Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

TƯ LIỆU QUÝ: “TRỊNH CÔNG SƠN NÓI VỀ 'BÁC HỒ' ”

LTS:
Bài viết dưới đây do chính tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết ra, được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, vào ngày 27-4-1979, trang 4, được coi như là một tư liệu quý của Hà Nội về một thái độ quy phục tuyệt đối của một trí thức miền Nam cũ. Và đây cũng là một trong những bằng chứng quan trọng để kết thúc tất cả mọi sự tranh luận mơ hồ rằng “Trịnh Công Sơn có thực sự đứng về phía những người cộng sản sau 1975 hay không”.
 
Ảnh chụp lại từ báo Tuổi trẻ, nguồn từ Thư Viện Quốc Gia, Sài Gòn.
 
Đã bốn năm kể từ ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng. Trên đất nước độc lập và thống nhất của chúng ta, thời gian ấy tuy chưa dài nhưng cũng tạm đủ để những gì còn xa lạ trở nên gần gũi, những nhớ nhung được đền bù, những ngộ nhận bị xoá tan và những vết thương được hàn gắn.

Con người vốn có nhiều khả năng nhưng có một khả năng lớn lao nhất, ấy là nó có và nó biết nó có một tâm hồn. Nhờ có tâm hồn, con người biết chọn cái đẹp để yêu và lọc cái xấu để lìa bỏ. Và cũng nhờ có tâm hồn, con người đã biết thiết lập cho mình một thế giới riêng tư, ở đó có không gian và thời gian riêng của nó.
Vào những năm đất nước còn mang trên mình cái vết chém ngang vĩ tuyến thứ 17, chính nhờ thế giới riêng tư đó mà tuổi trẻ miền Nam đã thoát ra khỏi mọi ranh giới, vượt ra khỏi mọi bức bách của đời sống thực tế để tìm về với miền Bắc bằng ý nghĩ.
 
Khi Bác Hồ nói: “Miền Nam trong trái tim tôi” thì mọi người ở miền Nam đều có quyền nghĩ rằng mình đang có một vị trí tình cảm trong trái tim của Bác. Câu nói đó không loại trừ một ai ngoài những kẻ cố tình phản bội. Câu nói còn bao hàm tính chất địa lý nguyên vẹn của miền Nam là có cả núi non, sông biển, đồng bằng, ruộng làng và cả đô thị miền Nam nữa.
 
Chúng tôi lớn lên ở các đô thị miền Nam và xuyên qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng tôi có điều kiện để tin rằng tuổi trẻ các đô thị miền Nam xứng đáng sống trong tình cảm đẹp đẽ đó. Cái tuổi trẻ mà tôi đã may mắn gặp gỡ ở các giảng đường đại học, trong những buổi hội thảo, những đêm không ngủ, những ngày xuống đường, những giờ phút lo âu trốn tránh, những buổi in lậu những bài báo kêu gọi… Tuổi trẻ ấy không phải là toàn thể nhưng nó đại diện được cho lứa tuổi thanh niên vào những năm chống Mỹ.
 
Vào những năm ấy, miền Bắc thường xuyên có mặt trong nỗi lòng của mỗi người. Một tình yêu tự nhiên, trong sáng, không cần phải cổ động. Điều ấy không đáng ngạc nhiên bởi lẽ, dù phải sống trong hoàn cảnh của đất nước tạm thời bị chia cắt lúc bấy giờ, mỗi đứa trẻ Việt Nam khi lớn lên, thông qua bài học lịch sử và địa lý đầu tiên đều biết rằng mình là con cháu Hùng Vương không phải một nửa hình chữ S. Đã biến thành nụ cười mỉa mai hình ảnh cái thời bị ngộ độc bởi thứ tư tưởng nô lệ rằng có một Nam kỳ quốc và một Bắc kỳ quốc. Tôi nhớ lại cái thuở chân ướt chân ráo bước vào thành phố Sài Gòn hồi năm 1949, vào lớp nói giọng Huế không ai hiểu cả, kể cả thầy lẫn bạn. Và sau đó không lâu, ông thầy dạy toán hỏi tôi: “Em không phải là người Việt à?” Tôi ngạc nhiên trả lời: “Thưa thầy em là người Việt” – Ông hỏi tiếp: “Sao em nói ‘tiếng’ khác ‘quá?” Dạo ấy tôi chưa có một khái niệm rõ ràng về tính khôi hài trong những câu chuyện dân gian nên chỉ sửng sốt mà không cười được.
 
Đã từ lâu, qua tuổi trẻ đó mà tôi biết được ý nghĩ phân biệt người Bắc, người Nam không còn nữa. Cho nên nỗi nhớ mong những anh em của mình ở nửa đất nước bên kia vĩ tuyến là một tình cảm có thật và tình cảm ấy có tự đáy lòng. Chính vì tình yêu và nỗi nhớ mong đó mà tuổi trẻ đô thị đã sống tốt hơn và đẹp hơn. Trong đời sống tinh thần và tình cảm, lứa tuổi thanh niên ấy cảm thấy có một quê nội và mình không về thăm được. Cái quê nội bị cắt lìa ngoài ý thức và sự tham dự của tuổi trẻ. Và từ đó, như những trẻ con theo bố mẹ làm ăn xa, chúng chỉ còn biết quê nội qua lời kể chuyện. Sự thiệt thòi đó làm nảy sinh trong lòng tuổi trẻ miền Nam những tình cảm càng lúc càng sâu sắc hơn. Tình cảm ấy đã biến thành hành động ở một số người này và trở nên lời thở than ở một số người khác. Nhưng cho dù bằng hành động hoặc bằng lời thở than thì cả hai cũng đều xuất phát từ một tình yêu chân thật. Tình yêu ấy hình như không cần phải giáo dục mới có được mà nó nảy mầm tự nhiên trong lòng mỗi người. Cái hạt giống yêu thương đã có sẵn trong trái tim của tuổi trẻ miền Nam nên chỉ cần một chút mặt trời, hạt mầm đã tự lớn dậy. Chút mặt trời ấy chính là tiếng gọi vừa xa xôi vừa gần gũi của một nửa quê hương chưa hề gặp mặt. Chưa bao giờ gặp mặt nhưng nỗi nhớ nhung thì quá lớn. Nỗi nhớ chuyền nhau như lối văn chương truyền khẩu. Nhớ Hà Nội ba mươi sáu phố phường, nhớ Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Trúc Bạch, Hồ Tây, nhớ chùa Hương, chùa Tây Phương, chùa Thầy, nhớ những tình bạn chưa có, nhớ những người yêu chưa thành.
 
Tôi nhớ lại rất nhiều đêm chúng tôi ngồi nghe đài Hà Nội rồi nói chuyện với nhau về miền Bắc như những kẻ đã từng sống ở đó. Nói say sưa đến độ nhiều lúc tưởng chừng ít phút sau có thể bước lên tàu lửa ra Hà Nội được ngay. Lòng mỗi người chứa chan hình ảnh miền Bắc, hình ảnh Hà Nội để rồi cái hình ảnh ấy cứ lớn dần thêm mỗi ngày, hóa thành một giấc mơ vừa hân hoan thúc giục vừa phiền muộn khôn nguôi. Phiền muộn bởi vì đường về lại chốn quê hương kia còn bao nhiêu là khó khăn mà tuổi trẻ không lường hết được. Chúng tôi đã cùng nhau phác hoạ những cuộc hành hương tưởng tượng về lại quê hương khi đất nước hòa bình. Một quê hương trong một quê hương. Nhưng cái quê hương vắng mặt kia là một nhu cầu tình cảm không thể thiếu được trong đời sống của tuổi trẻ miền Nam. Trong thế giới riêng tư của mỗi người có một miền Bắc, có một Hà Nội theo kiểu mình nghĩ. Dĩ nhiên là không ai giống ai và cũng không ai muốn bắt chước kẻ khác để hình ảnh xa xôi kia của quê hương càng đa dạng, càng phong phú thêm mãi.
 
Mỗi người tự vẽ lấy cái Hà Nội của mình bằng tình cảm riêng tư – Miền Bắc được đồng hoá với Hà Nội. Nói đến Hà Nội là nghĩ đến miền Bắc. Và từ đó, bên lề cuộc sống hàng ngày, giữa lòng đô thị miền Nam, mỗi con người trẻ trung nhưng nhiều thao thức ấy, đã biết chia lòng mình để vui theo những tin vui từ Hà Nội, để buồn theo những tai ương mà Hà Nội gặp phải. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhìn thấy một số hình ảnh về Hà Nội trên các trang báo nước ngoài. Nhưng những hình ảnh rời rạc đó không đủ tạo nên một toàn cảnh cụ thể trong đầu óc chúng tôi.
 
Chỉ thấy, con người trong những hình ảnh kia rất gần gũi thân thuộc với mình và cũng đang cùng mình gánh chung một thân phận quê hương trong những điều kiện khác. Chúng tôi cũng cố gắng tìm hiểu những gì Hà Nội có và những gì Hà Nội chưa có. Biết được cái có để làm niềm tự hào cho mình, biết cái chưa có để hiểu thêm những khó khăn khi miền Bắc còn phải chia cơm xẻ áo cho miền Nam chiến đấu.
 
Có thể có người vội nghĩ rằng những tình cảm này không có gì lớn lao cả nhưng thường khi, qua kinh nghiệm mà đời sống mang đến, chính cái thứ tình cảm nho nhỏ mà bền bỉ ấy đã làm cơ sở cho phẩm hạnh con người đứng vững. Nói về tình cảm có thật trong lòng tuổi trẻ miền Nam dạo ấy đối với miền Bắc có lẽ khó mà nói đầy đủ được.
 
Từ ngày 30 tháng 4 miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, nỗi nhớ về một nửa quê hương kia không còn nữa vì mọi nẻo về quê nội đã được khai thông. Con người miền Nam được trả về nguyên vẹn với hình hài tinh thần và tình cảm của mình. Nỗi nhớ riêng tư đã có dịp hoà lẫn trong cái chung hạnh phúc. Cái gián đoạn biến thành liên tục. Muốn về thăm quê nội chỉ cần lên đường là đến chốn.
 
Ai cũng háo hức như nhau, ai cũng dọn sẵn lòng mình để yêu thương cho thoả. Nhưng riêng tôi chưa kịp lên đường mà đã gặp đông đảo anh em về thăm hỏi quanh rồi. Như đã từng gắn bó, tri ngộ tự bao giờ. Trong những ngày đầu tiên ấy tôi đã không có đủ tay để cầm lấy những bàn tay, không có một trái tim to lớn hơn để chứa đủ những tình cảm. Những gì mình cần phải bày tỏ thì đã có hết ở bạn bè, anh em. Hóa ra những tình cảm bấy lâu được nuôi dưỡng trong tôi không có gì độc đáo cả. Từ lâu, rõ ràng chúng tôi ở hai miền Nam Bắc đã nghĩ về nhau, đã yêu mến nhau bằng một thứ tình cảm không có gì khác nhau. Miền Nam chính là quê ngoại và anh em của tôi đã nhanh chân trở về quê ngoại quá sớm. Bao nhiêu lời cũng không đủ để bày tỏ, bao nhiêu cái bắt tay cũng không đủ chuyền cho nhau hết tinh thần để bao nhiêu cái ôm chầm lấy nhau cũng không đủ để truyền đạt hết tình cảm của mình. Có một cái gì còn sâu đậm hơn, ý nghĩa hơn nằm lặng lẽ đằng sau những sự bày tỏ ấy. Phút chốc, trong thế giới riêng tư của tuổi trẻ miền Nam bỗng đầy đặn thêm những hình ảnh mới. Cánh cổng hơn hai mươi năm bị khép kín im lìm đã được phá tan để cho dòng tâm tưởng đứt đoạn của anh em hai miền được nối liền lại. Mỗi người ở nơi đây có dịp soi lại mình trong lòng anh em ở miền Bắc và thấy rõ hình bóng mình ở trong ấy. Cái tình yêu ra khơi ngày trước đã tìm đúng bến đậu. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã từng nhận ra nhau khi chưa gặp mặt và phút giây này, nhắc lại tình cảm anh em kia cũng chỉ để xác định thêm một lần nữa cho những ai còn có lúc hoang mang, hoài nghi về tấm lòng của mình.
 
Tôi là kẻ may mắn trong những người may mắn nhất bởi giờ đây tôi đã giàu có hơn xưa nhiều lắm. Tôi không có một quà tặng nào quí báu hơn tấm lòng của mình. Tôi thử gửi nó đi và tôi đã nhận lại được nhiều hơn những gì mình chờ đợi. Nếu mỗi người bạn chân tình, mỗi tình yêu đằm thắm là một quà tặng thì bên cạnh những quà tặng từng có ở miền Nam, tôi đã được quê hương vừa mở ra thêm cho tôi một kho tàng đầy những tặng phẩm quí giá như thế nữa. Trong thế giới riêng tư của tôi, cái không gian xưa đã bề thế hơn thêm. Đã có thêm nhiều khuôn mặt mới, những tâm sự mới, những phát biểu mới và những vốn sống đặc thù mà tôi và tuổi trẻ nơi đây chưa từng biết đến – kỷ niệm, giờ đây, không chỉ dừng lại ở miền Nam mà còn muốn nối dài ra tận miền Bắc.
 
Nếu có người bạn trẻ nào chưa sống được trong tình cảm thắm thiết này thì hãy vội lên đường thể nghiệm ngay đi. Bốn năm có thể đã đủ cho một số người này kiểm chứng lại cái vốn tình cảm anh em của mình nhưng biết đâu lại có không ít những người giờ đây vẫn còn loay hoay chưa tìm thấy hoặc chưa được sống trong những tình tự mới mẻ đó. Đất nước độc lập, thống nhất, không chỉ mở ra cho ta một thời điểm lịch sử mới, một hoàn cảnh xã hội mới, mà còn tạo cơ hội cho chúng ta tìm thấy ý nghĩa của những tình cảm mới nữa. Tôi đã tìm được cho tôi những tình bạn hiếm hoi lạ kỳ và tôi mong mọi người cũng được như thế. Có một cái gì đó khác lạ hơn những tình bạn mà ta vẫn gặp từ trước. Một thứ tình bạn nồng nàn, hiểu biết và đầy cảm thông. Tôi nghĩ rằng có thể chính vì cơn hoạn nạn quá dài lâu nên đã làm nảy sinh trên đất nước này một thứ tình tự mới. Hai mươi năm, cái thời gian xa cách ấy quả là một cơn ác mộng. Chính vì biết thế nên mỗi một chúng ta quyết không thể nào để một sự kiện tương tự như vậy tái diễn nữa.
 
Chúng tôi đã từng nhớ nhung, đã từng vọng tưởng đến miền Bắc trong thời kỳ chống Mỹ. Giờ đây, chính chúng ta đang trực tiếp lo âu nỗi âu lo của cha mẹ, anh chị em chúng ta ở miền Bắc trước cuộc xâm lược của bọn bành trướng Trung Quốc. Máu xương đổ ở biên giới phía Bắc của những người thân thuộc phải được khắc ghi trong tim của mỗi người miền Nam và nhất là của tuổi trẻ miền Nam. Chúng ta đã từng bị chia lìa gia đình, cha mẹ, anh em và chúng ta đã hiểu hơn ai hết cái giá đau thương của những con người có một xứ sở không nguyên vẹn. Đối với quân xâm lược, chỉ còn lòng căm thù và sự đoàn kết ruột thịt để diệt kẻ thù đó.
 
                                                                        TRỊNH CÔNG SƠN
 
Nguồn:
https://saigonnhonews.com/nhin-lai-lich-su/tu-lieu-quy-trinh-cong-son-noi-ve-bac-ho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ