Trái sa-pô-chê chín
Gia đình tôi ở miền Nam nên một vài người không biết trái hồng xiêm là trái gì. Tôi cười ngất bảo họ đó là loại trái cây quen thuộc và
phổ biến ở miền Nam đó mà... Đó là trái sa-pô-chê theo cách gọi của người dân
miền Nam.
Sa-pô-chê còn có tên gọi khác: Hồng xiêm Tầm lức, Lồng
mứt, Xa pô chê, tên khoa học là Manilkara zapota hoặc Achras sapota
Sa-pô-chê là một thứ trái cây rất quen thuộc với người
Việt Nam, được dùng trong tráng miệng thông thường và cả để làm sinh tố. Tuy
nhiên có một vài thắc mắc xoay quanh tên gọi của nó.
Người miền Bắc gọi thứ trái cây này là “hồng xiêm”, vì hình
dáng giống với trái hồng và cho rằng có xuất xứ từ
Xiêm, tức Thái Lan. Người miền Nam lại gọi trái cây này là “sa-pô-chê” (có nơi gọi
là xa pô chê). Đây là một tên gọi được bắt nguồn từ tiếng Pháp (sapotier). Vậy
đâu mới đích thực là nguồn gốc của thứ trái cây này?
Thực chất, giống cây này không bắt nguồn từ Thái, cũng
chẳng phải từ Pháp, nó có xuất xứ từ châu Mỹ La Tinh, sau được du nhập vào
Phi-lip-pin và trở nên thịnh hành tại các nước Đông Nam Á.
Khi mới du nhập vào Đông Nam Á, Thái Lan là đất nước
trồng nhiều giống cây này nhất. Một số nước khác đã lấy giống từ Thái Lan,
trong đó có Việt Nam, điều này giải thích cho tên gọi “hồng xiêm”.
Như vậy có thể đặt giả thuyết từ Thái Lan, cây ăn trái
này du nhập vào miền Bắc Việt Nam, sau đến miền Nam thì người dân không rõ gốc
gác nữa. Lúc bấy giờ lại là thời thực dân Pháp chiếm đóng nước ta, người Pháp ở
miền Nam khá nhiều. Có thể người miền Nam thấy những người Pháp lúc bấy giờ gọi
trái cây này là “sapotier” thì phiên âm thành sa-pô-chê.
Sa-pô-chê hay lồng mứt, hồng xiêm… là những tên gọi
khác nhau của loại trái cây có hình dạng giống trái hồng, vỏ nâu, vị ngọt đậm và
hương thơm trầm rất dễ chịu. Đây là một loại cây ăn trái rất được ưa chuộng. Với
vị ngọt, thơm, giàu chất xơ và dinh dưỡng nên có thể để dùng tươi hoặc được sử
dụng để làm sinh tố.
Trái
sa-pô-chê chín xay làm sinh tố
Trái sa-pô-chê là loại trái mọng, hình cầu hoặc hình
quả trứng hoặc hình thon dài, đường kính 4–8 cm và chứa từ 2–10 hạt. Vỏ có màu
nâu-vàng nhạt. Bên trong là lớp cùi thịt có màu nâu ánh đỏ với kết cấu hạt mịn
hơi giống với ruột quả lê. Hạt của nó có màu đen.
Trái sa-pô-chê chỉ nên ăn khi đã chín vì khi còn xanh
nó chứa nhiều nhựa dính như latex. Để biết chắc chắn là nó đã chín người ta hay
nắn vỏ xem còn cứng hay đã mềm vì màu vỏ gần như không thay đổi từ lúc mới tạo
quả đến khi chín, một cách khác là người ta cạo thử một ít lớp vỏ nâu vàng, sẽ
lộ ra lớp da, quả xanh, lớp da này có màu xanh lá cây, xanh đậm, khi quả già, lớp
vỏ dần chuyển sang xanh lá mạ. Hương vị của nó tương tự như mùi đường đen.
Bên cạnh đó, hạt, vỏ và trái xanh của cây được sử dụng
để làm thuốc.
Ở châu Mỹ, đặc biệt là Mexico, người ta còn thu hoạch
nhựa cây (chicle) để làm kẹo bạc hà, kẹo cao su (chewing-gum), thuốc chữa ho, lợi
tiêu hóa, hoặc làm thơm miệng. Sau khi lấy nhựa từ thân cây chảy ra, thì đun
sôi nhựa và khuấy đều cho bốc bớt hơi nước. Khi nhựa còn đang nóng, thì đổ vào
chậu gỗ có bôi xà phòng để cho nhựa không dính chặt vào thành chậu. Đợi một thời
gian, nhựa cứng lại thì nặng thành bánh khoảng 10kg.
Nói tóm lại:
Cây sa-pô-chê có nhiều công dụng thực tế có giá trị,
nhất là trái và nhựa. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều trái sa-pô-chê để tránh
nóng trong người. Cũng cần nói thêm, sa-pô-chê có nhiều loại. Ở một số nơi, người
ta gọi loại trái nhỏ, màu hơi sẫm, vỏ nhám và nhiều vụn vỏ là sa-pô-chê và loại
trái lớn hơn, màu nâu sáng hơn, vỏ nhẵn hơn là lồng mứt.
La Thụy
Khá thú vị
Trả lờiXóaThật vui khi meocon ghé thăm. Chiều Chủ Nhật an lành nhé!
Trả lờiXóahttp://d4.violet.vn/uploads/blogs/1438/1daef74bd9fe96b7ff53064b3cfd9953_web_01.gif