Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2022

CUNG TIẾN, ĐỜI LẬP TỪ NHỮNG ĐÊM HOANG SƠ - Nguyễn Đức Tùng



Chị em của thơ thì có nhiều: tùy bút, truyện ngắn, tiểu thuyết, báo chí, phim ảnh, kịch nghệ, nhưng đối với tôi, người thân nhất, người chị em ruột của thơ, chính là ca khúc.
 
Cung Tiến là một sự kết hợp như vậy: giữa ca từ và âm nhạc, giữa thơ và ca khúc. Thơ ca. Sự liên kết giữa thơ và ca đã có từ lâu đời, ngày một chia xa trong thế giới hiện nay. Thơ ngày một xa rời ca khúc, ngày một gần với văn xuôi, rời bỏ tính âm nhạc của ngôn ngữ. Các nhà thơ hiện nay gần như không làm thơ dưới tác động trực tiếp của âm điệu. Họ viết để truyền tải các ý tưởng nhiều hơn. Khi chúng ta nghe một bài hát, những chữ trong bài hát ấy vang lên không còn là những chữ chúng ta đọc trên giấy nữa, chúng biến đổi trở thành chữ khác, một sự lai ghép giữa âm nhạc và ngôn ngữ. Khi đọc lời:
 
Chờ nhau hoài cố nhân ơi
Sương buồn che kín nguồn đời
 
Tôi vừa nhìn thấy màn sương buông xuống, vừa nghĩ đến bóng người đi trong ấy, càng lúc càng xa. Điều ấy cũng xảy ra khi tôi đọc chúng như câu thơ. Nhưng người nào từng nghe Cung Tiến qua Duy Trác hay Thái Thanh, Lệ Thu hay Anh Ngọc, sẽ không thể đọc thế nữa, như câu thơ thông thường, người ấy phải đọc khác đi. Phải đọc như đang hát. Và khi hát như thế, dù chỉ hát thầm, hai chữ cố nhân ấy sẽ khác đi, hình ảnh người đi trong sương cũng khác. Cũng vậy, bốn chữ “che kín nguồn đời” khi được ngân lên như một ca từ, hình ảnh cũng biến đổi, sâu hơn, dào dạt hơn.
 
Cái chết làm nên đời sống của chúng ta. Cũng như mất mát làm nên âm nhạc. Cái chết của một người, một nghệ sĩ, một quê hương.
 
Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
 
Nghe nhạc Cung Tiến, các bài hát, tôi chú ý lắng nghe những chữ của ông.
 
Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi?
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?
Tình có ghi lên đôi môi
Sầu có phai nhòa cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui
 
Lời tự nhiên, chân thành, sang cả. Đó là tâm sự của một chàng trai mới lớn, bắt đầu biết yêu, mơ mộng. Hơn thế, đó là thẩm mỹ của một người trẻ tuổi được giáo dục tử tế, chịu ảnh hưởng của văn học tiền chiến và thơ mới. Hoài cảm là lòng hoài niệm về một thế giới tốt đẹp, tình yêu đã mất, thiên đường tan vỡ.
 
Chờ hoài nhau trong mơ
Nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa
 
Ca từ của Cung Tiến diễm lệ. Về một mặt nào đó, là sự kế thừa các nhạc sĩ đi trước như Văn Cao, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, và các nhà thơ như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Nghe ông, tôi thường nghĩ đến Đoàn Chuẩn:
 
Giòng đời trôi đã về chiều
Mà lòng mến còn nhiều
Đập gương xưa tìm bóng
 
Đặc điểm của ca từ Cung Tiến là việc dùng chữ hoặc đặt câu rất mới:
 
lòng cuồng điên vì nhớ
còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
buồn sớm đưa chân cuộc đời
 
Vàng bướm khác với bướm vàng, đó không phải chỉ là sự đảo chữ, còn hơn thế nữa, chữ vàng đi trước làm ra cả một không gian màu sắc được vẽ lên bởi cánh bướm. Nó làm chúng ta nhớ lại cách nói của người nước ngoài, ví dụ trong thơ Đường, Thôi Hiệu:
 
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
 
Trong khi Ngô Tất Tố dịch:
 
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay
 
Thì Vũ Hoàng Chương dịch là:
 
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
 
Màu trắng, màu vàng át cả không gian, trắng đi trước mây, vàng đi trước hạc. Những câu được Cung Tiến viết cách đây hàng nửa thế kỷ, bây giờ vẫn mới. Trong khi còn là một nhà văn, một dịch giả, có cơ hội tiếp cận với văn học nghệ thuật và âm nhạc phương Tây, ông vẫn giữ một tâm hồn Đông phương thơ mộng lạ thường. Cung Tiến là sự kết hợp giữa truyền thống Đông phương và âm nhạc hiện đại phương Tây, giữa một ngôn ngữ quý phái và tâm hồn chất phác, ngây thơ. Những kết hợp ấy thật quý báu, ngày càng hiếm. Đó là kết quả của một nền giáo dục vào thời ấy, ở Hà Nội, ở miền Nam, thiếp lập bởi những giá trị tự do mà nhạc sĩ thường xuyên theo đuổi, lặng lẽ nhưng cương quyết. Tôi nghe bài hát của ông từ năm mười bốn tuổi, lúc ấy tôi chưa hề biết yêu là gì, vậy mà vẫn say đắm chất ngất với dòng nhạc mượt mà:
 
Ôi những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường thi nghe vẫn rền trong sương mưa
 
Vào tuổi ấy tôi chỉ mới đọc vài bài Đường thi, chưa biết buồn là gì, nhưng sao tôi vẫn cảm thông với tác giả khi ông mơ hoài một kiếp xa xôi? Hay phải chăng trong mỗi con người chúng ta đều có một kiếp trước truyền lại, một tình yêu bất thành được ký gởi, một quê hương tan vỡ được báo trước?
 
Các nhà thơ và nhạc sĩ Việt Nam thời trước nói nhiều về hoài niệm. Hoài niệm của Cung Tiến cũng không khác, chỉ là ông đã đẩy nó đến tận cùng, làm cho nó trở thành nguồn hứng khởi lớn, của tình yêu tha thiết đối với quê hương, hoài bão không cùng của sự trở về, lòng thương tiếc khôn nguôi về một thiên đường đã mất. Các nhạc sĩ khi viết ca khúc được một quyền ưu tiên mà các nhà thơ không có: được phép lặp lại nhiều lần một số chữ, được phép cắt bỏ hoặc nối dài nhiều câu. Nhiều nhạc sĩ Việt nam phổ nhạc cho các bài thơ, nhưng thường là thơ có vần, như Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên. Cung Tiến đã sớm phổ thơ tự do, như của Thanh Tâm Tuyền, một điều khá hiếm như Du Tử Lê từng chỉ ra. Đó là nói về âm nhạc Việt Nam, nhưng trên thế giới, thơ tự do lại là phổ biến trong các ca khúc chịu ảnh hưởng của nhạc rock, opera, jazz. Người ta nói nhiều đến việc thơ được phổ nhạc bởi các nhạc sĩ, ít người để ý rằng ca từ trong các bài hát cũng ảnh hưởng ngược lại đến thơ hôm nay.
 
Mối quan hệ giữa thơ và ca từ rất phức tạp. Thực ra không nên tìm ở trong lời của các bài hát những phát hiện cao siêu, các triết lý, các ý tưởng lớn. Điều đó đã có tiểu thuyết, thơ, trường ca, kịch. Công việc của một nhạc sĩ khác hẳn, người ấy cần một ngôn ngữ sáng sủa, sự kết hợp đẹp giữa thơ và nhạc, đơn giản hóa các sự vật; cất lên tiếng nói bằng một ngôn ngữ đã thay đổi. Một chữ thông thường trong lời nói khi được gieo vào ca khúc, được hát lên, ngân nga với độ dài ngắn khác nhau, cao thấp khác nhau, giữa âm thanh của các khí cụ khác nhau, tự chúng đã tạo ra những chất liệu, những ý nghĩa mới. Thế mà, ở những nhạc sĩ tài năng, như Cung Tiến, Ngô Thụy Miên, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, lời do chính họ viết, hoặc những bài thơ được họ phổ nhạc và làm biến đổi đi dưới áp lực của âm nhạc, còn mang lại cho người nghe những điều khác hơn thế nữa, những ý tưởng.
 
Đời lập từ những đêm hoang sơ
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
Nay đời tan biến trong hư vô
Chết đầy từng mồ oán thù
Máu sương tơi bời nhiều mùa thu
 
Không những chỉ là những ca từ đẹp mà còn là cách nói mới, không những chỉ là cách nói mới mà còn là dòng suối của tình yêu, của tư tưởng, chảy từ nguồn dân tộc, mà lúc nào cũng mới, thương xót, vỗ về.
 
                                                                           Nguyễn Đức Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ