Trang

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

HÀNH TRÌNH THƠ TRẦN THƯƠNG BÁ 2 “LA POESIE CANDIDE, THƠ NGÂY NGÔ” – Đỗ Tư Nhơn


Nhà giáo - nhà thơ Trần Thương Bá
(1940- 2002)

Có thể nhận định rằng hành trình thơ Trần Thương Bá được thể hiện qua ba tập thơ, đánh dấu mốc thời gian chín muồi cho cảm hứng sáng tạo, từ đó câu chữ bắt đầu.
 
Tập thơ TÌNH HUẾ là chặng đầu của dàn hợp xướng, nhà thơ chọn thủ pháp, giọng điệu của chủ nghĩa lãng mạn. Qua đó nhằm biểu hiện “cái tôi trữ tình” rất đỗi yêu thương cảnh vật,  con người xứ Huế nên thơ, kiều diễm. Đồng thời trong phần cuối, tác giả đã tạc nên một tượng đài bằng ngôn ngữ thơ đầy xót xa thương tiếc ban đầu, sau đó đã hóa giải bằng cái nhìn đầy thăng hoa khiến cho hình tượng người vợ quá cố trở nên lung linh mầu nhiệm như thiên thần giữa thiên nhiên đất trời “Áo em mờ ảo màu hoa, Tóc em bay giữa bao la cõi trời”, và anh tin vào thuyết luân hồi của Phật Giáo “Anh biết rồi em sẽ trở về”.
 
Bước sang chặng thứ 2, được mở ra với tập thơ LA POE SIE CANDIDE - THƠ NGÂY NGÔ. Bằng những kiến thức văn học và triết học từ giảng đường Đại Học Văn Khoa Huế, thêm vào đó là khả năng tiếng Pháp nhuần nhuyễn, lần nầy anh chọn Pháp ngữ để diễn đạt những cảm xúc và suy tưởng về cuộc đời, hạnh phúc lẫn khổ đau, hư vô, cái chết, người nghệ sỹ chân chính… Anh rất may mắn có nhiều bằng hữu tri âm tri kỷ, nghe được tiếng rung ngân của tâm hồn anh, đọc thơ anh và thay nhau chuyển ngữ cho mọi người thưởng thức. Đó là các nhà thơ Cao Quảng Văn, Tô Kiều Ngân, Nguyên Hạo, Hồ Đắc Thiếu Anh, Song Nguyên, Tôn Nữ Cẩm Bàn, Tôn Nữ Thu Thủy, Trần Mỹ Hạnh, Trần Quang Châu, Phan Văn Lai, Mịch La Phong.
 
Có thể nói trong một chừng mực nào đó, THƠ NGÂY NGÔ là khúc xạ của ánh sang triết học phương Tây một thời đang lan tỏa sang phương Đông và toàn thế giới.
 
Trong lời tựa cho tập thơ anh đã bộc bạch:
“Ta có thể nhận thấy những bài thơ này gợi lên những tư tưởng của SHOPENHAUER. Nhưng thật ra ý định của nó là cống hiến một loại thơ gợi tưởng, ngây ngô, hay nói đúng hơn là một cách ‘sản ý’ theo cách của triết học SOCRATE”.
 
Bước chân vào thế giới THƠ NGÂY NGÔ của Trần Thương Bá, ấn tượng đầu tiên đến với người đọc, là khó nhận ra sự thống nhất của chủ thể trữ tình - nhà thơ. Tâm hồn anh như đã chứa đựng nhiều sắc thái tâm lí khác biệt, có khi tưởng chừng mâu thuẫn, đối lập nhau, theo cách nói của Xuân Diệu về sự chuyển biến nội tâm “Từ tôi phút trước sang tôi phút này”. Trong thơ anh luôn có sự hiện diện của hai sắc thái, hai tính cách. Mặt này là bi quan, chán chường, hư vô chủ nghĩa - mặt kia là niềm vui, lạc quan, yêu thương đồng loại. Cuộc đời vẫn như thế, có nhiều mảng sáng tối, trắng đen, thiên đàng, địa ngục tùy thuộc cảm nhận và suy nghĩ của mỗi người.
 
Nếu trước đây, qua tập TÌNH HUẾ, nhà thơ thiên về cảm xúc cho nên mạch trữ tình tuôn chảy khi hoài niệm về cảnh vật hay con người. Đến với tập THƠ NGÂY NGÔ, các hình ảnh mang tính biểu tượng chiếm ưu thế, đây là một thủ pháp nghệ thuật của trường phái TƯỢNG TRƯNG mà thi ca Pháp một thời ưa chuộng, với những tên tuổi chói sáng  cả vòm trời thi ca thế giới như BAUDELAIRE, RIMBAUD, APPOINAIRE, MALLARME, VERLAINE…
 
Hãy cùng nhau đi vào tác phẩm qua những dòng thơ được bạn bè chuyển ngữ sinh động:
 
- “Dòng sông đã bỏ chiếc cầu
Ta ôm ngày tháng về đâu một mình”
- “Chiếc cầu còn đó chơ vơ,
Ta còn lại chút dại khờ tình ta”
(CẦU VÀ DÒNG SÔNG – Mịch La Phong dịch)
 
Hay trong bài thơ DÒNG CHẢY do Cao Quảng Văn dịch:
 
“Buồn tênh con nước dưới cầu,
Loanh quanh nước chở về đâu nỗi niềm ?
Lặng nhìn ta giữa triền miên
Nước trong chôn kỷ niệm buồn tuổi thơ”
 
Hình ảnh “Chiếc cầu - Dòng sông” xuất hiện nhiều lần trong trong tác phẩm THƠ NGÂY NGÔ đã gợi lên cảm thức về sự trôi chảy, vô thường, sự mất mát tàn phai của vũ trụ nhiên giới lẫn nội giới nhân sinh.
 
Đó là những biểu tượng nghệ thuật chúng ta đã gặp trong CUNG OÁN NGÂM KHÚC của Nguyễn Gia Thiều với “Cầu thệ thủy ngồi trơ cổ độ, Quán thu phong đứng rũ tà huy” hay Guillaume Apollinaire với CẦU MIRABEAU “Dưới cầu Mirabeau trôi dòng sông Sein, Trôi cả tình yêu của anh và em”. Trong thơ ca Việt Nam hiện đại chúng ta đã gặp ở thi sĩ Hoài Khanh những dòng thơ đầy ấn tượng khó quên: “Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng, Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu” (NGỒI LẠI BÊN CẦU)
 
Những kỷ niệm về tuổi thơ, về tình yêu đã qua đi luôn để lại những điệp khúc buồn thương tiếc nuối trong lòng tác giả. Một ngày nào đó Trần Thương Bá tìm đến dòng sông để soi bóng mình, để tìm lại chút gì dấu  yêu để u hoài tự nhủ “Nước trong chôn kỷ niệm buồn tuổi thơ hay “Chiếc cầu còn đó chơ vơ, Ta còn lại chút dại khờ tình ta”. Tâm thức anh không thể thoát khỏi ‘Buồn tênh” khi chỉ còn ảo ảnh xa mờ của tàn phai. Trong phút chốc ấy anh được đánh thức bởi một tư tưởng triết học từ lâu đã nằm trong tâm khảm bổng hiện về chiếu sáng và giải thoát hồn anh, vì thế trong đoạn kết của bài thơ DÒNG CHẢY đã dẫn ở trên đã hiện ra hình ảnh mới lạ:
 
“Trôi đi, đến chốn xa mờ
Rồi mai kia lại trở về nguồn xưa”
 
“Về nguồn xưa”, mượn ý tưởng của triết gia người Đức nổi tiếng trong trào lưu triết học Hiện sinh về  “LUÂN HỒI VĨNH HẰNG”  F. NIIETZSCHE đã viết như sau: “Vạn vật mất đi, vạn vật lại trở về, bánh xe tồn tại mãi mãi tuần hoàn”
 
Sự thật quan niệm LUÂN HỒI có từ rất lâu, trước khi đạo Phật vận dụng đưa vào kinh sách và bài giảng, đã giúp mọi người ý thức để sống thiện lành, đi đến giải thoát. Với Trần Thương Bá, niềm tin vào LUÂN HỒI VĨNH HẰNG đã trấn an tâm hồn mình, thoát khỏi ám ảnh của hư vô, cảm giác tan rã, mất mát khiến con người bị khủng hoảng, tê liệt.
 
Nhiều bài thơ trong THƠ NGÂY NGÔ nói đến CÁI CHẾT như một ám ảnh không dứt, có thể do ảnh hưởng của câu nói “ CON NGƯỜI LÀ HỮU THỂ HƯỚNG ĐẾN CÁI CHẾT” của triết gia M. HEIDEGGER  một trong những nhà tư tưởng nổi tiếng của thế giới trong thế kỷ XX. Chính suy niệm về CÁI CHẾT mang màu sắc triết học hiện sinh, cho nên Trần Thương Bá đã viết:
 
“Cái chết đâu có gì huyền bí,
Không ai chỉ chết một lần”
 
Và: 
“Rằng được trò chuyện với hư vô / Là điều êm ái”
 
Hơn thế nữa anh còn ngợi ca CÁI CHẾT, trong bài thơ do Tô Kiều Ngân dịch:
 
“Anh muốn ngợi ca,
Ngợi ca cái chết.
Như từng ca ngợi tình yêu
Ngợi ca tình nồng nàn bằng nhiệt huyết
Và cái chết bằng lạnh lẽo giá băng”
 
- “ Để thấy rằng cái chết
Là liều thuốc đắng
- “Để chữa lành cuộc đời”
                      (NGỢI CA)
 
Hiểu được ý nghĩa của CÁI CHẾT, nhà thơ giúp chúng ta trạng thái an nhiên tĩnh lặng khi từ giã trần gian, để tiếp tục vòng LUÂN HỒI trong kiếp sau.
 
Ở trên lời tựa, tác giả đã nói đến tư tưởng của SHOPENHAUER, cho nên nên khi đọc những câu thơ nói về HẠNH PHÚC của Trần Thương Bá chúng ta không còn ngạc nhiên: tâm trạng bi quan, hoài nghi:
 
Không có gì thực bằng nỗi khổ đau
Và phù du hơn hạnh phúc”
(MẤT MÁT do Trần Mỹ Hạnh dịch)
 
Trong bài thơ CÁI BÓNG HẠNH PHÚC do Tô Kiều Ngân dịch đã nói rõ cái nhìn của nhà thơ:
 
“Đợi chờ dù có thế nào,
Hiếm hoi hạnh phúc thấy đâu bây giờ ?
Thì ra hạnh phúc dối lừa,
Không bao giờ đến, đợi chờ uổng công”
 
Đúng như nhan đề bài thơ, hạnh phúc như chiếc bóng, ảo ảnh, không có thực giữa cuộc đời nầy, đó là sự lừa dối, phỉnh phờ
 
Nhưng khi nghĩ về TÌNH YÊU, nghĩ về EM bao giờ anh Trần Thương Bá cũng chân thành, khẩn thiết như một cái gì quý hiếm không thể thiếu vắng trên hành trình đi tìm hạnh phúc, có bài thơ anh bộc lộ nỗi lòng thầm kín:
 
“Em có bao giờ biết được,
Ta cần em nào có khác chi
Cỏ hoa kia cần đến mặt trời”
(CẦN EM – Tô Kiều Ngân dịch)
 
Và kết thúc bằng sự lo ngại xa cách, tàn phai: “Hẳn nhiên rồi, những điều ta sợ nhất/ Là có ngày em cũng sẽ mất đi. Khi hạnh phúc bắt đầu nẩy nở”
 
Không biết trải nghiệm của nhà thơ bao lâu trong TÌNH YÊU, từ  mật ngọt cho đến mật đắng trên đời như ca từ của Trịnh Công Sơn, cho đến khi anh tìm được lời giải đáp không mong muốn:
 
“Tình rao bán phố đông vui,
Hoa kia giữa chợ cho đời trao tay”
(TÌNH YÊU VÀ HOA - Trần Mỹ Hạnh dịch)
 
Bên cạnh những bài thơ mang sắc thái hoài nghi, bi quan chúng ta cũng gặp những dòng thơ ấm áp, lạc quan thể hiện tấm lòng rộng mở, yêu thương cuộc sống.
 
Bài thơ TIM NÀY DÂNG HIẾN được viết lên như một tuyên ngôn đầy nhân ái vị tha của một người đã trải qua nhiều xót đau trong kiếp nhân sinh:
 
“Khi còn sống trên đời,
Ta có một trái tim
Để sẵn sàng dâng hiến”
   (Tô Kiều Ngân dịch)
 
Hinh ảnh em bé nhặt rác liêu xiêu trong chiều, bông hoa sắp tàn, cánh chim giữa trời đều tạo nên mối xúc cảm nơi trái tim nhà thơ, khiến người đọc đồng cảm:
 
“Ta thấy lòng đau những buổi chiều,
Lặng nhìn em bé bóng xiêu xiêu
Còng lưng bao rác trên vai nhỏ”
(ĐỨA BÉ QUEN THÂN – Trần Mỹ Hạnh dịch)
 
Và: 

“Ta nào muốn bỏ đi,
Mà không nói một điều chi
Với hoa sắp tàn buồn bã”
(CÁNH HOA MUỘN do Tôn Nữ Thu Thủy dịch)
 
- “Cánh chim nào bay đi…
-  Chạm vào ta rất khẽ
-  Ta tỉnh giấc muộn phiền”
(CÁNH CHIM do Cao Quảng Văn dịch)
 
- Vẫn trong từ trường của tư tưởng “THẾ GIỚI LÀ CỦA Ý CHÍ VÀ CỦA BIỂU TƯỢNG “ của Schopenauer, nhà thơ Trần Thương Bá đã xây dựng hình tượng ‘NGƯỜI TÙ KHỔ SAI’ để khái quát thân phận và tâm hồn của NGƯỜI NGHỆ SỸ CHÂN CHÍNH:
 
- “Người là tên tù khổ sai/Suốt một đời cực nhọc / Đôi khin hắn ca hát / Trong nhà tù giam hảm/ Có tên là cuộc đời / Nhưng bên trong lòng hắn / Luôn sống dậy tình yêu, Tình yêu thế giới nầy”
                                               (KẺ KHỔ SAI do Tô Kiều Ngân dịch)
 
- Tình yêu thế giới này, tình yêu đồng loại là điều nhà thơ Trần Thương Bá hằng trăn trở, nâng niu, cho nên trong phần cuối của LỜI TỰA tác giả đã viết với tất cả sự thành khẩn thiết tha như một trang KINH THÁNH:
 
- “Sở hữu chính đáng duy nhất của nhân loại là TÌNH YÊU - ĐỒNG - LOẠI.
- Mong sao chúng ta có thể giữ gìn trân trọng vật sở hữu này như một gia tài ta
- Được hưởng không bao giờ cạn, THƠ NGÂY NGÔ sẽ giúp chúng ta”.
 
-  Đến đây HÀNH TRÌNH THƠ Trần Thương Bá đã đi được hai chặng đường với những chuyển biến trong thủ pháp nghệ thuật và nội dung biểu đạt, từ thi pháp của Chủ nghĩa Lãng Mạn sang Tượng Trưng. Tập THƠ NGÂY NGÔ mang tư tưởng triết học phương Tây và chủ thể trữ tình không còn nguyên mẫu, đã nhập vai con người xã hội nhằm trình bày những suy tưởng về tình yêu, hạnh phúc, cái chết, vô thường...
- Dù có những khác biệt về nội dung và nghệ thuật, chúng ta vẫn cảm nhận được hồn thơ đa cảm, nhân ái bên cạnh những nghĩ suy sâu lắng gợi cho người đọc những vấn đề liên quan đến cuộc sống đa dạng và phức tạp.
-  Hành trình thơ TRẦN THƯƠNG BÁ chặng thứ hai với tập THƠ NGÂY NGÔ tạm thời kết thúc ở đây.
- Chặng thứ ba với TẬP VÔ NGÔN KINH sẽ giới thiệu 54 đoản khúc Lục Bát Tứ Tuyệt với nhiều cách tân trong diễn đạt và hướng về tư tưởng triết học phương Đông.
 
                                                                                ĐỖ TƯ NHƠN
 
*
 
CHÚ THÍCH:
 
1/ SOCRATE triết gia cổ đại HY LẠP (sinh 470 BC, mất 399 BC)
2 / SCHOPENHAUER triết gia ĐỨC (-1788-1890) Tác phẩm “THẾ GIỚI LÀ CỦA Ý CHÍ VÀ BIỂU TƯỢNG”
3/ F. NIETZSCHE  triết gia ĐỨC (1844 -1900 ) Tác phẩm “ZARATHUSTRA ĐÃ NÓI NHƯ THẾ”
4/ M. HIEDEGGER triết gia ĐỨC (1889 - 1976) Tác phẩm “HỮU THỂ VÀ THỜI GIAN”
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

POST HÌNH HOẶC VIDEO CLIP VÀO Ô COMMENT :

Các bạn chỉ việc copy link hình hoặc link video clip dán trực tiếp vào ô comment mà không cần dùng thẻ