Trang

Thứ Hai, 13 tháng 6, 2022

GIA LONG HAY QUANG TRUNG...? - Nguyễn Ngọc Luật



Nhân kỷ niệm 220 năm ngày vua Gia Long lên ngôi Hoàng đế, ngày 31 tháng 5 vừa qua Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước tộc Việt Nam đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề "Công lao và những đóng góp quan trọng về mặt lịch sử của Hoàng đế Gia Long".

Tham dự tọa đàm, đã có 33 tham luận từ các nhà nghiên cứu, tập trung vào các chủ đề: khẳng định Nguyễn Ánh - Gia Long có công lao to lớn là hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước, khai sinh nước Việt Nam, khôi phục vương triều Nguyễn; vua Gia Long là người đặt nền móng cho các chính sách nội trị, ngoại giao của triều Nguyễn; vua Gia Long đã có công lớn trong việc xác lập chủ quyền biển đảo của Việt Nam mang tính pháp lý quốc tế cao… Phát biểu tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam cũng đã nêu ra 7 công lao quan trọng về mặt lịch sử của vua Gia Long. Ông tóm tắt:
 
“Theo tôi, công lao lịch sử lớn nhất đầu tiên của vua Gia Long là thống nhất đất nước sau 245 năm (1557-1802) bị phân ly chia cắt (kể từ các cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn); công lao to lớn thứ hai là lập lại hòa bình cho một đất nước sau 31 năm nội chiến ác liệt (1771-1802); thứ ba là mở rộng lãnh thổ, Việt Nam đến lúc đó là lớn nhất từ khi lập quốc; công lao thứ tư là vị hoàng đế khai sáng nhà Nguyễn này đã có ý thức mạnh dạn xác lập và thực thi chủ quyền biển đảo, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; công lao thứ năm là đã xây dựng được tiếng tăm một quốc gia Việt Nam hùng mạnh ở Đông Nam Á; công lao thứ sáu ông là người khởi đầu thiết kế, xây dựng và các vua Nguyễn sau nối tiếp, để lại một di sản kiến trúc kinh thành, đền đài lăng tẩm đồ sộ mà UNESCO đã công nhận là di sản văn hóa của nhân loại vào năm 1993. Việc này góp phần quan trọng đưa Huế trở thành một thành phố di sản của đất nước và thế giới; và công lao cuối cùng là trong thời đại của ông, có những thành tựu văn học lớn với hai nhà thơ lớn là Nguyễn Du cùng những tác phẩm kiệt xuất như Truyện Kiều, Văn Tế thập loại chúng sinh, Thơ chữ Hán..., Nguyễn Công Trứ với những bài Hát nói và bài Phú nổi tiếng...”.
 
Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết với 18 năm ở ngôi hoàng đế, vua Gia Long đã có những đóng góp to lớn cho lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh trong khu vực lúc bấy giờ.
 
Ban Trị Sự Hội Đồng Nguyễn Phước tộc đã đề nghị vua Gia Long, rất xứng đáng đặt tên cho một con đường bề thế, trang trọng ở trung tâm Tp.Huế.
 
Khi tin này được phát tán rộng rãi trên các trang mạng đã có nhiều ý kiến trái chiều, một số đông ủng hộ, nhưng có một số khác cho rằng vua Gia Long là người đã “cõng rắn cắn gà nhà” có tội hơn là có công v.v…
 
Tôi sinh ra và lớn lên ở Miền Nam VN, đã được học lịch sử dân tộc từ thuở tiểu học cho đến hết bậc trung học. Sách giáo khoa môn Lịch sử của Miền Nam VN hồi đó, cũng như thầy cô giáo dạy sử đều ghi nhận công lao vương triều Nguyễn là đã có công thống nhất đất nước và góp phần to lớn trong việc mở mang bờ cõi…. Bên cạnh đó chúng tôi cũng được học vua Quang Trung là một vị anh hùng của dân tộc đã đánh tan 2 vạn quân Xiêm-la do Nguyễn Ánh cầu viện sang, cũng như đánh tan 3 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu qua xâm chiếm nước ta theo cầu viện của vua Lê Chiêu Thống. Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và có nhiều cải cách trong việc xây dựng đất nước...Với quan điểm tôn trọng sự thật lịch sử một cách khách quan của những nhà sử học cũng như những người biên soạn sách giáo khoa môn lịch sử nên ở Miền Nam cả vua Gia Long cũng như vua Quang Trung đều được tôn vinh như nhau. Hai vua cùng được đặt tên đường rất trang trọng ở các thành phố, cũng có trường học mang tên hai ông, có những công trình văn hóa mang tên Gia Long và Quang Trung cho nên công dân Miền Nam VN đều tôn trọng công lao của các vị mà không hề đặt vấn đề ai công ai tội.
 
Cho đến sau năm 1975 thì sách giáo khoa của Miền Bắc VN được đưa vào giảng dạy cho học sinh cả nước. Những người Miền Nam chúng tôi rất ngỡ ngàng khi nghe gọi vua Gia Long là “cõng rắn cắn gà nhà” , “rước voi về giày mả tổ”, là tội đồ của dân tộc và tất cả thứ gì liên quan đến việc tôn vinh nhà Nguyễn cũng đều bị hủy bỏ hết.
 
Ở Quảng Trị là nơi chúa Nguyễn Hoàng đến đặt lỵ sở đầu tiên có một ngôi trường trung học danh giá nhất đã góp phần rất lớn cho việc đào tạo những công dân ưu tú của đất nước mang tên chúa Nguyễn Hoàng cũng bị xóa tên, ở Huế trường nữ Trung Học Đồng Khánh cũng bị thay tên, ở Nha Trang trường Trung học Võ Tánh cũng bị đổi, Sài Gòn đường Gia Long bị xóa sổ, Trường nữ trung học Gia Long (được xem là trường nữ trung học nổi tiếng nhất thời bấy giờ) cũng bị thay tên… Hầu hết vua, quan triều Nguyễn ở toàn Miền Nam VN cũng đều chịu chung số phận, nói tóm lại tất cả những vinh danh triều nhà Nguyễn đều bị xóa sạch. Theo sách sử của Miền Bắc VN thì nhà Nguyễn có vô số tội với tổ quốc, kể cả tội bán nước. Cũng vì được học lịch sử với quan điểm như thế nên hiện nay rất nhiều người được học ở các trường học Miền Bắc có cái nhìn đầy chủ quan, thành kiến khi nói về vương triều Nguyễn, cho Nguyễn Ánh là kẻ tội đồ của dân tộc và họ khó chấp nhận rằng triều Nguyễn nói chung và vua Gia Long nói riêng đã có công đối với dân tộc.
 
Hầu hết sách lịch sử cũng như sách giáo khoa môn sử của Miền Bắc đều cho rằng cuộc khởi nghĩa của anh em Tây Sơn là “sự quật khởi của các tầng lớp nhân dân bị áp bức đứng lên lật đổ các thế lực phong kiến thống trị suy tàn, phản dân, hại dân, đảm nhiệm sứ mệnh của dân tộc khôi phục quốc gia thống nhất, đánh bại các đạo quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập của đất nước” (từ điển bách khoa tri thức quốc phòng, HV Chính trị quốc gia 2002). Như vậy là họ đã thần thánh hóa cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, trong khi thực ra nhà Tây Sơn nổi dậy chỉ với danh nghĩa dẹp quyền thần Trương Phúc Loan để phò chúa Nguyễn Phúc Dương. Nhưng anh em nhà Tây Sơn sau khi dẹp được Trương Phúc Loan thì năm Đinh Dậu (1777) Nguyễn Huệ đem quân vào đánh bắt và giết toàn bộ gia đình, dòng họ chúa Nguyễn, kể cả Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương lẫn Thái Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần, đào mồ tổ tiên là 8 vị Chúa Nguyễn cũng như mồ cha của Nguyễn Ánh là Nguyễn Phúc Côn đem đổ xuống sông, xuống vực. Để rồi năm 1778 Nguyễn Nhạc xưng đế lấy niên hiệu là Thái Đức và phong vương cho hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
 
Sau khi quan quân chúa Nguyễn bị Tây Sơn tiêu diệt năm 1777, chỉ có một mình Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát và bắt đầu tập hợp binh lính để tổ chức kháng chiến phục hồi triều Nguyễn. Suốt 25 năm kháng chiến quân Nguyễn Ánh đã nhiều lần bị quân Tây sơn tiêu diệt gần hết, cuối cùng đến năm 1802 mới hoàn thành cuộc kháng chiến tiêu diệt nhà Tây Sơn và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Phú Xuân (Huế), đặt quốc hiệu là Việt Nam và lấy niên hiệu là Gia Long với ý nghĩa thống nhất non sông từ Gia Định thành tới Thăng Long thành. Nối tiếp triều Nguyễn với tổng cộng 9 đời chúa 13 đời vua bắt đầu từ chúa Tiên Nguyễn Hoàng là vị chúa Nguyễn đầu tiên đặt nền móng cho vương triều Nguyễn và Bảo Đại là vị vua cuối cùng, trong khoảng thời gian gần 400 năm bắt đầu từ năm 1558 và kết thúc vào năm 1945.
 
Trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa thì nước ta chỉ mới ngang sông Gianh còn hai châu Ô và Lý được vua Chế Mân dâng để cầu hôn công chúa Huyền Trân thì còn để cho thổ quan cai trị. Gần 400 năm nhà Nguyễn đã góp công to lớn cho dân tộc trong việc mở mang bờ cõi nước ta từ bờ nam sông Gianh vào tận mũi Cà Mau (hơn một nửa nước trước đây). Thiết lập chủ quyền biển đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xây dựng nước ta thành một đất nước hùng mạnh nhất Đông Nam Á…với những công lao to lớn đã được khẳng định qua các kỳ hội thảo về vương triều Nguyễn trước đây cũng như gần đây nhất là cuộc hội thảo của Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước tộc.
 
Trong 25 năm chiến đấu với Tây Sơn để khôi phục giang sơn do tổ tiên đã đổ xương máu gầy dựng nên, có lúc bị quân Tây sơn đánh cho tan tác, trong bước đường cùng Nguyễn Ánh đã cầu viện vua Xiêm sang giúp đánh Tây Sơn, quân Xiêm đã bị Nguyễn Huệ đánh cho bại trận ở Rạch Gầm, Xoài Mút phải kéo tàn quân về nước. Đồng thời Nguyễn Ánh cũng đã cho Hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện quân Pháp sang giúp nhưng không có kết quả. Đó là những vết nhơ mà từ đó Nguyễn Ánh đã bị gán cho tội danh “cõng rắn cắn gà nhà”. Còn việc Nguyễn Ánh sau khi lên ngôi đã trả thù nhà Tây Sơn một cách man rợ thì cũng dễ hiểu vì trước đây nhà Tây Sơn đã tận diệt nhà Nguyễn, cả dòng họ chỉ còn một mình Nguyễn Ánh trốn thoát.
 
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có thực sự xuất phát từ động cơ nông dân nổi lên để chống chế độ phong kiến nhà Nguyễn để thiết lập một nhà nước mới tự do và bình đẳng như những gì mà học sinh Miền Bắc được học không. Dạ thưa không, vì anh em Tây Sơn khởi binh mượn cớ dẹp loạn thần Trương Phúc Loan để phò chúa Nguyễn nhưng thực tế chính là mưu đồ lật đổ nhà Nguyễn để lên ngôi hoàng đế, sau khi dẹp được Trương Phúc Loan, nhà Tây Sơn quay sang giết hại hết dòng tộc nhà Nguyễn chỉ có Nguyễn Ánh chạy thoát. Rồi chính anh em nhà Tây Sơn lại tranh giành quyền lực đem quân tiêu diệt lẫn nhau như có lần Nguyễn Huệ đem quân vây hãm và tấn công Nguyễn Nhạc lúc đó đang đóng trong thành Quy Nhơn khiến Nguyễn Nhạc phải van xin “Củi đậu nấu đậu lòng em sao đành!”.
 
Là hậu thế khi xét về sự nghiệp của tiền nhân tôi thấy quan điểm của nhà nghiên cứu Hoàng Thiệu Phong là chính xác, ôn hòa và tôn trọng tiền nhân một cách khách quan, công tâm nhất: “Quang Trung – Nguyễn Huệ và triều Tây Sơn đã có công trong việc củng cố và hoàn tất việc thống nhất đất nước sau bao năm nội chiến và chia cắt đất nước, đồng thời cũng đã đập tan âm mưu đánh chiếm nước ta của các thế lực ngoại bang. Tuy nhiên, Gia Long – Nguyễn Ánh mới là người đã tiếp nối sự thống nhất đó với việc phát triển đất nước. Hai con người của hai triều đại này đã có những hành động theo mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau để giúp đất nước thống nhất và phát triển. Nhìn nhận được mấu chốt này mới gọi là đánh giá khách quan và công bằng”.
 
Thực ra không phải đợi đến tọa đàm khoa học của Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước tộc ngày 31.5.2022 mới ghi nhận công trạng của vua Gia Long và vương triều Nguyễn, mà trước đó hơn mười năm đã có hơn chục cuộc hội thảo để đánh giá về công tội của triều Nguyễn. Cuộc hội thảo quốc gia về “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam giữa thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XIX” được tổ chức hai ngày 18,19/10/2008 tại Thanh Hóa với hơn 500 đại biểu tham dự, đã có 90 bài tham luận của các nhà sử học, nhà nghiên cứu đã khẳng định 4 đóng góp lớn của nhà Nguyễn trong việc củng cố và phát triển đất nước:

1. Thống nhất và mở rộng lãnh thổ.
2. Xác lập chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Phát triển nền văn hóa dân tộc với việc để lại những di sản văn hóa.
4. Hình thành những cảng thị có vai trò quan trọng.
 
Thế nhưng không hiểu tại sao đã 14 năm trôi qua mà sách lịch sử không được viết lại cho trung thực, công minh hơn. Sách giáo khoa môn lịch sử không được biên soạn lại để học sinh và công dân được học lịch sử dân tộc một cách khách quan, trung thực như những gì lịch sử vốn có mà phải tiếp tục học lịch sử theo kiểu nhào nặn, vo tròn, bóp méo, hư cấu với cái nhìn chủ quan, thiên kiến theo định hướng. Hơn thế nữa khi đã công nhận công lao của triều Nguyễn đối với dân tộc thì phải được đối xử một cách công bằng và tôn trọng tiền nhân như phục hồi lại những tên đường, trường học, những công trình kiến trúc văn hóa vật thể đã được mang tên các vua, quan triều Nguyễn đã có trước đây, cũng như đặt thêm tên đường, tên trường... mang tên những danh nhân đã có công với đất nước thuộc vương triều Nguyễn, chứ không dừng lại trước một nguyện vọng hết sức khiêm tốn của Hội Đồng Trị Sự Nguyễn Phước tộc là xin đặt tên Gia Long cho một con đường ở Huế.
 
                                                                           Nguyễn Ngọc Luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ