Trang

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

VỀ BÀI "NGÀY BÉ ĐỌC CA DAO" CỦA TÚ ĐIẾC - Nguyên Lạc


Nhà thơ Nguyên Lạc

 
HAI NHẬN XÉT
 
Tình cờ tôi đọc được bài viết "Ngày bé đọc ca dao" của Tú Điếc Trần Đức Phổ đăng trên các trang mạng, đặc biệt đoạn này làm tôi chú ý:
 
[Trích đoạn]

Có hai bài ca dao dài hơn bốn câu tôi thuộc lòng từ bé. Một là bài Trâu Ơi. Còn bài thứ hai ngày nay thấy trên mạng người ta đặt cho cái nhan đề: Lấy Chồng Sớm:
 
Lấy chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi.
Đến khi mười tám đôi mươi,
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân giường gãy một còn ba.
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.
...
 
Khi đã có vợ rồi, một hôm ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi chợt nhớ đến bài ca dao trên, đọc lẩm nhẩm cho vui, tôi mới chợt phát hiện một điều quan trọng thú vị.
 
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.
 
A, thì ra chị này cũng đáo để thật! Mới mười lăm mười bảy tuổi đầu anh chồng không ngó ngàng gì đến đã phật lòng về nhà méc với cha mẹ rồi! Thế thì mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen. Ai dám bảo phụ nữ ngày xưa là thiếu lửa trong chuyện vợ chồng?
 
Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!
 
Tôi đọc bài ca dao trên nhiều lần, mỗi lần lại chỉ hiểu tí chút. Quả thật người xưa làm ca dao rất tuyệt vời. Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp “Show do not tell” nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này. Bài Lấy Chồng Sớm là một điển hình. Toàn bài không nói đến mây mưa, ân ái, nụ hôn cháy bỏng, vòng tay siết chặt… không cần từ ngữ tục tĩu gì ráo, nhưng đọc xong ai cũng hiểu được chuyện gối chăn của cặp vợ chồng này nồng nàn, lên đỉnh như thế nào! Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok. Thuyền nan hay ca-nô đều độ được người qua sông, cốt yếu chúng không chết máy hoặc gãy chèo giữa dòng.
                                                                                             Tú Điếc
[Hết trích]

.............
 
Nguồn bài viết:
 https://nghiathuc.com/2022/09/09/ngay-be-doc-ca-dao-tranducpho/
 
Tại sao tôi chú ý đoạn trên?
 
Vì hình như trong bài viết này, ông Tú Điếc nói "bóng gió" đến chúng tôi, những người giới thiệu thủ pháp "Show Do not Tell" đến các thi văn sĩ Việt Nam.

Đây là hai nhận xét của ông mà tôi chú ý trong bài viết trên:
 
      1. "Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen...
Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!"
Tú Điếc.

      2. "Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp 'Show do not tell' nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này". và "Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok"
                                                                                              Tú Điếc.
 
Nhận xét số 2 này có thể gọi là PHIẾM không?

Tôi sẽ lần lượt trả lời 2 nhận xét trên của ông Tú Điếc: nhận xét số 2 trước, rồi kế tiếp là nhận xét số 1.
 
TRẢ LỜI CÁC NHẬN XÉT
 
1. Về nhận xét số 2: thủ pháp "Show do not tell"
Câu nhận xét số 2 trên của ông Tú là câu nhận xét đầy "ngụ ý", "bóng gió" đến người: nó không phải là PHIẾM.
 
Tôi xin ghi ra đây câu này lần nữa cho rõ, rồi trả lời ông Tú Điếc:
 
"Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp 'Show do not tell' nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này". và "Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok".
Xin chú ý 2 chữ "rao giảng".
 
Trả lời ông Tú Điếc:
 
- Lời nói đầu tiên của tôi là: Cảm nhận ca dao thì lo cảm nhận đi, "cạnh khoé" người khác làm gì? Được gì? Tiếng tăm? Người xưa có câu: "Sinh sự thì sự sinh, bớt việc thì việc bớt" ông Tú Điếc ơi!
Sao gọi là "cạnh khoé"?

Xin thưa, ngay đây, câu này: "Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp 'Show do not tell' nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này". và "Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.”

Những lời trên của ông Tú Điếc đâu phải là lời phiếm, rõ ràng là lời đầy "ngụ ý", muốn "cạnh khoé" người.
 
- Tôi xin dùng trích đoạn bài viết THƠ “KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI” VÀ SHOW, NOT TELL của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì - người cùng tôi "rao giảng thi pháp Show do not tell” (lời của Tú Điếc) - để trả lời nhận xét có kèm theo "ngụ ý" của ông Tú Điếc.
 
Xin nói rõ thêm: Tôi và Phạm Đức Nhì đã có nhiều bài viết cổ xúy cho thủ pháp "Show Do not Tell", chắc Tú Điếc có đọc, nhưng ông đồng ý hay không thì chúng tôi không biết. Tuy nhiên, đọc trích đoạn trên của ông Tú, chúng tôi đoán rằng ông không đồng ý, nên "cạnh khóe" chúng tôí. Do đó, với sự đồng thuận của Phạm Đức Nhì, tôi xin ghi ra trích đoạn dưới đây để "thương thảo" với ông Tú Điếc:

[Trích đoạn]
 
1.
Trước 1975, tôi có lần về học thêm chuyên môn tại Đại học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt và được học nghệ thuật hùng biện với Linh mục Nguyễn Văn Vàng. Đến giờ nghỉ giải lao, một ông Trung Úy xáp lại gần Linh mục, ra vẻ ta đây, vừa cười vừa hỏi “đểu” một câu “thối như mắm tôm”:
- Thưa Linh mục, tôi thấy ngày xưa Án Tử người nước Tề có học khóa hùng biện nào đâu mà đến du thuyết ở chỗ nào cũng thành công?
Ông Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế mặt vẫn hiền dịu, nhẹ nhàng trả lời:
- Mỗi khi có một cuộc tranh luận thành công (hay thất bại) là có người tìm hiểu, phân tích xem nhờ đâu mà thành công hoặc vì sao mà thất bại. Rồi sau đó có người tổng hợp lại thành những nguyên tắc (có tính lý thuyết) và trường Đại học Chiến Tranh Chánh Trị đã mời tôi đến để truyền dạy những nguyên tắc đó cho các anh, những người cần đến kỹ năng này. Dĩ nhiên, nắm vững lý thuyết là điều kiện cần nhưng chưa đủ để trở thành người ăn nói giỏi. Dựa vào mớ lý thuyết ấy rồi tùy năng khiếu cá nhân, cộng với kinh nghiệm thực hành trong những tình huống cụ thể, khả năng nói trước đám đông của các anh sẽ tiến bộ.
Ông Trung Úy có câu hỏi “thôi như mắm tôm” đứng đực mặt ra ngượng ngùng hổ thẹn trước các bạn cùng lớp vì không hiểu sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành của nghệ thuật hùng biện.
 
2.
Khi đọc bài Show, Not Tell Trong Thơ, có người email hỏi tôi: “Nguyễn Bính có biết Show, Not Tell là cái quái gì đâu mà thơ của ông cũng đi vào lòng người và hàng bảy, tám mươi năm nay vẫn hiện diện hiên ngang trong dòng thơ của dân tộc?” Ông này đã mắc chứng bệnh tương tự như ông Trung Úy ở trên – thích hỏi “đểu” thiên hạ trong khi mình chẳng hiểu gì về mối tương quan và sự khác biệt giữa Sáng Tác và Phê Bình. Câu hỏi – như một phát biểu đầy ấn tượng, nhưng lại lộ ra sự thiếu hiểu biết về điều mình phát biểu – tuy có hơi thiếu lịch sự nhưng theo tôi, trong tranh luận văn chương, vẫn có thể chấp nhận được. Hy vọng đọc phần giải thích ở trên ông sẽ thấy được cái sai của mình và có thái độ thích hợp.
 
Sau đây là một bình luận về bài Show, Not Tell Trong Thơ.

- Chắc ngày xưa ông Nguyễn Bính chưa học được “SHOW NOT TELL” như nhà trí thức Phạm Đức Nhì (nên) mới bị cái lỗi TO ở khổ thứ 3 (và) bị ông ấy chê. Mà nghĩ lại, không ai biết Phạm Đức Nhì là ông nào mà Nguyễn Bính thì người yêu thơ Việt Nam ai cũng biết và ngưỡng mộ. (Hai chữ trong ngoặc đơn là của PĐN)

Trả lời:
- Đây là kiểu bình luận bá đạo – không dẫn chứng xem bài bình thơ của người ta sai ở chỗ nào mà “chêm” vào một phát biểu vừa thiếu hiểu biết – mù tịt về điều căn bản nhất của phê bình – vừa coi thường thiên hạ. Ông này cũng giống ông Trung Úy ở chỗ không biết mô tê gì về công việc phê bình mà bày đặt lên mặt hỏi “đểu”. Nhưng ông còn tệ hơn một bậc là có ác tâm, ác ý – đã nêu đích danh tác giả ra mà xách mé, châm biếm một cách sai trái. Dĩ nhiên, câu bình luận nặng mùi như thế chỉ làm ô uế môi trường tranh luận văn chương.
(THƠ “KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI” VÀ SHOW, NOT TELL 
                                                                             Phạm Đức Nhì) [*]
[Hết trích]
 
Còn phần về:

-  "tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.”
                                                          Tú Điếc

Xin trả lời: Đâu phải lúc nào người hiệp sĩ, võ sĩ cũng dùng "tuyệt chiêu" của mình, tùy trường hợp, tùy tình huống cụ thể, tùy đối tượng và tùy mục đích, phải không?

- "Thuyền nan hay ca-nô đều độ được người qua sông"
                                                                         Tú Điếc

Xin trả lời: Ca-nô đưa người qua sông nhanh hơn và an toàn hơn thưa ông Tú.
 
2. Về nhận xét số 1, chữ : "vũ phu", "nhắn" và “ăn quen bén mùi”
Phần trên tôi đã trả lời ông Tú Điếc nhận xét đầy "ngụ ý" về  thủ pháp "Show do not tell", giờ  tôi tiếp tục góp ý về nhận xét số 1 của ông:

Xin ghi lại lần nữa nhận xét của ông Tú Điếc mà tôi sẽ bàn luận:

 [Trích đoạn]

Khi đã có vợ rồi, một hôm ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi chợt nhớ đến bài ca dao trên, đọc lẩm nhẩm cho vui, tôi mới chợt phát hiện một điều quan trọng thú vị.

Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.

A, thì ra chị này cũng đáo để thật! Mới mười lăm mười bảy tuổi đầu anh chồng không ngó ngàng gì đến đã phật lòng về nhà méc với cha mẹ rồi! Thế thì mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen. Ai dám bảo phụ nữ ngày xưa là thiếu lửa trong chuyện vợ chồng?

Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!
[Hết trích]
 
Lời bàn của tôi:
 
-- về chữ VŨ PHU
 
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân giường gãy một còn ba.
 
Tú Điếc nhận xét trong bài viết của mình: " ... mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh"

Ông Tú - thường ai cũng hiểu Tú là tú tài, là người có học, người hiểu biết nhiều  - dùng 2 chữ "vũ phu" hình như không chính xác lắm trong bài nhận xét về các câu ca dao trên.

Vũ phu:
- (gốc Hán Việt, vũ: uy lực; phu: người đàn ông) Nói người đàn ông thô bạo dùng sức mạnh để đàn áp người khác (thường là phụ nữ – vợ của họ).

Ví dụ: 
 - Chị ấy đau khổ vì lấy phải một anh chồng vũ phu 
                                                 Từ điển Nguyễn Lân
- Kẻ thô bỉ cục cằn. Ví dụ:  Đồ vũ phu 
                                  Từ điển Khai Trí

Trong ngữ cảnh bài ca dao, đâu có cảnh người đàn ông thô bạo dùng sức mạnh đàn áp hoặc đánh đập cô gái đâu? Chỉ "yêu" cuồng nhiệt, hơi bạo liệt chút thôi: do đó, dùng chữ "vũ phu" không chính xác lắm.
 
-- Về chữ NHẮN và ĂN QUEN BÉN MÙI

"Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!"
Tú Điếc
 
Tôi sẽ bàn sơ qua nhận xét về chữ "nhắn" của ông Tú, chữ mà ông khen "nó mới hay làm sao!" rồi từ đó đưa đến “ăn quen bén mùi”- cụm chữ này vô tình hạ thấp phẩm giá người phụ nữ đáng thương trong bài ca dao trên.
 
Tại sao hạ thấp?

- Xét một cuốn sách, bài văn, bài thơ... ta phải hiểu rõ "thời" nó xuất hiện. Trong ngữ cảnh bài ca dao, nó xảy ra vào thời phong kiến, nam trọng nữ khinh, giàu trọng nghèo khinh. Người con gái còn trẻ (15 tuổi) này con nhà nghèo, được cha mẹ gả vào nhà giàu (nằm ngủ dưới đất). Ông chồng chắc lớn tuổi hơn (Chồng chê tôi bé). Cha mẹ gả con mình có thể để trả nợ ("gả bán") hoặc mong con mình vào nhà giàu sang để cuộc sống được khấm khá hơn. Người đàn ông trưởng thành này (ông chồng) chắc đã có vợ - thời phong kiến đàn ông có quyền nhiều vợ - người con gái trẻ này được gả có thể vừa là thiếp vừa là người ở, phải phục vụ cho nhà chồng. Đó là tổng quan bài ca dao "Lấy chồng sớm".
 
Cha mẹ cô gái gả con xong vẫn lo sợ, vì nếu con mình không được nhà chồng chấp nhận, sẽ bị trả về nhà, nợ vẫn hoàn nợ hay hy vọng con mình khấm khá hơn không thực hiện được. Vẫn luôn muốn biết tin tức về sức khỏe của con hàng ngày ra sao, công việc tiến triển thế nào; nhưng vì nghèo, làm sao dám vào nhà thông gia thường xuyên được, tốt nhất là nhờ các người làm việc cho thông gia, hay các người quen sống chung quanh thông gia NHẮN tin cho mình biết khi có điều gì xảy ra đến con gái.
 
Người con gái cũng thế, phải phục vụ suốt ngày cho gia đình chồng, cho chồng, đâu có quyền ra khỏi nhà lâu mà về thăm cha mẹ, nên cũng phải nhờ những người quen kể trên NHẮN tin về giùm. Khi đã "giao hòa" với chồng rồi, người con gái vội NHẮN tin mừng này cho cha mẹ biết, để đừng lo lắng nữa. Chữ NHẮN nghĩa bình thường như vậy thôi, đâu có gì là “nó mới hay làm sao”, rồi ông Tú "hứng chí" đưa đến câu: " 'ăn quen bén mùi' nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ" - câu nói này "sao ấy" - vô tình hạ thấp phẩm giá người con gái nghèo khổ đáng thương.
 
Tại sao hạ thấp phẩm giá người con gái ?
Xin thưa:

- Để nói về sự bất nghĩa của người con trai đối với cha mẹ, tục ngữ có câu : "Cha mẹ xa, cái l.  gần", hay ca dao: "Nóc nhà xa hơn cửa chợ/ L. vợ gần hơn mả cha".

Ở đây ông Tú Điếc "phán":  "chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ", thì cũng giống như tục ngữ và ca dao trên, chỉ cần thay thế "cái l." bằng "con buồi" thôi, phải không? Mê "buồi" chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về thăm cha mẹ không phải là hạ thấp phẩm giá của người con gái sao? Than ôi, sao nỡ đành dùng đầu óc "phồn thực" (tôi không dám dùng 2 chữ "tục tĩu" như ông Tú Điếc dùng trong bài) mà suy luận như vậy, làm hỏng bài ca dao hay. Đã là Tú tài rồi - có nghĩa là người hiểu biết - dù cho có cợt đùa, như trong phiếm luận, cũng phải biết ngăn ngừa trước sau, đừng "quá lố".
 
LỜI KẾT
 
Qua trên, đó là những gì tôi trả lời ông Tú Điếc về các nhận xét của ông trong bài "Ngày bé đọc ca dao", hy vọng ông "nghe" được để đừng viết thêm những bài nhận xét về thơ, ca dao mà có kèm theo "ngụ ý", "cạnh khóe" người khác.
 
Tặng ông Tú lời minh triết này trước khi tôi chấm dứt bài:
 
"Bạn đừng bao giờ nói xấu ai cả. Những lời nói xấu, không sớm thì muộn, luôn luôn sẽ rớt vào đầu những kẻ thốt ra, và có thể làm hại cho sự thành công của ta trên đường đời. Nói xấu người khác là một cách bất lương để tự khoe mình. Nếu không nói được những lời nhân từ, khuyến khích thì thôi, đừng nói gì cả. Chẳng làm gì đôi khi là khôn, nhưng chẳng nói gì cả thì lúc nào cũng là khôn"
                                                                  (Will Durant)
Trân trọng
 
                                                                                        Nguyên Lạc
 
 
..........
 
[*] THƠ “KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI” VÀ SHOW, NOT TELL - Phạm Đức Nhì
 
https://nghiathuc.com/2017/08/10/tho-khan-dong-ao-dai-va-show-not-tell-nhi-pham/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ