Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2022

TRẦN QUANG QUÝ, TA LẺ LOI ĐƠN CHIẾC BIẾT NHƯỜNG NÀO - Nguyễn Đức Tùng


Nhà thơ Trần Quang Quý


You'll never catch a fish
that way. One caught a fish that way.
                                      Robert Hass
 
Thơ hôm nay không viết về đời sống, nó viết về cái thiếu của đời sống. Cũng vậy, nhà thơ không đi tìm giải thoát ra khỏi khổ đau, họ đi xuyên qua, sống với, những đau khổ, vì chúng làm nên tâm hồn chúng ta bây giờ. Không phải sự thật nào cũng đẹp, không phải chúng ta làm điều gì cũng đúng, đôi khi trái lại. Nhưng chúng ta làm, như thể đó là con đường, và không hối hận về sau. Con người không nắm giữ tương lai trong tay mình, không biết được tình yêu nào chờ ta cuối ngày. Nhưng khi một khoảng khắc tới, bạn lập tức nhìn ra nó, như khuôn mặt trong gương. Lúc ấy, Trần Quang Quý (1955- 2022) trở nên đằm thắm:
 
Trong nỗi đau tôi
Đêm nay bạn đến
Không hoa
Không rượu
Ánh mắt thẳm nỗi người
Tôi tin cậy nắm bàn tay im lặng
Nỗi riêng tôi
Hình như lặn bớt vào tim bạn
Hình như sự im lặng của bạn
Ngọn lửa không màu nhóm lại trái tim tôi
 
Nhận thức về sự thật, công bằng, bất công, chưa chắc đã làm thay đổi hiện thực, nhưng làm bạn sống thành thật, cao quý hơn. Nỗi buồn trong thơ hôm nay làm chúng ta thức tỉnh, biết tập trung chú ý, tăng cường sự tỉnh thức. Từ trong sự tỉnh thức ấy, tương lai tìm thấy hướng đi của nó. Đó là lúc con người rời bỏ, cắt đứt một niềm tin, thách thức một số phận. Đó là lúc chúng ta bắt đầu khung cảnh mới, chọn lấy thời gian của chúng ta, chọn lấy tình yêu như một ẩn dụ, và ngược lại.
 
Cúi xuống là đất
đất ken kín vết người
trong thẳm sâu bóng tối
Ngẩng lên là khoảng rỗng
nhưng sẽ thấy bầu trời
 
Xung đột là tính chất cố hữu của thế giới; tính chất ấy trình bày những khía cạnh khác nhau của cùng một sự vật. Trong khi bạn nằm trên giường bệnh, được đẩy vào phòng chờ phẫu thuật, trên màn hình ti-vi chiếu một quang cảnh lễ hội mà bạn tham dự cách đây vài năm: bạn sống cùng một lúc cả hai thế giới. Một bài thơ mang lại cho người đọc cảm giác như vậy, như thể người ấy sống hai thế giới trong một lúc, với tác giả.
 
Tôi gọi tên em giấc mơ tháng Mười
dọc những con đường thảng thốt heo may
trên bầu ngực mùa thu đang cốm
khảm khắc ngân âm điệu cánh đồng mê cảm
những lẻ mùa lẻ bóng lẻ ngày xưa
Sau vụ gặt những cánh đồng mệt nhoài nằm thở trong rơm rạ
những chiếc liềm mỏi gặt giờ nằm im trên vách
chúng vẫn cong lên hình dấu hỏi
những dấu hỏi ngàn năm mai táng trong thẳm sâu luống đất
những dấu hỏi ngái cay mùi tro bếp
những dấu hỏi ngược về cổ xưa tiền kiếp
Hạt lại gieo. Nhẫn nại. Hạt người
 
Cuộc chuyện trò nhẫn nại giữa hai người bạn. Bài thơ mô tả nỗi vướng mắc của con người chứ không phải là những lý tưởng mà anh ta theo đuổi. Quà tặng mà nhà thơ mang đến cho người đọc là niềm tin rằng người đọc có thể tìm thấy tự do trong hiện thực ấy. Tự do trước những chọn lựa, mắc bẫy? Tính chất nhiều chọn lựa là tính chất của thế giới hôm nay, điều mà tôi tìm thấy trong thơ Trần Quang Quý. Đi qua hoàn cảnh khác nhau, thăng tiến và ngã xuống, trầy trụa va đập của đời, anh trước sau vẫn là một người, một tư tưởng, sự độ lượng, cái nhìn tỉnh táo đối với khách quan. Nhưng những bài thơ đáng chú ý của anh lại được viết đầy cảm hứng, từ một giấc mơ nhiều hơn là có chủ ý, một hoạt động ngoài kiểm soát. Bài thơ kết nối hình ảnh lạ, sắc sảo, dễ nhớ, ở đó khuynh hướng hiện thực mà những người như tác giả trong thế hệ của anh quen thuộc, bắt gặp khuynh hướng siêu thực, làm mở rộng bút pháp của thơ tự do.
Trần Quang Quý làm mới khá sớm, và sớm hơn nhiều người.
 
Giấc mơ của bầy cá luôn ám ảnh bóng hình chiếc thớt

Những mắt lưới gài bẫy trong veo
Biển mỗi ngày vẫn sóng.
Cây rơm mơ ngoạm những đàn bò
Thảnh thơi nằm ở góc vườn, vàng một màu thắng cuộc
Những chú chuột mơ gặm sống bầy mèo và rửa vuốt vinh quang...
Trong thế giới của những chiếc thớt bủa vây
Thương thay những chú cá không rạch qua được số phận
Ta thấu những bình minh của chuột lặn trong mắt mèo
Những cây rơm rạn gió sương từ thuở còn bùn đất
Rực lên hương vị tháng mười
Nhưng ước vọng không dài hơn một que diêm
Đành một ngày mục nát dưới kỷ nguyên của nấm.
Những giấc mơ
Ta đọc những giấc mơ trên từng mơn mởn lá
Trong thẳm sâu những đôi mắt lặng im kia
Trong cả những từng trải và khờ dại
Những trái tim yếm thế cất lên
Chính khúc bi ca người cất lên
Bóng hình chiếc thớt
 
Có những giai đoạn thơ anh đi vào trạng thái huyền thoại, mặt khác ngôn ngữ ấy lại có tính thể nghiệm, khó hiểu, vừa hấp dẫn người khác vừa độc thoại. Một bài thơ vượt ra khỏi chính nó để trở thành ký ức phát sáng.
 
Khu vườn ngập ánh sáng ma mị
non tơ lột yếm cởi mầm
những cuống đêm nức trăng
Trước mơn mởn và thiên nhiên tĩnh lặng
trăng ngâm rượu hồn ta ngậy sáng
 
Anh có cái nhìn bao quát đối với đời sống, những gặp gỡ, chiếu rọi chúng bằng ý thức rõ ràng, những câu thơ phong phú, dài, phức hợp, với thứ âm nhạc riêng lặng lẽ, khó nhận ra. Trên hậu cảnh ấy, sự kiện thời thế tìm được tiếng dội của chúng, rung động người đọc. Vang lên trên bề mặt các chữ, những ý nghĩa của một thời kỳ hỗn loạn, tăm tối, những giao tranh khốc liệt giữa cái mới và cái cũ, của ý thức công dân, các phản ứng đối với nghịch cảnh. Thơ anh là tiếng nói cương mãnh, nam tính.
 
Người đàn bà hát
 
Cứ lúc trăng lên người đàn bà lại hát
Bóng chị đổ trên con đường trăng ướt
Người đàn bà hát như lá hát
Đêm cứ chảy rì rầm cỏ biếc
Bên quán nhỏ những gương mặt đỏ lòm sau ánh đèn dầu
Một mụ béo thả nụ cười lơ đãng
Những gã trai ngồi nhấm đời nhạt thếch
Họ quát lên: “Xéo đi mụ điên!”.
Người đàn bà đi mơ
Đi như ảo ảnh đường trần gian
Chị đã buộc đời mình vào bến cũ
Hình như thế, anh về gặp chị
Trong lá cây, trong cỏ xanh, trong bụi đất và trong lời hát
Dẫu thời gian làm cũ mặt người
 
Nhà thơ hôm nay yêu mến ngôn ngữ như chúng là đối tượng quan trọng nhất của mình. Tuy vậy, điều khó khăn là ở chỗ ngôn ngữ không tồn tại độc lập, không một chữ nào trong thơ có giá trị mà không mang theo ý nghĩa của chúng, các thông điệp bí ẩn. Thực ra vì vậy cái mà nhà thơ yêu mến chưa hẳn là ngôn ngữ, mà là thế giới chúng có khả năng tạo ra, trong sự giao hòa giữa ngôn ngữ và văn cảnh. Mặt khác, ngôn ngữ văn xuôi ngày càng lan vào thơ; văn nói cũng vậy. Nhưng hai thứ ấy chưa phải là thơ, vì thơ có khả năng lớn hơn, thúc đẩy hơn các hoạt động tâm trí. Trần Quang Quý biết kết hợp văn xuôi và thơ, cũng như trí tưởng tượng và hiểu biết ý thức. Một bài thơ đánh thức anh, buộc anh suy nghĩ, trao cho anh cái nhìn mới. Trong thời đại ngày nay, không có một nhà thơ nào đại diện cho dân tộc mình. Thơ là tiếng nói của chính họ, của một người, nhưng đó là một người đặc biệt, với tất cả đau buồn mà anh đã sống qua, cay cực khổ tâm và hy vọng. Đây là hy vọng:
 
Với con trai
(Cho Vũ)
 
Cha ngồi canh cơn sốt của con
Còn vật vã hơn nhiều khi quặn lên những câu thơ nặng nhọc
Con trai ơi
Tiếng khóc của con - niềm hy vọng của cha nhoè ướt
Tiếng cười của con là gương mặt của cha vừa lên sắc
Con gom đời cha trong bước chân bé tí
Cha bế con lên, bế lại ấu thơ mình
Ngày mỗi ngày
Con lại dắt hy vọng của cha ùa ra phố
Mang hồi hộp dồn căng trái bóng
Niềm vui của cha lăn với mặt đường
Con mang về trong căn nhà ta những chiều bình yên
Mang cả lo âu từng ngày phố bụi
Mẹ đã đợi cơm hai cha con ta như đợi hai đứa trẻ
Những đam mê quên cả hẹn hò
Con trai ơi
Gia tài của ta gửi lại ngày mai
Trái tim thứ hai của ta
Thao thức đập những chân trời mới lạ
Vì thế, nếu đổi được cuộc đời, cha có thể chỉ là bản nháp
Con vẽ con đường bằng khát vọng riêng
Vì thế, cha đã đổi những ngôi sao xa xăm
Bằng lựa chọn cho con người mẹ
 
Ngay cả tuyệt vọng cũng không phải là tuyệt vọng, đó là sự gợi ý về một lịch sử, sự tìm kiếm, một lần nữa. Trần Quang Quý là người nổi loạn trong thơ, nhưng đôi khi anh vẫn dịu dàng, trau chuốt, của kẻ đi tìm an bình. Tất nhiên tất cả chúng ta đều mong ước một xã hội an bình, một trật tự đẹp lâu dài, sự hưng thịnh vĩnh viễn. Thế giới đổi thay, theo nghĩa xấu, và chúng ta chống lại điều ấy. Chúng ta muốn một thay đổi khác. Nhưng ngay cả cái tốt đẹp cũng không đứng yên, thường xuyên cần được định nghĩa lại:
 
Gương mặt
 
Niềm vui có thể cất lên bằng nhiều đôi cánh
Sự độc ác quắt quay thời tiết
Chỉ nỗi khổ đau cùng một mạch nguồn
Nỗi khổ đau
Con đường ấy tôi đã từng đi
Bầu vú cạn tong teo
Tôi đã thấy trên da thịt tôi những mạch máu đang cuộn chảy
Em hãy hát ru tôi bằng vị đắng phận người
Em hãy hát ru mùa ngô tướp lá
Những vệt bùn cằn trên áo mẹ
Nụ cười héo hon của người thiếu phụ
Những cuộc tình lạnh vỡ sao băng
 
Không thể có một nền thơ ca phi chính trị. Ngôn ngữ thơ là tiếng nói từ bên trong, nhưng đó là một bên trong đã đi xuyên qua ngày tháng đằm sương khói, hay máu lửa bụi bặm. Anh là một nhà thơ công dân, và điều đó làm lên giá trị cốt lõi của thơ anh.
 
Đỉnh
 
Có những đỉnh phải ngước lên rất cao
núi ngủ giấc mây
mây lãng đãng đeo vòm trời khát vọng
Có những đỉnh không đo đếm được
bóng chúng phủ ta cả trong tiềm thức
 
Từng là một người lính, một người lăn lộn qua những hoàn cảnh ác liệt khác nhau, anh gần gũi với người bình dân, kẻ khốn cùng. Anh nhìn cuộc đời thực, thẳng, gần, ánh sáng chói mắt. Sự phê phán ở Trần Quang Quý trong một số bài thơ là sắc sảo, hiệu quả. Tiếc thay đó là sự phê phán bị nhiều người đọc bỏ quên. Nhà thơ nào cũng nhạy cảm trước cuộc đời, trước sự vô lý, bất công, đàn áp. Nhưng chỉ một số ít trong họ có khả năng tìm thấy tiếng nói của mình cất lên từ đám đông. Trần Quang Quý ý thức một cách rõ ràng vị trí của mình, anh là một nhân chứng, nhưng là nhân chứng biết rõ mình đứng về phía nào trong xung đột hôm nay. Đây là nơi anh trở về:
 
Tôi lại về dưới mái nhà rêu mốc thả trong mơ
Qua những khu vườn hồi hộp quả
Tiếng chân trâu còn khấp khểnh giấc ngủ lão nông
Cánh đồng hổn hển bầu ngực trễ nải thiếu phụ
Làng cất nhọc nhằn vào bóng tối
Đêm cất làng về thuở nghìn năm
 
Giọng điệu pha lẫn sự mô tả khách quan lạnh lùng và khuynh hướng lãng mạn hậu tiền chiến, đôi khi cũ, có chữ lặp lại. Anh có những cố gắng cách tân, trong một ngôn ngữ gần siêu thực, nhưng không đi đến cùng, không chơi với chữ. Anh tin tưởng vào khả năng mô tả của chúng. Thơ anh vừa hướng nội vừa hướng ngoại, đôi khi là bản tường trình thô ráp đối với hiện thực, sự phản chiếu áp lực, nhưng nhiều khi là xúc động được kìm nén, những cao hứng bất ngờ được ngôn ngữ nhào nặn làm cho uyển chuyển.
 
Rượu đã thấm
Tóc không bờ mây biếc
Em thôi cười như thuở hững hờ trăng
Những ngang ngửa sau một ngày cơm áo
Ta lẻ loi đơn chiếc biết nhường nào
Lòng như cánh chuồn sau cơn bão
Xạc xào bay trần thế cõi mình
Cuộc đời thật bắn vào tôi bằng chính nó
Sau nhiều nếm trải mới rung lên
Mũi tên nhỏ làm sao tôi biết
Khát vọng lớn lao
Cuộc đời là có thật
Mũi tên rơi cúi nhặt lấy mình
 
Những năm gần đây, Trần Quang Quý lập trường phái riêng, Thơ năm câu, nghe nói cũng có nhiều người hưởng ứng. Những bài thơ ấy phần nào mở hé một cánh cửa. Đó là sự lo âu có tính sáng tạo, cuộc khởi phát đẹp đẽ mà thành công hay thất bại của chúng còn lâu mới được nhìn thấy. Chọn thể loại là công việc sớm nhất của người viết. Thể loại không chỉ mang tính phân chia hình thức mà còn ảnh hưởng đến nội dung và đề tài. Chọn viết truyện ngắn thì không ôm đồm nội dung lớn. Chọn làm Haiku thì không thể kể một câu chuyện dài dòng. Các nhà thơ hiện nay dễ dàng hơn ngày trước vì họ có nhiều chọn lựa, và hầu hết đều chọn thơ tự do. Thơ năm câu có thể đã tạo ra một vệt đi nhỏ trên con đường thơ Việt.
 
Đọc thơ thầy Thích Nhất Hạnh
 
Mặt trời ở trong ta, ta có trong mặt trời
khi ta đi vào dòng suối, bay cùng đám mây
suối và mây hay vạn vật đã có ở trong ta
Không gì là vô tình
hữu duyên thì sẽ gặp.
 
Ý nghĩa của một bài thơ thuộc về diễn dịch của độc giả, không phải của tác giả. Sự diễn dịch ấy chịu tác động của âm nhạc, các vần, phép đối xứng, phép trùng điệp. Mỗi câu thơ có một ngữ điệu riêng. Ngữ điệu tồn tại trong khi chúng được đọc lên. Tuy nhiên việc đọc bao giờ cũng có hai hình thức, đọc lớn và người khác có thể nghe, và đọc thầm không phát ra tiếng, chỉ bạn biết. Sự cao thấp, độ dài ngắn, cách phát âm tạo ra ngữ điệu riêng của câu thơ. Thơ đương đại, đặc biệt là thơ Việt, ngày càng rời bỏ tính ngữ điệu. Việc đọc thơ trên quảng trường, trước đám đông, dù là ngâm hay đọc, ngày càng bớt dần thì các nhà thơ càng dễ bỏ quên ngữ điệu. Một trong những cố gắng mà trường phái năm câu do Trần Quang Quý khởi xướng, cũng như thơ Tân hình thức chẳng hạn, trong khi khuyến khích một thể thơ cố định, dần tạo nên nhạc điệu riêng và đó là điều đáng khuyến khích. Anh cũng viết nhiều thể loại, và có những câu lục bát đẹp:
 
Đã từng đi nát con đường
gỗ hương long mộng chân giường đứng ngây
Đã từng hẹn tuột vỏ cây
gió ghen vần vũ đám mây tụt quần
Đã yêu yêu cạn mùa xuân
 
Anh dễ lặp lại chữ, hay sa vào thơ ngụ ngôn triết lý vụn:
 
Biển nhụt chí
thủy triều tụt váy
cát nằm hoang những vết chân còng
Lộn biển ra gặp ngàn năm nước mắt
cô lại thành những hạt mặn kết tinh
 
Trần Quang Quý sống tỉnh thức, lắng nghe mọi thứ tin tức, chiến tranh và hòa bình, nhẫn nhục, những dự báo thời tiết của lòng người. Thơ anh nạp năng lượng của ý thức công bằng. Thơ ấy không đề nghị được giải pháp, không cắt nghĩa lịch sử, chúng chỉ nhắm vào sự khốn khổ của con người, và ngôn ngữ thơ của anh trong nhiều trường hợp tỏ ra đủ sức mô tả chúng.
 
Sau tất thảy trận mạc, khúc bi thương hay khúc oai hùng
chiếc gươm ngủ giấc hào quang
hay thức mòn trong bi kịch những vết chém?
 
Các nhà thơ nếu biết vận dụng văn nói thì có thể khai thác được thế mạnh của chúng, trong các câu có tính đối thoại, kêu gọi, tán thán. Nếu được sử dụng một cách nghệ thuật, văn nói có tác dụng rất lớn trong việc biểu lộ cảm xúc, tạo ra ý nghĩa mới mà một chữ xưa nay không có. Đó là các trường hợp (1) châm biếm, (2) phủ định, và (3) thách thức các giá trị. Thời đại ngày một hỗn loạn, thiên nhiên ngày một bị hủy hoại, các mối quan hệ giữa người và người phai nhạt. Thơ Trần Quang Quý là một trong những tiếng nói sớm, đương đại, về các đề tài xã hội và thời sự. Thơ ấy là một hành trình, là bản ghi chép hành trình, những chuyến đi trong không gian và trong lịch sử.
 
Gói nắng mưa, cánh đồng hạn lụt
những thế kỷ nảy mầm
từ mẫu người gieo hạt
Nằm trong vỏ vô thức
đã mọc rễ hy vọng
 
Tôi chú ý đến giọng điệu của anh, của các nhân vật. Giọng ấy khi cao, khi thấp, khi tuyên bố, khi tâm tình, nhưng thích hợp với điều muốn diễn tả. Nhờ giọng điệu mà bài thơ nói được nhiều hơn những điều mà nó nói. Đôi khi cách nói triết lý nhưng thuyết phục:
 
Thân cây cứng mọc đứng
cỏ dây leo mọc nằm
thì đâu cần cao thấp
Bò ngang thiên hạ
cỏ mềm nằm duỗi xuân
 
Kinh nghiệm đối với chấn thương là một trong những đặc tính của Trần Quang Qúy. Người đọc thơ anh nhận ra nỗi buồn sâu xa, sự kháng cự lại hoàn cảnh. Trong đau đớn, người ta không nói mà chịu đựng, không ca hát mà tìm sống sót. Tôi đọc anh sớm, từ những tập như Mặt nạ, và nhận ra đó là một hướng đi lạ. Đôi khi có sự kết hợp giữa hiện thực và tâm linh:
 
Liềm hái thèm ngày thôi gặt gió sương
người nông dân thèm tự do được giải phóng mình khỏi nhọc nhằn cơ bắp
và tự do đầu tiên lại là tự do không thoát ly bùn đất
tự do của mồ hôi
 
Một dòng thơ chiêm nghiệm; ngôn ngữ cứng cỏi nhưng giản dị, thành thực. Anh cần đến thơ trữ tình, không những như một phương cách mô tả thế giới, mà còn là một phương cách mà anh dùng vượt qua các ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, và di chuyển ngược lại. Bạn cảm thấy bạn thuộc về một nơi chốn, một quê hương, một mái nhà. Bạn thuộc về trái tim của người khác. Đôi khi chúng ta cảm thấy bị ruồng bỏ, bị từ chối, đôi khi cảm thấy bị phản bội. Bạn ở giữa sự thuộc về và lòng thương nhớ. Bạn trở nên cô lập với mọi người. Chúng ta bị lịch sử đánh bại. Và tất cả chúng ta sẽ bị đánh bại bởi cái chết. Vì không có một ngoại lệ nào, nên đó vừa là bi kịch vừa là hài kịch. Thơ đứng ở đâu? Đứng ở nơi sâu thẳm nhất, tối đen nhất, nơi bạn ngã xuống. Đôi khi bài thơ anh cũng tựa như lời cầu nguyện.
 
Đường xưa người đã xa rồi
Tiếng chân dặm thẳm không lời tiễn đưa
Tôi về gom lại giấc mơ
Áo người xưa đã cởi hờ cho nhau
Trăng suông lẻ bước qua cầu
Sương đêm lẻ giọt rơi nhàu tâm tư
Cây còn treo một nỗi chờ
Lá xanh thì đã rơi mờ tiếng em
Đâu đây mỏng mảnh trời đêm
Tiếng chim xe sợi chỉ duyên đã gầy
Đường xưa còn một gốc cây
Mà nghe hun hút nơi này không ai
 
Những ý tưởng trở nên có khả năng đi xuống chiều sâu mới, ở đó chúng tìm thấy lời an ủi, niềm thanh bình cội rễ. Thơ anh lúc ấy trở nên nhẹ nhõm, giản dị, chứa ắp nội dung của đời sống. Tất cả chúng ta đều mong muốn được tham dự vào lịch sử, được can dự vào số phận của người khác. Thơ Trần Quang Qúy không phải là thơ dễ đọc, đó là loại thơ nửa mang nặng xúc cảm nửa trí tuệ. Anh có những đoạn im lặng, ánh sáng mờ chiếu không soi rõ khuôn mặt thi sĩ, lại có những phút bừng sáng, tư lự và kiêu hãnh. Các quan tâm xã hội của anh trong nhiều bài không rõ, tính phê phán không sắc bén. Ngược lại, trong một số bài khác, hòa hợp được với khuynh hướng trữ tình, của một người cô độc đi trong hoàng hôn, của đời mình, của xã hội. Tuy vậy giữa những dòng đơn chiếc kia, vẫn để lộ hoài bão không ngớt về cái đẹp, bao dung, lòng thương xót.
 
Cánh hoa đang mở ra những vệt sáng mệt mỏi
cánh hoa vừa khép lại những thiêm thiếp người
cõng giấc mơ bạn đi, đi mãi về cuối miền vọng tưởng
bỏ sót bên trời một chấm nhân gian
 
Thơ anh thay đổi qua nhiều giai đoạn, có khi mạnh mẽ, khô khan, có khi tâm tình, nhưng không ủy mị. Những mảng tối sáng xen kẽ nhau, nứt, bẻ gãy. Không phải bài nào của anh cũng đạt được điều ấy, có những bài dang dở như thể chưa viết xong, có những bài mà ý tưởng giản dị chưa đạt đến sâu lắng. Nhưng ấn tượng rõ nhất về thơ Trần Quang Quý mà tôi có được là những câu hỏi không ngừng rung lên về số phận, cá nhân và dân tộc, sự phân biệt giữa tình yêu và ý thức.
 
Một người lính của hai mươi năm trước
Vụng dại giã từ vào lúc trăng lên
 
Những câu hỏi ấy của anh là thao thức của người đọc hôm nay, vì vậy dù anh viết dưới thể thơ nào, tự do hay lục bát, năm câu hay thơ dài, nhà thơ bao giờ cũng đi với chúng ta, đương thời. Đi với chúng ta mà anh vẫn đơn lẻ, vì thực ra không một người nào trong chúng ta đi mà không đi một mình, với những ước mơ và kỷ niệm, và phản đối, về phía đường cuối. Nỗi cô độc ấy của Trần Quang Quý nhắc ta nhớ lại thật khó khăn biết dường nào để vừa sống như một người tự do vừa như một tiếng nói của người khác. Vì vậy, thơ anh có những khoảnh khắc mờ ngạc nhiên, khi khắc nghiệt khi dịu dàng, khi dừng lại và chiếu sáng, ngoái về sau; và tất cả chúng, tôi nghĩ, đều là quà tặng mà anh muốn gửi lại cho đời.
 
                                                                             Nguyễn Đức Tùng
                                                                                     9. 2022
                                                                             (Đọc Thơ- Bài 41)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ