Trang

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

TÌNH SỬ CHU-UYÊN – Nguyễn Văn Quang

Bài viết in trong “tập 10 Nguyễn Hoàng, chân dung và kỷ niệm”, bài thứ 157 (trang 129-145)

                                         (Thân tặng L.M.M.)

Thầy Nguyễn Văn Quang
Học Nguyễn Hoàng từ 1964 đến 1967
Dạy Nguyễn Hoàng từ 1974 đến 1975


Sau ngày Hội trường Nguyễn Hoàng, chúng tôi vùi đầu vào công việc làm ăn nên ít có dịp gặp nhau. Nhân chuyến về thăm quê, Mân ghé thăm tôi và rủ tôi ra quán cà-phê Sông Xanh bên bờ sông Thạch Hãn ngồi tán chuyện. Tôi bảo nên tìm nhà quán trong phố cho ấm, trời này ra sông lạnh lắm. Anh bạn tôi không chịu, anh nói đã lâu lắm nay mới được dịp ngồi bên bờ sông xưa để tìm lại những kỷ niệm của tuổi học trò và những mối tình lãng mạn đầu tay từng chớm nở tại chính đoạn đường Gia Long ngày xưa ngập tràn hoa phượng đỏ này. Tôi nể bạn nên cũng chìu lòng. Mân học trước tôi đến ba lớp, nhưng tuổi tác ngang nhau, hơn nữa ngày học Trung học, hai đứa ở nhà trọ gần nhau nên kết làm bạn bè.
 
Hai tách cà phê nóng hổi trước mặt giúp sưởi ấm lòng chúng tôi, xua đi cái se lạnh của gió thu thổi qua mặt sông và cũng giúp chúng tôi hâm nóng bao chuyện cũ của một thời xa vắng. Sau một hồi hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chúng tôi bắt qua chuyện Hội trường. Tôi gợi ý trước:
- Anh thấy vừa qua Hội trường Nguyễn Hoàng tổ chức tại quê nhà Quảng Trị như rứa có được không?
- Ôi, rất được, rất vui! Lần này có nhiều thầy cô, đồng môn về dự hơn lần trước...
-  Anh có gặp được nhiều bạn cũ không?
-  Có, hầu như gần đủ, trừ các bạn ở nước ngoài, còn trong nước thì các tỉnh đều về, kể cả Châu Đốc, Cà Mau. Nhưng thiếu vắng một bóng hồng...
 Tôi tò mò ngắt lời anh:      
- Là ai vậy?        
- Chu Uyên – Chu Thị Uyên.
- Cô ấy hiện ở đâu?
- Thành phố Huế.
- Sao thế? Cà Mau, Châu Đốc cũng về, Huế cách Quảng Trị 50 cây số mà cũng không về dự. Tệ quá nhỉ! Cô ta quên hết tình xưa, nghĩa cũ rồi sao?
- Nói thế thì cũng oan cho nàng. Chẳng qua chỉ tại hoàn cảnh. Cô ấy mặc cảm nặng vì thấy mình thua chúng kém bạn… Ai hiểu hoàn cảnh sống của cô ấy cũng phải chạnh lòng! Một phụ nữ đẹp người, đẹp nết như Uyên đáng được hưởng một cuộc sống sung sướng, hạnh phúc hơn!
 
Tôi ra vẻ đồng cảm với cô bạn cũ của Mân:
- Tội nghiệp nhỉ! Anh nói cụ thể một tí được không?
- Cô ấy phải tất bật cả đời để lo cho 4 đứa con, 2 đứa con chung và 2 đứa con chồng, con vợ! Gia đình thật túng bấn…
- Đáng thương quá, phải không?
- Vâng, đáng thương thật đấy; ngoài ra còn lo chăm sóc cho ông chồng ốm yếu mất sức lao động nữa!
- Anh biết rõ nhà người ta ghê nhỉ?
- Không những nghe kể mà tôi còn tận mắt chứng kiến khi đến thăm nhà.
- Anh có thường đến thăm cô ta không?
-  Có chứ, có khi tháng một lần, có khi sức khỏe không cho phép thì vài ba tháng một lần, vì quãng đường từ nhà tôi đến Huế cũng khá xa, mà thân tôi đã ọp ẹp rồi. Thỉnh thoảng tôi cũng mang biếu cô ấy mấy cân gạo, khi thì một giỏ khoai,… dù cô ấy ngại không muốn nhận.
 
Linh tính cho biết anh bạn có cảm tình đặc biệt với cô Chu Uyên này, mà tôi thì thích tò mò nên đề nghị:
- Tôi thực sự muốn nghe anh kể nhiều hơn về hoàn cảnh Diễm xưa của anh đấy.
- Chẳng phải của riêng gì tôi. Hồi học Đệ nhất cấp đã có một hệ 7 vệ tinh bám quanh nàng. Lên Đệ nhị cấp có học sinh các quận về nữa nên tính tổng cộng trước sau có đến 12 vệ tinh lớn, nhỏ đấy!
- Ôi, nghe có vẻ ly kỳ quá! Cô ấy có nhiều vệ tinh hơn cả Mặt Trời! Chắc cô nàng đa tình và lẳng lơ lắm?!
- Đa tình thì có nhưng quả thực cô ấy rất đoan trang. Đừng nghĩ oan cho nàng mà tội.
-  Nhưng sao cô ta có nhiều vệ tinh bám quanh đến thế?
- Hồi con gái, cô ấy là nữ sinh đẹp có tiếng. Không sắc sảo như Thúy Kiều, mà hiền dịu như Thúy Vân.
Tôi dò hỏi để kiểm tra độ chính xác về lời anh nói:
- Đẹp thế sao tôi không thấy tên cô trong mục Ghi-nét Những người đẹp Nguyễn Hoàng?
- Ôi, anh tưởng cái ghi-nét ấy chép hết được các kiều nữ trường ta ư? Không thể. Tác giả của bài viết ấy chỉ ghi được những người đẹp cùng lớp hoặc cùng khóa của mình chứ làm sao biết hết cả trường! Anh xem, con gái mà mặt trái xoan, đôi má lúm đồng tiền, hơi thẹn một tí là má đỏ au lên, da trắng như trứng gà bóc, mắt sáng long lanh, môi hình trái tim, cười tươi hơn hoa mới nở, ăn nói mặn mà, duyên dáng! Chưa hết, dáng hình thì thon thả với mái tóc thề thướt tha trong gió… Thử hỏi chê vào đâu được?! Còn một cái quý giá hơn nhiều, đó là tính tình, phong cách sống của cô ấy. Chu Uyên đẹp gái, con nhà giàu nhưng không kiêu sa, không kiểu cách mà rất giản dị, thân tình, dễ gây thiện cảm. Vì thế, ai đã gặp một lần thì khó mà tránh được tơ lòng vấn vương! Tên gọi ở nhà của cô ấy là Chu Thị Yên. Khi đi học cô đổi tên trong khai sinh là Chu Thị Uyên. Chúng tôi thường gọi là Chu-Uyên, nghe hay hơn. Anh bạn tôi làm thơ xưng tụng nàng lại thích gọi tên ở nhà: Chu-Yên:
 
Lâu rồi chưa thấy lại Chu-Yên
Lòng ta nửa dại, nửa điên điên….
 
Chu Yên chính là Chu Uyên đấy.
- Bây giờ nàng còn đẹp không?
- Người con gái ấy nay đã ngoài tuổi 60 nhưng vẻ đẹp thì dường như chưa bị thời gian và cảnh đời bầm dập tàn phá là bao; nghĩa là bây giờ cô ấy vẫn đẹp, một vẻ đẹp thùy mị, dịu dàng mà có sức quyến rũ ghê gớm, khó dứt ra được…
 
Đoán biết Mân muốn kể nhiều về chuyện tình yêu của nàng nên tôi hỏi gợi ý:
- Hồi ấy, Chu Uyên có yêu nhiều người không?
- Thật khó trả lời, tình cảm cô ấy khá kín đáo nên cũng không hiểu nổi. Tuy nhiên, theo lời các bạn gái kể thì cô ấy đặc biệt để ý mấy gã đa tình như Lê Thế Vân, Nguyễn An Hưng và…Võ Lành, một chàng thư sinh đẹp trai, học giỏi nhưng khốn nỗi là con nhà nghèo! Họ thường thư đi tin lại, hẹn hò, trò chuyện sau những buổi tan trường. Đám vệ tinh bám theo Chu Uyên như một cái đuôi! Nhưng gia đình cô phản đối tất cả. Hồi cô ấy đỗ Tú tài bán phần, thấy nhiều chàng trai bám riết quá nên gia đình buộc nàng nghỉ học để thi vào ngành sư phạm. Làm thế có thể tách khỏi đám con trai đa tình đang ngày đêm quấy rầy việc học tập, thi cử…có thể ảnh hưởng đến tương lai đang phơi phới đi lên của nàng. Tin Chu Uyên không học tiếp lên lớp Đệ nhất làm đám vệ tinh sững sờ, quên ăn bỏ ngủ. Chàng thư sinh lãng mạn, con nhà nghèo Võ Lành đã hận tình, hận đời nên đánh bài liều…
- Tự tử à?
- Không ngốc đến thế, nhưng anh chàng đã bỏ học và đăng ký vào Võ bị Đà Lạt, anh ta quyết liều một phen: một xanh cỏ, hai đỏ ngực! Nhà anh ta nghèo lắm, vốn đã bị gia đình ấy ghi tên vào sổ đen “cấm yêu” của nàng. Ra trường võ bị, Lành xông pha trận mạc thế nào đó mà chóng được thăng quan tiến chức và trước 1975 anh đã mang một mai bạc trên ve áo. Hồi ấy nữ sinh chọn chồng theo tiêu chuẩn: Dân sự thì bác sĩ, kỹ sư, giáo sư; quân sự thì ít nhất một mai vàng, được hai, ba mai vàng càng quý. Bỏ qua ba mai vàng để lấy một mai bạc to hơn là thỏa mãn nguyện vọng.
 
Lúc Chu Uyên đã ra trường làm cô giáo Tiểu học, có lần Võ Lành lái xe Jeep về quê, ghé vào thăm nàng, cốt ý muốn nói với cha mẹ nàng rằng: Tôi nay đã khác xưa, xem thử có xứng làm con rể của ông bà không?
- Gia đình nàng phản ứng thế nào?
- Họ đã bỏ qua thành kiến cũ và chấp thuận cho hai người lấy nhau. Thế là đôi uyên ương đã thênh thang trên đường hạnh phúc!
-  Còn 11 vệ tinh bị hất tung ra ngoài như các anh thì trở thành tình địch của cậu ấy, phải không?
- Không. Hồi ấy, có vẻ do hận gia đình nàng xem thường bọn con trai nhà nghèo nên chúng tôi đã thách nhau: Đứa nào nhào vô được là có thưởng. Quả thực đời hắn có số đỏ, chúng tôi gặp số đen nên đành chấp nhận!
- Anh càng kể càng hấp dẫn. Hôm nay tôi thực sự được một ngày vui. Xin anh tiếp tục đi. Rồi thế nào nữa?
- Chuyện còn dài. Nếu anh chịu khó nghe thì tôi sẵn sàng kể. Như anh biết, mọi sự trên thế gian đều vô thường, và hạnh phúc của họ cũng nằm trong quy luật đó! Sau 30/4, chồng Uyên đi học tập cải tạo tại một trại dành cho sĩ quan cấp tá của chế độ miền Nam. Vốn con nhà giàu, không quen lao động chân tay, khi làm vợ sĩ quan thì vô giày ra dép, đi chợ cũng có tài xế đưa đón,… nên bây giờ trở nên lóng ngóng: tay ôm đứa con dại, chồng đi cải tạo, không lương tiền, không kế sinh nhai, nàng thực sự lâm vào cảnh túng quẫn, đáng thương! Uyên bán hết tư trang vật dụng, cũng chỉ tiêu được một thời gian. Hết tiền, hết gạo thì chạy về xin bên nội, bên ngoại, làm thế nào cũng phải có để bới cho chồng. Thời buổi cực kỳ khó khăn ấy, dân làm ruộng cũng thiếu gạo ăn thì người tù cải tạo làm sao no đủ được! Còn chuyện khó khăn hơn nữa là việc vào trại thăm chồng. Đến bây giờ nàng mới thấm thía câu người đời thường nói: Càng cao danh vọng, càng dày gian nan! Quy định thăm trại lính hoặc hạ sĩ quan cải tạo còn dễ; thăm trại cải tạo của sĩ quan cấp tá trở lên còn có nhiều điều kiện ngặt nghèo hơn. Có lần nàng đi bộ mấy chục cây số vượt đường rừng đến cổng trại, người mệt nhoài, chân rướm máu, bụng đói lả, nàng nằm dài trên đám cỏ bên đường khóc hu hu như trẻ con bị mẹ đánh. Đến khi xin vào thăm chồng thì bị từ chối, lý do là hôm nay cấm trại. Nàng lại khóc to hơn, làm cho người lính gác phải đến la và yêu cầu ra khỏi cổng trại. May làm sao, xa xa có một chiếc xe command car tiến dần đến cổng. Người sĩ quan trên xe bước xuống, nhìn người vợ tù cải tạo khóc, tự dưng ông cũng mủi lòng. Nhìn kỹ, ông thấy nàng có khuôn mặt đẹp hiền dịu, rất dễ gây cảm tình. Ông hỏi lý do, Uyên và người gác cổng kể cụ thể sự việc. Ông sĩ quan dùng lời lẽ dịu dàng giải thích cho cô hiểu về quy định của trại rồi đề nghị cô ra phòng dành cho thân nhân ngồi chờ. Ông hứa sẽ bàn với trại giải quyết trường hợp này. Nghe vậy nàng mừng quá, nín khóc, nói lời cảm ơn và kiên nhẫn chờ đợi. Bốn giờ chiều hôm đó, nàng được gặp mặt chồng năm phút và đã khóc hết gần hai phút rưỡi! Dẫu sao nàng cũng nói với chồng rằng hãy biết ơn người cán bộ cấp cao ấy.
 
Về sau nàng mới biết ông cán bộ giải quyết cho nàng được gặp chồng hôm đó chính là ông Giám đốc của trại.
Từ lần đầu tình cờ gặp và giúp nàng, ông Giám đốc trại đã cảm thấy hình bóng người phụ nữ đẹp dịu hiền kia cứ ám ảnh mình. Nhưng ông luôn tự nhủ phải giữ vững lập trường để làm việc đúng nguyên tắc, không dao động tình cảm dẫn đến tùy tiện trong công việc. Ông vẫn nhớ rõ hai câu thơ trong truyện Kiều để răn mình:
 
Nghĩ mình phương diện quốc gia,
Quan trên ngó xuống, người ta trông vào!
 
Nhưng, cái tình là cái chi chi? Sao những lúc đêm về, khi có thời giờ rảnh rang, ông vẫn nghe tim mình xao xuyến; có cái gì đang hiện hữu như một tình yêu chớm nở! Ông muốn có cơ hội gặp lại người thiếu phụ xinh đẹp ấy. Rồi những lần tiếp theo nàng lên thăm chồng, ông đã quan tâm đến nàng hơn những người vợ tù cải tạo khác. Việc này khiến chính những chị vợ đi thăm chồng ganh ghẻ và xì xào. Có khi họ nói to cho lính gác nghe: Con ấy dùng sắc đẹp để mua chuộc cán bộ trại! Cho đến một lúc đã lan ra tiếng đồn Giám đốc trại có tình cảm riêng tư với Chu Uyên, tức là với vợ tù cải tạo! Dư luận không tốt này đã đến tai cấp trên; kết cục là ông Giám đốc bị chuyển công tác! Thật là oan cho nàng, nhưng không ai giải oan được, vì sự thật là nàng cũng đã có những điều kiện dễ dàng hơn trong việc thăm chồng.
 
Ông Giám đốc mới đến thay. Rút bài học đắt giá của người tiền nhiệm, ông ta luôn làm vẻ mặt lạnh lùng và quyết không thiên vị cho một người vợ đến thăm chồng nào, tất nhiên là cả với Chu Uyên. Bảy tháng sau, chồng nàng mãn hạn cải tạo. Ngày vợ chồng vui mừng được trở về đoàn tụ với gia đình, Chu Uyên nghĩ dù sao chồng mình cũng ăn ở với trại đã 6 năm, nay được về thì nên lên gặp Ban Giám đốc để chào và cảm ơn một tiếng.
 
Khi nàng được dẫn vào văn phòng, người lính lui ra và ông Giám đốc mời nàng ngồi. Pha xong tách trà ngon đặt trước mặt nàng, ông hạ thấp giọng nói nhẹ như hơi thở:
- Chu Uyên này, cô đẹp đến thế thì người ta mắc sai lầm cũng đáng thôi. May cho tôi là chồng cô được ra trại sớm! Giá như anh ấy còn ở trại vài năm nữa và cô còn lên trại đều đều thì e rồi tôi cũng phải chuyển công tác!
Tôi ngắt lời Mân:
- Nghe chuyện kể của anh giống như trong tiểu thuyết!
- Thì có anh nhà văn Nguyễn Hoàng đã viết truyện ngắn Người vợ tù cải tạo mà nhân vật chính là Chu Uyên đấy.
 
Vốn thích nghe kể về những mảnh đời đen đủi, oái oăm như trường hợp này nên tôi gợi chuyện:
- Hoàn cảnh của nàng sau khi chồng ra trại thì thế nào? Và chuyện hồi nãy anh nói con chồng, con vợ là bởi làm sao?
- Tưởng từ ấy vợ chồng về chung vai góp sức làm ăn, nuôi con để hưởng hạnh phúc bên nhau trọn đời… Nào ngờ chưa đầy một năm sau thì chồng nàng bị bệnh hiểm nghèo và mất sau ba tháng nằm bệnh viện, để lại cho nàng một đứa con nhỏ và một… cái tang chồng!
- Rồi sau đó, nàng đi lấy chồng khác?
- Thực ra nàng cũng muốn ở vậy thờ chồng nuôi con. Nhưng chuyện đời không có gì là nói trước được. Khi con nàng được 8 tuổi thì tình cờ nàng gặp lại Phan Trí, một bạn học cũ. Anh này cũng là bạn đồng khóa của tôi và đã từng là một trong 12 vệ tinh bám theo nàng một thời gian dài. Trí cũng có một con nhỏ mới tròn 5 tuổi. Vợ anh rủi gặp tai nạn và mất lúc con anh mới chưa đầy một tuổi. Anh chịu cảnh gà trống nuôi con đã bốn năm.
 
Cuộc đời đưa đẩy xui hai người bạn cũ đồng cảnh ngộ bi đát gặp nhau. Họ đã kể hết cho nhau nghe những cay đắng đoạn trường và từ đó có những sự đồng cảm sâu sắc. Trí đi lại thăm Uyên và cũng ngỏ ý giúp nàng một vài công việc nặng nhọc. Từ tình bạn ngày xưa đến sự cảm thông nhau trong cuộc sống hiện tại, họ dần dà đem lòng yêu mến nhau thực sự. Một hôm Trí mạnh dạn đề nghị:
- Hai đứa mình đều đứt gánh giữa đường, Uyên thì thiếu người đỡ đần công việc ruộng vườn, mình thì không ai chăm sóc con thơ, mình muốn bàn với Uyên chuyện này: Hay là chúng ta ở chung nhà với nhau đi, dựa vào nhau mà sống để có điều kiện nuôi các con khôn lớn, có được không?
 
Trước lời nói chân thành của Trí, Uyên không nỡ từ chối mà hẹn để một thời gian suy nghĩ đã. Sự ân cần chăm sóc, giúp đỡ của anh đã chiếm được cảm tình của nàng và cuối cùng thì Uyên nhận lời. Họ chính thức ở chung với nhau như vợ chồng và cùng nhau tạo dựng một gia đình mới, một hạnh phúc mới. Lao động vất vả bao nhiêu họ cũng cam lòng, miễn biết thông cảm, thương yêu nhau và bảo bọc được hai đứa con-chồng con-vợ!
 
Về sau Uyên và Trí có với nhau hai đứa con chung nữa, vị chi là bốn đứa! Thời buổi khó khăn, chồng đảm đương lao động chính, vợ lo nuôi dạy 4 đứa con và chăm nom công việc nội trợ gia đình. Thời gian biết được nàng có mái ấm hạnh phúc, chúng tôi cũng mừng cho cô ấy và Phan Trí. Nhưng hạnh phúc thật mong manh như bọt bèo, bong bóng - có đó rồi không đó! Chẳng bao lâu, nỗi bất hạnh lại đến với nàng lần nữa: Những đứa con lớn lên đã không hòa thuận với nhau, chúng nghe người ngoài xúi giục nên phân biệt con chồng con vợ rồi gây chuyện. Hai vợ chồng can ngăn chúng không chịu nghe. Uyên kể nhiều đêm nàng khóc thầm không hết nước mắt. Trí thấy cảnh nhà con cái lục đục, vợ buồn phiền hay cáu gắt nên anh cũng chán đời, đâm ra rượu chè say sưa. Rồi vết thương thời chiến tranh tái phát đã khiến anh không lao động được nữa. Từ đấy cảnh nhà sa sút, một mình nàng xoay xở đủ cách vẫn thiếu trước hụt sau!
 
Tôi xen vào:
- Thường thì điều kiện sống có ảnh hưởng đến nhan sắc người phụ nữ. Cảnh cơ cực phiền não ấy ắt đã làm cho sắc đẹp nàng tàn tạ?
Mân đáp quả quyết:
- Không. Dù thế nhưng Uyên vẫn đẹp như xưa! Dường như đây là một biệt lệ Trời riêng tặng cho nàng.
 
Tôi biết anh đang nhận xét theo cảm tính và đề cao sắc đẹp cô ấy quá lời, nhưng vì lịch sự, tôi không cãi lại, mà im lặng như thể đồng tình:
- Cảm ơn anh đã cho nghe một câu chuyện tình cực kỳ cảm động và thú vị. Hoàn cảnh của Chu Uyên thì Trời bắt phong trần phải phong trần, đành chịu vậy. Tôi cũng thấy thương cô ấy lắm. Nhưng thôi, càng kể càng buồn! Đề nghị chúng ta nói qua chuyện khác. Tôi xin tò mò một tí, anh vui lòng cho biết những vệ tinh từng bám riết nàng mà đều bị hất ra thì sau đó như thế nào?
Mân nhiệt tình kể:
- Hồi ấy tụi tôi đều con nhà nghèo, nàng là con nhà quyền quý cao sang. Cha mẹ nàng theo lễ giáo phong kiến, đòi gả con chốn môn đăng, hộ đối nên chúng tôi chỉ yêu nhau vụng trộm rồi đêm nhớ ngày mong thôi, không dám nghĩ chuyện trăm năm hạnh phúc với nàng. Bọn tôi không dám đến nhà Uyên, chỉ chực chờ khi nàng đi học là bám theo bóng hồng cho đến lúc vào lớp. Lúc tan trường cũng vậy, bám theo cho đến phút chót, lúc nàng dắt xe vào cổng nhà mới thôi.
- Tất cả mọi vệ tinh cùng bám hay sao?
- Có khi đứa này, có khi đứa kia. Cũng có khi cả mấy đứa cùng đạp xe theo về đến ngõ nhà nàng. Lúc bóng hồng khuất nẻo thì đạp xe về nhà một đứa bạn nào đó để tán chuyện, thách nhau xem đứa nào chiếm được trái tim nàng, đứa nào dám cả gan làm con rể ông bà ấy...
- Kết cục thì …?
- Chúng tôi đành phủi tay không! Như tôi kể ở trên, về sau nàng lấy Võ Lành, khi Lành đã có quyền cao chức trọng. Còn bọn tôi người trước, kẻ sau rồi cũng về lấy vợ, đẻ con….
- Thế các anh không để lại dấu vết tình yêu gì sao?
- Có chứ. Đứa giữ lại tập thư tình, đứa viết nhật ký, có đứa làm thơ để giải tỏa ẩn ức trong lòng. Ngày xưa có hai đứa làm thơ hay như Lê Thế Vân và Nguyễn An Hưng. Hai tên này đã từng làm những bài thơ tình sướt mướt, chúng tôi thường chuyền tay nhau đọc. Gần đây họ lại nổi hứng làm thơ kỷ niệm yêu, có anh làm đến ba tập, tập nào cũng thấp thoáng hình bóng Chu Uyên. Họ hao công tốn sức, thức khuya dậy sớm nắn nót ra những vần thơ rồi chắt bòn, dành dụm tiền bỏ ra in và đem tặng bạn bè. Rõ ràng khi yêu thì già đời vẫn… nửa dại nửa điên điên!
 
Ví như Thế Vân, với bệnh tim càng ngày càng tệ, nhưng anh ta vẫn bền bỉ làm thơ ca ngợi mối tình đầu với người con gái ấy. Trong bài Mẹ Ơi!, anh ta không quên dành hai khổ để nhắc đến Diễm xưa của mình:
 
Sương thu vừa hắt vào song cửa
Có cô áo trắng vội qua nhà
Nhìn con, mắt Mẹ như thầm nhủ:
“Con gái quê ta thiệt mặn mà!”
……………………………..
Trở lại vườn xưa vàng cải rụng,
Mẹ ơi, nhớ Mẹ, nhớ chơi vơi.
Cô gái “mặn mà”, con vẫn gặp…
Gieo neo đeo đẳng kiếp con người!...
 
Trong bài Chu Yên, Thế Vân viết:
 
Lâu rồi chưa thấy lại Chu Yên
Lòng ta nửa dại, nửa điên điên
Thương em vương kiếp hồng nhan ấy;
Một đời người, mấy nỗi truân chuyên?!
 
Năm 2006, tác giả tròn 60 tuổi, ngồi chép lại bài thơ làm năm 1964, hồi đang học Đệ tứ Nguyễn Hoàng:
 
Chuyện mình không nặng cũng không huyền
Phải đâu như thế hỡi Chu Yên!
Nhìn em qua ngõ, hồn ngây ngất
Đỏ au đôi má lúm đồng tiền!
                                             (Chuyện mình)
 
Và gần đây, anh mang tặng tôi bài thơ Chiều tóc mai, xem như là bài tâm đắc nhất vào tuổi xế chiều gặp lại người tình cũ trên bến sông quê:
 
Uống đi em
uống nữa đi em
Êm đềm
Thạch Hãn về xuôi nhẹ nhàng.
Tóc mai vàng
Hong nắng chiều tan……
Ngồi bên em
mà cứ ngỡ trong tranh thơ
Yêu thương đến
ngẩn ngơ
tuổi hoàng hôn đến!
 
Thôi, uống đi em
qua rồi
tuổi buồn
ly cà phê đen
tình học trò
khói thuốc vàng tay
mòn mỏi…
sợi tóc thề hôn nhẹ bờ môi run.
 
Uống đi em
rồi ta về bến cũ!
 
Thế rồi, Mân nhìn qua tôi và nói như khẳng định sự mãnh liệt của tình yêu ban đầu của họ với cô nàng:
-  Anh thấy tình yêu của các vệ tinh quanh mặt trời Chu Uyên là vậy đó: thiết tha, đắm đuối, dai dẳng keo sơn… suốt cả đời người!
 
Tôi cũng thích nghe thơ yêu đương lãng mạn kiểu ấy nên vờ khen Mân:
- Anh thuộc nhiều thơ của bạn bè nhỉ! Thế còn nhà thơ đa tình kia thì sao? Anh đọc thử vài đoạn nghe cho vui!
- Thơ của An Hưng cũng da diết không kém. Trong bài Bên dòng sông Đông, anh ta viết:
 
Nhà em ở cạnh sông
Có tên là La Đông
Tuổi thơ mình kề sống
Ấp ủ một bóng hồng!
………………..
Bởi em đi lấy chồng
Bỏ mình anh bên dòng
Chỉ còn đùa với sóng
Tình đau ôi! Mênh mông.
 
Còn trong bài Tình anh ban đầu, An Hưng viết:
 
Sao em chưa về thăm Bích Đông
Thuyền anh đang trôi ngược bến lòng
Trời nổi phong ba xô thuyền đắm
Lặn lội tìm em trong dư âm!
 
Và đây là Khúc tình nồng của Hưng:
 
Ai uống cùng ta chén rượu nồng
Sẻ chia giá buốt của đêm đông
Ta đã được yêu là hạnh phúc
Còn mong chi thắp lại lửa lòng!
……………………………….
 
Mân đọc say sưa những vần thơ kỷ niệm yêu của hai người bạn anh mà tôi nghe như tiếng lòng anh đang thổn thức.
Thấy vẫn còn một điều cần kiểm chứng nữa nên tôi nhìn thẳng vào mắt anh rồi nghiêm trang hỏi:
- Anh bảo cả trước lẫn sau có đến 12 vệ tinh bám theo mặt trời Chu Uyên, nhưng họ là những ai, có thể kể lại cho tôi nghe không? Hay anh chỉ nói phét mà chơi vậy?
- Thật đấy! Hai người trong số đó, ở những vị trí, hoàn cảnh khác nhau, đã lần lượt được làm chồng Chu Uyên là Võ Lành và Phan Trí như tôi đã nói; số còn lại xin kể tiếp như sau: Lê Thế Vân là 3, Nguyễn An Hưng là 4, Trần Viết Lăng là 5, Dương Đức Trung là 6…, Lê Mậu Sằn là 7, Văn Viết Tường là 8, Hồ Đăng Mạnh là 9, Đỗ Như Phấn là 10, Đoàn Trọng Phú là 11, …
 
Mân kể đi kể lại cũng chỉ có 11người! Anh ta vò đầu, bứt tóc cố nhớ cho ra vệ tinh thứ 12. Anh tỏ vẻ tức tối, muốn chứng minh độ nhớ chính xác của mình để đề cao sắc đẹp quyến rũ của Chu Uyên. Biết là Mân quên kể đến tên anh nên tôi hỏi đùa:
- Này, anh bạn đọc truyện Naz-re-đin đếm lừa chưa?
- Chưa, nhưng sao anh hỏi vậy?
- Thì ông ta quên đếm con lừa mà ông đang cỡi! Vệ tinh thứ 12 là anh, là Lê Mân chứ còn ai vào đó nữa!
- Mân cười nhìn tôi, nói ấp úng:
- À quên, đúng đúng, kể cả tôi nữa là đủ mười hai. Thế mà mình cứ loay hoay lục lọi trí nhớ!
Tôi lại nói vui:
-  Tình yêu và lý trí không tồn tại cùng một lúc anh bạn ạ! Có anh nữa là đủ 12 bến nước mà làm thân con gái như Chu Uyên phải chầm chày may rủi nhận lấy một bến đó; trong nhờ, đục chịu, biết phàn nàn cùng ai! Nhưng, thảm thương cho những vệ tinh gãy cánh! Hèn gì, đôi tháng một lần, đôi lần một tháng có một chàng trai, à không phải, một ông lão râu tóc đã bạc, thân hơi tật bệnh, tâm hơi phiền não, hàng ngày không lo tu tập mà vẫn hăm hở ngồi lên xe máy, rồ ga tiến về Cố đô, dẫu chẳng được làm gì!
 
Mân lơ đãng nhìn ra dòng sông, tỏ vẻ đồng tình, rồi hài hước đáp:
- Mà cũng chẳng làm gì được!
Tôi vặn lại:
- Thế thì đi làm gì cho nhọc xác?
- À, mà cũng có cái được chứ: được nghe nàng nói, được thấy nàng cười và được nhìn đôi mắt dịu hiền, trìu mến của nàng.
Tôi lại đùa:
- Thế thì chục cân gạo dẻo, vài giỏ khoai lang, cọng thêm một chai rượu Kim Long để hối lộ chồng nàng cũng chưa đáng là bao!
Mân phản ứng:
- Anh trêu tôi đấy à?
Tôi chống chế:
- Đâu có, giá như được làm người tình thứ 12 của cô ấy thì tôi còn siêng đi Huế hơn anh!
- Ừ, mà sao lạ thật! Chúng tôi quen nhau từ thuở mới vào Đệ thất Nguyễn Hoàng. Đã hơn 50 năm rồi mà hình ảnh của Uyên cứ đeo riết lấy mình, cho đến tận bây giờ …! Con tim của các nhà thơ thường mách bảo những điều chí lý. Quả là:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / Nghìn năm hồ dễ đã ai quên!
- Vậy, tôi hỏi thật: Bây giờ con tim của anh đang mách bảo anh điều gì?
Ánh mắt Mân buồn man mác. Anh nhìn mông lung lên khoảng trời xa rồi hạ giọng, nói với nỗi bùi ngùi:
- Thực ra cái tình yêu bồng bột thuở học trò cũng đã qua đi. Bây giờ tình cảm của chúng tôi dành cho Chu Uyên là sự thương cảm –compassion, hơn là tình yêu đôi lứa - love. Chúng tôi tìm đến với Uyên là để thăm hỏi, cảm thông, sẻ chia những nỗi niềm và động viên nàng trong cuộc sống. Than ôi, một kiếp hồng nhan, một đời bạc phận!
- Thôi, tôi hiểu rồi. Anh khỏi cần thanh minh gì cả. Tôi nghĩ bạn anh có tâm sự thì anh cũng có tâm sự. Anh hãy viết một bài gởi cô Quỳnh đăng vào tập san Trường Nguyễn Hoàng – Chân Dung & Kỷ Niệm cho vui. Tôi nghe Quỳnh bảo tập 9 đã đầy trang, anh cứ từ từ viết, thời gian còn thong thả. Khi nào viết xong anh gởi cho cô ấy đăng vào tập 10. Nghe nói tập 10 là tập cuối, sẽ ra mắt vào 2012 cho kịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường đấy.
- Nhưng chữ nghĩa bây giờ đã nhạt nhòa, rơi rụng theo năm tháng, không biết viết thế nào?
- Cứ viết theo con tim mách bảo! Chọn đề tài và đặt tên, ngồi ôn sự kiện, sắp xếp chúng lại cho có lô-gic rồi viết ra, có khó gì mà lo.
- Nhưng nên lấy tên bài viết là gì?
- Chúng ta đang nói về chuyện tình của Chu Uyên và các vệ tinh, đúng không? Tôi đề nghị lấy tên là: Chuyện Tình Nàng Chu-Uyên; muốn ngắn gọn hơn thì đề là: Tình sử Chu-Uyên.
- Ôi, nghe có vẻ lâm li quá! Liệu viết được không?
- Chắc chắn là được! Anh viết ra những gì đã kể cho tôi nghe hôm nay là quá hay rồi! Nhưng hãy kể nhiều hơn về mối tình tha thiết, lãng mạn của nàng dành cho người yêu; đặc biệt, góc khuất tình yêu giữa anh và cô ấy thì chưa thấy anh tỏ bày! Trong bài viết, anh hãy mạnh dạn thêm phần đó vào: yêu trộm nhớ thầm ra sao, trao nhau bao nhiêu lá thư tình, hẹn hò, trò chuyện được mấy lần, đêm nằm thao thức, mơ mộng thế nào, có những giọt nước mắt thất tình rơi lã chã không, vân vân. Nhớ viết đi kẻo mất cơ hội rồi sau này sẽ tiếc ngẩn ngơ!
 
Được lời như cởi tấm lòng, mắt anh sáng lên, mặt anh rạng rỡ như sắp vớ được của quý. Với lời xúi giục của tôi, Mân ra vẻ hăm hở, quyết tâm lắm.
 
Chúng tôi uống thêm một ngụm trà nóng rồi trả tiền hai tách cà phê và đứng lên, cùng nhìn ra mặt sông. Dòng nước vẫn chảy êm đềm về xuôi. Màu nước hình như trong xanh hơn. Một chiếc thuyền nho nhỏ đang đánh cá ven bờ, họ vừa bủa lưới vừa nói cười râm ran. Tôi vui miệng đọc to:
 
Cha chài cất rớ long cong,
Mẹ chài đi chợ mua vòng về đeo!
 
Mân cười tươi, nhận xét:
- Mẹ chài sướng quá!
Tôi cũng cười, đáp lại:
- Thấy mẹ chài sướng là cha chài mãn nguyện rồi!
 
Mân choàng tay ôm chặt lấy tôi, cả hai cùng cười khoái chí. Xa xa trên bầu trời Nhan Biều - Triệu Thượng, một đôi chim đang bay lượn quấn quýt bên nhau, như có ý mời gọi chúng tôi cùng chia sẻ hạnh phúc uyên ương với chúng. Anh bạn bắt tay tạm biệt tôi trong niềm lưu luyến. Một không khí hoài niệm ấm áp tình bạn, tình yêu xen lẫn tình người đang chiếm trọn hai tấm lòng già. Chúng tôi nắm chặt tay lần cuối:
-  Tạm biệt nhé! Hẹn ngày gặp lại.
Trước lúc chia xa, tôi không quên nhắc Mân lần nữa:
- Hãy quyết tâm viết nhé!
- Vâng, mình xin hứa!
 
Chẳng biết anh ta có dám phơi bày hết ruột-gan-tim-phổi cho thiên hạ xem không, nhưng tôi thì háo hức chờ đọc bài viết của Lê Mân - có lẽ chi tiết hơn, trọn vẹn và lâm li hơn - về Chuyện tình nàng Chu-Uyên trong “Trường Nguyễn Hoàng – Chân Dung & Kỷ Niệm” tập 10 sắp đến.
 
                                           TX Quảng Trị, một chiều thu nhớ bạn
                                                          Nguyễn Văn Quang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ