Trang

Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 1)CHÍNH DANH ĐỊNH LUẬN: MẠC HAY MẶC? - Phanxipăng


 
“Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi bị phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật.”
                                                                             HÀN MẠC TỬ
                                                                        (Tựa Thơ điên, 1938)
 
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Hàn Mạc Tử (1912 - 1940) là một tác giả được tôn sùng, hâm mộ. Năm 1942, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Từ ngày Hàn Mạc Tử trừ trần đến nay, mới khoảng hai năm trời mà người ta đã nói rất nhiều và viết nhiều về Hàn Mạc Tử”. Còn tính tới lần giỗ thứ 60 của thi sĩ vào cuối thế kỷ 20 này, hàng nghìn cuốn sách và bài báo trong lẫn ngoài nước đã đề cập đến tài năng yểu mệnh ấy. Riêng các tác phẩm của Hàn Mạc Tử không những được chọn đưa vào chương trình giảng dạy ở nhà trường, mà còn liên tục được ấn hành và... bán chạy. Thế nhưng, vì lắm lý do, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Hàn Mạc Tử vẫn tồn tại hàng loạt “bí mật”, khiêu gợi trí tò mò đối với chúng ta. Thời gian qua, nhờ sự nổ lực tìm kiếm của một số người yêu quý nhà thơ qúa vãng, bao điều “bí mật” kia dần dần được “bật mí”. Bằng khối lượng tư liệu thu thập từ nhiều nguồn, loạt bài này hy vọng sẽ cung cấp những thông tin mà bạn đọc chưa có thể nắm được đầy đủ. TGM cộng tác viên gần xa góp phần bổ sung, hiệu đính bằng những chứng cứ xác tín về Hàn Mạc Tử để chúng ta hiểu rõ hơn, đúng hơn thân thế và sự nghiệp của một tài hoa đất Việt.
 
Kỳ 1: CHÍNH DANH ĐỊNH LUẬN: MẠC HAY MẶC?
 
Bấy lâu, phần lớn sách báo - Trong đó có giáo khoa trung học và giáo trình đại học - đều ghi bút danh chính Nguyễn Trọng Trí là Hàn Mặc Tử. Cạnh đấy, một vài tư liệu lại đề: Hàn Mạc Tử (không có dấu ﮞ). Vậy nên thống nhất cách viết, cách đọc bút danh/ bút hiệu của nhà thơ sao cho chuẩn xác?
 
Về vấn đề này, thiết tưởng cần tuyệt đối tôn trọng ý muốn của chính bản thân tác giả. Sinh thời, Nguyễn Trọng Trí tự chọn bút danh thế nào thì chúng ta hãy giữ nguyên thế ấy.
 
Khổ nỗi, suốt cuộc đời cầm bút, Nguyễn Trọng Trí ký nhiều bút danh dưới các tác phẩm của mình. Thuở mới bước vào làng thơ, chàng ký Minh Duệ Thị. Sau đổi ra Phong Trần. Rồi đổi thành Lệ Thanh. Kế tiếp là Hàn Mạc Tử. Đó là bút danh chính, ngoài ra Nguyễn Trọng Trí cón ký bút danh phụ như Lệ Giang, Sông Lệ, Foong Tchan (phiên âm chữ Phong Trần), P.T. (viết tắt chữ Phong Trần)...
 
Thế vì sao “Mạc” bỗng hoá nên “Mặc”?
 
Hãy nghe mẩu hồi ức do một bạn thân của Hàn thi sĩ là nhà thơ Quách Tấn (1910 - 1993) thuật lại trên tạp chí Lành Mạnh số 38 (Huế, 1.11.1959, tr.18), sau đăng lại trên tạp san Văn số 73 - 74 (Sài Gòn, 7.1.1967, tr.49):
 
Hiệu Minh Duệ Thị ít ai biết. Tử nổi tiếng với hiệu Phong Trần, nhưng sau khi Tử đã quen thân cùng tôi, một hôm nhân vui miệng, tôi chê: “Tướng anh mảnh khảnh thế này, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước?”. Một bà cụ thâm nho ở Bình Định cũng bảo rằng hiệu Phong Trần không hợp với tánh tình của Tử. Bà khuyên Tử nên đổi lại hiệu khác. Tử bàn lấy chữ đầu của sanh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của Chánh quán (Thanh Tân), ghép lại thành hiệu Lệ Thanh. Tử rất lấy làm vừa ý. Nhưng được ít lâu gặp Tử, tôi lại trêu: “Bộ anh ngó “dễ thương” mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng “yểu điệu thục nữ” quá! Âu tôi gọi là “cô Lệ Thanh” cho thêm duyên”. Tử làm thinh. Nhưng ít lúc sau lại thấy hiệu Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử là bức Rèm Lạnh. Tử cho là độc đáo, tìm đến khoe cùng tôi. Tôi cười “Kể cũng ngộ thật! Tránh kiếp phong trần lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân lại đi làm kiếp rèm lạnh. Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế?”. Tử đâm khùng: “Anh này thật đa sự! không biết đặt “cái đếch” gì cho vừa lòng anh?”. Tôi đáp: “Đã có rèm thì thêm bóng trăng vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng?”. Tử hội ý, cầm bút vạch “vành trăng non” lên đầu chữ A của chữ Mạc thành ra Hàn Mặc Tử. Chỉ thêm dấu á (ă) mà đổi hẳn ý nghĩa của cả khóm chữ. Chữ Hàn thì trước kia nghĩa là Lạnh. Nhưng đi kèm với chữ Mặc là Mực trở thành chữ Hàn là bút. Hàn Mặc Tử là anh chàng “Bút Mực”.
 
Mẩu hồi ức vừa dẫn đậm tính giai thoại, hoàn toàn chẳng có bút tích minh chứng. Trong chuyên luận Hành trang cho thơ và sự trở lại của chính mình của Hàn Mạc Tử (NXB Đà Nẵng, 1996),Vũ Hải - tức cô giáo Võ Thị Hải - đã “mạnh dạn đưa vấn đề này (vấn đề “Mạc” hay “Mặc”) thành một chương chính gần như là cốt lõi trong quá trình nghiên cứu tìm hiểu về Hàn Mạc Tử” (tr.29). Vũ Hải tỏ ra hợp lý khi lập luận rằng “không thể chỉ dựa vào giai thoại để thẩm định bút danh cuối cùng của nhà thơ được” (tr.31).
 
Thực tế thì năm 1936, in tập thơ đầu tay Gái quê (NXB Đời Nay - lời tựa của Phạm Văn Ký), Nguyễn Trọng Trí ký bút danh Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên sau đấy, chậm nhất là từ năm 1939, nhiều văn bản còn lưu lại cho thấy nhà thơ lấy bút hiệu ngày trước là Hàn Mạc Tử.
 
Chẳng hạn như bản in lần đầu tiên năm 1939, tựa đề cho tập Tinh huyết của Bích Khê (NXB Đông Phương), Nguyễn Trọng Trí đã ghi rõ ở trang 19: Hàn Mạc Tử. Cần thêm rằng trong bản thảo thi tập Tinh hoa kế tiếp (dự định xuất bản năm 1944 nhưng không thành), Bích Khê dành hẳn cho bạn mình một bài thơ với tựa đề mang bút danh y hệt: Hàn Mạc Tử.
 
Đáng lưu ý là ngay trong tập thơ Một tấm lòng của Quách Tấn xuất bản lần đầu năm 1939, bìa cũng như ruột còn in rành rành: “Hàn Mạc Tử đề bạt” (ảnh). Cũng năm 1939, trong bức thư kèm theo bài thơ Ở đây thôn Vỹ Giạ viết vào tháng 11 - nghĩa là tròn một năm trước khi thi sĩ qua đời, Nguyễn Trọng Trí ký cuối thư và cuối bài thơ: Hàn Mạc Tử. Người nhận thư và thơ là này là Hoàng Thị Kim Cúc đã giữ gìn thủ bút bao năm ròng tại nhà riêng ở Huế (sẽ đăng thủ bút trong một kỳ sau).
 
Lý giải chuyện “Mạc” vẫn hoàn “Mạc” thế nào đây?

Giả thiết rằng giai thoại mà Quách Tấn tường thuật là sự thật, thì vì lý do của tình bạn, Nguyễn Trọng Trí chỉ sử dụng bút danh Hàn Mặc Tử một thời gian ngắn rồi quay trở lại với hiệu Hàn Mạc Tử vì thấy phù hợp với mình hơn. Đặt nhà thơ vào hoàn cảnh cụ thể lúc bấy giờ đang đau khổ vì bệnh tật, nghèo túng và cô quạnh, Nguyễn Đình Niên đã phân tích trong công trình nghiên cứu Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử (Tiểu luận cao học văn chương, Đại học văn khoa Huế, 1973): “Nếu xét theo tiếng đồng âm (Synonyn) thì lại còn có nghĩa anh chàng nghèo mạt (Nghèo mạt rệp) hoặc chết (tử) trong sự nghèo nàn (mạc) và lạnh lẽo, cô quạnh (hàn) nữa”. Bấy giờ, một bạn thân khác của Nguyễn Trọng Trí là Trần Tái Phùng ở Huế. Ông Phùng kể rằng trong bức thư Trí gởi cho mình, có đoạn viết: “Người ta thường gọi lầm tôi là Hàn Mặc Tử, phải gọi là Hàn Mạc Tử mới đúng” (Vũ Hải - Hành trang cho thơ..., tr.37).
 
Qua những cứ liệu vừa nêu, dẫu chưa đầy đủ, song chúng ta cũng có thể xác định rằng Hàn Mạc Tử là bút danh mà Nguyễn Trọng Trí tự cảm thấy phù hợp nhất, tâm đắc nhất. Đây là bút danh mà nhà thơ dùng để ký hầu hết tác phẩm cũng như thư từ trong giai đoạn gần mãn đời. Sở dĩ gọi là gần mãn đời, vì từ sáng 20-9-1940, khi Nguyễn Trọng Trí vào bệnh viện Quy Hoà rồi mất tại đấy chưa đầy hai tháng sau, thì chàng giấu nhẹm mọi chuyện riêng tây, chỉ ký tên thật kèm với thánh danh là Francois Trí - kể cả bản thảo cuối cùng bằng tiếng Pháp La Pureté de L’Âme (Tấm linh hồn thanh khiết) viết đêm 24 tháng 10 năm 1940 và cất trong túi áo cho đến lúc nhà thơ tắt thở vào ngày 11.11.1940.
 
Sau khi nhà thơ tài năng lìa trần, các văn bản được công bố ghi Hàn Mạc Tử hay Hàn Mặc Tử? Đây cũng là những tư liệu có ý nghĩa văn học sử, rất cần tham khảo.
 
Báo Người mới, liên tiếp mấy số ra ngày 23-11, 30-11 và 7-12-1940 tập trung đăng bài thương tiếc Nguyễn Trọng Trí của bằng hữu khắp nơi, ắt là loạt ấn phẩm xuất hiện sớm nhất ngay sau lúc nhà thơ mất. Lục lại chồng báo ấy, GS Phan Cự Đệ xác nhận: “Báo Người mới số 23-11-1940 ghi bút danh Hàn Mạc Tử trong tất cả các bài, kể cả bài của Quách Tấn” (Thơ văn Hàn Mạc Tử - Phê bình và tưởng niệm; NXB Giáo dục, Hà Nội 1993, tr.329).
 
Bộ sách Thi nhân Việt Nam do Hoài Thanh - Hoài Chân biên soạn năm 1941, từ bản in lần thứ nhất và lần thứ hai (Bắc Việt năm 1942) cho đến bao bản in đi in lại về sau, luôn ghi rõ Hàn Mạc Tử kèm dòng cước chú: “Hai chữ “hàn mạc” trong tự điển không có, chỉ có “Hàn Mặc” nghĩa là văn chương”.
 
Cùng ấn hành sớm như bộ sách trên là chuyên khảo của Trần Thanh Mại, bản in lần đầu năm 1942 tại nhà in Rạng Đông (Hà Nội) đang được nhà văn Trần Thanh Địch - em ruột của Trần Thanh Mại, hiện trú tại Phú Nhuận, Tp. Hồ Chí Minh lưu giữ với bìa và ruột đề rõ: Hàn Mạc Tử, xuất bản bởi Võ Doãn Mại, 63 Pellerin, Sài Gòn. Chúng tôi cũng có tác phẩm này, bản in lần thứ năm, do NXB Tân Việt (Sài Gòn) tái bản năm 1970 dưới nhan đề: Hàn Mạc Tử thân thế và thi văn. Chẳng rõ vì sao gần đây, một số tài liệu sao lục sách của Trần Thanh Mại lại tự tiện chữa “Mạc” thành “Mặc” cả? Tương tự như vậy, cuốn Hàn Mạc Tử, thi sĩ của đạo quân thánh giá do Võ Long Tê biên soạn, NXB Vinh Sơn (Huế) in năm 1953, về sau được in lại hoặc trích dẫn cũng xếp chữ “Mạc” thành chữ “Mặc”!
 
Trên bước đường nghiên cứu, với bao chứng cứ được phát hiện ngày càng đầy đặn, không ít tác giả dần thiên về cách gọi Hàn Mạc Tử. Kiên định với “chính danh” ấy, có thể kể trường hợp Phạm Xuân Tuyển - Xước danh Xirô Tuyển - một kẻ hậu sinh từng đồng bệnh với Hàn, đã điều trị ở trại phong Bến Sắn (Bình Dương), nay lành bệnh và trú tại Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Sau hơn 30 năm lò mò liên hệ nhân chứng, sưu tầm vật chứng và lặn lội khảo sát thực địa, Xirô Tuyển đã sơ bộ hoàn tất công trình Đi tìm chân dung Hàn Mạc Tử dày 500 trang đánh máy vào năm 1996 và hiện đang tiếp tục nhuận sắc, bổ sung. Chính anh là một trong những người nhiệt tình cung cấp những tư liệu quý hiếm cho chúng tôi thực hiện loạt bài mà bạn đọc bắt đầu theo dõi.
 
Đề tựa công trình của Phạm Xuân Tuyển, GS. NGND. Hoàng Như Mai bày tỏ: “Tôi tán thành cái bút danh Hàn Mạc Tử”. Trong tư thế giao lưu và hội nhập văn hoá với toàn cầu, việc thống nhất bút danh chính của một nhà thơ Việt Nam nổi tiếng càng cần thiết. Bởi khi chuyển ngữ, nhất là phiên dịch sang một văn tự biểu ý như tiếng hoa chẳng hạn thì “sai một ly đi một dặm”! Dẫu vậy, xét thực tiễn hiện nay, việc điều chỉnh bút danh của “một đỉnh cao loà chói trong văn học của thế kỷ, thậm chí qua các thế kỷ” (chữ dùng của Chế Lan Viên) còn vướng vô vàn khó khăn! Nói đâu xa, ngay tấm bia đá do thân quyến nhà thơ phụng lập trước mộ ở Gành Ráng/Ghềnh Ráng (Quy Nhơn) mà cũng khắc Hàn Mạc Tử nữa là! Ngoại trừ Tp. Hồ Chí Minh, các tên đường Đồng Hới (Quảng Bình) và ở Huế cũng không ghi khác! Duy những di tích cùng hiện vật đang bảo tồn trong bệnh viện Quy Hoà (Bình Định) - nơi nhà thơ đến chữa trị và trút hơi thở cuối - thì qua đợt tôn tạo gần đây điều đã được sửa đổi tất cả biển bảng cho hợp “chính danh” Hàn Mạc Tử. Đó là việc làm rất đáng hoan nghênh.
 
Với chiều hướng ấy, trong loạt bài này, trừ trường hợp thật sự cần thiết, chúng tôi luôn ghi bút danh chính thức của Nguyễn Trọng Trí là Hàn Mạc Tử - kể cả những đoạn trích dẫn.
 
                                                                                     Phanxipăng
 

Nguồn:
https://www.thivien.net/B%C3%AD-m%E1%BA%ADt-H%C3%A0n-M%E1%BA%A1c-T%E1%BB%AD/a-reply-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ