Trang

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN (Kỳ 5) - Nguyễn Thanh Ty


Tác giả bài viết Nguyễn Thanh Ty


Nhạc Phẩm Đầu Tiên Được Ấn Hành:
 
Mấy ngày sau Sơn về, mặt mày bơ phờ, hốc hác. Tôi kể chuyện ông già Thống đi tìm. Sơn nói sẽ xin lỗi sau. Xong, Sơn ngủ vùi suốt ngày hôm đó.
 
Hôm sau, Sơn vui vẻ kể cho tôi nghe đầu đuôi câu chuyện về nhạc phẩm "Chiều Một Mình Qua Phố".
Sơn kể:
- Mình bán cho cha Duy Khánh. Chả trả có ba ngàn đồng bạc. Mình nài thêm, chả nói: "Nhạc Phạm Duy là đắt nhứt mà cũng chỉ tới năm ngàn là cùng, ông là nhạc sĩ mới, giá vậy là cao lắm rồi". Sơn tặc lưỡi nói tiếp:
- Thôi cũng được, nhưng tiếc một điều là chả làm hư bản nhạc của mình. Mình bán đứt bản quyền rồi đâu còn ý kiến chi được!
Tôi thắc mắc:
- Hư là hư làm sao?
- Nhạc của mình thuộc loại êm, nhẹ, diễn tả nỗi buồn của những ngày lang thang trên phố vắng, đìu hiu, quạnh quẽ, mà chả cứ rống lên như bò rống!
 
Sơn giả điệu bộ và giọng Duy Khánh, lấy tay nắm lấy da cổ họng giựt giựt miệng rống lên "Chiều một mình qua phố... ố...ố...ố..." Tôi không sao nín cười được. Nhân đó, Sơn giải nghĩa cho tôi nghe về việc in ấn, tác quyền, phát hành, gom tiền... rất nhiều giai đoạn nhiêu khê. Tác giả một nhạc phẩm hay một tiểu thuyết không thể nào tự mình làm được các việc đó, nên bị các nhà xuất bản bắt chẹt, đành phải bán bản quyền cho họ. Bấy giờ tôi mới vỡ ra. Lâu nay tôi cứ ngỡ các ông văn sĩ, nhạc sĩ có sách, có nhạc được in ra, đem bán khắp nơi, chắc hẳn là giàu lắm. Này nhé, cứ tính nhẩm thì thấy ngay: một bản nhạc giá 7$ x một triệu bản = 7 triệu đồng. Triệu phú rồi còn gì! Té ra, sự thật, ông nhạc sĩ nhà mình ôm có ba ngàn đồng bạc đi ăn nhậu, nhảy đầm với đám bạn mấy ngày hết sạch! Còn phía nhà xuất bản thì sao? Ông Duy Khánh của ta đem in ra chỉ có 1.500 bản, gởi các đại lý khắp nước bán dùm, họ ăn hoa hồng 35%. Gần cả nửa năm sau chưa gom hết tiền về.
 
Dịp này, Sơn cũng kể cho tôi nghe về hai người bạn ở Sài Gòn mà Sơn thường về ở chung, đi ăn, đi nhảy với nhau. Đó là Trịnh Cung và Đinh Cường.
 
Đến giờ phút này tôi vẫn chưa có dịp gặp và biết Đinh Cường. (Trừ những tấm hình trên Net). Trịnh Cung thì tôi thấy mặt một lần khi ông ta ghé thăm Sơn tại Bảo Lộc, nơi phòng chúng tôi đang ở. Khoảng đầu năm 1965 thì phải! Hình ảnh của 2 ông Trịnh thật là tương phản. Ông Trịnh nhạc sĩ thì xuề xòa, giản dị trong bộ đồ, áo kaki vàng bỏ vô quần tergal, với đôi giầy Ba-Ta màu nâu muôn thuở. (Sau này có may thêm hai áo sơ mi, một nâu, một trắng bằng vải Nil France) Dạo ấy Sơn có biệt danh do chúng tôi đặt là "Chàng nghệ sĩ nhứt y nhứt quởn". Có lẽ một năm Sơn mới đi hớt tóc một lần, tôi nghĩ vậy, vì không bao giờ thấy Sơn có đầu tóc mới. Vẫn mái tóc thưa, mềm chạy dài xuống gáy. Hàng râu mép hung hung nâu. Không phải râu, cũng không phải lông. Khi dài thì Sơn lấy kéo cắt bớt. Hàng râu cằm lại càng khiêm nhường. Từ sợi nọ sang sợi kia có thể mắc võng được. Tôi thường đùa với Sơn như vậy.
 
Còn ông Trịnh họa sĩ thì rất đỏm dáng trong bộ âu phục thời trang. Áo veston xẻ hông, cà vạt, giầy da bóng láng. Ông có bộ râu quai nón rất rậm, che kín gần hết khuôn mặt, chỉ chừa một khoảng nhỏ từ trán xuống mũi.
 
Lần thứ hai tôi gặp lại ông là tháng 6 năm 1967. Tổng động viên, tôi vào Thủ Đức. Lúc ấy ông đang mang lon Thiếu Úy, làm huấn luyện viên. Lần thứ ba, giữa năm 1970, tôi gặp lại cả hai ông Trịnh tại phòng triễn lãm tranh được tổ chức trong ngôi biệt thự Văn Hóa Pháp, đường Yersin Nha Trang. Lần ấy, Sơn không nhìn thấy tôi hay không còn nhận ra tôi, tôi không biết. Nhưng lúc ấy Sơn đang bận rộn bắt tay người này, cười nói với người kia. Cả một đám đông đang quây xung quanh. Tôi không tiện và cũng không thể len vào để nói mấy câu nhìn bạn. Sơn vẫn xuề xòa trong bộ âu phục thường. Ông họa sĩ vẫn đóng khung còm lê, cà vạt. Tối hôm đó nằm mơ, tôi thấy Sơn đến thăm tôi tại căn phòng có cửa sổ ngó ra con đường đất đỏ, trong ngôi nhà của bà Trần Thị Phi và hai chúng tôi đến Câu Lạc Bộ Lâm Đồng uống cà phê. Nhưng sương chiều cứ là là bay, che khuất khuôn mặt Sơn. Tôi cố nhìn nhưng vẫn không thấy rõ nét.
 
Trở lại câu chuyện "Chiều Một Mình Qua Phố". Sơn hỏi tôi:
- Có nghe ông Lợi nói gì về tôi không?
- Không biết! Nhưng ông đi lâu quá, tôi e cũng đã đến tai ông ta rồi.
- Làm sao bây giờ? Sơn có vẻ hơi lo. Tôi trấn an:
- Không sao đâu! Chiều nay ông lên Ty, cười cầu tài một phát. Nói vài lời xin lỗi rồi tặng ổng bản nhạc là xong ngay.
 
Sơn thở phào nhẹ nhỏm. Sơn rút trong cặp ra hai bản nhạc, ký tặng ông Lợi một bản, tôi một bản. Bản đặc biệt in trên giấy láng, hai lớp. Hình bìa màu nâu, vẽ chàng nghệ sĩ tay trái xách đàn, tay phải vắt áo khoác trên vai, đang lầm lũi xuống con đường dốc. Hình bìa này chắc không phải do ông Cường hoặc ông Cung vẽ. Nét vẽ chân phương không lập dị như thường thấy của hai ông. Sơn ký cả họ lẫn tên và chữ lót dài từ đầu này đến đầu kia của bản nhạc theo chiều đứng. Cái gạch ngang chữ T trên đầu kéo dài che hết ba chữ Trịnh Công Sơn. Không có hình con cá như ông Cường nói. Tôi làm thầy bói nói mò:
- Chữ ký ông đẹp. Tiếc thay cái gạch dài quá, che hết cuộc đời của ông, e rằng không được tốt!
Sơn cười:
- Thôi cha! Bày đặt coi tướng số, tử vi hả?
Chiều hôm đó, từ Ty về, Sơn hớn hở khoe với tôi:
- Lúc mới vô Ty, mấy nhân viên văn phòng ái ngại nhìn tôi, chắc thế nào cũng bị ông Lợi quạt một trận tơi bời vì tội bỏ nhiệm sở. Tôi cũng hơi lo. Nhưng lúc gặp ổng trong văn phòng riêng, tôi xìa bản nhạc ra trước và nói mấy câu phân bua lý do vắng mặt cùng lời xin lỗi. Ổng cầm bản nhạc, chăm chú xem, không nói gì. Lúc đó tôi hơi yên tâm. Cuối cùng ông ta nói:
- Cám ơn anh bản nhạc. Nhưng từ rày về sau đừng bỏ trường nữa. Tôi nghiệp cho ông Thống. Và tôi cũng khó đối xử với các nhân viên khác. Về lãnh vực âm nhạc, mong anh thành công nhiều hơn.
 
Cô Nữ Sinh Tên Ngà, Tiếng Kèn Đồng và Lời Buồn Thánh:
 
Khoảng đầu tháng tư năm 1965, chúng tôi đau buồn tiễn biệt người bạn trẻ Nguyễn Văn Ba về bên kia thế giới. Căn nhà chỉ còn ba người. Nguyễn Hảo Tâm ở một mình để được yên tĩnh học, mong lấy nốt chứng chỉ Văn khoa cuối cùng.
 
Ba là người ngoan đạo. Mỗi buổi sáng, đúng năm giờ, dứt hồi chuông đầu là anh đã ra khỏi nhà để đến nhà thờ dự lễ nhứt. Trong khi chúng tôi còn quấn kỹ trong chăn. Rất chăm chỉ, rất đều đặn, anh không bỏ sót một ngày, dù mưa hay bão.
 
Hôm anh về Sài Gòn để thăm gia đình, Việt Cộng đắp mô ở đoạn đường đèo Madagui. Trên chiếc xe đò Minh Tâm, tám chỗ ngồi, có một cha xứ ở Tân Phát cùng đi. Không một ai dám xuống xe để gỡ mô. Cha xứ nóng lòng về Sài Gòn gấp, không thể chờ quân đội đến phá mô như mọi bận, nên Cha tự tay xuống gỡ. Mô chỉ là một đống đất hoặc vài tảng đá. Có khi là một thân cây chắn giữa đường, trên phủ cành lá um tùm. Bên dưới gài lựu đạn hoặc mìn. Có khi chỉ là nghi trang, mục đích làm trở ngại giao thông, gây khó khăn cho dân chúng đi lại làm ăn mà thôi. Lần này mô rất sơ sài, chỉ dăm ba cục đá, một ít đất, vài nhánh cây phủ lên trên. Trông không có vẻ gì ghê rợn như mọi lần. Chừng năm, mười phút dọn dẹp là xe có thể lưu thông được. Thấy Cha Xứ xuống xe gỡ mô, Ba cản lại:
- Cha cứ ngồi trong xe. Mình con xuống gỡ là được rồi!
 
Ba kéo gần hết các nhánh cây ra khỏi mô. Thấy không động tịnh gì. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Nãy giờ cứ lên ruột. Tài xế nổ máy xe, chuẩn bị lăn bánh. Ầm! một quả lựu đạn nội hóa phát nổ. Ba vật ngửa ra, chết liền tại chỗ. Cả xe bàng hoàng, khủng khiếp. Không một ai nhúc nhích. Mấy phút sau, cha xứ và vài hành khách rụt rè xuống xe, lại gần Ba, khiêng anh về. Xe chạy ngược lại Bảo Lộc.
 
Khi hay tin, chúng tôi sững sốt, nghẹn ngào. Vội vã đến thăm anh tại nhà thương Bảo Lộc. Anh nằm trong nhà xác. Thần thái như đang ngủ. Thi thể không một vết thương. Nhân viên y tế cho biết chỉ có một mảnh duy nhất trúng ngay tim. Năm ấy anh mới có hai mươi bốn tuổi, tuổi vừa mới biết yêu. Tình yêu mới chớm nở với người đẹp Bùi Thị Lan, nữ thư ký trong Ty. Một cái chết tức tửi, oan uổng, phi lý.
 
Sau cái chết của Nguyễn Văn Ba, Sơn đâm rét, không dám về Sài Gòn hàng tuần nữa. Trước đó, cứ trưa thứ sáu, sau khi tan trường, Sơn đi thẳng ra bến xe, lấy vé về Sài Gòn. Xe nhỏ Minh Tâm, chỉ bốn tiếng đồng hồ là Sơn đã "tiếu ngạo" ở thành phố hoa lệ. Mười hai giờ trưa Chúa Nhật, Sơn lại lên xe đò, đánh một giấc. Năm giờ chiều đã có mặt tại quán cà phê Ngọc Trang.
 
Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài, nhìn đăm đắm ra con đường đất đỏ. Mùa này bông lau nở trắng khắp nơi. Lau trắng dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, gió nồm thổi nhẹ từng cơn, lướt qua rừng lau, xô chúng ngã nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn. Chiều xuống dần. Những vạt nắng cuối cùng chiếu xiên trên những ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần. Không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất. Thật hắt hiu buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ chiều. Chuông nhà thờ đang vang vang, dồn dập từng hồi, thúc dục con chiên đến giáo đường.
 
Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà. Người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, với khuôn mặt phảng phất nhiều nét như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi. Mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Thánh Kinh trước ngực, đầu hơi cuối xuống, lặng lẽ, khoan thai bước. Đã bao lâu rồi? Cái hình ảnh rất đẹp ấy, cái màu áo dài trắng nổi bật trên nền đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, đã đi ngang nhà chúng tôi bao nhiêu chiều rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Thật uổng phí! Chẳng là, cứ ba giờ chiều, chúng tôi đã túc trực quanh mấy cái bàn bi da để dành chỗ rồi chơi cho đến khi tắt điện mới mò về, thì làm sao có thì giờ để biết bên hàng xóm có người đẹp. Cái tên Ngà, mãi về sau, theo dõi, lắng nghe mấy đứa em cô gọi, mới biết.
 
Từ ngày Nguyễn Văn Ba chết, chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa. Ngồi nhà suốt một tuần nên mới phát hiện ra bên hàng dậu có người ngọc. Cả ba: Sơn, Tâm và tôi bắt đầu theo đuổi. Nhưng cả ba đều không thành công. Chúng tôi đều bỏ cuộc nửa chừng. Lý do: Tuổi trẻ ham chơi không để phí nhiều thì giờ để đeo đuổi. Thứ nữa là sĩ diện, quan trên trông xuống, người ta trông vào. Thầy giáo mà đi chọc gái thì ê càng quá.
 
Tuy nhiên, với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà, hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ, để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm Lời Buồn Thánh.
 
     Từ trái sang phải:    
     Trịnh Công Sơn, Nguyễn Đức Tín,Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Hảo Tâm, Đỗ Danh Đạo.
     Ảnh chụp tại CLB Lâm Đồng năm 1964
 
Đôi Nét Về Trịnh Công Sơn:
 
Trịnh Công Sơn có vẻ người nghệ sĩ tự nhiên với mái tóc thưa, bồng bềnh, không chải chuốt hoặc cố làm dáng như các bạn văn nghệ của anh. Anh không bao giờ cạo mặt. Nếu ai nhìn kỹ khuôn mặt anh, sẽ thấy đầy những lông măng. Có lần tôi tò mò hỏi anh về chuyện hớt tóc, cạo râu, anh cho biết: Mỗi khi thấy lưỡi dao cạo bén ngót của ông thợ cạo là bắt rùng mình. Nghĩ ngay đến cảnh đang nằm ngửa cổ chờ cạo râu thì ông thợ cạo đưa một đường ngọt xớt, đứt lìa cuống họng. Sơn không nói vì sao lại có cái ám ảnh ghê rợn đó.
 
Sơn rất gầy, thường xuyên ở mức bốn mươi ký lô, mặc dù anh cao hơn tôi. Nhất là mỗi năm sắp đến kỳ nghỉ hè, đám giáo viên lại nhận được giấy gọi nhập ngũ, Sơn nhịn đói, thức khuya, uống cà phê đen, đậm, hút thuốc lá liên tục để xuống cân. Sau một tháng, Sơn rạc hẳn, trông rất tiều tụy. Thảm não đến tội nghiệp. Sơn chỉ còn ba mươi hai ký lô, dưới "pi nhê" để đi lính. Ngược lại với Sơn, chúng tôi ăn nhậu thả dàn cho thỏa những ngày còn ung dung tự tại. Sợ chó gì! Đi lính thì đi! Thiên hạ đi lính chết cả à? Sống chết phải có số chứ! Mới vừa đây thôi. Việt Cộng pháo kích vào quận, một trái hỏa tiển rơi nhằm nhà một cô giáo, trúng ngay chiếc giường, ba mẹ con đang ngủ, chết tan xác. Ông chồng nằm phòng bên cạnh lại không hề hấn gì. Chúng tôi cứ lập luận như vậy để tự an ủi chứ ai cũng thừa biết rằng "Xưa nay chinh chiến mấy ai về".
 
Ấy vậy mà gần đến ngày tựu trường, chúng tôi lại nhận được giấy hoãn dịch thêm được một năm. Lại có cớ để ăn mừng lớn. Nhậu một bữa quắc chỉ cần câu. Lần này Sơn mới dám mạnh dạn nhập cuộc. Lần lữa, chúng tôi thoát được hai niên khóa. Đến niên khóa thứ ba, năm 1967, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, tổn thất nhân mạng trầm trọng, Bộ Quốc Phòng vét một mẻ lớn. Đui, què, mẻ, sứt phải nhập ngũ ráo. Bộ Giáo Dục bó tay, không can thiệp được nữa. Đến nước này, biện pháp nhịn ăn để xuống cân, tăng độ cận thị không còn hiệu quả nữa. Sơn trốn lính. (Ông Liễu nói Sơn uống dấm là không đúng).
 
Sơn hút ống vố (pipe) thuốc Mỹ, pha trộn hai loại Half & Half và No #79 thơm không chịu được. Bên cạnh còn thêm Basto xanh. Thường trực trong nhà phải có mấy lố. Sơn uống cà phê đen pha bằng "phin" Inox, từng giọt, từng giọt quánh như keo, rất ít đường. Sơn chê chúng tôi uống cà phê như ăn chè. "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Tôi đang hút Pallmall. Thỉnh thoảng thay gu bằng Lucky Strike. Thấy Sơn hút tẩu, tôi ghiền mùi No 79. Tôi cũng tập tò hút ống vố, nhất là bắt chước cho giống nghệ sĩ. (Ông Liễu cũng ngậm ống vố) Một dịp về Sài Gòn du hí, tôi mò vào Eden, mua đủ bộ lệ gồm một ví da ba ngăn, một ngăn đựng ống vố, một ngăn đựng thuốc, một ngăn đựng que thông nòng và con dao xếp đặc biệt ba lưỡi. Dao này dùng nhồi thuốc, nạo tàn và xoi nòng. Mấy ngày đầu ráng tập ngậm, khổ sở vô cùng. Không biết nước miếng ở đâu mà cứ tuôn ra ào ào, chảy ròng ròng hai bên mép. Vừa lau xong, lại lau. Còn cái ống vố, có cảm tưởng nặng chừng cả ký lô. Nó kéo trì cái môi và cái hàm dưới lệch một bên làm khuôn mặt méo xẹo như người mắc phong. Thôi! Bỏ! Tiếp theo, tôi bắt chước để tóc dài bồng bềnh như mây khói. Nhưng hỡi ôi! Tóc râu tôi thuộc loại rễ tre. Càng dài càng xỉa ra trông giống cái chổi xể. Soi gương, thấy giống thằng ăn cướp. Bộ tịch thầy giáo như vậy làm sao mà dạy học trò. Tôi đành từ bỏ cái mộng làm dáng nghệ sĩ.
 
Bản tính Sơn hiền lành, điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ. Không giống bọn tôi. Lúc nào cũng ào ào, cười nói toe toét. Nhất là khi đã có vài ve vào thì khỏi nói. Trái lại, Sơn trầm tĩnh, chỉ ngồi cười. Rõ ràng đồng trang lứa mà Sơn đã chững chạc hơn chúng tôi nhiều. Nhưng Sơn hiền quá đến độ nhu nhược. Gần như hèn.
 
Nhớ lại hồi mới lên Bảo Lộc được vài ngày, Sơn, Trương Khắc Nhượng và tôi kéo nhau đi uống cà phê ở một cái quán cuối con dốc, cạnh bờ hồ (Quên tên quán). Quán có cô chủ rất xinh, nên mấy anh choai choai túc trực rất đông. Trời mưa lâm râm. Mới hơn bảy giờ mà đã tối mịt. Chúng tôi lựa một cái bàn trong góc tối để dễ ngắm nhìn cô chủ. Nhạc êm nhè nhẹ, xập xình. Cà phê từng ngụm nóng hổi, thơm phức. Vừa cảnh, vừa tình thật không gì thú cho bằng.
 
Đang khoan khoái thưởng thức cái thú cà phê, thuốc lá, bỗng từ bàn phía bên kia, một cậu choai choai độ 17 hay 18 tiến sang bàn chúng tôi, chỉ vào chàng thư sinh Trương Khắc Nhượng, ra lệnh:
- Mời anh ra ngoài sân cho tôi nói chuyện.
Tôi đá vào chân Nhượng dưới gầm bàn, ra hiệu đừng đi. Nhượng ú ớ:
- Tôi... tôi đâu có quen anh?
Tên kia sẵn giọng:
- Không cần quen hay không! Anh có ra không thì bảo?
 
Chúng tôi tái mặt. Rõ ràng chúng muốn gây sự đây mà. Rõ ràng ma cũ bắt nạt ma mới. Tôi đang nghĩ kế thoát thân. Quán không có cửa hông. Cửa sau ăn ra bếp. Phải chạy vòng qua chỗ cát xê, cô chủ đang ngồi, xuống bếp cũng kẹt vào đường cùng. Ngõ trước thì bọn nó cả chục đứa đang án ngữ. Không chừng bọn nó có dao nữa. Tiến thối lưỡng nan. Sơn bắt đầu run lập cập. Nhượng nói hết ra hơi. Tôi cố kéo dài thời gian tìm kế:
- Anh à! Chúng tôi vừa mới lên đây có mấy ngày, có quen ai đâu, đâu có chuyện gì để nói!
Hắn vẫn sấn sổ:
- Tôi không mời anh. Tôi muốn nói chuyện với thằng kia!
Nói xong, nó quay sang Nhượng, nắm lấy tay anh định lôi đi. Nhượng líu lưỡi:
- Ơ! Không!... không!
 
Hai bên đang dằng co, lôi kéo. Đột nhiên, như một cảnh trong phim cao bồi, từ trong góc tối phía bên kia, một thanh niên dong dỏng cao, vẻ đẹp trai thư sinh, áo sơ mi trắng dài tay, xăn lửng, bỏ trong quần, bước tới bàn chúng tôi, với giọng rõ ràng, chắc nịch:
- Các anh đừng sợ.
Quay sang tên kia, anh gằn giọng:
- Bọn mầy muốn gì thì gặp tao đây!
 
Tên kia bất ngờ hụt hẫng con mồi, bước nhanh ra cửa, tay ngoắc, miệng chửi thề:
- Đ. má! Mầy ngon hả? Ngon thì ra đây!
 
Vị cứu tinh chúng tôi sãi ba bước tới cửa, hai tay bám vào xà ngang, cùng lúc hai chân anh phóng một đạp như trời giáng vào ngực tên kia nhanh như chớp. Trong lúc không ngờ, tên kia ngã huỵch xuống đất, ôm ngực la bài hãi vừa chửi thề luôn miệng. Đồng bọn hơn chục đứa kéo ra vây chung quanh anh, vừa vung tay, vừa hò hét:
- Đánh chết mẹ nó đi! Chém chết cha nó đi!
 
Chúng tôi rụng rời tay chân. Cứu tinh chúng tôi phen này chắc phải bỏ mạng với chúng. Đám khách trong quán ngồi im thin thít. Không một ai dám hó hé. Cô chủ quán đến bàn chúng tôi hỏi thăm và an ủi:
- Mấy anh có vẻ lạ, hình như mới tới đây phải không? Cái đám du đãng này ở công trường Nông Sơn trốn ra mấy bữa nay. Đêm nào chúng cũng đến đây quậy phá mà không ai dám làm gì.
Cô đưa mắt nhìn ra cửa lo lắng:
- Đêm nay số xui tới phiên các anh và cả anh kia nữa.
 
Trong lúc ấy, ngoài cửa tiếng hò hét, tiếng chửi thề, càng lúc càng hung hãn. Chúng vây anh thanh niên vào giữa vòng tròn, nhưng không tên nào dám xông vô tấn công.
 
Chợt cô chủ quán la lên khe khẽ:
- Trời! Chúng có dao!
 
                                                                               Nguyễn Thanh Ty  

(Đón đọc tiếp kỳ 6)

Nguồn:
http://www.ninh-hoa.com/NguyenThanhTy-VeMotQuangDoiTCS-05H.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ