng buộc buồm với nhau); Cat-head (bộ phận móc neo tàu); Cat-hole (lỗ thả neo); Cat-lap (Rượu nhạt, trà loãng); Catnap (giấc ngủ trưa ngắn)... v... v.
 
 7/ Mèo trong một số tín ngưỡng dân gian:

a/.- Mèo đem lại điềm xấu:
Mèo lạ đem theo bầy con vào nhà mình là một dấu hiệu rất xấu: dù là chúng chỉ vào nhà mà thôi cũng là một điềm báo trước sự nghèo khó. Tại sao? Người ta giải thích rằng: vì con mèo biết rằng có nhiều chuột đang xâm nhập vào nhà đó để ăn, để cắn làm cho gia đình đó phải tan gia bại sản (out of house and home). Nhà nghèo thường nhiều chuột.
 
Dân gian Việt Nam cũng tin rằng “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang!”
 
b/.- Mèo là con vật mà các bà mẹ dùng để dọa trẻ con: “Nếu không đi ngủ mèo sẽ đến tha đi.” Và thường giả làm tiếng mèo kêu “ngao ngao” để hù trẻ không chịu ngủ.
 
c/.- Mèo linh (Linh miêu):
Người Trung Hoa cho rằng, mèo có cặp mắt rất tinh nên nó có thể thấy được các linh hồn trong bóng tối. Tại tỉnh Zhejiang, mèo trắng không bao giờ được nuôi, là vì chúng trèo lên mái nhà vào ban đêm và trộm hết ánh trăng; chúng cũng có thể biến thành những hồn ma tinh quái, tai hại. Chính vì lý do này mà người ta không bao giờ chôn những con mèo chết, sợ chúng sẽ hóa thành những con quỷ. Ðể bảo đảm sự an toàn, người ta treo xác mèo chết lên cành cây. Tại Ðài Loan, hiện nay thỉnh thoảng người ta vẫn còn thấy những cây có treo từng dãi xác mèo chết lủng lẳng trên các cành...
 
d/.- Mèo làm xác người chết sống lại: Người ta cũng tin rằng, nếu một con mèo, nhất là mèo đen (mèo mun) nhảy ngang qua quan tài (hòm người chết) thi thể sẽ sống lại và trở thành quỷ ám ảnh trong vùng... Dân gian Việt Nam thường gọi hiện tượng này là “quỷ nhập tràng.”
 
Ðể trừ “quỷ nhập tràng” ngoài việc tìm cách ngăn chặn mèo nhảy qua cơ thể người mới chết, người ta còn để một con dao phay dưới gối người chết.
 
Hiện tượng mèo mun nhảy qua xác người mới chết làm cho xác đứng bật dậy được một số người giải thích bằng hấp lực của điện từ nơi mèo và nơi người. Mèo mun được xem là có điện từ mạnh có thể hút làm xác chết chuyển động. Do đó, con dao là vật bằng thép sẽ thu hết từ điện mà cơ thể mèo phát ra để không còn sức tác dụng vào người chết (?).
Tại Âu, Mỹ, con mèo mun thường đi đôi với các mụ phù thủy hung ác. Nó là tay sai của phù thủy.
 
e/.- Mèo mun đối với Người Ai cập và Người Anh Cát Lợi
Tại Ai Cập, từ xưa, tất cả các loại mèo đều rất được quí trọng, nhất là mèo mun. Mèo lông đen tuyền được xem là biểu tượng thiêng liêng của Chúa JSIS qua huyền thoại kể rằng: mèo mun là tướng tinh của nàng BEST ái nữ cưng quý của JSIS.
 
Thời cổ đại, tại Ai Cập, xứ sở của những Kim Tự Tháp nguy nga huyền bí, Mèo được sùng bái như một thần linh. Trong văn bản cổ nhất tìm thấy ở kim tự tháp có nói đến nữ thần Mèo tên là Madfet. Người Ai Cập xưa thờ nhiều thần Mèo khác nhau, những nổi bật hơn hết đó là Thần Mèo BASTET, một nữ thần có nhân dạng của con mèo cái đen. Đó là linh lực cùa mặt trời (divinité solaire), chị của Sekhmet và được vinh danh ở Bubaste 
   [Dictionnaire des Mythologies - MYRIAM PHILIBERT/trg 32]
 
Người Ai Cập cổ đại tin rằng nữ thần Mèo bảo hộ cho tất cả mọi người. Họ yêu quí tất cả các loại mèo, nhất lè mèo đen. Vì thế, hầu hết các đồ đạc, vật dụng, đồ trang sức, các tượng đài...đều mang hình tượng con mèo, kể cả các hình vẽ trên các khuôn ướp xác người chết.
 
Người Ai Cập đã ướp xác rất nhiều mèo và dựng nên một nghĩa địa vật nuôi đầu tiên trên thế giới (niên đại khoảng 3800 năm trước Tây Lịch). Khảo cổ học đã tìm thấy một khu nghĩa địa có từ 2000 năm trước, phần lớn dành cho mèo. Sự sùng bái Mèo của người Ai Cập cổ đại là vô cùng lớn lao. Herodotus, một nhà sử học Hy Lạp ghi rằng: người Ai cập sẽ cạo lông mày để bày tỏ lòng thương tiếc khi một con mèo trong gia đình chết và tiếp tục để tang cho đến khi lông mày mọc lại!
 
Một nông dân nằm mộng thấy Mèo, ông ta sẽ vui mừng vì đó điềm báo trước một vụ mùa bội thu.
 
Nếu ai vô tình làm chết một con mèo bị coi như xúc phạm đến sự thiêng liêng cao quý, kẻ đó phải đền tội, bị phạt khổ hình cho đến khi tắt thở.
 
Người Ai Cập tin rằng gặp được mèo mun ở bất cứ nơi nào họ đều được may mắn. Khi được mèo đen đem nhau đến cho, họ tưởng như sống thêm trăm tuổi. Người Ai Cập lấy nhau mèo sấy khô trộn với trầm hương đem đến nghĩa địa Mèo và dâng cúng trước bàn thờ của BEST. Nhau mèo sẽ đem lại cho họ sự may mắn về tiền bạc và tình ái.
 
Người Ai Cập cổ đại cho rằng các vị thần và các vua chúa cai trị họ có những phẩm chất của mèo. Đó là hai tính chất đáng mơ ước: một là khả năng bảo hộ và trung thành, hai là tính ngoan cường, độc lập và quyết liệt. Điều này lý giải được việc các tượng đài cổ đại Ai Cập đều có hình dạng giống mèo. Về thực tế, mèo được yêu thích vì "tài" bặt chuột và rắn để bảo vệ mùa màng. Thần BASTET là vị thần bảo vệ mái ấm gia đình chống quỷ dữ và bệnh tật, ngoài ra còn liên quan đến phụ nữ và sinh sản.
Chuyện nhau mèo đem lại giàu sang cũng được một số người Việt tin là có thật.
 
Trái với người Ai Cập, người Anh Cát Lợi xem mèo mun là điềm xui xẻo. Họ cho rằng mèo mun là biểu tượng của ác độc nham hiểm vì nó là phù thủy hóa thân. Quan niệm này có từ thời trung cổ, nhưng ngày nay nhiều người vẫn ghê sợ mèo đen.
 
Câu chuyện về Mèo Đen được truyền tụng từ tỉnh Lincolnshire kể rằng có hai cha con một nhà nọ nhìn thấy một con mèo đen to lớn và kỳ dị, và cho đó là mụ phù thủy độc ác hóa thân, liền hô hoán mọi người giết chết nó. Quả nhiên sau khi mèo bị đập chết, mụ phù thủy hung tợn đã hiện nguyên hình mắt lộ như mắt mèo, răng nanh nhọn hoắt...
 
f) Mèo Tam Thể đem lại may mắn, thịnh vượng
  
8/ MÈO TRONG VĂN HÓA TRUNG HOA
(theo A Dictionary Of Chinese Symbols - Hidden Symbols in Chinese Life & Thought/ Wolfram Eberhard)
 
 Mèo được tượng trưng cho sự “sống lâu”, bởi vì “mèo” chữ Hán là “miêu”, người Tàu phát âm là “mau” gần giống với tiếng “mạo” có nghĩa là “cụ già 90 tuổi”.
 
Âm “Mao” trong tiếng Trung Hoa nghe giống như chữ “Lão” (octogenarian). Sự trường thọ cũng được tượng trưng bằng hình con bướm. Bướm, chữ Hán là “hồ điệp”, người Tàu phát âm chữ “điệp” gần giống với tiếng “điệt” có nghĩa là “ông già 80 tuổi”. Do đó, khi người Tàu vẽ một bức tranh trong đó có những con mèo và những con bướm là hàm ý chúc người nhận tranh sống thọ từ 80 đến 90 tuổi.
 
Bức tranh vẽ một con mèo với cây mẫu đơn (plum, người Hoa đọc là “Mei”, đồng âm với “Mei” có nghĩa là “mỗi, một, mãi mãi”-each, every, always) và một bụi tre. Tre tiếng Trung Hoa đọc là “Zhu” (âm Hán Việt là “Trúc”), “Zhu” đồng âm với “Chúc” (wish, pray), tượng trưng cho một lời chúc tụng về trường thọ với ý nghĩa “Trong mọi lúc chúng tôi xin chúc rằng ông bà sẽ sống đến tuổi chín muồi”.
 
*
Nói tóm lại, từ xưa nhiều người đã tin rằng loài mèo có một năng lực quỷ quái (demoniac), biến hóa (demonic). Loài người đã thuần hóa Mèo và nuôi trong nhà, lúc đầu có lẽ là nhằm mục đích dùng vào việc bắt chuột, dần dần vì “tính tình dễ thương” mèo được xem như bạn, được nuông chiều... và từ đó nhiều người nuôi mèo để cho có bạn những lúc cô quạnh. Mèo dễ thương, hiền lành nhưng bản chất của mèo thuộc loài ăn thịt nên khi mèo tức giận thì móng sắc vuốt nhọn sẽ dương ra.
 
Cho nên chơi với mèo, nên nhớ lời nhắn nhủ của thi sĩ Jane Taylor qua bài thơ
 
“Y Like Little Pussy”:
“Y like little Pussy, her coat is so warm,
And if Y don't hurt her, she'll do no harm.”
 
Trong cuộc sống chắc loại mèo nào cũng như thế chỉ hiền với người tử tế...
  
Chuyện Mèo thì nói mấy cho vừa, cho nên một vài điều bàn bạc tổng quát để quý vị đọc cho vui nhân đầu năm Quý Mão.
 
                                                                                 Nguyễn Châu
                                                                                  San Jose CA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ