Hay:
Chuyện vui "Nguyễn Đức Sơn đãi cơm Nguyễn Thụy Long".
Quán
Anh Vũ ở đường Bùi Viện – Sài Gòn
“Bữa
cơm nầy không phải tớ đãi cậu do tiền bạc mà do rút kinh nghiệm phương pháp chống
đói. Con heo mất một miếng cơm cháy cũng chẳng thể đói hơn được. Nó đói thì nó
la, chủ nó phải lo cám cho nó, Người dưng nước lã không bỗng dưng phải lo cho
nhau. Con heo gầy bán mất giá, chủ nó phải vỗ béo để bán cho được nhiều tiền
hơn. Mi, tao béo gầy thì đời cũng mặc mẹ, chết mặc xác…”
*
Khi Nguyễn Thụy Long sống lang thang, không nhà không
cửa phải ngủ ở vỉa hè thì gặp được Nguyễn Đức Sơn – “thằng người Quảng điên điên khùng khùng thường hay đang thơ trên Sáng
Tạo, Văn Nghệ, Quan Điểm” – thuộc loại chuyên gia ngủ ở khách sạn “ngàn sao”. Sơn lạc quan nói với Long
đang trong cơn ốm đói “… Mình rong chơi, rong chơi mà no đủ kìa,
tiền tiêu có thể là không có, nhưng no đấy, ngày hai bữa đựơc không?”.
Tất nhiên là Nguyễn Thụy Long thấy không được mà là…
quá được. Và đây là hành trình ngày hai bữa cơm mà Nguyễn Đức Sơn chăm lo cho
Nguyễn Thụy Long.
Buổi trưa, Nguyễn Đức Sơn đưa Nguyễn Thụy Long đến
quán cơm Anh Vũ ở đường Bùi Viện. Quán cơm bán ban ngày ban đêm là phòng trà
Anh Vũ do KTS Vũ Đức Diên thành lập. Xin được mở ngoặc nói thêm một chút về
quán Anh Vũ, một địa điểm sinh hoạt văn nghệ được nhắc đến nhiều. Bên cạnh đó,
Anh Vũ còn là một quán cơm xã hội, bán giá thật bình dân giá 5 đồng cho một bữa
ăn gồm ba món canh, xào và mặn. Riêng cơm thì bao bụng cho mọi người.
Khi cả hai bước chân vào cửa, quán đang đông khách hầu
hết là sinh viên học sinh. Hai người ngồi xuống một bàn trống. Những người khác
ra quầy mua phiếu rồi ra một bàn khác tự dọn thức ăn. Giỏ cần xé cơm gần đó, ai
muốn xúc bao nhiêu thì xúc. Nguyễn Thụy Long không thấy Nguyễn Đức Sơn mua phiếu
chi cả mà thấy anh ta lấy cây tăm cắm lên miệng và bảo “Long lấy cây tăm xỉa răng đi”. Sau đó, Nguyễn Đức Sơn dẫn Nguyễn
Thụy Long đi vào bếp. Những người nấu cơm đang dùng cái xẻng lớn cậy những về
cơm cháy còn nóng vất vào những cái thùng to. Có những người chạy đến bẻ một miếng
cơm cháy. Nguyễn Đức Sơn cũng bẻ một miếng và hối Nguyễn Thụy Long: “Mi
bẻ lấy một miếng đi, mình ăn cơm rồi, hây giờ đét xe miếng cơm cháy cho thơm miệng”.
Sau khi lấy cơm cháy xong, cả hai đàng hoàng ngồi vào
bàn ăn, rắc muối tiêu và xịt nước tương vào miếng cháy. Ăn cơm cháy xong, cả
hai ra uống trà đá là no căng bụng. Ăn xong Nguyễn Đức Sơn lý luận: “ Bữa cơm nầy không phải tớ đãi cậu do tiền
bạc mà do rút kinh nghiệm phương pháp chống đói. Con heo mất một miếng cơm cháy
cũng chẳng thể đói hơn được. Nó đói thì nó la, chủ nó phải lo cám cho nó, Người
dưng nước lã không bỗng dưng phải lo cho nhau. Con heo gầy bán mất giá, chủ nó
phải vỗ béo để bán cho được nhiều tiền hơn. Mi, tao béo gầy thì đời cũng mặc mẹ,
chết mặc xác…”
Không biết thấm cái “ní nuận” của Nguyễn Đức Sơn đến đâu mà chiều đó, Nguyễn Thụy Long
tiếp tục đến quán Anh Vũ, cắm một chiếc tăm lên miệng và đi xuống bếp. “Tôi không quên bữa sớm mai. Nhất quyết phải
no bụng, nếu để bụng đói mà chết là làm nhục miền Nam no ấm tự do. Dưới sự lãnh
đạo anh minh của chí sĩ Ngô Đình Diệm. Người ta nói thế nhiều rồi. Tôi bực bội.
Toàn một lũ kinh doanh khẩu hiệu tuyên truyền. Chính nghĩa và tà thuyết là vàng
thau lẫn lộn. Một số người có quyền lực sống bằng mấy thứ lặt vặt đó.” (Thuở
mơ làm văn sĩ, trang 160)
Nguồn:
https://cuoituan.tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/nhung-chuyen-vui-van-hoc-sai-gon-com-chay-cua-nguyen-thuy-long-va-nguyen-duc-son-1557715.html
*
PHỤ
LỤC:
“THƠ BỊ ĐAU”
Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng về những bài thơ tự do đầu
tiên của văn học Sài Gòn đăng trên tạp chí Sáng Tạo, cũng là người được cho là
khởi xướng dòng thơ tự do, chống lại thơ cũ – thơ tiền chiến. Tuy nhiên, sau
hai tập thơ Tôi không còn cô độc (1956) và Liên, đêm mặt trời tìm thấy (1964),
ông không còn sáng tác thơ nữa và chú tâm viết truyện ngắn, truyện dài.
Đã có gì xáo trộn trong tâm hồn ông? Trong một bài viết
của Trần Đức Uyển – “Nhìn lại thơ hôm
nay” – mới hiểu được sự ngưng làm thơ của chủ soái thơ tự do. Khi nói chuyện
với Trần Dạ Từ và Uyển, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền lột trần ý nghĩ của mình: “Thơ
bây giờ, tôi gọi là thơ bị đau”. Khi nói câu này, ông không bị đau vì đang ngồi
uống la de, may ô, quần đùi ngồi trên ghế salon tại nhà trong một buổi tối
tháng 12-1965.
Trả lời câu hỏi của thi sĩ Trần Dạ Từ về chuyện có làm
được bài thơ nào mới không? Ông Tuyền đáp: “Không,
làm không được nữa. Tự nhiên thấy khó, không dám làm. Vả lại chưa tìm được cái
gì mới. Tôi thấy thơ bây giờ càng ngày càng thu hẹp lại, rút gọn vào trong cái
“tôi” để cuối cùng chỉ có mình hiểu được thơ mình”.
Cuối bài viết, Trần Đức Uyển nhận định: “Tôi cho rằng ông Tuyền khôn ngoan và sáng
suốt lắm, chả gì trên đất nước này ông cũng là người đầu tiên khởi xướng phong
trào thơ tự do, thế mà bây giờ ông cũng đành phải công nhận thơ tự do đang đau.
Đau gì tôi không hiểu và ông Tuyền cũng không nói ra. Lúc về nhà suy nghĩ, tôi
nhận thấy có lẽ thơ của chúng ta hôm nay đang mắc bệnh thiếu máu…” (Nghệ
Thuật số 12, tháng 12-1965).
Ông “nhịn” làm thơ 26 năm có lẽ vì thơ vẫn bị đau, mãi
đến năm 1990 mới thấy Thanh Tâm Tuyền trở lại thơ trong thi phẩm Thơ ở đâu xa
xuất bản bên Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :
Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ