Trang

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

PHONG LÀ GIÓ – Phiếm luận của Đỗ Chiêu Đức


        
GIÓ từ chữ Nho gọi là PHONG , thuộc dạng chữ Hình Thanh, gồm chữ PHÀM ở phía trên và bên ngoài chỉ ÂM, bộ TRÙNG là Sâu Bọ ở dưới bên trong chỉ Ý, theo diễn tiến hình thành của chữ viết như sau đây:
 
       
Với hàm ý :
            
Phong động Trùng sinh 風動虫生 (Gió chuyển động thì côn trùng sinh sôi nẩy nở). Nên PHONG là GIÓ, mà...
 
      GIÓ là Hiện tượng tự nhiên của không khí lưu thông từ chỗ nầy sang chỗ khác, từ cao xuống thấp, từ lạnh sang nóng, từ đông sang tây... là sự vận động tự nhiên của bề mặt Trái Đất.
      PHONG chỉ sự di chuyển, thay đổi, lan truyền nhanh chóng, như: Phong ba 風波 (sóng gió), Phong vũ (Gió mưa), Phong trào 風潮 (gió làm cho nước dậy sóng)...
      PHONG chỉ những thói quen được hình thành trong đời sống xã hội, như: Phong Tục 風俗, Phong hóa 風化, Phong dao 風謠 ...
      PHONG chỉ sự lan truyền tin tức, như: Phong thanh 風聲 (Ta hay nói trại thành "Phong Phanh"), Phong Truyền 風傳 ...
      PHONG chỉ Cảnh trí,Thái độ, cử chỉ, như: Phong Cảnh 風景, Phong độ 風度, Phong cách 風格, Tác Phong 作風 ...
 
       PHONG LƯU 風流 là chỉ sự lưu chuyển như dòng chảy của gió, nên rất thoải mái dễ chịu. Cuộc sống Phong Lưu là cuộc sống dư dã giàu có. Con người Phong Lưu là con người Phóng khoáng Rộng rãi... chịu chơi !
       Nhưng... Chịu chơi quá thì rất dễ bị bệnh Phong Thấp 風濕 (thấp khớp, nhức xương), thậm chí bị bệnh Phong Tình, và bây giờ thì chữ PHONG phải đội thêm một cái mão nữa là Bộ TẬT , có nghĩa là ngồi dựa vào khi Bệnh Hoạn. Trong tiếng Việt ta có 2 từ Phong Tình cần phân biệt cho rõ ràng:
 
     * Từ Hán Việt: Phong Tình 風情 là Tình cảm dồi dào ướt át, nên Chuyện Phong Tình là chuyện Tình yêu lãng mạn, ủy mị, thậm chí khiêu dâm tục tỉu... Mở đầu Truyện Kiều, Cụ Nguyễn Du viết: 
                  
Cảo thơm lần giở trước đèn,           
PHONG TÌNH cổ lục còn truyền sử xanh.
    
Chuyện PHONG TÌNH 風情 ở đây là Chuyện tình trai gái của cuộc đời cô Kiều với các chàng trai Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải... thì làm sao mà truyền SỬ XANH cho được ?! Nên có Ý kiến cho là chữ "CỔ LỤC 古籙" (Ghi chép từ xưa để lại, chỉ Sách Xưa) của bản Nôm có thể đọc thành "CÓ LÚC", và câu thơ sẽ là:
             
PHONG TÌNH CÓ LÚC còn truyền sử xanh.
 
chỉ CÓ LÚC mà thôi, phải đặc biệt như cô Kiều mới được truyền sử xanh, chớ không phải chuyện Phong Tình nào cũng được truyền sử xanh cả!  
   
* Từ thuần Nôm: PHONG TÌNH 瘋情 là Bệnh Phong do quan hệ tình dục, chơi bời phóng đảng gây ra. Nói theo bình dân: Bệnh Phong Tình tức là Bệnh Cùi, bệnh Mắc Tiêm La đó vậy! Người Hoa thì không gọi thế, họ gọi bệnh Cùi bằng từ MA PHONG 痲瘋, còn người miền Bắc thì gọi là Bệnh Hủi!
     
PHONG là gió, GIÓ là phong, Gió thổi suốt ngày, từ sáng tới tối, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng nọ, từ năm nọ tới năm kia, nên...
 

Mùa Xuân thì ta có gió từ hướng Đông thổi đến. Đông phương Giáp Ất thuộc Mộc, nên cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, trăm hoa đua nở, muôn hồng ngàn tía, ta nhớ lại 2 câu thơ cuối trong bài Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處 (bài thơ nầy trước mắt trên mạng đều đề là : 題都城南莊 ĐỀ ĐÔ THÀNH NAM TRANG) của Thôi Hộ 崔護 đời Đường là:
                                                    
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,                人面不知何處去,       
Đào hoa y cựu tiếu ĐÔNG PHONG.   桃花依舊笑東風。
 
mà cụ Nguyễn Du đã mượn ý khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy tìm Thúy Kiều, cụ đã thoát dịch trong Truyện Kiều rất hay là:
                
Trước sau nào thấy mặt người,          
Hoa đào năm ngoái còn cười GIÓ ĐÔNG.
     
Gió Đông là Đông Phong 東風, là gió của mùa Xuân từ hướng Đông thổi tới, nên cũng còn được gọi là Xuân Phong 春風.     
Rất nhiều người cứ lầm tưởng Đông Phong là gió của mùa Đông, kể cả người Hoa ở Chợ Lớn hồi xưa, nên đã sửa câu thơ của Thôi Hộ thành:
               
Đào hoa y cựu tiếu XUÂN PHONG.                  
                   風。
 
mà không biết rằng mình đã làm tài khôn sửa bậy thơ của cổ nhân!
     
Trở lại phong trào Thơ Mới thời Tiền chiến của Việt Nam ta với bài thơ MAI RỤNG của Jean Leiba có các câu:
               
Yêu chàng em cố chuốt hình dong,                
Tô cặp môi son điểm má hồng.                
Em thấy xuân nay hoa nở đẹp,                 
Cảm tình Thanh Đế tạ ĐÔNG PHONG !
                    

Thanh Đế 青帝 là ông vua của mùa xuân, là Chúa Xuân, còn Đông Phong là Gió Xuân ấm áp thổi đến cho muôn hoa nở rộ!
     
ĐÔNG PHONG là gió của Mùa XUÂN, còn gió của mùa Đông thì phải gọi là BẮC PHONG 北風, Bắc Phương Nhâm Quí thuộc Thủy, Thủy ở đây là băng giá của vùng Bắc Cực, là gió từ phương Bắc khô khan lạnh lẽo thổi đến. Gió Bắc được bà con ta gọi trại thành Gió Bấc, nên có những câu Ca Dao trong dân gian Nam Bộ như sau:
              
Gió Bấc non thổi lòn hang chuột,           
Thấy chị hai mầy tao đứt ruột đứt gan!
 
Hoặc ...
                
Gió bấc non thổi lòn hang dế,          
Thấy chị hai mầy tao bế hế băng hăng!
     
Hướng Bắc còn gọi là hướng Sóc, nên Bắc Phong còn gọi là Sóc Phong 朔風, như trong bài Tòng Quân Hành 從軍行 của Lệnh Hồ Sở 令狐楚 đời Đường:  
 
                                        
Sóc phong thiên lý kinh,           朔風千里驚,                        
Hán nguyệt ngũ canh thanh.     漢月五更清。                       
Túng hữu hoàn gia mộng,         縱有還家夢,                       
Do văn xuất tái thanh!             猶聞出塞聲。
 
Tạm dịch:
               
Ngàn dặm gió bấc thổi,                
Năm canh trăng quê nhà.               
Dẫu có mộng hoàn gia,             
Còn nghe lời xuất tái!
 
Song thất Lục bát:
                           
Gió bấc thổi làm kinh lính thú,                          
Trăng Hán gia vằng vặc canh tà.                           
Dẫu cho mộng được về nhà,                           
Bên tai còn vẳng tiếng ra ải ngoài!
                                                          
Ngược với gió Bắc là gió Nam, luôn luôn dịu dàng mát mẻ. Nam Phương Bính Đinh hỏa. Gío Nam là gió của mùa hè oi bức, xoa dịu cái nóng cho vạn vật chúng sinh.
        
Trong Khổng Tử Gia Ngữ, có dẫn bài ca của Đế Thuấn là: "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 南風之薰兮,可以解吾民之愠兮 "... Có nghĩa: Cái mát mẻ ấm áp của gió Nam, có thể giải tỏa được nỗi lòng u uẩn ẩn ức của dân Nam ta! Và... với thâm ý nầy, ông Phạm Quỳnh đã lập ra Nam Phong Tạp Chí với ý đồ sâu xa là để mở mang dân trí và xoa dịu lòng dân để ẩn nhẫn đợi thời!
        
Gió Nam thường hây hẩy vào các buổi trưa hè oi bức làm dịu đi cái nắng hạ chói chang gay gắt, nên theo các thầy Phong Thủy thì nhà nên cất xây mặt về hướng Đông Nam, để buổi sáng hứng lấy ánh mặt trời và buổi trưa thì đón gió Nam cho mát mẻ! Điều nầy cũng hợp với sự tự nhiên của cuộc sống mà không cần đến thầy Địa Lý chỉ vẻ ta vẫn có thể thấy được!
         
Gió Nam dễ chịu là thế, cho nên dân Nam Bộ hay mượn gió Nam để chỉ những việc vui vẻ hoặc để nói chơi : "Thằng đó nó đi hứng gió Nam rồi !. Con đó không chồng mà có chửa, bộ hứng gió Nam sao vậy ?!..."
         
Nói đến cái mát mẻ của gió, ta nhớ đến câu "Khoái tai phong dã ! 快哉風也 !  trong bài Hát Nói  của Tản Đà:
                                           
HỎI GIÓ
                              
Cát đâu ai bốc tung trời?                       
Sóng sông ai vỗ ? Cây đồi ai rung?                              
Phải rằng Dì Gió hay không?                         
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?
 
     
À, Thì ra Thần Gió là phái nữ, là DÌ GIÓ, là PHONG DI 風姨. Thảo nào, khi thì mát mẻ, dịu dàng, mơn trớn êm ái hết chỗ chê, khi thì nổi tam bành cuồng nộ, xô sập nhà cửa, làm gãy đổ cây cối, nhận chìm thuyền bè cũng... hết chỗ nói! Đúng ra thì ....
       
Theo truyền thuyết cổ đại Trung Hoa xưa, sách "Bắc Đường Thư Sao", quyển 144 ghi: " 風伯 .風姨之所本. Phong Bá danh Di. Thử Phong Di chi sở bổn". Có nghĩa: Ông thần gió tên là DI, đó là cái lý do tại sao gọi là PHONG DI 風姨. Nhưng vì chữ DI có nghĩa là DÌ (chị em gái của mẹ) nên mọi người cứ lầm tưởng PHONG DI là DÌ GIÓ, hay cố ý tưởng là DÌ GIÓ cho nó... thi vị hơn! Không phải chỉ riêng Tản Đà mà trong Liêu Trai Chí Dị Bồ Tùng Linh cũng có hẳn một bài viết về câu truyện giữa Dì Gió và các loại hoa hẳn hoi!
     
Bây giờ thì đến 4 chữ "Khoái tai phong dã 快哉風也 !"
      KHOÁI : Chữ có bộ Tâm đứng bên trái, nên nghĩa gốc là Vui Vẻ (trong lòng), như Khoái Lạc, Khoái cảm.
      Nghĩa phát sinh là Nhanh nhẹn, mau mắn, như Khoái Mã 快馬.
      Chỉ Mát Mẻ như Lương Khoái 涼快.
      Chỉ tánh tình thoải mái, dễ chịu, như Sảng Khoái 爽快, Thống Khoái 痛快... Nên ...
      Khoái tai Phong Dã 快哉風也 ! có nghĩa:
 
             * Nhanh thay là gió !
             * Mát mẻ thay là gió !
             * Vui vẻ thay là gió !
             * Sảng khoái thay là gió ! ....
     
Bây giờ thì ta đọc phần còn lại của bài "Hỏi Gió" nhé!
             
Khoái tai phong dã!                
            !     
Giống vô tình cây đá cũng mê tơi      
Gặp gió đây hỏi một đôi lời       
Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất?      
Thử thị Đà Giang, phi Xích Bích,         
                    壁,     
Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang.      
               郎。      
Ai cầu phong mà gió tự đâu sang!       
Hay mải khách văn chương tìm kết bạn?      
Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán       
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong       
Nên chăng gió cũng chiều lòng!
 
Nghĩa của 2 câu thơ chữ Hán:
 
    * Nơi đây là sông Đà Giang chớ không phải sông Xích Bích,
    * Chẳng có Gia Cát Lượng mà cũng chẳng có Chu Du!
   
Ý muốn nói: Ở đây không có ai đánh nhau và cũng không có ai cầu phong cầu gió gì cả!
 
Còn ...        
Gió Tây là gió thổi đến từ hướng Tây. Tây phương Canh Tân thuộc Kim, nên gió Tây còn gọi là Gió Vàng là Kim Phong 金風, là ngọn gió thổi se sắt lạnh lùng như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc bằng câu:
              
Trải vách quế GIÓ VÀNG hiu hắt,               
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng!
       
Gió Tây, gió Vàng hay Kim phong 金風 là gió của mùa Thu, ta thường gọi là Thu Phong như bài thơ nổi tiếng của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu:                               
                                 
Trận gió THU PHONG cuốn lá vàng,                                 
Lá bay hàng xóm lá bay sang,                                 
Vàng bay mấy lá năm già nữa,                                 
Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!
                                                                                     
Trận gió THU PHONG rụng lá hồng,                                
 Lá bay tường bắc lá sang đông.                                 
Hồng bay mấy lá năm hồ hết,                                 
Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng trông!


Gió Thu hiu hắt, se sắt, lạnh lùng cộng với bầu trời thu bao la xanh biếc với:
                 
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
        
và ...
                 
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo!
 
làm cho ta lại nhớ đến Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu với bài thơ Cảm Thu, Tiễn Thu làm hồi tháng chín năm Canh Thân - 1920:
                
Từ vào thu đến nay,               
Gió thu hiu hắt,                
Sương thu lạnh,                
Trăng thu bạch,                
Khói thu xây thành.                 
Lá thu rơi rụng đầu nghềnh                
Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly.                                             
..............................
         
Gió thu hiu hắt luôn là nguyên nhân khơi dậy "bao ngành biệt ly", khơi dậy mối sầu cô đơn của người lữ khách xa nhà như bài Thu Phong Dẫn 秋風引 của Lưu Vũ Tích 劉禹錫 đời Đường:
                                         
何處秋風至?   Hà xứ thu phong chí?                        
蕭蕭送雁群。   Tiêu tiêu tống nhạn quần.                        
朝來入庭樹,   Triêu lai nhập đình thọ,                        
孤客最先聞。   Cô khách tối tiên văn.
 

Có nghĩa:
                   
Gió thu từ đâu thổi đến?                   
Hắt hiu đưa tiễn nhạn bầy,                   
Sáng nay luồn vào cây lá,                   
Lữ khách hay trước hơn ai!
 
Lục bát:
                   
Từ đâu thổi đến gió thu?             
Hắt hiu đưa nhạn mịt mù bay cao.                   
Sáng nay cây lá lao xao,             
Cô đơn lòng khách nao nao trước người!                   
      
Ở gần đường Xích Đạo, vùng Nhiệt Đới như Miền Nam của đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, khi gió Tây thổi cũng vẫn cảm nhận được cái hiu hắt lạnh lùng, nên trong Ca dao Dân gian vẫn có câu hát:
                     
Anh về để áo lại đây,             
Để khuya em đắp Gió Tây lạnh lùng!
               
- Có lạnh lùng lấy mùng mà đắp,               
Trả áo anh về đi học kẻo trưa!
 
        
Nhớ hồi còn nhỏ, trong giờ học môn Khoa Học Thường Thức trên lớp, thầy giáo giảng rằng: "Gió là sự chuyển động của không khí trên bề mặt trái đất, không màu sắc, không mùi vị..."
Một anh bạn giơ tay phát biểu: "Thưa thầy, gió có màu chứ thầy" Thầy hỏi: "Màu gì?" - "Thưa thầy, màu đỏ bầm. Hôm qua anh của em trúng gió, má em cạo trên lưng 2 đường đỏ bầm và nói là: Gió nhiều quá!" . Cả lớp cười ồ, có tiếng ai đó nói: "Đồ trúng gió!".
       
Đó là cách ăn nói lịch sự, còn bình thường mắng nhau thì là "Đồ Khỉ Gió!", "Đồ... Cái thằng mắc gió!"... Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến "Thằng Phải Gió" của Miền Bắc, xin được nhắc lại để đoc chơi tiêu khiển!  
 
  Về cô gái hái chè gặp "Thằng Phải Gió" dưới đây, diễn tả một câu chuyện xảy ra trên một đồi chè ngoài ý muốn của cô gái, thế nhưng cô ta lại tỏ ra rất... hài lòng. Đây là cái hay của đoạn ca dao đã lột trần được cái tương phản của tâm lý con người!

CÔ GÁI HÁI CHÈ - Chính Bản
               
Hôm qua em đi hái chè                 
Gặp thằng phải gió nó đè em ra                 
Em lạy mà nó chẳng tha                
Nó đem đút cái mả cha nó vào                 
Bấy giờ em biết làm sao?                 
Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu                
Cái gì như thể củ nâu               
Cái gì như cái cần câu vật vờ
        

Đọc bài thơ, ta thấy được sự phản kháng yếu ớt, chiếu lệ của cô gái, và cuối cùng thì ... nằm im chịu trận, vì ...
                
Nếu em càng giẫy nó vào thêm sâu!        

Chính vì cái tâm lý tương phản của cô gái mà ta còn tìm thấy thêm được ở trên mạng nhiều Hậu Bản của bài thơ nữa. Mời đọc một Hậu Bản sau đây:
  
CÔ GÁI HÁI CHÈ - Hậu Bản
                                  
Mấy hôm sau đến vườn chè,                                    
Kiếm thằng phải gió em đè nó ra.                                  
Nó lạy em, nó xin tha,                                    
Nhưng em cứ đút mả cha nó vào.                                   
Bây giờ mới sướng làm sao,                                    
Nên em càng giẫy cho vào thêm sâu.                                    
Giẫy sao cho dập củ nâu,                                    
Giẫy sao cho gẫy cần câu vật vờ!                                                             
                                        Vô danh


Lại một Hậu Bản nữa !
 
CÔ GÁI HÁI CHÈ – MƯỜI NĂM TÁI NGỘ   
         
Mười năm thắm thoát trôi qua           
Gặp lại phải gió nó già hơn xưa           
Mừng như nắng hạn gặp mưa           
Em đè nó xuống em lùa chim ra           
Nó nằm nó khóc xin tha        
Em ngồi em bóp mả cha ngày nào           
Khi xưa củ cứng cần cao           
Ngày nay củ xẹp cần dâu cần xìu 
                                               
                                     Vô danh
         
Để viết tiếp đoạn kết cho có hậu, Ông ccNN trên mạng đã cho “Thằng Phải Gió” vượt biên, vinh quy bái tổ về làng, tay lủng lẳng bị đô-la, túi đầy thuốc Viagra...
  
THẰNG PHẢI GIÓ LÀ VIỆT KIỀU                        
                          
“Phải Gió” mang mã Việt kiều,                          
Viagra đầy túi làm liều kiếm em.                             
Tủm tỉm nó nốc hai viên,                              
Mả cha nó đứng chỉ thiên lên liền.                             
Cả giờ nó lắc như điên,                             
Ối giời! sao sướng như tiên thế này                             
Mười năm nắn bóp rã tay                             
Nó lắc cho bỏ những ngày xụi lơ!                                                                                                     ccNN
              
Chuyện Thằng Phải Gió khép lại để kết thúc cho bài phiếm luận "Phải Gió" này.
              
Hẹn bài viết tới !
 
                                                                                  杜紹德
                                                                             Đỗ Chiêu Đức         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ