Trang

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2022

QUANG TUYẾT, THI CA & THI NHÂN - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện thực hiện


Nhà thơ Quang Tuyết

Quang Tuyết tên gọi đầy đủ là Đinh Thị Quang Tuyết.
Tự gọi: Viên Sỏi Nhỏ.
Sinh năm 1954. Tâm hồn đủ ba tố chất:
- Bền bỉ, gan dạ của vùng cát trắng Quảng Bình: Quê Nội.
- Lãng mạn nhạy cảm xứ cố đô Sông Hương, Núi Ngự: Quê Ngoại.
- Quật cường, chung thuỷ của nắng gió Quảng Trị “với sức nguời sỏi đá cũng thành cơm”, nơi sinh ra và lớn lên.
 
Là cựu học sinh trường Trung Học Nguyễn Hoàng.
Rất yêu thích văn thơ, âm nhạc ngay từ nhỏ. Tiếc thay không có đủ tài năng để chắp cánh cho niềm yêu thích ấy, nhưng lại là phương pháp nhiệm mầu nhất, xoa dịu tâm hồn những lúc buồn khổ, mất mát.
Hiện sinh sống tại Sài Gòn, và là thành viên Ái Hữu Nguyễn Hoàng Sài Gòn.
 
*
Anh nhớ mãi ngày gặp em, cô gái Tày đẹp xinh, với sắc áo chàm đẹp xinh.
Mà giọng hát nghe sao thiết tha dịu êm, nghe sao ngọt ngào như nước suối.
Trong veo như nước suối giữa rừng sớm mai.
                                             (Nhớ Về Pắc Bó, nhạc Phan Nhân)
 
Về đây khi gió mùa thơm ngát
Ôi lũ chim giang hồ
(Đàn Chim Việt, nhạc Văn Cao)
 
Viết về người làm thơ đã khó và viết về người viết nhạc hoặc ca hát lại càng khó hơn. Thành ra, lâu nay nhiều năm tuy biết cô bạn đồng môn Quang Tuyết vừa hát vừa làm thơ, nhưng bây giờ mới cầm bút viết về người đồng môn đồng khoai này.
 
Năm 1954, Chu Vương Miện vừa 14 tuổi, theo gia đình vào Nam, trước ở Quảng Ngãi, sau ở Quảng Trị, lúc đó Quang Tuyết mới chào đời, có nghĩa là CVM hơn Quang Tuyết khoảng 14 tuổi. Năm 1965 hoặc 66, Quang Tuyết mới vào Đệ Thất (lớp 6 bây giờ) mà năm 1960 CVM đã xa ngôi trường Nguyễn Hoàng vào Đà Nẵng. Tuy nói là huynh đệ đồng môn nhưng chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau.  Toàn là “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, sách xưa nói “hồng nhan bạc triệu”, nguyên cái chuyện mần thơ, cụộc đời đã khổ lại đa mang thêm cái nghiệp cầm ca và nhan sắc nữa thì cầm chắc mọi sự gian nan trắc trở:
 
Gió bạt về đâu tiếng gọi người
Con đò bỏ bến bọt bèo trôi
Rong rêu từ thủa lênh đênh sóng
Trăng chạnh lòng người mây nước trôi
 
Em như khúc nhạc hương mùa cũ
Hoa quyện bên đời một dáng xưa
 
Gió bạt về đâu tiếng gọi người
Con đò lỡ khách bỗng chơi vơi
Mòn mỏi thân gầy thu héo úa
Một mình tôi đợi cuộc tình tôi
                   (Trích Âm Thưa)
 
Ngôi trường Trung Học (Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp) Nguyễn Hoàng là ngôi trường công lập duy nhất của tỉnh Quảng Trị, nhân tài hàng hàng lớp lớp ở đủ mọi nghành nghề, từ thầy đến thợ, từ lính tới quan đều có cả. Tuy nhiên, về diện Âm Nhạc và Ca Hát thì lại rất là thiếu vắng. Sau CVM chừng 4 năm thì có ca sĩ học trò Thu Vàng, em của cô Ngà danh thủ nữ bóng bàn ngang ngửa với bên nam là Nguyễn Văn Thiều vô địch Quảng Trị, từng được đấu giao hữu với quán quân Lê Văn Tiết và Mai Văn Hoà vô địch thế giới tại Pháp mãi cho tới năm 1972 mới có thêm ca sĩ Thu Vàng đến Nguyễn Hoàng học năm Đệ Nhị, vì ông già là đại uý thuyên chuyển từ Quảng Ngãi về làm trưởng ty Dân Vận Chiêu Hồi và Thu Vàng đi theo ông già.
 
Những người thành danh dân Quảng Trị thì nhiều như Duy Khánh giải nhất đài Pháp Á 1953, sau 75 thì có thêm Vân Khánh và Như Quỳnh. Riêng ca sĩ Thu Vàng sở hữu một giọng ca truyền cảm trong trẻo cao vút. Những bản tình ca của Phạm Duy và Văn Cao là sở trường của Thu Vàng. Riêng tiếng hát của Quang Tuyết thì chưa bao giờ được nghe dù rằng Hội Ái Hữu Quảng Trị tại Sài Gòn mỗi năm đều có tổ chức đánh cờ tướng và thi ca hát, “kỳ thi nào Quang Tuyết cũng được chấm giải nhất”?
 
Thương em phận bạc hồng nhan
Chưa vui hạnh phúc lệ trào đẫm mi
-
Vội vàng chi? vội sang sông
buông xuôi số phận theo dòng đục trong
                   (Trích Lục Bát Thương Em)
 
Đọc những dòng thơ trên của Quang Tuyết, người viết liên tưởng tới thầy Huy Phương Lê Nghiêm Kính, giáo sư trường Nguyễn Hoàng:
 
Mùa này hoa cúc đua nhau nở
Thiên hạ xênh xang mặc áo hồng
Một chuyến đò ngang là mấy bến?
Mà người ta vội vã qua sông
                  (Trích Mùa Hoa Cúc)
 
Sau 1975, trang sách cũ đã lật qua, những nhân tuyển mới sau này của trường Nguyễn Hoàng và Quảng Trị cũng hàng hàng lớp lớp thay thế những người viết cũ đã già và đã qua đời.  Khởi đầu là Nguyễn Đức Tùng vừa biên khảo vừa làm thơ, rồi Nguyễn Đặng Mừng viết văn, Nguyễn Khắc Phước chủ biên blog vannghequangtri  và dịch truyện ngoại quốc, La Thuỵ (tức Đoàn Minh Phú) vừa biên khảo Hán văn, vừa làm thơ và ngâm thơ, vừa chủ biên blog Bâng khuâng, kế đó là nhóm thi văn đàn Sông Quê gồm có Phan Thạch Nhân làm thơ, Nguyễn Thị Vĩnh Phước và Nguyễn Thị Liên Hưng đều viết văn, Đinh Trọng Phúc (bút hiệu là Đinh Hoa Lư) dịch truyện ngụ ngôn của Aesop, thêm Quang Tuyết vừa hát vừa làm thơ.
 
Đúng là nhân tài Châu Ô Cận Lục xứ địa linh nhân kiệt, cũng may là trận chiến 1972 làm dân Quảng Trị chết gần ½, nếu không thì nhân tài dồi dào, nhiều biết mấy?
 
Có khi nào anh ngắm bóng chiều phai
lòng chợt nhớ bài thơ xưa tình cũ
nhớ hương lúa ngát thơm đời lãng tử
xoả tóc mềm ai thổn thức cùng trăng
                       (Trích Bâng Khuâng)
 
Đọc một số bài thơ của nhà thơ Quang Tuyết trên vài blog văn học nơi quê nhà và quê người, chúng tôi có nhận xét giản đơn là thơ tuy làm theo thể loại thơ Đầu Điển và Cổ Điển nhưng đã cố gắng làm mới lại ngôn từ, vượt quá xa thơ thời Tiền Chiến , tuy chưa đạt tới mức thơ Tự Do, thơ Hậu Hiện Đại và Tân Hình Thức, nhưng cách dùng chữ khá cách tân và mềm mại uyển chuyển không cũ rích quá mà cũng không mới mẻ choáng váng quá?
 
Trước khi dừng bước giang hồ, xin có lời khen ngợi cô bạn đồng môn đồng khoai người xứ “Châu Ô Cận Lục” vừa có nhan sắc, làm Thơ và Hát khá hay.
 
                                                 Chu Vương Miện & M.Loan Hoa Sử
 
*
 
THƠ QUANG TUYẾT
 
Bài 1
 
RỒI CHỈ THẾ THÔI
 
Thế rồi cũng đến lúc chia tay
Sân cỏ mượt
Nụ hôn ngọt bờ môi tháng tám
Em thẫn thờ đưa tay ôm chắn
Chút dư hương trong giọt nắng muộn màng
Con đường rộng thênh thang
Rắc đầy phấn thông vàng
Một mình em trên lối mòn xưa cũ
Biển cuồng si làm đau con sóng vỗ
Tóc rối ngậm ngùi
Biết gởi gió....
Về đâu?
Rồi ta sẽ lãng quên nhau
Như chưa một lần hay biết
Những con đường tình tha thiêt bước chân qua
Chiếc lá thu phai
Bàng bạc ánh chiều tà
Ray rứt mãi chút muộn màng tình tự
Em thầm hỏi...
Bước chân người xưa nếu về qua chốn cũ
Có gợn sóng trong lòng
Nỗi tiếc nuối bâng khuâng?
Còn nhớ đến màu mắt ai thẳm xanh
Như miền hoang biển mặn ?
Hay ánh trăng xưa
Xanh muôn thuở diệu kỳ
Lạ lùng thay
Từng bước nhẹ em đi
Còn vương mãi nụ hôn chiều tiễn biệt
Biết bao giờ
Bao giờ anh hiểu được
Thôi cũng đành
Đã đến lúc chia tay...
 
 
Bài 2:
 
TÌNH CA LÂU ĐÀI ĐÁ
 
Hôm nay gió có về không nhỉ?
Sao mảnh hồn ta nhẹ cánh bay
Chờ ánh trăng xanh màu cổ tích
Làm nàng công chúa ngủ lâu đài
     
      Rượu nồng ai rót tràn ly mộng
      Chếnh choáng chiều say giữa phố dài
      Có những tâm hồn như đá sỏi
      Mặc gió mưa buồn, mặc nắng phai
 
Mơ màng một thoáng bài luân vũ
Đưa bước chân người đến với ta
Tình trần có vội hay thư thả
Cũng phút vui đời chạm chén hoa
    
      Buớc lạc vườn thơ đầy lá rụng
      Tiếng đàn nâng nhẹ bước người đi
      Muốn dừng chân dựa vào khung cửa
      Đánh thức thời gian thỏa ước vì
 
Quá khứ rêu mờ xanh dấu cỏ
Tay đồng gõ nhẹ một âm thưa
Tỉnh giấc xao lòng bên lối nhỏ
Ngỡ rằng xoá hết nỗi niềm xưa
 
(Kỷ niệm lâu đài đá) 
 
Bài 3:
 
VẾT HẰN SÂU
 
Có một nỗi nhớ rêm rêm trong lòng
Nhức nhối trong tim
Ta vẫn cố chôn sâu tận cùng ký ức
Nỗi nhớ hằn vết trên da
Bạc màu trên tóc
Biến thành tia nhìn trong ánh mắt
Khi chợt trên đường đời bắt gặp chuyện nắng mưa
Nỗi nhớ đẫm ướt lệ mờ
Ngôn tình mặn đắng
Sâu tận cùng nỗi đau trống vắng
Trỗi dậy thành mầm khao khát chuyện ngày xưa
Ôi! nào có ai hiểu dù chỉ là những hạt sương
Đọng trên lá rụng bên đường khi nắng tắt
Cũng cắt vào tâm hồn thành thương tật
Vết hằn sâu trong số kiếp đoạn trường
 
Bài 4
 
BUỒN TRONG KÝ ỨC...
 
Về đây mái tóc màu mây bạc
Nặng trĩu vai gầy khối ưu tư
Bồng bềnh kỷ niệm vùi thương nhớ
Gió chở ưu phiền trong tiếng ru
 
Vẫn đó dòng sông hoài thảnh thức
Thuyền hồn như lướt nhẹ sương mù
Có biết nơi nao là bờ giác
Để người yên nghỉ giấc thiên thu
 
Vẫn đó mùi quê còn hương lúa
Ngai ngái thơm tho rạ cuối mùa
Vẫn đó ... một vùng trời nắng lửa
Mà sao đẫm ướt chuyện tình xưa
 
Ta đứng bên đường mơ nắng lụa
Sân trường tìm bóng cũ nơi nao
Thời gian tàn nhẫn mang đi hết
Những tiếng vui cười nghe xót đau
 
Vẫn đó...
Dư âm còn đâu đó
Nắng cháy hồn thơ khô quắt tim
Vẫn đó rưng rưng dòng lệ cũ
Vẫn xác thân xưa ... Vẫn mãi tìm...
 
(Tháng Bảy trở về)
 
Bài 5
 
ĐƯỜNG CHIỀU VÀ BÓNG EM
 
Chiều thu về trên bến sông xưa
Lòng thương nhớ em thơ
Hồn theo gió lao xao
Thẩn thờ.
Nhìn mây hình như dáng hôm nao
Làn tóc xoã ngang vai
Người em gái tôi yêu- thanh tao
Dòng trôi
Thuyền không lái buông xuôi
Về đâu hỡi em ơi
Đời xa vắng môi tươi
Mỏi mòn
Bóng nước ôm mây trời
Bên tôi không còn em
Đời thôi màu xanh mới
Nụ cười khô trên môi
An Đôn chập chùng sóng biếc
Cây nghiêng rũ lá ven bờ
Ta tìm đâu chốn cũ
Một bóng hình thiên thu
Chiều hoang
Chìm trong bóng trăng non
Mờ nhân ảnh ngây thơ
Nhạt nhoà
Mình tôi
Còn mê mải ươm mơ
Chờ mong những âm thưa
Hương xưa
Đường xa
Đường xa lắm em ơi
Đời đã mỏi chân đi
Lỡ làng
Về đâu
Về đâu giữa sương mưa
Người em gái năm nao
Còn mãi mãi trong ta
Nào phôi pha./.
 
(Nhớ người em gái đi xa)
 
 
Bài 6:
 
ÂM THƯA
 
Gió bạt về đâu tiếng gọi người
Con đò bỏ bến bọt bèo trôi
Rong rêu từ thuở lênh đênh sóng
Trăng chạnh lòng người mây nước ơi
 
Em như khúc nhạc hương mùa cũ
Hòa quyện bên đời một dáng xưa
Mây che đỉnh núi mờ sương lạnh
Sỏi đá cũng buồn lặng tiếng thưa
 
Thuyền chở trăng về soi bóng nước
Tìm trong câu hát lý tình tang
Ai đã quên rồi câu ước hẹn
Trăng buồn rơi xuống đáy Tương Giang
 
Gió bạt về đâu tiếng gọi người
Chuyến đò lỡ khách bỗng chơi vơi
Mòn mõi thân gầy thu héo úa
Một mình tôi đợi cuộc tình tôi.
                      
                          Quang Tuyết
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ