Trang

Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG: NHỮNG CÂU ĐỐI THÚ VỊ TRƯỚC CỔNG “NGUYỆT HẠ LÃO NHÂN TỪ” - Đỗ Chiêu Đức

                        
Miếu thờ Nguyệt Lão ở Hàng Châu                        
               
Trong hồi 4 quyển 5 của kịch bản Tây Sương Ký 西廂記. Kịch tác gia Vương Thực Phủ 王實甫 đời nhà Nguyên đã cảm thán cho các mối chân tình của nam nữ yêu nhau lúc bấy giờ mà thốt nên câu:
               
嘆人間真男女難為知己,
Thán nhân gian chơn nam nữ nan vi tri kỷ,               
願天下有情人終成眷屬. 
Nguyện thiên hạ hữu tình nhân chung thành quyến thuộc.
 
Có nghĩa:
             
Than cho nam nữ chơn tình chốn nhân gian khó trở thành tri kỷ;        
Nguyện cho những người hữu tình trong thiên hạ được đoàn tụ một nhà.
       
HỮU TÌNH NHÂN 有情人 là Những người có tình cảm với nhau, tức là "Những kẻ yêu nhau" đó ! Cũng như CHƠN NAM NỮ 真男女"Những kẻ yêu nhau thật lòng" chớ không phải chỉ "trai gái thật, trai gái giả" gì cả!
 
Truy nguyên...   
Kịch bản TÂY SƯƠNG KÝ 西廂記 của Vương Thực Phủ vốn có nguồn gốc từ HỘI CHÂN KÝ 會真記 còn gọi là OANH OANH TRUYỆN 鶯鶯傳, một trong các truyện của tiểu thuyết truyền kỳ đời nhà Đường, do thi nhân "Bạc tình nổi tiếng lầu xanh" là Nguyên Chẩn 元稹 biên soạn. Truyện kể...
    
Trương sinh 張生 là chàng thư sinh nghèo tên Quân Thụy 君瑞, ở trọ trong chùa Phổ Cứu xứ Bồ Châu. Gặp cơn binh biến, Trương sinh đã ra tay giúp đỡ cho gia đình của một người dì có họ xa là Trịnh thị được thoát nạn. Trong bửa tiệc đền ơn, Trương sinh đã phải lòng cô em gái bạn dì (biểu muội) là Thôi Oanh Oanh 崔鶯鶯. Nhờ có thị nữ Hồng Nương 紅娘 đưa thư dẫn mối qua lại với nhau, rốt cuộc họ hẹn nhau dưới mái tây hiên (Tây sương) và thỏa tình cá nước. Thôi Oanh Oanh đã nhẹ dạ trao thân cho Trương Quân Thụy, để đến nỗi:
                           
Mây mưa đánh đổ đá vàng,                 
Quá chìu nên đã chán chường yến anh.
 
Khiến cho:
                        
Mái Tây để lạnh hương nguyền,                  
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng!
 
Nên khi...    
Khoa thi đến, Trương sinh lên đường lai kinh ứng thí, nhưng lại danh lạc Tôn Sơn, tên tuổi rớt khỏi bảng vàng. Buồn lòng, nên nấn ná ở kinh thành, lại đổ cho Oanh Oanh là điềm làm cho mình xui xẻo nên đi cưới vợ khác. Năm sau Oanh Oanh cũng xuất giá. Một lần đi ngang qua nhà của Oanh Oanh, Trương sinh lấy danh nghĩa là biểu huynh xin yết kiến, nhưng lại bị Oanh Oanh cự tuyệt. Còn trong kịch bản của Vương Thực Phủ đời Nguyên thì...
     
Trương Quân Thụy là một thư sinh nghèo lạc phách ở trọ trong chùa Phổ Cứu để xôi kinh nấu sử, tình cờ gặp được Thôi phu nhân cùng con gái là Thôi Oanh Oanh đang phò linh cửu của chồng là Thôi Tướng quốc về quê đến ở trọ trong chùa. Tướng cướp Tôn Phi Hổ 孫飛虎 nghe đồn tiểu thơ Thôi Oanh Oanh rất đẹp nên đem binh vây chùa định bắt về làm áp trại phu nhân. Lão phu nhân mới tuyên bố rằng nếu ai cứu được gia đình bà và giải vây cho chùa thì sẽ gả tiểu thơ Oanh Oanh cho. Trương sinh bèn viết thư nhờ một chú tiểu trốn ra khỏi chùa mang đến cho bạn mình đang làm Thái Thú ở Bồ Châu là Bạch Mã Tướng quân họ Đỗ. Đỗ bèn phát binh giải vây cho chùa. Sau đó, lão phu nhân thấy Trương sinh qúa nghèo không môn đăng hộ đối với mình bèn hối hôn; nên trong bửa tiệc đền ơn đáp nghĩa chỉ cho Oanh Oanh nhận Trương Sinh làm nghĩa huynh mà thôi. Hai kẻ yêu nhau bị cấm ngăn qua lại, nhưng nhờ có thị nữ Hồng Nương thư đi tin lại nên cuối cùng hai người vẫn gặp nhau ở dưới mái Tây mà vui vầy cá nước, với lời thơ nên thơ và lãng mạn như sau: 
                                            
待月西廂下,    Đãi nguyệt Tây sương hạ,            
迎風户半開。    Nghinh phong hộ bán khai.            
拂牆花影動,    Phất tường hoa ảnh động,            
疑是玉人來。    Nghi thị ngọc nhân lai!
 
Có nghĩa:
             
Đợi trăng dưới mái tây,            
Cửa hé gió hây hây.            
Bóng hoa bên tường động,            
Ngờ người ngọc tới đây!
 
       
Chuyện đổ bể, phu nhân tra khảo Hồng Nương và bắt Thôi Oanh Oanh phải xuất giá lấy công tử Trịnh Hằng là con của một thế gia vọng tộc lúc bấy giờ. Nhưng qua sự đấu lý và trần tình của cả Hồng Nương, Trương sinh và Oanh Oanh; phu nhân đồng ý đợi Trương sinh lai kinh ứng thí, nếu kim bảng đề danh thì sẽ làm lễ "Đại Tiểu Đăng Khoa" cùng lúc. "Được lời như cởi tấc lòng" Trương sinh từ đó cố công dùi mài kinh sử, và trời đã không phụ người có lòng, khoa thi năm đó Trương Quân Thụy đậu ngay Trạng Nguyên cập đệ và đã rước cô dâu Thôi Oanh Oanh về cùng đoàn tụ một nhà, và cũng để cho Vương Thực Phủ kết thúc một câu chuyện tình có hậu với câu nói bất hủ để đời là "Hữu tình nhân chung thành quyến thuộc 有情人終成眷屬" Những kẻ yêu nhau thực sự thì rốt cuộc sẽ được sum họp một nhà mà thôi ! Cái kết có hậu vừa nói lên được cái tự do luyến ái của tình yêu nam nữ lúc bấy giờ  (Nhà Nguyên khoảng thế kỷ 13) vừa là sự bức phá khỏi cái rào cản cổ hủ của Nho phong với truyền thống "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó". Giờ thì Trương Sinh và Oanh Oanh đã toại nguyện:
                        
Một nhà sum họp trúc mai,                 
Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông !
 
     
Vì các tích trên, đưa đến đôi câu đối trước cổng Nguyệt Lão Từ 月老祠 (Từ miếu thờ Nguyệt Lão) ở bên bờ Tây Hồ của xứ Hàng Châu như sau:
         
願天下有情人,都成了眷屬;
Nguyện thiên hạ hữu tình nhân, đô thành liễu quyến thuộc;          
是前生註定事,莫錯過姻緣.
Thị tiền sinh chú định sự, mạc thác quá nhân duyên.
 
Có nghĩa:
              
Nguyện những kẻ yêu nhau trong thiên hạ, đều được nên gia thất;      
Là chuyện định sẵn của kiếp tiền sinh, đừng để lỡ nhân duyên.
     
Câu đối với những từ ngữ rất bình dân, rất nên thơ mà cũng rất thực tế, rất thiệt tình, với...
        
* Vế đầu lấy ý trong kịch bản Tây Sương Ký như đã nêu trên.      
* Vế sau lấy ý ở điển tích CHỈ HỒNG. Theo Tục U Quái Lục của Lý Phục Ngôn đời Đường 唐朝文学家李复言所著的"续玄怪录" :
         
Vào năm Đường Trinh Quan thứ hai (638), đất Đỗ Lăng có thư sinh Vi Cố 韋固, con nhà thế gia vọng tộc. Cha mẹ mất sơm, nên Cố đi du học bốn phương, vừa để học tập cầu tiến vừa để tìm kiếm hôn nhân. Một hôm, mới sáng sớm chàng đã đến trước Hưng Long Tự, thấy một ông lão đầu râu tóc bạc đang lật xem một quyển sách dưới trăng, lật đến đâu thì dùng chỉ đỏ buộc vào chân những hình nhân nam nữ trong đó. Vi Cố hỏi thì biết đó là "Quyển sách Hôn nhân", bèn hỏi về hôn nhân của mình. Ông lão bèn lật sổ nói cho chàng biết rằng: Vợ của chàng là cô bé mới có 3 tuổi con của một người đàn bà một mắt đang bán cải giữa chợ. Vi Cố nghe nói cả giận, thuê người giết cô bé. Mười bốn năm sau, khi Vi Cố đang làm Tham Quân ở Tương Châu. Thứ Sử Tương Châu rất mến mộ tài năng của Vi Cố, thấy chàng còn độc thân bèn gả cô con gái cho. Đêm tân hôn thấy cô dâu rất trẻ đẹp nhưng ở giữa hai mí mắt lại có một vết sẹo. Hỏi ra mới biết, lúc nhỏ khi bà vú bế đi ra chợ bán cải bị một tên côn đồ đâm cho một nhát rồi bỏ chạy, may là chỉ bị thương mà không chết, sau gặp chú là Thứ Sử nhận làm con nuôi cho đến hiện nay. Vi Cố nghe xong kinh hãi, biết rằng khi Nguyệt Lão đã se tơ rồi thì có chạy trời cũng không khỏi nắng. Cô bé năm xưa mình định giết chết chính là cô vợ xinh đẹp của mình hiện nay đó. Muốn biết thêm chi tiết  mời đọc trang web sau đây sẽ rõ:

 CHỈ HỒNG

https://sites.google.com/site/dochieuduc03/%C4%91%E1%BB%97-chi%C3%AAu-%C4%91%E1%BB%A9c-3/%C4%91i%E1%BB%83n-t%C3%ADch-v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-1/ch%E1%BB%89-h%E1%BB%93ng

                  

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều nàng cung nữ đã nghi ngờ oán trách:
                           
Tay NGUYỆT LÃO chẳng xe thì chớ,                           
Xe thế nầy có dở dang không?
        
Nguyệt Lão là từ nói gọn lại của nhóm từ "NGUYỆT HẠ LÃO NHÂN月下老人" là "Ông gìa dưới trăng", vì chuyên xe tơ cho trai gái lấy nhau, nên còn được gọi là ÔNG TƠ, như khi Kim Trọng đến từ biệt Thúy Kiều để đi Liêu Dương hộ tang chú, thì Thúy Kiều cũng đã oán trách:
                                  
ÔNG TƠ ghét bỏ chi nhau,                          
Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi.
 
Hay khi bị Hồ Tôn Hiến ép gã cho thổ quan, Thúy Kiều lại một lần nữa lên tiếng oán trách:
                                   
ÔNG TƠ sao khéo đa đoan,                                
Xe tơ sao lại vơ quàng vơ xiên ?!
                              
Khắp nơi trên đất nước Trung Hoa đều có miếu thờ Nguyệt Lão; nếu không thì cũng có cái kham thờ Nguyệt Lão trong khuôn viên của Chùa Thiên Hậu Thánh Mẫu, chùa Quan Thánh Đế Quân, chùa Bổn Đầu Công... Sau đây là câu đối rất độc đáo ở Nguyệt Lão Từ của thành phố Đài Nam của xứ Đài Loan như sau:
 


願天下有情人終成眷屬,
Nguyện thiện hạ hữu tình nhân chung thành quyến thuộc;           
望世間眷屬全是有情人。
Vọng thế gian quyến thuộc toàn thị hữu tình nhân.
   
* Thành Quyến Thuộc 成眷屬 : là nên gia thất, là Thành chồng vợ với nhau. Nên...
Câu đối trên có nghĩa:
        
 - Nguyện cho những kẻ yêu nhau trong thiên hạ đều được nên chồng nên vợ;       
 - Mong cho những cặp chồng vợ trên thế gian nầy đều là những kẻ yêu nhau!
      
Còn dưới đây là đôi câu đối nổi tiếng của bàn thờ Nguyệt Lão trong Bạch Vân Am của Tây Hồ ở đất Hàng Châu:
             
求美玉無瑕,鴛鴦難結對, 
Cầu mỹ ngọc vô hà, uyên ương nan kết đối;             
唯真誠有意,鸞鳳總成雙。 
Duy chân thành hữu ý, loan phượng tổng thành song.
   
* Mỹ Ngọc Vô Hà 美玉無瑕 : là Ngọc đẹp không chút tì vết, ý nói là "Thập toàn thập mỹ", đẹp không chỗ chê ! Nên câu đối có nghĩa:    
      
- Cầu cho thập mỹ thập toàn, Uyên ương khó bề sum họp;        
- Chỉ mong thành tâm thành ý, Loan phượng ắt sẽ nên duyên.
   
Rất thực tế, rất khiêm nhượng, Nguyệt Lão cũng phải chấp nhận là chỉ cần "Thành tâm thành ý" thực dạ yêu nhau thì Loan Phượng mới nên duyên được; Chứ cứ muốn đòi hỏi đối phương phải là người "Thập toàn thập mỹ" thì Uyên Ương sẽ khó được sum họp một nhà.
 
     
Sau đây cũng là một đôi câu đối bất hủ của Nguyệt Lão Từ:
          
繫足無差,到來皆是多情種;
Hệ túc vô sai, đáo lai giai thị đa tình chủng;           
同心有願,歸去遍開並蒂花.
Đồng tâm hữu nguyện, quy khứ biến khai tịnh đế hoa.
    
* Giai Thi 皆是 : Đều là; Đa Tình Chủng 多情種 : là Giống đa tình.  
* Biến Khai 遍開 : Nở khắp, nở hết. Tịnh Đế Hoa 並蒂花 : là Hoa liền cành.
 
Câu đối có nghĩa:     
 
- Buộc chân chẳng sai, đã đến đều là đa tình khách;    
- Chung lòng ước nguyện, khi về nở hết cặp hoa tim.
 
    
Cuối cùng là đôi câu đối thờ Nguyệt Lão mà cũng là đôi câu đối Tân Hôn cho tất cả mọi người là:
                
百年恩愛雙心結; Bách niên ân ái song tâm kết;               
千里姻緣一綫牽.    Thiên lý nhân duyên nhất tuyến khiên.
      
* Song Tâm Kết 雙心結 : là kết thành giải có hai trái tim, giải đồng tâm.       
* Nhất Tuyến Khiên 一綫牽 : là Chỉ do một sợi chỉ dẫn dắt, đó là sợi chỉ hồng của nguyệt Lão đó. Nên...
 
Câu đối có nghĩa: 
                     
- Trăm năm ân ái đồng tâm kết;                    
- Ngàm dặm nhân duyên sợi chỉ hồng!
 
      
Một chuyện rất mỉa mai đến buồn cười là : Nguyệt Lão ở Trung Hoa là Ông Già Dưới Trăng lẻ loi đơn độc có một mình; Mặc dù chuyên làm chuyện xe tơ kết tóc cho người đời nên duyên chồng vợ với nhau, nhưng khi sang qua Việt Nam, có thể dân ta thấy tội nghiệp cho ông suốt đời chỉ mai mối cho người khác còn mình thì vẫn lẻ loi trơ trọi có một mình, và theo quan niệm của người Việt Nam ta, có “Ông” thì phải có “Bà”, nên mới “cưới” cho ông một “Bà Nguyệt” nữa, thành một cặp “Ông Tơ Bà Nguyệt”, và thành ngữ “Ông Tơ Bà Nguyệt” chỉ có trong ngôn ngữ và văn chương Việt Nam ta mà thôi, chớ ở bên Tàu thì “Ông Tơ” là Nguyệt Lão vẫn chỉ trơ trọi có một mình, không biết chuyện trai gái là gì cả, nên mới bị nàng Cung phi của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều bỡn cợt:
                             
Tay NGUYỆT LÃO khờ sao có một                             
Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.                             
Cái đêm hôm ấy đêm gì?                                   
Bóng gương lồng bóng đồ mi trập trùng!...
      
Hẹn bài viết tới !
                                                                                    杜紹德    
                                                                               Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ