Trang

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2022

VÀI NÉT VỀ NỮ SĨ MỘNG CẦM VÀ NHÀ THƠ HÀN MẶC TỬ - Nguyễn Như Mây sưu tầm


Tác giả bài viết Nguyễn Như Mây
  
Nữ sĩ Mộng Cầm tên thật là Huỳnh Thị Nghệ, sinh ngày 17 tháng 7 năm 1917 tại Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi. Bà qua đời lúc 22 giờ 30, ngày 23 tháng 7 năm 2007 tại nhà riêng ở Phan Thiết (Bình Thuận), hưởng thọ 91 tuổi. Bà là cháu ruột gọi nhà thơ Bích Khê (tên thật là Lê Quang Lương) bằng cậu.
   
Lúc bấy giờ, bà là y tá ở trạm xá Mũi-Né từ một người anh lớn của nhà thơ Bích Khê. Còn Bích Khê đang dạy học tại các trường trung học Quảng Hiền, Hồng Đức ở Phan Thiết từ năm 1934 tới năm 1936. Nhà thơ Chế Lan Viên, bạn thân của Bích Khê, cũng đang dạy học tại đó.
   
Cô y tá trẻ lấy bút hiệu Mộng Cầm lúc ấy thường sáng tác thơ theo thể Đường luật rồi gửi vào đăng báo “Trong Khuê Phòng” ở Sài Gòn lúc ấy do Hàn Mặc Tử phụ trách. Lúc này nhà thơ đang dùng bút hiệu Lệ Thanh, chưa lấy bút hiệu Hàn Mặc Tử. Từ đó, qua thơ và thư, hai tâm hồn đồng điệu quen nhau. Chiều thứ bảy hằng tuần, Hàn Mặc Tử đi xe lửa từ Sài Gòn ra Phan Thiết rồi theo địa chỉ của Mộng Cầm cho, thuê thuyền buồm ra tận Mũi - Né  thăm rồi rủ nhau đi vãng cảnh biển, cảnh đồi cát ...
    

Sau đó, họ xin phép gia đình cho Mộng Cầm đi cùng Hàn Mặc Tử vào thăm Phan Thiết, nơi nhà thơ Bích Khê đang dạy học. Qua Mộng Cầm, ba nhà thơ của chúng ta kết nhau thành bạn thân: Bích Khê, Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử. Sau đó, thắng cảnh Lầu Ông Hoàng (cách Phan Thiết khoảng 5 km, trên đường ra Mũi - Né) là nơi họ chọn đến viếng thường xuyên sau những địa danh nổi tiếng thời bấy giờ là Biển Thương Chánh và Bia Đài (nay thuộc phường Đức Long). Giống như quán rượu Hoàng Hạc Lâu bên Trung Hoa đã vang bóng nhà thơ Thôi Hiệu với bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” nổi tiếng từ ngày xưa, chuyện tình giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử được những người yêu thơ mỗi ngày mỗi “thêu dệt” thành một huyền thoại mãi đến nay vẫn còn làm rung động bao người gắn liền với thắng cảnh mang dáng vẻ của lối kiến trúc Tây phương là Lầu Ông Hoàng ...
 
Ảnh bà Mộng Cầm chụp năm 1990.
    
Nhà thơ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (sau này, khi sống ở làng Qui Hoà - Qui Nhơn, ông còn mang tên thánh là Pierre, rồi Francois). Ông sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại làng Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới (Quảng Trị). Ông có bút hiệu “Lệ Thanh” khi còn là học sinh trường Trung học Pellerin ở Huế... Sau, ông theo gia đình vào Sa Kỳ (Quảng Ngãi, 1921)... Ông qua đời ngày 11 tháng 11 năm 1940 tại làng Qui Hoà ở Đèo Son (Bình Định) vì vướng vào chứng bịnh hủi “khô” có tên Hansen. Các tác phẩm thơ đã xuất bản của ông như: “Gái Quê” (1936), “Đau Thương”, “Chơi Giữa Mùa Trăng”...
  

Nhà thơ Bích Khê (Lê Quang Lương) sinh năm 1916 tại Thu Xà, tỉnh Quảng Ngãi. Khi vào dạy học ở Phan Thiết, ông đã có biểu hiện ban đầu của bịnh Lao (tuberculose). Trước đó, ông cũng từng có thời là học sinh của trường Pellerin ở Huế nhưng lúc ấy chưa quen với Hàn Mặc Tử. Sau này, qua Hàn Mặc Tử, Bích Khê cũng là bạn thơ thân thiết của các nhà thơ như Tế Hanh, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan trong nhóm “Trường Thơ Loạn” ở Bình Định. Ông thường gửi thơ đăng trên các báo Tiếng Dân (của cụ Huỳnh Thúc Kháng), Tiểu Thuyết Thứ Năm, Người Mới, Tinh Hoa... Năm 1939, ông xuất bản tập thơ “Tinh Huyết” với Lời Tựa của Hàn Mặc Tử... Nhà thơ Bích Khê qua đời ở quê nhà mình vì bệnh lao...
  
Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan. Ông sinh ngày 14 tháng giêng năm 1920 tại huyện Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Năm 17 tuổi, khi theo gia đình vào sống tại Qui Nhơn (Bình Định), ông đã nổi tiếng với tập thơ “Điêu Tàn” viết về những Tháp Chàm nơi ông đang sống... Trong một dịp ghé thăm Lầu Ông Hoàng (Phan Thiết) vào ngày 12 tháng 7 năm 1977, ông đã viết (trích):
    
... Câu thơ cũ còn vang    
Nỗi khổ đau đời cũ    
Di tích Lầu Ông Hoàng  
Mối tình Hàn Mặc Tử...
    
Chuyện tình của Nữ sĩ Mộng Cầm luôn được nhiều người trong và ngoài nước yêu thích nên họ đã “thêu dệt” thêm cho bay bướm và đậm nét huyền hoặc nên đến nay vẫn còn là đề tài sôi nổi trong giới văn nghệ. Trong đó có nhạc phẩm nổi tiếng “Hàn Mặc Tử” của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (quê Phú Trinh - Phan Thiết )... Riêng tôi, một kẻ hậu sinh mến mộ thơ Hàn Mặc Tử từ ngày còn trẻ, nay vẫn thuộc nằm lòng bài thơ ông viết khi trở lại Phan Thiết với “hung tin” Nữ sĩ Mộng Cầm đã lập gia đình rồi :
        
Phan Thiết! Trời ơi là Phan Thiết!..     
... Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng   
Lầu Ông Hoàng! Người thiên hạ đồn vang   
Nơi đã khóc, đã yêu yêu thương da diết     
Ôi trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!   
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu     
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư...        
                 (Trích tập thơ “Xuân Như Ý”)
   
Còn nhà thơ Bích Khê, trong tập thơ “Tinh Huyết” đã bóng gió nhắc lại:
     
... Lầu ai ánh gì như lưu ly ?     
 Nụ cười ai trắng như hoa lê ?
   
Hay:
      
Mưa hoa rụng, mưa hoa xuân rụng      
Mưa xuống lầu, mưa xuống thềm lan...      
... Lầu mưa xuống, thềm lan mưa xuống     
Cùng nước non mưa rụng hoa xuân...          
                             (Tiếng Đàn Mưa).
     
Trong một đêm trăng đưa khách du lịch viếng di tích Lầu Ông Hoàng, nơi ghi dấu mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm, tôi đã viết:
     
Đêm trăng Lầu Ông Hoàng 
Đâu nữa Hàn Mặc Tử !     
Chỉ còn ngôi tháp cổ      
Nhớ một thủa Chiêm Thành ...
 
                                                                            Nguyễn Như Mây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ