Năm ấy hình như tôi khoảng 12 tuổi, cũng có thể chỉ mới 11 vì đến cách mạng tháng Tám 1945 tôi vừa 13, mà theo tôi nhớ thì ông Nguyễn Tuân tới Hội An trước Cách mạng đâu khoảng vài ba năm.
Một thành phố chỉ có thể thật sự là “thành phố văn
hóa”, như Hội An, khi nó có, từng có, và biết giữ một lớp tinh hoa cấp cao, một
lớp quý tộc văn hoá như thế, có thể nhỏ thôi, có thể nghèo, nhưng là quý tộc,
sang trọng, như là cái lõi vàng ròng của đời sống tinh thần và văn hóa chung.
Đấy là nhà của một vị nho học nổi tiếng có cái tên rất
lạ: Châu Phi Cơ. Lúc nào cũng thơm nồng mùi thuốc bắc, về đêm càng sực nức.
Khuya, tôi gõ cửa rất khẽ, đúng ra là chỉ cần chạm nhẹ vào cái khuy đồng ở cửa,
lập tức “hạt vừng’’ từ từ mở ra. Anh Châu Tường Anh, mới nghe tên đã biết tất
phải là người rất sang trọng, rất quý tộc, hình như đêm nào anh cũng sẵn chờ
tôi sau cánh cửa dày và nặng, trong đêm đẹp như một bức sơn mài ấy. Vâng, một
nhà quý tộc trẻ. Thanh mảnh, hơi gầy và cao, lúc nào cũng mặc áo dài hai lớp,
áo dài trắng bên trong áo lương đen mỏng tan.
Hội An ngày ấy có một lớp “quý tộc’’ như vậy của mình.
Một lớp quý tộc chập chờn giữa hai thời đại. Còn nho nhã phương Đông, nhưng đọc
rành Tây và thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây. Một lớp quý tộc nghèo mà
sang. Những La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh, Dương Minh Hòa, Lưu Nghi…
tất nhiên cả gia đình họ Nguyễn Tường, những người đã mang tinh hoa phố Hội quê
hương tự trong máu của mình ra trộn với tài hoa Cẩm Giàng Hải Dương để làm nên
Tự Lực văn đoàn, cả một thời đại trong văn chương xứ Việt như Hoài Thanh từng
nói… Và anh Châu Tường Anh nữa, bạn vong niên của tôi. Anh lớn hơn tôi đâu chỉ
ba hay bốn tuổi, ở tuổi đó cách nhau chừng ấy đã gần cả một thế hệ rồi, vậy mà
anh kết nạp tôi vào thế hệ anh. Vì anh biết tôi cùng mê sách. Những người mê
sách thì bình đẳng trước văn hóa và vĩnh cửu, và không có tuổi.
Nhà tôi cũng có một tủ sách, tất nhiên, dày cộp. Nhưng
làm sao dám sánh với sách của anh Châu Tường Anh, dù anh có cuốn nào tôi cũng
có đúng cuốn ấy, không sót. Nhưng sách của tôi là sách “thường’’, tầm thường,
bán đại trà, cứ ra phố là mua được, mua hàng lô cũng còn được nữa là, những cuốn
sách “vô danh’’, cũng còn có thể gọi là “vô chủ’’ nghĩa là ai có cũng được,
không đặc biệt là của riêng ai hết, có thể trôi nổi, nay vào tay người này mai
vào tay người kia. Lại nữa, không từ đâu đến, không ai trao cho mình cả, mình
có tiền mình đi mua, có thể nơi một quầy vô danh bất kỳ ở một hiệu sách vô danh
bất kỳ. Theo một nghĩa nào đó, một cuốn sách như thế không có “cá tính’’, không
phải là riêng nó, chỉ riêng nó, không có hai, duy nhất, đơn nhất, như một người
bạn, người thân, người yêu, của riêng mình… Có một dấu hiệu cho loại sách đó:
mép sách được, hay bị, xén bằng dao kim loại, xoẹt một cái phẳng lì, tăm tắp,
chắc cũng có thể với máy móc hiện đại xoẹt một cái xén phẳng sạch bong hàng chục
cuốn…
Tôi để ý: trên bàn của anh Châu Tường Anh tuyệt không
có một con dao kim loại nào. Thư phòng của anh ở trên gác, nhỏ thôi, tường gỗ,
bốn mặt tường đều là sách. Và tuyệt không có cuốn sách nào bị xén “công nghiệp’’.
Trên bàn có một con dao bằng ngà, trắng nhờ. Bởi vì ở đây chỉ có toàn những cuốn
sách được in hai tờ, hay bốn tờ, dính vào nhau, phải rọc ra. Con dao ngà kia là
để rọc.
Ngày ấy sách được in như thế này: ở những nhà xuất bản
lớn, những cuốn sách hay của những tác giả tên tuổi, bao giờ ở trang giáp cuối
cũng có ghi: “… ngoài những bản thường, có 50 (hay 100) bản đặc biệt, in trên
giấy dó (hay giấy Lafuma), được đánh số từ A1 đến …, có chữ ký của tác giả và
không bán”. Không bán, vì nó vô giá. Bây giờ đến lúc tôi khoe với các bạn rồi
đây: 11 hay 12 tuổi, tôi đã có được một người bạn vong niên, anh Châu Tường
Anh, của Hội An tôi, là chủ nhân của một tủ sách gồm toàn những cuốn như thế.
Và đêm đêm, gần suốt tuổi thơ, như một kẻ mộng du, tôi
bỏ nhà lang thang trên các đường phố Hội vắng tanh, một mình tìm đến ngôi nhà cổ
nhỏ xíu trên đường Chùa cầu Nhật Bản, chỉ chạm nhẹ vào cánh cửa nặng trịch thì
vừng liền mở ra, và anh bạn vong niên của tôi, áo dài trắng bên trong áo lương
đen, không nói một lời dắt tôi lên thư phòng của anh.
Tôi ngồi yên trên một chiếc ghế nhỏ, nhìn anh chậm rãi
lấy từ giá xuống một cuốn sách mới, không bao giờ tôi biết từ đâu mà anh có được,
tôi không bao giờ dám hỏi. Tôi ngồi yên, sững sờ ngắm anh thực hiện cái nghi lễ
thiêng liêng của người mê sách. Đôi bàn tay các ngón đẹp như của một nghệ sĩ dương
cầm, cầm con dao ngà, rất chậm, rất nhẹ, như sợ làm đau giấy, rọc từng trang
sách, mép giấy dó nhẹ nhàng xơ ra, một chút bụi giấy vàng mong manh bay lên và
rơi xuống lấm tấm li ti trên mặt bàn. Tôi những muốn được đưa ngón tay chấm nhẹ
một hạt bụi ấy, mà không dám… Vậy đó mỗi đêm, một cuộc thôi miên…
Tôi không đọc sách ở nhà anh Châu Tường Anh, những cuốn
sách ấy ở nhà tôi cũng có, bản in phàm, bán đại trà, ba tôi mua. Tôi đến nhà
anh Châu Tường Anh, đêm đêm, mộng du, là để chiêm ngưỡng những cuốn sách vô giá
của anh, được ngửi mùi thơm vừa thoảng vừa ngậy đặc trưng của giấy dó và của
mùi bụi giấy lấm tấm bay ra khi anh rọc sách bằng con dao ngà màu trắng đục.
Tôi cứ ngỡ bụi “phấn thông vàng” của Xuân Diệu cũng đẹp như thế, thơm nhẹ và
sâu như thế, tuy mãi mấy mươi năm sau tôi mới được biết phấn thông vàng thực ở
Tây Nguyên.
Cũng có hôm anh Châu Tường Anh cho tôi được tự tay dở
vài trang sách. Rất lạ, những trang ấy tôi đã đọc ở nhà rồi, có khi đến thuộc
lòng, vậy mà ở đây mỗi con chữ đều long lanh, và vang lên một cách khác… Nói thế
nào nhỉ, chúng trở nên quý tộc hơn, sang trọng hơn, và bổng như trở nên bí mật
hơn… Vâng, mỗi đêm tôi được hưởng một nghi lễ như vậy của cái đẹp…
Cho tới một bữa, vừa bước lên gác tôi đã nhận ra mùi
hương trầm. Anh Châu Tường Anh, không nói một lời, lặng lẽ chỉ cho tôi ngồi xuống
ghế, và ra hiệu cho tôi phải để hai bàn tay xuống bên dưới mặt bàn. Nghĩa là
tuyệt đối không được sờ đến bất cứ thứ gì. Và ngồi đó chờ… Rất lâu. Rồi anh nhẹ
nhàng nhấc từ trên giá xuống một cuốn sách mới tinh. Sách đã rọc. Các mép giấy
dó xơ ra, còn giữ nguyên từng sợi vàng óng. Chỉ những người chuyên chơi sách mới
biết: sách đẹp chính là ở những xơ giấy dó được giữ quý như vàng đó. Tôi nhìn
trân trân. Cuốn Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân.
Anh Châu Tường Anh dùng mũi dao ngà khẽ lật trang bìa,
rất chậm rãi, đến trang lót, rồi càng chậm rãi, đến trang thứ ba. Và tôi sững sờ:
lời đề tặng của chính ông Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân ngày ấy là huyền thoại của
chúng tôi. Tự tay ông viết, cái ông Nguyễn Tuân tài hoa, phiêu bạt và ngang
tàng ấy, tự chính tay ông viết, như múa, không phải “Tặng anh Châu Tường Anh”,
cũng không phải “Kính tặng anh Châu Tường Anh”, mà là “Kính tặng Tường Anh Châu
công tử”… Và bên dưới, chữ ký bay lên, như khói. Có người bảo: đấy là hình tượng
một cánh buồm lộng gió.
Ôi ông Nguyễn Tuân, chỉ có ông mới nghĩ ra được như vậy,
mới viết được như vậy. Tôi có hỏi kỹ một anh bạn chuyên nghiên cứu văn bản học,
anh ấy khẳng định trước Cách mạng tháng tám Nguyễn Tuân đến Hội An chỉ một lần,
năm 1941, và viết tùy bút Cửa Đại nổi tiếng. Năm đó tôi đúng 11 tuổi. Anh Châu
Tường Anh của tôi lớn hơn tôi đâu bốn hay năm tuổi, tức khoảng 15 hay 16. Mà đã
“Châu công tử”, kỳ lạ không, đã có thể kết bạn với ông Nguyễn Tuân, đã được
chính ông Nguyễn Tuân huyền thoại kết bạn tâm đắc đến mức tự tay trân trọng tặng
Châu công tử một cuốn Vang bóng một thời in giấy dó vàng ươm!
Vâng, Hội An của tôi là vậy đó. Cho phép tôi nói điều
này: một thành phố chỉ có thể thật sự là “thành phố văn hóa”, như Hội An, khi
nó có, từng có, và biết giữ một lớp tinh hoa cấp cao, một lớp quý tộc văn hóa
như thế, có thể nhỏ thôi, có thể nghèo, nhưng là quý tộc, sang trọng, như là
cái lõi vàng ròng của đời sống tinh thần và văn hóa chung.
Chắc tôi phải nói thêm chút nữa về người bạn vong niên
kỳ lạ của ông Nguyễn Tuân ở Hội An, anh Châu Tường Anh quý tộc nghèo của tôi.
Anh mất vào những ngày đầu kháng chiến chống Pháp cuối năm 1946. Không ai biết
thật rõ về cái chết của anh. Chỉ nghe đồn đâu đó ở cửa sông Thu Bồn. Anh quen
biết, và hẳn gắn bó nhiều với gia đình Nguyễn Tường của Nhất Linh Nguyễn Tường
Tam. Ta biết, họ là Quốc dân đảng. Trong những ngày cực kỳ rối ren, sôi nổi,
hào hùng và thảm khốc của một cuộc chiến tranh ác liệt đang bắt đầu.
Lịch sử mà…
Nguyên Ngọc
*
https://nguoidothi.net.vn/chau-cong-tu-quy-toc-hoi-an-thoi-vang-bong-3305.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ